Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

[docsachvangamnghi] Cuộc cách mạng một cọng rơm - Masanobu Fukuoka


Những ngày gần đây, tôi thường dành chút thời gian rảnh của mình lang thang tìm hiểu về nông nghiệp để chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong tương lai. Như mọi thứ khác mà con người đã đặt chân và nhúng tay vào, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng, biến đổi với tốc độ và độ phức tạp không ngừng gia tăng. Động lực chính yếu đàng sau đó là ước muốn khám phá, cải tiến và làm giàu của con người.

Trong cộng đồng những người làm nông nghiệp trên mạng, dễ dàng thấy những trao đổi hừng hực máu lửa như trồng cây gì, bón phân gì, nuôi con gì, cho ăn gì để nhanh chóng làm giàu. Nông nghiệp với mục đích làm giàu, tự bản thân nó đẻ ra nhiều thứ phục vụ cho mục đích đó: bài toán đầu tư, bài toán thu hồi vốn, bài toán tiếp thị, đóng gói, phân phối, kinh doanh, tích hợp các kiến thức và sản phẩm của khoa học để nâng cao năng suất, trồng và cho ra sản phẩm nông nghiệp nghịch vụ, giải quyết bài toán sâu hại và bệnh của cây trồng, vật nuôi...

Tôi, như một kẻ mới toanh không kiến thức, không trải nghiệm, mém chút nữa là bị lạc hẳn vào trong đó không đường ra. Thật may là trước khi sa chân vào trận đồ bát quái đó, đứa bạn thân tặng cho tôi cuốn sách này. Cuốn sách với nội dung cực kỳ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, giúp tôi kịp nhận ra sự vô nghĩa và sai trái của những cách làm nông nghiệp hiện đại; hiểu được chân bản chất của nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên và hơn thế nữa, giúp tôi củng cố thêm nhận thức của mình về Thật và Ảo trong cuộc sống; về sự hữu hạn của kiếp người; về sự kỳ lạ trong những nỗ lực ồn ào của loài người liên tục đẩy cuộc sống về hướng này theo hướng kia, mà thật sự chẳng ai biết là để làm gì, để đi tới đâu. 

Dù đã đọc cuốn sách hai lần, và sẽ tiếp tục đọc lại thêm vài lần nữa cho đến khi bản thân có thể cảm nhận và thật sự thấm được nó, tôi biết mình sẽ không đủ khả năng và không thể nói gì về nó. Khi đứng trước một điều gì thật sự "Trọn vẹn", bạn biết mình sẽ chẳng nên làm gì thêm. 

Masanobu Fukuoka mất năm 2008. Ông viết cuốn sách này năm 1975, năm ông 62 tuổi. Cái tuổi đủ để mọi trải nghiệm, suy ngẫm lắng sâu và kết tinh. Chúng được ông chậm rãi trải ra qua từng chương sách một cách đơn giản, tự nhiên, trong sáng và sâu lắng. Thật đẹp đẽ.  

Nếu bạn muốn hiểu về bản chất và nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp tự nhiên; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết cơn lốc nông nghiệp hiện đại ngày này đã đi lạc xa đến mức nào và các nông dân khốn khổ của chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc đó ra sao; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt giữa chế độ ăn tự nhiên với những thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho sự phát triển khoẻ mạnh của con người và những chế độ ăn khiên cưỡng có hại do chạy theo các ham muốn hay hạn hẹp về nhân thức; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Nếu bạn muốn biết con người hiện đại đã xa rời tự nhiên, xa rời nguồn gốc của mình đến mức nào và sự hạn chế của khoa học; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm một cánh cửa mở ra cho bạn con đường giúp phân biệt giữa Thật và Ảo trong thế giới hiện tại; cuốn sách này có thể giúp bạn điều đó.

Khi tặng tôi cuốn sách này, cô bạn thân viết lời đề tặng: "Tặng bạn yêu quí một cuốn sách = một cách sống. Hy vọng bạn cũng yêu cụ Fukuoka như tớ nhé". :) Bạn tôi luôn có cách nhận diện mọi thứ trong cuộc sống thật rõ và sâu vào bản chất. Cuốn sách này không chỉ bàn về nông nghiệp tự nhiên. Nó là một cách sống. Tôi thật sự yêu và muốn sống theo cách đó, dù biết là cực khó khăn. Chẳng phải ai cũng có đủ định lực và may mắn để nhận ra Tánh Không của vạn vật năm 25 tuổi. Chẳng phải ai cũng có đủ sự rõ ràng, kiên định, nghị lực và khả năng để cô độc đi theo một con đường suốt chừng đó năm, đến khi nhắm mắt. Tôi sẽ làm những gì có thể, trong khả năng của mình.

Để thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích ra đây đoạn thư cuối của cụ Fukuoka gửi bạn đọc trong 2 trang cuối của cuốn sách. Tôi còn nhớ  buổi trưa hôm đó,  tôi đã lặng người đi, tim lỗi vài nhịp đập và ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ của cụ. Có một con người cô độc và lặng lẽ ngắm nhìn nhân gian như thế. Có một con người mạnh mẽ và thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời được trao như thế. Có một điều đẹp đẽ bình dị đã từng tồn tại trên thế giới này như thế.

"Bạn đọc thân mến,

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này. Nhiều năm trước đây, tôi nhân ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là tốt rồi, và thế là tôi chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời tôi đã trôi thêm được 50 năm. Tôi có được một số thành công, nhưng có cả những thất bại. Nhiều giấc mơ thời trẻ của tôi vẫn chưa thành. Tôi biết thời gian tôi còn được ở trên thế gian này là có hạn. 

 Giờ tôi đã nghỉ hưu. Sống trong một túp lều trên núi giữa vườn cam. Tôi đã đóng cửa nông trại, không đón khách thập phương nữa để trân trọng hơn thời gian mình còn lại. Điều tuyệt nhất của việc sống một cuộc đời nghỉ hưu trên núi, tách khỏi những tin tức về thế giới bên ngoài là ở chỗ tôi có được cảm nhận khác về thời gian. Tôi hy vọng rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ có thể trải nghiệm một ngày giống như một năm. Khi đó, giống như dân bộ lạc tôi gặp ở Somalia, tôi sẽ chẳng còn biết mình bao nhiêu tuổi nữa.

