Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

"Vì tương lai con em chúng ta" kiểu gì vậy?


Cập nhật : 02:44 | 06/06/2015


“Mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ”.
Mỗi khi than thở về những vấn đề như môi trường, tham nhũng, bầu cử, biểu tình, bất công..., mình luôn bị các bà mẹ (và cả các ông bố) phủ đầu, với lý lẽ là vì mình còn một mình, còn rảnh rỗi, thừa hơi nên mới lo chuyện linh tinh.
Lời khuyên luôn là khi mình có gia đình, con cái như các bạn/anh/chị ấy, mình sẽ thấy lo cho gia đình mình là quan trọng nhất. Đặc biệt như các chị, giờ chỉ mong yên ổn để tập trung kiếm tiền nuôi con, để lo cho tương lai của con cái là mệt lắm rồi, lấy đâu ra hơi sức để mà lo chuyện bao đồng nữa.
Nhưng mình lại thấy tất cả các vấn đề trên thực ra ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai con cái chúng ta.
con em, dạy con, nuôi con, làm mẹ
Bạn muốn tương lai như thế nào cho trẻ em ở Việt Nam? Ảnh minh họa
Hãy nhìn bản thân, nhìn xung quanh xem, có phải bạn đang chọn trồng cây rái, rau xanh tại nhà để tránh ăn bẩn. Chọn làm bình lọc trong nhà để không bị uống nước bẩn. Chọn bịt mặt bịt mũi ra đường để chống bụi. Chọn cho con học trường đắt tiền để con có tuổi thơ. Chọn đút lót cô giáo để con cái không bị trù dập.
Chọn đút tiền bác sĩ để họ làm đúng chức trách. Chọn chạy việc cho con. Chọn nai lưng ra đi làm thêm làm nếm để bù đắp lại tiền lương thiếu hợp lý. Chọn mua thêm bảo hiểm bên ngoài dù đã bị bắt buộc mua bảo hiểm của nhà nước. Chọn dạy con phải “khôn ngoan” khi ra đời, vì “xã hội đầy phức tạp”.
Thật ra, tại sao bạn không nghĩ tới việc tất cả cùng trồng cây sạch để công chức không phải đi làm cái việc của nông dân (điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu nhà chức trách phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, vì bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân là việc mà chúng ta đã phải trả thuế cho Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm).
Tại sao không nghĩ tới việc phải đấu tranh để có được nguồn nước sử dụng trong sạch (và đây chính là chuyện môi trường, vấn đề mà đáng lẽ Bộ Môi trường phải có trách nhiệm). Sao không nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan chuyên trách phải đảm bảo việc quy hoạch phù hợp, bảo vệ môi trường để đi ra ngoài đường nếu ta bịt mặt là vì sợ đen chứ không phải sợ bụi.
Sao không nghĩ đến việc đấu tranh để người làm công ăn lương có đồng lương xứng đáng, phù hợp hơn, để mỗi người có thể yên tâm lo cho cuộc sống với công việc chân chính của mình (nếu ai thích giàu có thì xin mời, cứ đi làm thêm, nhưng phải đi làm thêm để đủ mức sống tối thiểu là không phù hợp với định nghĩa của chữ tiền lương).
Có như vậy họa chăng mới hết hiện tượng giáo viên, bác sĩ, công chức nhũng nhiễu, vì nếu họ sống vui vẻ với đồng lương, bên cạnh cơ chế nghiêm minh, những hành vi nhũng nhiễu sẽ dẫn tới khả năng bị sa thải, cân nhắc thiệt hại sẽ khiến họ chọn làm tốt công việc của mình để giữ được chỗ.
Tựu trung, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không nghĩ tới việc đấu tranh để có một xã hội minh bạch, nơi ở đó pháp luật được coi trọng, và “xã hội phức tạp” được thay thế bằng việc “tôi không làm gì sai với luật pháp, tôi không sợ”?
Rõ ràng, những vấn đề tưởng đao to búa lớn ấy thực ra là các vấn đề thiết thân, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên lên cuộc sống của từng người hàng ngày.
Quay lại chuyện tương lai con cái. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc?
Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống? Bạn dạy con thật thà bằng việc đút tiền cho thầy cô, bác sĩ, cảnh sát giao thông và bao nhiêu dịch vụ công khác nữa?
Bạn dạy con chính trực với việc đi mua việc cho con? Bạn dạy con sáng tạo với việc răm rắp nghe theo những bất công, những điều vô lý đầy rẫy quanh bạn? Các bạn đang sống đầy khốn khổ, và các bạn lại chọn không làm gì, vậy dựa vào đâu mà các bạn hy vọng con cái mình sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc?
Mình cực kỳ hoang mang khi cân nhắc tới việc sinh con. Nhưng mình còn hoang mang hơn nữa khi nhìn thấy phản ứng của tầng lớp có học trong xã hội Việt Nam trước những bất công của xã hội.
Có con là mong ước chính đáng của mỗi người, và mình thực sự khâm phục sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam khi họ dám sinh con trong xã hội này, như thể họ chẳng thấy nó có vấn đề gì cả.
Chưa cần nói tới chuyện mong muốn con cái khi trưởng thành trở thành người “khiêm tốn - thật thà - dũng cảm”, mình sợ với môi trường độc hại ở Việt Nam - nơi mình đang bị đầu độc, và con mình sẽ bị đầu độc từ trong bụng đến khi ra đời - không biết mình có sống để nuôi được nó tới lúc trưởng thành hay không?
Hoặc giả, con mình có thể sống đến lúc trưởng thành để bắt đầu hành trình “tự diễn biến” sao cho “phù hợp” cái cái xã hội này không nữa? Mình không nhìn thấy bất cứ một tương lai tốt đẹp nào cho con cái mình, nếu mình cứ “kệ” như cách các bạn chọn.
Đấy, vì mình nghĩ thế, nên mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ.
(TheoHà LinhNhịp Cầu Thế Giới)

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

“Tại sao mẹ yêu cầu con đọc sách?” – Đây là câu trả lời hay nhất mà tôi từng nghe!

