Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Không đề, 24 tháng Bảy 2015

        Sang nhà anh chơi. Buổi sáng dậy, anh rì rầm đọc chú ở nhà ngoài. Tôi tự hỏi liệu những câu chú của anh có giống như tôi gắn bó với đám sách J.K không. Rồi tôi lại tự cười mình, dường như tôi đang tự đơn giản hóa mọi thứ.

        Vấn đề của tôi, có lẽ là vấn đề đối với niềm tin, tôi mất gần như hoàn toàn niềm tin vào thế giới và chỉ còn giữ lại niềm tin rằng thế giới luôn rộng lớn và bí ẩn, và những câu hỏi luôn ẩn chứa câu trả lời. Liệu có một ngày nào tôi đánh mất niềm tin đó? Chắc chắn, công việc của tôi là đi xem xét giữa nhận thức và niềm tin, nhận chân sự thật. Và đây lại là một niềm tin khác trong khi tôi còn chưa rõ ràng: niềm tin về sự thật và niềm tin rằng ý thức của con người tách biệt với thế giới? Thế nào là chủ quan và thế nào là khách quan? Lại chỉ toàn là khái niệm tôi đã được nhét vào trí não. 

        Những câu hỏi hòng đánh đổ sự giả dối. Nhưng chỉ có lặng im mới thấu triệt cái Lý có Chân. Sự nghi hoặc luôn khiến tôi khổ não, bởi tôi luôn thận trọng với những câu khẳng định. Điều này, thật ngu xuẩn!

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

ĐÓ CÓ THUỘC VỀ TÔI KHÔNG?

Đất đai nào phải thuộc về tôi, tôi đứng trên đất, tôi chạm vào đất, tất cả chúng tôi lớn lên từ đất.

Cây cỏ nào phải thuộc về tôi, cỏ mọc trên đất, cây đứng giữa trời, đều là bạn thân của đất và của tôi.

Muôn thú đâu phải thuộc về tôi, chim trên trời, cá dưới nước, ngàn vạn loài trong tự nhiên, thuận theo tự nhiên mà sống, hòa hợp với vũ trụ.

Con người đâu phải thuộc về tôi, cha mẹ tôi sống, bạn hữu tôi sống, trải bao nhiêu khó khăn, vui buồn sướng khổ trên đời, mỗi người một sinh mệnh.

Chính bởi mọi thứ trên thế gian đều liên kết với nhau, nên mới không có sở hữu. Tôi yêu đất nhưng mảnh đất không phải là của tôi dù tôi bỏ tiền mua nó, xây nhà trên nó. Cái cây không phải là của tôi dù tôi chăm nó từ hạt giống, tưới nước đuổi sâu. Con người không phải là của tôi dù tôi thân thuộc với họ như thế nào. Sự liên hệ với nhau đó tinh tế nên nếu không cảm nhận được, tôi phải sở hữu, sở hữu để gắng tạo ra trong mình một mối liên hệ với cái cây, con thú, hay với người khác.

Tôi thấy hao phí năng lượng với việc đấu tranh nhằm sở hữu cái này hay cái khác, và cả đối với con người nữa. Ngoài việc chiếm đoạt và sở hữu, tôi tự hỏi con người còn có thể làm gì? Với nghệ thuật, với niềm tin và không tin, với thiên nhiên và nhân tạo… đã luôn có những điều phát sinh từ ham muốn sở hữu và cũng có những điều sinh ra mà chẳng thuộc về ai hay cái gì.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

CUỘC SỐNG LÀ GÌ? CUỘC SỐNG LÀ CÁI BÁNH MỲ...

Sau đây là một bài viết liên thiên không thể tin được! Chủ đề thật tuyệt vời nhưng không thể chấp nhận được, không thể tin được! Thật không thể tin nổi! ;)

Thử gõ “What is life?” vào cái miệng rộng của anh Google, anh nhả lại đến hơn 3 tỉ rưỡi kết quả trong 0.33 giây. Đủ mọi loại khái niệm, định nghĩa, ý nghĩa.
“ … Cuộc sống là một món quà; Cuộc sống là sống ở giây phút hiện tại; Cuộc sống là một cuộc đấu tranh; Cuộc sống là một bí ẩn vô cùng; Cuộc sống là một khái niệm trừu tượng, khó có định nghĩa cụ thể…. ”
Đủ mọi loại định nghĩa đáp ứng đủ mọi cá thể con người từ đông sang tây, với đủ mọi vui vẻ hay buồn chán với cái gọi là cuộc sống, và chúng ta cứ thích định nghĩa nó để có được cái cảm giác đã nắm được cái gọi là cuộc sống trong tay mình, hoặc thô thiển hơn là để “khoe” chiến tích mình chiêm nghiệm được (như thế này này :3).

Trong khi đó, cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ, những cái định nghĩa đó có thể đúng với những gì bạn trải nghiệm nhưng lại không hề đúng với những người khác. Tất cả chúng ta đều chỉ là thầy bói xem voi. Chúng ta có thể nhìn xa hơn một chút bằng cách nhìn bao quát cuộc sống này với đôi mắt “ngây thơ” – một đôi mắt đáng được ngưỡng mộ, không định kiến, không phân cách, mênh mông vô tận. Nhưng dù có thế thì ta cũng chẳng thể biết được cuộc sống nó là thế nào. Ngay đến cái định nghĩa tôi thấy tâm đắc nhất (mù mờ nhất) đó là “Cuộc sống là một bí ẩn vô tận” thì chính nó cũng gây ra một hình ảnh khiến tôi thỏa mãn, và đơn giản là nó vẫn quay về đứng ngang hàng với những câu như “Đời là đĩa thịt vịt, gặm hết thịt là hết đời”…

Câu hỏi đúng ra phải là: Hỏi định nghĩa cuộc sống làm cái gì? Cuộc sống là cuộc sống, đó là định nghĩa nhiều người nghĩ là đã chấp nhận được vì nó chỉ còn cái tên. Nhưng muốn cho lòng thanh thản thì bỏ nốt nó đi. Google: “Your search – life - did not match any documents.” (Tìm từ “cuộc sống” à, hẳn nhiên là không có rồi!).
Và tương tự với những khái niệm, định nghĩa, danh hiệu, … đủ mọi thứ đã được người ta dùng ngôn ngữ bày ra làm rối lòng những lữ khách đến du ngoạn thế gian này. Sống mà không biết một khái niệm “cóc khô” gì, thì thật là hạnh phúc! (Đấy lại là một thứ khái niệm cần diệt trừ).

Để ngây thơ trở lại, bỏ chúng đi!


Chốt lại, tôi nhắc rằng đây là một bài viết liên thiên không thể tin được! Chủ đề thật tuyệt vời nhưng không thể chấp nhận được, không thể tin được!



10-12-2014

Sáng nay tỉnh giấc, mưa tràn trề ngoài cửa sổ. Lạnh so ro. Làn lành lạnh ấy ướp đá cả thành phố. Nao người nghĩ sẽ có bao nhiêu người ngoài kia thở dài. Hay chỉ có mình ta.

Buổi tối của một ngày mùa đông, anh bạn than: “...Giờ muốn học tiếp về khoa học tự nhiên mà không được!”. Mình hỏi: “Anh học mấy năm đó còn chưa đủ sao?”. Đáp: “Hời hợt, không được nghiên cứu sâu!”. Nghĩ, sao nền khoa học Việt Nam lớn thế mà nhỏ thế? Một nơi đào tạo được coi là truyền thống hàng đầu thôi mà muốn nghiên cứu sâu xa cũng khó.


Mình có cái tâm thích Văn và Lý, Hoá từ hồi còn rất nhỏ, tìm được “báu vật” trên thư viện huyện là cuốn“Ác si mét” và cuốn “Nhà bác học Mari Qui-ry”. Một cuốn truyện tranh hài không tả được, một cuốn truyện mỏng toàn chữ, ly kỳ. Từ hồi đó biết rằng những nhà khoa học cũng biết viết văn (giờ đây còn biết rằng những nhà thơ thì hầu như chẳng ai làm khoa học). Cái ranh giới thú vị và cầu tiến của trẻ con mong manh đến thế, và trường học thân yêu xé nó một cách từ từ và ngọt lịm, các ban khoa tự nhiên và khoa xã hội của trường trung học “hạ thủ không lưu tình” những môn học “đối nghịch”. Đơn giản vì chúng không phục vụ kỳ thi đại học của lũ nhóc thối tai.

