(TNO) Trong Lời giới thiệu cuốn sách, chúng tôi có lưu ý bạn đọc không nên phản biện hay tin theo những gì ông Fukuoka đã viết.
Không nên phản biện, bởi vì tác giả đã “lùi” vào vị trí không thể dùng tri thức để tranh cãi.
Không nên tin, bởi vì tác giả không có ý định thu thập tín đồ. Tác giả hiểu rõ, đầu óc mà bị chi phối bởi các tín điều thì không bao giờ có thể thấu hiểu được tự nhiên. Một khu vườn ở Nhật không giống một khu vườn ở Việt Nam, ngay cả cùng một khu vườn ở Nhật hay ở Việt Nam vào mùa xuân cũng không giống vào mùa hè và cùng một mùa xuân nhưng năm này không hẳn là giống như mùa xuân năm trước. Tác giả chỉ giúp bạn được một chút xíu là vén bức màn để bạn có thể nhìn vào cái vườn đám ruộng của chính bạn và tự ứng xử với nó theo cách của bạn.
Một số bạn đọc là trí thức có thể sẽ bị shock khi đọc những dòng ông Fukuoka nói về sự bất cập của khoa học. Ông viết: “Các nhà khoa học sung sướng ăn mừng khi những viên đá được mang về từ mặt trăng chẳng hiểu được mặt trăng bằng những đứa trẻ hát nghêu ngao ‘trăng bao nhiêu tuổi trăng già…’. Basho (*) có thể thấu được sự kỳ diệu của tự nhiên bằng việc ngắm ánh trăng tròn phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng. Còn tất cả những gì các khoa học gia làm được khi đi vào không gian và chập chững đôi giày đi ngoài không gian của mình là làm mờ đi chút xíu vẻ tráng lệ của mặt trăng trước hàng triệu tình nhân và trẻ con trên trái đất”.
Theo ông, mọi nỗ lực của khoa học, bất kể là nghiên cứu được tự nhiên bao nhiêu và bao xa, cuối cùng cũng không thể biết được tự nhiên như thế nào mà chỉ có thể biết tự nhiên kỳ vĩ và bí ẩn như thế nào mà thôi.
Nhưng nói rằng ông bài bác khoa học thì không đúng. Ông chỉ bài bác ảo tưởng dùng khoa học để làm thay cho tự nhiên. Có lẽ các nhà khoa học nếu muốn nghiên cứu điều gì thì cứ việc nghiên cứu, nhưng nghiên cứu để tạo ra những thứ có vẻ giống tự nhiên rồi đánh lừa bản thân mình và đánh lừa người khác rằng đó là sản phẩm tự nhiên thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Tạo hóa sinh ra con người (cũng như muôn loài), tạo hóa cũng tạo đủ điều kiện cho con người tồn tại, trong đó có thức ăn. Thức ăn là một trong những nguồn sống của con người và nó vốn là sản vật tự nhiên. Thành phần của mỗi thứ thức ăn từ tự nhiên không đơn giản là những thứ mà khoa học phân tích như tinh bột, chất béo, vitamine, khoáng chất và những thứ đại loại như vậy. Mỗi loại thức ăn mà tạo hóa ban cho con người đều chứa vô số những điều huyền bí. Mỗi chủng tộc có những thứ thức ăn đặc thù được mọc lên hoặc sinh ra từ vùng đất mà chủng tộc đó sinh sống. Và mùa nào thức ấy, mùa xuân có những món của mùa xuân, mùa đông có những món của mùa đông. Thức ăn chính của người Việt ta là lúa gạo cùng với rau củ và động vật bản địa, thức ăn đó phù hợp với đặc điểm sinh học của người Việt, nếu ăn khác đi ắt sẽ có vấn đề về sức khỏe - những vấn đề không phải bao giờ cũng có thể nhìn thấy.
Ông Fukuoka bảo thức ăn là sự sống, và sự sống không thể xa rời tự nhiên. Nhưng con người với nhận thức hạn hẹp của mình, đã tìm ra một số trong vô số các chất trong thức ăn tự nhiên và ngạo mạn nghĩ rằng mình cũng có thể tạo ra thứ thức ăn đủ những chất như tự nhiên, nếu cần thì bổ sung vào cơ thể những chất được cho là bị thiếu hụt, nếu ăn không thấy ngon thì dùng thêm gia vị nhân tạo để có thêm cảm giác. Khoa học dù có tiến bộ tới đâu cũng không thể tạo ra những thứ rau trái tốt hơn tự nhiên được. Những sản phẩm được nuôi trồng hoặc được tạo ra bởi khoa học tuy có thể thỏa mãn những nhu cầu trước mắt nhưng lại làm cho cơ thể con người suy yếu đi, khi ấy con người buộc phải dùng đến thuốc men để đối phó. Theo ông, thứ thực phẩm được nuôi trồng nhân tạo hoặc được tạo ra bởi những dưỡng chất khác xa với chế độ ăn truyền thống của phương Đông, và chính nó đang làm xói mòn sức khỏe của người dân Nhật Bản.
Khoa học của ông, nếu muốn gọi đó là khoa học, là tôn trọng tối đa tự nhiên, là không làm bất cứ điều gì trái với tự nhiên. Đó là thứ khoa học tôn vinh, kính ngưỡng sự bí ẩn diệu kỳ của tạo hóa. Đó còn là thứ khoa học phục vụ tự nhiên và không còn nghi ngờ gì nữa, con người được hưởng những lợi ích lớn lao từ chính sự phục vụ đó.
Với 30 năm trải nghiệm trên vườn ruộng, trên những thửa ruộng canh tác tự nhiên “4 không” của mình (không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng hóa chất diệt côn trùng và kiểm soát dịch bệnh), sản lượng đạt được trên một sào bằng ngang ngửa, thậm chí nhiều hơn, so với những thửa ruộng áp dụng khoa học nông nghiệp hiện đại trên cùng một diện tích nhưng với tổng chi phí chỉ bằng một phần mười. Với thành quả không thể chối cãi đó, ông tự hỏi lợi ích của khoa học và công nghệ hiện đại nằm ở đâu? Có thể nói đây chính là thành quả của thứ khoa học tôn kính đó.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét