“Trong tự nhiên, có sự sống và cái chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui.Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người thì sống trong khổ đau.”
Nếu tiên sinh Fukuoka đã nói rằng: “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khơi mào.” Vậy hẳn nhiên chúng ta chỉ cần bắt đầu từ hai câu trích dẫn nho nhỏ thì vẫn có khả năng mở ra toàn bộ nội dung căn bản của cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm ấy!
Như đã được chia sẻ từ những trang đầu, tiên sinh Fukuoka đã thức tỉnh một cách hoàn toàn bất ngờ từ một cơn mê mụ, sau khi nghe tiếng kêu chói tai của một con diệc trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng. Kể từ lúc ánh chớp đó lóe lên, con đường cách mạng trong nông nghiệp của ông cuối cùng cũng nên hình dạng và đi đến thành công rực rỡ trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người, từ nông dân cho tới những nhà khoa học.
Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều về cách làm nông “vô vi” từ cuốn sách mà trong đó tác giả đã trình bày những kiến thức rất chi tiết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng chúng ta chỉ cần nắm được cái cốt lõi “vô vi” ấy thôi thì dù là nông nghiệp hay giáo dục, là hôn nhân hay tôn giáo, tất cả mọi thứ sẽ đều được chuyển mình một cách triệt để nhất. Giống như ta là người nắm giữ hạt mầm chứ không phải chỉ đơn thuần bắt được ngọn cây vậy!
Quay trở lại với hai câu trích dẫn ban đầu, tôi sẽ xuất phát từ điều mà cá nhân tôi nhìn thấy trước tiên, đó là sự phân cực và nỗi đau khổ dường như bất tận của con người khi dính mắc vào nó. Tiên sinh Fukuoka minh chứng về biểu hiện này trong nông nghiệp thông qua việc người nông dân bắt đầu so sánh nhanh-chậm, hơn-thua, lỗ-lãi lúc ngó sang mảnh ruộng nhà hàng xóm và thấy gã hàng xóm thay vì sử dụng trâu kéo đã chuyển sang máy cày.
Người nông dân buồn chán ra mặt và quay vào nhà xem TV thì thấy bọn Mỹ đã sử dụng đến cả máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu rồi (đoạn này là tôi tự nghĩ ra!) Tuy nhiên, sự đắm chìm trong nhị nguyên không chỉ thể hiện ở trong nông nghiệp, nó đã lan rộng ra như một đại dịch trong mọi mặt cuộc sống của con người, từ việc ăn phở cho đến việc yêu Chúa. Mọi thứ đều được con người phân ra rạch ròi, nào là tốt-xấu, hay-dở, thánh-phàm, quá khứ-tương lai, tôi-anh và thậm chí tôi-cái tôi của tôi. Chính sự chia rẽ như vậy là nguyên nhân dẫn tới mọi điều mâu thuẫn và tranh đấu trong cuộc đời, nếu như không nói rằng nó là gốc rễ của mọi sự bạo lực.
Có bao giờ các bạn tự hỏi từ đâu mà mọi thứ trở nên quá phức tạp rối rắm như vậy không? Và sự phức tạp đó đã gây nên những đau đớn như thế nào cho con người không? Khi một người vẫn thao thao bất tuyệt nói về “khoảng không nằm ngoài cái hộp” và nỗ lực vượt qua nó để đi đến cái toàn thể, thì hiển nhiên trong hắn vẫn còn sự dính mắc về giới hạn và không giới hạn, về thực tại và hư vô, về thế giới rối ren của loài người và cõi Niết Bàn. Và một khi đã xây dựng nên bất kỳ một tượng đài nào thì đến một ngày nó vô tình (hay cố tình) bị ai đó đập vỡ, thì kẻ đáng thương ấy sẽ nếm đủ những đau đớn của sự sụp đổ và phẫn nộ, khi đã bám víu vào tượng đài suốt bao nhiêu năm tháng cuộc đời.
