Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Làng Mai dưới mắt nhà thơ Ly Hoàng Ly

PRVDENS VIVO PRVDENS MORIOR[1]
Những con người Tây Phương này, họ tụ lại đây để tìm về hơi thở của chính mình. Hơi thở họ bị ngắt quãng. Đứt đoạn. Họ đến đây để nối hơi thở liền lạc thành một hơi thở sâu lan tỏa khắp thân tâm.
Ngày nào cũng lắng nghe, ghi chép, quay (với sự đồng ý của họ), kín đáo ghi để tôn trọng không khí tự nhiên của các hoạt động, các cuộc trò chuyện. Tôi muốn đóng vai người ngoài cuộc để không bị những cảm xúc, chia sẻ kia tác động, bởi tôi vốn rất nhạy cảm với đau khổ của người khác. Nhưng tôi sụp mấy ngày nay, thân tâm như liệt.
Quá tải với tôi. Tiếng khóc nấc của ai đó chợt bung lên, giữa buổi thiền trong thiền đường, khi ai nấy nhắm mắt, im lặng hít thở. Tiếng nấc ấy sẽ đứng lên, khẽ nhón chân để không ảnh hưởng đến người khác, khẽ mở cửa bước ra ngoài. Đó có thể là tiếng nấc đau khổ, cũng rất có thể là tiếng nấc hạnh phúc.
Những gương mặt nam nữ, lần lượt chảy nước mắt hay òa khóc trong những buổi chia sẻ. Khóc vì hạnh phúc. Khóc vì buồn đau. Họ – những người tự nhận mình là có công việc tốt, thành công, mạnh mẽ, lạc quan, hữu ích với mọi người trong cuộc sống thường ngày, quay về thành những đứa trẻ mẫu giáo, quây quần ở đây, để kể cho những người mà họ chưa từng quen, thậm chí không nhớ hết tên nhau, những nỗi đau của mình – những nỗi đau mà họ bất lực khi sẻ chia với những thân, bạn bè đồng nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Những nỗi đau mà họ bất lực chia sẻ với chính bản thân họ. Họ luôn phải giả vờ hạnh phúc hoặc cố gắng hạnh phúc, giả vờ mạnh mẽ hoặc cố gắng mạnh mẽ để sống có ích với xã hội ngoài kia. Bên ngoài thân thể cường tráng là những hơi thở đứt.
Bà A từ Thuỵ Điển khóc nức khi cất lên lời đầu tiên: “Tôi mới đến đây vài ngày… nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy được yêu thương và hạnh phúc thế này, khi tôi được bao quanh bởi năng lượng nhân ái tử tế, bởi tất cả các bạn. Tôi không quen biết các bạn, nhưng tôi cảm nhận được rõ ràng năng lượng tử tế từ ánh mắt thần thái của các bạn. Tôi quá hạnh phúc. Tôi khóc vì tôi quá hạnh phúc. Tôi xin lỗi vì tôi khóc, nhưng tôi quá hạnh phúc. Thế giới ngoài kia của tôi chưa bao giờ đem lại cho tôi hạnh phúc trọn vẹn thế này… “
Cô B đến từ Mỹ, sụt sùi: “Tôi hay làm ơn rồi mắc oán. Những người bạn thân thiết của tôi, khi họ gặp nạn, họ tìm đến tôi, tôi giúp họ hết lòng. Khi họ giải quyết xong việc của họ, họ trở nên rất tệ với tôi. Tôi có thể cảm thấy họ quay ra ghét tôi. Một ngày tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi hỏi thẳng một người bạn: "Tại sao, tại sao lại vậy?" Người ấy trả lời: "Là vì chị quá mạnh mẽ. Mạnh mẽ một cách đáng sợ." Tôi cho rằng vì họ yếu đuối nên đã để lộ hết chuyện riêng của họ với tôi, nên giờ họ ghét tôi vì họ đã để lộ họ mềm yếu hơn tôi, vì tôi là người duy nhất biết điểm yếu của họ. Vì họ biết tôi là người duy nhất có thể giúp họ, họ đến với tôi, xong họ ghét tôi. Bạn tôi bảo tại sao tôi có thể làm điều mà họ không thể làm? Sao tôi lúc nào cũng giải quyết êm xuôi mọi việc lớn bé mà vẫn cười bình thường? Họ bảo cuộc đời tôi êm xuôi một cách đáng sợ quá. Và họ ghét tôi vì điều đó. Trời ơi sao những con người đó không hiểu được là tôi có đầy nỗi đau khó khăn riêng của tôi, còn khó hơn họ nữa. Nhưng tôi tự học cách chuyển hóa buông bỏ, không phiền đến ai, tôi cố gắng mạnh mẽ vượt qua, và để giúp người thân quanh mình vượt qua khó khăn riêng của họ, vì tôi yêu họ hơn bản thân tôi. Tôi cười đâu có nghĩa tôi có được những điều kiện mà họ có. Họ sung sướng hơn tôi nhiều lắm. Vậy mà cái tôi nhận được lại là sự ganh ghét, đố kỵ, không phải là yêu thương. Tôi cô độc quá. Tôi đau khổ quá. Tôi hoang mang quá. Tôi từng nghĩ, mạnh mẽ quá, sống vì người khác quá là sai lầm của tôi. Nhưng đến đây, tôi học được rằng tôi thiếu sáng suốt với chính mình…”
C từ Canada rơm rớm: “Tôi cố gắng nhiều năm, nhưng mối quan hệ của vợ chồng tôi rất tệ. Chúng tôi không thể đối thoại. Chúng tôi yêu nhau, nhưng không hiểu nhau. Chúng tôi trở nên ghét nhau. Khi đến đây từ năm ngoái, và trở về, tình hình cải thiện hơn, nên tôi trở lại đây, lần này tôi đi cùng vợ. Đây là một nơi tuyệt vời. Tôi biết ơn nơi này. Tôi rất may mắn biết đến một chỗ tuyệt vời thế này…. “
D từ Nga sống tại Pháp, vừa quệt nước mắt vừa nói: “Tôi dường như đang có tất cả, thế mà tôi luôn cảm thấy mình bất hạnh vô cùng. Chồng tôi thành công, lịch lãm, yêu tôi vô cùng. Nhưng tôi cảm thấy ghê sợ chính tôi, hàng ngày tôi tự hỏi tôi đến với anh ấy vì điều gì, vì tiền của anh ấy và cuộc sống an nhàn? Tôi thấy tôi quá tệ. Hình như tôi không yêu anh ấy ngay từ đầu. Tôi lấy anh ấy vì tôi tính toán. Tôi ghét chính mình. Tôi đau khổ vì mất mục đích sống. Tôi không biết tôi sống để làm gì. Để lợi dụng chồng tôi? Tôi không dám sinh con vì tôi rất sợ con tôi sẽ nhìn tôi như một người mẹ thực dụng. Tôi không dám sinh con vì tôi sợ con sẽ ràng buộc tôi sống với người chồng tốt mà tôi không yêu này. Một ngày kia tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi đã bỏ chạy qua Ấn độ, sống một năm để rồi tôi tình cờ tìm thấy tờ quảng cáo Plum Village, hóa ra cách nhà tôi có hai tiếng lái xe. Tôi đã đi rất xa để nhận ra cái quý giá rất gần bên mình mà mình không biết. Đây là một nơi tuyệt vời. Tôi vẫn vô cùng hoang mang, nhưng tôi cảm thấy nơi đây sẽ giúp tôi tìm thấy bản thân tôi. Tôi mời chồng tôi đến đây sau chuyến công tác của anh… “
E sống ở Ireland không cầm được nước mắt: “Hôm trước các bạn hỏi tôi nếu phải nói một từ về tổ tiên người thân, thì tôi nói câu gì, trong đầu tôi bật ngay lên ‘truthful’ (chân thật) và tôi nói ‘truthful’. Tôi nói mà không suy nghĩ. Không, tôi đang nói dối với chính mình, tôi dối các bạn. Họ, bố mẹ tôi, cả ông bà tôi, họ luôn hoàn hảo một cách đáng sợ, họ truthful một cách ngộp thở. Họ có thật sự truthful không? Không. Tôi có thể cảm nhận sự giả dối trong cái truthful đó. Vì sao họ phải sống như thế? Cả tuổi thơ tôi là một bi kịch của cái gọi là truthful. Tôi ghét họ. Và tôi cũng yêu họ. Họ tỏ ra hoàn hảo không tì vết. Nhưng họ không thể đối thoại với nhau, bố mẹ và năm anh chị em chúng tôi không có hòa khí. Không khí gia đình lúc nào cũng ngộp thở, khiến tôi đau khổ và hoang mang về thế nào là sống cho đúng, thế nào là hạnh phúc. Có một lần tôi quyết định đem niềm vui về cho cả nhà bằng cách đi hái hoa thuỷ tiên. Tôi hái tất cả hoa thủy tiên của hàng xóm, gom thật nhiều thật nhiều thành một bó to. Vâng, tôi đi ăn cắp hoa của hàng xóm, ăn cắp hạnh phúc của hàng xóm đem về cho gia đình mình. Tôi chỉ muốn nhìn thấy những người thân của tôi cười khi nhìn thấy bất ngờ tôi đem lại cho họ. Tôi nhớ rằng tôi để lọ hoa thuỷ tiên to trong bếp. Nhưng không ai bất ngờ cả. Họ thấy là bình thường. Họ không reo lên, không vui. Họ bình thản. Thế là tôi khóc. Sao những con người này họ lại lạnh lùng vậy. Họ không có tình cảm với nhau. Không ai muốn cười. Tôi không có hạnh phúc cả tuổi thơ. Tôi cực kỳ hoang mang về cuộc sống gia đình của tôi sau này khi tôi đi lấy chồng. Tôi không bao giờ muốn con tôi phải sống đau khổ như tôi. Tôi đau khổ vì cái truthful kiểu ấy.”
Anh F từ Đức trầm ngâm: “Tôi trải qua sự sợ hãi hoảng loạn mấy năm nay rồi, sau cú sốc tình cảm và công việc đến cùng lúc. Tôi không ngủ được. Tôi luôn không cảm thấy an toàn. Thế giới này không đem lại cho tôi sự an toàn. Một tuần ở đây tôi cảm thấy điều đó đã trở lại với tôi: cảm giác an toàn. Tôi thực sự quá may mắn. Tôi ngủ ngon hơn. Tôi tìm lại được mình. Nhất định tôi phải trở lại đây….”
Khóa tu tiếng Pháp.10Chị G từ Ý cười: “Tôi là một nhà trị liệu tâm lý. Tôi theo đạo Cơ đốc. Từ khi tôi biết Làng Mai cách đây 5 năm, năm nào tôi cũng trở lại đây. Đây là nhà tôi muốn về. Chốn an trú của tôi. Tôi trị liệu tâm lý cho mọi người nhưng bản thân tôi cũng đầy khó khăn riêng của mình. Tôi đã chất đầy hận thù trong lòng vì đau khổ, dù tôi đi trị liệu cho người khác. Đây là nơi tôi có thể tái tạo năng lượng, tìm thấy chính tôi.”
Còn biết bao câu chuyện khác…
Họ là những người mà nếu ta gặp trong đời sống hàng ngày, sẽ chỉ thấy họ cười, thành công, mạnh mẽ, nhiệt huyết. Họ sẽ không cần lời khuyên của ai, họ đủ sâu sắc hiểu biết để biết phải làm gì, giúp ích cho người thân, xã hội.
Họ chọn đến đây để trở lại với đứa trẻ năm tuổi thực sự bên trong họ, chân thành, trong sáng, dễ bị tổn thương. Những người lớn này ngày đầu mới đến còn e dè, chỉ hai ngày sau đã khóc vô tư trước mặt những người xa lạ mà họ cảm nhận được ngay là có cùng tần số – những người họ không biết tên, không cùng đất nước, văn hoá, nhưng nói một câu đã hiểu nhau, một cái ôm đầu tiên thấy sâu như đã quen biết hàng mấy chục năm rồi. Họ đến đây không phải để xin lời khuyên rao giảng. Họ đến để học cách tìm về hơi thở sâu trong họ, của chính họ, và ngắm những người có cùng ý nguyện thở hơi thở sâu.
