Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 8): THE MAGICIAN

Phép thuật không có gì phi thường. Nó chỉ là sự chuyển hóa. Bản chất của mọi phép thuật là Thay Đổi. Để biến cái này thành cái khác, lấy của người này cho người khác, di chuyển tức thời từ chỗ này đến chỗ khác..., phù thủy gửi một sự thay đổi trong nội tâm mình vào thế giới xung quanh.
Học phép thuật, cho nên, là học Thay Đổi.
*
Có nhiều cách học phép thuật.
Nhiều kẻ học phép thuật qua sách vở chuyên môn. Họ đọc sách đạo học, chiêm tinh, chiêm bốc, dịch lý, bùa chú, phong thủy, tử vi... rất nhiều. Sách bàn nhiều về những qui luật đổi thay của thế giới. Nhưng sách nói: "Vạn vật không ngừng biến đổi". Vậy những qui luật này đã biến đổi chưa?
Hơn nữa, phép thuật là một hoạt động thực hành. Phù thủy giống vận động viên hơn là nhà vật lý. Phù thủy không giảng về Thay Đổi, mà sống trong Thay Đổi.
Nhiều kẻ học phép thuật bằng cách quan sát thế giới xung quanh. Ròng rã nhiều năm, họ quan sát sự thay đổi của trời, đất, động thực vật và con người. Nhờ ghi lại những vết hằn của thời gian, họ được xem như nhà thông thái. Nhưng kẻ không nhìn rõ vết xước trên mắt kính của mình có nên lộng ngôn về vết xước trong tim thiên hạ? Nếu không chịu đổi vị trí quan sát, liệu họ có hiểu tường tận dù chỉ một phút giây? Nếu không hiểu chỉ một thời khắc, thì nhiều năm quan sát giúp họ hiểu cái gì? Và nếu không lội đồng làm nông, ai tường được sự đổi thay trong từng vị mưa, sắc nắng?
Vậy nên đọc về Thay Đổi không bằng quan sát Thay Đổi. Quan sát sự thay đổi của thế giới bên ngoài không bằng quan sát sự thay đổi của thế giới bên trong. Phép thuật thuộc về kẻ dám chấp nhận sự thay đổi trong thế giới nội tâm, và bình tĩnh quan sát nó một cách tỏ tường.
Vì chỉ kẻ biết cho đi mới biết nhận về, biết mất đi mới biết lấy lại, biết buồn đậm mới biết vui lâu, biết chết mới biết sống. Nước chỉ chảy vào những con sông biết đổ ra biển. Còn lại, là những kẻ tù đọng và xú uế muôn năm.
*
Phép thuật và ảo thuật không khác nhau.
Ban đầu, cả hai đều là những lời nói dối.
Kế đó, cả hai đều là những lời nói dối được tin tưởng.
Thứ hoàn thành phép thuật chính là Niềm Tin.
Một người tuyệt đối tự tin sẽ thu hút năng lượng niềm tin của mọi người. Một linh hồn tuyệt đối tự tin sẽ thu hút năng lượng niềm tin của toàn vũ trụ. Khi ấy, cả vũ trụ xúm vào thực hiện sự Thay Đổi. Và sau đó, phép màu được tạo ra.
Để làm nên kì tích, phải tin chính mình.
Vào thời khắc mà phép màu được tạo ra, cả mọi người, vũ trụ lẫn bản thân đều chỉ là đạo cụ của ý chí.
*
Phép thuật của ta đã giết nhiều kẻ bất tử quyền phép.
Ấy là những tà thần hà hiếp kẻ yếu, ám hại người quân tử để ôm giữ một long mạch suốt hàng nghìn năm.
Ấy là lũ phật rởm cố xóa ký ức của mình và của tha nhân, ru nhân loại ngủ quên trong một trạng thái bại liệt tinh thần, vì sợ đối mặt với những tình cảm và tư duy hợp thành Nhân Tính.
Ấy là bầy thiên thần sa ngã cố ôm giữ một hệ thống xã hội vận hành bằng máy móc, những thủ đoạn tra tấn, tẩy não và những điệu nhạc hành khúc thôi miên.
Ấy là đàn quỷ hút máu bám mãi một dòng máu tù đọng, một lối tư duy thủ cựu và một niềm hãnh diện đã phân hủy thối hoăng, để chạy trốn cả cái chết lẫn ánh sáng.
