Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Em lên phố

Mười tám tuổi, nhưng lần đi thi đại học này mới là lần đầu tiên em được lên Hà Nội. Mười tám năm em sống trong tình yêu thương, che chở của mẹ, của cha; em lớn lên bằng hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, bằng dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa…

Hôm đi, em bị say xe nên gục vào vai mẹ ngủ li bì, để rồi khi xe đổ bến, em thức dậy và choáng ngợp, ngỡ như mình vừa lạc vào một thế giới khác: náo nhiệt, đông đúc, chật chội, ồn ã, và đầy những điều mới lạ!

Cảm nhận của em đầu tiên về Hà Nội là bụi và rất nhiều xe cộ! Cái bụi cộng với cái nắng trưa hè oi ả khiến em như mệt lả! Còn xe thì nhung nhúc như bầy vịt bơi trên sông, chi chít như thân lúa ngoài đồng. Nếu một mình, chắc em chỉ ngồi bên vỉa hè, bất lực nhìn dòng người xe xuôi ngược, cả ngày chẳng dám qua đường. Cũng may, bàn tay mẹ đã chìa ra cho em nắm lấy, vừa đi, em vừa nép chặt vào người mẹ, mắt nhắm lại sợ hãi mỗi khi có chiếc xe phóng ẩu, lao vút tới như chực đâm sầm. Em rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ học ở đây và phải tự đi lại, phải tự sang đường…

Em và mẹ thuê một phòng nhỏ ở một xóm trọ cạnh trường. Trừ những lúc đi thi hoặc đi ăn, còn không, em chỉ ở trong phòng. Lý do là vì trời rất nóng, em phải mặc quần đùi, mà mặc quần đùi thì em ngại, chẳng dám ra ngoài. Bởi ở quê, bố mẹ vẫn nhắc nhở em rằng con gái thì phải ý tứ và kín đáo. Mỗi lần đi ăn, thấy em lục đục thay quần dài, mặc áo sơ mi kín mít, mấy chị sinh viên ở phòng bên lại tủm tỉm cười rồi bảo: “Ra đường em sẽ thấy, chúng nó toàn mặc những bộ ngắn bằng một nửa và hở gấp đôi cái bộ em vừa thay ra!”.

Quả thực, các chị ấy nói đúng! Không những thế, em còn thấy ở Hà Nội những điều mà một đứa con gái nhà quê như em chưa bao giờ được thấy: đó là cảnh những đôi trai gái âu yếm, ôm hôn nhau say sưa trên ghế đá bên hồ, dù xung quanh rộn ràng người qua xe lại; đó là sự phân cấp giàu nghèo đến khắc nghiệt khi một người đàn ông rách rưới bới tung cái thùng rác đặt trước cửa một trung tâm thương mại xa hoa để tìm những vỏ chai, nắp hộp; là cảnh những cô gái bán hoa lang thang, mời gọi khách bên đường…

Đêm qua, Hà Nội đổ mưa! Mưa nhảy rầm rập, bồm bộp trên mái tôn, dồn dập, liên hồi. Liệu có phải vì vậy mà em thấy mưa Hà Nội cũng khác mưa ở quê mình? Em gọi điện cho bố, em khóc, em nói rằng em rất nhớ nhà, và nhớ bố! Em không biết bố có khóc không, em chỉ thấy giọng bố nghèn nghẹn, buồn buồn: “Con gái à! Ai rồi cũng phải lớn, phải lo cho cuộc sống của riêng mình! Và đó là những thứ mà con phải thích nghi, phải hòa đồng!”.

Các chị sinh viên phòng bên thấy em khóc thì ai nấy đều an ủi, dỗ dành. Họ bảo rằng hồi mới lên đây, họ cũng như em vậy, cái gì cũng ngợp, cũng sợ sệt, rụt rè. Nhưng giờ, họ đã quen với tất cả, họ thích cuộc sống ở nơi này! Nhiều người được nghỉ hè còn chẳng muốn về quê, ra trường rồi họ sẽ vẫn quyết tâm trụ lại!

