Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Trái khổ qua thật tuyệt, không biết rất đáng tiếc!

Ảnh minh họa. (Nguồn: Wiki)
Có một cây khổ qua trong nhà là một báu vật! Với nhà có trẻ hay mắc bệnh vặt hoặc có người mới sinh, nếu bạn không biết những công dụng tuyệt diệu của khổ qua thì quả là vô cùng thiệt thòi!
1. Phòng và trị rôm sảy
Khổ qua có công dụng giải độc làm mát máu, giúp phòng và trị rôm sảy. Khi trẻ bị rôm sảy, có thể lấy trái khổ qua còn tươi giã nát rồi đắp vào chỗ bị bệnh, hoặc cắt khổ qua thành miếng rồi chà vào cũng được. Bạn cũng có thể sắc nước ruột khổ qua rồi dùng khăn mặt thấm để lau chùi nơi bị rôm sảy, mỗi ngày từ 3-6 lần, chỉ trong 1-2 ngày bệnh sẽ giảm. Mùa hè có thể dùng lá khổ qua cắt bỏ phần cuống làm rau ăn, nước luộc khổ qua có thể dùng tắm cho bé để phòng ngừa bệnh rôm sảy.
2. Phòng chống cảm nắng
Mùa hè thời tiết nóng bức, cho trẻ đi chơi rất dễ bị trúng nắng. Khổ qua có chất quinine có công dụng giải nhiệt rất tốt. Cách làm trà khổ qua khá đơn giản: bỏ ruột, nhét chút trà xanh vào trong rồi mang phơi, sau đó cắt mỏng ngâm nước uống. Trẻ không thích ăn khổ qua thì dùng cách trộn với bí ngô làm rau, cho thêm chút đường vào nhất định chúng sẽ thích ăn.
3. Tẩy sẹo
Khổ qua có quinine, giàu protein hoạt tính sinh lý nên giúp vết thương mau lành và tạo da non. Khi cơ thể trẻ có sẹo dạng nhẹ thì giã khổ qua đắp, có thể thêm đường phèn, hoặc lấy bã khổ qua trộn đều với một thìa bột yến mạch bôi vào chỗ sẹo, để khoảng 20 phút rồi rửa, mỗi tuần 2 lần. Trên mặt phụ nữ có chỗ bị rỗ hoa cũng có thể áp dụng cách này, nếu chỗ rỗ có vết thương thì khi dùng phải chú ý vệ sinh.
4. Thượng hỏa nhức răng
Trẻ ăn quá nhiều đồ có dầu mỡ gây thượng hỏa dẫn đến nhức răng, có thể dùng lá khổ qua hoặc trái khổ qua bỏ ruột rửa sạch rồi giã nát cho ra chất dịch keo, dùng bông y tế thấm rồi nhét vào chỗ đau ở răng; hoặc rửa sạch trái khổ qua còn tươi, cắt mỏng, không bỏ ruột, đem sắc lấy một bát nước rồi thêm đường vào uống.
5. Côn trùng cắn
Do khổ qua thúc đẩy sinh da mới, giúp vết thương liền miệng, kháng khuẩn, có công dụng tăng sức hoạt động của tế bào, nên nếu bị côn trùng cắn, đặc biệt là rết, có thể dùng một lượng vừa lá khổ qua rồi đem giã nát đắp vào vết thương.
6. Trị ho và cảm cúm
Khổ qua có lipid protein giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, phòng ngừa cảm cúm. Nếu trẻ bị mắc đờm vàng sệt, khó ho ra, hoặc bị ho do cảm phong nhiệt thì có thể làm canh hoặc xào khổ qua ăn. Lưu ý, không áp dụng với chứng ho phong hàn.
7. Giảm cân dưỡng da sau khi sinh
Nhiệt lượng của khổ qua rất thấp, có tác dụng ức chế hấp thu chất béo nên giúp giảm béo. Ngoài ra khổ qua còn giàu vitamin C, làm mát máu mịn da. Nhiều người mẹ sau khi sinh ăn khổ qua để giảm béo, tuy nhiên phải nuôi con bằng sữa đề nghị nên làm canh ăn. Nhưng nếu sau khi sinh chỉ muốn dùng khổ qua cho giảm cân mà lười vận động thì bạn sẽ thất vọng, vì dùng khổ qua chỉ có tác dụng hỗ trợ.
8. Kích thích bài tiết sữa
Khổ qua giàu vitamin B1 giúp tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy bài tiết sữa, có thể giúp trẻ phòng ngừa mắc bệnh thiếu vitamin B1. Vì thế, sau khi sinh có thể dùng lượng vừa phải khổ qua là rất tốt cho cả mẹ và bé.
Những điều nên tránh khi ăn khổ qua
Khổ qua ăn nóng thì có tính ôn, ăn sống thì có tính hàn, vì thế phụ nữ tì hư vị hàn không nên ăn. Thông thường, trẻ em cũng không nên thường xuyên ăn khổ qua, vì dạ dày và ruột của trẻ còn yếu, ăn nhiều khổ qua sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, khổ qua có quinine, kích thích tử cung co lại, có thể gây tác dụng phụ như sinh non, vì thế trong thời gian mang thai không nên ăn nhiều.
Chọn khổ qua chất lượng tốt
Thông thường, khổ qua có đường vân càng nhiều và dày thì càng đắng. Ngoài ra, khổ qua vỏ đã vàng, hạt nổi đỏ thì tốt nhất không nên ăn, vì đó là khổ qua chín hoặc để lâu, không còn chất lượng.
Tinh Vệ biên dịch

