Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Khi người ta trẻ...

Những chia sẻ sau khóa tu: "Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng" tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ, ngày 22 - 25/5/2015
Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng
Trại hè đã qua được gần một tuần nhưng giờ em mới có thể đặt bút viết về bốn ngày đã qua ấy. Bốn ngày màu xanh với rất nhiều cảm xúc, với rất nhiều trải nghiệm.
Kết thúc trại hè, khi lên Facebook, thấy ảnh và statut của các sư huynh, sư tỉ, sư muội, của các bạn người Pháp nữa, em thấy vui lắm. Em đã cười và like ảnh của mọi người đến mỏi cả tay. Nhưng em thấy hơi lạ một chút khi nhìn vào bên trong mình. Sao năm nay, khi đi trại hè về, trong em lại không có những cảm xúc dạt dào để háo hức kể, háo hức khoe, háo hức chia sẻ. Và những lời cảm ơn cũng chưa được nói hết, chưa được gửi hết đến mọi người. Bây giờ, có một chút thời gian nhìn lại, em nghĩ có lẽ trại hè đã mang lại cho em nhiều điều quá nên cái đầu nhỏ bé của em vẫn chưa thể xử lý hết được thông tin. Nó vẫn cứ hỗn độn. Những gì thu nhận được vẫn cứ bay vòng vòng. Xong, có một điều rất lạ là trái tim thì có vẻ ngược lại, nó đập rất bình an. Em biết trái tim của em đã ở đó, và bây giờ vẫn ở đây với em. Em nhớ trong buổi chia sẻ đầu tiên, sư cô đã nói, hơi thở giống như một người bạn. Hôm nay, nghe Thầy giảng, em biết thêm rằng trái tim cũng là một người bạn thân thiết cần được mình yêu thương, quan tâm, chăm sóc.
Trại hè năm nay là trại hè thứ ba em được tham gia. Có lẽ vì vậy nên em không còn cảm giác háo hức như trẻ nhỏ nữa, thay vào đó là một trải nghiệm sâu lắng hơn, nhưng không hề thiếu niềm vui.
Chủ đề của khóa tu năm nay là "Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng". Lạ một điều là năm nay em đã được sống trọn vẹn trong chủ đề ấy, không chỉ qua những bài pháp thoại, mà qua chính cả những quán chiếu của mình, của bạn bè xung quanh, và qua cả những câu chuyện hành lang, được truyền tai nhau như ngoại sử vậy. Thật là vui.
Tuổi trẻ
Khi nào thì người ta còn trẻ? Câu hỏi này em nghĩ cũng đơn giản nên chưa bao giờ em tìm cho mình một câu trả lời. Em vẫn cứ nghĩ là mình còn rất trẻ, vì diện mạo bên ngoài, vì tính cách, vì tuổi tác. Nhưng qua khóa tu em đã nhận ra.
Hình như tuổi trẻ không có đơn giản như vậy. Nhìn vào người chị lớn, người bạn lớn của mình đã đem năng lực chuyển ngữ ra để giúp mọi người hiểu nhau, giúp xóa đi sự ngăn cách của tiếng nói mà thấy được tiếng lòng của nhau; nhìn vào người anh của mình, vì tâm niệm mong muốn mọi người được hiểu nhau, gắn kết với nhau, đã đem hết sự nhiệt huyết  làm hoạt náo viên cho mỗi buổi chuyện trò; nhìn những người bạn nhỏ tóc đen trò chuyện, cười, chơi với những người bạn cao lớn tóc vàng, mắt xanh... Nhìn vào những điều đó, em thấy tuổi trẻ.
Khi người ta trẻ, người ta sẵn sàng vượt thoát mọi rào cản, vượt thoát mọi phân biệt để mà được hiểu thêm, được biết thêm về nhau, về con đường mà mỗi người đang tìm kiếm và để có thể chia sẻ với nhau những ấp ủ của riêng mình. À, vậy là tuổi trẻ là cái tuổi mà người ta hành động để tìm thấy niềm vui cho mình, và đem tặng niềm vui cho người khác. Vậy em tự thấy, mình giống một người già giữa khóa tu người trẻ. Nhận ra điều ấy, thú nhận điều ấy em cảm thấy không dễ, nhưng vui. Vui vì em biết rằng, sau khóa tu này, mình đã học cách để trẻ ra đúng với tuổi của mình. Và cứ sống trẻ như vậy thì sẽ rất vui.
Tình yêu
Tình yêu! Một chủ đề mà ai cũng muốn được hiểu nữa, hiểu mãi. Đi tu về, em cũng cất được cho mình một đôi điều. Thầy Pháp Tiến có chỉ cho mọi người một bí quyết, ấy là muốn tìm được một người yêu lý tưởng, thì rất đơn giản.
Mình cần là mình trước đã, cần yêu mình trước đã. Một khi vườn tâm của mình được chăm sóc sao cho cẩn thận, sao cho khéo, sao cho tươi mát thì khuôn mặt, cử chỉ của mình cũng là một bông hoa, một ngọn gió hè. Tươi mát vậy thì người nào gần mình cũng thương được mình. Nhìn sâu vào mình, họ sẽ nhận ra được sự tươi mát ấy. Điều thầy chia sẻ làm cho em nhớ tới một câu em vừa được đọc trong một cuốn sách về hạnh phúc: Bạn hạnh phúc vì bạn có nhiều bạn bè, hay chính vì bạn hạnh phúc nên bạn có nhiều những người bạn tốt? Có lẽ tình yêu đâu có phức tạp đến độ không thể có một định nghĩa cho nó.
Khóa tu cho em định nghĩa về tình yêu như thế này: Bạn thương ai đó và khi ai đó thương bạn, bạn gặp người đó, và người đó gặp bạn, bạn biết bạn thảnh thơi và người đó cho bạn biết họ cũng tự do, bạn thấy hoa nở xung quanh bạn, mây trắng trên cao, chim hót bên tai, và người đó cho bạn biết rằng, họ cũng nghe, cũng thấy được những điều ấy, rất thật, và họ mong bạn biết rằng họ hạnh phúc khi được cảm nhận những điều tuyệt vời ấy cùng với bạn, và bạn cũng tha thiết mong họ thấy được bạn cũng cảm thấy y như vậy. Hoặc đơn giản hơn, tình yêu đó là trở thành người thương của nhau, và xá chào nhau bằng ngôn ngữ của loài kiến, chạm râu vào nhau để truyền cho nhau những thông tin về thức ăn, hoặc về những mối hiểm nguy. Hoặc đơn giản hơn nữa, là khi bạn có thể bám vào hơi thở, vượt qua cảm thọ mặc cảm, tự ti, ghen tị đang lên trong bạn, để có thể cùng chia sẻ với người ấy điều tuyệt vời đang diễn ra. Hình như tình yêu có thực và trải khắp mọi trái tim.
Lý tưởng
Tuổi trẻ không chỉ là khi ta là một "vận động viên chạy vượt rào", mà còn là một vận động viên chạy đường dài nữa. Theo kinh nghiệm của một nhà văn mê chạy đường dài mà em đọc được, người chạy đường dài cần có sức bền, sự dẻo dai, sự nhẫn nại. Mỗi lần bắt đầu chạy, niềm vui trong họ sẽ nảy nở trong mỗi bước chân, chứ không nằm ở vạch đích. Cái mà họ tìm kiếm là giới hạn của bản thân, và mỗi lần đường chạy ấy dài ra, cảm nhận về giới hạn bên trong mình của họ cũng theo đó mà lớn lên. Việc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp những người bạn trong khóa tu đã cho em thấy, người trẻ cũng có thể là một vận động viên chạy đường dài. Người trẻ luôn đi tìm kiếm chính mình.
Em đã được nghe chị của mình chia sẻ về việc kiếm tìm điều gì mà mình thực sự muốn làm, nghe bạn của mình chia sẻ con đường mà cô ấy đã quyết tâm theo đuổi, chứng kiến công cuộc nuôi dưỡng tâm bồ đề của một người bạn thương, được nghe kể về cuộc đi tìm kiếm sự thật đích thực của một nhà triết học trẻ, và cả cuộc tìm kiếm của chính mình nữa. Qua tất cả những câu chuyện ấy, em hiểu được rằng, điều hay nhất của tuổi trẻ đó là những cuộc tìm kiếm. Khi người trẻ quyết định bắt đầu một cuộc tìm kiếm, cũng chính là khi người trẻ bắt đầu nhìn vào trong mình, lắng nghe mình, và nhìn ngắm thế giới. Khi ấy người sẽ để tất cả các giác quan của mình trong cả hai thế giới, bên trong và bên ngoài, để có thể tìm những điểm tương đồng giữa hai thế giới ấy, và nỗ lực tạo ra sự liên kết. Khi người trẻ tìm kiếm, là khi họ bắt đầu lên đường.
Nhưng trên con đường ấy, khi đã gặp được lý tưởng, không phải lúc nào người trẻ cũng giữ vững được lý tưởng ấy, mà sẽ đôi lúc cảm thấy khó khăn, cảm thấy nghi ngờ, cảm thấy rời xa lý tưởng của mình. Điều đó hẳn làm cho người trẻ trăn trở rất nhiều. Có một bạn người Pháp đã chia sẻ trong khóa tu, rằng cô ấy đang thực hiện lý tưởng sống sao cho sâu sắc. Nhưng càng nhìn sâu vào gốc rễ của những thức ăn, cô ấy thấy con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng thuốc trừ sâu, phân bón, bằng thực phẩm biến đổi gen.v.v.. Điều đó làm cô ấy đau khổ. Và không phải lúc nào cô ấy cũng có thể mua được những thực phẩm sạch. Càng nhìn sâu, cô ấy càng thấy bế tắc.
Nhưng quý thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu đã giúp cô ấy hiểu ra rằng, khi nhìn cho sâu sắc, ta có thể thấy được những khổ đau, những xấu xí, nhưng đừng quên nhìn những điều tích cực và tốt đẹp đang hiện hữu. Cô ấy có thể nhìn thấy thuốc trừ sâu trong đĩa thức ăn của mình, nhưng cũng không nên quên là vẫn đang có rất nhiều những nông trại trồng trọt theo phương cách tôn trọng thiên nhiên đang được sinh ra và duy trì ngày một nhiều. Những mạng lưới cung cấp rau sạch đang ngày càng mở rộng. Và chính cô ấy cũng đang góp phần tạo nên những điều đẹp đẽ đó khi chọn lựa những sản phẩm lành, khi chia sẻ cách sống của cô ấy với những người xung quanh. Điều ấy nhắc nhở em rằng, thực tập nhìn sâu một cách có chọn lọc, nhìn sâu để nuôi mình bằng những điều tích cực là một cách giúp mình, và giúp cộng đồng đi theo những hướng đẹp và lành. Những điều đẹp, lành chính là thức ăn lý tưởng nuôi dưỡng tâm bồ đề của chính mình.
Em vui lắm khi có một người bạn đã chia sẻ điều này cùng với em. Em đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cậu ấy chia sẻ với em rằng: "Để có thể trở thành một người tu, không phải là cứ chơi thật nhiều những thú vui ngoài đời, để thấy những thú vui ấy tạo ra đau khổ, thì mới đi tu. Làm thế chỉ khiến mình vướng mắc nhiều hơn vào những thú vui ấy. Còn muốn nuôi được tâm Bồ Đề vững mạnh, tớ phải tu sao cho thật vui, phải tạo ra được thật nhiều niềm vui trong khi thực tập, như thế mới tu lâu dài được". Ôi, em yêu quá sự chia sẻ này!
Và thêm một bí kíp nhỏ để nuôi dưỡng tâm bồ đề (em coi tất cả những lý tưởng: bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, bảo vệ trái tim và tâm hồn của con người là Tâm bồ đề) do thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, đó là không nóng vội. Tâm bồ đề là hạt giống, mình phát nguyện làm theo một lý tưởng đẹp, lành là mình đã gieo vào đất tâm của mình hạt giống Bồ đề tâm đó. Công việc quan trọng nhất là tưới tẩm, chăm sóc hạt giống ấy hàng ngày. Ngày nào cũng vào thăm, chào hỏi, tưới tẩm cho tâm bồ đề trong khu vườn, thì mình sẽ không bao giờ sợ cái hạt giống ấy bị mất đi. Vì nó có bệnh mình sẽ biết, nó bị khô mình cũng sẽ cảm nhận được, và mình sẽ luôn chăm sóc được nó. Hạt cây nào được chăm chút và yêu thương sẽ không bao giờ từ chối nảy mầm và lớn lên.
