Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

6 kỹ thuật giúp bạn tối ưu Mobile Copywriting

Hầu hết mọi người đều chú trọng làm sao để trang web của mình có thứ hạng tốt trên Google khi người dùng tìm kiếm bằng di động. Cho nên họ ra sức tạo ra một giao diện web thân thiện, nhẹ nhàng, dễ tương tác và điều hướng thích hợp cho điện thoại, nhưng rồi lại quên một trong những điều quan trọng nhất: mobile copywriting.

6 kỹ thuật giúp bạn tối ưu Mobile Copywriting
Nếu bạn còn đang băn khoăn làm thế nào để người dùng điện thoại yêu thích nội dung trang web của mình, thì hãy xem qua 6 cách tối ưu hóa mobile copywriting dưới đây nhé!
1. Hãy quên hết cách viết nội dung trước đây
Hãy vứt hết các công thức cũ về copywriting vì cách đọc nội dung bằng điện thoại thì khác hoàn toàn cách đọc trên máy tính. Dưới đây là các ví dụ để chứng minh:
Tam giác vàng
Theo nghiên cứu cách chuyển động của mắt trên màn hình máy tính, người dùng web chủ yếu tập trung theo hình tam giác, phần góc trên màn hình bên trái.
google-f-shaped-pattern-image 2
 

Mô hình F

Nghiên cứu cũng chứng minh rằng, cách mắt di chuyển trên màn hình máy tính từ mô hình tam giác vàng sẽ phát triển thành mô hình F, tập trung ở góc phía trên rồi từ trái sang phải, xuống dưới rồi cũng từ trái sang phải, phần dưới nữa thì ít chú ý hơn.
 
Hai nguyên lí trên không áp dụng cho người xem nội dung bằng điện thoại. Nguyên nhân là màn hình điện thoại nhỏ, nếu kéo sang ngang hoặc xuống dưới quá nhiều để đọc nội dung sẽ rất phiền phức.
Thay vào đó, người dùng có khuynh hướng xem ở trung tâm màn hình di động.
undefined
Như hình ảnh cho thấy, người dùng dành 68% sự chú ý cho phần trung tâm, phần chính giữa phía trên và dành 86% cho 2/3 nội dung phía trên. Những thứ bên dưới thì ít được lưu tâm hơn.
Cho nên thay vì vẫn giữ cách viết copywriting truyền thống trước đây, chúng ta cần điều chỉnh cho thích hợp với cuộc cách mạng di động hiện nay.
2. Mọi người xem ảnh nhiều hơn đọc nội dung
Nghiên cứu Knowledge Graph đã chứng minh cách mắt di chuyển tập trung ở hình ảnh nhiều hơn đọc chữ.
 
Kết quả tìm kiếm viện bảo tàng Louvre trên Google cho thấy, dù người xem có chú ý đến thông tin có liên quan đến chủ đề tìm kiếm hay không, thì cả 2 kết quả nghiên cứu ở trên đều chứng minh phần hình ảnh là được lưu tâm nhiều nhất.
Do màn hình điện thoại đã nhỏ nếu ta lại dùng nhiều hình ảnh thì không gian màn hình chẳng còn được bao nhiêu. Hãy chèn ảnh ít hơn và có liên quan đến nội dung để làm nổi bật quan điểm của bạn.
3. Loại bỏ những từ, câu, đoạn không cần thiết
Đối với mobile copywriting, biểu đạt ý tưởng càng ngắn gọn càng cần thiết. Tất cả điều bạn quan tâm là làm sao để người xem đọc càng nhiều thông tin nhất có thể trên màn hình di động, mà không cần di chuyển lên xuống nhiều.
Nói như thế không có ý nghĩa là bạn phải viết nội dung ngắn lại, nội dung dài hay ngắn miễn hấp dẫn vẫn thu hút người dùng di động như nhau. Điều quan trọng là bỏ đi những phần không cần thiết để nội dung của bạn rành mạch hơn.
4. Tạo tiêu đề ngắn gọn, mạnh mẽ
Tiêu đề dài sẽ chiếm nhiều không gian màn hình di động và nó có thể nằm dưới nếp gấp khiến người xem không thể thấy được hết tiêu đề của bạn.
Tiêu đề ngắn giúp người xem nắm bắt thông tin dễ hơn.
mobile-headline-short-example-image 7
 
Không cần thiết tạo ra một tiêu đề nguy hiểm để gây chú ý, ngược lại quá dài sẽ gây phản tác dụng. Ngắn gọn và súc tích là đủ.
5. Phần giới thiệu quyết định quan trọng đến nội dung của bạn
Đối với màn hình di động, việc làm sao để người xem có thể nắm hết thông tin bài viết mà không cần cuộn màn hình xuống là cả một vấn đề. Vì vậy, mở đầu bài viết của bạn bằng những dòng in đậm tóm tắt trước nội dung sẽ thu hút người xem hơn. Nó cũng quyết định đến việc họ có đọc tiếp bài của bạn dưới nếp gấp hay không.
 
6. Viết đoạn văn ngắn
Đọc 5 câu trên màn hình máy tính là một điều bình thường, nhưng nó sẽ trở thành cả một bức tường chữ trên màn hình điện thoại. Đoạn văn dài sẽ làm người đọc thiếu kiên nhẫn.
Giải pháp đơn giản là trình bày bài viết của bạn bằng một loạt các đoạn văn ngắn. Điều này tạo cảm giác nhất quán như chúng ta đang đọc những nhịp điệu trong một bài hát. Như thế, người xem sẽ di chuyển từ đoạn này sang đoạn khác một cách tự nhiên không gây nhàm chán.
 
Tóm lại, bí quyết để thành công trên lĩnh vực mobile copywriting là hãy viết tốt hơn, đừng viết ít lại. 

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

[docsachvangamnghi] Cuộc cách mạng một cọng rơm - Masanobu Fukuoka


Những ngày gần đây, tôi thường dành chút thời gian rảnh của mình lang thang tìm hiểu về nông nghiệp để chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong tương lai. Như mọi thứ khác mà con người đã đặt chân và nhúng tay vào, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng, biến đổi với tốc độ và độ phức tạp không ngừng gia tăng. Động lực chính yếu đàng sau đó là ước muốn khám phá, cải tiến và làm giàu của con người.

Trong cộng đồng những người làm nông nghiệp trên mạng, dễ dàng thấy những trao đổi hừng hực máu lửa như trồng cây gì, bón phân gì, nuôi con gì, cho ăn gì để nhanh chóng làm giàu. Nông nghiệp với mục đích làm giàu, tự bản thân nó đẻ ra nhiều thứ phục vụ cho mục đích đó: bài toán đầu tư, bài toán thu hồi vốn, bài toán tiếp thị, đóng gói, phân phối, kinh doanh, tích hợp các kiến thức và sản phẩm của khoa học để nâng cao năng suất, trồng và cho ra sản phẩm nông nghiệp nghịch vụ, giải quyết bài toán sâu hại và bệnh của cây trồng, vật nuôi...

Tôi, như một kẻ mới toanh không kiến thức, không trải nghiệm, mém chút nữa là bị lạc hẳn vào trong đó không đường ra. Thật may là trước khi sa chân vào trận đồ bát quái đó, đứa bạn thân tặng cho tôi cuốn sách này. Cuốn sách với nội dung cực kỳ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, giúp tôi kịp nhận ra sự vô nghĩa và sai trái của những cách làm nông nghiệp hiện đại; hiểu được chân bản chất của nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên và hơn thế nữa, giúp tôi củng cố thêm nhận thức của mình về Thật và Ảo trong cuộc sống; về sự hữu hạn của kiếp người; về sự kỳ lạ trong những nỗ lực ồn ào của loài người liên tục đẩy cuộc sống về hướng này theo hướng kia, mà thật sự chẳng ai biết là để làm gì, để đi tới đâu. 

Dù đã đọc cuốn sách hai lần, và sẽ tiếp tục đọc lại thêm vài lần nữa cho đến khi bản thân có thể cảm nhận và thật sự thấm được nó, tôi biết mình sẽ không đủ khả năng và không thể nói gì về nó. Khi đứng trước một điều gì thật sự "Trọn vẹn", bạn biết mình sẽ chẳng nên làm gì thêm. 

Masanobu Fukuoka mất năm 2008. Ông viết cuốn sách này năm 1975, năm ông 62 tuổi. Cái tuổi đủ để mọi trải nghiệm, suy ngẫm lắng sâu và kết tinh. Chúng được ông chậm rãi trải ra qua từng chương sách một cách đơn giản, tự nhiên, trong sáng và sâu lắng. Thật đẹp đẽ.  

Nếu bạn muốn hiểu về bản chất và nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp tự nhiên; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết cơn lốc nông nghiệp hiện đại ngày này đã đi lạc xa đến mức nào và các nông dân khốn khổ của chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc đó ra sao; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt giữa chế độ ăn tự nhiên với những thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho sự phát triển khoẻ mạnh của con người và những chế độ ăn khiên cưỡng có hại do chạy theo các ham muốn hay hạn hẹp về nhân thức; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Nếu bạn muốn biết con người hiện đại đã xa rời tự nhiên, xa rời nguồn gốc của mình đến mức nào và sự hạn chế của khoa học; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm một cánh cửa mở ra cho bạn con đường giúp phân biệt giữa Thật và Ảo trong thế giới hiện tại; cuốn sách này có thể giúp bạn điều đó.

Khi tặng tôi cuốn sách này, cô bạn thân viết lời đề tặng: "Tặng bạn yêu quí một cuốn sách = một cách sống. Hy vọng bạn cũng yêu cụ Fukuoka như tớ nhé". :) Bạn tôi luôn có cách nhận diện mọi thứ trong cuộc sống thật rõ và sâu vào bản chất. Cuốn sách này không chỉ bàn về nông nghiệp tự nhiên. Nó là một cách sống. Tôi thật sự yêu và muốn sống theo cách đó, dù biết là cực khó khăn. Chẳng phải ai cũng có đủ định lực và may mắn để nhận ra Tánh Không của vạn vật năm 25 tuổi. Chẳng phải ai cũng có đủ sự rõ ràng, kiên định, nghị lực và khả năng để cô độc đi theo một con đường suốt chừng đó năm, đến khi nhắm mắt. Tôi sẽ làm những gì có thể, trong khả năng của mình.