Nói đến đây tôi chợt nhớ tới bác Đường Tăng2 phiên bản “quái đản” đã xuất hiện trên thế giới vào đúng ngày này hai năm về trước. Và tôi bắt đầu ngờ rằng trước khi sang Tây Ban Nha, chắc hẳn bác ta có ghé qua Nhật Bổn để đàm đạo cùng tiên sinh Fukuoka, khi mà cả hai người họ đều đã đề cập tới việc những tư tưởng phân cực kéo theo đau khổ cho con người. Và thật trùng hợp khi bác Đường Tam Tạng cũng đã rất thành công trong một cuộc giao đấu “vô vi” với bò tót nơi bản địa. Tại chuyến đi ấy, bác ta đã từng ngân lên bài thơ rằng:
“Này người bạn ơi hãy cứ khócĐừng kìm nén cho đến ngày maiĐời người ta chỉ như con lắcGiữa tốt-xấu, vui-buồn, đúng-sai.”
Đau đớn được thể hiện ở sự muộn phiền, tuyệt vọng, bất mãn, giận dữ, và khả năng cao kẻ đó sẽ có xu hướng muốn thoát khỏi sự khó chịu ấy bằng cách lảng tránh thông qua việc đưa ra bằng được mọi lý lẽ giả dối với chính mình hoặc sử dụng những cảm giác mạnh khác để lấn át đi (có thể thông qua chích hút, rượu chè hay tình dục); nếu không thì sẽ gào thét, khóc lóc vật vã, hoặc thu mình lại đến mức trầm cảm; rồi thì đấu tranh (thậm chí gây chiến tranh) để bảo vệ đến cùng tượng đài ấy. Và khi mọi nỗ lực thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực không thành, kẻ đó sẽ tự kết liễu đời mình bằng một đường cứa vào động mạch chủ!
“Cũng giống như trường hợp người nông dân hám lợi mở đường mương dẫn nước tưới quá rộng và để cho nước chảy ào ào vào ruộng lúa của mình. Bờ mương sẽ bị nứt và đổ sụp. Tới lúc đó thì lại phải bỏ công ra gia cố. Bờ mương được đắp cho kiên cố lại, mương dẫn nước sẽ được mở rộng ra thêm. Lượng nước tăng lên chỉ làm gia tăng mối nguy hiểm tiềm tàng và lần suy yếu sau đó của bờ mương sẽ đòi hỏi công sức lớn hơn để xây dựng lại.”
Các bạn biết không, mọi việc sẽ chẳng đến mức tồi tệ nếu như vấn đề được chấp nhận và truy về tận cùng nguyên nhân gốc rễ của chúng thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa, thay đổi, hay “nâng cấp”. Như những điều tôi hiểu được từ sự diễn giải của tiên sinh Fukuoka về nông nghiệp, thì chuyện cày tung đất lên chỉ làm gia tăng sự phát triển của cỏ dại, sau đó người nông dân sẽ nai lưng ra cả năm trời để nhổ cỏ, và sẽ vui mừng khôn xiết khi có nhà khoa học thiên tài nào đó phát minh ra được thuốc diệt cỏ. Nhưng rồi chính việc sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ làm thoái hóa đất đai, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và đặc biệt tích lũy các chất độc hóa học trong nông sản mà chúng sẽ theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người rồi “trú ngụ” ở đó.
Vậy là chỉ từ việc không nhận ra nguyên nhân khiến cỏ dại tung hoành trên mảnh ruộng của mình mà người nông dân bây giờ phải điêu đứng với việc chạy chữa trong bệnh viện vì những bệnh tật liên quan đến thần kinh hay tế bào do hóa chất bảo vệ thực vật gây nên!