Hàng vạn năm nay, chúng được xem là những kẻ quyền phép và bất tử. Quả thực, chúng đã giữ được những long mạch, huyết tộc, hệ thống xã hội, trạng thái tinh thần, và niềm kiêu hãnh ấy suốt nhiều nghìn năm. Nhưng trong mắt ta, chúng chỉ là những kẻ sống dở chết dở đang chờ đặc ân của phép thuật cuối cùng. Bởi Thay Đổi có thể biến long mạch mà chúng lệ thuộc lâu nay thành biển lửa hoặc đầu đạn hạt nhân thiêu sống chúng. Thay Đổi là dòng lũ cuốn phăng những tên hèn đang cố trụ trong một trạng thái tinh thần cố định. Thay Đổi sẽ thêm những biến tấu trầm bổng vào bản hành khúc nhạt nhẽo, làm sụp đổ hệ thống xã hội vận hành bằng tiếng hót của loa phóng thanh. Thay Đổi sẽ biến mọi điều kiêu hãnh thành điểm yếu chết người. Bởi vậy, dưới phép thuật của những Con Người dám chủ động đổi thay, những kẻ bất tử đã chết và sẽ chết.
Thời của đám ký sinh trùng đã khép lại. Kỷ nguyên của các đấng sáng tạo đã lần nữa mở ra.
Đấng sáng tạo không tự xưng bất tử bao giờ. Vì bình minh là đám tang của ngày cũ.
*
Hermes tiết lộ: "Tình yêu là phép thuật mạnh nhất".
Jesus ghi chú: "Thượng Đế là tình yêu".
Nhà ảo thuật cười khẩy: "Vậy ra Thượng Đế cũng có nhiệm kỳ".

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 7)

Lần này tớ thật sự lo. Hãy điểm qua những kẻ thù cũ. Những kẻ này dùng một chiến lược chung, là tầm thường hóa nhân loại. Bằng nguyền rủa, thôi miên và tẩy não, họ đã cố xóa bỏ ký ức về đời sống thần thánh và phẩm chất cao thượng của chúng ta. Khi tự coi mình là kẻ tầm thường, ta sẽ tự biến mình thành kẻ tầm thường. Vậy là họ đạt được mục tiêu: xây dựng một hệ thống quyền lực máy móc, chuyên quyền, đặt nền tảng trên đám đông bị robot hóa.
Nhưng kẻ địch lần này lại dùng chiến lược khác hẳn. Thay vì cố tước đoạt sức mạnh, họ lại trao thêm sức mạnh mới cho chúng ta. Thay vì cố biến cậu thành kẻ hạ cấp, tầm thường và cam chịu, họ lại cố biến cậu thành kẻ kiêu ngạo và độc đoán đến điên rồ. Lợi dụng lòng tham quyền lực và sự tự mãn của chúng ta, họ sẽ biến chúng ta thành những quân cờ lớn trên bàn cờ, rồi dùng chính những người nổi dậy đòi tự do để xây một hệ thống chuyên quyền mới.
Vì sao họ có thể làm như vậy?
Vì về căn bản, tự coi mình là tầm thường hay tự xem mình là cao quý cũng chẳng khác nhau. Trong cả hai trường hợp, đương sự không thể chấp nhận bản thân và sống thoải mái với bản chất của mình. Hắn chối bỏ bản thân, và tự vẽ ra cho mình những mặt nạ ảo tưởng thay thế. Nhưng khi cậu chối bỏ bản thân, sẽ xuất hiện những khoảng trống khổng lồ trong tâm hồn cậu. Kẻ địch dễ dàng móc dây rối vào những khoảng trống đó, để biến cậu thành con rối trong tay.
Vì sao tớ thật sự lo lắng lần này?
Vì trong cái Olympus tồi tàn của chúng ta, không ai không bị ám ảnh về sự "cao quý".
*
Để cắt đứt những sợi dây rối đang điều khiển chúng ta, mỗi người phải tự đập vỡ cơn ảo tưởng sức mạnh và nhìn rõ lòng tham của mình.
Để được tự do, mỗi người phải tự cười tung cái lồng vàng mang tên "cao quý".
Cao quý là gì, ngoài một loại mặc cảm?
Sao phải tự nhủ rằng mình cao quý, nếu không muốn tự an ủi bản thân?