Những ngày này, tôi cố gắng mình tưởng tượng rằng mình đã một trăm tuổi, hoặc thậm chí 200 tuổi. Tôi hy vọng đến lúc qua đời, tâm trí và thân thể tôi vẫn còn ở tình trạng tốt. Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi vẫn thường tự nhủ mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là được vui vẻ làm việc trên nông trại của mình, nó chính là vườn Địa Đàng. Con đường làm nông tự nhiên sẽ vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hoà làm một với Thượng Đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình. 

"Đường lớn chẳng hề có cổng, tôi chẳng thấy cái nào
Yên bình trên Thiên Đường, chốn trần gian là tiếng thì thào
Ai đã khiến cơn gió đi hoang?
Sang bên trái, dạt qua bên phải
Hết thủ lại công
Chẳng biết đâu là tốt xấu
Chiếc quạt thổi hai phía, lóng ngóng như nhau
Độc bước trong vườn, tôi thấy một túp lều dựng tạm
Một ngày là cả trăm năm
Đám cải củ, cải cay bung nở
Năm hai nghìn rồi ánh trăng sẽ mờ
Đã tận lực chốn này, giờ ta bắt đầu phiêu du chốn mới
Chuyến du hành thoáng chốc, ai biết là tới đâu..."


Bây giờ, cụ đã phiêu du trên những chuyến du hành mới, chẳng biết chốn nào :) Chỉ còn một cách sống của cụ là vẫn còn ở lại, cho những người như tôi ngẫm và dõi theo.

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 7: 'Tâm nhất tánh cảnh'

(TNO) Theo ông Mansanobu Fukuoka, những kẻ sống an bình trong một thế giới không có những mâu thuẫn và phân biệt là đám trẻ nhỏ. Chúng cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Chúng hồn nhiên vui vẻ cho tới khi… đi nhà trẻ. Ở đó chúng bị buộc phải tuân theo những chuẩn mực của người lớn, người lớn dạy cho chúng phải yêu cái này phải ghét cái kia, chúng phải theo cái mà người lớn bảo theo, tránh cái mà người lớn bảo tránh. “Kể từ thời điểm bước chân vào nhà trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu”, ông Fukuoka viết.
Các nhà giáo dục, các bậc làm cha mẹ và những người lớn nói chung chớ vội “ném đá” vào câu nói đó của ông Fukuoka. Hai ngàn năm trước, ông Trang Tử cũng đã bảo phải “tuyệt thánh khí trí” (đoạn tuyệt với thánh nhân, bỏ tri thức) thì thiên hạ mới thái bình. Theo Trang Tử thì người dân vốn sống tự nhiên cùng ruộng vườn chim muông cây cỏ, “dệt mà mặc, cày mà ăn”, họ “ăn no vỗ bụng đi chơi”, sống với nhau hồn nhiên hòa ái mà không hề quan tâm đó là hồn nhiên hòa ái, chẳng biết quân tử là gì tiểu nhân là gì, chẳng biết nhân nghĩa lễ trí tín là gì. Đó là đạo đức tự nhiên thường hằng nên không ai nghĩ là đạo đức. Người ta gọi đó là xã hội hồng hoang mông muội, nhưng hồng hoang mông muội có gì là không tốt? Ông Trang Tử bảo chính những kẻ gọi là thánh nhân “cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa” mà thiên hạ sinh ngờ vực lẫn nhau, “lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ” mà con người cắt chia, mâu thuẫn. Muốn đề cao nhân nghĩa thì phải phế bỏ cái đạo đức tự nhiên thường hằng kia, đạo đức mà không phế thì lấy đâu ra nhân nghĩa mà đề cao? Muốn vinh danh quân tử thì phải dung túng tiểu nhân hoặc tạo ra hay quy kết bừa bãi người khác là tiểu nhân, không có tiểu nhân thì lấy đâu ra quân tử mà vinh danh?
Tất nhiên ông Fukuoka không bài bác tri thức, ông chỉ bài bác các thứ tri thức ngụy tạo, tri thức lấy bộ phận suy ra tổng thể, lấy hữu hạn áp đặt cho vô cùng. Trang Tử cũng nói, đời người có hạn mà cái biết thì vô bờ, lấy cái có hạn đuổi theo cái vô bờ thì nguy, đã biết nguy mà còn đuổi theo thì nguy hơn(*). Những thứ tri thức đó khi bị dính mắc trong đầu óc thì biến thành thiên kiến, Đức Phật gọi là sự mê chấp. Mê chấp sinh ra tham sân si, là gốc rễ của phiền não.
Khi viết về Lục tổ thiền tông Huệ Năng, Hòa thượng Thích Trí Quang đã phân tích một cách dễ hiểu sự “Biết” (tri thức) của con người. Ông bảo Thiền tông phân sự “Biết” theo hai cấp độ: đệ nhất phong đầu (nghĩa là ngọn núi thứ nhất) và đệ nhị phong đầu (ngọn núi thứ hai). Đệ nhất phong đầu là tự tánh, tức là sự vật-hiện tượng được biết đúng như chân tướng của nó, còn đệ nhị phong đầu là sự vật-hiện tượng được biết nhưng có thêm bớt, nối đuôi hoặc cắt cụt do yêu ghét, do bị chi phối bởi những thiên kiến trong đầu óc con người.
Nghe qua thì đơn giản, vì lẽ ra khi nhìn sự vật đầu tiên phải là đệ nhất phong đầu, sau đó mới biến dạng thành đệ nhị phong đầu mới phải chứ. Nhưng khốn nổi con người càng lớn lên thì đầu óc tâm trí càng bị bồi đắp biết bao nhiêu thiên kiến, đó là những tri thức được dạy dỗ, những yêu ghét chất chồng, những thị phi được tích lũy, tất cả những cái đó khiến cho con người khi nhìn ngọn núi thứ nhất lập tức nó biến thành ngọn núi thứ hai.
Mục đích của Thiền là “tâm nhất tánh cảnh”, nghĩa là đồng nhất đối tượng được biết với bản thân đối tượng, là nhìn cho ra ngọn núi thứ nhất. “Kiến tánh thành Phật”, và kiến tánh chẳng qua là đưa cái biết về ngọn núi thứ nhất mà thôi. Đơn giản như vậy nhưng nhân loại đã có không biết bao nhiêu tỉ lượt người tu hành thiền định nhưng cuối cùng cũng có mấy ai đạt được cảnh giới “tâm nhất tánh cảnh”, có mấy ai nhìn ra được ngọn núi thứ nhất đâu.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể nói ông Fukuoka mấy chục năm đã hành thiền trong nông nghiệp. Đọc sách của ông, ta có thể hiểu thêm những gì mà Lục tổ Huệ Năng viết trong Pháp bảo đàn kinh. Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, ấy là khi mọi chúng sanh con nào trở về với vị trí khiêm nhường của con ấy. Con ếch yên phận ếch đó chính là Phật, ếch mà muốn làm bò ắt sẽ trở thành ma.
Cách làm, cách ăn ở của ông Fukuoka gợi ra một con đường hoàn nguyên của loài người, con đường đó có thể giúp ta “kiến tánh” nhìn ra ngọn núi thứ nhất. Nhưng nếu bạn không trở về với tự nhiên, trở về theo cách riêng của bạn, thì cuốn sách của ông Fukuoa cũng chỉ là một thứ hý luận mà thôi.
Để kết thúc loạt bài “hý luận” này, mời bạn xem một đoạn video “Cuộc sống vốn dễ dàng” được TEDvn.com dịch và đăng tải trên YouTube(**). Đây là câu chuyện của anh nông dân người Thái Jon Jandai đã bỏ thành phố về quê chọn một cuộc sống dễ dàng, vui vẻ và hạnh phúc. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý một cuộc sống như vậy, nhưng đó cũng là một trong những cách hướng tới “tâm nhất tánh cảnh” để hoàn nguyên con người, dù anh nông dân này không nói gì về thiền.
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