Để thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích ra đây đoạn thư cuối của cụ Fukuoka gửi bạn đọc trong 2 trang cuối của cuốn sách. Tôi còn nhớ  buổi trưa hôm đó,  tôi đã lặng người đi, tim lỗi vài nhịp đập và ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ của cụ. Có một con người cô độc và lặng lẽ ngắm nhìn nhân gian như thế. Có một con người mạnh mẽ và thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời được trao như thế. Có một điều đẹp đẽ bình dị đã từng tồn tại trên thế giới này như thế.

"Bạn đọc thân mến,

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này. Nhiều năm trước đây, tôi nhân ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là tốt rồi, và thế là tôi chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời tôi đã trôi thêm được 50 năm. Tôi có được một số thành công, nhưng có cả những thất bại. Nhiều giấc mơ thời trẻ của tôi vẫn chưa thành. Tôi biết thời gian tôi còn được ở trên thế gian này là có hạn. 

 Giờ tôi đã nghỉ hưu. Sống trong một túp lều trên núi giữa vườn cam. Tôi đã đóng cửa nông trại, không đón khách thập phương nữa để trân trọng hơn thời gian mình còn lại. Điều tuyệt nhất của việc sống một cuộc đời nghỉ hưu trên núi, tách khỏi những tin tức về thế giới bên ngoài là ở chỗ tôi có được cảm nhận khác về thời gian. Tôi hy vọng rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ có thể trải nghiệm một ngày giống như một năm. Khi đó, giống như dân bộ lạc tôi gặp ở Somalia, tôi sẽ chẳng còn biết mình bao nhiêu tuổi nữa.

Những ngày này, tôi cố gắng mình tưởng tượng rằng mình đã một trăm tuổi, hoặc thậm chí 200 tuổi. Tôi hy vọng đến lúc qua đời, tâm trí và thân thể tôi vẫn còn ở tình trạng tốt. Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi vẫn thường tự nhủ mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là được vui vẻ làm việc trên nông trại của mình, nó chính là vườn Địa Đàng. Con đường làm nông tự nhiên sẽ vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hoà làm một với Thượng Đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình. 

"Đường lớn chẳng hề có cổng, tôi chẳng thấy cái nào
Yên bình trên Thiên Đường, chốn trần gian là tiếng thì thào
Ai đã khiến cơn gió đi hoang?
Sang bên trái, dạt qua bên phải
Hết thủ lại công
Chẳng biết đâu là tốt xấu
Chiếc quạt thổi hai phía, lóng ngóng như nhau
Độc bước trong vườn, tôi thấy một túp lều dựng tạm
Một ngày là cả trăm năm
Đám cải củ, cải cay bung nở
Năm hai nghìn rồi ánh trăng sẽ mờ
Đã tận lực chốn này, giờ ta bắt đầu phiêu du chốn mới
Chuyến du hành thoáng chốc, ai biết là tới đâu..."


Bây giờ, cụ đã phiêu du trên những chuyến du hành mới, chẳng biết chốn nào :) Chỉ còn một cách sống của cụ là vẫn còn ở lại, cho những người như tôi ngẫm và dõi theo.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Idea Hunting: Tại sao tình dục lại nguy hiểm?

