Okay, vậy là đang có một cuộc chiến giữa các vị thần, và chúng ta thuộc một team trong số đó. Vậy quân mình và quân địch có gì khác nhau?
Từ góc nhìn của chúng ta, có ba điểm khác biệt quan trọng đã nuôi dưỡng và làm bùng phát cuộc chiến. Đó là thái độ với niềm tin, thái độ với bản thân, và thái độ với con người.
Đối phương là tập thể những quỉ thần sống bằng niềm tin. Toàn bộ sự tồn tại, năng lượng và vinh quang của họ đều lệ thuộc vào niềm tin của các đám đông dân chúng. Họ là vật ký sinh sống bám vào các hệ thống niềm tin: từ tôn giáo, triết học, ý thức hệ, cho đến các hủ tục, luân lý và quan niệm thẩm mỹ cổ xưa. Ngày nay, khi các hệ thống tín điều đồng loạt sụp đổ trên phạm vi toàn cầu, đám thần này cũng sụp đổ luôn, cả trong mắt con người lẫn thẳm sâu trong tâm hồn chính họ.
Bám đít các hệ thống niềm tin là một lựa chọn ngu xuẩn. Chúng ta đã từ bỏ phương thức tồn tại đó vì ba lí do. Thứ nhất, các hệ thống niềm tin biến cả kẻ tin lẫn kẻ được tin thành một đám đông dốt nát, hoang tưởng, ỳ trệ và hiếu chiến đến điên rồ. Niềm tin chẳng khác gì một cái lồng chim chật hẹp và hôi tanh, với tín điều là những song sắt băm vụn bầu trời của các linh hồn bị nhốt. Mọi hệ thống niềm tin đều biến linh hồn từ chim trời thành thú cảnh. Khi cố nhốt thực tại muôn màu vào dăm câu kinh cầu, khẩu hiệu chính trị hoặc lý thuyết khoa học vừa phiến diện, vừa nhàm cán, chúng triệt tiêu ma thuật sáng tạo, bản năng khám phá, năng lực tư duy độc lập và vũ trụ vô hạn của trái tim. Nói cách khác, chúng hủy diệt mọi đặc tính thiêng liêng của linh hồn. Nọc độc của tín điều đã biến nhiều sinh thể thành xác chết biết đi, và nhiều đấng sáng tạo thành cái máy đánh chữ. Chuyện đó xảy ra khi người ta bắt đầu sống theo niềm tin và chết để bảo vệ đức tin - tức tự đánh đồng linh hồn mình với hệ thống niềm tin đang giam giữ họ. Vậy là nhà khoa học thoái hóa thành một dòng công thức dở hơi, và tù nhân thoái hóa thành bức tường nhà tù, để vừa tự giam giữ bản thân, vừa giam thêm người khác.
Mọi niềm tin đều là một lời dối trá trắng trợn. Nếu là sự thật, thì muôn đời nó vẫn nằm đó, sao họ phải bắt người ta tin? Và liệu một vũ trụ muôn màu liên tục biến đổi có thể bị nhốt vào vài dòng công thức vô tri? Truyền bá niềm tin là nói dối, và tin là tự nói dối. Vấn đề sẽ nảy sinh khi sự thật bắt đầu chập chờn hé lộ. Trước cú đấm của sự thật hiển nhiên, người ta hoặc trốn sâu hơn vào cái cũi đức tin để được an toàn, hoặc quay ra thù ghét nó. Vậy là người ta khủng hoảng và chiến tranh, trong nội tâm và ngoài xã hội. Người ta lao vào giết mình và giết người khác, chỉ vì một nhà tù vớ vẩn mà không ai đủ can đảm để quên đi.