Ai luôn tự nhủ rằng mình cao quý, ngoài kẻ trốn tránh sự yếu đuối và bất lực của mình?
Ai thích đeo lủng lẳng huân chương, ngoài kẻ níu kéo những hào quang, đặc quyền và tình xưa đã mất?
Hãy gọi lên, và phỉ nhổ vào sự cao quý của cậu!
Cậu còn tự mãn về ngôi vua? Hãy nhớ: vương miện chẳng là gì hết, ngoài cái vòng kim cô mạ vàng. Đã bao lần, dưới chuỗi thần chú bất tận làm từ lề luật của chế độ, lời nguyền của dòng máu và điều ước của thần dân, những lề luật, lời nguyền và điều ước cá nhân, mà cậu tự lập nên chỉ cho chính mình, đã bị cái vòng hào nhoáng kia bóp nát.
Cậu còn tự mãn về dòng máu hoàng tộc? Hãy nhớ: dòng máu ấy chỉ là nỗi sợ kết tinh. Chảy trong nó là hàng vạn năm loạn luân, và hàng nghìn lần mưu hại những dòng máu khác chỉ vì sợ vuột mất ngôi báu độc quyền. Và đáng tự hào chăng, một gia đình không hạnh phúc?
Cậu còn tự mãn về xuất xứ thần thoại? Hãy nhớ: thần là một loại linh hồn đáng thương. Còn ai đáng thương hơn họ, kẻ vô hình phải ban phát những quà tặng hữu hình? Còn ai đáng thương hơn họ, kẻ không dám quên thế gian vì sợ thế gian quên lãng? Còn ai đáng thương hơn họ, kẻ có thể ban phước lành cho một đám cưới, nhưng lại không có đôi tay rắn chắc để ôm ấp người thân yêu? Còn ai đáng thương hơn họ, kẻ cấm nhân gian thương hại mình, nhưng cũng sợ bị nhân gian ghét?
Cậu còn tự mãn về ánh sáng trí tuệ? Hãy nhớ: kiến thức chỉ là một loại thời trang. Chỉ kẻ có tâm hồn tăm tối mới lóa mắt vì ánh sáng trên tấm áo của mình.
Cậu còn tự mãn về việc vung kiếm bảo vệ loài người? Hãy nhớ: loài người cần được bảo vệ khỏi mọi kẻ mang kiếm.
Cậu còn tự mãn về chính đạo? Hãy nhìn: chính đạo của cậu mang lại nụ cười hay nước mắt cho người thương yêu?
Cậu đã biết cười vào sự tự mãn của mình? Chớ quên: có thể cậu đang tự mãn rất nhiều về nụ cười đó.
*
Khi một hoàng tộc chứa toàn những kẻ tự xưng cao quý, hoàng tộc ấy đã đến hồi suy sụp.
Ở châu Âu thời Trung Cổ, tước hiệp sỹ - cấp bậc quý tộc căn bản nhất - chỉ được trao cho những người biết phục vụ quên mình trong tư cách của một người hầu, một người đồng đội, một người lính và một người yêu. Bằng cách này, vào thời thịnh trị nhất, giới quý tộc đã là tập hợp của những người biết phục vụ, tin tưởng và yêu thương nhau, thay vì những kẻ vênh váo về đẳng cấp của mình.
Trong cuộc khải hoàn đang mở ra, Olympus của chúng ta cũng cần một nhân sự như thế.

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 6)



_ Này, sẽ ra sao nếu sớm mai thức dậy, tớ ngẩn ngơ nhận ra rằng cuộc chiến đằng đẵng này chỉ là một giấc mơ?
_ Theo ngôn ngữ của tâm lý học hiện đại, thì mỗi đêm, chúng ta lại thức dậy trong mơ, và nhận ra rằng nền hòa bình ban ngày chỉ là một giả định mà ta tạo ra để tự huyễn. Những xung đột tâm trí bên trong chúng ta là có thật, và sự hèn nhát khiến ta trốn chạy và phủ nhận chúng cũng có thật. Giấc mơ, trong thực tế, là một chiến trường có thật, nơi cuộc chiến giữa những dòng nội tâm đối kháng diễn ra. Theo cậu, đời sống ban ngày là cái gì khác, ngoài một trạng thái mơ màng ngu xuẩn, khi con mắt của chúng ta bị nỗi sợ chọc thủng - nặng tới mức ta phủ nhận hầu hết vũ trụ phong phú bên trong tâm mình? Vậy nên tự cổ chí kim, những ai dám sống giấc mơ của mình vẫn được xem là can đảm và sáng suốt.