Idea Hunting: Tại sao tình dục lại nguy hiểm?
Tình dục là hành vi cổ xưa nhất của loài người và không bao giờ lạc hậu, là một trong những loại bản năng quan trọng bậc nhất sau hít thở, ăn uống, tiêu hóa… Với các loài động vật khác, tình dục là để duy trì nòi giống. Với con người, không chỉ duy trì nòi giống, Tình dục còn có giá trị vui thú, thậm chí ở một số trường hợp, tình dục có thể đạt đến sự thiêng liêng. Nhưng tại sao những bản năng khác không gây nên nhiều ám ảnh như tình dục? Tại sao con người vừa thích thú với Tình dục lại vừa sợ hãi khi đối mặt với nó? Đây là một quá trình rắc rối của những quan niệm bị cấy vào tâm trí con người trong nhiều nghìn năm lịch sử mà một bài viết ngắn ngủi không thể chuyển tải hết.
Một số khái niệm liên quan đến Tình dục cần định nghĩa lại.
Trước hết, tôi xin phép được đưa ra cách định nghĩa của riêng mình cho những khái niệm sẽ sử dụng trong bài. Tại sao cần điều này, sở dĩ bởi những khái niệm liên quan đến vấn đề tình dục thường có nhiều cách định nghĩa khác nhau và rất dễ gây ra hiểu lầm.
“Dục” theo quan niệm của Phật giáo là sự ham muốn, ham muốn này khiến vạn vật ở thế gian đều sinh sôi nảy nở.
“Năng lượng dục” là sức mạnh của sự sinh sôi nảy nở có trong vạn vật
“Tình dục” là những ham muốn về sự hòa hợp và nảy sinh sự sống mới. Điều này khác hoàn toàn với “giao phối”. Tại sao ở các loài động vật chúng ta không dùng khái niệm “tình dục” mà lại chỉ dùng khái niệm “giao phối”? Vì “tình dục”, bên cạnh những hoạt động phối ngẫu, còn là sự giao hòa tinh thần giữa hai bạn tình. Bởi thế, trong Kama Sutra của người Ấn Độ cổ xưa, bên cạnh những tư thế làm tình, triết gia Vatsyayana còn đưa ra những đạo đức xoay quanh chuyện giường chiếu, và quan trọng hơn thế, nói về sự gắn kết của linh hồn. Trong triết học Hy Lạp Cổ đại, Plato cũng quan niệm rằng con người cổ xưa vốn ở dạng lưỡng tính gồm Nam-Nữ, hoặc một dạng đặc biệt khác là Nam-Nam. Nhưng con người lưỡng tính, hay nói cách khác, con người hoàn hảo này bị chia cắt và lưu lạc ở hạ giới, cố gắng đi tìm nửa kia của mình để thực hiện sự kết hợp và quay trở về trạng thái hoàn hảo. Điều này cũng khá tương đồng trong pháp tu Mật Tông của Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng: thông qua sự giao hoan giữa nam và nữ, những người thực hành pháp tu này có thể đạt tới Thượng Đế, hay nói cách khác, đạt tới toàn thể.
Vậy “tình dục” khác “tình yêu” như thế nào? Đa số con người nhầm lẫn giữa hai điều này. “Tình yêu” chỉ được coi đơn thuần là mối quan hệ thiêng liêng gắn kết nam và nữ và “tình dục” chỉ đơn thuần là hành vi giao phối. Đây là cách hiểu làm hạ cấp, đầu độc tâm trí con người trong nhiều thế hệ bởi những kẻ thực dụng và đạo đức giả.  “Tình yêu” không phải một mối quan hệ, lại càng không phải hành vi. “Tình yêu” là một trạng thái tinh thần khi linh hồn này gắn kết với linh hồn khác hoặc một đối tượng tinh thần nào đó. “Tình yêu” không nhất thiết chỉ có giữa nam và nữ, có thể là tình yêu mẹ con, tình yêu chị em, thậm chí tình yêu với nghệ thuật, với lý tưởng, tình yêu với Thượng Đế… Tình yêu có thể tồn tại giữa nam và nữ và được thể hiện qua các hành vi Tình dục. Điều này có nghĩa, tất cả những hành vi giao phối, cho dù đạt đến kỹ năng thế nào, cho dù thực hiện đầy đủ một lễ nghi như tôn giáo để thể hiện mọi sự màu mè của nó, cho dù được tô điểm bằng những lời lẽ thần thánh… mà không có bất kỳ sự gắn kết nào về mặt tinh thần, thì cũng không khác lắm các loài động vật khác.
388520_138573806252696_1552665541_n
Sự đặc biệt trong Tình dục của loài người
Nếu nhìn vào thế giới sinh vật, chúng ta có thể thấy loài người có một khả năng dục thật không tưởng. Các loài thực vật, động vật chỉ giao phối trong mùa sinh sản, nhưng con người có thể giao phối với nhau mọi lúc, mọi nơi. Nếu ở các loài sinh vật khác, giao phối chỉ với mục đích truyền lại nòi giống của mình thì Tình dục ở loài người lại mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Có thể vì khả năng giao phối bất thường của loài người mà chúng ta bắt đầu nảy sinh những nhu cầu cao hơn việc tiếp xúc về mặt thể xác.  Tại sao con người có những khả năng này thì đến giờ vẫn là một ẩn số với tất cả các nhà khoa học. Mọi lý giải về nguồn gốc loài người và bản chất loài người trong khoa học, triết học, tôn giáo dường như đều né tránh chủ đề kỳ quặc này, cứ thể như nó động vào một cái gì đó sâu kín của họ.
Con người có một năng lượng dục rất to lớn, to lớn đến mức mà các quy luật tự nhiên cũng không thể kiểm soát được. Tự nhiên có thể lập trình được mùa sinh sản ở tất các loài, trừ loài người. Năng lượng dục kích thích sự sinh sôi của con người, nhưng cũng kích thích cả sự hủy diệt các cá nhân khác, các loài khác để bảo vệ quyền sinh tồn của mình. Có một sự thực bất cứ ai có khả năng chiêm nghiệm đều thấy: khi sự sống được tự do phát triển thì song song với quá trình đó là quá trình ăn lan của cái chết. Trên một thực thể, số lượng các tế bào mới sinh ra và các tế bào bị tiêu hủy là ngang bằng nhau, khi một cái xác thối rữa thì cây cỏ lại mọc xanh tươi hơn. Vạn vật đều bị chi phối bởi những dòng năng lượng dục: cứ sinh ra, chết đi rồi lại tái sinh ở một vòng khác…  Nếu các động vật, thực vật có vẻ như chấp nhận sự chi phối này thì con người không thể chịu đựng được, và chỉ có con người mới mong mỏi tìm đến sự vĩnh hằng. Hãy thử ngẫm lại câu chuyện trong Sáng Thế Ký. Trên Thiên Đường mà Thượng Đế tạo ra, sự vĩnh hằng tồn tại, Adam và Eva ở đó trần truồng mà không có bất cứ sự ham muốn  dục nào. Thời gian dường như không tồn tại trên Thiên Đường cho đến khi Lucifer hóa thân thành con rắn và xúi bẩy Adam- Eva ăn quả táo trí tuệ, quả táo nhận thức về dục. Thiên Đường sụp đổ và con người bắt đầu sinh sôi nảy nở, già nua và chết đi, tuổi thọ càng ngày càng giảm. Người Thiên Chúa giáo coi rằng đây là tội lỗi tổ tông (“original sin”) và chỉ những người dẹp bỏ được những ham muốn tình dục thì mới có thể quay trở lại Thiên Đàng. Tại sao việc quay lại Thiên Đàng lại quan trọng đến thế với con người? Thật buồn cười là chính sự sợ hãi trước cái chết đã khiến cho con người sợ hãi tình dục và sợ hãi luôn cả sự sống trong nhiều thế kỷ mà các tôn giáo ức chế dục.  Nhưng vấn đề kiểm soát dục này ta sẽ trở lại ở phần sau. Ở đây, tôi muốn nói rằng năng lượng của dục là năng lượng của sự sống. Trong chiêm tinh học phương Tây, có hẳn một vị trí quản trị về Năng lượng Dục – Sinh- Tử – Tái Sinh. Chúng ta cũng thấy điều này trong hình tượng Thần Rượu Nho Dionysus của Hi Lạp. Trong các nghi lễ tôn giáo cổ đại Hy Lạp thờ Thần Rượu Nho, các tín đồ còn thực hiện các hành vi phối ngẫu. Thần Rượu Nho là vị thần bảo hộ sự sinh sôi nảy nở và cả sự tái sinh. Cho đến sau này, giáo đoàn Wicca của các phù thủy cũng tiếp thu những nghi lễ này từ giáo phái thờ Dionysus từ thời Hy Lạp cổ đại.
Bất cứ ai đã từng trải qua Tình dục, chứ không phải chỉ là sự giao phối, sẽ thấy rằng Tình dục thật sự cho chúng ta cái thoáng nhìn về Thiên Đường. Nếu ham muốn dục của Adam và Eva khiến chúng ta mất Thiên Đường thì hóa ra chính Tình dục làm thức dậy trong chúng ta những ký ức về Thiên Đường. Thiên Đường không phải là đời sống sung túc ở một cõi nào đó hiện ra trong trí tưởng tượng lúc làm tình, Thiên Đường là một lối nói ẩn dụ cho sự cực đỉnh sung sướng, sự hạnh phúc vô bờ bến. Bạn có biết mỗi ngày chúng ta có từ 50.000 đến 70.000 suy nghĩ một ngày, những suy nghĩ này không đi theo một hướng, nó là mớ hỗn tạp những cài cắm của bố mẹ, nhà trường, tôn giáo, xã hội… và chúng xung đột với nhau chỉ để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để sinh tồn tốt nhất ở thế giới này.  Những xung đột trong tâm trí ấy khiến chúng ta bất hạnh, xung đột thậm chí còn không chấm dứt trong thời gian giao phối. Nhưng với Tình dục thì khác, sự xung đột này chấm dứt. Trong một thoáng rất ngắn đạt đến cực đỉnh của khoái lạc, tâm trí của chúng ta ngừng hoạt động, cảm giác về thời gian cũng biến mất, trong giây phút chúng ta chạm tới sự vĩnh hằng. Trong Kama Sutra, Vātsyāyana từng nói: “Tình yêu không quan tâm đến thời gian và sự kiểm soát”. Tình dục với sự nở hoa của Tình yêu thì con người không bận tâm về thời gian, tức là thoát khỏi ám ảnh về cái chết, thoát khỏi ám ảnh của cái chết, con người không cần phải quan tâm tới sự kiểm soát và những xung đột trong tâm trí nữa. Điều đáng tiếc là con người không kéo dài giây phút này mãi được và rồi bên cạnh sự ham muốn bất tử, con người nảy sinh thêm một ham muốn nữa: ham muốn kéo dài mãi sự khoái lạc, vì vậy, bắt đầu nảy sinh ra mọi loại kỹ thuật để kéo dài thời gian giao phối.
Cách thức con người ức chế ham muốn dục và Tình dục
Đứng trước sức mạnh không thể kiểm soát được của ham  muốn dục và năng lượng dục mạnh mẽ của loài người, trong lịch sử, nhiều hệ thống đã tìm mọi cách để kiểm soát nó nhưng đều thất bại. Cách kiểm soát dễ dàng và được “ưa chuộng” nhất của các hệ thống là ức chế và đè nén dục, mà biểu hiện rõ nhất trong các hệ thống tôn giáo như Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Kinh điển của cả hai tôn giáo này đều cho rằng dục là một cái gì đó cần phải triệt tiêu. (Điều này không đồng nghĩa với việc nhất thiết Đức Thích Ca Mâu Ni và Chúa Jesus khuyên bảo con người phải làm thế, vì trải qua nhiều nghìn năm và bị các nhà cầm quyền sửa chữa, tôi thật sự không còn tin vào độ chính xác của các văn bản còn lại đến ngày nay; hoặc rằng các đệ tử đã hiểu lầm lời dạy thoát khỏi sự chi phối của dục thành một sự ức chế dục.)  Và thế là các tu sĩ, con chiên, đệ tử mất quá nhiều thời gian để tìm cách vùng vẫy thoát khỏi những ám ảnh và ham muốn dục hơn là nghĩ tới Thượng Đế và Phật tính của mình.
Khi các tôn giáo này bắt đầu hình thành hệ thống và có một sự “bắt tay” nào đó với chính quyền, các giáo lý trở thành hệ thống kiểm soát người dân. Các nhà cầm quyền cần niềm tin mù quáng vào tôn giáo để giữ trật tự trong nhà nước của mình, và một tôn giáo ức chế dục thì càng tốt. Nhờ thế, các giáo lý sai lầm về dục của Thiên Chúa giáo đã được lan truyền khắp Châu Âu trong đêm trường trung cổ, tiêu diệt mọi người đàn bà đẹp có sức mê hoặc vì nghi ngờ là phù thủy, thiêu đốt và tàn phá tàn tích của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và thay thế vào đó bằng chủ nghĩa khắc kỷ. Trước thời Trung Cổ, châu Âu là vùng đất của dân Barbarian (mọi rợ), vẫn còn sống trong mô hình bộ lạc thị tộc, chiến tranh giải quyết vấn đề chiếm lĩnh đàn bà để duy trì nòi giống. Các giáo lý ức chế dục của nhà nước Công giáo La Mã đã “khai sáng” cho đám người mọi rợ này, thiết lập họ trong các tiêu chuẩn về đạo đức, giảm thiểu giết chóc và rất tiện cho quản lý dân cư. Không thể phủ nhận những lợi ích này, nhưng cũng không thể không kể đến hậu quả của sự trói buộc dục, đó là nó tạo nên rất nhiều ám ảnh về dục trong tâm trí con người. Ở trong thời kỳ thống trị của Thiên Chúa giáo, con người sợ hãi phù thủy, sợ hãi quỷ nhưng lại sợ bị phù thủy mê hoặc hay nằm mơ thấy việc giao phối với quỷ. Trong số các con quỷ nổi tiếng thời Trung Cổ phải kể đến quỷ Satan và nữ quỷ Lilith. Mọi giấc mơ về dục đều đổ lỗi cho việc Satan và Lilith hiếp dâm con người. Thực tế, đó là luồng năng lượng dục vô cùng lớn bị đè nén trỗi dậy và tâm trí con người tự bao biện cho mình bằng ngay chính những giáo lý họ được học.
1499581_585041884884076_1567980217_n
Phật giáo có phần nhẹ nhàng hơn Thiên Chúa giáo trong việc ức chế dục vì Phật giáo ít can thiệp vào quyền lực hơn, nhưng Phật giáo lập luận rằng chấm dứt dục là chấm dứt vòng luân hồi và đạt tới Niết Bàn. Nhiều thế hệ sư sãi bị mắc kẹt trong luận điệu này và dành nhiều kiếp để chiến đấu với dục. Nhưng một sự thật không thể chối bỏ là chừng nào con người còn ở trong thế giới vật chất, con người còn ở trong dục. Cái gì ám ảnh với các thày tu tới mức sợ hãi sự sống đến thế mà không thể vui thú trong luân hồi? Các tín đồ của họ đã bị họ làm hủy hoại đời sống tinh thần vì luận điệu này, các tín đồ mất dần sự nhạy cảm với cái đẹp và chỉ chăm chăm cầu giải thoát, quay lưng với sự sống. Đây là luận điệu lừa mị, bởi vì, nếu con người không cầu giải thoát nữa thì đâu còn vai trò của các thày tu đạo mạo, hệ thống nhà chùa sụp đổ vì không còn sự cúng dường. Nếu đọc trong kinh Kim Cương Bát Nhã, ta có thể thấy rằng Đức Thích Ca mong muốn con người vượt lên trên tính hai mặt của cuộc sống, của xấu và tốt, của sống và chết và đạt đến chữ “Vô”; điều này không có nghĩa rằng cắt đứt sự sống, mà là dù ở thái cực nào của thế giới vật chất, của cõi Ta Bà, một người đắc đạo cũng không bị đẩy xa khỏi cái “Vô” đó.