Trước khi đến đây, tôi đã hồ đồ cho rằng pháp môn của Thầy Thích Nhất Hạnh là hơi "cliché" [2] với tôi. Tuy rằng tôi có ý định nghiên cứu pháp môn này cho đến nơi đến chốn để phát triển dự án ‘Prvdens Vivo Prvdens Morior’, tôi đã có tri kiến sai lầm về việc thở ra hít vào của Thầy. Nghe đơn giản quá. Cứ thở ra thở vào là hạnh phúc sao? Thở ra hít vào sâu ai mà chẳng làm được. Ai có tri thức chẳng biết trong hạnh phúc có khổ đau và trong đau khổ có hạnh phúc. Tương tức. Ai chẳng biết điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tình yêu thương, là tấm lòng. Ai chẳng biết nói yêu thương thì dễ, để thực sự yêu thương ai là trọn một đời, cứ nhìn những người mẹ là hiểu rồi.
Tôi lầm. Chỉ đến khi thực sự sống và làm việc theo thời khoá từ 5h sáng hàng ngày và nghiên cứu quá trình chuyển hoá của những tăng thân đến đây, tôi biết là tôi ngạo mạn, hồ đồ. Đó cũng là điều tôi chia sẻ với các tăng thân ở đây, rằng tôi đã tự áp đặt tư tưởng cho mình khi mà mình chưa từng có duyên thấy tận mắt nghe tận tai.
Cái gì càng đơn giản càng khó. Thở ra hít vào hàng ngày, nhưng thở ra hít vào với từng phút giây hiện tại, với trái tim trống rỗng và tình yêu thương tràn đầy, không dễ chút nào. Trong cuộc sống của riêng mình, tôi luôn theo quan điểm: Có thể tự hào đọc rất nhiều sách hay, nhưng hiểu cho tường tận sâu rộng chỉ một dòng trong quyển sách đó mà thôi – cái hiểu bằng chính kinh nghiệm sống, máu thịt của mình chứ không phải qua lời lẽ triết lý của người khác, mới là đọc. Đọc cả quyển sách tôi hiểu có đúng một dòng thôi là tôi mừng với chính tôi rồi. Vì quan tâm đến mindfulness (chánh niệm), làm tác phẩm về mindfulness, tôi tìm đọc mindfulness của Sư Ông Làng Mai, thì tôi muốn hiểu cho tường tận nó là gì theo triết lý thực hành của Sư Ông. Vì sao nhiều người đến với mindfulness của Sư Ông? Những con người đến từ khắp thế giới này họ nghĩ gì về mindfulness? Ghi nhận những tâm sự của các tăng thân là một trong những vật liệu thô của dự án.
Để viết nên một chữ hay vẽ được một nét về cuộc sống, dù chữ ấy nét vẽ ấy tinh luyện hoặc còn vụng về, ta phải thực sự sống cùng với điều ấy, bằng cả thân tâm. Tôi đã tham dự lớp Toán cao cấp khá đầy đủ trừ khi quá bệnh, để bóc cái xác chữ và xác số của Toán và tiếng, âm thanh của ‘những người nói Toán’ ra khỏi ngữ cảnh vốn có của nó, đem qua ngữ cảnh của nghệ thuật ý niệm thị giác, đa phương tiện, từ đó dựng nên cái hình thù trừu tượng của sự thất lạc căn tính, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ, nơi mọi người lạc chính mình và lạc mất nhau. Tôi đã cùng thầy và bạn, trèo bao núi lội bao suối, lên bản xa, có lúc đặt lưng trên đất rừng lạnh suốt đêm, chia nhau ngọn nến xíu xiu, sẻ cho nhau từng gáo nước ấm. Đã ngủ trên những chiếc giường đầy rệp mốc của người lao động, nông dân, công nhân, lăn lê bên những đống phân bò. Đã ghẻ lở đầy người vì muỗi độc đốt… để đem vào hội họa những trải nghiệm phát hiện của mình về chân dung và cảnh sống của những con người khác nhau.
Nhưng, chưa bao giờ tôi tiếp xúc dài ngày với sự tương phản choang choang giữa những đau khổ tột cùng và những hạnh phúc tột cùng – vốn ẩn sâu bên trong nội tạng, nay chợt hiển lộ đồng loạt tại cùng một nơi như hoa nở cùng lúc bão gầm.