Bài này là ghi chép của bà Long Ứng Đài (nữ nhà văn nổi tiếng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan) về cuộc đối thoại với người con trai của mình khi cậu 21 tuổi.
Ngày đó mẹ hỏi con: “Tương lai con muốn làm nghề gì?” Mẹ đã để ý thấy con rất xem thường việc trả lời vấn đề này, cho nên đã nói hỗn với mẹ một trận. Là bởi vì ở thế hệ này của các con, thường quá tự tin về tương lai, cho nên cảm thấy không cần phải giống như thế hệ mẹ lúc còn trẻ, nghiên cứu một cách kỹ càng, cẩn thận, hay là kỳ thực, các con không tự tin với tương lai, cho nên mới cố tình giả bộ để tạo ra một thái độ giễu cợt và ngạo mạn, nhằm né tránh trả lời câu hỏi của mẹ?
Mẹ gần như muốn tin tưởng rằng con là làm bộ phóng khoáng, thanh niên của ngày hôm nay đối với tương lai, phóng khoáng được sao? Một đoạn phim nói về người thanh niên Pháp đứng trên đường mà la hét kháng nghị khiến cho toàn thế giới đều phải chấn động. Đây là thanh niên của thế kỷ 21 đang bị phiền não về những kế hoạch sinh nhai của bản thân, đang đấu tranh vật lộn.
Từ lúc mẹ 21 tuổi đến lúc con 21 tuổi, thì tỷ lệ người tự sát đã tăng cao 60%, con ra sức né tránh vấn đề của mẹ, là vì con 21 tuổi, con vẫn còn đang ngồi trên ghế trường đại học, cũng cảm nhận được áp lực của hiện thực rồi đúng không?
Người họa sĩ đã bắt đầu thất nghiệp từ lúc 18 tuổi
Con còn nhớ lúc chúng ta còn ở Đức đã gặp vị họa sĩ – Timothy không? Anh ta từ nhỏ đã yêu thích tranh, ở trong hệ thống giáo dục tự do, không để ý đến ganh đua hay xếp thứ hạng của nước Đức, anh ta lúc thì học ngoại ngữ để làm phiên dịch, lúc thì học làm thợ khóa, lúc thì lại học làm nghề mộc. Sau khi tốt nghiệp, không tìm được công việc, một năm trôi qua, hai năm trôi qua, rồi ba năm trôi qua, đến bây giờ, hẳn là đã bao nhiêu năm rồi? Mẹ cũng không nhớ rõ, nhưng, năm mà anh ta thất nghiệp chỉ mới có 18 tuổi, năm nay anh ta đã 41 tuổi rồi, vẫn thất nghiệp như thế và ở cùng với mẹ của anh ấy.
Lúc không có việc gì làm, anh ta ngồi ở cửa sổ sát đường, vẽ hươu cao cổ. Trong các tác phẩm của anh ta, cổ của hươu cao cổ thò ra từ đỉnh của xe buýt, xuyên qua sân bay, đi vào một rạp đang chiếu phim… nó mở đôi mắt to với lông mi dài, nhìn chằm chằm vào một đứa trẻ ngồi trên một chiếc xe ba bánh.
the-artist-at-work
Bởi vì không có việc làm, nên anh ta không thể kết hôn, đương nhiên cũng không có con. Trên thực tế, anh ta vẫn sống cuộc sống của một đứa trẻ. Thế nhưng mà, mẹ của anh ta đã sắp 80 tuổi rồi. Mẹ có lo lắng hay không nếu tương lai con cũng biến thành Timothy? Thành thực mà nói, đúng là mẹ cũng lo lắng!
Coi con thành “người khác” cũng không dễ dàng!
Mẹ nhớ có một đêm chúng ta đã nói chuyện với nhau trên sân thượng, con nói: “Mẹ ơi, mẹ phải biết rõ và chấp nhận sự thật rằng mẹ có một cậu con trai rất bình thường.” Con ngồi trong một chiếc ghế trên sân thượng, quay lưng về phía biển, tay châm một điếu thuốc, đó là lúc 3 giờ sáng.
Bạn bè mẹ nếu trông thấy con hút thuốc lá trước mặt mẹ, nhất định sẽ nhìn mẹ bằng một ánh mắt không thể tin nổi: “Cậu ta làm sao có thể hút thuốc trước mặt mẹ?”, “Làm sao mà bạn lại có thế để con trai hút thuốc trước mặt mình được?”
DDF98F2E5F6F486A8912ED3C00EABA75
Mẹ nghiêm túc nghĩ tới vấn đề này, mẹ không thích mọi người hút thuốc, bởi vì mẹ không thích mùi khói thuốc lá, lại càng không thích con trai mình hút thuốc, bởi vì hút thuốc có thể gây nên căn bệnh chết người là ung thư phổi cho con. Thế nhưng mà, con trai của mẹ đã 21 tuổi rồi, là một người trưởng thành có khả năng độc lập tự chủ. Là người trưởng thành, phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình, và cũng phải tự chịu hậu quả do sai lầm của bản thân mình gây ra, một khi đã tiếp nhận quy luật khách quan này rồi, con tự quyết định hút thuốc, mẹ làm sao có thể “không cho phép” con đây? Mẹ có quyền lực gì hay quyền uy gì để ước thúc con đây?
Mẹ nhìn con hút thuốc, chân kiễng lên, hút thuốc rồi nhả ra một làn khói đen như sương mù, tức giận chỉ muốn rút điếu thuốc từ trong miệng con ra và ném xuống biển. Thế nhưng mà, trong lòng mẹ lại tự nhủ:“Hãy nhớ kỹ, người đang ngồi trước mặt mình là một người trưởng thành, mình đối đãi với con cũng giống như đối đãi với những người trưởng thành khác trong thiên hạ, mình không thể rút điếu thuốc từ trong miệng của bạn bè mình hay của một người xa lạ mà ném đi được, vì vậy, mình không thể rút điếu thuốc trong miệng người đang ngồi ngay trước mặt mình mà ném đi được, con từ lâu đã không còn là đứa con bé nhỏ của mẹ nữa rồi, con là một “người khác” rồi!”
Sự trưởng thành của tuổi trẻ là một việc không hề dễ dàng, mọi người đều biết. Tuy muốn bao bọc con, che chở con, nhưng mẹ học được bài học lớn hơn “buông tay”, coi như con trở thành một “người khác”, nhưng cũng không hề dễ dàng!
Nếu như con sẵn lòng đi đánh răng cho hà mã
Mẹ nói: “Con bình thường chỗ nào, bình thường là có ý gì?”
Con nói: “Con cảm thấy, sự nghiệp trong tương lai của con nhất định là kém so với mẹ, cũng thua kém bố, cả bố và mẹ đều có học vị tiến sĩ”, nghe được câu này, mẹ có chút kinh ngạc.
“Con dường như cảm thấy con chắc chắn không thể có thành tựu như của bố, càng không thể có thành tựu như của mẹ, con có thể sẽ trở thành một người rất bình thường, có bằng cấp rất bình thường, có một nghề nghiệp rất bình thường, không có nhiều tiền, cũng không có danh tiếng, một người bình thường nhất”. (Con dập tắt điếu thuốc).
“Mẹ có thất vọng không?”
Hiện giờ mẹ đã quên lúc đó sao mẹ lại nói với con như thế, mẹ nói rằng mẹ sẽ không thất vọng, cho dù con làm gì thì mẹ cũng vui vẻ, bởi vì mẹ yêu con? Hay là không muốn tranh luận về triết lý “bình thường” với con, hay là rất chân thành mà thuyết phục rằng con không phải một người “bình thường” mà chỉ là con chưa tìm được chính xác bản thân mình?
1366040233002.cached
Mẹ không nhớ rõ nữa, nhưng mà hiện giờ mẹ có thể nói với con, nếu như con là một người “bình thường”, mẹ có thất vọng hay không?
Điều quan trọng nhất đối với mẹ, không phải là con có thành tựu hay không, mà là con có hạnh phúc hay không, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, loại công việc nào có thể ít nhiều đem lại cho con niềm hạnh phúc? Thứ nhất – nó cho con ý nghĩa, công việc đó không điều khiển con, không giam cầm con như tù binh, thứ hai – nó cho con thời gian, nó cho con trải nghiệm đầy đủ trong cuộc sống.
Tiền tài và danh tiếng, cái nào là nguyên tố chính của hạnh phúc đây? Giả như đặt hai lựa chọn trước mặt con, hoặc là đến phố wall làm quản lý ngân hàng hoặc là làm nhân viên chăm sóc sư tử hà mã trong vườn bách thú, mà con là một người yêu thích nghiên cứu động vật. Mẹ hoàn toàn không cho rằng làm quản lý ngân hàng là có thành tựu, hay là nhân viên chăm sóc sư tử hà mã là “bình thường”. Mỗi ngày vì tiền mà căng thẳng, mà phấn đấu rất có thể lại không bằng mỗi ngày tắm rửa cho voi hay đánh răng cho hà mã.
Khi làm công việc mà trong lòng con thấy có ý nghĩa, có giá trị, thì là con đã có cảm giác thành tựu. Khi công việc của con cho con thời gian, không lấy đi cuộc sống của con, là con đã có tôn nghiêm, cảm giác thành tựu và tôn nghiêm, cho con niềm hạnh phúc.