Những năm tháng ấy, mình ôm sách văn nhưng vẫn ham thích tìm đọc sách khoa học, đọc truyện thiên văn, hình học không gian. Những môn ấy sao mà kỳ thú! Người ta chỉ tìm cái gì người ta thiếu, hỏi cái gì người ta không biết. Vì sao nhiều đứa trẻ phải học vội vàng như thế? Cánh cửa khép lại và nó phải tự mở ra. Nó không biết ai đã đóng cửa, nhưng nó biết nó phải mở ra.

Nhìn vào đôi mắt của đứa bé thơ. Nó cười. Nó trong sáng thế. Sao bạn lại để đứa bé ấy chịu đau đớn? Thôi, hãy để nó cười.

10-8-2014.

Tôi trở về Hà Nội trong những ngày nắng mưa thất thường. Những ngày ngắn ngủi của tháng Bảy trôi qua, kỳ nắng nóng mùa hè cũng sắp dứt.

Vừa mới đây thôi, chuyến đi xa đưa tôi đến vùng biên ải, những dải núi chạy dọc theo ranh giới giữa hai quốc gia. Một ngày, đứng chân trên đoạn đường sát cột mốc biên giới nhìn xuống, tôi thấy những nhà cửa, những con người vất vả làm lụng. Hai nơi mà như một. Đồng đội tôi có người vừa cười vừa nói: "Trước đây em tưởng bầu trời Việt Nam và bầu trời Trung Quốc khác nhau, nhưng hóa ra không phải. Tưởng chuồn chuồn Trung Quốc to hơn chuồn chuồn Việt Nam nữa...".


Vâng, em nói ngây thơ khiến mọi người cùng cười, nhưng em nói đúng, phải không? Bầu trời vẫn là bầu trời, không có bầu trời Việt Nam hay bầu trời Trung Quốc. Ấy vậy mà người ta đã phân chia bầu trời tươi đẹp ấy ra thành Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Việt Nam .v.v.. Người ta đã đặt cho bầu trời và mặt đất những cái tên. Người ta đã đặt lên đó những cái hộp rất lớn, treo những lá cờ, xây dựng những chính phủ, pháp luật, những đạo quân. Người ta truyền bá những tư tưởng, triết lý, tôn giáo, tín ngưỡng qua nhiều thế kỷ, nhiều năm tháng, vun đắp nên những nền văn hóa, những truyền thống, bản sắc. Và giờ đây con người nhìn nhau qua những "lăng kính" nọ kia, những nhãn hiệu, biểu tượng... Tôi đã nhìn biên giới của quốc gia như thế.


Bật tivi xem thời sự, tin đưa có những người chết hàng loạt vì bom đạn ở Tây Á, dịch bệnh ở Phi Châu, nội chiến ở Đông Âu. Tôi đã thấy con người thốt lên: "Ôi thật đáng sợ, may thay nước mình được yên ổn!". Tôi thấy con người khóc lóc than thở vì những người đồng bào chết trận, và hăm dọa hay thờ ơ trước những người tử nạn mang quốc tịch khác. Người ta có thể không buồn phiền vì hàng nghìn người đã chết, chỉ vì người đó không phải người Việt Nam, mà là người Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ,... Người ta yêu nước, và vì thế họ có thể cầm vũ khí giết chết một con người khác cũng yêu nước, cũng khao khát có một giống nòi, một cội nguồn như họ.


Người ta đã tạo ra những ranh giới bằng lòng yêu nước. Lòng yêu nước mãnh liệt khiến cho mọi người tập hợp dưới cùng một màu cờ. Và thế giới có nhiều màu cờ như thế. Tôi thấy những ngọn cờ ấy tung bay, những người đứng dưới cờ thét vang sôi sục. Những màu cờ cuốn lấy nhau, giành giật nhau, vờn nhau từ năm này qua năm khác, trong suốt lịch sử loài người. Và cứ thế, con người bị cuốn theo, hòa bình giả tạo, giả vờ như thương yêu nhau, hợp tác với nhau hoặc tranh giành với nhau. Lòng yêu nước khiến cho một quốc gia gắn kết với nhau, và cũng khiến cho thế giới bị chia tách thành nhiều mảnh.


