Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Bức thư của tù trưởng da đỏ

Năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mỹ là Franklin Pierce muốn người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng. Tù trưởng Xi-át-tơn (Seattle) của bộ lạc da đỏ Duwamish và Supuamish đã trả lời với người đại diện của Tổng thống Hoa Kì. Bài trả lời được Tiến sĩ Henry A.Smith ghi và dịch ra tiếng Anh. 

Bức thư được coi là văn kiện hay nhất xưa nay nói về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất đai quê hương ngàn đời của họ và quan niệm thâm thúy của họ về môi trường sống của con người cũng như tham vọng thôn tính của một đế quốc.

"Bầu trời này, nguồn sưởi ấm đất đai của chúng tôi làm sao Ngài có thể mua bán nổi? Ý nghĩ sao mà lạ lùng đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi không có bầu không khí trong lành này và mặt nước long lanh, thì làm sao Ngài có thể mua nổi? 

Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của người da đỏ. 

Khi người da trắng chết đi, họ thường dạo chơi giữa các vì sao và quên đi đất nước họ sinh ra. Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này. Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình. 

Ấy thế mà vị thủ lĩnh vĩ đại ở Washington lại ngỏ ý muốn mua mảnh đất này của chúng tôi. Họ đòi hỏi quá nhiều và hứa hẹn dành cho chúng tôi một nơi sống thoải mái, và rồi họ sẽ là người cha chăn dắt và chúng tôi sẽ trở thành những đứa con của họ. Vậy, chúng tôi phải cân nhắc ý muốn đất đai của họ. Nhưng, quả không phải việc giản đơn, bởi lẽ mảnh đất này đối với chúng tôi là thiêng liêng. 

Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi. Nếu chúng tôi bán mảnh đất này cho Ngài, Ngài phải nhớ rằng, Ngài phải dạy bảo con cháu rằng, mảnh đất này là thiêng liêng và những tia sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ trong vắt sẽ nói lên cái gì đó về ký ức của người da đỏ. Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi. 

Những dòng sông là người anh em của chúng tôi, làm chúng tôi nguôi đi những cơn khát. Những dòng sông chuyên chở những con thuyền và nuôi lớn con cháu chúng tôi... Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ dạy bảo con cháu Ngài những dòng sông là người anh, người em của chúng tôi và các Ngài từ nay trở đi phải đối xử tử tế với những dòng sông như Ngài đã đối xử với anh em Ngài.  

Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của chúng tôi. Đối với họ, mảnh đất này cũng như mảnh đất khác, bởi lẽ họ là kẻ xa lạ, và trong đêm tối, họ lấy đi từ lòng đất những gì họ cần. Mảnh đất này đâu phải là những người anh em của họ, mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi đã chinh phục được, thì họ sẽ lấn tới. Mồ mả tổ tiên của họ, họ còn quên và họ cũng chẳng cần tới dòng tộc của họ. Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán đi như những con cừu và những hạt kim cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc. 

Tôi biết, cách sống của chúng tôi khác với cách sống của Ngài. Cảnh đẹp nơi thành phố của Ngài làm nhức nhối con mắt người da đỏ. Có lẽ, người da đỏ hoang dã và tăm tối chăng? 

Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng. Nếu có nghe thấy thì đó cũng chỉ là những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai. Và cái gì sẽ xảy ra đối với cuộc sống, nếu con người không nghe được âm thanh lẻ loi của chú chim đớp mồi hay tiếng tranh cãi của những chú ếch ban đêm bên hồ? Tôi là người da đỏ, tôi thật không hiểu nổi điều đó. Người Anh-điêng chúng tôi ưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ, được nước mưa gội rửa và thấm đượm hương thơm của phấn thông. 

Không khí quả là quý quá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó. Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ. 

Như vậy, chúng tôi mới cân nhắc những ý muốn mua mảnh đất này của Ngài. Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện - đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em. 

Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc. 

Ngài phải dạy cho con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình. 

Ngay cả đối với người da trắng, họ được đi cùng và nói chuyện với chúng như người bạn đối với người bạn, cũng không thể nào tránh khỏi số phận chung của con người. Sau hết chúng ta có thể trở thành anh em và hãy chờ xem. Nhưng điều mà chúng tôi biết trước được là đến một ngày nào đó người da trắng sẽ hiểu là chúng ta có cùng một Chúa, có thể lúc này Ngài nghĩ Ngài có Người (Chúa) nên Ngài muốn có mảnh đất này của chúng tôi. Nhưng Ngài sẽ không thể nào có được. Người là vị chúa của con người và tình cảm của Người sẽ được chia sẻ công bằng cho người da đỏ cũng như người da trắng. Mảnh đất này đối với Người là quý giá và làm tổn hại đến mảnh đất là khinh rẻ Đấng tạo thế. Người da trắng cũng vậy, rồi sẽ qua đi và còn sớm hơn tất cả các bộ lạc khác. Làm ô uế nấm mồ của Ngài, thì một đêm nào đó Ngài sẽ chết vì ngạt thở trên đất hoang mạc của Ngài.  

Nhưng trước giây phút tàn lụi, ở trong Ngài sẽ lóe sáng lên sức mạnh của Chúa, Người đã mang Ngài tới mảnh đất này là vì lý do đặc biệt nào đó đã cho Ngài quyền thống trị người da đỏ rồi bị thiêu cháy. Đối với chúng tôi vận số đó thật là huyền bí. Bởi vì, chúng tôi không hiểu nổi khi những con trâu rừng bị tàn sát, khi những chú ngựa sắt hoang ngự trị, khi những góc rừng kín đáo nặng mùi con người, khi quang cảnh của những vùng rừng xanh mướt bị những sợi dây biết nói xóa sạch. Đâu còn những cánh rừng rậm rạp? Tất cả đã qua đi và đâu còn những chú đại bàng vĩ đại? Tất cả đã qua đi."

Nguồn: http://kenh14.vn/kham-pha/cuoc-song-ton-tho-thien-nhien-cua-nguoi-da-do-cach-day-100-nam-20140720034323885.chn

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Cách mạng một-cọng-rơm, Masanobu Fukuoka - Cuộc cách mạng toàn diện trong tâm thức con người