Mẹ sợ con trở thành người vẽ hươu cao cổ như Timothy, không phải vì anh ta không có tiền không có danh, mà là anh ta không tìm được ý nghĩa. Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi vì, mẹ muốn con có nhiều hơn nữa quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc chứ không phải là bị ép mưu sinh.

Nếu như chúng ta không phải so sánh danh, lợi với người khác, mà chỉ là vì tìm chỗ yên tĩnh thoải mái trong nội tâm bản thân mình, thì như vậy từ “bình thường” này cũng không có ý nghĩa lắm. “Bình thường” là so sánh với người khác, còn “nội tâm yên tĩnh thoải mái” là so sánh với chính mình. “Thiên sơn vạn thủy” đi đến cuối cùng, thì đối tượng mà chúng ta chịu trách nhiệm nhất vẫn là hai từ “chính mình”. Vì vậy, con đương nhiên không có lý do gì đi so sánh mình với người thế hệ trước, hay là phải sống giống với sự tưởng tượng về con của thế hệ đi trước.
Cũng giống như, hút thuốc hay không hút thuốc, bản thân con hãy tự quyết định đi nhé!
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Một bài viết về việc Học (tiêu đề tạm đặt) - FB Đăng Sang

Nhiều bạn may mắn nhìn thấy thời cuộc, nhưng lại tỏ ra chán nản, họ cho rằng thời thế bây giờ không chạy chọt thì không vào được chỗ làm tốt, rồi nền giáo dục thì tồi tệ, đạo đức xã hội thì băng hoại nên họ cũng buông xuôi, "Học để làm gì?" Họ nói vậy.

Tui cho đó là quan niệm sai lầm. Sai lầm cả về cách hiểu từ học, và cả về cách đối diện với sự thật.

Học, nhiều người thường nói là không có điểm dừng, không có khi nào gọi là đủ. Vậy thì sao bạn lại tự trói mình vào hệ thống giáo dục mà bạn biết là nó tệ? Tui thấy rất nhiều bạn tự trau dồi tiếng Anh, rồi du học, không đủ tiền thì kiếm học bổng. Người không có điều kiện thì tự bồi đắp cho mình một nghề nghiệp, chỉ mới vài năm thôi, tui biết một anh bạn, giờ là đầu bếp khá thành công dù lúc trước suốt ngày bỏ học đi hát rap, hip hop này kia.

Nhiều ông bố, bà mẹ cứ còng lưng cày cuốc, rồi khóc lóc vì sao mình hy sinh tất cả mà con cái không chịu học. Dễ hiểu thôi, con cái nhìn vào ba mẹ để bắt chước. Ba mẹ không lo học, thì chúng cũng bỏ học sớm. Sự học ở ba mẹ nó khác bọn trẻ. Không phải cứ cắm đầu làm trâu ngựa thì sẽ tốt, cũng không phải bỏ bê con cái rồi mài quần như mấy giáo sư tiến sĩ giấy.

Nếu bạn tự tìm tòi, học cách cải thiện, sáng tạo ra cách làm việc mới, chúng sẽ thấy, "À, ba mẹ mình thất học, nhưng họ vẫn kiên trì không ngừng tự học, họ cải thiện được đời sống!" Chúng sẽ tự có cách.

Đứng trước hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người chọn cách dấn thân, họ can đảm và rất bộc trực, thẳng thắn, nhưng cũng vì vậy mà họ gặp nhiều khó khăn, bị chính quyền trù dập, trả thù. Rất nhiều người thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tui trân trọng và luôn biết ơn họ, nhưng ngoài cách đó ra, chúng ta cũng rất cần các bạn trẻ lo học hành.

Các bạn cũng thấy đất nước mình tàn tạ ra sao, bị đảng cầm quyền bóc lột tận xương tủy ra sao, môi trường bị ô nhiễm ra sao, rừng cây bị chặt trụi và con người bị nô dịch ra sao, vậy các bạn cũng phải biết sự học của các bạn quan trọng đến nhường nào. Sau khi mọi thứ qua đi, chính các bạn là những người sẽ tái thiết lại đất nước, chính các bạn, không ai khác, sẽ phải gánh trên vai nhiều trọng trách xây dựng đất nước. Vậy, không học thì lấy đâu ra kiến thức mà làm?

Sức người không thể nào địch lại được thiên nhiên cả, nhất là một thiên nhiên đang cuồng nộ vì bị xâm phạm nghiêm trọng như ở Việt Nam. Chỉ có trí óc mới đủ sức. Các bạn học, không phải chỉ đơn thuần vì cái ăn cái mặt, hay vì danh dự dòng họ. Các bạn học, vì hàng ngàn tù nhân chính trị đang ngồi trong kia. Các bạn học, vì triệu triệu người dân đang đói khổ, hàng ngày họ bất chấp luân thường đạo lý, chỉ mong đem về chút cơm ăn áo mặc cho người thân họ.

Khi nhận thức được, nhìn thấy được mục tiêu, bạn sẽ không còn chán, không còn bị chi phối, không còn nản chí, mà ngược lại, càng nhìn thấy xã hội băng hoại, tồi tệ bao nhiêu, bạn lại càng có dũng khí để học thêm bấy nhiêu.

Còn nếu chỉ đơn thuần muốn có chức danh này nọ hay tước vị, hay ghế bộ trưởng chẳng hạn, thì không cần học, chỉ cần cúi xuống bò bốn chân là đủ.

11 lý do chứng minh nền giáo dục Phần Lan thực sự là "Less is More" - FB Đặng Sang

May 18, 2015 at 2:43pm

Đây là bài viết trên blog của .

---

Sau khi rời khỏi tiết toán của lớp 7 cho chương trình nghiên cứu Fullbright ở Phần Lan, tôi nghĩ mình có thể dạy lại tốt hơn, với nhiều cảm xúc hơn, hay hơn, bài giảng sinh động hơn. Tôi cho rằng mình có nhiều ý tưởng hay ho hơn cho bài giảng của mình, và có thể cải thiện nó bằng cách thêm vào nhiều kiến thức hơn, khiến học sinh suy nghĩ nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn và làm nhiều toán hơn.