Tôi đứng trên mốc biên giới được người ta xây dựng. Gió lùa rối rít qua những mỏm đá. Khắp nơi đều là con người, nhưng đường biên kia đã xẻ đôi đất đai và trời biển. Nó chạy khắp thế giới này, chạy trong tâm trí của mỗi con người, sự phân tách, bạo lực, sợ hãi, tình yêu mơ hồ. Mỗi người đều bạo lực, sự bạo lực để sinh tồn, sự bạo lực của xã hội ngấm vào họ từ tuổi thơ. Ai cũng yêu những người thân thuộc sống quanh mình, yêu mảnh đất mình sinh ra, con đường đi hàng ngày, không gian mình hít thở. Nhưng họ đồng nhất tình yêu ấy với một nhãn hiệu, một biểu tượng, để rồi người ta sẵn sàng xông vào những cuộc chiến tranh - những cuộc giết người hàng loạt hợp pháp - giết những kẻ cũng đang thể hiện lòng yêu và tôn sùng quốc gia như họ. Thế giới vẫn vậy, con người như những con thú hoang dại trong rừng sâu, họ có thể văn minh, giàu có, đủ ăn đủ mặc, cư xử lịch thiệp... nhưng khi những ranh giới trong họ bị xâm phạm, con thú hoang lại gào lên. Họ muốn giết người.


Hàng tỷ người đã chết trong đau khổ trong suốt triệu năm qua. Nhưng con người - bị cầm tù trong đủ thứ nhãn hiệu, tư tưởng, bạo lực và nỗi sợ hãi - thì vẫn vậy. Con người vẫn sẽ giết chóc lẫn nhau, phá hủy tự nhiên, biến toàn bộ cuộc sống tươi đẹp trở nên một cuộc chiến của cuộc đời họ, nếu họ không nhận thức được ý nghĩ nào đang trói buộc mình.


Khi tôi đứng trên đường biên, nó hiển hiện. Nhưng ranh giới trong lòng tôi dần xóa nhòa. Khi tôi yêu quốc gia của tôi, nó có nghĩa mọi người cũng yêu quốc gia của họ. Nó có nghĩa khi trò chơi chính trị xoay vần, những người trên khắp thế giới này sẽ ôm ấp nhau hoặc đánh giết lẫn nhau. Nếu nó xảy ra bây giờ, và không ai mở mắt nhìn thấy, nó sẽ còn xảy ra mãi mãi.


Nếu nó xảy ra bây giờ, và không ai mở mắt nhìn thấy, nó sẽ còn xảy ra mãi mãi


VẠN NĂM ĐM (ĐAM MÊ)

Một năm rời đi và bước đến, sớm và tối, nắng và mưa. Người già bảo người trẻ: “Tuổi già không phải như mặt trời xế bóng. Mỗi ngày trôi qua, ta cảm giác như một năm tròn. Ta tưởng tượng mình như đã hàng trăm tuổi rồi.” 

Người trẻ thích làm đồ mộc. Người già thích ngâm thơ. Thanh niên dưới núi mỗi năm đều bảo nhau đi thành phố học lấy cái đam mê. Người trẻ cũng theo bạn bè đi xa. 

Bạn hỏi: “Thích làm gì?”. Người trẻ đáp rằng thích làm mộc. Thế là rủ nhau học làm mộc ở phố. Ngày tuyển thợ chính thức, xưởng chọn người bạn vào làm. Người trẻ bị loại. Chủ xưởng nói chưa đủ đam mê. 

Người trẻ về núi, rốt ráo kể lại chuyện dưới phố. Người già bảo người trẻ: “Mặt trời, mặt trăng, gió, cây, muông thú, chẳng loài nào không đam mê cả. Chúng đam mê khi chúng tự do. Đam mê hay sở thích, ấy chỉ là tên gọi. Sao lại ưu buồn bởi cái tên? Chừng nào còn thích thì làm.” 

Người trẻ vẫn làm mộc. Sống với muôn loài, người trẻ cũng thấy như một trăm năm trôi qua. Người trẻ vẫn đam mê, nhưng quên đi mất hai từ đam mê đi rồi. Mọi đam mê chỉ là đam mê cuộc sống – người già nhủ – trong thiên nhiên không có khái niệm, không có lý tưởng, không có mục đích, không có mâu thuẫn. Con người nổi trội bởi tư duy nhưng cũng bị bó buộc bởi tư duy. Không có câu hỏi nào có thể bị chấm dứt bởi những câu trả lời. 

Một năm bước đến và rời đi, tối và sớm, mưa và nắng. Người già và người trẻ sống im lặng như họ đã sống hàng vạn năm trong đời mình.
LÊN ĐẦU TRANG