Khi xuất hiện một nỗi đau, một sự phiền muộn hay thương tổn, có mấy ai trong chúng ta là dám đi đến tận cùng nguyên nhân dẫn đến những sự khó chịu đó? Hầu hết con người không đủ sức, không đủ trí tuệ và cũng không đủ sự bao dung để mà ngồi lại với những vấn đề của chính mình. Việc lấp liếm dễ dàng hơn rất nhiều, việc gào thét vào mặt người khác cũng rất là đơn giản và thậm chí việc nổ súng, đánh bom gây thương tích, chết chóc cho nhau cũng chẳng nằm ngoài tầm tay. Chỉ có những kẻ yếu đuối mới lờ lớ lơ đi chính bản thân mình và rất thường xuyên đi làm tổn thương người khác.
Giả sử như khi nhìn thấy người yêu của bạn đang hôn hít, sờ soạng một cô nàng nóng bỏng nào đó, bạn bắt đầu cảm thấy phát điên phát rồ lên hết cả. Lúc đó bạn muốn bắn bỏ ngay con ranh kia và tùng xẻo thằng khốn nạn đã từng là người yêu mình một giây trước, hay là bạn sẽ bình tâm lại, đứng sang một bên và đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự phẫn nộ ấy? Nếu bạn không nhận ra rằng tất cả chỉ là những cái cớ để mọi thứ trong tâm trỗi dậy thì có lẽ bạn cần bị phản bội đến cả chục lần thì may ra mới học được cách đi tìm nguyên nhân của vấn đề, thay vì cứ nhảy choi choi lên như chín lần chán ngán trước.
Có khổ thì ắt có nguyên nhân dẫn đến sự khổ, và chúng đều bắt nguồn từ sự sợ hãi. Trong cuốn sách, tác giả đã thể hiện rất rõ rằng: Người nông dân sợ phải nai lưng ra làm nếu không phun thuốc diệt cỏ nên đã gây ra sự mất cân bằng sinh thái, sợ mùa màng thất bát nếu hành động khác đi so với khuyến nghị của chính phủ nên đã đánh mất đi sự gắn bó với những thực phẩm truyền thống giàu giá trị, và sợ không thu được lợi nhuận nếu không sử dụng chất bảo quản, chất kích thích, chất tạo màu để “làm đẹp” cho nông sản nên đã gieo rắc bệnh tật cho toàn xã hội.
Nhưng đấy là trong nông nghiệp, còn trong cuộc sống bình thường của mỗi người, liệu có mấy ai nhìn ra được những nỗi sợ hãi ẩn chứa sâu thẳm đã dẫn dắt mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình? Nỗi sợ dư luận, sợ đói khổ, sợ chết, sợ cô đơn, sợ thua kém người khác, sợ không được công nhận, sợ thay đổi,… tất cả chúng đều là những hạt nhân găm vào tâm trí con người và thao túng, dẫn dắt mọi động thái của hầu hết loài người để hình thành nên một xã hội thối nát và bạo tàn như ngày nay. Hãy nhìn cho thật kỹ xem một ngày thức giấc và bắt đầu sống thì bạn đã để sự sợ hãi dắt mũi mình bao nhiêu lần trong đó? Tôi cá rằng câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
Hãy quan sát lại một lượt những gì tôi vừa nói, vậy câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Tại sao trong tự nhiên và trong thế giới loài người đều có sự sống và cái chết, mà tự nhiên lại đầy ắp niềm vui, trong khi loài người thì chịu nhiều đau khổ?” là gì? Nó là sự dính mắc trong nhị nguyên hay là sự đắm chìm trong những nỗi sợ hãi? Nó không phải cả hai điều đó các bạn ạ. Mà câu trả lời chính là: Con người vẫn nằm trong ma trận của tâm trí (hay nói cách khác là họ nhìn toàn bộ thế giới qua lăng kính của trí năng.)
Tâm trí gây dựng nên những khái niệm, những tên gọi về đặc tính của hiện tượng khiến con người ngày càng xa rời chính hiện tượng đó. Và rồi chính sự mông lung về thế giới sẽ kéo theo những nỗi sợ hãi đầy vẻ tăm tối cùng những sự so sánh đậm chất mê muội. Chúng trở thành một vòng xoáy không lối thoát khi một người lỡ sa chân vào địa hạt của trí năng.