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Hạn chế lãng phí thức ăn sẽ giúp bảo vệ môi trường như thế nào?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-11.
Hàng đêm trên thế giới có 805 triệu người đang đi ngủ với cái bụng đói meo và thật trớ trêu khi mà 1/3 lượng thực phẩm trên toàn thế giới lại đang bị lãng phí hàng năm. Ngoài những ảnh hưởng về mặt xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm hoang phí này còn gián tiếp tác động xấu đến môi trường. Và các chuyên gia cho rằng nếu tiết kiệm được lượng thực phẩm hoang phí thì đồng nghĩa với bảo vệ môi trường, kiềm hãm quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

Lượng thực phẩm lãng phí trên thế giới lớn cỡ nào?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-2.
Những quả cà chua không bán được, bị hư và phải bỏ đi tại một chợ nông phẩm Asheville, Bắc Carolina. Khoảng 26% lượng cà chua trồng tại Mỹ không bao giờ đến được tay người tiêu dùng

Hơn 1/3 trong toàn bộ sản lượng lương thực trên khắp hành tinh đã bị bỏ phí. Đây chính là lượng thực phẩm bị quá hạn trong lúc vận chuyển, bị những người dân ở nước giàu vứt đi do đã mua quá nhiều, dư thừa mà không dùng hết. Theo ước tính, toàn bộ 1,3 tỷ tấn thực phẩm này có giá bán lẻ vào khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, bạn có biết mỗi đêm đang có 805 triệu người trên thế giới đang đi ngủ với cái bụng đói meo. Ngoài những tác động xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm thải bỏ này còn tác động tiêu cực đến "chi phí môi trường" trong quá trình sản xuất ra thực phẩm.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, tính riêng lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí có thể tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga - con sông lớn nhất tại Châu Âu. Còn lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí đã tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2. Nếu lượng thức ăn lãng phí được ghép lại thành 1 quốc gia thì nó sẽ trở thành nước có tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tinhte-lang-phi-thuc-an-10.
John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies

John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies, Hoa Kỳ cho biết rằng có thể hạn chế lượng thực phẩm lãng phí bằng cách cải thiện "Chuỗi cung ứng lạnh" (cold chain) - bao gồm tăng cường công nghệ đông lạnh trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Trong Hội nghị kinh tế thế giới diễn ra hồi đầu năm nay (1/2015) tại Davos, Thụy Sĩ, ông đã nói về vấn đề thực phẩm lãng phí. Bên dưới đây là câu trả lời của ông khi được phỏng vấn quanh vấn đề này. Xin được lược dịch lại cho các bạn tiện theo dõi.

Tại sao vấn đề lãng phí thực phẩm có vẻ như ít được chú ý tới?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-3.
Khung cảnh một cơ sở trứng tại Granja Mantiqueira, Brazil. Hàng ngày có 5,4 triệu quả trứng tươi được thu thập tại đây. Trong khi đó hàng năm các nước Mỹ Latin có hơn 15 triệu tấn trứng và sữa bị lãng phí trong quá trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Trong khi người dân tại đây cũng đã bỏ phí đi 2,5 triệu tấn.

Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thì thực phẩm có thể dễ dàng tiếp cận tới tất cả mọi người. Trong khi thực phẩm cực kỳ phong phú nên con người thường không nhận thấy được số tiền to lớn do lãng phí thực phẩm và tất nhiên, họ cũng ít quan tâm tới những tác động của nó tới những tác động xã hội, chính trị, môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên khi tìm cách hạn chế lượng khí thải nhà kính thì việc lãng phí thực phẩm là nguyên nhân có thể cải thiện dễ dàng. Việc cải thiện không cần phải có bất kỳ công nghệ mới nào, chỉ cần sử dụng hiệu quả những gì chúng ta có là được.

Thực phẩm là ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nhân loại. Mỗi người trên khắp hành tinh đều sống dựa vào đó. Vậy tại sao lại có tới 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra nhưng không bao giờ được sử dụng?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-4.
Ảnh chụp trong một bữa dạ tiệc tại Thượng Hải, hàng tá hải sản trên đây chỉ là 1 trong số 13 bàn tiệc. Các đám cưới của người giàu được xem như hình mẫu của sự lãng phí thực phẩm tại Trung Quốc và những loại thực phẩm thừa từ các quán cafe, nhà hàng tăng nhanh cùng thu nhập người dân tại các thành phố. Ước tính có hơn 9 triệu tấn protein bị lãng phí mỗi năm tại đây.

Thực phẩm bị lãng phí có 2 dạng. 1/3 số thực phẩm lãng phí là do người dùng, họ mua quá nhiều rồi không dùng hết và vứt nó đi. Khoảng 2/3 còn lại bị hủy trong quá trình sản xuất và cung ứng. Thí dụ như trấy nhiều thực phẩm đang bị thối rữa trên các cánh đồng, bị hư hại do mạng lưới giao thông vận tải nghèo nàn, bị hỏng tại các chợ do thiếu kỹ thuật bảo quản thích hợp,… Chúng ta có thể cải thiện bằng cách vận chuyển và lưu trữ thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp nhằm mở rộng nguồn cung ứng hơn.

Chúng ta có thể làm gì để cải thiện? Các ngành công nghiệp và tổ chức chính phủ nên làm gì để giảm lượng thực phẩm hoang phí?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-6.
Một khoảng khắc đẹp tại "Chợ nông sản xấu xí" ở vùng Lisbon, Bồ Đào Nha. Những loại thực phẩm đẹp mắt luôn được người tiêu dùng lựa chọn và do đó, nông sản bị lỗi không thể đạt chuẩn để bán tại các siêu thị. Người ta đã chọn ra giải pháp là hình thành nên các chợ nông sản xấu, nơi mà chúng sẽ được chiết khấu, đảm bảo người nông dân vẫn bán được hàng và trong năm đầu tiên thực hiện mô hình này, 50 tấn nông sản đã được dùng thay vì đưa vào thùng rác.