Các nhà nước thời phong kiến dù ở phương Đông hay phương Tây đều tạo ra những ức chế dục theo cách khác nhau. Các nhà nước phương Tây thì tận dụng giáo lý Công giáo La Mã, các nước phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên luôn tìm cách gò bó dục trong khuôn khổ của luân lý và vấn đề duy trì nòi giống. Các nhà nước không chỉ ức chế dục mà còn ức chế Tình dục, tức là cắt bỏ đi phần hòa hợp về mặt tinh thần. Dục chỉ được chấp nhận trong các mối quan hệ hôn nhân hoặc một vợ một chồng, hoặc đa thê. Hôn nhân một vợ một chồng của người phương Tây mặc dù đến nay vẫn được coi là mẫu mực nhưng đi kèm với nó là những scandal ngoại tình và sự lên ngôi của nhà chứa. Chế độ đa thê ở phương Đông được tạo dựng để duy trì nòi giống của đàn ông. Không rõ chế độ đa thê xuất hiện ở phương Đông từ bao giờ, nhưng có một thực tế có thể thấy rằng đây là cách phát tán gene của người đàn ông. Chế độ đa phu không hề giúp người phụ nữ phát tán gene hiệu quả bởi vì dù có lấy nhiều chồng thì người phụ nữ vẫn phải mang thai 9 tháng 10 ngày và 2 năm cho con bú, họ không thể giao phối trong quãng thời gian này. Trong khi ấy, người đàn ông vẫn có thể gieo rắc tinh trùng của mình ở nhiều đối tượng khác nhau trong một quãng thời gian ngắn. Chiến lược phát triển dân số này của người phương Đông khiến cho phương Đông thời phong kiến không quá ức chế dục như người hiện đại vẫn tưởng mà chỉ ức chế ham muốn Tình dục ở phụ nữ. Người phụ nữ vốn dĩ có năng lượng dục mạnh hơn đàn ông, nên đàn ông khó có thể kiểm soát được việc trong khi họ đi gieo rắc gene ở chỗ khác thì người phụ nữ của họ cũng đi tìm đối tượng khác để thỏa mãn sự khoái lạc. Ở Ả Rập, người phụ nữ bị cắt “mào gà”, cơ quan kích thích khoái lạc của phụ nữ. Ở phương Đông, người phụ nữ có chồng bị ngăn cấm giao tiếp với bên ngoài và xử tội “cho trôi sông” nếu bị phát hiện ngoại tình hay chửa hoang.
Nhiều thế kỷ bị đèn nén dục bằng cách này hoặc cách khác đã đẩy con người từ bản năng dục tự nhiên sang sự đạo đức giả và tâm trí con người hoàn toàn bị “đầu độc”. Trong đầu họ bị lấp đầy bởi dục, cho dù là căm ghét, khinh bỉ hay thèm muốn, khao khát. Osho gọi hiện tượng này là “dâm dục”. Đã từng có thời người ta né tránh nói về dục, né tránh đối mặt với nó. Thậm chí hiện nay, khi những lý thuyết về khai phóng đã giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của tôn giáo và nhà nước phong kiến thì chúng ta vẫn chưa thể nói về dục một cách bình thường. Dục trở thành đề tài để cười đùa. Tại sao chuyện ăn uống không trở thành đối tượng cười đùa mà lại là dục? Bởi vì trong sâu kín trong chúng ta vẫn bị ý thức về việc phải che giấu dục, che giấu ham muốn và việc cười đùa là một biện pháp tâm lý tạo cho chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta quá hiểu biết về dục như thể một bậc thày- một chuyên gia,  và tự bản thân chúng ta đã kiểm soát được nó. Thực tế là chúng ta vẫn bị dục chi phối. Chúng ta không cười đùa về tay chân, nhưng lại cười đùa khi nói đến dương vật và âm hộ. Điều đấy chứng tỏ rằng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn tự nhiên với dục.
Cách thức các nhà nước hiện đại kích thích dục
Nếu nhà nước phong kiến ức chế dục thì ở các nhà nước hiện đại, dục được kích thích một cách vô tội vạ. Có phải đây đơn thuần chỉ là thái cực đối nghịch, là sự giải tỏa những ức chế dục? Cũng một phần, nhưng nguy hiểm hơn thế, nhà cầm quyền, truyền thông, các tập đoàn còn cố tình lợi dụng thực trạng để kích thích hơn nhằm kiếm lợi và làm mê muội tâm trí người dân.
Các nhà nước hiện đại đều được xây dựng trên nền tảng của các tập đoàn. Các tập đoàn chi phối các Đảng phái trong nhà nước, tác động đến chính quyền để chính quyền đưa ra các chính sách có lợi cho mình, sử dụng truyền thông để cài cắm các quan niệm sai lầm nhưng có lợi cho việc kích cầu, sử dụng hệ thống giáo dục để đào tạo ra những nhân công lao động xuất sắc thích hợp với hệ thống đó. Trong các nhà nước hiện đại của Âu – Mỹ, các cuộc tranh giành quyền lực không phải chỉ đơn thuần là của các Đảng phái mà còn là tranh giành thị trường. Truyền thông và giáo dục là những công cụ hữu hiệu cho các nhà nước hiện đại để duy trì quyền lực này. Tình dục cũng trở thành một cách hiệu quả nhất dùng để kích cầu trên các phương tiện thông tin.
Qúa dễ để thấy những hãng sản phẩm sử dụng yếu tố dục để lôi kéo sự thu hút của người dùng trên đủ các loại phương tiện truyền thông như báo giấy, truyền hình. Họ đã biết đánh vào sự ám ảnh không ngừng của con người và lôi kéo tâm trí. Hình ảnh khỏa thân của nam hoặc nữ trở thành một dạng” linh vật”, một “biểu tượng” để thôi miên. Nhưng những điều đó vẫn không nguy hiểm bằng ảnh hưởng của giáo dục. Việc đưa tình dục vào dạy ở nhà trường là điều cần thiết (với điều kiện những kiến thức đưa vào là khách quan); nhưng cái gây nguy hại cho dục lại đến từ một học thuyết nghe có vẻ không mấy liên quan: học thuyết tiến hóa của Darwin.
Học thuyết tiến hóa của Darwin cho rằng con người là dạng tiến hóa bậc cao của động vật có vú. Không bàn về tính đúng đắn của học thuyết này, vì cho đến giờ các chứng cứ khoa học còn chưa chứng minh được chắc chắn các lập luận về sự tiến hóa.  Tuy nhiên, có thể thấy cách hiểu này đã cấy vào tâm trí của con người một niềm tin hết  sức bệnh  hoạn: rằng con người cũng có phẩm chất động vật, và con người cũng giống như nhiều loài khác, cần phải sinh tồn và duy trì nòi giống. Tình dục, với góc nhìn của những người tin tưởng vào Darwin, tình dục chỉ là hành vi giao cấu giữa con đực và con cái, các giá trị tinh thần bị dẹp bỏ khỏi đời sống tình dục. Chỉ có ở thời của chủ nghĩa tư bản với luận điệu về tự do tình dục, các mối quan hệ hoàn toàn thú tính về tình dục mới được thừa nhận. Người ta có thể quan hệ dục thuần túy với bất cứ ai để thỏa mãn ham muốn mà  không cần bất cứ một sự gắn kết tinh thần nào. Điều này thậm chí còn không bằng cầm thú vì các loài thú có mục đích gieo rắc nòi giống của nó. Bao cao su, thuốc tránh thai… ra đời để phục vụ nhu cầu tình dục vô tội vạ của con người hiện đại. Thuốc kích dục và sex toy từ thời xa xưa đã có để kéo dài các cuộc làm tình, nhưng chỉ được lưu truyền trong bí mật, thì ở thế giới hiện đại, chúng trở thành mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn.
Con người đương nhiên có phần thú tính ở bên trong, nhưng không phải tất cả. Kích thích dục là kích thích phần thú tính ấy lấn át những đặc tính khác của con người. Con người sẽ trở nên ham muốn nhiều hơn, khả năng chinh phục bạn tình trở thành tiêu chuẩn cho sự thành công, và muốn chinh phục hiệu quả thì con người phải sở hữu nhiều vật đắt tiền hơn, tức là mua nhiều hàng hóa hơn. Học thuyết Darwin, một cách sâu xa, đã bị lợi dụng để phục vụ cho nhà nước tư bản. Bởi vậy, cho đến nay, bất cứ nhà khoa học nào đưa ra bằng chứng phản đối học thuyết này thì đều bị buộc rời khỏi vị trí giảng viên đại học hoặc rời khỏi ghế của viện Hàn lâm.
Ở một số quốc gia hiện nay như Bắc Âu và Nhật Bản, dân số đang bị giảm nghiêm trọng. Nhật Bản sử dụng truyền thông để kích thích việc sinh đẻ, nhằm tăng dân số. Đây là một chiến lược sai lầm. Có vẻ như người đưa ra chủ trương này không hiểu gì về tình dục. Tình dục và sinh đẻ trên thực tế không cần lúc nào cũng phải liên quan đến nhau. Sau nhiều thế kỷ bị đối xử như một nô lệ tình dục phục vụ duy nhất một ông chủ vừa khô khan và hiếu chiến, tự do tình dục đã chỉ ra cho người phụ nữ thấy rằng việc có con chỉ làm cản trở khoái cảm trong tình dục vì năng lượng của cô ta bị chia theo nhiều hướng khác nhau. Vì thế, người phụ nữ có thể thoải mái tận hưởng cảm giác khoái lạc trong tình dục, và ngăn ngừa khả năng sinh con bằng các biện pháp tránh thai. Có thể tình trạng này đều diễn ra ở các dân tộc bị rơi vào tình trạng dân số già.
Rõ ràng, ngay cả khi trải qua mấy cuộc Cách mạng tình dục trên thế giới, con người vẫn chưa thoát khỏi nối ám ảnh với dục, và tình dục vẫn bị coi là một điều gì đó bí hiểm, và nguy hiểm, nguy hiểm vì sự mê hoặc đến khó lường của nó.
Tự do tình dục liệu có phải giải pháp?
Có nên để con người tự do Tình dục? Câu hỏi này gây rất nhiều tranh luận. Tôi trả lời rằng: Có, chúng ta có thể để tự do tình dục. Nhưng nhớ rằng Tự do Tình dục chứ không phải Tự do dâm dục, Tự do giao phối bừa bãi. Nếu một mối quan hệ đạt đến sự giao hòa cả thể xác lẫn tâm hồn thì không có gì phải ngăn cấm. Nhưng tự do giao phối sẽ đưa chúng tay quay trở về thời Barbarian của phương Tây, quay trở về với sự thú tính, khi các con đực chém giết nhau để tranh nhau quyền giao phối. Nhưng tự do Tình dục không phải giải pháp duy nhất tối ưu. Tự do Tình dục về lâu dài sẽ nhanh chóng biến thành Tự do giao phối, vì bằng con đường Tình dục, con người không duy trì được trạng thái Thượng Đế mãi mãi, và càng tìm kiếm, con người lại càng không thể tìm được.
Hãy nhớ lại khái niệm của năng lượng dục, đó chỉ đơn thuần là năng lượng của sự sống, năng lượng này còn cho con người một khả năng đặc biệt: khả năng sáng tạo. Đừng nghĩ sáng tạo chỉ đơn thuần là hành vi của nghệ sĩ và các nhà phát kiến. Sáng tạo là khi con người dồn năng lượng cho một việc nào đó mang tính chất đột phá cho bản thân mình và xã hội. Không có nghĩa rằng theo con đường sáng tạo thì các ám ảnh dục được giải quyết hoàn toàn, nhưng chắc chắn tâm trí con người sẽ giảm các suy nghĩ ham muốn dục đi rõ rệt. Pháp tu Kundalini của  các thày tu vùng Hymalaya – Tây Tạng đã phân tích rất rõ cách luân chuyển của năng lượng dục. Từ “Kundalini” có nghĩa là “con rắn” – một cách ví von rằng dòng năng lượng luân chuyển như rắn. Đa số con người, con rắn này cuộn tròn ở luân xa 1 – luân xa dục. Khi ham muốn dục xuất hiện, dòng năng lượng này xoay tròn ở luân xa 1. Các thày tu Kundalini phải thực hành sao cho con rắn này thoát khỏi cuộn tròn và vươn mình lên trên, kích hoạt các luân xa khác, đặc biệt là đẩy tung luân xa 7 – luân xa kết nối với Thượng Đế. Điều này khá tương xứng với Tình dục, trong quan hệ Tình dục không chỉ có luân xa 1  mà cả luân xa 4- luân xa tình yêu cũng hoạt động, rất thuận tiện cho dòng chảy năng lượng vươn lên cao nhanh hơn và sớm đạt tới trạng thái Thượng Đế. Ở đời sống sáng tạo, con người vươn tới những điều mới mẻ hơn, ý nghĩa hơn, nhất là khi con người dồn sức để kiến tạo các công trình lớn lao, sáng tác các tác phẩm vĩ đại, dòng năng lượng này được kích theo chiều hướng đi lên liên tục và không còn bị xoay tròn trong luân xa 1 nữa. Đương nhiên, cách này không dành cho số đông, nhưng là cách ít gây những hậu quả khó lường nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất.
Kết luận
Thực ra Tình dục không thú vị cũng không nguy hiểm, nó không linh thiêng cũng chẳng tội lỗi. Tình dục liên tục bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác chỉ bởi chính những quan niệm bị cài đặt trong tâm trí con người. Nhiều nhà Cách mạng tình dục hay những người hô hào tự do Tình dục cho rằng giải phóng cho cơ quan sinh dục có thể đưa con người đến tự do tư tưởng, nhưng thực ra chỉ những người tự do tư tưởng mới có đời sống Tình dục đúng nghĩa. Cảm giác khoái lạc, trạng thái Thiên Đường, hóa ra lại không phải do cơ quan sinh dục quyết định, mà lại do chính não bộ quyết định, hoặc thậm chí những phần sâu hơn thế, tinh thần của con người quyết định.
Hà Thủy Nguyên
*Có một điều nữa cần cảnh báo với những độc giả của bài viết này: Nếu những bức hình tôi sử dụng trong bài báo khiến các bạn thấy bài này hấp dẫn hơn, các bạn có thể tưởng tượng ra những gì truyền thông đang làm với tâm trí của bạn.

Hoàng tử bé - Bùi Giáng (dịch): Chương 4

Antoine de Saint-Exupéry
Bùi Giáng dịch

Chương 4

XXII.

"Chào đó", hoàng tử bé nói.  
"Chào đó", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.  
"Bác làm chi đây", hoàng tử bé nói.  
"Ta tuyển lựa hành khách, từng tốp hàng ngàn", người bẻ ghi chuyển lộ hỏa xa nói.  
"Ta phát tống những chuyến tàu mang chở họ đi, lúc về phía hữu, lúc về phía tả."  
Và một chuyến tàu tốc hành sáng rỡ, vang ì ầm như sấm làm rung chuyển buồng máy bẻ ghi.  
"Họ hối hả vội vàng lắm", hoàng tử bé nói. "Họ tìm kiếm chi?"  
"Người lái đầu máy hỏa xa cũng không biết nốt", người bẻ ghi chuyển lô nói.  
Và chợt vang ì ầm, một con tàu tốc hành thứ hai sáng rực, từ phương hướng ngược chiều chạy tới.  
"Họ về trở lại rồi ư?" hoàng tử bé hỏi...  
"Đấy không phải là bọn người khi nãy", người bẻ ghi chuyển lộ nói. "Đây là một đổi trao."  
"Bọn họ không vừa lòng, tại nơi họ ở?"  
"Chẳng bao giờ người ta vừa lòng với nơi chốn mình đương ở", người bẻ ghi chuyển lộ nói.  
Và chợt vang ì ầm sấm sét con tàu tốc hành thứ ba.  
"Bọn họ đuổi theo lũ hành khách đầu tiên?", hoàng tử bé hỏi.  
"Bọn chúng chẳng đuổi theo cái gì ráo", người bẻ ghi chuyện lộ nói. "Bọn chúng ngủ khì trong đó, hoặc ngồi ngáp ngắn ngáp dài! Chỉ bọn con trẻ là dán mũi vào cửa kính mà dòm ra."  
"Chỉ lũ con trẻ là biết cái điều chúng tìm kiếm, hoàng tử bé thốt. Chúng tiêu phí thì giờ vì một con búp bê giẻ rách, và con búp bê trở thành hệ trọng, và nếu người ta cướp giật đi, thì chúng khóc lóc..."  
"Chúng may mắn lắm đó", người bẻ ghi chuyển lộ nói.  

XXIII.

"Chào đó", hoàng tử bé nói.  
"Chào đó" người buôn hàng nói.  
Đó là một người buôn bán những hoàn thuốc tuyệt hảo làm dịu cơn khát nước. Người ta nuốt mỗi tuần một viên và người ta sẽ không còn cảm thấy cần uống nước nữa.  
"Tại sao bác bán những thứ đó"? hoàng tử bé hỏi.  
"Đó là một sự tiết kiệm thì giờ rất lớn", người buôn bán nói. "Những nhà chuyên môn đã làm những con tính tổng kê. Ta dành dụm được năm mươi ba phút mỗi tuần."  
"Và dùng làm gì với năm mươi ba phút đó?"  
"Dùng làm cái gì thì làm, tùy thích..."  
"Ta", hoàng tử bé tự nhủ, "nếu ta có năm mươi ba phút để tiêu dùng, ta sẽ bước đi thật êm dịu tìm tới một mạch giếng..."
  
XXIV.