Sự thôi thúc làm nhiều hơn và nhiều hơn nữa, là tình trạng chung của hầu hết giáo viên Mỹ, nó ăn sâu vào mỗi chúng ta rồi. Một áp lực cố hữu là thúc đẩy học sinh lên tầm cao mới, để chúng làm những thứ to lớn hơn, vĩ đại hơn. Bài học phải hứng thú hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa, và phải chứa đựng nhiều kiến thức hơn nữa. Hiện tượng này có thể do số liệu, do cha mẹ học sinh, hoặc do ban giám hiệu, hoặc đơn giản là do cái xã hội coi công việc là trên hết, gây ra. Cái xã hội đánh giá sự thành công của một con người bằng việc người đó bận rộn bao nhiêu hoặc tàn tạ bao nhiêu sau một ngày dài làm việc. Chúng ta đánh giá giá trị của mình bằng bảng danh sách chỉ thị được hoàn thành và nghiêm trọng hóa sự trì trệ. Chúng ta dạy tinh thần "làm chết mẹ mày luôn" cho bọn học sinh, mà có thể một lúc nào đó, chúng sẽ kệ mẹ mọi thứ ra sao thì ra, hoặc trở thành thân tàn ma dại như chính chúng ta.

Khi tôi tới Phần Lan, tôi không tìm thấy một buổi học toán sôi động nào với những ý tưởng to lớn hào nhoáng. Tôi không tìm thấy những học sinh xuất sắc hay biết quá nhiều so với độ tuổi. Thực tế, nội dung toán trung học ở đây tương đương với những gì tôi biết ở Indiana. Và hầu hết mọi rắc rối, ví dụ như học sinh không nhớ những kiến thức căn bản, là y hệt. Phương pháp giảng dạy và cấu trúc một tiết học toán ở Phần Lan tuân theo một công thức đã được làm hàng thập kỷ: Giáo viên kiểm tra bài tập về nhà, giảng bài mới (có đứa nghe, có đứa không, he he,) và họ giao bài tập về nhà. Ngoại trừ một số bài giảng khá hay mà tôi thấy được từ vài giáo viên tuyệt vời ra, thì nhìn chung giờ học toán của giáo viên Mỹ hứng thú hơn và sinh động hơn. Hiếm có buổi giảng nào ở đây có thể tốt hơn, thậm chí một vài buổi còn tệ hơn nhiều.

Vậy điểm khác nhau là gì? Nếu phương pháp giảng dạy là như nhau, đôi khi còn tệ hơn ở Mỹ? Tại sao học sinh Phần Lan lúc nào cũng thành công trong khi học sinh chúng ta lại thất bại? Lý do không nằm ở phương pháp giảng dạy. Dạy tốt là dạy tốt, dạy dở là dạy dở, ở Phần Lan cũng có mà ở Mỹ cũng có. Điểm khác nhau là bớt màu mè và thêm căn bản. Phần Lan thực sự tin vào "Less is More." Đó chính là câu thần chú của quốc gia này, nó ăn sâu vào tư duy của người Phần Lan và định hướng cho triết lý giáo dục của họ.

Less is More. (Cái này không dịch và không nên dịch, vì tiếng Việt không diễn tả hết được.)

Họ tin như thế. Họ sống như thế. Nhà của họ không bao giờ quá to so với những gì họ cần để cảm thấy sống thoải mái. Họ không mua sắm hay tiêu thụ quá mức. Họ sống đơn giản và khiêm tốn. Họ cảm thấy không cần phải có tới hơn 300 món ăn sáng để lựa chọn khi mà họ chỉ cần 10 là đủ. Phụ nữ trang điểm nhẹ nhàng. Đàn ông không đua đòi xe lớn (có người không có xe luôn, thật đó.) Thay vì mua hàng trăm món quần áo rẻ tiền, người Phần mua vài cái đắt tiền nhưng chất lượng cao, xài tốt hàng thập kỷ hơn là vài tháng thay một lần. Họ thực sự tin và sống với tinh thần less is more.

Ngược lại ở Mỹ, chúng ta tin rằng "more is more" và chúng ta thực sự mong muốn và theo đuổi nhiều hơn ở mọi nơi. Chúng ta bị ám ảnh bởi những gì mới, bóng loáng và hào hứng, và lúc nào cũng muốn nâng cấp đời sống của mình. Có mới nới cũ ngay! Niềm tin "more is more" len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống chúng ta, nó cản trở và tàn phá hệ thống giáo dục của chúng ta.

Chúng ta không theo đuổi một triết lý giáo dục đủ lâu để thấy nó có hoạt động hiệu quả hay không. Chúng ta liên tục đổi mới phương pháp, ý tưởng và sáng kiến. Chúng ta cứ thêm vào thêm vào mà không bao giờ chịu bỏ đi những ý tưởng cũ. Ngay cả hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục tin rằng "more" chính là câu trả lời cho tất cả những khó khăn - mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng nhiều lớp hơn, ngày học dài hơn, nhiều bài tập hơn, nhiều phân công hơn, nhiều áp lực hơn, nhiều nội dung hơn, họp hành nhiều hơn, học thêm nhiều hơn, và chắc chắn là, kiểm tra, thi cử nhiều hơn. Tất cả những cái nhiều hơn này vắt kiệt sức giáo viên, làm học sinh căng thẳng hơn và tình hình ngày càng vô vọng hơn.

Phần Lan ngược lại tin rằng ít hơn là nhiều hơn. Điều này được minh chứng bởi nhiều lý do, từ cả giáo viên lẫn học sinh.

1/ Ít trường chính quy - Nhiều lựa chọn
Bọn trẻ ở đây bắt đầu đi học lúc 7 tuổi. Đúng vậy, bảy tuổi! Phần Lan cho phép trẻ em được làm trẻ em, học thông qua chơi và khám phá thay vì bắt nhốt ngồi trong phòng. Nhưng chúng có bị tụt hậu không? Không! Bọn trẻ bắt đầu đi học khi chúng thực sự phát triển sẵn sàng cho việc học và tập trung. Sau năm đầu đó, chúng học thêm 9 năm bắt buộc nữa. Sau 9 năm đó, là lúc bọn chúng 16 tuổi, mọi thứ là tự chọn, và chúng có thể theo một trong 3 hướng sau:

- Upper Secondary School - Trung học phổ thông (Cái này tạm dịch cho mấy bạn ở VN hiểu): 3 năm trung học này chuẩn bị kiến thức để chúng có thể vào đại học. Học sinh thường chọn trường chúng thích dựa theo điểm đặc biệt của trường đó. Tôi nghĩ đây là dạng trộn lẫn của trung học và cao đẳng. Những năm gần đây có khoảng 40% chọn hướng này.

- Vocational Education - Trung học nghề (Cái này tạm dịch cho mấy bạn ở VN hiểu): chương trình 3 năm đào tạo cho học sinh nhiều nghề khác nhau, nhưng cũng cho phép chúng kiến thức cơ bản để có thể thi vào đại học nếu muốn. Mặc dù vậy, học sinh chọn hướng này thường học tiếp nghề, hoặc ra đi làm, hoặc thi lên các trường cao đẳng kỹ thuật, đại học nghề. Gần 60% chọn hướng này.