Chính phủ có thể bạn hành thêm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà trước đây chưa có. Đây sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn trong quá trình vận chuyền và lưu trữ thực phẩm, đặc biệt là những thứ dễ hỏng như thịt, cá, sữa và nông phẩm. Mặt khác, cách làm này còn đảm bảo tiêu thụ sẽ an toàn hơn. Trong khi đó, các hãng công nghiệp đóng vai trò đổi mới và phát triển công nghệ, qua đó, họ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các hãng thực phẩm cũng có thể đóng góp bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về tác động của lãng phí thực phẩm.

Chúng ta sẽ được gì nếu hạn chế lãng phí thức ăn?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-7.
Khung cảnh thu hoạch cần tây tại vùng Greenfield, California. Lượng năng lượng dùng để thu hoạch, sản xuất, đóng gói và cung ứng số thực phẩm lãng phí đã thải ra 3,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm.

Đây sẽ là một hành động mang tính lịch sử. Chúng ta sản xuất đủ thức ăn để nuôi sống mỗi người trên hành tinh và sẽ có thêm 2,5 tỷ người được sinh ra trong 35 năm tới. Do đó, chúng ta cần phải bớt lãng phí để nuôi sống nhiều người khác. Tại Mỹ, ngành nông nghiệp đã sử dụng 38% diện tích đất không đóng băng, trong khi tổng diện tích dành cho thành phố chỉ có 2% và đồng thời, nông nghiệp sử dụng 70% lượng nươc ngọt. Do không thể sản xuất nhiều hơn nên việc bớt lãng phí sẽ giúp nuôi sống nhiều người khác. Bên cạnh đó, hành động này còn có tác động tích cực tới môi trường: lượng phát thải khí nhà kính ít đi trong khi tiết kiêm được nguồn nước.

Và người dùng sẽ được gì?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-5.
Tủ lạnh bên trái chứa đầy những loại thức ăn đóng họp mang đi nên sẽ khó kiểm soát trước khi nó hỏng. Tủ lạnh bên phải chứa các loại nông phẩm tươi sống nên cần phải có kế hoạch nấu nướng và lưu trữ hợp lý. Các loại vi khuẩn gây hỏng thực phẩm thường ít có điều kiện hoạt động ở nhiệt độ dưới 4 độ C.

Có thể một người không thể giúp được nhiều, nhưng nếu tất cả mọi người đều hành động thì sẽ tạo nên tác động lớn. Hãy đơn giản là mua thức ăn đủ dùng và hạn chế vứt đi. Hãy chấp nhận rằng các loại nông phẩm vẫn đảm chất lượng cao, rất ngon lành mặc dù có một số khuyết điểm nhỏ xuất hiện trên đó. Thức ăn ăn không hết ở nhà hàng có thể mang về nhà. Những thay đổi nhỏ này có thể mang lại kết quả lớn.

Chuỗi cung ứng lạnh là gì và có công nghệ mới nào sẽ cải thiện nó?
Tinhte-lang-phi-thuc-an-9.
Hình ảnh container lạnh tại cảng Jurong, Singapore. Đây là một phần trong chuỗi cung ứng lạnh và bằng cách cải thiện nó, chúng ta có thể giảm lượng thực phẩm lãng phí

Chuỗi cung ứng lạnh là một mạng lưới vận tải, lưu trữ các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá, sữa và các loại nông phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để tránh hư hỏng. Hệ thống này liên quan tới những công nghệ như container lạnh trên tàu biể, xe tải đông lạnh, kho lạnh và hệ thồng trưng bày đông lạnh. Hiện tại có nhiều công nghệ hiệu quả với giá thành hợp lý nhằm liên tục theo dõi và giám sát thực phẩm trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo duy trì các thông số nhiệt độ thích hợp. Đây là một cách chủ động ngăn chặn thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình cung ứng. Việc ung cấp các giải pháp xe tải đông lạnh giá rẻ cũng được thực hiện tại Ấn Độ nhằm cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng này. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất làm lạnh tự nhiên và khai thác năng lượng hiệu quả cũng góp phần giúp cũng cung ứng lạnh thân thiện với môi trường hơn.

Làm thế nào phổ cập chuỗi cung ứng lạnh đến các quốc gia đang phát triển, vốn thu nhập chưa cao nhưng nhu cầu lại nhiều

Hiện tại, người ta chưa thể mang toàn bộ hệ thống xe tải đông lạnh hiện đại tại Mỹ hoặc châu Ấu đến trang bị cho các nước nghèo. Trong nhiều trường hợp, cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá tại các quốc gia này chưa đủ điều kiện để các xe tải lớn hoạt động, kỹ năng của nhân công chưa đủ để vận hành những hệ thống cung ứng phức tạp và nền kinh tế cũng chưa cho phép triển khai các hệ thống này một cách hiệu quả. Vì vậy, vấn đề ở đây là tìm cách thu nhỏ quy mô của chuỗi cung ứng lạnh, ít tính năng hơn, giá cả hợp lý hơn nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế tại các nước nghèo.