(*) "Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ ! Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ !” (Trang Tử - Nam Hoa Kinh)

(**) Xem theo đường link : https://www.youtube.com/watch?v=tX3pVaIUWvg

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực

(TNO) “Từ đầu mùa xuân, khi bảy loại thảo dược nảy mầm lên từ đất, người nông dân có thể thưởng thức được bảy vị. Đi cùng với những thức này là vị ngon lành của ốc trong ao, trai biển và loài nhuyễn thể...".

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 1Bàn ăn ở Nhật thường gồm nhiều tầng khác nhau tượng trưng cho núi, cây cối, sông…
(Ảnh được chụp từ nhà hàng Sushi Dining Aoi) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Mùa lá xanh đến vào tháng ba. Cây đuôi ngựa, dương xỉ diều hâu, cây ngải, cây vi, cùng các loại cây mọc trên núi khác, và tất nhiên những chiếc lá non của cây hồng vàng, cây đào, cùng với đọt non của các loại khoai núi, tất cả chúng đều ăn được. Sở hữu vị thanh nhẹ, chúng làm nên những món xào ngon miệng và cũng có thể được dùng để làm gia vị. Ở bờ biển thì những loại rau biển như tảo bẹ, rong đỏ và rong đá thật ngon lành và có nhiều trong suốt mùa xuân.
Khi những cây tre nhú những búp măng lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc cá tuyết đá xám, cá tráp biển và cá lợn vằn đang ở thời điểm ăn ngon nhất. Mùa hoa iris nở được ăn mừng với sashimi cá hố và cá thu. Đậu xanh, đậu tuyết, đậu lima và đậu gà lột vỏ ăn luôn hoặc đem nấu với ngũ cốc toàn phần như gạo lứt, mì lứt hay mạch lứt đều ngon cả.
Tới cuối mùa mưa, mơ Nhật được đem muối, còn dâu tây và mâm xôi có thể đi nhặt được rất nhiều. Vào lúc này, thật tự nhiên là cơ thể bắt đầu thèm vị mát của hành tăm cùng những loại trái cây mọng nước như sơn trà Nhật, mơ và đào…
Dưới cái nắng chói chang giữa hè, ăn dưa và liếm mật dưới bóng râm của một cái cây lớn là trò tiêu khiển được ưa thích. Rất nhiều những cây rau mùa hè như cà rốt, rau chân vịt, củ cải và dưa chuột đã lớn và sẵn sàng cho thu hái. Cơ thể cần tới rau hay dầu mè để tránh sự uể oải, lừ đừ vào mùa hè.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 2Lễ hội Obon, Nhật Bản - Ảnh: T.L
Nếu gọi đó là điều huyền bí, thì đúng là huyền bí thật, khi mà ngũ cốc mùa đông được thu hoạch vào mùa xuân lại hợp đến thế với sự chán ăn vào mùa hè, và vì thế trong mùa hè, các loại mì sợi vắt từ hạt đại mạch với đủ kích thước và hình dạng lại được chế biến thường xuyên. Hạt kiều mạch thì được thu hoạch trong hè. Đấy là một loại cây hoang từ cổ xưa và là một loại thực phẩm thích hợp với mùa này.
Đầu thu là khoảng thời gian thật vui sướng, với đậu nành và đậu đỏ hạt nhỏ, nhiều loại trái cây, rau, cùng với nhiều loại ngũ cốc màu vàng đều chín cùng một lúc. Bánh kê được thưởng thức vào các ngày hội ngắm trăng thu. Đậu nành luộc sơ được bày ra cùng với khoai sọ. Vào khoảng cuối mùa thu, ngô và gạo được hấp lên với đậu đỏ, nấm hương, hoặc hạt dẻ… Quan trọng hơn cả là hạt thóc đã hấp thụ ánh nắng mặt trời suốt cả mùa hè và chín vào mùa thu. Điều này có nghĩa đây là loại thức ăn chủ đạo có thể tích trữ nhiều, nó giàu năng lượng, thích hợp cho những tháng mùa đông lạnh giá.
Khi băng giá bắt đầu xuất hiện, người ta cảm thấy muốn ghé qua chỗ lò nướng cá. Cá mình xanh sống ở vùng nước sâu như cá đuôi vàng hay cá ngừ có thể bắt được trong mùa này. Thật thú vị là củ cải Nhật và những loại rau ăn lá có nhiều trong mùa lại thích hợp với những loại cá này đến vậy.
Việc nấu nướng trong ngày lễ mừng năm mới được chuẩn bị phần lớn từ những thực phẩm đã được muối chua hay ướp mặn từ trước đặc biệt để dành cho ngày lễ lớn. Việc cá hồi muối, trứng cá trích, cá tráp đỏ, tôm hùm, tảo bẹ và đậu đen được bày lên bàn tiệc mỗi năm đã diễn ra trong nhiều thế kỷ rồi”.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 3Sushi, món ăn truyền thống của người Nhật - Ảnh: T.L
Trên đây là trích đoạn ông Fukuoka viết về cái ăn theo mùa của người nông dân Nhật. Thiên nhiên thật là kỳ thú và sự kỳ thú của việc sống thuận với thiên nhiên là ở chỗ nhiều sản vật chỉ có trong mùa này mà không có trong mùa khác, chúng đáp ứng khẩu vị và nhu cầu cơ thể thay đổi theo mùa của con người. Trong mỗi mùa, món này sẽ được thăng hoa khi kết hợp với món kia. Món sinh ra trong mùa hè chỉ ngon trong mùa hè, nếu bắt nó mọc vào mùa đông thì nó sẽ không còn ngon nữa. Một lần ông Fukuoka nghe một viên chức kỹ thuật Bộ Nông nghiệp kể rằng rau quả trồng tại các nhà kính (làm trái vụ) ăn chẳng có mùi vị gì, cà thì không có tí vitamine nào còn dưa chuột thì không có hương vị, ông ta đã nghiên cứu và phát hiện ra nguyên do: một lượng ánh nắng mặt trời nhất định không thể xuyên qua được lớp bao phủ bằng nhựa và lớp kính mà rau quả được trồng trong đó. Và cuộc nghiên cứu chuyển sang hệ thống chiếu sáng ở bên trong nhà kính, người ta nghĩ rằng rau quả sẽ có vitamine nếu giải quyết được hệ thống chiếu sáng. Ông Fukuoka bảo có một số nhà khoa học dành cả đời mình cho những nghiên cứu kiểu như vậy, trong khi vấn đề đơn giản là con người đâu có cần thiết phải ăn cà và dưa chuột trong mùa đông.
Bạn chẳng thể biết một món ăn nào đó có vị gì cho tới khi bạn ăn thử nó, nhưng theo ông Fukuoka, ngay cả ăn thử nó thì hương vị của nó cũng có thể biến thiên, tùy thuộc vào thời điểm, vào trạng huống và thiên hướng của người ăn. Một người sống thuận với tự nhiên sẽ ăn theo bản năng và sẽ thấy ngon miệng, bổ dưỡng và khỏe mạnh. Phương pháp chế biến thức ăn tốt nhất là bảo toàn được hương vị tự nhiên của nó, do đó không nên dùng những kỹ thuật cầu kỳ, “người ta cố gắng làm ra bánh mì ngon, và thế là bánh mì ngon biến mất”.
Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những món ngon, theo mùa, theo đặc điểm khẩu vị của từng chủng tộc. Văn hóa nói chung, nhất là văn hóa ẩm thực, bao giờ cũng bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nó định hình và trao truyền qua từng thế hệ. Học nấu ăn tốt nhất là học cách nấu ăn của ông bà chúng ta ngày trước.
Ông Fukuoka nói về văn hóa ăn của người Nhật, nhưng tôi chắc bạn sẽ mường tượng ra những món thơm ngon giản dị của đồng quê Việt Nam và có lẽ bạn đang thèm được ăn chúng. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 
Đọc “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm” của Mansanobu Fukuoka