- Nghỉ học ra đi làm. Có khoảng 5% chọn hướng này.

2/ Ít giờ học hơn - Nhiều giờ nghỉ ngơi hơn
Học sinh thường bắt đầu học lúc 9:00 hoặc 9:45, thực tế thì Phần Lan đang nghĩ tới chuyện ra luật để buộc các trường học không được bắt đầu học trước 9:00 bởi vì nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên cần một khoảng thời gian ngủ ngon vào buổi sáng. Trường học thường kết thúc lúc 2:00 hoặc 2:45. Đôi khi họ bắt đầu sớm hơn và đôi khi trễ hơn. Thời khóa biểu của học sinh Phần Lan luôn thay đổi; dù vậy, chúng thường có khoảng ba tới bốn lớp mỗi ngày, mỗi lớp khoảng 75 phút được chia ra thành nhiều tiết nhỏ, có nghỉ giải lao. Đây là hệ thống chung cho cả học sinh lẫn giáo viên, nhằm giúp họ nghỉ ngơi tốt nhất cho việc dạy và học.

3/ Ít giờ lên lớp - Nhiều giờ chuẩn bị
Giáo viên cũng lên lớp ít hơn. Theo OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) trung bình một giáo viên Phần Lan dạy khoảng 600 giờ mỗi năm hay 4 lớp hoặc ít hơn mỗi ngày. Trung bình một giáo viên Mỹ gần như gấp đôi thời gian đứng lớp với trung bình hơn 1800 giờ mỗi năm. Tương đương với 6 lớp hoặc hơn mỗi ngày. Còn nữa, giáo viên và học sinh ở Phần Lan không cần phải có mặt ở trường nếu không có tiết học. Ví dụ, nếu chiều thứ Năm không có tiết, cả giáo viên lẫn học sinh có thể về. Hoặc, tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 11:00, họ cũng không cần có mặt sớm hơn. Hệ thống này cho phép giáo viên có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, và suy nghĩ sâu hơn cho mỗi tiết học.

4/ Ít giáo viên - Nhiều quan tâm
Học sinh tiểu học ở Phần Lan được duy nhất một giáo viên phụ trách lớp trong suốt 6 năm học. Chính xác là vậy! Cùng một giáo viên đó, chăm sóc, nuôi dưỡng, và trôm nom cùng một nhóm học sinh trong suốt 6 năm ròng rã. Và bạn cũng dễ nhận ra rằng, trong khoảng thời gian đó, giáo viên dễ dàng tìm ra cách dạy riêng biệt cho từng học sinh mà nó cần và hiểu được cách học cũng như tâm tình của từng học sinh. Những giáo viên này biết chính xác học sinh của họ đang làm được gì và sẽ tiến tới đâu. Họ có thể theo dõi sự phát triển của trẻ và có sự quan tâm hợp lý nhằm giúp trẻ đạt được mục tiêu của chúng. Không có chuyện "đổ vỏ" cho giáo viên lớp kế tiếp, bởi vì họ chính là giáo viên kế tiếp của bọn chúng. Nếu có bất kỳ rắc rối nào manh nha nảy sinh, họ dễ dàng xử lý nó từ trong trứng nước, hoặc đơn giản là giải quyết từ từ, vì họ có tới 6 năm lận. Một số trường chọn 3 năm thay vì 6, nhưng về cơ bản, lợi ích thu được vẫn vậy.

Cách làm này không những có ích cho trẻ bởi vì nó đem lại sự nhất quán, cảm giác được chăm sóc và sự quan tâm riêng biệt, mà còn giúp cho giáo viên hiểu chương trình dạy một cách toàn diện và liên tục. Giáo viên biết họ cần phải làm gì để bọn trẻ có thể tiến bộ, cho phép họ hoàn toàn tự do trong khi làm việc với học sinh. Giáo viên không bao giờ cảm thấy bị áp lực phải đốt giáo án hay câu giờ, vì thế lúc nào họ cũng sẵn sàng cho năm học kế tiếp. Một lần nữa, họ lại là giáo viên của bọn chúng trong năm kế và lại kiểm soát được toàn bộ chương trình học. Họ hiểu rõ bọn trẻ, biết chúng đã học được gì và có thể lên kế hoạch cho những gì chúng cần trong tương lai. Tôi tin rằng đây là lý do quan trọng nhất cho sự thành công của giáo dục Phần Lan, mà chúng ta không thực sự quan tâm tới.

5/ Ít ứng viên - Nhiều lòng tin
Vậy... bọn trẻ có cùng giáo viên suốt 6 năm, lỡ như gặp giáo viên tệ thì sao? Phần Lan cố gắng hết sức để chắc chắn rằng họ không có giáo viên thực sự tệ. Giáo dục tiểu học là chuyên ngành cạnh tranh nhất ở Phần Lan. Phòng giáo dục tiểu học ở Phần Lan chỉ nhận 10% ứng cử viên và loại bỏ hàng ngàn sinh viên mỗi năm. Một sinh viên không những phải thực sự giỏi và có năng lực để trở thành giáo viên tiểu học, họ còn phải vượt qua hàng loạt cuộc phỏng vấn và kiểm tra cá tính để được nhận. Cho nên, thông minh nhất lớp chưa đủ để bạn trở thành giáo viên tiểu học, mà bạn phải có năng lực thiên phú và cả mong ước cá nhân nữa.

Phần Lan tin rằng làm giáo viên không phải là một dạng kiến thức có thể học được từ sách vở. Nó gần như là thiên phú, là đam mê. Có người có, có người không. Chỉ một số ít trường đại học với chương trình dạy học ở Phần Lan, chỉ nhận những ứng cử viên có thiên bẩm như vậy. Phải đỗ điểm cao nhất, và phải có năng khiếu thiên bẩm trở thành một giáo viên, mọi giáo viên phải có bằng Thạc sĩ và phải làm luận văn Thạc sĩ. Điều này tạo một lòng tin rất lớn nơi giáo viên tiểu học. Cha mẹ tin tưởng rằng giáo viên luôn luôn có năng lực tốt nhất. Họ không bao giờ can thiệp hay tước đi những quyền hạn và quyết định của giáo viên. Tôi hỏi một giáo viên dạy toán Phần Lan rằng họ có bao giờ nhận email từ phụ huynh hay không. Họ nhún vai rồi nói, "Khoảng năm hay sáu gì đó." Tôi nói, "Ồ, tôi cũng nhận từng đó mỗi ngày." Họ nói, "Ô không, ý tôi là năm hay sáu email mỗi học kỳ!"

6/ Ít tiết học - Nhiều giải lao.
Như tôi đã nói, học sinh chỉ có từ ba tới bốn tiết (hiếm lắm mới có năm) một ngày. Chúng có vô số giờ giải lao/nghỉ trưa trong ngày học và thường là chúng đi ra ngoài. Chúng có 15-20 phút để tìm hiểu sâu hơn bài vừa mới học, chúng có thể vung tay múa chân thể dục một tý, hoặc ra ngoài hóng gió. Điều này rất có ích cho thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ cần giải lao thể chất nhằm nâng cao khả năng tiếp thu. Sự trì trệ thể chất dẫn tới sự trì trệ não bộ, khả năng tập trung của trẻ.