Tham khảo Natgeo (1), (2), FAO
 

Nông nghiệp và Công nghệ

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Mọi thứ em viết là dựa trên sự hiểu biết của cá nhân. Mà sự hiểu biết cá nhân là sự hiểu biết có giới hạn, dựa trên những hoạt động thực tế là chủ yếu Vậy nên đúng thì ghi nhận, mà sai thì bỏ qua. Đừng quăng đá em mà tội nghiệp.pacman emoticon
---------------------------------------------------------------------------
Nông nghiệp và Công nghệ.
Hồi nào tới giờ em mê nông nghiệp. Một phần do được lớn lên trên đất làm nông. Tuổi thơ gắn với mùi thơm cây lúa, với chổi lúa của bà, sân gạch, mái ngói. Tuổi thơ gắn với những ngày trưa hè, bà ngoại dụ em đi học bằng cách rang thóc cho ăn chơi. Tuổi thơ gắn với những ngày cuộn tròn bên đống rơm bà trải nền, rúc rúc lòng bà, sưởi bên bếp lửa. Hay em cũng thuộc thành phần luyến tiếc làng xã nhỉ.pacman emoticon
Quay lại, những ngày đi học là những ngày được nhồi sọ về sức mạnh của công nghệ trong mọi việc. Em không phủ nhận sự giá trị mà công nghệ đem lại. Nông nghiệp có GPS nhàn hơn hẳn, biết cây thiếu gì, cây cần gì bổ sung ngay tắp lự. Mưa ra sao, gió thế nào, cây gì phù hợp. Những thứ này ngày xưa, hồi mà chưa có công nghệ í, hồi ngày nay, hồi mà nông dân nghèo vẫn chưa áp dụng được công nghệ í thì phải thử bằng đúng- sai. Cây nào sống thì dùng, cái nào chết thì không hợp, bỏ.pacman emoticon.
Công nghệ khi đầu tư vào nông nghiệp, giúp giảm công sức lao động đi rất nhiều. Nhưng công nghệ để áp dụng cho những mô hình nhỏ lẻ, khi người nông dân còn đang đánh vật với cây gì, con gì; để có thể "mạnh dạn" hay "liều" đầu tư lại là một câu chuyện không hề đơn giản.
Và em muốn nói về, nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp sử dụng công nghệ.smile emoticon
1. Nông nghiệp truyền thống
Là nền nông nghiệp mà chúng ta phải làm tất cả mọi thứ bằng tay, bằng công sức của mình. Người nông dân nhà em vất vả lắm. Lúc đi nương lấy sắn, rồi về băm cho lợn. Lúc đi xem cây lúa, lúc đi lấy cỏ trâu, lúc đi xem con bò không ăn mất cây của họ. Lúc đi xem dê xem nó đang ở đẩu đầu đâu. Lúc nào em cũng thấy họ luôn chân luôn tay. Với em, nông nghiệp vậy mệt thật.
Nhưng khi được tự tay chạm vào cây cỏ, lúc được ngắm nhìn thiên nhiên, học cách vận hành của thiên nhiên, em thấy mình bình yên lắm lắm. Em có mảnh vườn nhỏ. Nông dân lười nhà em cũng có mảnh vườn nhỏ. Em chỉ toàn trồng nó xuống rồi để mặc nó đấy. Cả ngày em đi làm. Tối có khi tối mịt mới về, thỉnh thoảng đi mất tiêu 10-15 ngày thì sao mà chăm từng cây cho được. Vậy mà tụi nó vẫn sống. Những thứ tưởng chết mà cũng có mà còn lâu mới chết. Những chỗ nào cây không mọc được thì các loài như rêu mọc lên, rồi me chua hoa vàng, me chua hoa hồng, rồi rau má, rồi dền cơm, rồi cỏ mần trầu, rồi tầm bóp, rồi ri rỉ rì ri cái gì mọc được là mọc. Em chẳng biết hết nổi tên chúng. Ai tin không, lá lốt nhà em to như bàn tay bố em.pacman emoticon. Có rất nhiều loại rau ăn được mà em không cần trồng.smile emoticon
Các loài cây, rễ đâm xuống đất, cây vươn lên trời. Chúng ra hoa rồi tự kết quả, rồi tự mọc, tự nhân giống. Những cây nào tưởng chừng chưa mọc, là chúng đang lặng lẽ đâm sâu rễ của mình xuống đất, tích lũy cho riêng mình chờ ngày bừng nở.
