Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Vị cao tăng và miếng thịt heo

p6315521a499743250
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy, nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt che khuất đi.
Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên, thế là cao tăng lại phải thêm lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử: “Con mà còn lật nó lên ta sẽ ăn luôn”. Người đệ tử nghe thầy nói thế thì không dám bới miếng thịt heo lên nữa.
Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn, lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta.”
Cao tăng từ tốn nói: “Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý. Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay, ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải điều chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh ‘chỉ biết lý mà bỏ quên người’, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua.”
“Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay “đoạt lý mà quên người”, như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục, trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng.

Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở, phải biết cho người ta một lối thoát, vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.”

Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 10): URANUS

_ Tôi bật máy ghi âm nhé... OK?
_ OK!
_ Vâng, cảm ơn anh Uranus vì đã đồng ý tham gia buổi giao lưu. Quả là một dịp may mắn của tất cả chúng ta khi bầu trời bỗng dưng chạm được tới mặt đất. Chúng tôi xin bắt đầu bằng câu hỏi của một độc giả ở Hà Nội. Uranus, anh có thể cho biết đâu là khác biệt căn bản giữa người phàm và các vị thần không?
_ Con người khuất phục thế giới, trong khi chúng tôi phá hủy và kiến tạo thế giới. Vì vậy, con người phải chịu đựng thế giới, trong khi chúng tôi thưởng thức nó, và đôi lúc, thưởng thức cả vẻ ngu xuẩn trong thói quen chịu đựng của đám phàm nhân. Có vậy thôi, tôi không nghĩ chúng ta khác nhau nhiều.
_ Mời anh nói rõ hơn?
_ Con người có khuynh hướng tôn thờ và khuất phục những hệ thống máy móc đang duy trì ì ạch cái thế giới của mình. Họ khiếp sợ, sùng bái và tuân lệnh gia đình, dòng tộc, nhà trường, tôn giáo, cơ quan, hội đoàn và nhà nước. Họ răm rắp chấp hành mọi hủ tục và định kiến của xã hội. Như những loài sâu bọ thấp hèn, hoặc như những cái máy vô tri được lập trình sẵn, họ phục tùng và thi hành mệnh lệnh của bầy đàn một cách hoàn toàn vô thức, thay vì biết đặt câu hỏi và tìm một con đường khác cho bản thân. Họ không tự suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình, và không hề có ý thức về giá trị riêng của bản thân mình. Họ tin rằng bạn bè, dòng họ, nhà nước và nhà thờ hài lòng về họ đến đâu, thì họ có giá trị đến đấy. Vậy nên khi bị tách khỏi những tập thể quí hóa này, họ hoàng toàn trở thành một số 0 vô giá trị. Khi không có kẻ khác đứng bên cạnh để định nghĩa họ, thì họ còn chẳng biết mình là ai. Và họ có thể vỡ tim mà chết vì khiếp sợ khi rơi vào tình cảnh "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc" này. Đó là lí do khiến chúng tôi hay ví họ với gia súc. Chỉ có gia súc mới tin rằng khi chui vào chuồng, nó sẽ an toàn vì được bốn bức tường che chở. Cũng chỉ có gia súc mới tự hào vì được chủ khen ngợi những dịp tăng cân.
Thần là một dạng sống khác hoàn toàn. Khi một vị thần đầu thai, đừng mong hắn qui phục những chuẩn mực xã hội cũ kĩ. Trong mắt các vị thần, mọi hệ thống của con người đều là rác rưởi. Sao chúng tôi phải nhốt mình vào một hệ thống chật hẹp có sẵn, khi chúng tôi có thể tự sáng tạo vô số hệ thống tươi vui gấp vạn cho chính bản thân? Một vị thần có thể chạy tung tăng từ hệ thống này sang hệ thống khác chỉ trong một ngày, hoặc đập bỏ cùng lúc tất cả các hệ thống mà mình đang có mà không sợ chết vì cuộc khủng hoảng căn cước như con người. Đơn giản thôi: chúng tôi hiểu mình, và hiểu những giá trị mà mình sẵn có. Không việc gì phải quị lụy lấy lòng thế giới, khi trong mỗi chúng tôi có một thế giới rộng lớn vô cùng để chơi đùa đến mệt nghỉ. Khi nào thế giới bên trong của mình dư thừa một ít hệ thống, chúng tôi sẽ quẳng mớ rác ấy ra cho nhân loại, để họ có cái mà khiếp sợ và tôn vinh.
_ Vâng, cảm ơn thần. Vậy xin cho biết thêm, các vị thần thường khiếp sợ và tôn thờ những gì ạ?
_ Chúng tôi hơi sợ rằng mình sẽ trở thành giống như các bạn. Nỗi sợ này là một trong những tệ nạn nguy hiểm và ngớ ngẩn nhất của chúng tôi. Còn về tôn giáo, thì tự tin là đức tin duy nhất của các vị thần. Không, đừng cho rằng chúng tôi tôn thờ và thờ cúng bản thân như vài người trong các bạn. Tụng niệm là nghi lễ của con người, cầu cúng là nghi lễ của ma quỉ, còn sáng tạo là nghi lễ của các vị thần tối cao. Trong mắt các vị thần, không có gì thiêng liêng hơn là làm mới bản thân và thế giới.
_ Vâng, rất thú vị. Uranus, anh mô tả thế nào về cuộc sống và công việc hằng ngày của một vị thần?
_ Điên rồ, nếu xét trên thang tiêu chuẩn của các bạn. Kể cả khi đầu thai xuống nhân gian, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục sống trong thế giới của riêng mình và làm những gì mình muốn, bất kể thế giới bên ngoài và con người các bạn có muốn thế hay không. Giới hạn trong cuộc sống và công việc là vô nghĩa đối với các vị thần. Những giới hạn không làm ra chúng tôi, chúng tôi làm ra chúng.
_ Nhưng không phải các vị thần có trách nhiệm yêu thương và che chở cho con người ạ?
_ Không hề, em yêu. Xin các bạn nhớ cho: yêu thương không thể là một nghĩa vụ. Tình yêu là bản nhạc kết nối lồng ngực con người, chứ không phải những dòng lệnh cưỡng ép mà con người cài vào óc nhau. Như những con chim trên cành, trái tim sẵn sàng hòa tấu khi thời điểm đến. Và khi thời điểm đến, cũng tự chúng im lặng. Chúng không cần nhạc trưởng, chúng cần tự do. Đừng đưa tính nghĩa vụ vào những bản hòa âm ngẫu hứng này. Đừng biến sơn ca thành con vẹt.
Khi ai đó nói về nghĩa vụ thương yêu, chắc chắn anh ta đang đạo đức giả. Bất cứ khi nào bạn nhủ thầm "Tôi phải thương yêu nhân loại và cứu thế giới", thực ra bạn đang tự lừa mị bản thân. Bạn đã quen bao nhiêu người trong nhân loại mà đòi yêu cả cái đám nhung nhúc này? Bạn là một phần mấy tỉ của thế giới, cả về không gian lẫn thời gian, mà đòi cứu thế giới? Thật ngớ ngẩn! Những bậc cứu thế xông xáo như vậy chẳng yêu thương ai hết, họ chỉ đang cố dựng bàn thờ và tượng gỗ cho chính bản thân. Họ không nhìn thấy con người. Họ chỉ nhìn thấy cái tượng đài giả tạo của chính mình - một vị thánh quên ăn, ngủ, đụ, ỉa vì hòa bình thế giới. Biết bao nhiêu lần, những kẻ đó đã nướng cả nhân loại nhân danh sứ mệnh giải cứu nhân loại. Trong cái kỷ nguyên tăm tối vừa mới đi qua, không biết bao nhiêu thần linh đã tự biến mình thành quỉ trong cơn say ảo tưởng cứu thế...