Tôi hạnh phúc khi họ khóc vì hạnh phúc. Chạnh lòng khi nhìn họ nức nở đau lòng. Họ bảo họ thấy hình ảnh của họ khi nghe câu chuyện của những người khác ở đây. Họ bảo họ có thể thấy ánh sáng trong lòng bàn tay họ từ một đốm nhỏ mỗi ngày mỗi lớn lên, lan rộng ra. Họ bảo họ hoàn toàn hết nhức đầu, thân thể nhẹ đi. Họ bảo họ có thể chạm đến những mưng tấy ẩn sâu bên trong, những mưng tấy mà do áp lực chạy đua với cuộc sống, họ luôn đủ thông minh để vơ một cái áo che tạm lại, mà chưa từng cho mình cơ hội dừng lại, chăm sóc nó, thân tâm nhập một trong sự trống rỗng chánh niệm. Họ quá bận rộn để lắng nhìn sâu đau khổ của chính mình, vuốt ve và chuyển hóa nó, cho đến khi họ bục vỡ, giận dữ, mất sáng suốt điềm tĩnh. Họ dùng mọi cách mọi hình ảnh để diễn tả hạnh phúc mà họ đang chạm được khi đến với mindfulness.
Cuộc đời là bể khổ. Nơi này là nơi những con người tốt hoặc hướng đến điều tốt tụ họp để học phương pháp, triết lý chuyển hóa  rác trong thân tâm mình thành phân bón cho cây. Để khi trở ra ngoài xã hội, họ lại tiếp tục cống hiến. Họ khóc rồi họ thanh thản ăn, đi bộ, rửa rau cuốc đất, đọc sách, cùng nhiều việc khác. Họ cùng nhau khe khẽ hát, hân hoan như trẻ thơ.
Quá tải với tôi. Quá nhiều xúc cảm đối lập. Rất mệt. Khi mà tôi ngoài việc đóng vai người quan sát quay ghi chép, vừa đảm bảo thời khóa để sống cùng với họ, đồng thời chạm đến sự tốt nhất lẫn sự xấu xí nhất, sự già cỗi và sự non nớt nhất của chính mình. Cứ như cùng một lúc nội soi rất nhiều người và nội soi mình. Liên miên trường phẫu thuật.
Các sư cô bảo tôi thôi chị nghỉ vài hôm đi, đừng tham gia các cuộc chia sẻ của họ nữa, vì khi chị phải tiếp xúc với quá nhiều năng lượng tiêu cực, những tiếng khóc của họ, lại làm việc nhiều quá, chị sẽ không chế ngự nổi đâu, những năng lượng đó tác động đến chị, chị trông xanh xao, thẫn thờ lắm, tâm có vẻ bất định lắm rồi đó. Chị nên chỉ tham gia những lúc họ làm việc vui hoặc thiền định thôi. Chị phải biết yêu bản thân mình trước, đừng quá tâm sức.
Phải biết yêu thương chăm sóc mình trước nhất, đó là một trong những quy tắc quan trọng của Làng Mai.
Sư ông Làng Mai có nói: “… Khi tôi rót tách trà của tôi trong chánh niệm. Khi tôi nâng tách trà của tôi trong chánh niệm. Khi tôi uống trà của tôi trong chánh niệm. Tôi thấy mây trong trà của tôi. Tôi thấy tôi đang uống mây của tôi. Mây của tôi không sinh không diệt, vì nó đang ở đây. Nó có thể chuyển hóa thành mưa, thành đá, thành băng… nhưng không bao giờ không là gì cả…”
Tôi hiểu lời Sư Ông theo cách của mình thế này: “Khi tôi rót tách cà phê của tôi trong chánh niệm. Khi tôi nâng tách cà phê của tôi trong chánh niệm. Khi tôi uống cà phê của tôi trong chánh niệm. Tôi thấy yêu thương trong từng giọt cà phê của tôi. Tôi thấy tôi đang uống yêu thương của tôi. Yêu thương của tôi không sinh không diệt, vì nó đang ở đây. Yêu thương của tôi có thể chuyển hóa thành mưa, thành đá, thành băng hà… nhưng không bao giờ không là gì cả…”
Prvdens Vivo Prvdens Morior.
xóm Hạ mùa hè 2015
LHL
[1] Thành ngữ Latinh: “sống chánh niệm, chết chánh niệm”
[2] cliché: BBT tạm dịch là "hơi sáo, hơi rập khuôn"
Nguồn: Phù Sa Online