“Trong tự nhiên, có sự sống và cái chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui.
Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người thì sống trong khổ đau.”
Nếu tiên sinh Fukuoka đã nói rằng: “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khơi mào.” Vậy hẳn nhiên chúng ta chỉ cần bắt đầu từ hai câu trích dẫn nho nhỏ thì vẫn có khả năng mở ra toàn bộ nội dung căn bản của cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm ấy!
Như đã được chia sẻ từ những trang đầu, tiên sinh Fukuoka đã thức tỉnh một cách hoàn toàn bất ngờ từ một cơn mê mụ, sau khi nghe tiếng kêu chói tai của một con diệc trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng. Kể từ lúc ánh chớp đó lóe lên, con đường cách mạng trong nông nghiệp của ông cuối cùng cũng nên hình dạng và đi đến thành công rực rỡ trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người, từ nông dân cho tới những nhà khoa học.
Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều về cách làm nông “vô vi” từ cuốn sách mà trong đó tác giả đã trình bày những kiến thức rất chi tiết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng chúng ta chỉ cần nắm được cái cốt lõi “vô vi” ấy thôi thì dù là nông nghiệp hay giáo dục, là hôn nhân hay tôn giáo, tất cả mọi thứ sẽ đều được chuyển mình một cách triệt để nhất. Giống như ta là người nắm giữ hạt mầm chứ không phải chỉ đơn thuần bắt được ngọn cây vậy!
Quay trở lại với hai câu trích dẫn ban đầu, tôi sẽ xuất phát từ điều mà cá nhân tôi nhìn thấy trước tiên, đó là sự phân cực và nỗi đau khổ dường như bất tận của con người khi dính mắc vào nó. Tiên sinh Fukuoka minh chứng về biểu hiện này trong nông nghiệp thông qua việc người nông dân bắt đầu so sánh nhanh-chậm, hơn-thua, lỗ-lãi lúc ngó sang mảnh ruộng nhà hàng xóm và thấy gã hàng xóm thay vì sử dụng trâu kéo đã chuyển sang máy cày.
Người nông dân buồn chán ra mặt và quay vào nhà xem TV thì thấy bọn Mỹ đã sử dụng đến cả máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu rồi (đoạn này là tôi tự nghĩ ra!) Tuy nhiên, sự đắm chìm trong nhị nguyên không chỉ thể hiện ở trong nông nghiệp, nó đã lan rộng ra như một đại dịch trong mọi mặt cuộc sống của con người, từ việc ăn phở cho đến việc yêu Chúa. Mọi thứ đều được con người phân ra rạch ròi, nào là tốt-xấu, hay-dở, thánh-phàm, quá khứ-tương lai, tôi-anh và thậm chí tôi-cái tôi của tôi. Chính sự chia rẽ như vậy là nguyên nhân dẫn tới mọi điều mâu thuẫn và tranh đấu trong cuộc đời, nếu như không nói rằng nó là gốc rễ của mọi sự bạo lực.
Có bao giờ các bạn tự hỏi từ đâu mà mọi thứ trở nên quá phức tạp rối rắm như vậy không? Và sự phức tạp đó đã gây nên những đau đớn như thế nào cho con người không? Khi một người vẫn thao thao bất tuyệt nói về “khoảng không nằm ngoài cái hộp” và nỗ lực vượt qua nó để đi đến cái toàn thể, thì hiển nhiên trong hắn vẫn còn sự dính mắc về giới hạn và không giới hạn, về thực tại và hư vô, về thế giới rối ren của loài người và cõi Niết Bàn. Và một khi đã xây dựng nên bất kỳ một tượng đài nào thì đến một ngày nó vô tình (hay cố tình) bị ai đó đập vỡ, thì kẻ đáng thương ấy sẽ nếm đủ những đau đớn của sự sụp đổ và phẫn nộ, khi đã bám víu vào tượng đài suốt bao nhiêu năm tháng cuộc đời.
Nói đến đây tôi chợt nhớ tới bác Đường Tăng2 phiên bản “quái đản” đã xuất hiện trên thế giới vào đúng ngày này hai năm về trước. Và tôi bắt đầu ngờ rằng trước khi sang Tây Ban Nha, chắc hẳn bác ta có ghé qua Nhật Bổn để đàm đạo cùng tiên sinh Fukuoka, khi mà cả hai người họ đều đã đề cập tới việc những tư tưởng phân cực kéo theo đau khổ cho con người. Và thật trùng hợp khi bác Đường Tam Tạng cũng đã rất thành công trong một cuộc giao đấu “vô vi” với bò tót nơi bản địa. Tại chuyến đi ấy, bác ta đã từng ngân lên bài thơ rằng:
“Này người bạn ơi hãy cứ khóc
Đừng kìm nén cho đến ngày mai
Đời người ta chỉ như con lắc
Giữa tốt-xấu, vui-buồn, đúng-sai.”
Đau đớn được thể hiện ở sự muộn phiền, tuyệt vọng, bất mãn, giận dữ, và khả năng cao kẻ đó sẽ có xu hướng muốn thoát khỏi sự khó chịu ấy bằng cách lảng tránh thông qua việc đưa ra bằng được mọi lý lẽ giả dối với chính mình hoặc sử dụng những cảm giác mạnh khác để lấn át đi (có thể thông qua chích hút, rượu chè hay tình dục); nếu không thì sẽ gào thét, khóc lóc vật vã, hoặc thu mình lại đến mức trầm cảm; rồi thì đấu tranh (thậm chí gây chiến tranh) để bảo vệ đến cùng tượng đài ấy. Và khi mọi nỗ lực thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực không thành, kẻ đó sẽ tự kết liễu đời mình bằng một đường cứa vào động mạch chủ!
“Cũng giống như trường hợp người nông dân hám lợi mở đường mương dẫn nước tưới quá rộng và để cho nước chảy ào ào vào ruộng lúa của mình. Bờ mương sẽ bị nứt và đổ sụp. Tới lúc đó thì lại phải bỏ công ra gia cố. Bờ mương được đắp cho kiên cố lại, mương dẫn nước sẽ được mở rộng ra thêm. Lượng nước tăng lên chỉ làm gia tăng mối nguy hiểm tiềm tàng và lần suy yếu sau đó của bờ mương sẽ đòi hỏi công sức lớn hơn để xây dựng lại.”
Các bạn biết không, mọi việc sẽ chẳng đến mức tồi tệ nếu như vấn đề được chấp nhận và truy về tận cùng nguyên nhân gốc rễ của chúng thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa, thay đổi, hay “nâng cấp”. Như những điều tôi hiểu được từ sự diễn giải của tiên sinh Fukuoka về nông nghiệp, thì chuyện cày tung đất lên chỉ làm gia tăng sự phát triển của cỏ dại, sau đó người nông dân sẽ nai lưng ra cả năm trời để nhổ cỏ, và sẽ vui mừng khôn xiết khi có nhà khoa học thiên tài nào đó phát minh ra được thuốc diệt cỏ. Nhưng rồi chính việc sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ làm thoái hóa đất đai, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và đặc biệt tích lũy các chất độc hóa học trong nông sản mà chúng sẽ theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người rồi “trú ngụ” ở đó.
Vậy là chỉ từ việc không nhận ra nguyên nhân khiến cỏ dại tung hoành trên mảnh ruộng của mình mà người nông dân bây giờ phải điêu đứng với việc chạy chữa trong bệnh viện vì những bệnh tật liên quan đến thần kinh hay tế bào do hóa chất bảo vệ thực vật gây nên!
Khi xuất hiện một nỗi đau, một sự phiền muộn hay thương tổn, có mấy ai trong chúng ta là dám đi đến tận cùng nguyên nhân dẫn đến những sự khó chịu đó? Hầu hết con người không đủ sức, không đủ trí tuệ và cũng không đủ sự bao dung để mà ngồi lại với những vấn đề của chính mình. Việc lấp liếm dễ dàng hơn rất nhiều, việc gào thét vào mặt người khác cũng rất là đơn giản và thậm chí việc nổ súng, đánh bom gây thương tích, chết chóc cho nhau cũng chẳng nằm ngoài tầm tay. Chỉ có những kẻ yếu đuối mới lờ lớ lơ đi chính bản thân mình và rất thường xuyên đi làm tổn thương người khác.
Giả sử như khi nhìn thấy người yêu của bạn đang hôn hít, sờ soạng một cô nàng nóng bỏng nào đó, bạn bắt đầu cảm thấy phát điên phát rồ lên hết cả. Lúc đó bạn muốn bắn bỏ ngay con ranh kia và tùng xẻo thằng khốn nạn đã từng là người yêu mình một giây trước, hay là bạn sẽ bình tâm lại, đứng sang một bên và đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự phẫn nộ ấy? Nếu bạn không nhận ra rằng tất cả chỉ là những cái cớ để mọi thứ trong tâm trỗi dậy thì có lẽ bạn cần bị phản bội đến cả chục lần thì may ra mới học được cách đi tìm nguyên nhân của vấn đề, thay vì cứ nhảy choi choi lên như chín lần chán ngán trước.
Có khổ thì ắt có nguyên nhân dẫn đến sự khổ, và chúng đều bắt nguồn từ sự sợ hãi. Trong cuốn sách, tác giả đã thể hiện rất rõ rằng: Người nông dân sợ phải nai lưng ra làm nếu không phun thuốc diệt cỏ nên đã gây ra sự mất cân bằng sinh thái, sợ mùa màng thất bát nếu hành động khác đi so với khuyến nghị của chính phủ nên đã đánh mất đi sự gắn bó với những thực phẩm truyền thống giàu giá trị, và sợ không thu được lợi nhuận nếu không sử dụng chất bảo quản, chất kích thích, chất tạo màu để “làm đẹp” cho nông sản nên đã gieo rắc bệnh tật cho toàn xã hội.
Nhưng đấy là trong nông nghiệp, còn trong cuộc sống bình thường của mỗi người, liệu có mấy ai nhìn ra được những nỗi sợ hãi ẩn chứa sâu thẳm đã dẫn dắt mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình? Nỗi sợ dư luận, sợ đói khổ, sợ chết, sợ cô đơn, sợ thua kém người khác, sợ không được công nhận, sợ thay đổi,… tất cả chúng đều là những hạt nhân găm vào tâm trí con người và thao túng, dẫn dắt mọi động thái của hầu hết loài người để hình thành nên một xã hội thối nát và bạo tàn như ngày nay. Hãy nhìn cho thật kỹ xem một ngày thức giấc và bắt đầu sống thì bạn đã để sự sợ hãi dắt mũi mình bao nhiêu lần trong đó? Tôi cá rằng câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
Hãy quan sát lại một lượt những gì tôi vừa nói, vậy câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Tại sao trong tự nhiên và trong thế giới loài người đều có sự sống và cái chết, mà tự nhiên lại đầy ắp niềm vui, trong khi loài người thì chịu nhiều đau khổ?” là gì? Nó là sự dính mắc trong nhị nguyên hay là sự đắm chìm trong những nỗi sợ hãi? Nó không phải cả hai điều đó các bạn ạ. Mà câu trả lời chính là: Con người vẫn nằm trong ma trận của tâm trí (hay nói cách khác là họ nhìn toàn bộ thế giới qua lăng kính của trí năng.)
Tâm trí gây dựng nên những khái niệm, những tên gọi về đặc tính của hiện tượng khiến con người ngày càng xa rời chính hiện tượng đó. Và rồi chính sự mông lung về thế giới sẽ kéo theo những nỗi sợ hãi đầy vẻ tăm tối cùng những sự so sánh đậm chất mê muội. Chúng trở thành một vòng xoáy không lối thoát khi một người lỡ sa chân vào địa hạt của trí năng.
Ví dụ như một kẻ đánh mất người yêu, tâm trí anh ta bắt đầu cho rằng không có người yêu thì cuộc đời sẽ thật cô đơn, không được ai yêu thương thì mình sẽ thật bất hạnh. Anh ta mang theo nỗi niềm tuyệt vọng trong những hành trình tiếp theo của mình và đến một ngày không thể chịu đựng nổi, anh ta bắt đầu xây dựng nên một hình tượng Đấng cứu thế với tên gọi là God và ngày ngày cầu nguyện để hòng mong đợi Ngài tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để anh ta có thể trở lại với cuộc đời. Nếu như những lời cầu nguyện được đáp ứng thì anh ta sẽ tin rằng có Chúa và tiếp tục khấn lạy, nếu không thì anh ta sẽ tự hành hạ mình cho đến chết vì cảm thấy vô phương cứu chữa.
Hãy nhìn lại xem chàng trai này đã ảo tưởng đến mức nào khi tự vẽ ra mọi chuyện, từ đau khổ, rồi chữa chạy, tin tưởng, hân hoan rồi tự kết liễu đời mình. Anh ta nháo nhác trong một màn kịch (mà tự thân làm đạo diễn) chẳng khác gì chính sự náo động của tâm trí như một con khỉ liên tục chuyền cành!
Chuyện về tên ngốc ở trên và chuyện về cuộc cách mạng nông nghiệp của tiên sinh Fukuoka khiến tôi nhớ đến câu nói đầy khắc khoải trong bài phát biểu1 của người sáng lập ra trung tâm Pun Pun - một nông trại hữu cơ ở ngoại ô Chiang Mai (Thái Lan):
“Bởi vì chúng ta đã được dạy để làm cho cuộc sống phức tạp và khó khăn, làm sao khiến nó trở nên dễ dàng đây? Thực ra nó dễ dàng nhưng chúng ta không biết làm sao cho nó dễ dàng nữa.”