Ví dụ như một kẻ đánh mất người yêu, tâm trí anh ta bắt đầu cho rằng không có người yêu thì cuộc đời sẽ thật cô đơn, không được ai yêu thương thì mình sẽ thật bất hạnh. Anh ta mang theo nỗi niềm tuyệt vọng trong những hành trình tiếp theo của mình và đến một ngày không thể chịu đựng nổi, anh ta bắt đầu xây dựng nên một hình tượng Đấng cứu thế với tên gọi là God và ngày ngày cầu nguyện để hòng mong đợi Ngài tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để anh ta có thể trở lại với cuộc đời. Nếu như những lời cầu nguyện được đáp ứng thì anh ta sẽ tin rằng có Chúa và tiếp tục khấn lạy, nếu không thì anh ta sẽ tự hành hạ mình cho đến chết vì cảm thấy vô phương cứu chữa.
Hãy nhìn lại xem chàng trai này đã ảo tưởng đến mức nào khi tự vẽ ra mọi chuyện, từ đau khổ, rồi chữa chạy, tin tưởng, hân hoan rồi tự kết liễu đời mình. Anh ta nháo nhác trong một màn kịch (mà tự thân làm đạo diễn) chẳng khác gì chính sự náo động của tâm trí như một con khỉ liên tục chuyền cành!
Chuyện về tên ngốc ở trên và chuyện về cuộc cách mạng nông nghiệp của tiên sinh Fukuoka khiến tôi nhớ đến câu nói đầy khắc khoải trong bài phát biểu1 của người sáng lập ra trung tâm Pun Pun - một nông trại hữu cơ ở ngoại ô Chiang Mai (Thái Lan):
“Bởi vì chúng ta đã được dạy để làm cho cuộc sống phức tạp và khó khăn, làm sao khiến nó trở nên dễ dàng đây? Thực ra nó dễ dàng nhưng chúng ta không biết làm sao cho nó dễ dàng nữa.”
Trong cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã chỉ ra đích xác nguyên nhân dẫn đến sự thối nát trong nền nông nghiệp Nhật Bản là vì người nông dân, chính phủ, những nhà khoa học hào hứng “phát minh” ra đủ các phương pháp “cải tiến hiện đại hơn”. Trong khi, ông lại cách mạng nông nghiệp dựa vào phương pháp phi phương pháp - tức là không-làm-gì-cả dựa trên bốn nguyên tắc: Không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay sử dụng thuốc diệt cỏ và không phụ thuộc vào hóa chất. Nếu đem những nguyên tắc này ra để ướm vào cuộc cách mạng tâm thức con người thì chúng sẽ tương ứng với: Không vọng tưởng, không thêm bớt, không tranh đấu và không dính mắc!
Nói đến đây không thể không nhắc tới bản Bát Nhã Tâm Kinh2 mà nó khiến tôi nhận ra rằng tất thảy đều là những ảo ảnh khái niệm được gây dựng nên từ tâm trí của loài người. Khi không còn dính mắc vào tâm trí nữa thì không còn chướng ngại, mà tâm không chướng ngại sẽ không sợ hãi, kẻ đó sẽ không còn xao động vọng tưởng và đặt chân tới cõi Niết Bàn – giây phút hiện tại trong sáng. Cõi Niết bàn luôn ở đó cho một kẻ đã buông đi mọi hình dung về cõi Niết Bàn! Thật ra thì hắn cần phải buông luôn cả chữ “BUÔNG” ấy nữa(!)
Tất cả đều là những công cụ để con người quay trở lại với sự tự nhiên và thống nhất mà thôi. Kẻ nào một khi vẫn còn dính mắc vào những công cụ ấy như người qua sông vẫn vác theo con thuyền, thì kẻ đó hãy vẫn còn nằm trong sự rối ren khổ sở.