Khóa tu tuy đã khép lại rồi nhưng như thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, chúng con có đủ hạnh phúc, đủ củi để xài, có lẽ là cho rất nhiều mùa lạnh nữa.
Em viết thư gửi những người thương, nhưng cuối cùng lại lan man kể chuyện. Nhưng khi kể, em được sống lại thêm một lần nữa những ngày hạnh phúc ấy. Em không biết nói gì cả, chỉ là, em cảm ơn các anh, các chị, các bạn, các em, cảm ơn mọi người đã ở đó, thật trọn vẹn.
Con cảm thấy biết ơn rất nhiều!
(TB: Em biết là tiêu đề và bài viết không được liên quan lắm, nhưng cảm nhận của em về trại hè cũng có thể diễn tả qua cái tên ấy. ^^)
(Chia sẻ của bạn Tâm Thiện Hạnh)
Tình bạn, tình huynh đệ
Khi ngồi viết lại những dòng cảm xúc và kỷ niệm này thì cuộc sống thường nhật đã dần làm cho các chi tiết trong các câu chuyện không còn rõ ràng nữa. Nhưng có một điều vẫn còn rất đậm nét, đó chính là tình bạn, tình huynh đệ quý giá mà chúng tôi đã có được sau khóa tu.
Có lúc mọi người gọi là khóa tu, có lúc mọi người gọi là trại hè. Cũng đúng, vì đây là một khóa tu rất đặc biệt, dạt dào sức sống và có rất nhiều hoạt động sôi nổi bên cạnh những thiền tập lắng dịu khác. Khóa tu năm nay diễn ra vào dịp lễ Pentecote (lễ Hiện Xuống của đạo Cơ Đốc). Lễ này mọi người được nghỉ ngày thứ hai, thành ra khóa tu kéo dài được ba ngày: thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Từ chiều thứ sáu đã có nhiều bạn trẻ đến thiền đường Hơi Thở Nhẹ, tôi cũng đến chiều thứ sáu sau một ngày thực tập tại bệnh viện.
Khi vừa bước vào khuôn viên của Hơi Thở Nhẹ đã thấy một số bạn người Pháp có mặt trước đó. Các bạn đang thảnh thơi thưởng thức không gian của nơi đây. Một bụi hoa hồng nằm trên đồi vừa đúng dịp khoe đủ màu sắc: trắng, hồng và tím, chứng tỏ rằng đây đúng là mùa xuân. Chiều thứ sáu là ngày chuẩn bị (ngày đón khách), thời khóa không nhiều. Sau khi được ăn picnic dưới tán cây, mọi người đi chuẩn bị chỗ ngủ, các bạn nam ở lều và các bạn nữ nghỉ trong thiền đường. Khóa tu năm nay các sư cô ủy thác nhiều tin tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam, sự chuẩn bị đã bắt đầu từ trước đó. Một số công việc như thiết kế poster, viết bài giới thiệu khóa tu, biên soạn sổ tay khóa tu, thông báo và gửi lời mời tới các bạn trẻ gần xa được giao cho các bạn trẻ thực hiện. Tối hôm đó, có một lớp thủ công của các bạn trẻ Việt làm việc hăng say tới tận đêm tại thiền đường. Sổ tay khóa tu đã kịp in ra nhưng chưa đóng thành cuốn, thế là các bạn hì hục, mỗi người một công đoạn hoàn thành rất nhanh những 100 cuốn sách. Có một vài chỗ in sai trong sách, nhưng không ai lấy làm phàn nàn khi ngồi sửa tay lại cho từng cuốn. Không có một lời phàn nàn nào hết.
Mỗi ngày đều bắt đầu bằng việc ngồi thiền từ sáng sớm, 6 giờ 15 (vậy là rất sớm ở Pháp, nhất là với các bạn trẻ). Buổi sáng mùa xuân, khí trời còn hơi lạnh nên ngồi thiền buổi sáng rất thanh tịnh. Sáng nào cũng vậy, vừa ngồi thiền xong là kịp nghe chim hót, những chú chim vừa thức giấc. Hầu như tất cả các bữa ăn đều được diễn ra trong vòng tròn, dưới một gốc cây lớn trên đồi của thiền đường Hơi Thở Nhẹ; một số buổi khác ăn cơm picnic theo gia đình làm việc hay pháp đàm. Buổi ăn sáng diễn ra trong im lặng vì còn là giờ im lặng hùng tráng. Nhiều lúc có tiếng xì xào nho nhỏ (các bạn người Pháp có vẻ thực tập tốt hơn các bạn người Việt). Trước mỗi buổi ăn trưa đều có đọc lời quán nguyện và ăn cơm im lặng, để thực tập lòng biết ơn tới muôn loài. Việc ăn cơm với lòng biết ơn đã gợi cảm hứng cho rất nhiều bạn, nhiều bạn sau đó đã chia sẻ về hình ảnh sư cô trụ trì ăn cơm chậm rãi, hạnh phúc, tràn ngập lòng biết ơn đã đem đến cho các bạn rất nhiều ấn tượng và ngưỡng mộ. Bạn Quỳnh đến từ Phần Lan còn chia sẻ rằng bữa ăn sáng đầu tiên với mứt và bánh mì tại đây, bạn thấy dở, không có vị gì. Vậy mà khi nhìn sư cô ăn chậm rãi, từ tốn, thành ra bạn cũng tập và ăn rất hạnh phúc.
Khóa tu năm nay có tên là Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng, lấy cảm hứng từ một cuốn sách của Sư Ông. Thứ bảy, ngày đầu tiên của khóa tu có một buổi hướng dẫn tổng quát (do sư chú Trờ Đại Giác, sư cô Hạnh Nghĩa, sư cô Lực Nghiêm chia sẻ) nhằm giới thiệu các phương pháp thực tập tới các bạn. Chiều tối hôm đó, các thầy và các sư cô còn cho "ra lò" sự thực tập theo nhóm (workshop) để mọi người lựa chọn, như lớp Thiền trà, lớp Thương mà không bị thương, lớp Ôm ấp cảm xúc mãnh liệt v.v.. Con đã dự lớp sau cùng của sư cô Giác Nghiêm, rất sâu sắc, sư cô đã chia sẻ cuộc đời và sự thực tập của mình, chạm tới trái tim của các bạn trẻ tham dự.
Ngày hôm sau, thầy Pháp Tiến và sư cô Đào Nghiêm chia sẻ về Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng. Các bài pháp thoại, nếu được cho bằng tiếng Việt thì có chị Tần, em Hà dịch sang tiếng Pháp rất trôi chảy, nếu bằng tiếng Pháp thì sẽ có thông dịch cho nhóm nhỏ sang tiếng Anh hay tiếng Việt. Chiều hôm đó có một buổi chia sẻ về 5 giới của các bạn trẻ: 2 bạn người Pháp, 2 bạn người Việt và một bạn người Thụy Sỹ. Sư chú Trời Đại Giác làm người dẫn chương trình. Con được mời chia sẻ về giới Bảo vệ sự sống. Vào buổi chiều mỗi ngày đều có pháp đàm theo gia đình và theo ngôn ngữ: Việt riêng, Pháp riêng. Ngày cuối cùng, có một buổi vấn đáp với không chỉ các thầy, các sư cô mà còn với các bạn thiền sinh nữa. Không khí đầm ấm của một đại gia đình tâm linh được duy trì suốt khóa tu.
Một trong những điểm rất tuyệt vời của khóa tu này mà tôi rất tự hào, đó chính là tinh thần đồng đội giữa các bạn Pháp và Việt. Mặc dù gia đình pháp đàm được chia ra theo ngôn ngữ nhưng khi chấp tác thì các bạn cùng nhau làm việc, không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Có tất cả 4 gia đình chấp tác, luân phiên làm các công việc như rửa nồi, chuẩn bị đồ ăn, dọn thiền đường, quét dọn, cọ rửa nhà vệ sinh, cắt gọt. Mỗi gia đình có một sư cô phụ trách hướng dẫn công việc. Điểm sáng tạo năm nay là mỗi gia đình có anh hai, hoặc chị hai (hay còn gọi là staff - người điều động, hướng dẫn công việc) để phối hợp làm việc. Trước mỗi buổi làm việc đều có hát thiền ca. Trong khi làm việc thì luôn rộn tiếng cười và có cả chụp hình nữa. Làm xong công việc mà còn dư thời gian thì gia đình này còn qua phụ gia đình khác nữa. Đó đúng thật là: không đi đâu nữa, có chi để làm, ... mà thấy chi cũng làm.
Các bạn trẻ có một ngày cùng nhau chơi trò chơi tập thể. Những trò chơi rất đơn giản như truyền nước cũng đủ làm mọi người hào hứng và hạnh phúc. Các sư cô và các bạn trẻ Việt Nam còn hướng dẫn nhảy sạp để mọi người cùng tham gia. Các bạn người Pháp đã sáng tạo không biết bao nhiêu là kiểu nhảy mới. Tối hôm đó mọi người được đi thiền hành theo kiểu "tin tưởng", nghĩa là một người sẽ nhắm mắt và tin tưởng hoàn toàn vào người bạn đồng hành của mình. Ai ai cũng cảm nhận rằng đi thiền hành kiểu này hay quá, như mình trải nghiệm một thế giới khác vậy. Về tới thiền đường thì mọi người ngồi quây quần bên ngọn lửa hồng giữa trời đêm và nghe hô chuông đại hồng.
Phải công nhận là các sư cô đã tạo cho người trẻ rất nhiều hoạt động, và các hoạt động ấy đều nằm trong sự thực tập. Tất cả mọi người đều vui chung một niềm vui, chơi hết lòng nhưng không quên giữ gìn sự thực tập và trân quý giây phút hiện tại. Ngày cuối cùng, buổi chiều có Be in. Đại chúng ngồi thành vòng tròn để nhìn mặt nhau cho rõ. Đông lắm, chắc được cả tám, chín chục người. Nhìn mặt ai cũng thấy thân quen. Những lời biết ơn đã được nói ra thật nhiều. Gia đình làm việc này cám ơn gia đình còn lại, đã yểm trợ lẫn nhau, rồi cám ơn các sư cô, cám ơn gia đình bàn trà (tea team) cũng như các bạn thông dịch. Mọi người cũng chia sẻ nhiều bài hát với nhau, một trong những bài hát của khóa tu là: There is true love right here. Bài hát đó đã miêu tả đúng không gian lúc đó. Ai cũng cảm thấy tất cả đã hòa làm một, không còn sự phân biệt, không còn ranh giới Việt hay Pháp, da vàng hay da trắng, da đen, ngay cả tuổi trẻ và tuổi không còn trẻ nữa. Minh chứng là khi các bạn Việt mở màn thách đố các bạn Pháp và hát bài Em là bông hồng nhỏ, đáp lời các bạn Pháp hát tặng bài Au claire de la lune. Chưa hết, các bạn trẻ thách thức các sư cô hát đáp lời, sư cô Giác Nghiêm dẫn đầu đoàn hợp ca bài Le bonheur est maintenant bằng một phong cách... xìtin!
Đừng tưởng đó đã là chia tay. Khóa tu kết thúc mà không một ai muốn về, hầu hết mọi người đều ở lại góp một tay giúp các sư cô dọn dẹp thiền đường. Các bạn dọn dẹp và thu xếp hành lý xong thì được các thầy và sư cô mời trà thưởng công. Lại một vòng tròn xinh đẹp dưới gốc cây xanh, các bạn trẻ ngồi thành vòng tròn xen giữa các bóng áo nâu. Những gương mặt, những cái tên như: Pierre, Giang, Quỳnh, Lorraine, Monica, Cedric, Lenny, Valentina… và nhiều nhiều nữa mới đây còn xa lạ mà giờ đã thân quen. Dẫu vẫn chưa biết bạn ấy tên họ đầy đủ là gì, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì v.v.. nhưng vẫn gợi lên trong nhau những tình cảm thân thương và tin tưởng. Giây phút ấy là một giây phút rất đẹp, và có phần thiêng liêng.
Giờ chia tay, đại chúng hát chung bài:
Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương
Hiểu và thương
Hiểu và thương...