Việc của em những ngày nhàn rỗi ở nhà là đi vòng quanh vườn, xem có cái gì mọc mới lên không. Những gì em trồng có mọc lên chưa. Nhưng đứng giữa khu vườn nhỏ (chẳng hoa thơm cỏ lạ gì đâu nhé, nhìn như cái vườn hoang thôi) em thấy lòng mình bình yên. Khi nói chuyện với cây cỏ bằng ý nghĩ của mình (em siêu không.:v), em tin là chúng hiểu và em cũng tin, bằng cách nào đó, chúng chữa lành những vết thương cho em.
Ai đó từng nói, nông nghiệp là cách con người gần gũi với thiên nhiên nhất. Em tin người đó nói đúng.
2. Nông nghiệp sử dụng công nghệ.
Đầu tiên, công nghệ là đầu tư. Không phải ai cũng đầu tư được.
Thứ hai, công nghệ hỗ trợ nông nghiệp rất nhiều, từ phân tích thành phần dinh dưỡng, từ chọn lọc giống cây con.... Có những loài nếu được phân tích, ta sẽ biết được chúng có ích thế nào với con người. Học từ thiên nhiên và cũng học từ khoa học.
Thứ ba, cái này mới là cái em muốn nói. Khi công nghệ áp dụng trong nông nghiệp là quá trình giảm thiểu sâu bệnh, giảm thiểu mất mùa, giảm thiểu sự tác động của tự nhiên tới nông nghiệp, giảm nhân công, và giảm luôn cả sự tương tác của con người với tự nhiên thông qua nông nghiệp.
Những cái cây sẽ được chăm bón, như một đứa trẻ chỉ cần chúng đói và khát, sẽ ngay tắp lự được cho ăn. Chỉ cần chúng ới 1 phát, là ngay tắp lự được đáp ứng. Chúng, không cần phải tự mình, đấu tranh, để, sinh, tồn nữa. Sâu là có hại với con người. Nhưng là sự cần thiết của thiên nhiên.
Em lấy ví dụ với Giảo cổ lam.
- Giảo cổ lam phát triển tốt bắt đầu từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch. Lá phát triển tưng bừng, tua phát triển ngoằn nghèo để bám, để leo.
- Đến tháng 4 âm là thời kỳ của sâu. Sâu ăn trụi lá. Em ghét lũ sâu vì lá nhìn nham nhở. Cây trụi lụi xác xơ.
- Khi sâu ăn xong lá là thời kỳ Giảo cổ lam bắt đầu ra hoa và kết quả.
Vậy đó ạ, thiên nhiên rất hợp lý. Một cái cây không đủ sức để vừa nuôi lá, vừa nuôi hoa để rồi lại kết quả, như vậy rất vất vả. Thiên nhiên gửi sâu xuống, giúp cây bớt lá, tập trung vào việc ra hoa rồi kết quả. Đồng thời, việc chống lại sâu cũng giúp cây tự làm mình khỏe lên, không khỏe chỉ có chết.pacman emoticon.
Dịch sâu bệnh bùng phát chỉ khi con người đã làm gì đó không theo tự nhiên. Tự nhiên khắc có cách vận hành để kiểm soát.smile emoticon
Và khi công nghệ làm hết trong nông nghiệp, lúc chúng ta muốn nhiều hơn từ thiên nhiên. Và lúc này, nông nghiệp là công cụ để phục vụ con người. Nông nghiệp không còn là cây cầu nối giữa con người và tự nhiên.
3. Năng suất.
Hồi nào tới giờ suất ngày nghe câu "Cần tăng năng suất". Năng suất nôm na là nhiều, nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa.pacman emoticon
Nhưng năng suất có thật sự là cần thiết?
Em ăn gạo trắng. Mỗi bữa em cần nạp 1.5 bát cơm mới ấm bụng.
Em ăn gạo lứt. Mỗi bữa em chỉ còn cần nạp 1/2 số trên là ấm bụng.
Em ăn gạo lứt nương. Mỗi bữa em chỉ cần nạp 1/3 bát con cơm là ấm từ sáng tới trưa, từ tối đến gần trưa hôm sau (với điều kiện nhai kỹ) (P/s: trời ơi, cái này mà đem rang với dầu dừa là ngon bá cháy luôn á.:3)
Vậy năng suất hơn nữa, để con người lãng phí hơn nữa? Hay tiết thực vừa đủ để cảm nhận được ân huệ của trời đất.
Ít nhưng đủ. (Ai đó có thể tìm quyển : "Thức ăn quyết định số phận con người" để hiểu về sự cần thiết trong tiết thực.smile emoticon )
Chung quy lại là em lảm nhảm.pacman emoticon

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực

(TNO) “Từ đầu mùa xuân, khi bảy loại thảo dược nảy mầm lên từ đất, người nông dân có thể thưởng thức được bảy vị. Đi cùng với những thức này là vị ngon lành của ốc trong ao, trai biển và loài nhuyễn thể...".

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 1Bàn ăn ở Nhật thường gồm nhiều tầng khác nhau tượng trưng cho núi, cây cối, sông…
(Ảnh được chụp từ nhà hàng Sushi Dining Aoi) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Mùa lá xanh đến vào tháng ba. Cây đuôi ngựa, dương xỉ diều hâu, cây ngải, cây vi, cùng các loại cây mọc trên núi khác, và tất nhiên những chiếc lá non của cây hồng vàng, cây đào, cùng với đọt non của các loại khoai núi, tất cả chúng đều ăn được. Sở hữu vị thanh nhẹ, chúng làm nên những món xào ngon miệng và cũng có thể được dùng để làm gia vị. Ở bờ biển thì những loại rau biển như tảo bẹ, rong đỏ và rong đá thật ngon lành và có nhiều trong suốt mùa xuân.
Khi những cây tre nhú những búp măng lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc cá tuyết đá xám, cá tráp biển và cá lợn vằn đang ở thời điểm ăn ngon nhất. Mùa hoa iris nở được ăn mừng với sashimi cá hố và cá thu. Đậu xanh, đậu tuyết, đậu lima và đậu gà lột vỏ ăn luôn hoặc đem nấu với ngũ cốc toàn phần như gạo lứt, mì lứt hay mạch lứt đều ngon cả.
Tới cuối mùa mưa, mơ Nhật được đem muối, còn dâu tây và mâm xôi có thể đi nhặt được rất nhiều. Vào lúc này, thật tự nhiên là cơ thể bắt đầu thèm vị mát của hành tăm cùng những loại trái cây mọng nước như sơn trà Nhật, mơ và đào…
Dưới cái nắng chói chang giữa hè, ăn dưa và liếm mật dưới bóng râm của một cái cây lớn là trò tiêu khiển được ưa thích. Rất nhiều những cây rau mùa hè như cà rốt, rau chân vịt, củ cải và dưa chuột đã lớn và sẵn sàng cho thu hái. Cơ thể cần tới rau hay dầu mè để tránh sự uể oải, lừ đừ vào mùa hè.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 2Lễ hội Obon, Nhật Bản - Ảnh: T.L
Nếu gọi đó là điều huyền bí, thì đúng là huyền bí thật, khi mà ngũ cốc mùa đông được thu hoạch vào mùa xuân lại hợp đến thế với sự chán ăn vào mùa hè, và vì thế trong mùa hè, các loại mì sợi vắt từ hạt đại mạch với đủ kích thước và hình dạng lại được chế biến thường xuyên. Hạt kiều mạch thì được thu hoạch trong hè. Đấy là một loại cây hoang từ cổ xưa và là một loại thực phẩm thích hợp với mùa này.
Đầu thu là khoảng thời gian thật vui sướng, với đậu nành và đậu đỏ hạt nhỏ, nhiều loại trái cây, rau, cùng với nhiều loại ngũ cốc màu vàng đều chín cùng một lúc. Bánh kê được thưởng thức vào các ngày hội ngắm trăng thu. Đậu nành luộc sơ được bày ra cùng với khoai sọ. Vào khoảng cuối mùa thu, ngô và gạo được hấp lên với đậu đỏ, nấm hương, hoặc hạt dẻ… Quan trọng hơn cả là hạt thóc đã hấp thụ ánh nắng mặt trời suốt cả mùa hè và chín vào mùa thu. Điều này có nghĩa đây là loại thức ăn chủ đạo có thể tích trữ nhiều, nó giàu năng lượng, thích hợp cho những tháng mùa đông lạnh giá.
Khi băng giá bắt đầu xuất hiện, người ta cảm thấy muốn ghé qua chỗ lò nướng cá. Cá mình xanh sống ở vùng nước sâu như cá đuôi vàng hay cá ngừ có thể bắt được trong mùa này. Thật thú vị là củ cải Nhật và những loại rau ăn lá có nhiều trong mùa lại thích hợp với những loại cá này đến vậy.
Việc nấu nướng trong ngày lễ mừng năm mới được chuẩn bị phần lớn từ những thực phẩm đã được muối chua hay ướp mặn từ trước đặc biệt để dành cho ngày lễ lớn. Việc cá hồi muối, trứng cá trích, cá tráp đỏ, tôm hùm, tảo bẹ và đậu đen được bày lên bàn tiệc mỗi năm đã diễn ra trong nhiều thế kỷ rồi”.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 3Sushi, món ăn truyền thống của người Nhật - Ảnh: T.L
Trên đây là trích đoạn ông Fukuoka viết về cái ăn theo mùa của người nông dân Nhật. Thiên nhiên thật là kỳ thú và sự kỳ thú của việc sống thuận với thiên nhiên là ở chỗ nhiều sản vật chỉ có trong mùa này mà không có trong mùa khác, chúng đáp ứng khẩu vị và nhu cầu cơ thể thay đổi theo mùa của con người. Trong mỗi mùa, món này sẽ được thăng hoa khi kết hợp với món kia. Món sinh ra trong mùa hè chỉ ngon trong mùa hè, nếu bắt nó mọc vào mùa đông thì nó sẽ không còn ngon nữa. Một lần ông Fukuoka nghe một viên chức kỹ thuật Bộ Nông nghiệp kể rằng rau quả trồng tại các nhà kính (làm trái vụ) ăn chẳng có mùi vị gì, cà thì không có tí vitamine nào còn dưa chuột thì không có hương vị, ông ta đã nghiên cứu và phát hiện ra nguyên do: một lượng ánh nắng mặt trời nhất định không thể xuyên qua được lớp bao phủ bằng nhựa và lớp kính mà rau quả được trồng trong đó. Và cuộc nghiên cứu chuyển sang hệ thống chiếu sáng ở bên trong nhà kính, người ta nghĩ rằng rau quả sẽ có vitamine nếu giải quyết được hệ thống chiếu sáng. Ông Fukuoka bảo có một số nhà khoa học dành cả đời mình cho những nghiên cứu kiểu như vậy, trong khi vấn đề đơn giản là con người đâu có cần thiết phải ăn cà và dưa chuột trong mùa đông.
Bạn chẳng thể biết một món ăn nào đó có vị gì cho tới khi bạn ăn thử nó, nhưng theo ông Fukuoka, ngay cả ăn thử nó thì hương vị của nó cũng có thể biến thiên, tùy thuộc vào thời điểm, vào trạng huống và thiên hướng của người ăn. Một người sống thuận với tự nhiên sẽ ăn theo bản năng và sẽ thấy ngon miệng, bổ dưỡng và khỏe mạnh. Phương pháp chế biến thức ăn tốt nhất là bảo toàn được hương vị tự nhiên của nó, do đó không nên dùng những kỹ thuật cầu kỳ, “người ta cố gắng làm ra bánh mì ngon, và thế là bánh mì ngon biến mất”.
Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những món ngon, theo mùa, theo đặc điểm khẩu vị của từng chủng tộc. Văn hóa nói chung, nhất là văn hóa ẩm thực, bao giờ cũng bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nó định hình và trao truyền qua từng thế hệ. Học nấu ăn tốt nhất là học cách nấu ăn của ông bà chúng ta ngày trước.
Ông Fukuoka nói về văn hóa ăn của người Nhật, nhưng tôi chắc bạn sẽ mường tượng ra những món thơm ngon giản dị của đồng quê Việt Nam và có lẽ bạn đang thèm được ăn chúng. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 
Đọc “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm” của Mansanobu Fukuoka