Trong cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã chỉ ra đích xác nguyên nhân dẫn đến sự thối nát trong nền nông nghiệp Nhật Bản là vì người nông dân, chính phủ, những nhà khoa học hào hứng “phát minh” ra đủ các phương pháp “cải tiến hiện đại hơn”. Trong khi, ông lại cách mạng nông nghiệp dựa vào phương pháp phi phương pháp - tức là không-làm-gì-cả dựa trên bốn nguyên tắc: Không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay sử dụng thuốc diệt cỏ và không phụ thuộc vào hóa chất. Nếu đem những nguyên tắc này ra để ướm vào cuộc cách mạng tâm thức con người thì chúng sẽ tương ứng với: Không vọng tưởng, không thêm bớt, không tranh đấu và không dính mắc!
Nói đến đây không thể không nhắc tới bản Bát Nhã Tâm Kinh2 mà nó khiến tôi nhận ra rằng tất thảy đều là những ảo ảnh khái niệm được gây dựng nên từ tâm trí của loài người. Khi không còn dính mắc vào tâm trí nữa thì không còn chướng ngại, mà tâm không chướng ngại sẽ không sợ hãi, kẻ đó sẽ không còn xao động vọng tưởng và đặt chân tới cõi Niết Bàn – giây phút hiện tại trong sáng. Cõi Niết bàn luôn ở đó cho một kẻ đã buông đi mọi hình dung về cõi Niết Bàn! Thật ra thì hắn cần phải buông luôn cả chữ “BUÔNG” ấy nữa(!)
Tất cả đều là những công cụ để con người quay trở lại với sự tự nhiên và thống nhất mà thôi. Kẻ nào một khi vẫn còn dính mắc vào những công cụ ấy như người qua sông vẫn vác theo con thuyền, thì kẻ đó hãy vẫn còn nằm trong sự rối ren khổ sở.
Bùn dơ tràn ra thời nảy nở.
Vàng ngọc hé lộ sẽ lụi tàn
Người khôn ngoan chọn đường im lặng.
Nháo nhác đương tìm kẻ dại khờ.
Tác giả Fukuoka đã minh họa về sự buông bỏ trong các kiểu chế độ ăn của con người đi từ việc ăn theo khoái khẩu, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn cân bằng cho đến cuối cùng chỉ là ăn mà thôi. Ngày nay ba chế độ ăn đầu tiên rất nhiều người vẫn đang dính mắc vào, nếu không sinh bệnh tật thì cũng sinh ra sự so sánh hơn thua với các chế độ ăn khác dẫn tới việc phán xét, áp đặt nhau trong ăn uống, và cảm giác bất an khi không theo được đúng “gu” của bản thân. Những kẻ đó đang ăn với một tâm đầy rẫy những quy tắc, phân tích, cân đo trong khi tất cả những gì họ cần khi ăn là một tâm không-gì-cả, hay nói chính xác hơn là không có một tâm gì cả - ăn trong thinh lặng. Khi đó chuyện ăn uống mới đích thực là ăn uống, hương vị mới rõ ra hương vị và sự tận hưởng mới là toàn diện!
Bây giờ tôi có thể khẳng định rằng: “Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người vẫn có thể đầy ắp niềm vui được khi họ trở về với bản chất tự nhiên của chính mình!”
Còn cân trong dạ hỡi ôi
Còn tham trong bụng nuốt trời sao đang!
Dẹp đi địa ngục thiên đàng
Dọn đi quỷ dữ cùng hàng thánh tăng
Dưới đêm thư thả ta nằm
Bừng ra quầng sáng rọi vào vầng trăng.
Vậy đấy các bạn ạ, cuốn sách này đã chỉ ra rất rõ con đường cách mạng không chỉ trong nông nghiệp mà còn chính trong tâm thức của con người, bằng việc buông bỏ và đi về sự hòa hợp với tự nhiên, liên kết với vạn vật và tận hưởng giây phút hiện tại hạnh phúc. Khi một kẻ đã thức tỉnh thì điều ấy giống như tiếng chuông ngân vang giữa không gian vậy, âm thanh thức tỉnh sẽ lan ra mọi chiều hướng khác. Sự khai sáng của hắn sẽ phát triển theo cấp số mũ! Nó là một cuộc chuyển mình vĩ đại, một sự mở tung hoàng loạt những cánh cửa và là một cuộc cách mạng chói sáng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không chỉ đơn thuần nói về nông nghiệp và sự giác ngộ tâm linh, nó còn truyền tải rất nhiều những vấn đề quan trọng khác trong xã hội ngày nay, gợi cho bạn đọc không ít những suy tưởng và khao khát tìm hiểu, khám phá, như là: Ô nhiễm môi trường, sự quay vòng sản phẩm trong sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, sự kiểm soát của chính phủ, tâm lý đám đông, nông nghiệp hữu cơ, cộng đồng tự cung tự cấp, văn hóa ẩm thực, v.v…
Phải nói rằng cuốn sách này quá đỗi phong phú và sâu sắc về nội dung khiến người đọc muốn hiểu cặn kẽ được một trang thôi thì cũng phải bỏ công ra tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có một sự liên kết chắc chắn giữa chúng. Việc này cũng giống như một người muốn tận hưởng được trọn vẹn một miếng cơm gạo lứt thì hắn phải kiên nhẫn nhai đi nhai lại tầm từ 70 đến 100 lần vậy!
Tuy nhiên, chính sự quá đỗi phong phú và đầy đủ của tác phẩm lại khiến tôi cảm thấy bất mãn vô cùng nếu như không nói là phát điên lên vì không còn chút đất diễn nào. Tiên sinh Fukuoka đã nói hết tất cả những gì tôi đã liên tưởng được trước đó mất rồi. Ví dụ như khi đọc đến trang 56 tôi đánh một mũi tên ra cuốn sổ tay, ghi chú về Bát Nhã Tâm Kinh thì “Bát Nhã Tâm Kinh” xuất hiện ở trang 216, đến trang 131 với sự suy tưởng về phương pháp Thực dưỡng thì “Thực dưỡng” ngóc đầu lên ở trang 168, và rồi tôi viết ra 4 chế độ ăn thường gặp của con người khi đọc đến trang 171 thì chính xác 4 chế độ ăn đó ngồi chễm chệ ở trang 190. Quả thực, lúc ấy tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, vứt cuốn sách lại không đọc tiếp nữa khi chỉ còn hơn hai chục trang và hục hặc lẩm bẩm trong đầu rằng: “Lão khọm già này nói hết cả phần của mình rồi còn đâu!”
Nhưng thật là hay các bạn ạ, nếu đây là cuốn sách chỉ đơn thuần về nông nghiệp thì hẳn nhiên tôi sẽ không bao giờ đọc nốt những trang còn lại vì sự bức bối sẽ chẳng làm sao mà giải tỏa cho thỏa đáng (tôi vốn rất dị ứng với những tác giả chiếm hết cả đất của bạn đọc). Tuy nhiên, cuốn sách này bản chất lại truyền tải nội dung về cuộc cách mạng trong tâm thức, nó là một lời nhắc rất khéo cho tôi về những tượng đài quan niệm và tư tưởng bên trong sẽ gây nên cảm xúc tiêu cực, bực bội khi chúng bị động chạm vào, và là một cái huých tay nhẹ nhàng để giúp tôi nhớ về tâm không-gì-cả. Vậy là chỉ mất khoảng 15 phút cho cả những phẫn nộ và cuộc “cách mạng” nội tâm của mình, tôi đã vui vẻ quay trở lại hoàn thành việc đọc. Hiển nhiên ngay trước đó tôi đã có được một tràng cười “Hế hế hế” đầy sung sướng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm mang một chất giọng rất đặc biệt, là sự pha trộn giữa phong thái của một ông nông dân, một nhà khoa học, một triết gia và một thầy tu! Bạn đọc có thể chia nhỏ cuốn sách ra nhiều phần và cảm nhận từng giọng điệu ở đó để có thể thấy rõ được sự phong phú, tinh anh và trong sáng về tâm hồn của tác giả, rồi cuối cùng đặt một cái nhìn bao quát lên toàn bộ tác phẩm sẽ thấy một sự hài hòa đầy duyên dáng.
Nội dung được kết cấu theo tiến trình phát triển của cuộc cách mạng một-cọng-rơm, đi từ sự tự giác ngộ tâm linh cho đến những khó khăn vấp phải vào những ngày đầu quay trở lại với tự nhiên và cuối cùng là sự thành công trong nông nghiệp “vô vi” cùng với sự đúc kết những tư tưởng thức tỉnh của tác giả. Vậy nên khi đọc cuốn sách này, cảm xúc của tôi đi theo dạng đồ thị hàm bậc hai với hệ số a dương. Bởi vì đoạn khó nuốt nhất là đoạn chính giữa – quá trình diễn ra cuộc cách mạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nó giống như một cuộc lội ngược dòng khi mà tất cả đám đông đều chạy theo những phương pháp được cho là đổi mới, tân tiến, hiện đại trong khi tiên sinh Fukuoka tuyệt nhiên đi theo con đường về với sự đơn giản nhất.
Cuộc cách mạng tâm thức của con người cũng vậy, phần khó khăn nhất là đối diện với chính mình và đi ngược với những thói quen, lần lại mọi xiềng xích trong tư tưởng, và việc này cần phải sử dụng đến một sức mạnh và sự kiên nhẫn nhất định mới có thể làm được. Vì thế mà khi đọc tới đoạn khó nuốt nhất ấy thì cảm giác rằng tôi cũng phải nỗ lực như chính tác giả vậy! Để rồi đến những chương cuối của cuốn sách, tôi mới có được cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, giống như một kẻ đã trải qua những cuộc biến đổi để rồi khi mọi thứ thành tựu, hắn ta bình an ngồi bên bếp lửa và nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình với một con mắt tinh tường!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm có đan xen những hình ảnh rất trực quan và hữu ích cho sự theo dõi của mọi người. Tuy nhiên, những kiến thức nông nghiệp trong này nếu cứ đọc dàn trải mà không cô đọng hay tóm tắt lại thì sẽ rất khó nắm bắt, thậm chí là có cảm giác bội thực. Cá nhân tôi đã thấy không tài nào nuốt trôi được cuốn sách cho tới khi buộc phải vẽ ra một sơ đồ với những từ khóa cơ bản để nhìn rõ được mối tương quan giữa các nội dung về kiến thức nông nghiệp ấy.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng, Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không phải là thứ dành cho những người không kiên nhẫn! Sự không dễ dàng này thể hiện chức năng như một bộ lọc người đọc, có lẽ những điều giá trị là để dành cho kẻ dám bỏ công sức ra để nắm lấy, còn những ai quen thói mì ăn liền thì sẽ chỉ có thể hạnh phúc bên tô mì mà thôi! Nói đến đây, tôi cứ hình dung ra cảnh tiên sinh Fukuoka khoát tay và bảo rằng: “Hãy về với những sợi Omachi của bạn đi, vì đây là một bát cơm gạo lứt!”
Tuy nhiên, một điều khiến tôi cảm thấy e ngại đó là: Cuốn sách có thể đến được tay bạn đọc, nhưng khả năng nó sẽ không ở lại được lâu dài với số đông. Vì với những người thiếu kiến thức (về nông nghiệp hay tâm linh, hay cả hai) thì họ không thể nuốt trôi, rồi thành ra vứt xó cuốn sách khi còn đọc dang dở; với người cổ hủ, cố chấp thì dễ sinh mâu thuẫn và chán ghét; với người tự nhận mình là biết tuốt thì thấy cuốn sách cũng chẳng khác gì những thể loại triết lý vẫn còn đang xếp đầy trên giá. Tóm lại, một sản phẩm đậm chất buông bỏ như thế này sẽ không dành cho những người còn đầy dính mắc trong tâm trí – mà số này lại chiếm phần lớn! Thật mỉa mai khi nhận ra chính họ lại là người cần nó hơn cả!
Bây giờ là đoạn khó nhất - chấm điểm! Đặt địa vị là một kẻ đi tìm con đường khai sáng thì có lẽ tôi đã có được thứ mình cần trong cuốn sách này, đặt địa vị là một kẻ chỉ có những khái niệm cơ bản về nông nghiệp (như là nhổ cỏ, gieo hạt, bón phân, tưới nước,…) đang tìm kiếm một góc nhìn đột phá thì tôi cũng thấy phần nào đáp án và đặt địa vị là một người viết review sách tôi cũng được thỏa mãn bởi mức độ thử thách đầy hấp dẫn và những bài học đính kèm mà tác phẩm mang lại. Tôi sẽ chấm điểm 8.8/10 cho cuốn sách! Tuy nhiên nếu để giỡn chơi một chút với tiên sinh Fukuoka nếu ổng có đọc được bài viết này thì tôi sẽ cho Cuộc cách mạng một-cọng-rơm điểm 0/0!
Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng cuốn sách không chỉ đơn thuần là cách mạng một-cọng-rơm, nó còn là cuộc cách mạng không-gì-cả. Vì từ một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã nhìn ra toàn bộ nền nông nghiệp và từ không-gì-cả, ông đã chạm tới Tất Cả!
Không tìm, không trốn, không ngẩn ngơ.
Không khôn cũng chẳng phải dại khờ
Không vùng eo hẹp, không bát ngát.
Không rơm, không Fukukhôngka!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Hạn chế lãng phí thức ăn sẽ giúp bảo vệ môi trường như thế nào?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-11.
Hàng đêm trên thế giới có 805 triệu người đang đi ngủ với cái bụng đói meo và thật trớ trêu khi mà 1/3 lượng thực phẩm trên toàn thế giới lại đang bị lãng phí hàng năm. Ngoài những ảnh hưởng về mặt xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm hoang phí này còn gián tiếp tác động xấu đến môi trường. Và các chuyên gia cho rằng nếu tiết kiệm được lượng thực phẩm hoang phí thì đồng nghĩa với bảo vệ môi trường, kiềm hãm quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