Đừng gán cho các vị thần mớ sứ mệnh và nghĩa vụ. Chúng tôi chẳng có nghĩa vụ yêu thương cái gì khác, ngoài những nhịp đập rất đa dạng của trái tim chúng tôi. Các bạn cũng vậy, hãy yêu nhịp tim của mình đi, rồi tự chúng sẽ bảo vệ thế giới này.
_ Vâng, cảm ơn anh. Tiếp theo là câu hỏi của một bạn gái ở Củ Chi: Con người phải làm gì để làm vừa lòng các vị thần ạ?
_ Rất đơn giản thôi: đừng nghĩ chúng tôi tầm thường như các bạn. Đừng mang tiền đến hối lộ, rồi xin chúng tôi nhúng tay vào mấy chuyện tủn mủn như kinh tài, nhà cửa, quan tước, hôn nhân... Nhận hối lộ là thói quen của ma quỉ, chứ không phải của các vị thần. Tôi không quan tâm đến đám tiểu nhân tham lam và ỷ lại đang nhung nhúc cầu cúng ở các đền thờ, tôi chỉ dõi theo những người xứng đáng. Và những kẻ mạnh mẽ này lại chẳng bao giờ cầu xin thần linh thương hại. Tự họ đã có vài phẩm chất để, một ngày đẹp trời nào đó, gia nhập hàng ngũ của chúng tôi.
Nên nếu bạn yêu quí chúng tôi, hãy học cách trở thành một vị thần thay vì một con nhang mộ đạo. Giữa một người bạn mới và một con gia súc mới, chắc chắn chúng tôi thích phương án đầu tiên hơn. Đừng cầu nguyện với chúng tôi nữa, hãy cầu nguyện với âm nhạc ở bên trong mình. Làm thế đi, rồi bạn sẽ tìm thấy nơi linh thiêng đích thực.
_ Vâng, và giờ là câu hỏi cuối. Uranus, khi chúng ta bước sang kỷ nguyên mới, các vị thần đã thay đổi ra sao?
_ Chúng tôi đã thay đổi nhiều. Tất nhiên, không phải ngay lập tức. Mỗi vị thần đã và đang trải qua một chặng đường dài để hiểu và chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân. Quá trình này ném chúng tôi vào nhiều kết luận thú vị. Một ngày đẹp trời, thần trí tuệ hiểu rằng mình chỉ là một con ngốc trong cuộc sống, thần chiến tranh hiểu rằng mình chỉ là sản phẩm của hội chứng sợ chiến tranh, thần ánh sáng nhận ra bóng tối cũng tuyệt vời, messiah hiểu rằng nhân loại phải tự cứu chính nó, thần thông tin hiểu rằng mọi triết lí chỉ là trò bịp, còn thần địa ngục lại nhận thấy mình chỉ thích đi tìm kho báu, giải cứu gái và trồng hoa... Đáng tiếc, khi con người chưa nhận ra những sự thật này.
Một thay đổi quan trọng khác là cách thức hành động của chúng tôi. Qua rồi cái thời thần linh cai quản mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bao cấp vậy là đủ rồi, từ nay, con người được tự do và tự lập. Chúng tôi không thống trị nữa, chúng tôi sẽ chỉ hướng dẫn và tạo cảm hứng cho nhân gian. Chúng ta cũng không còn là cha và con nữa, chúng ta là bạn bè. Từ nay, mối quan hệ giữa thần và người vĩnh viễn thay đổi.