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ

(TNO) Ta thường nghe nói 'toàn dân được chăm sóc y tế' như là một tiến bộ xã hội, là thành tựu của văn minh. Ít ai nghĩ đó là sự bất bình thường đáng buồn của nhân loại với tư cách là một loài sinh vật. Trong tự nhiên các loài sinh vật đều khỏe mạnh, không có loài sinh vật nào bệnh hoạn như loài người.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ 1Ảnh 1
“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất”, ông Fukuoka viết. Trong sự xa rời tự nhiên đó, có sự xa rời về ăn uống.
Con người dùng quá nhiều tri thức cho việc ăn uống, nhưng càng dùng tri thức bao nhiêu thì chúng ta càng ăn uống trái với tự nhiên bấy nhiêu. Các bậc làm cha mẹ được hướng dẫn bởi khoa học về dinh dưỡng, hậu quả là phần lớn các đứa trẻ coi việc ăn là một khổ ải. Để nhồi nhét thức ăn “bổ dưỡng” vào bụng, chúng phải được dỗ dành, được “mua chuộc”, bị đe dọa, trong khi việc ăn vốn là niềm khoái lạc của con người.
Ngày càng có nhiều người cảm thấy sự bất ổn của chế độ ăn uống theo khoa học, dẫn đến việc xuất hiện khuynh hướng ăn uống tiết chế theo những nguyên tắc tâm linh, chẳng hạn như việc vận dụng thuyết âm dương ngũ hành, ăn một cách tiết chế và có ý thức một số thực phẩm được cho là tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Ông Fukuoka cho rằng nếu đi quá sâu vào những học thuyết này, như cần phải làm thế trong việc nghiên cứu y học phương Đông, người ta sẽ bước vào địa hạt khoa học, tức là phụ thuộc vào tri thức trong ăn uống, “khi cố nắm lấy ý nghĩa của tự nhiên với một tầm nhìn xa rộng, anh ta lại thất bại trong việc để ý tới những thứ nhỏ bé xảy ra ngay dưới chân mình”.
Tóm lại, theo ông Fukuoka dù ăn theo khoa học hay triết học đều trái với tự nhiên. Phải thoát khỏi hai hệ thống đó. “Ngay cả khi một người quay về núi sống một cuộc sống sơ khai, anh ta vẫn có thể thất bại trong việc chạm tới mục tiêu thực sự của mình. Nếu ta cố gắng một điều gì đó, những nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ giúp ta đạt được kết quả như mong muốn”, ông Fukuoka viết. Điều ông muốn nói là đừng ăn với cái đầu của mình, hãy ăn với bản năng của cơ thể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻẢnh 2
Ông Fukuoka vẽ ra hai bản sơ đồ kèm theo (ảnh 1 và 2), gọi là “Mạn-đà-la thức ăn tự nhiên”. Sơ đồ thứ nhất là những thức ăn dễ dàng có được nhất “ngay dưới chân ta”, sơ đồ thứ hai là những thức ăn có vào những tháng nào trong năm. Từ hai bản sơ đồ này ông nói rằng nguồn thức ăn được cung cấp trên bề mặt trái đất này gần như vô hạn. Nhưng đó là những thứ thức ăn tự nhiên của nước Nhật. Nhiều thứ không có ở Việt Nam ta và nước Nhật cũng không có nhiều thứ Việt Nam ta có. Cho nên bạn có thể xem cho biết và quên nó đi hoặc không cần xem nó. Ông Fukuoka cũng lưu ý, bạn nên nhìn vào các bản sơ đồ này một lần và hãy ném nó đi, vì nó không cần thiết. Những nông dân và ngư dân Nhật Bản, cả với người Việt chúng ta nữa, ngày xưa chẳng cần quan tâm đến những lập luận về thức ăn, họ trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà cửa hài hòa với thiên nhiên, thuận với bốn mùa, họ ăn những gì mà thiên nhiên ban cho họ hoặc họ làm ra và họ đã có một chế độ ăn tự nhiên hoàn hảo. Họ tự biết lúc nào thì nên ăn những gì. Theo ông Fukuoka, người nông dân chỉ ăn những thực phẩm hoang dại có thể thu hái tại chỗ hoặc tự trồng một cách tự nhiên thì tốt cho sức khỏe hơn là những thứ phải mất công tìm kiếm. Đối với các loại cá, cá ở đồng ruộng hoặc sông suối nước ngọt thì tốt cho cơ thể hơn là cá nước mặn; với cá biển thì cá nước nông gần bờ tốt hơn là cá xa bờ… Nói chung, những gì gần ta và dễ tìm kiếm là tốt nhất. Sự tốt lành bao giờ cũng nằm ở tầm tay, ở dưới chân chúng ta.
Quá trình đô thị hóa đã khiến cho con người ngày càng rời xa với thức ăn tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên cung ứng cho các đô thị, và ngay cả ở thôn quê, ngày càng vắng bóng. Đơn giản là từ lâu người nông dân đã không còn làm ra chúng để đem đi bán nữa. Hiện nay nếu có nơi nào làm được đem đi bán thì chưa chắc người ta đã tin, nhất là khi bán rẻ.
Những trải nghiệm của ông Fukuoka cho thấy, thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể được sản xuất với chi phí và công sức tối thiểu, bởi vậy chúng phải được bán với giá rẻ nhất. Và chính ông đã bán các sản phẩm của mình với giá rẻ hơn bất cứ sản phẩm nào khác. Có lần ông giao sản phẩm cho một cửa hàng thực phẩm tự nhiên, khi phát hiện vị thương gia ở đó đã bán chúng ra với giá cắt cổ, ông đã tức giận và lập tức ngưng giao hàng cho cửa hàng đó. Ông bảo nếu thực phẩm tự nhiên có giá cao, nghĩa là người thương gia đang thu lợi nhuận quá đáng và chúng sẽ trở thành thức ăn xa xỉ của người giàu…(còn tiếp)