Bùn dơ tràn ra thời nảy nở.Vàng ngọc hé lộ sẽ lụi tànNgười khôn ngoan chọn đường im lặng.Nháo nhác đương tìm kẻ dại khờ.
Tác giả Fukuoka đã minh họa về sự buông bỏ trong các kiểu chế độ ăn của con người đi từ việc ăn theo khoái khẩu, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn cân bằng cho đến cuối cùng chỉ là ăn mà thôi. Ngày nay ba chế độ ăn đầu tiên rất nhiều người vẫn đang dính mắc vào, nếu không sinh bệnh tật thì cũng sinh ra sự so sánh hơn thua với các chế độ ăn khác dẫn tới việc phán xét, áp đặt nhau trong ăn uống, và cảm giác bất an khi không theo được đúng “gu” của bản thân. Những kẻ đó đang ăn với một tâm đầy rẫy những quy tắc, phân tích, cân đo trong khi tất cả những gì họ cần khi ăn là một tâm không-gì-cả, hay nói chính xác hơn là không có một tâm gì cả - ăn trong thinh lặng. Khi đó chuyện ăn uống mới đích thực là ăn uống, hương vị mới rõ ra hương vị và sự tận hưởng mới là toàn diện!
Bây giờ tôi có thể khẳng định rằng: “Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người vẫn có thể đầy ắp niềm vui được khi họ trở về với bản chất tự nhiên của chính mình!”
Còn cân trong dạ hỡi ôiCòn tham trong bụng nuốt trời sao đang!Dẹp đi địa ngục thiên đàngDọn đi quỷ dữ cùng hàng thánh tăngDưới đêm thư thả ta nằmBừng ra quầng sáng rọi vào vầng trăng.
Vậy đấy các bạn ạ, cuốn sách này đã chỉ ra rất rõ con đường cách mạng không chỉ trong nông nghiệp mà còn chính trong tâm thức của con người, bằng việc buông bỏ và đi về sự hòa hợp với tự nhiên, liên kết với vạn vật và tận hưởng giây phút hiện tại hạnh phúc. Khi một kẻ đã thức tỉnh thì điều ấy giống như tiếng chuông ngân vang giữa không gian vậy, âm thanh thức tỉnh sẽ lan ra mọi chiều hướng khác. Sự khai sáng của hắn sẽ phát triển theo cấp số mũ! Nó là một cuộc chuyển mình vĩ đại, một sự mở tung hoàng loạt những cánh cửa và là một cuộc cách mạng chói sáng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không chỉ đơn thuần nói về nông nghiệp và sự giác ngộ tâm linh, nó còn truyền tải rất nhiều những vấn đề quan trọng khác trong xã hội ngày nay, gợi cho bạn đọc không ít những suy tưởng và khao khát tìm hiểu, khám phá, như là: Ô nhiễm môi trường, sự quay vòng sản phẩm trong sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, sự kiểm soát của chính phủ, tâm lý đám đông, nông nghiệp hữu cơ, cộng đồng tự cung tự cấp, văn hóa ẩm thực, v.v…
Phải nói rằng cuốn sách này quá đỗi phong phú và sâu sắc về nội dung khiến người đọc muốn hiểu cặn kẽ được một trang thôi thì cũng phải bỏ công ra tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có một sự liên kết chắc chắn giữa chúng. Việc này cũng giống như một người muốn tận hưởng được trọn vẹn một miếng cơm gạo lứt thì hắn phải kiên nhẫn nhai đi nhai lại tầm từ 70 đến 100 lần vậy!