Trong kỷ nguyên cũ, con người biết đến thần linh qua những bức tượng cứng nhắc trong đền thờ, những thần thoại dọa ma và những cuốn kinh nhàm chán. Hình thức giao tiếp tệ hại ấy đã tạo ra nhiều đế chế của nỗi sợ, nô dịch, giả dối và xuẩn ngu. Sau rốt, đã chỉ có ma quỉ lên ngôi trong hệ thống này. Bởi vậy, khoảng một thế kỷ rưỡi trở lại đây, chúng tôi đang chuẩn bị một cách thức giao tiếp khác. Thay vì tu bổ những đền thờ nghiêm nghị già nua, chúng tôi xây những nền tảng cho ngành giải trí hiện đại. Đừng bất ngờ khi ai đó nói với bạn rằng Đức Mẹ đã làm nhạc Jazz giáng sinh, Aphrodite là mẹ đỡ đầu của cả nhạc kịch kinh diển lẫn K-pop, Lucifer là ông trùm của Hollywood và công nghiệp hoạt hình Nhật Bản, hoặc Athena điều hành cả Marvel lẫn Shonen Jump... Nhiều năm nay, chúng tôi đã là những biên kịch, đạo diễn và diễn viên vô hình của những đế chế giải trí này. Khi gửi kịch bản, giai điệu và hình ảnh vào tâm trí của những nghệ sĩ dưới trần gian, chúng tôi đã nhờ họ kể lại câu chuyện của mình trong các kiếp sống. Văn học, truyện tranh, điện ảnh và âm nhạc chính là những hình thức thần thoại của thời hiện đại. Đừng nhang khói nữa, các đền thờ và chùa chiền không có chúng tôi đâu. Nhưng nếu muốn, các bạn có thể gặp tôi trong tiểu thuyết của Victor Hugo, vài manga harem kinh điển nhất, hoặc nhóm Avengers. Thử đi, để hiểu rằng các vị thần gần gũi và tươi vui hơn bạn nghĩ.
Trong thời đại này, thần linh không cần các bạn kính sợ. Thần linh muốn được các bạn yêu. Được yêu luôn sướng hơn, và cũng khó hơn được kính sợ rất nhiều.
_ Vâng, cảm ơn anh đã chia sẻ. Tôi và nhiều bạn độc giả rất yêu quí anh!
_ Oh chúng ta có thêm điểm chung rồi! Tôi cũng yêu tôi nữa!

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 9): PROMETHEUS

Hàng vạn năm nay, con người đóng vai những linh hồn nhỏ bé, yếu nhược và tầm thường, chẳng có số phận nào khác ngoài phủ phục dưới sự che chở, dắt mũi và thống trị của thần linh. Hàng vạn năm nay, đủ thứ quỉ thần vẫn yên vị trên những tầng trời dựng bằng nỗi sợ và đức tin, hai ảo tưởng thấp kém nhất của những linh hồn mà họ cho là thấp kém nhất. Nhưng qua rồi, thời đã đổi! Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại mà chúng ta đang sống, con người sẽ phải học cách sống như thần thánh, và thần thánh sẽ phải học cách sống như con người, cho tới ngày hai giới biết làm bạn với nhau.
Tớ không nói đùa. Hãy nhìn thế giới hoang tàn mà chúng ta đã tặng nhau trong kỷ nguyên cũ. Trừ cái thiểu số cứng đầu chúng ta, ngay cả những linh hồn sinh động nhất một thời cũng đã bị tẩy não đến u mê, nay không khác gì những vật vô tri biết đi lại. Lúc này, đa số con người đang thỏa thuê và an phận trong lồng sắt - chẳng khác gì đàn lợn công nghiệp trong chuồng lợn, say cám lợn bí tỉ trước ngày vào lò mổ, coi những kẻ vỗ béo mình như bậc cứu thế, và gọi cái chuồng tù túng là hàng rào an ninh. Họ bóng bẩy, ngấy ngậy, đều chằn chặn, giống hệt nhau và dính chặt vào nhau, chẳng khác nào những cái xúc xích thịt người. Còn đa số bọn quỷ thần, bất kể hệ thống đức tin, thì chẳng khác gì những dây chuyền công nghiệp lạnh lùng đúc thịt người vào khuôn xúc xích. Không! Máy móc và chết chóc thế là quá đủ!
Từ hôm nay, chúng ta sẽ thánh hóa con người và nhân hóa các vị thánh!