Các hệ thống niềm tin có sứ mệnh thật buồn cười. Ban đầu, người ta chui vào chúng, trú ẩn và dựa hơi, những mong được an toàn, chây lười và vênh váo. Mọi hệ thống niềm tin đều thủ thỉ vào tai các tín đồ: "Bạn trong sạch, tử tế và khôn ngoan, trong khi những kẻ không tin ta thì nhơ bẩn, xấu xa và ngu muội. Rồi bạn sẽ được sung sướng, còn chúng sẽ phải chịu khổ đau. Vinh quang thay những con lợn chọn đúng chuồng!". Rồi chẳng mấy chốc, hệ thống niềm tin biến thành những con quái vật của theo dõi, kiểm duyệt, kì thị và chiến tranh, ném những tín đồ đang ẩn náu trong miệng mình vào cái dạ dày của bất an, cực khổ và nhục nhã. Đó là số phận tất yếu của những kẻ chạy trốn sự mênh mông của vũ trụ, nhưng vẫn thích ngoa ngôn về vũ trụ. Đó là số phận tất yếu của loài kí sinh ăn bám trong một thực tại chỉ có phiêu lưu.
Hãy nhìn số phận của những quỉ thần ăn bám niềm tin. Họ chỉ có hai lựa chọn. Một: tin vào những tín điều cung cấp xôi oản cho mình, để rồi bị thoái hóa thành robot hệt như đám đông tín đồ đang dâng xôi oản. Trong trường hợp đó, con quái vật hệ thống đã chồm lên ăn thịt chính mẹ đẻ và chủ nhân. Hai: không tin vào những tín điều mà mình rao truyền. Trong trường hợp này, từ một vị thần, người ta rữa ra thành loài ký sinh sống bằng dối trá. Trong cả hai trường hợp, họ không khác gì thứ mà hệ thống niềm tin rao truyền là ác quỷ. Không đáng ngạc nhiên: niềm tin là một hệ thống chết, vì cố định, được tạo ra với tham vọng mô phỏng và cai trị một thế giới bất định, vì đầy sự sống.
Thứ hai, hợp đồng niềm tin giữa người và thần là một hợp đồng vừa bất công, vừa vô giá trị. Đa số con người quá yếu ớt để kháng cự lũ quỷ thần thích thôi miên. Một hợp đồng không tự nguyện liệu có ý nghĩa gì? Và ai cũng biết rằng các vị thần sống quá lâu để có thể giữ lời hứa. Con người tuyệt đối không nên tin họ.
Thứ ba, rất đơn giản: chúng ta có thể sống mà không cần các hệ thống niềm tin. Sao không đối mặt với vũ trụ bao la, và chấp nhận nó như nó vốn là, thay vì trốn chui trốn nhủi vào trong cái chuồng tín điều vì sợ thực tế? Sao phải bắt con người tin chúng ta là những bậc toàn thiện, toàn mỹ và tuyệt đối siêu phàm, trong khi có thể giúp họ yêu quí chúng ta như những bạn bè bất toàn, nhưng chân thành và thú vị? Sao phải chôn mình và mọi người trong một nấm mồ lí thuyết, trong khi tất cả nó thể bay nhảy trên những làn sóng cảm xúc và tư duy? Sao phải uốn éo theo những hủ tục, đạo lí và nhịp điệu cũ, trong khi chúng chỉ là những thói quen vớ vẩn và chúng ta có thể vứt sang một bên, và làm ra những cái mới hoàn toàn? Sao phải sống trong một hệ thống, đội nó lên đầu và đạp những hệ thống khác dưới chân, trong khi chúng ta có thể chia sẻ với nhau vô vàn hệ thống?
Chúng ta sống bằng khám phá, cảm nhận, sáng tạo và sẻ chia liên tục. Chúng ta không chịu bị nhốt vào chuồng hoặc gò mình theo những cái khuôn. Chúng ta không thích những cỗ máy tư tưởng chỉ cho phép người ta nói dối người và tự dối mình. Đó là lí do những cỗ máy này cố triệt tiêu chúng ta bằng mọi giá.
- còn nữa -