Em tin là họ nói thật! Và em hiểu rằng nếu lên học ở đây, em cũng sẽ phải thích nghi như thế! Có thể một lúc nào đó, em không còn thấy ngại ngùng khi mặc ra đường những bộ quần áo ngắn ngủi, hở đùi, hở cổ; không đỏ mặt bởi những cái ôm ngoài công viên hay những chiếc hôn trên ghế đá; không lạ lùng khi nhìn cảnh chèo kéo, mời chào của những gái bán hoa. Có thể, một lúc nào đó, em sẽ cắt đi mái tóc tết đuôi sam óng ả này để uốn xoăn, hấp nhuộm; sẽ cất đi đôi dép quê loẹt quẹt kia và bước lên đôi giày cao gót có ghim những viên đá nhỏ với quai đỏ dây hồng. Nhưng em à, anh mong là em sẽ không quên, rằng em đã lớn lên từ tình yêu thương của cha và mẹ, từ hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, và từ dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa…

Em là cô giáo vùng cao

Suốt hai ngày đầu tiên đặt chân lên cái huyện vùng cao hẻo lánh, heo hút này, em chỉ ở lì trong phòng và khóc. Em nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ bạn bè; nhớ những buổi chiều bên ghế đá, ngắm tháp Rùa xa xa, có những con sóng lăn tăn, có lá vàng bay nhẹ nhàng, êm ả, sau lưng là còi xe, là dòng người hối hả; nhớ những buổi cả đám rong ruổi

đi ao sen chụp ảnh, rồi kéo qua ăn bánh tôm phủ Tây Hồ; nhớ những đêm gió lạnh ùa về, bên quán vỉa hè, mấy đứa quây quần, chuyền tay nhau bắp ngô nướng xém, xuýt xoa, phả khói thơm nồng; nhớ cả những ngày đầu đông, dưới rặng hoa sữa ngạt ngào, anh ôm em thật chặt, hôn em thật lâu, như thể sợ rằng cái rét mướt sẽ làm đôi môi em giá buốt, để rồi nụ hôn và hương hoa nồng nàn ấy, cùng với anh, theo em cả vào trong giấc mơ. Những điều tưởng như bình thường và giản đơn ấy, sao giờ đây, lại đang cắn lòng em đến nhức nhối, cồn cào…

Ngoài kia, không còn những dòng người xe đua chen ồn ã, chỉ có con đường mòn gầy gò, quanh co, khắc khoải; không còn những đèn cao áp sáng lung linh, sặc sỡ, chỉ có những lùm cây im lìm, quạnh hiu, hoang hoải; không còn những tòa nhà chọc trời uy nghi, lộng lẫy, chỉ có những ngọn núi chơ vơ, lạnh lẽo, cô đơn, mây phủ chập chờn; không còn hơi ấm, chỉ còn lạnh giá, không còn tiếng cười, chỉ có những giọt nước mắt nhạt nhòa, lặng lẽ rơi…

Em thèm được nghe tiếng mẹ bên tai, bởi không thể chịu nổi trong lòng những trống trải, khắc khoải, quặn cào. Với tay lấy cái điện thoại, bấm số như một thói quen, nhưng cuộc gọi không thực hiện được, lí do: không có sóng! Em lại lóp ngóp ra khỏi giường, men theo con đường đất ngoằn ngoèo, băng qua nửa quả đồi, nơi đó có ngôi nhà lụp xụp, có người láng giềng gần nhất.

- Con chào bác, con có thể gọi nhờ điện thoại của bác không? Điện thoại của con mất sóng…

- Chào cô, ở đây thì điện thoại nào cũng mất sóng thôi, muốn gọi được, cô phải leo lên ngọn núi kia kìa!

Nói rồi bác ấy chỉ tay về phía ngọn núi chót vót phía sau lưng. Nhưng không sao, em thà leo lên đỉnh núi đó còn hơn là nằm gặm nhấm nỗi cô đơn. Sau hơn hai tiếng trầy trật, cuối cùng, em cũng đã lên tới lưng chừng đỉnh núi. Đúng là trên này có sóng thật, nhưng chỉ được một vạch, thành ra chất lượng cuộc gọi rất kém, đôi khi, em chẳng biết mẹ đang nói gì, chỉ có tiếng khóc của mẹ, và cả tiếng khóc của em, là nghe rõ nhất. Nhưng không sao, được nghe tiếng mẹ, được khóc với mẹ, thế là đủ rồi! Còn những điều mẹ nói thì em cũng tự đoán được: nào là con phải cố gắng lên, chỉ hai năm thôi, rồi mẹ sẽ vay chạy để xin chuyển con về Hà Nội. Nhà ta không giàu, lại không ai làm to, phải chấp nhận thiệt thòi vậy con ạ! Cố lên, hai năm nhanh thôi mà…

“Hai năm nhanh thôi mà!”, em đã cố tin lời mẹ nói, nhưng sao khó quá, bởi ở cái vùng heo hút này, thời gian dường ngừng trôi, hoặc nếu có trôi, cũng trôi rất chậm! Liệu có phải thời gian trôi chậm nên con người em cũng chậm thích nghi? Gần một tháng rồi mà bàn chân em vẫn nhức nhối bởi con đường tới lớp quá xa, gồ ghề đất đá; đầu gối em vẫn rã rời mỗi lần gọi về cho mẹ, bởi sóng vẫn mất, và bởi ngọn núi vẫn cheo leo. Em vẫn chưa quen với việc vào rừng hái rau, lên núi bẻ măng; chưa quen với giọng nói lơ lớ của những đứa học trò nhỏ bé, gầy gò; chưa quen với lớp học nghèo nàn, tồi tàn, có những khe hở huếch hoác, nguếch ngoác, khiến những con gió rừng hung hãn chốc chốc lại thốc vào lạnh buốt, u u...

Nhưng giờ thì quen rồi, quen với việc không có điện, nếu muốn sạc điện thoại, phải dùng cái sạc của Tàu chạy bằng pin tiểu; quen với việc mỗi tháng đi chợ một lần vì chợ xa, phải mua cả tảng mỡ lợn về treo trên gác bếp, đợi cho khô keo lại như khúc gỗ, lúc nào xào nấu thì lấy xuống quệt quệt vào cái chảo nóng cho mỡ chảy ra, dùng thay dầu ăn; quen với những lần lội suối, băng đèo, đến tận nhà từng học trò để vận động các em tới trường; quen với những ngày mưa gió, lớp chỉ lác đác, xơ xác vài ba người, tóc ai cũng ướt nhèm, môi ai cũng tím bầm vì mưa lạnh; quen cả với việc không nhìn lịch để đếm ngược thời gian, mong mỏi ngày về…

Hôm nay trời mưa rả rích, và em nhủ thầm: chắc lại được vài đứa lèo tèo. Nhưng không, lớp đi rất đông đủ, trật tự, ngay ngắn, quần áo chỉnh tề. Thấy em ngạc nhiên, mấy đứa liền giải thích: “Hôm nay 20-11, bọn con quyết tâm đi học đầy đủ để cô vui”. Rồi chúng ríu rít lên tặng quà: một củ sắn vừa moi trên đồi, hai bắp ngô vừa trẩy ngoài nương, một hoa chuối vừa bẻ trong rừng, một con cá, một túi ốc tươi vừa bắt lên từ suối. Đó là những món quà mà kể từ khi biết ước mơ trở thành cô giáo, em chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày em được nhận. Và lúc ấy, em cũng đã hiểu tại sao, em đủ nghị lực, đủ kiên cường để vượt qua những tháng ngày hoang mang và gian nan trên nẻo đất này.

Đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, em mơ được về Hà Nội. Đường phố đông đúc, nhộn nhịp vô cùng, băng rôn, khẩu hiệu rợp trời. Người ta hối hả đi thăm, đi chúc thầy cô. Em nhận được nhiều hoa lắm, còn cả bưu thiếp, cả quà… Thế nhưng, giật mình tỉnh dậy thì chẳng thấy gì, chỉ thấy nước mắt đã trào ra tự lúc nào, và thấy cả ngoài kia, tiếng gió rừng vẫn rít lên từng hồi, dội vào vách núi than van…

Những người hoài cổ - blog Võ Tòng Đánh Mèo

Hoài cổ tức là nhớ về những gì xưa cũ. Vậy thì rất khó để nói rằng việc hoài cổ là nên hay không nên. Bởi nếu những gì ta hoài cổ là tốt đẹp thì đương nhiên là nên, và ngược lại.

Ví dụ như ngày xưa, chuyện trai gái lên giường với nhau khi chưa cưới là điều cực hiếm, và bị gia đình, xã hội lên án, phản đối gay gắt. Vậy nên nếu lớp trẻ bây giờ yêu nhau mà hoài cổ như ngày xưa thì thật tốt quá! (ít ra là theo quan điểm của những người làm cha mẹ). Và cũng theo ngày xưa, việc đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện đương nhiên, là việc bình thường. Vậy nên nếu bây giờ, một ông chồng mà hoài cổ như ngày xưa thì đó là điều tồi tệ, là xấu xa lắm! (ít ra là theo quan điểm của những bà vợ).

Ấy thế nhưng có một kiểu hoài cổ mà gần đây đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại và ngày càng phổ biến, đó là “xếp hàng mua đồ”. Quán café mới mở, người ta xếp hàng chờ mua; trung tâm thương mại mới khai trương, người ta xếp hàng chờ mua; quầy bánh trung thu, người ta xếp hàng chờ mua; và thanh lý hàng hiệu, người ta cũng xếp hàng chờ mua.