Con Người - những cá thể còn giữ được một chút tính chất thiêng liêng của từ này - cần phải tự làm lại. Những thiên thần đi bộ ấy phải học cách lấy lại đôi cánh cổ xưa. Họ phải hiểu rằng không có thiên đường nào khác để an trú ngoài đôi cánh của chính họ - tức thời khắc sải rộng của linh hồn trên ngọn gió của lòng can đảm, trí tưởng tượng và tình yêu. Họ phải hiểu rằng không có bất cứ Thượng Đế nào, ngoài những linh hồn đầy say mê đang không ngừng sáng tạo thế giới. Họ phải hiểu rằng không có đức tin nào mang lại giải thoát, ngoài Tự Tin. Họ phải tự đứng dậy mà bảo vệ và bảo ban bản thân, trong một thế giới mà mọi quỷ thần đã tự chứng minh mình chỉ là kẻ ngốc.
Con Người tự có trong mình những phẩm chất linh thiêng và vĩ đại. Con Người sẽ từ giã số phận thiêu thân. Con Người sẽ tìm thấy chất men thần thánh trong chính mình. Đã đến lúc.
Và đã đến lúc các vị thần phải học. Hãy nhìn lại cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta đang chống lại cái gì? Những tổng lãnh thiên thần và quân đoàn dạ xoa của tớ. Hệ thống phòng thủ bằng máy tính của Zeus, và bằng bệnh dịch của Maria. Bản sao của Thor, viên đá tình yêu của Cupid, hệ thống nhà thờ của Michael, cùng đủ thứ chủng loại, gia tộc mà chúng ta góp sức tạo thành. Và vô số các cựu thần linh, nhiều người trong số này từng là bạn của chúng ta, đã tự biến mình thành robot.
Thật ngu xuẩn. Trong hầu hết các kiếp sống, chúng ta vẫn tự cho mình là ánh sáng duy nhất của thế gian. Chúng ta coi con người là thấp kém, mà vẫn tự xưng là yêu thương con người. Chúng ta tự cho mình cái quyền và cái vinh quang của việc bảo vệ, răn dạy và thống trị những linh hồn khác. Nhưng linh hồn cần vỗ cánh bay, chứ không cần những cái chuồng công nghiệp. Chính những bức tường thành mà chúng ta xây dựng đã nuốt chửng dân chúng trước cả những đạo quân xâm lăng.
Và chúng cũng từng nuốt chúng ta. Đã nhiều lần, vì nỗi bất an, chúng ta cố biến mình và biến nhau thành những tạo vật trật tự và hoàn hảo tót vời, thứ chỉ có thể là robot. Ngày nay, những kẻ hoàn hảo xấu số ấy đang cố giết chúng ta, hòng biến thế giới thành một trại cải tạo hoàn hảo tới tẻ nhạt. Vậy mà các đấng sáng tạo vẫn tiếp tục đặt nơi nhau những kì vọng chỉ có thể được đáp ứng bằng tiện nghi máy móc.
Cứ thế, bằng sự tự mãn và tham lam, chúng ta tạo ra một thế giới hoang tàn kinh tởm. Rồi vẫn vì tham lam và tự mãn, chúng ta đổ lỗi cho kẻ khác, rồi tìm lối thoát cho bản thân mình bằng cách ở ẩn hoặc hủy diệt thế gian. Cứ thế, trừ phi chịu thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại vòng quay kiến tạo và hủy diệt, khi những vị thần ngốc tới đáng thương hại cứ quì mọp trước sự hoàn hảo của máy móc, mà bỏ rơi thế giới bất toàn đầy chất người.
Hãy sống.
Đã đến lúc Con Người sống lại, bằng cuộc nổi dậy của đôi cánh, và các vị thần sống lại, bằng việc biết cảm thông. Thế giới mới đã mở ra không phải bằng cuộc chiến của những cỗ máy chết người, mà bằng sự đổi thay của những đấng sáng tạo đang sống.
LÊN ĐẦU TRANG