Lượng thực phẩm lãng phí trên thế giới lớn cỡ nào?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-2.
Những quả cà chua không bán được, bị hư và phải bỏ đi tại một chợ nông phẩm Asheville, Bắc Carolina. Khoảng 26% lượng cà chua trồng tại Mỹ không bao giờ đến được tay người tiêu dùng

Hơn 1/3 trong toàn bộ sản lượng lương thực trên khắp hành tinh đã bị bỏ phí. Đây chính là lượng thực phẩm bị quá hạn trong lúc vận chuyển, bị những người dân ở nước giàu vứt đi do đã mua quá nhiều, dư thừa mà không dùng hết. Theo ước tính, toàn bộ 1,3 tỷ tấn thực phẩm này có giá bán lẻ vào khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, bạn có biết mỗi đêm đang có 805 triệu người trên thế giới đang đi ngủ với cái bụng đói meo. Ngoài những tác động xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm thải bỏ này còn tác động tiêu cực đến "chi phí môi trường" trong quá trình sản xuất ra thực phẩm.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, tính riêng lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí có thể tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga - con sông lớn nhất tại Châu Âu. Còn lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí đã tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2. Nếu lượng thức ăn lãng phí được ghép lại thành 1 quốc gia thì nó sẽ trở thành nước có tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tinhte-lang-phi-thuc-an-10.
John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies

John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies, Hoa Kỳ cho biết rằng có thể hạn chế lượng thực phẩm lãng phí bằng cách cải thiện "Chuỗi cung ứng lạnh" (cold chain) - bao gồm tăng cường công nghệ đông lạnh trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Trong Hội nghị kinh tế thế giới diễn ra hồi đầu năm nay (1/2015) tại Davos, Thụy Sĩ, ông đã nói về vấn đề thực phẩm lãng phí. Bên dưới đây là câu trả lời của ông khi được phỏng vấn quanh vấn đề này. Xin được lược dịch lại cho các bạn tiện theo dõi.

Tại sao vấn đề lãng phí thực phẩm có vẻ như ít được chú ý tới?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-3.
Khung cảnh một cơ sở trứng tại Granja Mantiqueira, Brazil. Hàng ngày có 5,4 triệu quả trứng tươi được thu thập tại đây. Trong khi đó hàng năm các nước Mỹ Latin có hơn 15 triệu tấn trứng và sữa bị lãng phí trong quá trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Trong khi người dân tại đây cũng đã bỏ phí đi 2,5 triệu tấn.

Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thì thực phẩm có thể dễ dàng tiếp cận tới tất cả mọi người. Trong khi thực phẩm cực kỳ phong phú nên con người thường không nhận thấy được số tiền to lớn do lãng phí thực phẩm và tất nhiên, họ cũng ít quan tâm tới những tác động của nó tới những tác động xã hội, chính trị, môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên khi tìm cách hạn chế lượng khí thải nhà kính thì việc lãng phí thực phẩm là nguyên nhân có thể cải thiện dễ dàng. Việc cải thiện không cần phải có bất kỳ công nghệ mới nào, chỉ cần sử dụng hiệu quả những gì chúng ta có là được.

Thực phẩm là ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nhân loại. Mỗi người trên khắp hành tinh đều sống dựa vào đó. Vậy tại sao lại có tới 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra nhưng không bao giờ được sử dụng?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-4.
Ảnh chụp trong một bữa dạ tiệc tại Thượng Hải, hàng tá hải sản trên đây chỉ là 1 trong số 13 bàn tiệc. Các đám cưới của người giàu được xem như hình mẫu của sự lãng phí thực phẩm tại Trung Quốc và những loại thực phẩm thừa từ các quán cafe, nhà hàng tăng nhanh cùng thu nhập người dân tại các thành phố. Ước tính có hơn 9 triệu tấn protein bị lãng phí mỗi năm tại đây.

Thực phẩm bị lãng phí có 2 dạng. 1/3 số thực phẩm lãng phí là do người dùng, họ mua quá nhiều rồi không dùng hết và vứt nó đi. Khoảng 2/3 còn lại bị hủy trong quá trình sản xuất và cung ứng. Thí dụ như trấy nhiều thực phẩm đang bị thối rữa trên các cánh đồng, bị hư hại do mạng lưới giao thông vận tải nghèo nàn, bị hỏng tại các chợ do thiếu kỹ thuật bảo quản thích hợp,… Chúng ta có thể cải thiện bằng cách vận chuyển và lưu trữ thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp nhằm mở rộng nguồn cung ứng hơn.

Chúng ta có thể làm gì để cải thiện? Các ngành công nghiệp và tổ chức chính phủ nên làm gì để giảm lượng thực phẩm hoang phí?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-6.
Một khoảng khắc đẹp tại "Chợ nông sản xấu xí" ở vùng Lisbon, Bồ Đào Nha. Những loại thực phẩm đẹp mắt luôn được người tiêu dùng lựa chọn và do đó, nông sản bị lỗi không thể đạt chuẩn để bán tại các siêu thị. Người ta đã chọn ra giải pháp là hình thành nên các chợ nông sản xấu, nơi mà chúng sẽ được chiết khấu, đảm bảo người nông dân vẫn bán được hàng và trong năm đầu tiên thực hiện mô hình này, 50 tấn nông sản đã được dùng thay vì đưa vào thùng rác.

Chính phủ có thể bạn hành thêm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà trước đây chưa có. Đây sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn trong quá trình vận chuyền và lưu trữ thực phẩm, đặc biệt là những thứ dễ hỏng như thịt, cá, sữa và nông phẩm. Mặt khác, cách làm này còn đảm bảo tiêu thụ sẽ an toàn hơn. Trong khi đó, các hãng công nghiệp đóng vai trò đổi mới và phát triển công nghệ, qua đó, họ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các hãng thực phẩm cũng có thể đóng góp bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về tác động của lãng phí thực phẩm.

Chúng ta sẽ được gì nếu hạn chế lãng phí thức ăn?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-7.
Khung cảnh thu hoạch cần tây tại vùng Greenfield, California. Lượng năng lượng dùng để thu hoạch, sản xuất, đóng gói và cung ứng số thực phẩm lãng phí đã thải ra 3,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm.

Đây sẽ là một hành động mang tính lịch sử. Chúng ta sản xuất đủ thức ăn để nuôi sống mỗi người trên hành tinh và sẽ có thêm 2,5 tỷ người được sinh ra trong 35 năm tới. Do đó, chúng ta cần phải bớt lãng phí để nuôi sống nhiều người khác. Tại Mỹ, ngành nông nghiệp đã sử dụng 38% diện tích đất không đóng băng, trong khi tổng diện tích dành cho thành phố chỉ có 2% và đồng thời, nông nghiệp sử dụng 70% lượng nươc ngọt. Do không thể sản xuất nhiều hơn nên việc bớt lãng phí sẽ giúp nuôi sống nhiều người khác. Bên cạnh đó, hành động này còn có tác động tích cực tới môi trường: lượng phát thải khí nhà kính ít đi trong khi tiết kiêm được nguồn nước.