Giáo viên cũng có giải lao. Họ có phòng giáo viên riêng, ở đó bạn sẽ thấy mọi người bận rộn chuẩn bị giáo án, hoặc uống cafe, tán gẫu, hoặc đơn giản là thư giãn cho tiết học kế tiếp. Mỗi trường có thể khác nhau nhưng thường là vài cái bàn, vài cái ghế, tủ vật dụng, máy pha cafe, cái bếp, có trái cây hoặc snack cho giáo viên ăn khi tán gẫu, có trường còn có cả ghế massage. He he.

7/ Ít kiểm tra - Học nhiều hơn
Thử tưởng tượng tất cả những thứ tuyệt vời bạn có thể làm với học sinh nếu không có mấy kì thi kinh khủng luôn lủng lẳng trên đầu bạn hằng năm. Tưởng tượng sự tự do bạn có thể hưởng thụ nếu lương tháng của bạn không liên quan gì tới điểm số học sinh. Tưởng tượng mỗi buổi lên lớp sẽ hấp dẫn bạn tới chừng nào!

Tất cả đều có thật, hầu như giáo viên ở Phần Lan chịu rất ít áp lực trong chương trình giảng dạy. Giáo viên được tín nhiệm rằng họ sẽ làm tốt công việc của mình, và do đó họ có nhiều quyền hơn trong việc dạy cũng như quyết định sẽ dạy gì. Giáo viên cũng có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn để thử những điều mới, tạo ra những chương trình hào hứng và hấp dẫn, giúp trẻ trở nên những cá nhân độc lập vững vàng, sẵn sàng hòa nhập thế giới bên ngoài. Họ có nhiều thời gian hơn để dạy học sinh biết cách khởi động một dự án, làm việc một cách có hệ thống để đạt được mục tiêu, một cách độc lập. Họ cũng có nhiều thời gian hơn để dạy trẻ cách may vá, nấu ăn, quét dọn, làm đồ gỗ và hơn thế nữa! Trong khi chúng họ những thứ tuyệt vời này, chúng cũng được học toán! (Ý nói là ngoài mấy chuyện tuyệt vời ra, thì chúng cũng có kiến thức chớ không có ngu.)

(Từ đoạn 8 trở về sau là phần dịch của bạn Thao Pham. Tui chưa có thời gian kiểm tra, nên ai thấy sai sót chỗ nào thì góp ý để bạn ấy sửa lại nhé.)

8/ Ít chủ đề. Sâu hơn
Sau khi quan sát nhiều lớp Toán từ lớp 5 đến lớp 9 và nhìn vào giáo trình ở đây, tôi nhận ra rằng mình đang cố nhét khối lượng của 5 năm Toán Phần Lan vào trong 1 năm. Mỗi chủ đề Toán trải đều các lớp tôi thấy ở đây đều nằm hết trong giáo trình Toán lớp 7 của tôi.
Một lần nữa, não trạng "càng nhiều càng tốt" của người Mỹ không có kết quả tốt. Giả sử tôi dạy hết khối lượng được yêu cầu trong một năm, tôi sẽ phải chuẩn bị chủ đề / bài giảng mới cho mỗi ngày tới và lúc nào tôi cũng cảm thấy bị trễ. Trễ cái gì tôi cũng không rõ nhưng luôn có một áp lực theo sát thúc ép tôi và sinh viên của mình. Ở Phần Lan giáo viên thư thả hơn. Họ đi sâu vào từng chủ đề và không căng thẳng nếu không kịp tiến độ dạy hết giáo trình trong một năm.

Sinh viên cũng vậy, chỉ có vài tiết Toán trong tuần. Thực tế sau kỳ nghỉ Phục-sinh, tất cả học sinh lớp 7 của tôi chỉ có MỘT tiết Toán một tuần. Nghe muốn đứng tim! Không thể tin là đủ được! Rồi học sinh thi cử làm sao? Khoan đã. Không có các kỳ thi và cũng không có nhu cầu hoàn tất gấp rút. Học sinh thực sự hiểu được bài vở trước khi bị ép sang chủ đề mới. Một giáo viên đưa tôi xem một quyển giáo trình và than rằng nó quá nhiều cho một kỳ đánh giá 5 tuần. Tôi xem toàn bộ cuốn sách và phải nhịn cười vì nội dung của nó chỉ cỡ một chương trong sách của tôi. Tại sao chúng ta buộc đám trẻ của mình ở Mỹ phải học quá nhiều và quá nhanh, bất chấp việc chúng bị căng thẳng và đầu hàng.

9/ Ít bài tập. Nhiều thực hành
Theo OECD, học sinh Phần Lan có ít bài tập về nhà nhất thế giới, trung bình dưới tiếng làm bài mỗi tối. Học sinh Phần Lan nhìn chung không có học thêm hay phụ đạo ngoài giờ. Điều này đặc biệt sốc khi bạn nhận ra rằng điểm số của học sinh Phần cao ngang với các nước châu Á, nơi học sinh học thêm học nếm nhiều giờ liền. Theo quan sát của tôi thì học sinh Phần hoàn tất bài vở trong lớp và giáo viên cảm thấy như vậy là đủ. Một lần nữa, không có sức ép nào đòi hỏi các em phải làm hơn mức cần thiết để học được một kỹ năng. Đa phần bài tập có đáp án mở và không thực sự chấm điểm. Chưa hết, học sinh làm bài tập tại lớp một cách siêng năng. Thật thú vị khi xem phản ứng của các học sinh khi được giao bài. Những học sinh trước đó hoàn toàn không nghe giảng bài giờ chịu buông điện thoại và bắt tay vào gói nhiệm vụ đặt ra. Ngay cả với bài tập tham khảo thêm, các em vẫn tập trung đến hết giờ. Giống như có một thỏa tuận bất thành văn: "Tôi sẽ không cho bài tập về nhà nếu các em làm xong cái này tại lớp". Hệ thống giáo dục này thực sự khiến tôi suy nghĩ về lượng bài tập mà tôi giao cho học sinh của mình mỗi ngày.

10/ Ít sĩ số đi. Kèm riêng nhiều hơn.
Điều này hiển nhiên. Nếu bạn phụ trách ít học sinh, bạn sẽ có thể quan tâm chăm chút theo nhu cầu từng em. Mỗi giáo viên Phần có 3-4 lớp một ngày, mỗi lớp 20 em vị chi gặp 60-80 em/ngày. Trong khi đó tôi gặp 180 học sinh mỗi ngày, 30-35 em/lớp, 6 lớp một lèo, 5 ngày một tuần.