Thấm thoát loay hoay đã tới ngày thứ tám kể từ bữa hỏng máy rớt trong sa mạc, và tôi đã ngồi lắng tai nghe câu chuyện về gã lái buôn, vừa uống giọt cuối cùng của số nước tích trữ:  
"A!", tôi bảo hoàng tử bé, "những kỷ niệm của chú thật quả là xinh, nhưng tôi chữa chạy chưa xong chiếc phi cơ, tôi chẳng còn chi để uống, và tôi cũng sẽ sung sướng lắm nếu mình có thể bước đi một cách êm ái mà tìm tới một cái mạch giếng nước đâu đó đang dạt dào!"  
"Người bạn chồn cỏn con từng bảo với tôi rằng..."  
"Này chú bạn bé bỏng của tôi ơi, bây giờ không còn chuyện bạn chồn, chồn bạn, chồn cỏn con, con chồn chồn chi nữa hết!"  
"Tại sao vậy?"  
"Tại vì người ta sắp chết khát..."  
Chú bé không hiểu lý luận đó của tôi, trả lời:  
"Có một người bạn thiết, thật là tốt lắm đó, cho dẫu có sắp phải chịu chết. Tôi, tôi rất hài lòng hả dạ đã có được một anh bạn chồn..."  
"Chú không ước độ nổi cái hiểm họa lù lù, tôi tự nhủ. Chú chẳng bao giờ đói, chẳng bao giờ khát, Một chút ánh trời đã đủ lắm với chú rồi..."  
Nhưng chú nhìn tôi và đáp lại ý tưởng của tôi:  
"Tôi cũng khát nước... ta đi kiếm một cái giếng..."  
Tôi làm một cử chỉ chán nản rạc rời: "Chạy tìm một cái giếng giữa mênh mông sa mạc, là một điều phi lý".  
Tuy nhiên chúng tôi cũng đứng lên bước đi.  
Khi chúng tôi đã bước đi, đi mãi hàng giờ, lặng lẽ, thì trời sập tối, và những ngôi sao khởi sự sáng. Tôi nhìn chúng như thoáng nhìn trong chiêm bao, tôi thấy hơi có cơn sốt trong mình, vì khát nước. Những lời của hoàng tử bé nhảy múa trong ký ức tôi:  
"Chú cũng khát nước nữa hả?" Tôi hỏi thế.  
Nhưng chú không đáp câu hỏi. Chú chỉ nói giản dị:  
"Nước có thể rất là tốt đối với trái tim..."  
Tôi không hiểu lời đáp đó nhưng tôi không nói gì... Tôi biết rằng không nên hỏi chú một chút gì hết cả.  
Chú đã mỏi. Chú ngồi xuống. Tôi ngồi một bên. Sau một lúc im lặng chú bảo:  
"Những ngôi sao đẹp lắm, ấy là bởi một đóa hoa mà ta không nhìn thấy..."  
Tôi đáp “hẳn nhiên" và lặng lẽ nhìn vào những nếp cát dưới ánh trăng.  
"Sa mạc đẹp lắm", chú nói thêm...  
Và quả thật là vậy. Tôi đã yêu sa mạc luôn luôn. Người ta ngồi trên một đụn cát. Người ta chẳng thấy gì hết. Người ta chẳng nghe gì hết. Tuy nhiên có cái gì lặng lẽ chiếu sáng liên miên.  
"Cái làm cho sa mạc đẹp ra", hoàng tử bé nói, "ấy là nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó..."  
Tôi bỗng ngạc nhiên chợt hiểu sự ngời sáng huyền bí nọ của cát. Thuở tôi còn bé, tôi đã ở trong một ngôi nhà cổ kính, và một truyền kỳ truyền lại rằng có một kho tàng chôn dấu tại đó. Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có kẻ nào khám phá ra kho tàng nọ. Và có lẽ cũng chẳng có ai tìm kiếm nó. Nhưng nó đã âm thầm làm cho toàn thể ngôi nhà trở thành huyền ảo. Ngôi nhà của tôi chứa chất một niểm bí ẩn ở trong đáy linh hồn của nó...  
"Ừ", tôi bảo hoàng tử bé, "dù là chuyện căn nhà, chuyện ngàn sao hoặc sa mạc, thì cái gì làm nên vẻ đẹp của chúng, cái đó vô hình!"  
"Tôi rất hài lòng thấy bác đồng ý với anh bạn chồn của tôi. "  
Hoàng tử bé ngủ rồi, tôi ôm chú vào trong cánh tay, và tiếp tục lên đường. Tôi cảm động. Tôi tưởng mình đang ôm một kho của quí mỏng manh. Tôi tưởng chừng không có gì mong manh hơn trên Trái Đất. Tôi nhìn dưới ánh trăng vầng trán xanh xao nọ, hai con mắt khép kín nọ, mấy mớ tóc run rẩy trước gió, và tôi tự nhủ: "cái ta thấy đó chỉ là một lớp vỏ thôi. Cái hệ trọng nhất, thì vô hình..."  
Thấy hai môi chú hé mở có dáng dấp một nụ cười, tôi tự nhủ thêm: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là hình ảnh một đóa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ...". Và tôi nhận thấy dường như chú còn mong manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn. Một cơn gió có thể làm cho tắt mất...  
Và, bước đi như vậy, tôi đã tìm thấy một mạch giếng vào lúc bình minh.  

XXV.

"Người ta", hoàng tử bé nói, "người ta họ cuốn thân vào trong những chuyến xe tốc hành, nhưng họ không còn biết nữa cái điều mình tìm kiếm. Thế rồi họ loay hoay quẩn quanh mãi..."  
Và chàng nói thêm:  
"Đó chẳng đáng chi đâu mà nhọc sức."  
Cái giếng chúng tôi mò tới gặp được, chẳng giống những giếng khác trong Sahara. Những giếng nước trong Sahara chỉ là những cái lỗ đơn sơ đào trong cát. Cái giếng này lại giống một cái giếng nơi thôn ở xóm làng. Nhưng tại đây chẳng có thôn làng nào cả, và tôi tưởng mình đang chiêm bao.  
"Thật là kỳ dị", tôi bảo hoàng tử bé, "mọi sự sẵn sàng cả: bánh xe ròng rọc, cái gàu và sợi dây..."  
Chú cười, sờ vào sợi dây, nắm lấy và giật cho lăn bánh xe ròng rọc... Bánh xe ròng rọc rên siết một cái nghe như tiếng rên rỉ của một chiếc chong chóng cũ kỹ mòn mỏi đợi gió vắng thổi lâu ngày.  
"Bác nghe thấy không", hoàng tử bé nói, "chúng ta đánh thức cái giếng dậy, và nó ca hát đó..."  
Tôi không muốn chàng ta phải nhọc sức.  
"Để đó cho tôi", tôi bảo, "chú thì nhỏ, mà nó thì bự quá."  
Chậm rãi, tôi kéo cái gàu lên tới bên mép giếng. Tôi đặt nó nằm yên ổn vững chắc tại đó. Trong tai tôi như còn nghe ngân dài tiếng ca của bánh xe ròng rọc và trong bóng nước còn rung rinh tôi nhìn thấy mặt trời run rẩy.  
"Tôi khát thứ nước nọ", hoàng tử bé nói, "cho tôi uống đi..."  
Và tôi hiểu chàng đã từng tìm kiếm cái thứ gì!  
Tôi nâng cái gàu nước lên ngang miệng chú bé. Chú uống, hai mắt nhắm lại. Cũng êm ái dịu dàng như hội là lễ ấy. Cái nước đó quả là cái gì khác hơn cái món ăn món uống. Nước đó phát sinh từ trận bước đi dưới vòm trời sao sáng, từ điệu ca của bánh xe ròng rọc, từ cuộc gắng sức của hai cánh tay tôi. Nó tốt cho trái tim lắm đó, cũng như một tặng vật. Thuở tôi còn bé, màu ánh sáng cây Noel, tiếng âm nhạc mi xa bán dạ, mối dịu dàng trên những làn môi mỉm cười, đã từng làm nên cái rõi rạng ngời bờ bến của Tặng vật Noel mà tôi đã đón nhận cho tuổi thơ mình.  
"Những con người ta trong xứ sở của bác", hoàng tử bé nói, "họ trồng trọt năm ngàn đóa hồng mọc chung trong một thửa vườn... và họ chẳng tìm ra cái mà họ tìm kiếm."
"Họ chẳng tìm ra", tôi đáp...
"Ấy thế mà cái họ tìm kiếm rất có thể được tìm ra trong riêng chỉ một đóa hồng hoặc trong một tí nước giọt."  
"Hẳn thế", tôi đáp...  
Và hoàng tử bé nói thêm:  
"Nhưng con mắt nó mù. Phải tìm kiếm với cái trái tim. "  
Tôi đã uống. Tôi hô hấp tốt lành. Cát, lúc bình minh, màu hồng vàng của mật. Tôi sung sướng trở lại rồi với cái màu mật dịu dàng ấy. Tại sao còn phải khổ não làm gì nữa ở trong lòng của cái trái tim...  
"Bác cần phải giữ cái lời hứa", hoàng tử bé nói dịu dàng, và trở lại ngồi xuống bên cạnh tôi.  
"Lời hứa nào?"  
"Bác biết đó... một cái rọ bịt mõm cho con cừu của tôi... Tôi có trách nhiệm với cái đóa hoa đó!"  
Tôi rút trong túi áo ra những phác họa hình vẽ. Hoàng tử bé nhìn thấy thoáng một cái, thì cười một trận:  
"Những cây cẩm quỳ của bác, chúng hơi giống những búp su đấy..."  
"Ồ!"  
Tôi, tôi đã hãnh diện xiết bao với những cây cẩm quỳ của mình!  
"Con chồn của bác... những cái tai của nó... hơi giống những cái sừng một chút... và chúng dài quá đi!"  
Và chú ta cười nữa.  
"Chú bất công lắm, chú bé ạ, tôi chỉ có biết vẽ những con trăn khép bụng và những con trăn mở bao tử mà thôi."  
"Ồ! không sao, cũng được đi cái đó, con trẻ thì chúng hiểu mà. "  
Vậy là tôi nguệch ngoạc một cái rọ bịt mõm. Và lòng tôi se lại lúc trao cái rọ cho chú:  
"Chú có những dự định gì tôi không rõ..."  
Nhưng chú không trả lời. Chú bảo:  
"Bác biết, cuộc rơi xuống Đất này... từ bữa tôi rớt xuống Trái Đất... mai đây là đầy năm..."  
Rồi, sau một lúc im lặng, chú nói thêm:  
"Tôi đã rớt xuống tại chỗ gần sát đây..."  
Và chú đỏ mặt.  
Và lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy một mối sầu kỳ quặc. Tuy nhiên tôi buột miệng hỏi:  
"Vậy thì không phải do tình cờ mà cái bữa sáng hôm đó tôi được quen biết chú, cách đây tám ngày, không phải tình cờ mà chú dạo gót một mình như vậy, xa hàng ngàn dặm những miền đất đai người ta ở! Chú đã bước đi tìm lại cái chỗ đã rơi xuống?"  
Hoàng tử bé lại đỏ mặt nữa.  
Và tôi nói thêm, ngập ngừng:  
"Có lẽ là bởi cái ngày kỷ niệm giáp năm?..."  
Hoàng tử bé đỏ mặt lần nữa. Chú chẳng bao giờ đáp những câu hỏi, nhưng, khi người ta đỏ mặt, cái đó có nghĩa là “vâng ạ", phải không?  
"A! Tôi sợ..."  
Nhưng chú đáp:  
"Bây giờ bác phải làm công việc đi. Bác phải quay trở lại với cái máy đi. Tôi chờ bác tại đây. Tối mai bác trở lại đây..."
Nhưng tôi không an lòng. Tôi nhớ lại con chồn. Người ta có thể sa vào trong từng cơn rơi lệ nếu người ta từng đã để cho một ai đó tuần dưỡng cõi lòng mình...  

XXVI.

Bên cạnh cái giếng có một bờ tường đổ nát. Khi tôi từ phi cơ quay trở lại tối hôm sau, tôi thấy thoáng hoàng tử bé ngồi ở bên kia, buông thõng hai ống chân xuống. Và tôi nghe chú nói:  
"Chú quên rồi sao?", chàng nói. "Không đúng hẳn là chỗ này!"  
Một giọng khác đáp lại:  
"Sao không! Sao không! chính là đúng cả ngày đó, tuy rằng cái chỗ không phải là đây..."  
Tôi tiến tới phía bờ tường. Tôi không nhìn thấy cũng không nghe ra kẻ lạ đó là kẻ nào. Tuy nhiên hoàng tử bé lại đáp trở lại:  
"... Hẳn nhiên. Chú sẽ thấy cái dấu chân tôi khởi từ chỗ nào trên mặt cát. Chú chỉ cần chờ tôi tại đó. Tôi sẽ tới đó đêm nay."  
Tôi còn cách bức tường hai mươi thước, và vẫn chẳng nhìn thấy gì hết.  
Hoàng tử bé nói thêm, sau một hồi im lặng:  
"Chú có nọc độc tốt đó chớ? Chú chắc chắn là không làm tôi đau đớn quá lâu?"  
Tôi dừng lại, lòng se thắt, nhưng vẫn không hiểu được.  
"Bây giờ chú hãy đi đi, chàng nói... tôi muốn tuột xuống trở lại!"  
Bây giờ tôi mới đưa mắt ngó xuống phía dưới hoàng tử bé, và tôi nhảy đánh thót một cái! Tại đó, một con rắn đang vươn mình lên hướng đầu về phía hoàng tử bé. Một con rắn trong cái loại rắn màu vàng rất độc, nó mổ một cái là kết liễu tính mạng người ta sau mười giây đồng hồ tíc tắc. Tôi vừa moi trong túi tìm cái khẩu súng sáu rút ra, vừa chạy nhanh tới, nhưng nghe tiếng chân động, con rắn đã nhẹ nhàng lướt vào trong cát, như một tia nước chìm tan, len lỏi mất tăm vào giữa những gạch đá văng vẳng một tiếng động ti ti như âm thanh kim khí...  
Tôi tới bờ tường vừa đúng lúc để đón nhận trong cánh tay mình thân chú hoàng tử bé bỏng, xanh xao trắng bạc như màu tuyết.  
"Hừ hừ! Cái chuyện làm như rứa đó là cái chuyện chi! Chú ăn nói cái chi, mà bữa nay lại đi ăn nói với rắn!"  
Tôi đã lột cái khăn choàng vàng óng mà chú liên miên quấn trên vai. Tôi đã đắp nước vào hai màng tai chú và bắt chú uống. Và bây giờ tôi không còn dám hỏi chú gì nữa cả. Chú nhìn tôi nghiêm trọng và đưa tay choàng qua cổ tôi. Tôi cảm thấy trái tim chú đập hổn hển như trái tim một con chim hấp hối khi bị viên đạn vào. Chú bảo tôi:  
"Tôi rất hài lòng cho bác đã tìm ra được cái vật thiếu mất đi mấy ngày rày ở trong cái máy của bác. Bác sắp có thể về lại quê nhà bác..."  
"Làm sao mà chú biết!"  
"Thì chính tôi đến tìm chú để báo tin rằng, bất ngờ hết sức, tôi đã thành công trong cái việc làm hì hục, may mắn một cách bất ngờ không tưởng tượng được."  
Chú không trả lời tôi, chỉ nói thêm!  
"Tôi cũng vậy, hôm nay, tôi trở về quê nhà..."  
Rồi ủ rũ:  
"Thật xa hơn nhiều lắm... Thật khó khăn hơn nhiều lắm..."  
Tôi cảm thấy rõ là có cái gì kỳ lạ đã xảy ra. Tôi ôm siết chú trong tay, mà vẫn tưởng như chú đang trôi tuột xuống một cái hố, và tôi chẳng có thể làm được gì hết để nắm giữ chú ở lại bên mình.  
Chú có cái nhìn trang trọng, chìm hút xa xôi:  
"Tôi có con cừu bác cho. Tôi có cái thùng cho con cừu. Và tôi có cái rọ bịt mõm..."  
Và chú mỉm cười ủ rũ.  
Tôi chờ rất lâu. Tôi cảm thấy thân chú dần dà ấm lên một chút:  
"Chú bé ạ, chú đã có sợ hãi..."  
Chú từng đã có sợ hãi, hẳn nhiên. Nhưng chú cười dịu dàng:  
"Tôi sẽ còn sợ hãi nhiều hơn nữa, đêm nay..."  
Lần nữa tôi cảm thấy tê cóng cả người vì linh cảm một cái gì bất khả vãn hồi đang xảy đến. Và tôi hiểu rằng mình không thể chịu đựng nổi cái ý tưởng sẽ chẳng bao giờ còn nghe nữa tiếng cười kia. Đối với tôi, tiếng cười đó cũng như nguồn giếng trong sa mạc.  
"Chú bé ngu ngơ lẩn thẩn ôi, tôi muốn còn được nghe chú cười nữa..."  
Nhưng chú bảo tôi:  
"Đêm nay, là giáp một năm. Ngôi sao của tôi sẽ sáng ở ngay bên trên cái chỗ mà năm ngoái tôi đã rớt xuống..."  
"Chú bé ngẩn ngơ ôi, có phải đó là một cơn ác mộng hay không, cái câu chuyện rắn, và hẹn giờ, và ngôi sao..."  
Nhưng chú không đáp câu hỏi của tôi. Chú bảo:  
"Cái cốt yếu, làm sao mà nhìn thấy với hai con mắt..."  
"Hẳn là như thế..."  
"Đó cũng như là chuyện đóa hoa. Nếu bác yêu một đóa hoa nằm ở trong một ngôi sao, thì ban đêm nhìn lên trời, thật là êm ái. Hết thảy các ngôi sao đều nở hoa."  
"Hẳn là như thế..."  
"Đó cũng như là chuyện nước. Nước bác cho tôi uống nghe róc rách giống như một thứ âm nhạc, do cái tiếng bánh xe ròng rọc và cái sợi dây... bác nhớ đó... trước thật tốt lành."  
"Hẳn là như thế..."  
"Ban đêm bác sẽ nhìn những ngôi sao. Ở quê nhà tôi, thì nhỏ lắm, tôi không chỉ dẫn cho bác ngó thấy được ngôi sao của tôi nằm tại chỗ nào. Như vậy kể cũng hay. Ngôi sao của tôi sẽ là một trong những ngôi sao đối với bác. Thì như thế, hết thảy những ngôi sao, bác sẽ thích nhìn... Hết thảy đều là bạn của bác. Và đây này tôi giao bác một tặng vật."  
Chú lại cười.  
"A! Chú bé ôi, chú bé ngẩn ngơ ôi, tôi muốn nghe tiếng cười ấy!"  
"Chính đó sẽ là tặng vật của tôi... đó sẽ là cũng như với nước..."  
"Chú có ý nói sao?"  
"Người thiên hạ có những ngôi sao không như nhau vậy. Đối với kẻ này du lịch thì ngôi sao là kẻ dẫn đường. Đối với kẻ kia, ngôi sao chẳng gì khác hơn là những đốm sáng li ti. Đối với những kẻ nọ bác học, ngôi sao là những vấn đề. Đối với người ắp phe, ngôi sao là những nén vàng. Nhưng hết thảy những loại sao đó đều câm. Bác, thì bác sẽ có những ngôi sao như của riêng của bác, không ai có được như thế..."  
"Chú bé có ý nói chi?"  
"Ngày sau, những lúc nào bác ngó bầu trời đêm đêm, vì bởi rằng tôi sẽ trú tại một ngôi sao trong đám sao xúm xít đó, vì bởi tôi sẽ cười ở trong một ngôi sao nào trong số đó, thì đối với bác cũng như là mọi ngôi sao cùng người lên tất cả. Bác ạ, bác sẽ có những ngôi sao thảy thảy biết cười!"  
Và chú cười nữa.  
"Và khi nào mai sau bác được an ủi (người ta sẽ được an ủi luôn luôn) bác sẽ hài lòng vì đã quen biết tôi. Bác sẽ luôn luôn là người bạn của tôi. Bác sẽ muốn cười với tôi. Và bác sẽ mở cánh cửa sổ ra đôi lúc, vậy đó, cho vui hứng hoan hỷ... đó thôi. Và những bạn hữu của bác sẽ ngạc nhiên nhìn thấy bác ngó trời mà cười. Thì bác sẽ bảo họ: "Ừ, những ngôi sao, những ngôi sao là cái gì như thế! Mà bởi đâu cái đó lúc nào cũng khiến cho tôi cười!". Và họ sẽ tưởng là bác điên. Thế thì té ra tôi sẽ chơi khăm bác một vố tệ hại thật..."  
Và chú cười nữa.  
"Thì cũng như là tôi đã cho bác một mớ những lục lạc, những chuông con viết cười, thay vì những ngôi sao..."  
Và chú cười nữa. Rồi trở lại nghiêm trang:  
"Đêm nay... bác biết đó... đừng có tới nhé."  
"Tôi sẽ không rời chú."  
"Tôi sẽ có vẻ như đau đớn... tôi sẽ có vẻ như là chết đi, có vẻ sơ sơ thôi. Vậy đó. Bác đừng tới coi làm chi, có đáng chi đâu..."  
"Tôi sẽ không rời chú"  
Nhưng chú bé lo âu.  
"Tôi nói vậy... ấy là bởi con rắn. Chẳng nên để nó mổ vào bác... Rắn, chúng nó độc ác lắm. Có thể cắn mổ người ta để mà chơi..."  
"Tôi sẽ không rời chú."  
Nhưng có cái gì làm chú bé an tâm:  
"Ấy nhưng thật rằng chúng không còn nọc độc nữa cho lần mổ thứ hai..."  
Đêm hôm đó tôi không nhìn thấy chú khởi sự lên đường. Chú đã thoát đi ra không tiếng động. Lúc tôi chạy theo kịp, thì chú bước đi một cách quyết định, bước đi nhanh. Chú chỉ nói:  
"A! bác lại tới rồi..."  
Và chú nắm lấy tay tôi. Nhưng chú còn bứt rứt:  
"Bác sai rồi đó. Bác sẽ khổ lòng. Tôi sẽ có vẻ như chết đi, và thật ra là không phải..."  
Tôi, tôi im lặng.  
"Nhưng sẽ cũng chỉ như một cái vỏ khô bỏ rớt lại. Đâu có chi buồn, những cái vỏ khô..."  
Tôi, tôi im lặng.  
Chú có ý chán nản một ít. Nhưng chú gắng nói thêm:  
"Sẽ ngộ nghĩnh lắm mà. Tôi nữa, tôi cũng sẽ nhìn những ngôi sao. Mọi ngôi sao sẽ là những cái giếng với một cái bánh xe ròng rọc hoen rỉ. Mọi ngôi sao sẽ rót nước cho tôi uống..."  
Tôi, tôi im lặng.  
"Sẽ thích thú lắm mà! Bác sẽ có năm trăm triệu cái chuông con, tôi sẽ có năm trăm triệu cái giếng..."  
Và chú, chú cũng im lặng, vì chú khóc...  
"Đó rồi. Để cháu bước một mình."  
Và chú ngồi xuống vì chú sợ.  
Chú nói nữa:  
"Bác biết đó... đóa hoa của tôi... tôi chịu trách nhiệm. Nó yếu ớt quá! Và ngây thơ quá. Nó có bốn cái gai nhọn chẳng ăn nhầm đâu vào đâu cả, thì làm sao mà tự bảo vệ được thân mình..."  
Tôi, tôi ngồi xuống vì tôi không có thể đứng được nữa. Chú bảo:  
"Đó... Thế là xong..."  
Chú ngập ngừng một chút, rồi đứng dậy. Chú bước một bước. Tôi, tôi không thể nhúc nhích nữa.  
Chỉ có thấy một thoáng chớp vàng lóe bên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng.