Và người dùng sẽ được gì?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-5.
Tủ lạnh bên trái chứa đầy những loại thức ăn đóng họp mang đi nên sẽ khó kiểm soát trước khi nó hỏng. Tủ lạnh bên phải chứa các loại nông phẩm tươi sống nên cần phải có kế hoạch nấu nướng và lưu trữ hợp lý. Các loại vi khuẩn gây hỏng thực phẩm thường ít có điều kiện hoạt động ở nhiệt độ dưới 4 độ C.

Có thể một người không thể giúp được nhiều, nhưng nếu tất cả mọi người đều hành động thì sẽ tạo nên tác động lớn. Hãy đơn giản là mua thức ăn đủ dùng và hạn chế vứt đi. Hãy chấp nhận rằng các loại nông phẩm vẫn đảm chất lượng cao, rất ngon lành mặc dù có một số khuyết điểm nhỏ xuất hiện trên đó. Thức ăn ăn không hết ở nhà hàng có thể mang về nhà. Những thay đổi nhỏ này có thể mang lại kết quả lớn.

Chuỗi cung ứng lạnh là gì và có công nghệ mới nào sẽ cải thiện nó?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-9.
Hình ảnh container lạnh tại cảng Jurong, Singapore. Đây là một phần trong chuỗi cung ứng lạnh và bằng cách cải thiện nó, chúng ta có thể giảm lượng thực phẩm lãng phí

Chuỗi cung ứng lạnh là một mạng lưới vận tải, lưu trữ các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá, sữa và các loại nông phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để tránh hư hỏng. Hệ thống này liên quan tới những công nghệ như container lạnh trên tàu biể, xe tải đông lạnh, kho lạnh và hệ thồng trưng bày đông lạnh. Hiện tại có nhiều công nghệ hiệu quả với giá thành hợp lý nhằm liên tục theo dõi và giám sát thực phẩm trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo duy trì các thông số nhiệt độ thích hợp. Đây là một cách chủ động ngăn chặn thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình cung ứng. Việc ung cấp các giải pháp xe tải đông lạnh giá rẻ cũng được thực hiện tại Ấn Độ nhằm cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng này. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất làm lạnh tự nhiên và khai thác năng lượng hiệu quả cũng góp phần giúp cũng cung ứng lạnh thân thiện với môi trường hơn.

Làm thế nào phổ cập chuỗi cung ứng lạnh đến các quốc gia đang phát triển, vốn thu nhập chưa cao nhưng nhu cầu lại nhiều

Hiện tại, người ta chưa thể mang toàn bộ hệ thống xe tải đông lạnh hiện đại tại Mỹ hoặc châu Ấu đến trang bị cho các nước nghèo. Trong nhiều trường hợp, cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá tại các quốc gia này chưa đủ điều kiện để các xe tải lớn hoạt động, kỹ năng của nhân công chưa đủ để vận hành những hệ thống cung ứng phức tạp và nền kinh tế cũng chưa cho phép triển khai các hệ thống này một cách hiệu quả. Vì vậy, vấn đề ở đây là tìm cách thu nhỏ quy mô của chuỗi cung ứng lạnh, ít tính năng hơn, giá cả hợp lý hơn nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế tại các nước nghèo.

Tham khảo Natgeo (1), (2), FAO
 

Nông nghiệp và Công nghệ

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Mọi thứ em viết là dựa trên sự hiểu biết của cá nhân. Mà sự hiểu biết cá nhân là sự hiểu biết có giới hạn, dựa trên những hoạt động thực tế là chủ yếu Vậy nên đúng thì ghi nhận, mà sai thì bỏ qua. Đừng quăng đá em mà tội nghiệp.pacman emoticon
---------------------------------------------------------------------------
Nông nghiệp và Công nghệ.
Hồi nào tới giờ em mê nông nghiệp. Một phần do được lớn lên trên đất làm nông. Tuổi thơ gắn với mùi thơm cây lúa, với chổi lúa của bà, sân gạch, mái ngói. Tuổi thơ gắn với những ngày trưa hè, bà ngoại dụ em đi học bằng cách rang thóc cho ăn chơi. Tuổi thơ gắn với những ngày cuộn tròn bên đống rơm bà trải nền, rúc rúc lòng bà, sưởi bên bếp lửa. Hay em cũng thuộc thành phần luyến tiếc làng xã nhỉ.pacman emoticon
Quay lại, những ngày đi học là những ngày được nhồi sọ về sức mạnh của công nghệ trong mọi việc. Em không phủ nhận sự giá trị mà công nghệ đem lại. Nông nghiệp có GPS nhàn hơn hẳn, biết cây thiếu gì, cây cần gì bổ sung ngay tắp lự. Mưa ra sao, gió thế nào, cây gì phù hợp. Những thứ này ngày xưa, hồi mà chưa có công nghệ í, hồi ngày nay, hồi mà nông dân nghèo vẫn chưa áp dụng được công nghệ í thì phải thử bằng đúng- sai. Cây nào sống thì dùng, cái nào chết thì không hợp, bỏ.pacman emoticon.
Công nghệ khi đầu tư vào nông nghiệp, giúp giảm công sức lao động đi rất nhiều. Nhưng công nghệ để áp dụng cho những mô hình nhỏ lẻ, khi người nông dân còn đang đánh vật với cây gì, con gì; để có thể "mạnh dạn" hay "liều" đầu tư lại là một câu chuyện không hề đơn giản.
Và em muốn nói về, nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp sử dụng công nghệ.smile emoticon
1. Nông nghiệp truyền thống
Là nền nông nghiệp mà chúng ta phải làm tất cả mọi thứ bằng tay, bằng công sức của mình. Người nông dân nhà em vất vả lắm. Lúc đi nương lấy sắn, rồi về băm cho lợn. Lúc đi xem cây lúa, lúc đi lấy cỏ trâu, lúc đi xem con bò không ăn mất cây của họ. Lúc đi xem dê xem nó đang ở đẩu đầu đâu. Lúc nào em cũng thấy họ luôn chân luôn tay. Với em, nông nghiệp vậy mệt thật.
Nhưng khi được tự tay chạm vào cây cỏ, lúc được ngắm nhìn thiên nhiên, học cách vận hành của thiên nhiên, em thấy mình bình yên lắm lắm. Em có mảnh vườn nhỏ. Nông dân lười nhà em cũng có mảnh vườn nhỏ. Em chỉ toàn trồng nó xuống rồi để mặc nó đấy. Cả ngày em đi làm. Tối có khi tối mịt mới về, thỉnh thoảng đi mất tiêu 10-15 ngày thì sao mà chăm từng cây cho được. Vậy mà tụi nó vẫn sống. Những thứ tưởng chết mà cũng có mà còn lâu mới chết. Những chỗ nào cây không mọc được thì các loài như rêu mọc lên, rồi me chua hoa vàng, me chua hoa hồng, rồi rau má, rồi dền cơm, rồi cỏ mần trầu, rồi tầm bóp, rồi ri rỉ rì ri cái gì mọc được là mọc. Em chẳng biết hết nổi tên chúng. Ai tin không, lá lốt nhà em to như bàn tay bố em.pacman emoticon. Có rất nhiều loại rau ăn được mà em không cần trồng.smile emoticon
Các loài cây, rễ đâm xuống đất, cây vươn lên trời. Chúng ra hoa rồi tự kết quả, rồi tự mọc, tự nhân giống. Những cây nào tưởng chừng chưa mọc, là chúng đang lặng lẽ đâm sâu rễ của mình xuống đất, tích lũy cho riêng mình chờ ngày bừng nở.
Việc của em những ngày nhàn rỗi ở nhà là đi vòng quanh vườn, xem có cái gì mọc mới lên không. Những gì em trồng có mọc lên chưa. Nhưng đứng giữa khu vườn nhỏ (chẳng hoa thơm cỏ lạ gì đâu nhé, nhìn như cái vườn hoang thôi) em thấy lòng mình bình yên. Khi nói chuyện với cây cỏ bằng ý nghĩ của mình (em siêu không.:v), em tin là chúng hiểu và em cũng tin, bằng cách nào đó, chúng chữa lành những vết thương cho em.
Ai đó từng nói, nông nghiệp là cách con người gần gũi với thiên nhiên nhất. Em tin người đó nói đúng.
2. Nông nghiệp sử dụng công nghệ.
Đầu tiên, công nghệ là đầu tư. Không phải ai cũng đầu tư được.
Thứ hai, công nghệ hỗ trợ nông nghiệp rất nhiều, từ phân tích thành phần dinh dưỡng, từ chọn lọc giống cây con.... Có những loài nếu được phân tích, ta sẽ biết được chúng có ích thế nào với con người. Học từ thiên nhiên và cũng học từ khoa học.
Thứ ba, cái này mới là cái em muốn nói. Khi công nghệ áp dụng trong nông nghiệp là quá trình giảm thiểu sâu bệnh, giảm thiểu mất mùa, giảm thiểu sự tác động của tự nhiên tới nông nghiệp, giảm nhân công, và giảm luôn cả sự tương tác của con người với tự nhiên thông qua nông nghiệp.
Những cái cây sẽ được chăm bón, như một đứa trẻ chỉ cần chúng đói và khát, sẽ ngay tắp lự được cho ăn. Chỉ cần chúng ới 1 phát, là ngay tắp lự được đáp ứng. Chúng, không cần phải tự mình, đấu tranh, để, sinh, tồn nữa. Sâu là có hại với con người. Nhưng là sự cần thiết của thiên nhiên.
Em lấy ví dụ với Giảo cổ lam.
- Giảo cổ lam phát triển tốt bắt đầu từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch. Lá phát triển tưng bừng, tua phát triển ngoằn nghèo để bám, để leo.
- Đến tháng 4 âm là thời kỳ của sâu. Sâu ăn trụi lá. Em ghét lũ sâu vì lá nhìn nham nhở. Cây trụi lụi xác xơ.
- Khi sâu ăn xong lá là thời kỳ Giảo cổ lam bắt đầu ra hoa và kết quả.
Vậy đó ạ, thiên nhiên rất hợp lý. Một cái cây không đủ sức để vừa nuôi lá, vừa nuôi hoa để rồi lại kết quả, như vậy rất vất vả. Thiên nhiên gửi sâu xuống, giúp cây bớt lá, tập trung vào việc ra hoa rồi kết quả. Đồng thời, việc chống lại sâu cũng giúp cây tự làm mình khỏe lên, không khỏe chỉ có chết.pacman emoticon.
Dịch sâu bệnh bùng phát chỉ khi con người đã làm gì đó không theo tự nhiên. Tự nhiên khắc có cách vận hành để kiểm soát.smile emoticon
Và khi công nghệ làm hết trong nông nghiệp, lúc chúng ta muốn nhiều hơn từ thiên nhiên. Và lúc này, nông nghiệp là công cụ để phục vụ con người. Nông nghiệp không còn là cây cầu nối giữa con người và tự nhiên.
3. Năng suất.
Hồi nào tới giờ suất ngày nghe câu "Cần tăng năng suất". Năng suất nôm na là nhiều, nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa.pacman emoticon
Nhưng năng suất có thật sự là cần thiết?
Em ăn gạo trắng. Mỗi bữa em cần nạp 1.5 bát cơm mới ấm bụng.
Em ăn gạo lứt. Mỗi bữa em chỉ còn cần nạp 1/2 số trên là ấm bụng.
Em ăn gạo lứt nương. Mỗi bữa em chỉ cần nạp 1/3 bát con cơm là ấm từ sáng tới trưa, từ tối đến gần trưa hôm sau (với điều kiện nhai kỹ) (P/s: trời ơi, cái này mà đem rang với dầu dừa là ngon bá cháy luôn á.:3)
Vậy năng suất hơn nữa, để con người lãng phí hơn nữa? Hay tiết thực vừa đủ để cảm nhận được ân huệ của trời đất.
Ít nhưng đủ. (Ai đó có thể tìm quyển : "Thức ăn quyết định số phận con người" để hiểu về sự cần thiết trong tiết thực.smile emoticon )
Chung quy lại là em lảm nhảm.pacman emoticon