11/ Bớt cơ cấu. Tăng sự tín nhiệm
Sự tín nhiệm chứ không phải cơ cấu, là chìa khóa của toàn bộ hệ thống này. Thay vì nghi ngờ lẫn nhau và tạo ra cả núi hệ thống, qui tắc, vòng kim cô và kiểm định để xem hệ thống có hoạt động tốt không, họ chỉ đơn giản là tín nhiệm hệ thống. Xã hội tín nhiệm nhà trường tuyển dụng giáo viên giỏi. Nhà trường tín nhiệm năng lực chuyên môn, do đó, trao tự do cho giáo viên kiến tạo kiểu môi trường lớp học phù hợp với học sinh của mình. Phụ huynh tín nhiệm quyết định của giáo viên sẽ làm con mình học và phát triển. Giáo viên tín nhiệm học sinh chuyên cần vì lợi ích của việc học. Học sinh tín nhiệm giáo viên trao cho mình những công cụ cần thiết để thành công. Xã hội tín nhiệm và trân trọng giáo dục. Hiệu quả và đơn giản. Phần Lan đã làm được điều đó.

Ít mà Chất.

---

Tui dịch lại bài này cho một số bạn không đọc được tiếng Anh, hy vọng nó có ích. Với những người có khả năng, xin vui lòng đọc bản gốc vì tui dịch có thể có sai sót và không bám sát.

Từ phần 8 trở đi là phần dịch của bạn Thao Pham, cảm ơn sự giúp đỡ của bạn.

Link gốc:

Link bài dịch: FB Đặng Sang

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Bát nước của vị thầy phong thủy

Người Trung Hoa xưa tin rằng có 5 yếu tố có thể giúp người ta có một cuộc sống tốt.
  • Thứ nhất là trở thành một người có đạo đức cao thượng – yếu tố này được coi trọng nhất.
  • Thứ 2 là một số mệnh tốt sẽ giúp người đó có một cuộc sống tốt.
  • Thứ 3 là vị trí ngôi nhà của một người (phong thủy) có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh nhỏ trong đời sống của họ.
  • Thứ 4 là một người được thừa hưởng một gia tài lớn thì có điều kiện tài chính để có một cuộc sống tốt.
  • Yếu tố cuối cùng là trở thành một người có học thức; sự thông minh của một người có thể đưa đến một cuộc sống tốt, nhưng nếu người đó sống mà không có đức, thì cuộc sống của họ vẫn sẽ rất khó khăn.
***
Xưa kia, có một vị thầy phong thủy, chuyên giúp người khác lựa chọn nơi tốt để ở. Quan điểm của ông ta là căn nhà nằm trên một vùng đất tốt có thể thay đổi vận mệnh người chủ theo hướng tốt hơn. Một này nọ, ông đi bộ một chặng đường dài và cảm thấy rất khát và mệt. Muốn nghỉ ngơi tại nhà của một người nông dân ở cuối đường, nên ông dừng trước ngôi nhà và xin một ít nước lạnh.
Bà chủ nhà thấy ông mệt đứt hơi và mồ hôi lăn dài trên mặt ông. Bà nói: “Xin hãy đợi một lát, tôi sẽ mang cho ông chút nước”. Rồi bà chạy đi. Vị thầy phong thủy chờ đợi và chờ đợi, nhưng đã một lúc rồi mà người phụ nữ vẫn không quay lại; ông băn khoăn không biết chuyện gì xảy ra.
Khi người phụ nữ quay lại, bà đi rất chậm, mang theo một bát nước lớn. Khi ông cố chộp lấy cái bát, người phụ nữ thụt lùi lại và nói: “Đợi một chút”. Và bà chạy đi một lần nữa. Lần này bà quay lại với một nắm ngũ cốc. Bà bỏ ngũ cốc vào nước và đưa ông cái bát, nói “Xin uống chậm thôi, chậm thôi”. 
Vị thầy phong thủy rất bực mình với người phụ nữ. Ông nghĩ: “Thật là một người đàn bà xấu tính. Mình đang khát và chỉ muốn một bát nước, nhưng bà ta mất nhiều thời gian để mang nó ra. Cuối cùng khi bà ta mang nó cho mình thì bà ta lại cho ngũ cốc vào nước để làm mình khó uống”.
Khi uống nước xong và đi ra ngoài, ông nhìn thấy một mảnh đất mà có thể đem sự xui xẻo đến người nào sống trên nó, vì vậy ông nảy sinh một ý định. Ông vội vã quay lại chỗ người phụ nữ và bảo với bà: “Tôi vừa thấy một mảnh đất rất tốt, nó sẽ đem lại nhiều may mắn cho bà. Để thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với bát nước bà vừa cho, tôi sẽ chỉ nó cho bà”. Rồi ông ta chỉ vào mảnh đất xấu. “Bà nên xây nhà ở trên đó. Nó sẽ đem lại may mắn cho bà”. Người phụ nữ trả lời một cách đầy biết ơn: “Chúng tôi muốn xây một ngôi nhà mới, cảm ơn vì đã chỉ cho tôi; chúng tôi sẽ xây nhà của mình trên đó”.
Mười năm sau, ông thầy phong thủy lại đi trên cùng con đường. Ông ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ đang sống sung túc với một sân sau đầy các loại gia súc. Ông nhìn xung quanh một cách cẩn thận và chắc chắn rằng đó chính là mảnh đất mà đáng lẽ sẽ đem lại vận rủi cho người chủ, vậy tại sao mảnh đất lại đem đến may mắn cho người phụ nữ đó.
Khi người phụ nữ nhận ra vị thầy phong thủy, bà rất vui mừng được gặp lại ông. Bà vội chạy đến ông và nói trong hân hoan: “Cảm ơn ông đã chỉ cho tôi mảnh đất này! Từ khi chúng tôi xây nhà trên đó, vận may đã đến với chúng tôi.”
Với một ánh mắt xấu hổ và tâm trí rối bời, vị thầy phong thủy nói:“Không phải. Tôi rất tiếc phải nói điều này, nhưng thật ra tôi nghĩ rằng mảnh đất này sẽ đem xui xẻo đến cho bà. Khi tôi chỉ nó cho bà, điều tôi thật sự muốn làm là trừng phạt bà vì bà đã đối xử tệ với tôi”.
Người phụ nữ rất ngạc nhiên khi nghe ông ta nói. Bà hỏi: “Tôi đối xử tệ với ông như thế nào?”. Thầy phong thủy nói: “Bà lấy nước cho tôi rất lâu và lưỡng lự khi đưa nó cho tôi, đến mức bà ném cả ngũ cốc vào nó”.
Người phụ nữ giải thích: “Ồ, tôi xin lỗi. Tôi không có ý đối xử tệ với ông đâu. Khi tôi thấy ông nóng và khát như vậy, tôi nhớ đến một câu nói: ‘Đừng để người đang khát khô họng uống nước lạnh vội vã’. Vì vậy tôi cho một nắm ngũ cốc vào để làm ông uống chậm lại”.
Khi nghe những lời này, vị thầy phong thủy lặng người nhận ra người phụ nữ này có một trái tim nhân hậu. Vì bà có tâm khiến ông uống chậm lại nhằm tránh bị bệnh, nên bà luôn được Trời Phật phù hộ và bảo vệ.

Số phận của một con người với đạo đức cao như vậy sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi ý định xấu của vị thầy phong thủy hay sự xui xẻo của mảnh đất xấu.