Tại sao nói xếp hàng là hoài cổ? Bởi cái hình ảnh ấy thường chỉ có ở thời bao cấp cách đây đã ba bốn chục năm, cái thời mà hàng hóa khan hiếm như kim cương còn nhu cầu của con người thì nhiều như nước đại dương. Cái thời mà người ta chỉ có thể mua được thứ mình cần ở cửa hàng đó chứ không thể mua ở chỗ nào khác; chỉ có thể mua được số lượng đó chứ không thể mua thêm thứ khác; và chỉ có thể mua trong khoảng thời gian đó chứ không thể để sang một thời điểm khác; cái thời mà mọi nhu cầu sinh hoạt trong cả tháng của người ta chỉ gói gọn trong một cân thịt, một lạng muối, một gói đường…

Theo lẽ ấy, người ta phải sợ xếp hàng mới đúng. Thế nhưng người ta vẫn hoài cổ, vẫn thích xếp hàng, mà không phải hàng ngắn đâu, hàng dài cả cây số; mà không phải chỉ một lát đâu, phải chờ cả tiếng đồng hồ. Và những thứ người ta xếp hàng để chờ mua là gì? Là café, là gà quay, là bánh trung thu, là hàng hiệu – những thứ bán rất nhiều, và nhan nhản ở tất cả mọi nơi.

Nếu vậy chắc phải có lý do! Và lý do là: thương hiệu café đó mới lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, phải xếp hàng uống thử xem thế nào; trung tâm thương mại đó đang khuyến mại giảm giá gà quay 10%, mỗi người chỉ được mua một con, phải ăn thử xem sao; bánh trung thu cửa hàng ấy mùi vị đặc trưng lắm, phải nếm thử xem thế nào; rằng mấy cái hàng hiệu đó là đồ xịn trốn thuế, thanh lý rẻ lắm, còn có ba chục triệu một cái váy thôi, phải mặc thử xem ra làm sao…

Để rồi sau khi đã xếp hàng, đã chờ đợi, đã mua, đã ăn, đã uống được thứ mình cần thì chắc sẽ có không ít kẻ lắc đầu: “Tưởng thế nào, café cũng nhạt toẹt, chả khác café ngoài vỉa hè”; “Gà quay dai quá, lại bé tẹo, chả bõ công chen lấn từ sáng đến giờ”; “Bảo hàng xịn mà sao kéo nhẹ cái đã bung chỉ nhỉ? Hay là hàng đểu?; “Bánh gia truyền gì mà ngọt và ngấy quá, ăn được một miếng đã ngán rồi”…

Thực ra, cái việc hoài cổ mà xếp hàng mua đồ này, nếu ai thích thì cứ làm thôi, bởi nó cũng chả có gì xấu, chả gây hại cho ai, không trái pháp luật, cũng chẳng đi ngược với thuần phong mỹ tục. Ngược lại, nhìn cảnh xếp hàng ấy lại thấy vui vui. Bởi việc cả một đoàn người dài ngoằng hàng cây số chen chúc nhau chỉ để uống một ly café thì chứng tỏ cái gu thưởng thức của dân ta cũng tinh tế lắm; bởi việc đứng cả tiếng đồng hồ ngoài trời nắng để chờ mua một chiếc bánh trung thu, một con gà quay, chứng tỏ cái trình độ ẩm thực của dân mình cũng cao cấp lắm; cả việc những chiếc váy hàng hiệu được thanh lý với giá vài chục triệu vẫn khiến người ta phải xếp hàng tắc phố nghẽn đường để tranh mua, chứng tỏ dân mình nhiều người giàu lắm…

Vì thế, cứ mỗi lần đi qua những trung tâm thương mại, hoặc những cửa hàng, cửa hiệu, thấy cảnh chen chúc chờ mua đồ là tôi lại có cảm giác thú vị, vui vui, rồi mỉm cười, miệng lầm rầm: “Những người hoài cổ!”.

Thế nhưng đến một ngày, tôi đã không còn cái suy nghĩ ấy, đó là khi tôi thấy hàng người dài miên man, giữa trưa hè oi nóng, nhích từng bước trước cửa quán cơm từ thiện 2 nghìn đồng. Cũng là hàng người xếp hàng, nhưng tôi lại không thấy cảm giác thú vị, không thấy vui, không thể mỉm cười, bởi tôi hiểu rằng dân mình còn nhiều người nghèo khổ lắm! Tôi cũng không nghĩ rằng những người đang xếp hàng trước quán cơm kia là những người hoài cổ, bởi họ xếp hàng không phải vì sở thích, chẳng phải vì thú vui, họ xếp hàng bởi họ đói, họ nghèo mà thôi. Và tôi gọi họ bằng một từ khác: “Những người hoài khổ!”.

LÊN ĐẦU TRANG