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ

(TNO) Ta thường nghe nói 'toàn dân được chăm sóc y tế' như là một tiến bộ xã hội, là thành tựu của văn minh. Ít ai nghĩ đó là sự bất bình thường đáng buồn của nhân loại với tư cách là một loài sinh vật. Trong tự nhiên các loài sinh vật đều khỏe mạnh, không có loài sinh vật nào bệnh hoạn như loài người.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ 1Ảnh 1
“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất”, ông Fukuoka viết. Trong sự xa rời tự nhiên đó, có sự xa rời về ăn uống.
Con người dùng quá nhiều tri thức cho việc ăn uống, nhưng càng dùng tri thức bao nhiêu thì chúng ta càng ăn uống trái với tự nhiên bấy nhiêu. Các bậc làm cha mẹ được hướng dẫn bởi khoa học về dinh dưỡng, hậu quả là phần lớn các đứa trẻ coi việc ăn là một khổ ải. Để nhồi nhét thức ăn “bổ dưỡng” vào bụng, chúng phải được dỗ dành, được “mua chuộc”, bị đe dọa, trong khi việc ăn vốn là niềm khoái lạc của con người.
Ngày càng có nhiều người cảm thấy sự bất ổn của chế độ ăn uống theo khoa học, dẫn đến việc xuất hiện khuynh hướng ăn uống tiết chế theo những nguyên tắc tâm linh, chẳng hạn như việc vận dụng thuyết âm dương ngũ hành, ăn một cách tiết chế và có ý thức một số thực phẩm được cho là tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Ông Fukuoka cho rằng nếu đi quá sâu vào những học thuyết này, như cần phải làm thế trong việc nghiên cứu y học phương Đông, người ta sẽ bước vào địa hạt khoa học, tức là phụ thuộc vào tri thức trong ăn uống, “khi cố nắm lấy ý nghĩa của tự nhiên với một tầm nhìn xa rộng, anh ta lại thất bại trong việc để ý tới những thứ nhỏ bé xảy ra ngay dưới chân mình”.
Tóm lại, theo ông Fukuoka dù ăn theo khoa học hay triết học đều trái với tự nhiên. Phải thoát khỏi hai hệ thống đó. “Ngay cả khi một người quay về núi sống một cuộc sống sơ khai, anh ta vẫn có thể thất bại trong việc chạm tới mục tiêu thực sự của mình. Nếu ta cố gắng một điều gì đó, những nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ giúp ta đạt được kết quả như mong muốn”, ông Fukuoka viết. Điều ông muốn nói là đừng ăn với cái đầu của mình, hãy ăn với bản năng của cơ thể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻẢnh 2
Ông Fukuoka vẽ ra hai bản sơ đồ kèm theo (ảnh 1 và 2), gọi là “Mạn-đà-la thức ăn tự nhiên”. Sơ đồ thứ nhất là những thức ăn dễ dàng có được nhất “ngay dưới chân ta”, sơ đồ thứ hai là những thức ăn có vào những tháng nào trong năm. Từ hai bản sơ đồ này ông nói rằng nguồn thức ăn được cung cấp trên bề mặt trái đất này gần như vô hạn. Nhưng đó là những thứ thức ăn tự nhiên của nước Nhật. Nhiều thứ không có ở Việt Nam ta và nước Nhật cũng không có nhiều thứ Việt Nam ta có. Cho nên bạn có thể xem cho biết và quên nó đi hoặc không cần xem nó. Ông Fukuoka cũng lưu ý, bạn nên nhìn vào các bản sơ đồ này một lần và hãy ném nó đi, vì nó không cần thiết. Những nông dân và ngư dân Nhật Bản, cả với người Việt chúng ta nữa, ngày xưa chẳng cần quan tâm đến những lập luận về thức ăn, họ trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà cửa hài hòa với thiên nhiên, thuận với bốn mùa, họ ăn những gì mà thiên nhiên ban cho họ hoặc họ làm ra và họ đã có một chế độ ăn tự nhiên hoàn hảo. Họ tự biết lúc nào thì nên ăn những gì. Theo ông Fukuoka, người nông dân chỉ ăn những thực phẩm hoang dại có thể thu hái tại chỗ hoặc tự trồng một cách tự nhiên thì tốt cho sức khỏe hơn là những thứ phải mất công tìm kiếm. Đối với các loại cá, cá ở đồng ruộng hoặc sông suối nước ngọt thì tốt cho cơ thể hơn là cá nước mặn; với cá biển thì cá nước nông gần bờ tốt hơn là cá xa bờ… Nói chung, những gì gần ta và dễ tìm kiếm là tốt nhất. Sự tốt lành bao giờ cũng nằm ở tầm tay, ở dưới chân chúng ta.
Quá trình đô thị hóa đã khiến cho con người ngày càng rời xa với thức ăn tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên cung ứng cho các đô thị, và ngay cả ở thôn quê, ngày càng vắng bóng. Đơn giản là từ lâu người nông dân đã không còn làm ra chúng để đem đi bán nữa. Hiện nay nếu có nơi nào làm được đem đi bán thì chưa chắc người ta đã tin, nhất là khi bán rẻ.
Những trải nghiệm của ông Fukuoka cho thấy, thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể được sản xuất với chi phí và công sức tối thiểu, bởi vậy chúng phải được bán với giá rẻ nhất. Và chính ông đã bán các sản phẩm của mình với giá rẻ hơn bất cứ sản phẩm nào khác. Có lần ông giao sản phẩm cho một cửa hàng thực phẩm tự nhiên, khi phát hiện vị thương gia ở đó đã bán chúng ra với giá cắt cổ, ông đã tức giận và lập tức ngưng giao hàng cho cửa hàng đó. Ông bảo nếu thực phẩm tự nhiên có giá cao, nghĩa là người thương gia đang thu lợi nhuận quá đáng và chúng sẽ trở thành thức ăn xa xỉ của người giàu…(còn tiếp)