Sự chia tay quyến luyến và bịn rịn ấy kéo dài khá lâu, chưa ai muốn về. Mới cách đây mấy ngày mà bạn từ Paris, từ Lille, từ Phần Lan, từ Đan Mạch, từ Việt Nam… đã trở thành anh chị em. Các bạn có công việc phải về trước cũng như vậy, cũng có vài giọt nước mắt khi chia tay, tiếc cho các bạn là không ở tới phút cuối để chứng kiến giây phút chia tay có một không hai, đậm đà tình huynh đệ như vậy. Đó chắc đúng thiệt là tình huynh đệ.
Dấu ấn của khóa tu để lại trong tôi chính là tình huynh đệ: với các thầy, các sư cô, với các bạn trẻ phương Tây, với các bạn Việt, với tăng thân trẻ thương quý. Các chủ đề của khóa tu như lý tưởng, như tình yêu, như tuổi trẻ, chắc có lẽ đã nằm gọn trong đó. Tôi không dám chắc, vì trong lúc pháp đàm, các vấn đề đương thảo luận này vẫn còn để ngỏ, mỗi cá nhân có những cách nhìn khác nhau. Các bài giảng đã được chia sẻ đơn giản mà sâu sắc, không cho một câu trả lời mà đưa ra một cách sống. Giờ ngồi ngẫm lại, có phải chăng tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng là một cách sống mà trong đó người trẻ (và cả người không trẻ), có không gian và thảnh thơi cho bản thân, có tình thương và sự rộng lượng với người khác - sống như thế thì lý tưởng và tình thương đã đong đầy rồi.
Xin kết thúc bằng hình ảnh buổi chiều chia tay, trong ánh hoàng hôn vàng rực rỡ, trên bãi cỏ xanh và dưới tán lá huyền diệu, có một nhóm bạn trẻ cùng các bóng áo nâu, nghe theo lời Sư Già (tên gọi thân mật của sư cô Gia Nghiêm) mà cúi đầu cám ơn bóng cây to đã che chở những ngày qua.



(Chia sẻ của bạn Quảng Đăng)
Người bạn trung thành
Mình vừa ở một chỗ cực kỳ tuyệt vời đi ra nên tự thấy cần phải ghi lại vài dòng. Văn mình viết bằng cảm xúc nên làm càng nhanh sẽ càng đỡ chán. Mình đã trải qua 3 ngày cực kỳ tuyệt vời cùng với những người cực kỳ dễ thương. Phải nói là có rất nhiều điều thú vị, kể ra thì chắc tốn nhiều giấy lắm.
Buổi sáng, được ngồi uống trà trong bầu không khí lành lạnh ở ngoài vườn, thưởng thức tiếng chim, tiếng gió. Đến buổi trưa, mọi người đi thiền hành dọc bờ sông Marne, mình quyết định đi chân đất, không mang giày dép. Đi lên trên cỏ dọc bờ sông mà cảm thấy mát lạnh. Rồi còn được bịt mắt, có một người cầm tay dắt đi. Bình thường người ta hay dùng mắt nhiều hơn các giác quan còn lại. Khi bịt mắt lại thì cảm nhận được nhiều thứ hơn. Tai nghe được rõ tiếng chân người đi bên cạnh.
Buổi tối tất cả mọi người ngồi bên bếp lửa, cùng nhau hát, nghe hô chuông Đại Hồng. 21h30 là giờ đi ngủ rồi mà mọi người vẫn còn ngồi đến tận 23 giờ mà chưa chịu chia tay cái bếp. Sáng hôm sau, 5h30 là giờ thức chúng rồi.
Thức ăn do các cô, các bác nấu thì cực kỳ ngon, tuyệt vời hơn là được ngồi trên triền cỏ cùng ăn với các bạn dễ thương của mình. Có bạn ngày đầu mình nhìn mặt chẳng thấy cười gì cả, nhưng đến ngày cuối mình để ý, trên mặt lúc nào cũng như đính một bông hoa tươi ơi là tươi. Rồi có bạn đi thiền hành mà như khiêu vũ, có bạn buổi tối nằm dài trên đất rồi làm những động tác buồn cười lắm. Có lẽ bên trong các bạn vẫn còn lại những đứa trẻ hồn nhiên của ngày xưa. Đã lâu rồi nó không được ra ngoài. Đến hôm nay thì nó được tự do, tha hồ bay nhảy.
19h là kết thúc thời khóa Be-in, thời khóa cuối cùng trong ngày, mọi người sẽ chia tay nhau và kết thúc khóa tu. Nhưng không hiểu sao đến 20h20, thầy Pháp Tiến đãi trà một số bạn ở lại dọn dẹp, mình đếm và thấy vẫn còn đến gần 40 người trong vòng tròn. Mọi người lại tiếp tục hát, thưởng thức trà và tận hưởng giây phút hiện tại. Chắc ai cũng muốn nó sẽ kéo dài mãi. Có bạn người Pháp khóc nức nở, là con trai, tưởng bạn ấy ít tuổi lắm, hóa ra là bằng tuổi mình. Mình nghĩ là bạn hạnh phúc quá ấy mà. Cuối cùng là thiền ôm. Lần đầu tiên mình được làm thiền ôm. Nhưng không phải ôm một người khác mà mình được ôm một lúc tất cả các bạn thiền sinh. Tất cả mọi người ôm thành nhiều vòng tròn bao bọc lấy nhau.
Cá nhân mình thì trong khóa tu này mình đã luôn có mặt, một lần nữa mình có thể sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Chẳng bận tâm đến quá khứ, chẳng lo nghĩ chuyện tương lai. Cảm giác đấy thật là tuyệt vời. Nhưng điều làm mình hạnh phúc nhất là khi nhìn khuôn mặt của các bạn khác. Có bạn thì mặt phiêu phiêu, có bạn thì toét miệng ra cười, có bạn thì lại khóc. Đúng là khi hạnh phúc thì có rất nhiều cách để biểu hiện ra ngoài.
Sau khóa tu, mỗi bạn đều nhận ra được một người bạn trung thành của riêng mình. Đó là hơi thở. Quay lại với đời sống hàng ngày, người bạn này sẽ giúp cho các bạn giảm được những căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực. Các bạn sẽ trở thành những bông hoa tươi mát hơn trong cuộc sống. Hy vọng sau khóa tu các bạn sẽ sống sâu sắc được với cuộc đời của mình hơn. Tận hưởng được tuổi trẻ. Tuổi trẻ ngắn lắm, nó chỉ dài bằng một lần nhắm và mở mắt thôi.
Hẹn gặp lại mọi người sang năm!
(Chia sẻ của bạn Tâm Đức An Lưu)
Một số hình ảnh của khóa tu:

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu

Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, trong kinh Hoa Nghiêm Ngài dạy cái một chứa được cái tất cả, và con thấy hiện tại không những chứa đựng quá khứ mà còn chứa đựng cả tương lai. Nhìn sâu vào hiện tại, con có thể thấy được tương lai và con có thể sống được và tiếp xúc được với tương lai trong giây phút hiện tại. Con thấy được thế hệ con cháu tương lai của con, và con đã có thể tiếp xúc với các thế hệ ấy trong con ngay trong giờ phút hiện tại. Con thấy giữ gìn cho con là giữ gìn cho họ, thương yêu con là thương yêu họ, hiến tặng cho con là hiến tặng cho họ... Những bước chân bước đi trong chánh niệm, có vững chãi, có an lạc, có thảnh thơi, là những cái mà con có thể hiến tặng cho con nhiều lần trong ngày. Mỗi bước chân như thế có tác dụng nuôi dưỡng con, nuôi dưỡng tổ tiên trong con và cũng nuôi dưỡng các thế hệ con cháu đã có mặt trong con đang chờ đợi để biểu hiện. Mỗi hơi thở chánh niệm có an lạc và thảnh thơi ấy là một phẩm vật hiến tặng. Sự hiến tặng này đem niềm vui và sức sống cho con, cho tổ tiên con và cho con cháu con ngay trong giờ phút hiện tại. Con ăn cơm cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu; con ngồi thiền cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu, và con ao ước mỗi giây phút thực tập của con cũng đều là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu con. Con thấy mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn... đều là một hành động của tình thương chân thực. Con không muốn nuôi dưỡng con bằng những thức ăn có độc tố, từ đoàn thực qua xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Những gì con đưa vào thân tâm con phải có chất liệu lành mạnh, từ thức ăn vật chất đến thức ăn tinh thần. Con nguyện không tiêu thụ các sản phẩm có độc tố, từ thức ăn thức uống cho đến sách báo, phim ảnh, ca khúc và đàm thoại. Con không muốn nuôi tổ tiên và con cháu con bằng những sản phẩm có những độc tố như thèm khát, hận thù, bạo động và tuyệt vọng. Con chỉ muốn nuôi dưỡng và hiến tặng cho tổ tiên và con cháu con những thực phẩm lành mạnh, có tác dụng nuôi dưỡng, thanh lọc và chuyển hóa. Con biết sự thực tập chánh niệm trong lúc tiêu thụ là phương thức bảo hộ hữu hiệu nhất cho con, cho tổ tiên và cho con cháu con, và con nhận diện rằng sự thực tập này là sự thực tập thương yêu đích thực.

Con nguyện chỉ trao truyền cho con cháu con, trong con và ngoài con, những hoa trái của sự thực tập hàng ngày của con, những năng lượng của hiểu biết, của thương yêu, những ngôn từ và hành động phát xuất từ chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ. Con nguyện sống giây phút hiện tại như thế nào để có thể bảo đảm được một tương lai trong sáng cho con cháu con, và con biết rằng nếu các con cháu con đang có mặt trong con trong giây phút hiện tại thì con cũng sẽ có mặt trong các con cháu con trong giây phút tương lai, và hai giây phút ấy cũng đang có mặt trong nhau.

Địa Xúc
Con xin lạy xuống trước bậc Tỉnh Thức Toàn Vẹn, đức Bồ Tát đại trí Văn Thù và đức Bồ Tát đại hạnh Phổ Hiền (C)

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Em bé 5 tuổi bị thương

Bài tập thứ năm (các bài thiền tập căn bản)
1. Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi            / Thấy em bé 
Thở ra, tôi cười với em bé năm tuổi là tôi           / Cười với em bé

2. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là tôi rất mong manh, 
rất dễ bị thương tích    / Em bé rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé trong tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương        / Cười hiểu biết và xót thương

3. Thở vào, tôi thấy cha tôi là một em bé năm tuổi        / Cha như em bé năm tuổi
Thở ra, tôi cười với cha tôi  như một em bé năm tuổi     / Cười với cha như em bé năm tuổi

4. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là cha tôi 
rất mong manh rất dễ bị thương tích,  / Em bé là cha rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé là cha tôi 
với nụ cười hiểu biết và xót thương     / Cười với cha với nụ cười hiểu biết và xót thương

5. Thở vào, tôi thấy mẹ tôi là một em bé năm tuổi         / Mẹ như em bé năm tuổi 
Thở ra, tôi cười  với mẹ tôi như một em bé năm tuổi    / Cười với mẹ như em bé năm tuổi


6. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là mẹ tôi 
rất mong manh rất dễ bị thương tích    / Em bé là mẹ rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé là mẹ tôi 
với nụ cười hiểu biết và xót thương       / Cười với mẹ với nụ cười hiểu biết và xót thương

7. Thở vào, tôi thấy những nỗi khổ của cha tôi hồi năm tuổi   / Cha khổ hồi năm tuổi
Thở ra, tôi thấy những  nỗi khổ của mẹ tôi hồi năm tuổi       / Mẹ khổ hồi năm tuổi

8. Thở vào, tôi thấy cha tôi trong tôi           / Cha trong tôi
Thở ra, tôi cười  với cha tôi trong tôi     / Cười với cha trong tôi

9. Thở vào, tôi thấy mẹ tôi trong tôi      / Mẹ trong tôi
Thở ra, tôi cười với mẹ trong tôi          / Cười với mẹ trong tôi

10. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của cha tôi trong tôi    / Khó khăn của cha trong tôi
Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả cha tôi và tôi      / Chuyển hóa cả hai cha con

11. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của mẹ tôi trong tôi  / Khó khăn của mẹ trong tôi
Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả mẹ tôi và tôi     / Chuyển hóa cả hai mẹ con



Bài tập này đã giúp cho nhiều người trẻ thiết lập lại được liên lạc tốt đẹp giữa bản thân và cha mẹ, đồng thời chuyển hóa được những nội kết được hun đúc từ tấm bé. Có những người không thể nghĩ đến cha hoặc mẹ mà không có niềm oán hận và sầu khổ trong lòng. Hạt giống thương yêu luôn luôn có sẵn trong lòng cha mẹ và trong lòng những người con, nhưng vì không biết tưới tẩm những hạt giống ấy và nhất là vì không biết hóa giải những nội kết đã được gieo trồng và không ngừng phát triển trong tâm cho nên cả hai thế hệ đều thấy khó khăn trong việc chấp nhận lẫn nhau.

Trong bước đầu, hành giả quán tưởng mình là một em bé năm tuổi. Vào tuổi đó, ta rất dễ bị thương tích. Một cái trừng mắt nghiêm khắc, một tiếng nạt, hoặc một tiếng chê cũng có thể gây thương tích và mặc cảm trong ta. Khi cha làm khổ mẹ hoặc mẹ làm khổ cha hoặc khi cha mẹ làm khổ nhau, hạt giống khổ đau được gieo vào và được tưới tẩm trong lòng em bé. Cứ như thế lớn lên, em bé sẽ mang nhiều nội kết khổ đau và sống với sự oán trách cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Thấy được mình là một em bé dễ bị thương tích như thế, ta sẽ thấy tội nghiệp cho ta, ta sẽ thấy xót thương dâng lên thấm vào con người của mình. Ta cười với em bé năm tuổi bằng nụ cười của từ bi, của xót thương. 