Tuy nhiên, chính sự quá đỗi phong phú và đầy đủ của tác phẩm lại khiến tôi cảm thấy bất mãn vô cùng nếu như không nói là phát điên lên vì không còn chút đất diễn nào. Tiên sinh Fukuoka đã nói hết tất cả những gì tôi đã liên tưởng được trước đó mất rồi. Ví dụ như khi đọc đến trang 56 tôi đánh một mũi tên ra cuốn sổ tay, ghi chú về Bát Nhã Tâm Kinh thì “Bát Nhã Tâm Kinh” xuất hiện ở trang 216, đến trang 131 với sự suy tưởng về phương pháp Thực dưỡng thì “Thực dưỡng” ngóc đầu lên ở trang 168, và rồi tôi viết ra 4 chế độ ăn thường gặp của con người khi đọc đến trang 171 thì chính xác 4 chế độ ăn đó ngồi chễm chệ ở trang 190. Quả thực, lúc ấy tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, vứt cuốn sách lại không đọc tiếp nữa khi chỉ còn hơn hai chục trang và hục hặc lẩm bẩm trong đầu rằng: “Lão khọm già này nói hết cả phần của mình rồi còn đâu!”
Nhưng thật là hay các bạn ạ, nếu đây là cuốn sách chỉ đơn thuần về nông nghiệp thì hẳn nhiên tôi sẽ không bao giờ đọc nốt những trang còn lại vì sự bức bối sẽ chẳng làm sao mà giải tỏa cho thỏa đáng (tôi vốn rất dị ứng với những tác giả chiếm hết cả đất của bạn đọc). Tuy nhiên, cuốn sách này bản chất lại truyền tải nội dung về cuộc cách mạng trong tâm thức, nó là một lời nhắc rất khéo cho tôi về những tượng đài quan niệm và tư tưởng bên trong sẽ gây nên cảm xúc tiêu cực, bực bội khi chúng bị động chạm vào, và là một cái huých tay nhẹ nhàng để giúp tôi nhớ về tâm không-gì-cả. Vậy là chỉ mất khoảng 15 phút cho cả những phẫn nộ và cuộc “cách mạng” nội tâm của mình, tôi đã vui vẻ quay trở lại hoàn thành việc đọc. Hiển nhiên ngay trước đó tôi đã có được một tràng cười “Hế hế hế” đầy sung sướng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm mang một chất giọng rất đặc biệt, là sự pha trộn giữa phong thái của một ông nông dân, một nhà khoa học, một triết gia và một thầy tu! Bạn đọc có thể chia nhỏ cuốn sách ra nhiều phần và cảm nhận từng giọng điệu ở đó để có thể thấy rõ được sự phong phú, tinh anh và trong sáng về tâm hồn của tác giả, rồi cuối cùng đặt một cái nhìn bao quát lên toàn bộ tác phẩm sẽ thấy một sự hài hòa đầy duyên dáng.
Nội dung được kết cấu theo tiến trình phát triển của cuộc cách mạng một-cọng-rơm, đi từ sự tự giác ngộ tâm linh cho đến những khó khăn vấp phải vào những ngày đầu quay trở lại với tự nhiên và cuối cùng là sự thành công trong nông nghiệp “vô vi” cùng với sự đúc kết những tư tưởng thức tỉnh của tác giả. Vậy nên khi đọc cuốn sách này, cảm xúc của tôi đi theo dạng đồ thị hàm bậc hai với hệ số a dương. Bởi vì đoạn khó nuốt nhất là đoạn chính giữa – quá trình diễn ra cuộc cách mạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nó giống như một cuộc lội ngược dòng khi mà tất cả đám đông đều chạy theo những phương pháp được cho là đổi mới, tân tiến, hiện đại trong khi tiên sinh Fukuoka tuyệt nhiên đi theo con đường về với sự đơn giản nhất.