  
XXVII.

Và ngày nay, hẳn nhiên, đã sáu năm rồi... Tôi chưa lần nào kể lại chuyện này. Những bạn bè gặp lại tôi đã hài lòng thấy tôi thoát nạn mà trở về. Tôi buồn rầu nhưng tôi bảo họ: Ấy chỉ vì mệt mỏi...  
Bây giờ tôi thấy hơi an ủi. Nghĩa là... không hoàn toàn an ủi. Nhưng tôi biết rõ lắm là chú bé đã trở về tinh cầu mình, bởi vì lúc trời sáng, tôi không thấy tấm thân chú ở đâu. Tấm thân chẳng có chi nặng lắm... Và tôi thích lắng nghe tinh tú ban đêm. Ấy cũng như là năm trăm triệu chuông con lấp lánh dịu dàng reo...  
Nhưng rồi lại có một sự kỳ lạ xảy ra.  
Cái rọ bịt mõm mà tôi đã vẽ cho hoàng tử bé, tôi đã quên thêm vào cái đai da! Chú sẽ chẳng bao giờ cột được cái rọ vào mồm con cừu. Tôi tự hỏi: "Việc gì đã xảy ra trên tinh cầu của chú bé? Có thể rằng con cừu đã ăn mất đóa hoa..."  
Lúc thì tôi tự nhủ: "Chắc hẳn là không! Hoàng tử bé đêm nào cũng nhốt kín đóa hoa dưới bầu tròn bằng gương, và chú canh chừng kỹ lưỡng con cừu..." Thế là tôi sung sướng. Và mọi tinh tú dịu dàng cười.  
Lúc thì tôi tự nhủ: "Làm sao khỏi có một lúc nào đó người ta lơ đễnh, và chừng đó đủ rồi! Một đêm nào, chú đã quên cái bầu tròn, hoặc là con cừu đã mò ra không tiếng động..." Thế là những chuông con biến hết thành lệ!...  
Đó là một bí mật rất lớn. Đối với bạn, bạn cũng yêu hoàng tử bé, cũng như đối với tôi, không có gì của vũ trụ còn giống như nguyên, nếu một nơi nào đó, chẳng biết là đâu, một con cừu mà chúng ta không biết, đã có hay không, ăn mất một đóa hồng...
Bạn nhìn trời đi. Hãy tự hỏi: con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa? Và bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi xiết bao...  
Và không một người lớn nào sẽ hiểu rằng sự ấy có hệ trọng chi nhiều như thế!  
Cảnh đó đối với tôi là phong cảnh đẹp nhất và buồn nhất cõi thế gian. Đó cũng là cùng một phong cảnh với trang trước, nhưng tôi vẽ lại nó một lần nữa để chỉ cho bạn nhìn thật rõ. Chính tại đó là nơi hoàng tử bé hiện ra, rồi biến mất.  
Bạn hãy chăm chú nhìn phong cảnh ấy đi để có thể tin chắc là sẽ nhận ra được nó, nếu một ngày nào bạn sẽ du lịch sang Phi châu, trong sa mạc. Và nếu bạn có dịp đi ngang qua đó, tôi xin khẩn cầu bạn nhé, xin bạn đừng vội vã qua mau, xin chờ một chút, ở ngay dưới ngôi sao! Nếu lúc đó một đứa bé tới bên bạn, nếu có cười, nếu nó có mái tóc vàng, nếu nó không trả lời lúc người ta hỏi nó, thì bạn sẽ đoán ra nó là ai. Thì xin hãy độ lượng vui lòng chịu khó. Đừng để tôi phải buồn quá thế này: viết thư nhanh cho tôi, nhắn cho tôi biết rằng chú bé đã trở lại...
 


Phụ lục
Thơ

Trung Niên tặng Saint-Exupéry
 

Ngậm ngùi từ biểu ngôn trưng 
Âm dong tiếu mạo hình dung xa vời

(Mưa nguồn hòa âm 
Nhật ký Nguyễn Du)

  
Chút gọi là
 Giếng vàng cổ nguyệt vàng hoe 
Nằm im suốt cõi vắng hoe tâm hồn 
Chỉ sầu một chút cỏn con 
Ấy sầu riêng chút cỏn con gọi là

  
Bóng hồng và cánh hồng
 Bóng Hồng gieo bổng Cánh Hồng 
Bên Quần Thoa mỵ Bên Hồng Hộc tung 
Bên hồng quần bóng Liễu buông 
Bên hồng hoang Nhạn giũ buồn Thiên Nga

  
Bên vùng
 Bên vùng nước mọc lim dim 
Giữa đêm thuyền đắm mộng chìm thênh thang 
Luân hồi trở giấc dã man 
Lên mùa ngọc diện dã tràng thu thanh 
Bạch hồng hải điểu cầm canh 
Phường xuân dị biệt chưa thành lối đi

  
Hồi sinh
Thưa em đời rộng đang chìm 
Người trao kẻ giữ đứa tìm chưa ra 
Hồi sinh hồng lệ trao quà 
Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm em

(Ngàn thu rớt hột)

 *
 Đắm
 Thưa em đời rộng đang chìm 
Người trao người giữ đứa tìm chưa ra 
Giật mình lá cỏ tháng ba 
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng 
Đứa tìm ngõ chạy lang thang 
Người trao đã chết theo tràng giang đi

  
Một chùm
 Một chùm lá một chùm cây 
Một chùm kết cụm mỏng dày ra bông 
Một chùm trái đỏ sương đồng 
Lắt lay cây giũ phiêu bồng nắng bay 
Chùm bông tuyết mỏng ngân dài 
Gieo vàng sa mạc vần xoay nghiêng mình.

  
Ngựa
 Ngựa lên đường một ngả ba 
Một dâng ngả bảy dàn xa ngả mười 
Một rừng chở biển rút lui 
Đầu dâng tóc rũ cho vui ý rừng 
Ngựa lên đường, ý rưng rưng 
Ngụ trong ý tứ ngựa mừng máu me 
Ngất trời rợp tạnh bóng khe 
Đầu dâng tóc lục cho khe gội vàng 
Ngựa lên đường rẽ lối ngang 
Ngụ trong ý ngựa dọc ngang tự mình 
Ngất trời dâu biển nín thinh 
Đầu dâng tóc loạn cho mình riêng vui 
Ngựa lên đường rẽ lối xuôi 
Ngụ trong ý ngựa trời vui hơn mình 
Dậy trời ngất tạnh điêu linh 
Đầu dâng tóc rối cho tình tự ren 
Ngựa lên đường biến ra hoa 
Ngụ trong ý ngựa hồn hoa dậy thì 
Loạn trời cuồng đất dại mây 
Đầu dâng tóc cụt cho ngây ngây người 
Ngựa lên đường ngựa mất chân 
Ngụ trong ý ngựa đất cần ngựa đi 
Song trùng non biển chia ly 
Đầu dâng tóc trục cho tỳ sương pha


Gò Công
 Gò Công nhớ phố thị này 
Ghi hình trùng ngộ dặm dài lang thang 
Một lầm hai lỡ giữa trang 
Còn trong ý gió lang thang bên ngoài 
Những ngày lạnh rớt phai phai 
Những ngày đầu ngõ vườn mai vắng người

  
Châu Đốc
 Một hôm ở giữa một vùng 
Một hàng cò trắng rẽ vào cụm mây 
Về sau sự huống khôn tày 
Đi về lãng đãng những ngày mù sương 
Bước xa bờ cỏ xa đường 
Cuối cùng lãng đãng về vườn mây bay

  
Em bé
 Nhớ ngày hành cước phương xa 
Gặp em bé nhỏ tên là lang thang 
Ngủ yên xó chợ đầu đàng 
Như đời ngủ giữa xó đàng biển dâu 
Một hôm sự huống đi về 
Trong cơn mộng dậy bên lề tang thương 
Cầm tay em bé vô thường 
Phất phơ rong ruổi dặm đường trùng lai 
Một hôm đường thấy xuôi dài 
Dòng xuôi lên ngược về ngay bên mình 
Cầm tay em bé thình lình 
Nằm yên ngủ giữa dị hình tang thương 
Một hôm tang hải lên đường 
Vấp chân người ngủ vô thường người nghe 
Cầm tay em bé cuối hè 
Đứng lên vỗ nhịp hội hè tang thương 
Yêu nhau dọc suốt dặm đường 
Chừng nghe dâu biển dặm đường đổi tên.  

Bùi Giáng 
(Gò Công Châu Đốc, Thu Đông 1973)



LÊN ĐẦU TRANG