Sau đó, hành giả quán tưởng cha hoặc mẹ mình là em bé năm tuổi. Thường thì ta chỉ có thể thấy cha ta là một người lớn, nghiêm khắc, khó tính, chỉ biết sử dụng uy quyền để giải quyết mọi việc. Nhưng ta biết rằng trước khi thành người lớn, ông cũng đã từng là một chú bé con năm tuổi, cũng mong manh dễ bị thương tích như ta. Ta thấy cậu bé ấy cũng đã từng khép nép, nín im thin thít mỗi khi cha cậu nổi trận lôi đình. Ta thấy cậu bé ấy cũng đã là nạn nhân của sự nóng nảy, cau có và gắt gỏng của cha cậu ấy, tức là ông nội của ta. Nếu cần, ta có thể tìm tập ảnh gia đình ngày trước để khám phá lại hình ảnh của cậu bé năm tuổi ngày xưa tức là cha ta, hay cô bé năm tuổi ngày xưa tức là mẹ ta. Trong thiền quán ta hãy làm quen và mỉm cười thân thiện với cậu bé hoặc cô bé ấy, ta thấy được tính cách mong manh và dễ bị thương tích của họ. Và ta cũng sẽ thấy xót thương trào lên. Khi chất liệu xót thương được ứa ra từ trái tim ta, ta biết rằng sự quán chiếu bắt đầu có kết quả. Thấy được và hiểu được thì thế nào ta cũng sẽ thương được. Nội kết của ta sẽ được chuyển hóa dần với sự thực tập này. Với sự hiểu biết, ta bắt đầu chấp nhận. Và ta sẽ có thể dùng hiểu biết và tình thương của ta để trở về giúp cha hoặc mẹ để chuyển hóa. Ta biết ta có thể làm được việc này bởi vì sự hiểu biết và lòng xót thương đã chuyển hóa ta và ta đã trở nên dễ chịu, ngọt ngào, có thêm nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn. 

Kiên nhẫn và bình tĩnh là dấu hiệu của sự có mặt đích thực của tình thương. 