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại

(TNO) Theo ông Masanobu Fukuoka, thực phẩm và thuốc men không phải là hai thứ khác nhau, chúng là mặt trước và mặt sau của một sản vật.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Đó là loại rau củ mọc hoang hoặc được trồng tự nhiên xen trong cỏ dại. Chúng không những có giá trị dinh dưỡng cao, có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Còn những thứ rau củ được nuôi dưỡng bằng chất hóa học thì có thể ăn được nhưng không thể dùng làm thuốc.
Ông bảo, nếu bạn nghĩ rau trái được trồng theo kỹ thuật hiện đại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Ông cho rằng những thứ rau trái này là sự pha trộn mọng nước của ni-tơ, phốt-pho, kali… với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà công nghiệp, ông nói ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích, thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hóc môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới dạng một quả trứng.
Trong khu vườn nhà ông, cây cỏ hoang dại mọc chung với cam quýt. Và dưa chuột, bí, đậu phộng, cà rốt, các loại cải, hành tỏi, khoai tây cùng bao nhiêu là thứ rau khác được trồng xen trong cỏ dại. Tất cả đều cùng nhau chung sống, không cây nào “ức hiếp” cây nào. Đó là khu vườn tiệm cận với tự nhiên (có thể gọi là bán hoang dã), ở đó ông không cày xới, không bón phân, không dùng bất cứ một thứ hóa chất nào. Rau củ ở đây có thứ tự mọc, có thứ được trồng và không ít thứ chỉ trồng một lần, ông không thu hoạch toàn bộ mà để lại mỗi thứ một ít, hạt của chúng rơi xuống hoặc mầm của chúng còn trong đất sẽ tiếp tục mọc lên, tồn tại và sinh sôi năm này qua năm khác. Bất cứ nơi nào có cỏ dại, ở đó đều có thể trồng rau củ.
Vấn đề là vườn nào có thể trồng loại rau củ nào và vào thời điểm nào thì thích hợp, vì từng loại không chỉ tương quan với thời tiết mà còn tương quan với sự sinh trưởng và héo tàn của cỏ dại. Chẳng hạn trong khu vườn của ông, với các loại rau vụ xuân, thời điểm gieo trồng tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm. Đối với vụ thu, hạt giống phải gieo khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất hiện. Thường thì khi trời mưa xuống, ông cắt vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên, không cần phải phủ đất mà chỉ cần lấy lớp cỏ vừa cắt phủ lên là đủ, để che nắng và tránh bọn gà, chim khỏi ăn. Nơi nào cỏ mỏng chỉ cắt một lần, nơi nào cỏ dày có thể cắt vài lần, sao cho mầm cây mọc lên trước cỏ dại là được. Hạt giống được gieo xuống có khả năng sẽ bị lũ gà, chim chóc và côn trùng “xơi tái”, ông đối phó chúng bằng cách không gieo hạt theo hàng hay rảnh mà rải mỗi nơi một ít, tất nhiên chúng cũng sẽ ăn nhưng không đáng kể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể thấy đó là bài học ông Fukuoka học được từ thiên nhiên. Bất cứ một mảnh đất nào, dù khô cằn đến mấy, nếu kiên trì bảo vệ từng cái cây ngọn cỏ, theo thời gian tự nó sẽ trở thành một mảnh đất tươi tốt. Khi thảm thực vật được bao phủ, hệ sinh vật sẽ sinh sôi trong đất, giun dế sẽ làm nhiệm vụ khơi thông cày xới, xác thực vật và xác côn trùng cùng với chất thải từ động vật sẽ làm cho đất đai màu mỡ. Hãn hữu lắm mới dùng một ít phân gia súc gia cầm, nhưng nói chung là không cần thiết. Khi khu vườn được tái lập gần với tự nhiên, hệ sinh vật tự nó sẽ cân bằng, côn trùng sẽ chế ước lẫn nhau, vì vậy không phát sinh vấn đề sâu bệnh. Những sản vật được tạo ra từ khu vườn gần với tự nhiên như vậy là rất phong phú và đa dạng, có thể nuôi sống được nhiều người hơn là khu vườn được canh tác theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Rau củ quả trồng trên nền đất tự nhiên giàu chất hữu cơ, chúng sẽ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Và sự tương tác với cây cỏ hoang dại sẽ khiến cho rau củ quả được hấp thụ một lượng đa chất và vi chất dinh dưỡng phong phú, khiến cho chúng có thêm những hương vị tinh tế.
Ông lưu ý, trong những khu vườn tự nhiên đó, nếu như ta cố tình dùng các kỹ thuật tiên tiến hoặc nỗ lực để tạo ra sản lượng lớn hơn, những nỗ lực đó sẽ kết thúc trong thất bại. Và trong hầu hết các trường hợp, thất bại sẽ có nguyên nhân từ sâu bệnh.
Mục tiêu mà ông Fukuoka hướng tới trong khu vườn của mình là có được những rau củ quả càng gần với tổ tiên nguyên sơ của chúng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bởi vì chỉ riêng việc “trồng” chúng, có vẻ là trái với tự nhiên rồi. Và theo cách hiểu đó thì việc con người sử dụng muối và lửa trong nấu nướng có thể bị chỉ trích như là bước đi đầu tiên của sự chia cắt con người ra khỏi tự nhiên. Nhưng theo ông, việc dùng muối và lửa từ cổ xưa nên được thừa nhận là trí khôn trời ban, là trí tuệ tự nhiên. Và những cây trồng đã tiến hóa hàng ngàn hàng vạn năm cùng với con người cũng cần được coi là thực phẩm tự nhiên. Chỉ những giống loài bị can thiệp tức thời và không được tiến hóa dưới những điều kiện tự nhiên, cũng như tôm cá hay gia súc gia cầm sản xuất hàng loạt bằng công nghiệp, là nằm ngoài danh mục thức ăn tự nhiên (còn tiếp).
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Review "Cuộc cách mạng một cọng rơm" - sp

“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất” Masanobu Fukuoka _ Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

LÊN ĐẦU TRANG