Một bài viết về việc Học (tiêu đề tạm đặt) - FB Đăng Sang

Nhiều bạn may mắn nhìn thấy thời cuộc, nhưng lại tỏ ra chán nản, họ cho rằng thời thế bây giờ không chạy chọt thì không vào được chỗ làm tốt, rồi nền giáo dục thì tồi tệ, đạo đức xã hội thì băng hoại nên họ cũng buông xuôi, "Học để làm gì?" Họ nói vậy.

Tui cho đó là quan niệm sai lầm. Sai lầm cả về cách hiểu từ học, và cả về cách đối diện với sự thật.

Học, nhiều người thường nói là không có điểm dừng, không có khi nào gọi là đủ. Vậy thì sao bạn lại tự trói mình vào hệ thống giáo dục mà bạn biết là nó tệ? Tui thấy rất nhiều bạn tự trau dồi tiếng Anh, rồi du học, không đủ tiền thì kiếm học bổng. Người không có điều kiện thì tự bồi đắp cho mình một nghề nghiệp, chỉ mới vài năm thôi, tui biết một anh bạn, giờ là đầu bếp khá thành công dù lúc trước suốt ngày bỏ học đi hát rap, hip hop này kia.

Nhiều ông bố, bà mẹ cứ còng lưng cày cuốc, rồi khóc lóc vì sao mình hy sinh tất cả mà con cái không chịu học. Dễ hiểu thôi, con cái nhìn vào ba mẹ để bắt chước. Ba mẹ không lo học, thì chúng cũng bỏ học sớm. Sự học ở ba mẹ nó khác bọn trẻ. Không phải cứ cắm đầu làm trâu ngựa thì sẽ tốt, cũng không phải bỏ bê con cái rồi mài quần như mấy giáo sư tiến sĩ giấy.

Nếu bạn tự tìm tòi, học cách cải thiện, sáng tạo ra cách làm việc mới, chúng sẽ thấy, "À, ba mẹ mình thất học, nhưng họ vẫn kiên trì không ngừng tự học, họ cải thiện được đời sống!" Chúng sẽ tự có cách.

Đứng trước hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người chọn cách dấn thân, họ can đảm và rất bộc trực, thẳng thắn, nhưng cũng vì vậy mà họ gặp nhiều khó khăn, bị chính quyền trù dập, trả thù. Rất nhiều người thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tui trân trọng và luôn biết ơn họ, nhưng ngoài cách đó ra, chúng ta cũng rất cần các bạn trẻ lo học hành.

Các bạn cũng thấy đất nước mình tàn tạ ra sao, bị đảng cầm quyền bóc lột tận xương tủy ra sao, môi trường bị ô nhiễm ra sao, rừng cây bị chặt trụi và con người bị nô dịch ra sao, vậy các bạn cũng phải biết sự học của các bạn quan trọng đến nhường nào. Sau khi mọi thứ qua đi, chính các bạn là những người sẽ tái thiết lại đất nước, chính các bạn, không ai khác, sẽ phải gánh trên vai nhiều trọng trách xây dựng đất nước. Vậy, không học thì lấy đâu ra kiến thức mà làm?

Sức người không thể nào địch lại được thiên nhiên cả, nhất là một thiên nhiên đang cuồng nộ vì bị xâm phạm nghiêm trọng như ở Việt Nam. Chỉ có trí óc mới đủ sức. Các bạn học, không phải chỉ đơn thuần vì cái ăn cái mặt, hay vì danh dự dòng họ. Các bạn học, vì hàng ngàn tù nhân chính trị đang ngồi trong kia. Các bạn học, vì triệu triệu người dân đang đói khổ, hàng ngày họ bất chấp luân thường đạo lý, chỉ mong đem về chút cơm ăn áo mặc cho người thân họ.

Khi nhận thức được, nhìn thấy được mục tiêu, bạn sẽ không còn chán, không còn bị chi phối, không còn nản chí, mà ngược lại, càng nhìn thấy xã hội băng hoại, tồi tệ bao nhiêu, bạn lại càng có dũng khí để học thêm bấy nhiêu.

Còn nếu chỉ đơn thuần muốn có chức danh này nọ hay tước vị, hay ghế bộ trưởng chẳng hạn, thì không cần học, chỉ cần cúi xuống bò bốn chân là đủ.

Một bài viết về Phần Lan (tiêu đề tạm đặt) - FB Đặng Sang

Đất nước Phần Lan được như vầy là do họ tuân thủ nguyên tắc một cách kinh khủng, đến mức gần như máy móc. Họ tuân thủ không phải vì sợ bị phạt vạ, mà nó tự động và tự nguyện. Tất nhiên, một hệ thống luật lệ rõ ràng minh bạch và nhân văn nhưng tuyệt đối nghiêm khắc đóng một vai trò then chốt trong việc giữ mọi thứ đi vào khuôn khổ. Không có chuyện một ai đó, hay một đảng phái nào ngồi chễm chệ trên luật để "lãnh đạo" hết. Cho nên không có chuyện, lúc chi tiền thì "chủ trương lớn của đảng", còn lúc lỗ thì không ai chịu trách nhiệm vì "trung ương chỉ đạo" như thế. Tuyệt đối không.