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại

(TNO) Theo ông Masanobu Fukuoka, thực phẩm và thuốc men không phải là hai thứ khác nhau, chúng là mặt trước và mặt sau của một sản vật.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Đó là loại rau củ mọc hoang hoặc được trồng tự nhiên xen trong cỏ dại. Chúng không những có giá trị dinh dưỡng cao, có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Còn những thứ rau củ được nuôi dưỡng bằng chất hóa học thì có thể ăn được nhưng không thể dùng làm thuốc.
Ông bảo, nếu bạn nghĩ rau trái được trồng theo kỹ thuật hiện đại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Ông cho rằng những thứ rau trái này là sự pha trộn mọng nước của ni-tơ, phốt-pho, kali… với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà công nghiệp, ông nói ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích, thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hóc môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới dạng một quả trứng.
Trong khu vườn nhà ông, cây cỏ hoang dại mọc chung với cam quýt. Và dưa chuột, bí, đậu phộng, cà rốt, các loại cải, hành tỏi, khoai tây cùng bao nhiêu là thứ rau khác được trồng xen trong cỏ dại. Tất cả đều cùng nhau chung sống, không cây nào “ức hiếp” cây nào. Đó là khu vườn tiệm cận với tự nhiên (có thể gọi là bán hoang dã), ở đó ông không cày xới, không bón phân, không dùng bất cứ một thứ hóa chất nào. Rau củ ở đây có thứ tự mọc, có thứ được trồng và không ít thứ chỉ trồng một lần, ông không thu hoạch toàn bộ mà để lại mỗi thứ một ít, hạt của chúng rơi xuống hoặc mầm của chúng còn trong đất sẽ tiếp tục mọc lên, tồn tại và sinh sôi năm này qua năm khác. Bất cứ nơi nào có cỏ dại, ở đó đều có thể trồng rau củ.
Vấn đề là vườn nào có thể trồng loại rau củ nào và vào thời điểm nào thì thích hợp, vì từng loại không chỉ tương quan với thời tiết mà còn tương quan với sự sinh trưởng và héo tàn của cỏ dại. Chẳng hạn trong khu vườn của ông, với các loại rau vụ xuân, thời điểm gieo trồng tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm. Đối với vụ thu, hạt giống phải gieo khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất hiện. Thường thì khi trời mưa xuống, ông cắt vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên, không cần phải phủ đất mà chỉ cần lấy lớp cỏ vừa cắt phủ lên là đủ, để che nắng và tránh bọn gà, chim khỏi ăn. Nơi nào cỏ mỏng chỉ cắt một lần, nơi nào cỏ dày có thể cắt vài lần, sao cho mầm cây mọc lên trước cỏ dại là được. Hạt giống được gieo xuống có khả năng sẽ bị lũ gà, chim chóc và côn trùng “xơi tái”, ông đối phó chúng bằng cách không gieo hạt theo hàng hay rảnh mà rải mỗi nơi một ít, tất nhiên chúng cũng sẽ ăn nhưng không đáng kể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể thấy đó là bài học ông Fukuoka học được từ thiên nhiên. Bất cứ một mảnh đất nào, dù khô cằn đến mấy, nếu kiên trì bảo vệ từng cái cây ngọn cỏ, theo thời gian tự nó sẽ trở thành một mảnh đất tươi tốt. Khi thảm thực vật được bao phủ, hệ sinh vật sẽ sinh sôi trong đất, giun dế sẽ làm nhiệm vụ khơi thông cày xới, xác thực vật và xác côn trùng cùng với chất thải từ động vật sẽ làm cho đất đai màu mỡ. Hãn hữu lắm mới dùng một ít phân gia súc gia cầm, nhưng nói chung là không cần thiết. Khi khu vườn được tái lập gần với tự nhiên, hệ sinh vật tự nó sẽ cân bằng, côn trùng sẽ chế ước lẫn nhau, vì vậy không phát sinh vấn đề sâu bệnh. Những sản vật được tạo ra từ khu vườn gần với tự nhiên như vậy là rất phong phú và đa dạng, có thể nuôi sống được nhiều người hơn là khu vườn được canh tác theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Rau củ quả trồng trên nền đất tự nhiên giàu chất hữu cơ, chúng sẽ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Và sự tương tác với cây cỏ hoang dại sẽ khiến cho rau củ quả được hấp thụ một lượng đa chất và vi chất dinh dưỡng phong phú, khiến cho chúng có thêm những hương vị tinh tế.
Ông lưu ý, trong những khu vườn tự nhiên đó, nếu như ta cố tình dùng các kỹ thuật tiên tiến hoặc nỗ lực để tạo ra sản lượng lớn hơn, những nỗ lực đó sẽ kết thúc trong thất bại. Và trong hầu hết các trường hợp, thất bại sẽ có nguyên nhân từ sâu bệnh.
Mục tiêu mà ông Fukuoka hướng tới trong khu vườn của mình là có được những rau củ quả càng gần với tổ tiên nguyên sơ của chúng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bởi vì chỉ riêng việc “trồng” chúng, có vẻ là trái với tự nhiên rồi. Và theo cách hiểu đó thì việc con người sử dụng muối và lửa trong nấu nướng có thể bị chỉ trích như là bước đi đầu tiên của sự chia cắt con người ra khỏi tự nhiên. Nhưng theo ông, việc dùng muối và lửa từ cổ xưa nên được thừa nhận là trí khôn trời ban, là trí tuệ tự nhiên. Và những cây trồng đã tiến hóa hàng ngàn hàng vạn năm cùng với con người cũng cần được coi là thực phẩm tự nhiên. Chỉ những giống loài bị can thiệp tức thời và không được tiến hóa dưới những điều kiện tự nhiên, cũng như tôm cá hay gia súc gia cầm sản xuất hàng loạt bằng công nghiệp, là nằm ngoài danh mục thức ăn tự nhiên (còn tiếp).
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính

(TNO) Trong Lời giới thiệu cuốn sách, chúng tôi có lưu ý bạn đọc không nên phản biện hay tin theo những gì ông Fukuoka đã viết.
Không nên phản biện, bởi vì tác giả đã “lùi” vào vị trí không thể dùng tri thức để tranh cãi.
Không nên tin, bởi vì tác giả không có ý định thu thập tín đồ. Tác giả hiểu rõ, đầu óc mà bị chi phối bởi các tín điều thì không bao giờ có thể thấu hiểu được tự nhiên. Một khu vườn ở Nhật không giống một khu vườn ở Việt Nam, ngay cả cùng một khu vườn ở Nhật hay ở Việt Nam vào mùa xuân cũng không giống vào mùa hè và cùng một mùa xuân nhưng năm này không hẳn là giống như mùa xuân năm trước. Tác giả chỉ giúp bạn được một chút xíu là vén bức màn để bạn có thể nhìn vào cái vườn đám ruộng của chính bạn và tự ứng xử với nó theo cách của bạn.
Một số bạn đọc là trí thức có thể sẽ bị shock khi đọc những dòng ông Fukuoka nói về sự bất cập của khoa học. Ông viết: “Các nhà khoa học sung sướng ăn mừng khi những viên đá được mang về từ mặt trăng chẳng hiểu được mặt trăng bằng những đứa trẻ hát nghêu ngao ‘trăng bao nhiêu tuổi trăng già…’. Basho (*) có thể thấu được sự kỳ diệu của tự nhiên bằng việc ngắm ánh trăng tròn phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng. Còn tất cả những gì các khoa học gia làm được khi đi vào không gian và chập chững đôi giày đi ngoài không gian của mình là làm mờ đi chút xíu vẻ tráng lệ của mặt trăng trước hàng triệu tình nhân và trẻ con trên trái đất”.
Theo ông, mọi nỗ lực của khoa học, bất kể là nghiên cứu được tự nhiên bao nhiêu và bao xa, cuối cùng cũng không thể biết được tự nhiên như thế nào mà chỉ có thể biết tự nhiên kỳ vĩ và bí ẩn như thế nào mà thôi.
Nhưng nói rằng ông bài bác khoa học thì không đúng. Ông chỉ bài bác ảo tưởng dùng khoa học để làm thay cho tự nhiên. Có lẽ các nhà khoa học nếu muốn nghiên cứu điều gì thì cứ việc nghiên cứu, nhưng nghiên cứu để tạo ra những thứ có vẻ giống tự nhiên rồi đánh lừa bản thân mình và đánh lừa người khác rằng đó là sản phẩm tự nhiên thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính - ảnh 2Mỗi chủng tộc có những thứ thức ăn đặc thù được mọc lên hoặc sinh ra từ vùng đất mà chủng tộc đó sinh sống - Trong ảnh: Đi hái bông súng mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Công Hân) 
Tạo hóa sinh ra con người (cũng như muôn loài), tạo hóa cũng tạo đủ điều kiện cho con người tồn tại, trong đó có thức ăn. Thức ăn là một trong những nguồn sống của con người và nó vốn là sản vật tự nhiên. Thành phần của mỗi thứ thức ăn từ tự nhiên không đơn giản là những thứ mà khoa học phân tích như tinh bột, chất béo, vitamine, khoáng chất và những thứ đại loại như vậy. Mỗi loại thức ăn mà tạo hóa ban cho con người đều chứa vô số những điều huyền bí. Mỗi chủng tộc có những thứ thức ăn đặc thù được mọc lên hoặc sinh ra từ vùng đất mà chủng tộc đó sinh sống. Và mùa nào thức ấy, mùa xuân có những món của mùa xuân, mùa đông có những món của mùa đông. Thức ăn chính của người Việt ta là lúa gạo cùng với rau củ và động vật bản địa, thức ăn đó phù hợp với đặc điểm sinh học của người Việt, nếu ăn khác đi ắt sẽ có vấn đề về sức khỏe - những vấn đề không phải bao giờ cũng có thể nhìn thấy.
Ông Fukuoka bảo thức ăn là sự sống, và sự sống không thể xa rời tự nhiên. Nhưng con người với nhận thức hạn hẹp của mình, đã tìm ra một số trong vô số các chất trong thức ăn tự nhiên và ngạo mạn nghĩ rằng mình cũng có thể tạo ra thứ thức ăn đủ những chất như tự nhiên, nếu cần thì bổ sung vào cơ thể những chất được cho là bị thiếu hụt, nếu ăn không thấy ngon thì dùng thêm gia vị nhân tạo để có thêm cảm giác. Khoa học dù có tiến bộ tới đâu cũng không thể tạo ra những thứ rau trái tốt hơn tự nhiên được. Những sản phẩm được nuôi trồng hoặc được tạo ra bởi khoa học tuy có thể thỏa mãn những nhu cầu trước mắt nhưng lại làm cho cơ thể con người suy yếu đi, khi ấy con người buộc phải dùng đến thuốc men để đối phó. Theo ông, thứ thực phẩm được nuôi trồng nhân tạo hoặc được tạo ra bởi những dưỡng chất khác xa với chế độ ăn truyền thống của phương Đông, và chính nó đang làm xói mòn sức khỏe của người dân Nhật Bản.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính - ảnh 3
3
Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Khoa học của ông, nếu muốn gọi đó là khoa học, là tôn trọng tối đa tự nhiên, là không làm bất cứ điều gì trái với tự nhiên. Đó là thứ khoa học tôn vinh, kính ngưỡng sự bí ẩn diệu kỳ của tạo hóa. Đó còn là thứ khoa học phục vụ tự nhiên và không còn nghi ngờ gì nữa, con người được hưởng những lợi ích lớn lao từ chính sự phục vụ đó.
Với 30 năm trải nghiệm trên vườn ruộng, trên những thửa ruộng canh tác tự nhiên “4 không” của mình (không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng hóa chất diệt côn trùng và kiểm soát dịch bệnh), sản lượng đạt được trên một sào bằng ngang ngửa, thậm chí nhiều hơn, so với những thửa ruộng áp dụng khoa học nông nghiệp hiện đại trên cùng một diện tích nhưng với tổng chi phí chỉ bằng một phần mười. Với thành quả không thể chối cãi đó, ông tự hỏi lợi ích của khoa học và công nghệ hiện đại nằm ở đâu? Có thể nói đây chính là thành quả của thứ khoa học tôn kính đó.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)
LÊN ĐẦU TRANG