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 4 : Tiến tới một nghề nông không-làm-gì-cả

(TNO) Suốt 30 năm làm nông nghiệp tự nhiên trong trang trại của mình, ông Fukuoka đã đi ngược lại những gì mà số đông vẫn làm cũng như trường lớp sách vở đang dạy dỗ.

Ông không đặt câu hỏi làm thế này thì tốt hay làm thế kia thì tốt hơn, mà đặt câu hỏi không làm thế này thì tốt hay không làm thế kia thì tốt hơn, để cuối cùng rút ra kết luận chẳng có mấy thao tác nông nghiệp là cần thiết. Và tốt nhất là không làm gì cả. Không-làm-gì-cả, được hiểu là buông bỏ tất cả những hành vi trái với tự nhiên.
Vậy sự bận bịu của người nông dân ở khắp nơi trên thế giới xuất phát từ đâu ? Chúng ta thường mặc định làm nông là công việc cực nhọc đầu tắt mặt tối, dù khoa học kỹ thuật có phát triển tới đâu thì làm nông cũng không phải là công việc nhẹ nhàng. Nhưng ngày xưa không như thế, ngày xưa làm nông vốn là niềm vui sống. Một lần khi lau chùi cái miếu thờ nhỏ trong làng, ông Fukuoka ngạc nhiên thấy vài tấm bảng treo trên tường, khi chùi đi lớp bụi ông phát hiện hàng tá những bài thơ haiku. Đó là những bài thơ do dân làng sáng tác để dâng lên thần linh như một lễ vật, điều đó chứng tỏ người nông dân ở đây đã từng có bao nhiêu là thời gian nhàn rỗi để vui chơi, để sáng tạo nghệ thuật.
Theo ông, gốc rễ của sự bận bịu là ở chỗ, sự tham lam hoặc nóng ruột của con người muốn có sản lượng cao hơn, nhanh hơn, nên đã dùng kỹ thuật để can thiệp vào đất đai và cây trồng, khiến cho tự nhiên bị xáo trộn, mất cân bằng. Người ta lại tiếp tục dùng kỹ thuật để khắc phục sự xáo trộn mất cân bằng đó và sự mất cân bằng trở nên trầm trọng thêm. Từ đó, đất đai và cây cối phụ thuộc vào những kỹ thuật đó. Ông Fukuoka bảo, chỉ một chồi cây mới mọc của một cái cây ăn trái bị cắt bằng một cái kéo thôi, điều đó có thể mang lại sự rối loạn không thể nào đảo ngược được. Rằng khi cây cối sinh trưởng theo đúng hình dáng tự nhiên, cành của chúng sẽ vươn ra so le từ thân chính và những cái lá sẽ nhận được ánh sáng mặt trời một cách đồng đều; nếu như sự tự thích nghi này bị phá vỡ, những cành cây sẽ xung đột với nhau, nằm đè lên nhau và trở nên rối rắm, những chiếc lá sẽ héo úa ở những nơi ánh mặt trời không lọt tới, côn trùng phá hoại sẽ được dịp phát triển. Và nếu như cái cây đó không được tiếp tục cắt tỉa thì vào năm sau sẽ xuất hiện nhiều cành héo hơn và cái cây sẽ dần tàn lụi.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 4 : Tiến tới một nghề nông không-làm-gì-cả - ảnh 2Một công ty Hàn Quốc đang khảo sát một số cây trái ở Đồng Nai, hướng tới việc hợp tác xuất khẩu - Ảnh: Lê Lâm 
Con người với sự can thiệp của mình vào tự nhiên, chắc chắn đã làm điều gì đó sai trái. Sự sai trái để lại một hậu quả bất lợi. Người ta khắc phục sự bất lợi đó bằng một hành vi can thiệp khác. Nếu sự can thiệp này khắc phục được sự bất lợi thì lập tức coi là một thành tựu, một tiến bộ. Nhưng sự can thiệp tiếp theo đó ngoài cái gọi là thành tựu cũng sẽ gây ra thêm một bất lợi nào đó. Lại tiếp tục can thiệp để khắc phục. Những bất lợi chồng chất lên nhau, những biện pháp can thiệp cũng chồng chất lên nhau, con người ngày càng trở nên bận rộn, còn tự nhiên thì không còn là tự nhiên nữa, cây cối đất đai biến dạng phải phụ thuộc vào sự chăm sóc nhân tạo của con người.
Ông Fukuoka cho rằng lập luận trên không chỉ áp dụng cho nghề nông mà còn cho những lĩnh vực khác của đời sống con người. Chẳng hạn như bác sĩ và thuốc men trở thành cần thiết khi người ta tạo ra một môi trường bệnh hoạn, trong khi môi trường sống tự nhiên của con người vốn không phải thế. Ông còn đi xa hơn, khi cho rằng việc dạy nhạc cho trẻ em cũng không cần thiết như việc cắt tỉa vườn cây, vì tai của đứa trẻ sẽ tự nắm bắt được âm nhạc, đó là tiếng róc rách của dòng suối, tiếng ộp oạp của cóc nhái ở bờ sông, tiếng rì rào của lá rừng…, tất cả những âm thanh tự nhiên ấy đều là âm nhạc đích thực. Nhưng khi đủ loại tiếng ồn nhiễu loạn của cuộc sống phi tự nhiên làm rối loạn tai nghe thì khả năng thưởng thức âm nhạc thuần khiết của đứa trẻ sẽ bị thoái hóa, nếu cứ tiếp tục như thế, đứa trẻ sẽ không thể nào nghe ra tiếng gọi của một con chim hay tiếng gió thổi như một bài ca được nữa. Đó là lý do tại sao việc học nhạc được nghĩ là có lợi cho sự phát triển của đứa trẻ. “Đứa trẻ được nuôi dạy với đôi tai thuần khiết, trong trẻo, có thể sẽ không chơi được những giai điệu thông thường trên violin hay piano, nhưng tôi không nghĩ điều này có liên quan gì tới khả năng nghe được âm nhạc đích thực hay khả năng ca hát. Chỉ khi trái tim đầy ắp giai điệu thì đứa trẻ mới được gọi là có thiên bẩm về âm nhạc”, ông viết.
Có thể nhiều người cảm thấy không quen khi ông Fukuoka bảo ông đặc biệt không thích từ “làm việc”. Ông cho rằng con người là động vật duy nhất phải làm việc và ông nghĩ đó là điều nực cười nhất trên thế gian này. Sẽ là tốt biết bao nhiêu khi sống một cuộc sống dễ dàng, thoải mái với nhiều thời gian rảnh rỗi để vui chơi hay làm những gì mình thích. Trong một cuộc sống như thế, lao động không phải là lao động như người ta thường nghĩ, mà đơn giản chỉ là làm những gì cần làm. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 