    Bạch Liên sưu tầm
    Theo Chinagaze

    Từ chuyện tên trộm vàng trên xác chết, nghĩ đến thuyết đại trượng phu của Lão Tử

    Plato, một triết học gia Hy Lạp lỗi lạc sống khoảng năm 427-347 trước công nguyên trong tác phẩm “Quốc gia lý tưởng” có một câu chuyện ngụ ngôn thế này:
    Chuyện kể về một mục đồng tên Wijks lấy trộm chiếc nhẫn vàng trên xác một người chết. Rồi sau anh ta phát hiện ra chiếc nhẫn này có một năng lực phi thường. Hễ anh ta xoay chiếc nhẫn vào trong thì anh lập tức trở nên tàng hình, không ai có thể nhìn thấy anh ta, còn khi xoay chiếc nhẫn ra ngoài thì anh ta liền hiện hình trở lại bình thường.
    Từ đó, anh mục đồng này đã sử dụng quyền năng của chiếc nhẫn để làm rất nhiều chuyện bất chính. Anh ta tư thông với hoàng hậu, rồi sau đó giết chết vua và nắm giữ quyền lực. Không ai phát hiện ra việc làm của anh ta và anh ta cũng không sợ việc làm xấu xa của mình bị ai đó phát giác ra.

    Câu hỏi đặt ra là, nếu không có ai có thể phát giác ra việc làm sai trái của bạn, thì bạn có biết mình đang làm điều xấu và cảm thấy bất an hay không?

    Nếu vì sợ người khác biết mà không làm điều xấu, hay sợ bị bại lộ mà phải làm điều đúng đắn, thì thật ra trong tâm người này không hề có đạo. Lão Tử rất xem trọng chữ đạo nên ông cho rằng “Đại trượng phu xử kì hậu, bất xử kì bạc; cư kì thực, bất cư kì hoa.” (“Người trượng phu nên giữ chỗ đại đạo sâu dày, chớ nên giữ chỗ lễ pháp nông cạn; nên thận trọng đại đạo chứ không phải cái hào hoa.”)
    Người trong lòng không có đạo, đối với bất kỳ chuyện gì cũng tỏ ra sợ sệt, họ sợ người ta nhìn thấy cuộc sống của mình. Trái lại trong lòng người có đạo thì dù làm gì, ở đâu, hay chỉ có một mình cũng không cảm thấy lo lắng sợ hãi, quang minh lỗi lạc, không nói cũng không làm những điều xấu, sống rất ngay thẳng vô tư.

    Con sâu qua sông bằng cách nào?

    Trong một giờ sinh vật học, thầy giáo hỏi học trò của mình: “Các em có biết loài sâu qua sông bằng cách nào không?” Một cậu học trò đưa ra 3 câu trả lời đều không đúng, cuối cùng thầy giáo đưa ra đáp án của mình…
    Khi thầy giáo hỏi: “Các em có biết con sâu qua sông bằng cách nào không?”
    Một cậu học trò đưa ra 3 đáp án:
    1. “Con sâu đi qua cầu,” thầy giáo lắc đầu nói rằng : “không có cầu.”
    2. “Con sâu nằm trên lá qua sông”, thầy giáo nói rằng “Chiếc lá bị nước cuốn trôi đi rồi.”
    3. “Con sâu bị chim nuốt vào trong bụng bay qua sông”, thầy giáo bèn nói rằng “như vậy, nếu sâu chết rồi sẽ mất đi ý nghĩa của việc qua sông”.
    Vậy thì con sâu sẽ qua sông bằng cách nào đây?
    Thầy giáo đã trả lời các học trò của mình: con sâu nếu muốn qua sông, thì chỉ có một cách, đó là biến thành bươm bướm. Trước khi sâu biến thành bướm phải trải qua giai đoạn khó khăn, nó ở trong cái kén, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này phải trải qua một thời gian rất dài.
    Có lẽ mỗi người chúng ta cũng giống như con sâu đó vậy, trong chặng đường cuộc sống đều sẽ gặp phải những khó khăn, thất bại, có người đối mặt với những khó khăn thì bi quan thất vọng, không có cách nào thay đổi chính mình, ngược lại có người dũng cảm vượt qua, không ngừng thử thách chính mình, không ngừng thay đổi chính mình, cuối cùng họ đều bay qua dòng sông khổ ải đó một cách nhẹ nhàng.

    “Mỗi khó khăn, thử thách xảy đến với bạn đều ghi dấu cho sự khởi đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của bạn. Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn.”

    5BC8jFrq
    Biên dịch: Mai Anh. Biên tập: Hà Phương

    Bóng đêm là gì?

    Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa một vị cao tăng đức độ trong một ngôi chùa Phật giáo cổ và một người theo thuyết vô thần.
    Cao tăng: Xin thí chủ cho biết điều gì trên đời mà ngài không tin tưởng nhất?
    Người vô thần: Tôi thấy mới tin, không thấy thì không tin.
    Cao tăng: Ồ, thí chủ thật thẳng thắn. Tuy nhiên, như ngài đang thấy, có một cung điện màu xanh dát vàng, to lớn, nguy nga, đang ở trước mặt ngài khoảng 100 mét. Khi màn đêm buông xuống và bóng tối bao phủ, liệu ngài có cho rằng cái cung điện to lớn ấy không hề tồn tại hay không?
    Người vô thần: Tất nhiên là nó vẫn tồn tại, nhưng bị bóng đêm bao phủ.
    Cao tăng: Thế bóng đêm là gì?
    Người vô thần: Là…
    "Vạn vật trên thế gian này nhiều như số cát ở sông Hằng, cho dù ngài có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó". (Ảnh internet)
    Bóng đêm là gì? (Ảnh: internet)
    Cao tăng: Trời tối thì ngài tin vào bóng đêm? Trời sáng thì ngài tin vào ánh mặt trời?
    Người vô thần: À thì…
    Cao tăng: Này thí chủ, thực ra ngài có thể nhìn thấy những thứ mà ngài không nhìn thấy! Tòa cung điện nằm ở ngay kia và không bao giờ dịch chuyển, chỉ có tâm hồn và trí tuệ của ngài bị bóng đêm bao phủ mà thôi, do đó tòa cung điện đã biến mất khỏi tâm của ngài.
    Người vô thần (chắp tay biểu lộ sự thành kính): Thưa thầy, xin hãy giảng giải thêm cho tôi hiểu.
    Cao tăng: Tất cả những điều làm tâm của ngài lung lạc cũng giống như bóng đêm bất tận và vô minh này, chỉ có cách thể hiện là khác nhau thôi. Vạn vật trên thế gian này nhiều như số cát ở sông Hằng, cho dù ngài có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó; nếu ngài cứ ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên bầu trời, thì sẽ rất khó để hiểu được vũ trụ vô tận này. Nói cách khác, mọi thứ không thể tóm gọn trong việc nhìn thấy hay không nhìn thấy.

    Vạn vật trên thế gian này nhiều như số cát ở sông Hằng, cho dù chúng ta có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó. Nếu cứ ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên bầu trời, thì sẽ rất khó để hiểu được vũ trụ vô tận này.

      Bạch Liên sưu tầmTheo SecretChina
      LÊN ĐẦU TRANG