"Cuộc chiến này có phải là một giấc mơ không?" - đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Về bản chất, "cuộc sống bình thường" vào ban ngày của cậu, với tất cả sự vô thức và lọc lừa hàm chứa trong nó, cũng chẳng khác gì một giấc mơ nối tiếp những giấc mơ ban đêm. Và có gì đảm bảo cuộc sống đó không chỉ là một giấc mơ trong một giấc mơ rất dài? Khi còn trong mơ, chúng ta không biết. Muốn biết, ta phải thức dậy. Và ta chỉ thức dậy khi đã sống hết mình và trọn vẹn mọi giấc mơ.
_ Nhưng chắc gì tớ đã có thật, đúng không nào? Trong Phật giáo, người ta dạy rằng mọi sự là trống rỗng, vô thường, và thế gian này chỉ là hư huyễn...
_ Nếu mọi sự chỉ là hư huyễn, thì Phật không có thật, Phật giáo không có thật và lời dạy cũng không có thật, nên đừng để chúng làm phiền não chúng ta. Và nếu cậu không có thật, thì những câu hỏi ngu xuẩn mà cậu đang đặt ra cũng không có thật nốt. Vì vậy, hãy dẹp sự lo lắng đi, và vui vẻ sống với những câu hỏi. Cậu thấy đấy, có những câu hỏi đủ ngu xuẩn để khiến tớ cười như điên. Chẳng hạn: "Nếu mọi thứ không có thật, thì lời khẳng định rằng mọi thứ không có thật liệu tự nó có thật không?... Nếu mọi thứ chỉ là ảo tưởng, thì khái niệm ảo tưởng, phải chăng, cũng chỉ là một ảo tưởng?...".
_ Okay, vậy liệu trong giấc mơ đáng sợ này, tớ có quyền chọn một cuộc sống bình thường không?
_ Thế nào là một cuộc sống bình thường? Đối với tớ, sống bình thường là sống không sợ hãi. Sống bình thường là chấp nhận toàn bộ thế giới bên trong và bên ngoài mình, rồi phản ứng với chúng một cách sòng phẳng và trọn vẹn. Giết những kẻ mình ghét, bảo vệ những người mình thích, và thoải mái khi ở một mình - đó là cuộc sống rất bình thường, và rất thật, mà tớ đang có hôm nay.
Cậu hãy sống một cuộc sống bình thường. Vứt hết những kỳ vọng ngu xuẩn của người khác đi, và sống theo cách làm cậu cảm thấy thoải mái nhất. Và hãy sống một cuộc sống thực. Quẳng mớ lí thuyết đó đi. Lí thuyết chỉ là cái ống đồng tẻ ngắt, nơi kẻ hèn nhát tìm đến để chạy trốn khỏi cuộc sống của mình. Quẳng nỗi sợ đi, mọi ảo ảnh đều sinh ra từ nó.
Và đây là cuộc sống thật. Ở đó, ngôi nhà thật được xây bằng bê tông cốt thép chứ không phải kẹo bông. Ở đó, sự thật mất lòng. Ở đó, người ta lớn lên nhờ ăn cơm, nhưng trưởng thành do ăn đấm. Đóa hồng trong giọt sương luôn đẹp và êm ái hơn giọt sương trong đóa hồng, nhưng chưa chắc có thật. Ở thế giới thật, cậu phải tự nếm gai nhọn để hiểu rõ cả hai.
Và ở thế giới thật, đang có một vấn đề.
Một người trong số chúng ta đã bị giết.
Thằng bé đó chưa hề có một chút ý niệm nào về cuộc chiến này, và cũng chưa từng gặp một người đồng loại. Nhưng nó đã là nạn nhân đầu tiên. Nó chọn cái chết trong thế giới thực để chạy trốn cuộc chiến trong giấc mơ của mình.
Trong cuộc chiến này, chỉ có một kẻ ngoài cuộc, là những xác chết.
Trong cuộc chiến này, đồng đội và sự hiểu biết là thứ sẽ bảo vệ chúng ta, thay vì khiến ta liên lụy.
Trong thế giới thực, đừng tách đàn khi chúng ta đang bị bầy sói bao vây.
LÊN ĐẦU TRANG