Riêng chuyện quản lý rừng, và các công viên quốc gia, rừng sinh thái, địa điểm cắm trại, leo núi, v...v... được đưa vào quản lý chung trong một hệ thống website cực kỳ đồ sộ. Mỗi một nơi có một cơ quan quản lý riêng, thông thường thuộc về sự quản lý của thành phố trực thuộc đó. Nhưng đừng hiểu lầm với kiểu tỉnh thành ở VN. Thành phố ở đây hoàn toàn có thể bị phá sản nếu quản lý yếu kém, tham nhũng, và họ không có quyền đòi hỏi ngân sách trung ương rót vào như ở ta, cho nên, bắt buộc họ phải làm việc minh bạch, quản lý thuế hiệu quả và tìm mọi cách thu hút khách hàng, ở đây là những người du lịch.

Tui đang tìm kiếm thông tin đi mấy nơi đó, mới thấy cái nền tảng của luật pháp nó quan trọng và kinh khủng cỡ nào. Dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn, các cơ quan quản lý phải dọn sẵn các khu vực có thể được cắm trại, đảm bảo xung quanh an toàn, xây dựng các cơ sở hạ tầng đầy đủ, để người dân không có một lý do gì, dù đơn giản nhất để đổ thừa, như không có thùng rác để vứt rác. Đừng có mơ.

Bạn muốn bán đồ ăn? Bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc an toàn thực phẩm. Nơi bạn làm thức ăn phải có tủ cấp đông và rã đông theo tiêu chuẩn, không có chuyện phơi cục thịt ra nước lạnh cho rã đông đâu. Cho nên đừng hòng mơ tới chuyện nấu ở nhà rồi đem ra lề đường bán. Dĩa đựng đồ ăn cho khách, phải được giữ nóng ở khoảng 65 độ C, và mọi quán ăn lớn nhỏ, bắt buộc phải tuân thủ. Đây chỉ là ví dụ đơn giản nhất về quán ăn nhỏ lẻ thôi nha.

Có một dạo, báo chí đăng tải những chuyện phạm pháp, giết người, mà tòa xử rất nhẹ. Trên một forum có người hỏi, phải chăng luật ở đây như trò đùa, vì phạt như vậy thì làm sao đủ răn đe. Người Phần Lan vào giải thích, đại ý là ở đây nhà tù không phải là hệ thống trừng phạt, mà là hệ thống cải thiện. Một ai đó phạm sai lầm, nhà tù phải là nơi giúp anh ta nhận ra cái sai và trở lại thành người có ích cho xã hội.

Điểm chung của tất cả những thứ kể trên là gì? Đó là trọng tâm mà người Phần Lan quan tâm là con người. Họ làm tất cả, để phục vụ cho đời sống con người, nâng cao giá trị con người. Họ đặt loài người vào trung tâm, mọi thứ luật lệ, nguyên tắc, hệ thống v...v... là để phục vụ con người.

Khi bạn làm ra con đường cho loài người đi, bạn sẽ quan tâm tới chất lượng của con đường, tránh người tham gia giao thông bị tai nạn, bạn sẽ chú ý tới những cung đường gấp, bạn sẽ đặt biển báo "Có bắn tốc độ 1km sắp tới" để người ta chạy chậm lại. Mục đích là không để xảy ra tai nạn giao thông, chớ không phải để phạt vạ.

Khi bạn làm con đường mà chỉ chú ý tới chuyện kiếm chác, rút ruột, ai té chết kệ xác họ, rồi coi đó như cánh đồng để săn bắt kiếm ăn, thì những con đường đó, là dành cho súc vật.

Vậy nên, mỗi khi bạn làm gì đó, dù design, hay vẽ vời, hay làm công nhân, kỹ sư, hay làm ruộng, hay làm nhạc, hay nấu ăn, hay quản trị, marketing hay luật sư v...v... bất kỳ thứ gì, chỉ xin bạn nhớ một điều, bạn làm điều này cho loài người, hay cho súc vật?

Tự hỏi, tức là bạn đã có câu trả lời.

LÊN ĐẦU TRANG