Cuộc cách mạng tâm thức của con người cũng vậy, phần khó khăn nhất là đối diện với chính mình và đi ngược với những thói quen, lần lại mọi xiềng xích trong tư tưởng, và việc này cần phải sử dụng đến một sức mạnh và sự kiên nhẫn nhất định mới có thể làm được. Vì thế mà khi đọc tới đoạn khó nuốt nhất ấy thì cảm giác rằng tôi cũng phải nỗ lực như chính tác giả vậy! Để rồi đến những chương cuối của cuốn sách, tôi mới có được cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, giống như một kẻ đã trải qua những cuộc biến đổi để rồi khi mọi thứ thành tựu, hắn ta bình an ngồi bên bếp lửa và nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình với một con mắt tinh tường!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm có đan xen những hình ảnh rất trực quan và hữu ích cho sự theo dõi của mọi người. Tuy nhiên, những kiến thức nông nghiệp trong này nếu cứ đọc dàn trải mà không cô đọng hay tóm tắt lại thì sẽ rất khó nắm bắt, thậm chí là có cảm giác bội thực. Cá nhân tôi đã thấy không tài nào nuốt trôi được cuốn sách cho tới khi buộc phải vẽ ra một sơ đồ với những từ khóa cơ bản để nhìn rõ được mối tương quan giữa các nội dung về kiến thức nông nghiệp ấy.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng, Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không phải là thứ dành cho những người không kiên nhẫn! Sự không dễ dàng này thể hiện chức năng như một bộ lọc người đọc, có lẽ những điều giá trị là để dành cho kẻ dám bỏ công sức ra để nắm lấy, còn những ai quen thói mì ăn liền thì sẽ chỉ có thể hạnh phúc bên tô mì mà thôi! Nói đến đây, tôi cứ hình dung ra cảnh tiên sinh Fukuoka khoát tay và bảo rằng: “Hãy về với những sợi Omachi của bạn đi, vì đây là một bát cơm gạo lứt!”
Tuy nhiên, một điều khiến tôi cảm thấy e ngại đó là: Cuốn sách có thể đến được tay bạn đọc, nhưng khả năng nó sẽ không ở lại được lâu dài với số đông. Vì với những người thiếu kiến thức (về nông nghiệp hay tâm linh, hay cả hai) thì họ không thể nuốt trôi, rồi thành ra vứt xó cuốn sách khi còn đọc dang dở; với người cổ hủ, cố chấp thì dễ sinh mâu thuẫn và chán ghét; với người tự nhận mình là biết tuốt thì thấy cuốn sách cũng chẳng khác gì những thể loại triết lý vẫn còn đang xếp đầy trên giá. Tóm lại, một sản phẩm đậm chất buông bỏ như thế này sẽ không dành cho những người còn đầy dính mắc trong tâm trí – mà số này lại chiếm phần lớn! Thật mỉa mai khi nhận ra chính họ lại là người cần nó hơn cả!
Bây giờ là đoạn khó nhất - chấm điểm! Đặt địa vị là một kẻ đi tìm con đường khai sáng thì có lẽ tôi đã có được thứ mình cần trong cuốn sách này, đặt địa vị là một kẻ chỉ có những khái niệm cơ bản về nông nghiệp (như là nhổ cỏ, gieo hạt, bón phân, tưới nước,…) đang tìm kiếm một góc nhìn đột phá thì tôi cũng thấy phần nào đáp án và đặt địa vị là một người viết review sách tôi cũng được thỏa mãn bởi mức độ thử thách đầy hấp dẫn và những bài học đính kèm mà tác phẩm mang lại. Tôi sẽ chấm điểm 8.8/10 cho cuốn sách! Tuy nhiên nếu để giỡn chơi một chút với tiên sinh Fukuoka nếu ổng có đọc được bài viết này thì tôi sẽ cho Cuộc cách mạng một-cọng-rơm điểm 0/0!
Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng cuốn sách không chỉ đơn thuần là cách mạng một-cọng-rơm, nó còn là cuộc cách mạng không-gì-cả. Vì từ một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã nhìn ra toàn bộ nền nông nghiệp và từ không-gì-cả, ông đã chạm tới Tất Cả!
Không tìm, không trốn, không ngẩn ngơ.Không khôn cũng chẳng phải dại khờKhông vùng eo hẹp, không bát ngát.Không rơm, không Fukukhôngka!
Tác giả: Vũ Thanh Hòa