(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại

(TNO) Theo ông Masanobu Fukuoka, thực phẩm và thuốc men không phải là hai thứ khác nhau, chúng là mặt trước và mặt sau của một sản vật.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Đó là loại rau củ mọc hoang hoặc được trồng tự nhiên xen trong cỏ dại. Chúng không những có giá trị dinh dưỡng cao, có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Còn những thứ rau củ được nuôi dưỡng bằng chất hóa học thì có thể ăn được nhưng không thể dùng làm thuốc.
Ông bảo, nếu bạn nghĩ rau trái được trồng theo kỹ thuật hiện đại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Ông cho rằng những thứ rau trái này là sự pha trộn mọng nước của ni-tơ, phốt-pho, kali… với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà công nghiệp, ông nói ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích, thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hóc môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới dạng một quả trứng.
Trong khu vườn nhà ông, cây cỏ hoang dại mọc chung với cam quýt. Và dưa chuột, bí, đậu phộng, cà rốt, các loại cải, hành tỏi, khoai tây cùng bao nhiêu là thứ rau khác được trồng xen trong cỏ dại. Tất cả đều cùng nhau chung sống, không cây nào “ức hiếp” cây nào. Đó là khu vườn tiệm cận với tự nhiên (có thể gọi là bán hoang dã), ở đó ông không cày xới, không bón phân, không dùng bất cứ một thứ hóa chất nào. Rau củ ở đây có thứ tự mọc, có thứ được trồng và không ít thứ chỉ trồng một lần, ông không thu hoạch toàn bộ mà để lại mỗi thứ một ít, hạt của chúng rơi xuống hoặc mầm của chúng còn trong đất sẽ tiếp tục mọc lên, tồn tại và sinh sôi năm này qua năm khác. Bất cứ nơi nào có cỏ dại, ở đó đều có thể trồng rau củ.
Vấn đề là vườn nào có thể trồng loại rau củ nào và vào thời điểm nào thì thích hợp, vì từng loại không chỉ tương quan với thời tiết mà còn tương quan với sự sinh trưởng và héo tàn của cỏ dại. Chẳng hạn trong khu vườn của ông, với các loại rau vụ xuân, thời điểm gieo trồng tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm. Đối với vụ thu, hạt giống phải gieo khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất hiện. Thường thì khi trời mưa xuống, ông cắt vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên, không cần phải phủ đất mà chỉ cần lấy lớp cỏ vừa cắt phủ lên là đủ, để che nắng và tránh bọn gà, chim khỏi ăn. Nơi nào cỏ mỏng chỉ cắt một lần, nơi nào cỏ dày có thể cắt vài lần, sao cho mầm cây mọc lên trước cỏ dại là được. Hạt giống được gieo xuống có khả năng sẽ bị lũ gà, chim chóc và côn trùng “xơi tái”, ông đối phó chúng bằng cách không gieo hạt theo hàng hay rảnh mà rải mỗi nơi một ít, tất nhiên chúng cũng sẽ ăn nhưng không đáng kể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể thấy đó là bài học ông Fukuoka học được từ thiên nhiên. Bất cứ một mảnh đất nào, dù khô cằn đến mấy, nếu kiên trì bảo vệ từng cái cây ngọn cỏ, theo thời gian tự nó sẽ trở thành một mảnh đất tươi tốt. Khi thảm thực vật được bao phủ, hệ sinh vật sẽ sinh sôi trong đất, giun dế sẽ làm nhiệm vụ khơi thông cày xới, xác thực vật và xác côn trùng cùng với chất thải từ động vật sẽ làm cho đất đai màu mỡ. Hãn hữu lắm mới dùng một ít phân gia súc gia cầm, nhưng nói chung là không cần thiết. Khi khu vườn được tái lập gần với tự nhiên, hệ sinh vật tự nó sẽ cân bằng, côn trùng sẽ chế ước lẫn nhau, vì vậy không phát sinh vấn đề sâu bệnh. Những sản vật được tạo ra từ khu vườn gần với tự nhiên như vậy là rất phong phú và đa dạng, có thể nuôi sống được nhiều người hơn là khu vườn được canh tác theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Rau củ quả trồng trên nền đất tự nhiên giàu chất hữu cơ, chúng sẽ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Và sự tương tác với cây cỏ hoang dại sẽ khiến cho rau củ quả được hấp thụ một lượng đa chất và vi chất dinh dưỡng phong phú, khiến cho chúng có thêm những hương vị tinh tế.
Ông lưu ý, trong những khu vườn tự nhiên đó, nếu như ta cố tình dùng các kỹ thuật tiên tiến hoặc nỗ lực để tạo ra sản lượng lớn hơn, những nỗ lực đó sẽ kết thúc trong thất bại. Và trong hầu hết các trường hợp, thất bại sẽ có nguyên nhân từ sâu bệnh.
Mục tiêu mà ông Fukuoka hướng tới trong khu vườn của mình là có được những rau củ quả càng gần với tổ tiên nguyên sơ của chúng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bởi vì chỉ riêng việc “trồng” chúng, có vẻ là trái với tự nhiên rồi. Và theo cách hiểu đó thì việc con người sử dụng muối và lửa trong nấu nướng có thể bị chỉ trích như là bước đi đầu tiên của sự chia cắt con người ra khỏi tự nhiên. Nhưng theo ông, việc dùng muối và lửa từ cổ xưa nên được thừa nhận là trí khôn trời ban, là trí tuệ tự nhiên. Và những cây trồng đã tiến hóa hàng ngàn hàng vạn năm cùng với con người cũng cần được coi là thực phẩm tự nhiên. Chỉ những giống loài bị can thiệp tức thời và không được tiến hóa dưới những điều kiện tự nhiên, cũng như tôm cá hay gia súc gia cầm sản xuất hàng loạt bằng công nghiệp, là nằm ngoài danh mục thức ăn tự nhiên (còn tiếp).
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính

(TNO) Trong Lời giới thiệu cuốn sách, chúng tôi có lưu ý bạn đọc không nên phản biện hay tin theo những gì ông Fukuoka đã viết.
Không nên phản biện, bởi vì tác giả đã “lùi” vào vị trí không thể dùng tri thức để tranh cãi.
Không nên tin, bởi vì tác giả không có ý định thu thập tín đồ. Tác giả hiểu rõ, đầu óc mà bị chi phối bởi các tín điều thì không bao giờ có thể thấu hiểu được tự nhiên. Một khu vườn ở Nhật không giống một khu vườn ở Việt Nam, ngay cả cùng một khu vườn ở Nhật hay ở Việt Nam vào mùa xuân cũng không giống vào mùa hè và cùng một mùa xuân nhưng năm này không hẳn là giống như mùa xuân năm trước. Tác giả chỉ giúp bạn được một chút xíu là vén bức màn để bạn có thể nhìn vào cái vườn đám ruộng của chính bạn và tự ứng xử với nó theo cách của bạn.
Một số bạn đọc là trí thức có thể sẽ bị shock khi đọc những dòng ông Fukuoka nói về sự bất cập của khoa học. Ông viết: “Các nhà khoa học sung sướng ăn mừng khi những viên đá được mang về từ mặt trăng chẳng hiểu được mặt trăng bằng những đứa trẻ hát nghêu ngao ‘trăng bao nhiêu tuổi trăng già…’. Basho (*) có thể thấu được sự kỳ diệu của tự nhiên bằng việc ngắm ánh trăng tròn phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng. Còn tất cả những gì các khoa học gia làm được khi đi vào không gian và chập chững đôi giày đi ngoài không gian của mình là làm mờ đi chút xíu vẻ tráng lệ của mặt trăng trước hàng triệu tình nhân và trẻ con trên trái đất”.
Theo ông, mọi nỗ lực của khoa học, bất kể là nghiên cứu được tự nhiên bao nhiêu và bao xa, cuối cùng cũng không thể biết được tự nhiên như thế nào mà chỉ có thể biết tự nhiên kỳ vĩ và bí ẩn như thế nào mà thôi.
Nhưng nói rằng ông bài bác khoa học thì không đúng. Ông chỉ bài bác ảo tưởng dùng khoa học để làm thay cho tự nhiên. Có lẽ các nhà khoa học nếu muốn nghiên cứu điều gì thì cứ việc nghiên cứu, nhưng nghiên cứu để tạo ra những thứ có vẻ giống tự nhiên rồi đánh lừa bản thân mình và đánh lừa người khác rằng đó là sản phẩm tự nhiên thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính - ảnh 2Mỗi chủng tộc có những thứ thức ăn đặc thù được mọc lên hoặc sinh ra từ vùng đất mà chủng tộc đó sinh sống - Trong ảnh: Đi hái bông súng mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Công Hân) 
Tạo hóa sinh ra con người (cũng như muôn loài), tạo hóa cũng tạo đủ điều kiện cho con người tồn tại, trong đó có thức ăn. Thức ăn là một trong những nguồn sống của con người và nó vốn là sản vật tự nhiên. Thành phần của mỗi thứ thức ăn từ tự nhiên không đơn giản là những thứ mà khoa học phân tích như tinh bột, chất béo, vitamine, khoáng chất và những thứ đại loại như vậy. Mỗi loại thức ăn mà tạo hóa ban cho con người đều chứa vô số những điều huyền bí. Mỗi chủng tộc có những thứ thức ăn đặc thù được mọc lên hoặc sinh ra từ vùng đất mà chủng tộc đó sinh sống. Và mùa nào thức ấy, mùa xuân có những món của mùa xuân, mùa đông có những món của mùa đông. Thức ăn chính của người Việt ta là lúa gạo cùng với rau củ và động vật bản địa, thức ăn đó phù hợp với đặc điểm sinh học của người Việt, nếu ăn khác đi ắt sẽ có vấn đề về sức khỏe - những vấn đề không phải bao giờ cũng có thể nhìn thấy.
Ông Fukuoka bảo thức ăn là sự sống, và sự sống không thể xa rời tự nhiên. Nhưng con người với nhận thức hạn hẹp của mình, đã tìm ra một số trong vô số các chất trong thức ăn tự nhiên và ngạo mạn nghĩ rằng mình cũng có thể tạo ra thứ thức ăn đủ những chất như tự nhiên, nếu cần thì bổ sung vào cơ thể những chất được cho là bị thiếu hụt, nếu ăn không thấy ngon thì dùng thêm gia vị nhân tạo để có thêm cảm giác. Khoa học dù có tiến bộ tới đâu cũng không thể tạo ra những thứ rau trái tốt hơn tự nhiên được. Những sản phẩm được nuôi trồng hoặc được tạo ra bởi khoa học tuy có thể thỏa mãn những nhu cầu trước mắt nhưng lại làm cho cơ thể con người suy yếu đi, khi ấy con người buộc phải dùng đến thuốc men để đối phó. Theo ông, thứ thực phẩm được nuôi trồng nhân tạo hoặc được tạo ra bởi những dưỡng chất khác xa với chế độ ăn truyền thống của phương Đông, và chính nó đang làm xói mòn sức khỏe của người dân Nhật Bản.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 2: Khoa học của sự tôn kính - ảnh 3
3
Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Khoa học của ông, nếu muốn gọi đó là khoa học, là tôn trọng tối đa tự nhiên, là không làm bất cứ điều gì trái với tự nhiên. Đó là thứ khoa học tôn vinh, kính ngưỡng sự bí ẩn diệu kỳ của tạo hóa. Đó còn là thứ khoa học phục vụ tự nhiên và không còn nghi ngờ gì nữa, con người được hưởng những lợi ích lớn lao từ chính sự phục vụ đó.
Với 30 năm trải nghiệm trên vườn ruộng, trên những thửa ruộng canh tác tự nhiên “4 không” của mình (không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng hóa chất diệt côn trùng và kiểm soát dịch bệnh), sản lượng đạt được trên một sào bằng ngang ngửa, thậm chí nhiều hơn, so với những thửa ruộng áp dụng khoa học nông nghiệp hiện đại trên cùng một diện tích nhưng với tổng chi phí chỉ bằng một phần mười. Với thành quả không thể chối cãi đó, ông tự hỏi lợi ích của khoa học và công nghệ hiện đại nằm ở đâu? Có thể nói đây chính là thành quả của thứ khoa học tôn kính đó.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Con đường hoàn nguyên của loài người - kỳ 1

(TNO) “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống. Lần đầu tiên cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành sẽ ra mắt nay mai. Thanh Niên Online xin lược thuật một số nội dung chính của cuốn sách.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 1 : Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng ViệtBìa cuốn sách
Kỳ 1 : Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 1 : Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng ViệtÔng Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu là thứ thuốc men hóa chất. Muôn loài dựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng nhau, chế ước nhau và loại bỏ những gì cần loại bỏ để duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất.
Con người dù tự cho mình là thứ gì đi chăng nữa thì trước hết cũng là một sinh vật, nếu tách rời khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên thì sẽ không tồn tại. Chúng ta vốn là như thế nhưng chúng ta không muốn nghĩ thế. Chúng ta nghĩ chúng ta đứng trên muôn loài, chúng ta phải chiếm hữu, chúng ta phải cải tạo, chúng ta phải bắt muôn loài phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Chúng ta được dạy dỗ để làm việc đó.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.
Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch”. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.
Các nhà nông học coi cách làm nông nghiệp của ông Fukuoka là phương pháp canh tác tự nhiên. Cứ tạm cho là như vậy, dù bản chất của nó không phải là một phương pháp. Phương pháp của ông là không có phương pháp nào cả, là buông bỏ, là vô vi, là tiến tới không làm gì hết. Nhưng để buông bỏ, để không làm gì hết là điều không hề dễ. Đó là sự phá chấp mà Đức Phật đã phải dùng đến Kinh Kim Cang, hàm ý là phải dùng đến một thứ rắn chắc như kim cương mới có thể tiêu diệt được sự chấp mê trong đầu óc con người.
Các nhà Phật học coi phương pháp canh tác của ông Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp, là sự ứng dụng Phật pháp trong nông nghiệp. Cũng cứ tạm coi như vậy, dù những ghi chép của ông Fukuoka không dính mắc với một “pháp” nào và bản thân Thiền vốn không dính mắc, dù là dính mắc với thiền, với chính sự yên tịnh.
Cho nên tốt nhất là đọc xong cuốn sách này, bạn hãy quên nó đi, khi ấy một đám mây mù như được vén lên và bạn sẽ nhìn thiên nhiên khác trước, bản thân mình cũng khác trước. Bạn sẽ thú vị thốt lên “À, thì ra là như vậy”. Nhưng nếu như bạn vẫn còn dính mắc với cuốn sách, dù là tin theo hay có ý định phản biện, đám mây mù kia sẽ lại phủ xuống.
Cuốn sách của ông Fukuoka được viết bằng tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt này được dịch từ bản dịch tiếng Anh. Do dịch từ một bản dịch trung gian nên sự sơ sót là khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi nghĩ nhóm dịch thuật đã hết sức cố gắng và đã chuyển tải một cách căn bản nội dung và cả những ẩn ngữ mà tác giả muốn gửi gắm. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 

(Đọc "Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Review "Cuộc cách mạng một cọng rơm" - sp

“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất” Masanobu Fukuoka _ Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

LÊN ĐẦU TRANG