Làng Mai dưới mắt nhà thơ Ly Hoàng Ly

PRVDENS VIVO PRVDENS MORIOR[1]
Những con người Tây Phương này, họ tụ lại đây để tìm về hơi thở của chính mình. Hơi thở họ bị ngắt quãng. Đứt đoạn. Họ đến đây để nối hơi thở liền lạc thành một hơi thở sâu lan tỏa khắp thân tâm.
Ngày nào cũng lắng nghe, ghi chép, quay (với sự đồng ý của họ), kín đáo ghi để tôn trọng không khí tự nhiên của các hoạt động, các cuộc trò chuyện. Tôi muốn đóng vai người ngoài cuộc để không bị những cảm xúc, chia sẻ kia tác động, bởi tôi vốn rất nhạy cảm với đau khổ của người khác. Nhưng tôi sụp mấy ngày nay, thân tâm như liệt.
Quá tải với tôi. Tiếng khóc nấc của ai đó chợt bung lên, giữa buổi thiền trong thiền đường, khi ai nấy nhắm mắt, im lặng hít thở. Tiếng nấc ấy sẽ đứng lên, khẽ nhón chân để không ảnh hưởng đến người khác, khẽ mở cửa bước ra ngoài. Đó có thể là tiếng nấc đau khổ, cũng rất có thể là tiếng nấc hạnh phúc.
Những gương mặt nam nữ, lần lượt chảy nước mắt hay òa khóc trong những buổi chia sẻ. Khóc vì hạnh phúc. Khóc vì buồn đau. Họ – những người tự nhận mình là có công việc tốt, thành công, mạnh mẽ, lạc quan, hữu ích với mọi người trong cuộc sống thường ngày, quay về thành những đứa trẻ mẫu giáo, quây quần ở đây, để kể cho những người mà họ chưa từng quen, thậm chí không nhớ hết tên nhau, những nỗi đau của mình – những nỗi đau mà họ bất lực khi sẻ chia với những thân, bạn bè đồng nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Những nỗi đau mà họ bất lực chia sẻ với chính bản thân họ. Họ luôn phải giả vờ hạnh phúc hoặc cố gắng hạnh phúc, giả vờ mạnh mẽ hoặc cố gắng mạnh mẽ để sống có ích với xã hội ngoài kia. Bên ngoài thân thể cường tráng là những hơi thở đứt.
Bà A từ Thuỵ Điển khóc nức khi cất lên lời đầu tiên: “Tôi mới đến đây vài ngày… nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy được yêu thương và hạnh phúc thế này, khi tôi được bao quanh bởi năng lượng nhân ái tử tế, bởi tất cả các bạn. Tôi không quen biết các bạn, nhưng tôi cảm nhận được rõ ràng năng lượng tử tế từ ánh mắt thần thái của các bạn. Tôi quá hạnh phúc. Tôi khóc vì tôi quá hạnh phúc. Tôi xin lỗi vì tôi khóc, nhưng tôi quá hạnh phúc. Thế giới ngoài kia của tôi chưa bao giờ đem lại cho tôi hạnh phúc trọn vẹn thế này… “
Cô B đến từ Mỹ, sụt sùi: “Tôi hay làm ơn rồi mắc oán. Những người bạn thân thiết của tôi, khi họ gặp nạn, họ tìm đến tôi, tôi giúp họ hết lòng. Khi họ giải quyết xong việc của họ, họ trở nên rất tệ với tôi. Tôi có thể cảm thấy họ quay ra ghét tôi. Một ngày tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi hỏi thẳng một người bạn: "Tại sao, tại sao lại vậy?" Người ấy trả lời: "Là vì chị quá mạnh mẽ. Mạnh mẽ một cách đáng sợ." Tôi cho rằng vì họ yếu đuối nên đã để lộ hết chuyện riêng của họ với tôi, nên giờ họ ghét tôi vì họ đã để lộ họ mềm yếu hơn tôi, vì tôi là người duy nhất biết điểm yếu của họ. Vì họ biết tôi là người duy nhất có thể giúp họ, họ đến với tôi, xong họ ghét tôi. Bạn tôi bảo tại sao tôi có thể làm điều mà họ không thể làm? Sao tôi lúc nào cũng giải quyết êm xuôi mọi việc lớn bé mà vẫn cười bình thường? Họ bảo cuộc đời tôi êm xuôi một cách đáng sợ quá. Và họ ghét tôi vì điều đó. Trời ơi sao những con người đó không hiểu được là tôi có đầy nỗi đau khó khăn riêng của tôi, còn khó hơn họ nữa. Nhưng tôi tự học cách chuyển hóa buông bỏ, không phiền đến ai, tôi cố gắng mạnh mẽ vượt qua, và để giúp người thân quanh mình vượt qua khó khăn riêng của họ, vì tôi yêu họ hơn bản thân tôi. Tôi cười đâu có nghĩa tôi có được những điều kiện mà họ có. Họ sung sướng hơn tôi nhiều lắm. Vậy mà cái tôi nhận được lại là sự ganh ghét, đố kỵ, không phải là yêu thương. Tôi cô độc quá. Tôi đau khổ quá. Tôi hoang mang quá. Tôi từng nghĩ, mạnh mẽ quá, sống vì người khác quá là sai lầm của tôi. Nhưng đến đây, tôi học được rằng tôi thiếu sáng suốt với chính mình…”
C từ Canada rơm rớm: “Tôi cố gắng nhiều năm, nhưng mối quan hệ của vợ chồng tôi rất tệ. Chúng tôi không thể đối thoại. Chúng tôi yêu nhau, nhưng không hiểu nhau. Chúng tôi trở nên ghét nhau. Khi đến đây từ năm ngoái, và trở về, tình hình cải thiện hơn, nên tôi trở lại đây, lần này tôi đi cùng vợ. Đây là một nơi tuyệt vời. Tôi biết ơn nơi này. Tôi rất may mắn biết đến một chỗ tuyệt vời thế này…. “
D từ Nga sống tại Pháp, vừa quệt nước mắt vừa nói: “Tôi dường như đang có tất cả, thế mà tôi luôn cảm thấy mình bất hạnh vô cùng. Chồng tôi thành công, lịch lãm, yêu tôi vô cùng. Nhưng tôi cảm thấy ghê sợ chính tôi, hàng ngày tôi tự hỏi tôi đến với anh ấy vì điều gì, vì tiền của anh ấy và cuộc sống an nhàn? Tôi thấy tôi quá tệ. Hình như tôi không yêu anh ấy ngay từ đầu. Tôi lấy anh ấy vì tôi tính toán. Tôi ghét chính mình. Tôi đau khổ vì mất mục đích sống. Tôi không biết tôi sống để làm gì. Để lợi dụng chồng tôi? Tôi không dám sinh con vì tôi rất sợ con tôi sẽ nhìn tôi như một người mẹ thực dụng. Tôi không dám sinh con vì tôi sợ con sẽ ràng buộc tôi sống với người chồng tốt mà tôi không yêu này. Một ngày kia tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi đã bỏ chạy qua Ấn độ, sống một năm để rồi tôi tình cờ tìm thấy tờ quảng cáo Plum Village, hóa ra cách nhà tôi có hai tiếng lái xe. Tôi đã đi rất xa để nhận ra cái quý giá rất gần bên mình mà mình không biết. Đây là một nơi tuyệt vời. Tôi vẫn vô cùng hoang mang, nhưng tôi cảm thấy nơi đây sẽ giúp tôi tìm thấy bản thân tôi. Tôi mời chồng tôi đến đây sau chuyến công tác của anh… “
E sống ở Ireland không cầm được nước mắt: “Hôm trước các bạn hỏi tôi nếu phải nói một từ về tổ tiên người thân, thì tôi nói câu gì, trong đầu tôi bật ngay lên ‘truthful’ (chân thật) và tôi nói ‘truthful’. Tôi nói mà không suy nghĩ. Không, tôi đang nói dối với chính mình, tôi dối các bạn. Họ, bố mẹ tôi, cả ông bà tôi, họ luôn hoàn hảo một cách đáng sợ, họ truthful một cách ngộp thở. Họ có thật sự truthful không? Không. Tôi có thể cảm nhận sự giả dối trong cái truthful đó. Vì sao họ phải sống như thế? Cả tuổi thơ tôi là một bi kịch của cái gọi là truthful. Tôi ghét họ. Và tôi cũng yêu họ. Họ tỏ ra hoàn hảo không tì vết. Nhưng họ không thể đối thoại với nhau, bố mẹ và năm anh chị em chúng tôi không có hòa khí. Không khí gia đình lúc nào cũng ngộp thở, khiến tôi đau khổ và hoang mang về thế nào là sống cho đúng, thế nào là hạnh phúc. Có một lần tôi quyết định đem niềm vui về cho cả nhà bằng cách đi hái hoa thuỷ tiên. Tôi hái tất cả hoa thủy tiên của hàng xóm, gom thật nhiều thật nhiều thành một bó to. Vâng, tôi đi ăn cắp hoa của hàng xóm, ăn cắp hạnh phúc của hàng xóm đem về cho gia đình mình. Tôi chỉ muốn nhìn thấy những người thân của tôi cười khi nhìn thấy bất ngờ tôi đem lại cho họ. Tôi nhớ rằng tôi để lọ hoa thuỷ tiên to trong bếp. Nhưng không ai bất ngờ cả. Họ thấy là bình thường. Họ không reo lên, không vui. Họ bình thản. Thế là tôi khóc. Sao những con người này họ lại lạnh lùng vậy. Họ không có tình cảm với nhau. Không ai muốn cười. Tôi không có hạnh phúc cả tuổi thơ. Tôi cực kỳ hoang mang về cuộc sống gia đình của tôi sau này khi tôi đi lấy chồng. Tôi không bao giờ muốn con tôi phải sống đau khổ như tôi. Tôi đau khổ vì cái truthful kiểu ấy.”
Anh F từ Đức trầm ngâm: “Tôi trải qua sự sợ hãi hoảng loạn mấy năm nay rồi, sau cú sốc tình cảm và công việc đến cùng lúc. Tôi không ngủ được. Tôi luôn không cảm thấy an toàn. Thế giới này không đem lại cho tôi sự an toàn. Một tuần ở đây tôi cảm thấy điều đó đã trở lại với tôi: cảm giác an toàn. Tôi thực sự quá may mắn. Tôi ngủ ngon hơn. Tôi tìm lại được mình. Nhất định tôi phải trở lại đây….”
Khóa tu tiếng Pháp.10Chị G từ Ý cười: “Tôi là một nhà trị liệu tâm lý. Tôi theo đạo Cơ đốc. Từ khi tôi biết Làng Mai cách đây 5 năm, năm nào tôi cũng trở lại đây. Đây là nhà tôi muốn về. Chốn an trú của tôi. Tôi trị liệu tâm lý cho mọi người nhưng bản thân tôi cũng đầy khó khăn riêng của mình. Tôi đã chất đầy hận thù trong lòng vì đau khổ, dù tôi đi trị liệu cho người khác. Đây là nơi tôi có thể tái tạo năng lượng, tìm thấy chính tôi.”
Còn biết bao câu chuyện khác…
Họ là những người mà nếu ta gặp trong đời sống hàng ngày, sẽ chỉ thấy họ cười, thành công, mạnh mẽ, nhiệt huyết. Họ sẽ không cần lời khuyên của ai, họ đủ sâu sắc hiểu biết để biết phải làm gì, giúp ích cho người thân, xã hội.
Họ chọn đến đây để trở lại với đứa trẻ năm tuổi thực sự bên trong họ, chân thành, trong sáng, dễ bị tổn thương. Những người lớn này ngày đầu mới đến còn e dè, chỉ hai ngày sau đã khóc vô tư trước mặt những người xa lạ mà họ cảm nhận được ngay là có cùng tần số – những người họ không biết tên, không cùng đất nước, văn hoá, nhưng nói một câu đã hiểu nhau, một cái ôm đầu tiên thấy sâu như đã quen biết hàng mấy chục năm rồi. Họ đến đây không phải để xin lời khuyên rao giảng. Họ đến để học cách tìm về hơi thở sâu trong họ, của chính họ, và ngắm những người có cùng ý nguyện thở hơi thở sâu.
Trước khi đến đây, tôi đã hồ đồ cho rằng pháp môn của Thầy Thích Nhất Hạnh là hơi "cliché" [2] với tôi. Tuy rằng tôi có ý định nghiên cứu pháp môn này cho đến nơi đến chốn để phát triển dự án ‘Prvdens Vivo Prvdens Morior’, tôi đã có tri kiến sai lầm về việc thở ra hít vào của Thầy. Nghe đơn giản quá. Cứ thở ra thở vào là hạnh phúc sao? Thở ra hít vào sâu ai mà chẳng làm được. Ai có tri thức chẳng biết trong hạnh phúc có khổ đau và trong đau khổ có hạnh phúc. Tương tức. Ai chẳng biết điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tình yêu thương, là tấm lòng. Ai chẳng biết nói yêu thương thì dễ, để thực sự yêu thương ai là trọn một đời, cứ nhìn những người mẹ là hiểu rồi.
Tôi lầm. Chỉ đến khi thực sự sống và làm việc theo thời khoá từ 5h sáng hàng ngày và nghiên cứu quá trình chuyển hoá của những tăng thân đến đây, tôi biết là tôi ngạo mạn, hồ đồ. Đó cũng là điều tôi chia sẻ với các tăng thân ở đây, rằng tôi đã tự áp đặt tư tưởng cho mình khi mà mình chưa từng có duyên thấy tận mắt nghe tận tai.
Cái gì càng đơn giản càng khó. Thở ra hít vào hàng ngày, nhưng thở ra hít vào với từng phút giây hiện tại, với trái tim trống rỗng và tình yêu thương tràn đầy, không dễ chút nào. Trong cuộc sống của riêng mình, tôi luôn theo quan điểm: Có thể tự hào đọc rất nhiều sách hay, nhưng hiểu cho tường tận sâu rộng chỉ một dòng trong quyển sách đó mà thôi – cái hiểu bằng chính kinh nghiệm sống, máu thịt của mình chứ không phải qua lời lẽ triết lý của người khác, mới là đọc. Đọc cả quyển sách tôi hiểu có đúng một dòng thôi là tôi mừng với chính tôi rồi. Vì quan tâm đến mindfulness (chánh niệm), làm tác phẩm về mindfulness, tôi tìm đọc mindfulness của Sư Ông Làng Mai, thì tôi muốn hiểu cho tường tận nó là gì theo triết lý thực hành của Sư Ông. Vì sao nhiều người đến với mindfulness của Sư Ông? Những con người đến từ khắp thế giới này họ nghĩ gì về mindfulness? Ghi nhận những tâm sự của các tăng thân là một trong những vật liệu thô của dự án.
Để viết nên một chữ hay vẽ được một nét về cuộc sống, dù chữ ấy nét vẽ ấy tinh luyện hoặc còn vụng về, ta phải thực sự sống cùng với điều ấy, bằng cả thân tâm. Tôi đã tham dự lớp Toán cao cấp khá đầy đủ trừ khi quá bệnh, để bóc cái xác chữ và xác số của Toán và tiếng, âm thanh của ‘những người nói Toán’ ra khỏi ngữ cảnh vốn có của nó, đem qua ngữ cảnh của nghệ thuật ý niệm thị giác, đa phương tiện, từ đó dựng nên cái hình thù trừu tượng của sự thất lạc căn tính, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ, nơi mọi người lạc chính mình và lạc mất nhau. Tôi đã cùng thầy và bạn, trèo bao núi lội bao suối, lên bản xa, có lúc đặt lưng trên đất rừng lạnh suốt đêm, chia nhau ngọn nến xíu xiu, sẻ cho nhau từng gáo nước ấm. Đã ngủ trên những chiếc giường đầy rệp mốc của người lao động, nông dân, công nhân, lăn lê bên những đống phân bò. Đã ghẻ lở đầy người vì muỗi độc đốt… để đem vào hội họa những trải nghiệm phát hiện của mình về chân dung và cảnh sống của những con người khác nhau.
Nhưng, chưa bao giờ tôi tiếp xúc dài ngày với sự tương phản choang choang giữa những đau khổ tột cùng và những hạnh phúc tột cùng – vốn ẩn sâu bên trong nội tạng, nay chợt hiển lộ đồng loạt tại cùng một nơi như hoa nở cùng lúc bão gầm.
Tôi hạnh phúc khi họ khóc vì hạnh phúc. Chạnh lòng khi nhìn họ nức nở đau lòng. Họ bảo họ thấy hình ảnh của họ khi nghe câu chuyện của những người khác ở đây. Họ bảo họ có thể thấy ánh sáng trong lòng bàn tay họ từ một đốm nhỏ mỗi ngày mỗi lớn lên, lan rộng ra. Họ bảo họ hoàn toàn hết nhức đầu, thân thể nhẹ đi. Họ bảo họ có thể chạm đến những mưng tấy ẩn sâu bên trong, những mưng tấy mà do áp lực chạy đua với cuộc sống, họ luôn đủ thông minh để vơ một cái áo che tạm lại, mà chưa từng cho mình cơ hội dừng lại, chăm sóc nó, thân tâm nhập một trong sự trống rỗng chánh niệm. Họ quá bận rộn để lắng nhìn sâu đau khổ của chính mình, vuốt ve và chuyển hóa nó, cho đến khi họ bục vỡ, giận dữ, mất sáng suốt điềm tĩnh. Họ dùng mọi cách mọi hình ảnh để diễn tả hạnh phúc mà họ đang chạm được khi đến với mindfulness.
Cuộc đời là bể khổ. Nơi này là nơi những con người tốt hoặc hướng đến điều tốt tụ họp để học phương pháp, triết lý chuyển hóa  rác trong thân tâm mình thành phân bón cho cây. Để khi trở ra ngoài xã hội, họ lại tiếp tục cống hiến. Họ khóc rồi họ thanh thản ăn, đi bộ, rửa rau cuốc đất, đọc sách, cùng nhiều việc khác. Họ cùng nhau khe khẽ hát, hân hoan như trẻ thơ.
Quá tải với tôi. Quá nhiều xúc cảm đối lập. Rất mệt. Khi mà tôi ngoài việc đóng vai người quan sát quay ghi chép, vừa đảm bảo thời khóa để sống cùng với họ, đồng thời chạm đến sự tốt nhất lẫn sự xấu xí nhất, sự già cỗi và sự non nớt nhất của chính mình. Cứ như cùng một lúc nội soi rất nhiều người và nội soi mình. Liên miên trường phẫu thuật.
Các sư cô bảo tôi thôi chị nghỉ vài hôm đi, đừng tham gia các cuộc chia sẻ của họ nữa, vì khi chị phải tiếp xúc với quá nhiều năng lượng tiêu cực, những tiếng khóc của họ, lại làm việc nhiều quá, chị sẽ không chế ngự nổi đâu, những năng lượng đó tác động đến chị, chị trông xanh xao, thẫn thờ lắm, tâm có vẻ bất định lắm rồi đó. Chị nên chỉ tham gia những lúc họ làm việc vui hoặc thiền định thôi. Chị phải biết yêu bản thân mình trước, đừng quá tâm sức.
Phải biết yêu thương chăm sóc mình trước nhất, đó là một trong những quy tắc quan trọng của Làng Mai.
Sư ông Làng Mai có nói: “… Khi tôi rót tách trà của tôi trong chánh niệm. Khi tôi nâng tách trà của tôi trong chánh niệm. Khi tôi uống trà của tôi trong chánh niệm. Tôi thấy mây trong trà của tôi. Tôi thấy tôi đang uống mây của tôi. Mây của tôi không sinh không diệt, vì nó đang ở đây. Nó có thể chuyển hóa thành mưa, thành đá, thành băng… nhưng không bao giờ không là gì cả…”
Tôi hiểu lời Sư Ông theo cách của mình thế này: “Khi tôi rót tách cà phê của tôi trong chánh niệm. Khi tôi nâng tách cà phê của tôi trong chánh niệm. Khi tôi uống cà phê của tôi trong chánh niệm. Tôi thấy yêu thương trong từng giọt cà phê của tôi. Tôi thấy tôi đang uống yêu thương của tôi. Yêu thương của tôi không sinh không diệt, vì nó đang ở đây. Yêu thương của tôi có thể chuyển hóa thành mưa, thành đá, thành băng hà… nhưng không bao giờ không là gì cả…”
Prvdens Vivo Prvdens Morior.
xóm Hạ mùa hè 2015
LHL
[1] Thành ngữ Latinh: “sống chánh niệm, chết chánh niệm”
[2] cliché: BBT tạm dịch là "hơi sáo, hơi rập khuôn"
Nguồn: Phù Sa Online
LÊN ĐẦU TRANG