Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

nghĩ vụn về copy

1) Kẻ yếu hơn, kém hơn, trí tưởng tượng tồi hơn, lười biếng hơn, luôn muốn và sẵn sàng copy của người giỏi hơn, chăm hơn. Việc này đã, đang và sẽ luôn luôn như thế, giống như côn trùng bị hút về phía nguồn sáng, cứ chỗ nào sáng hơn, hay hơn, đẹp hơn sẽ bị bu vào chấm mút. Nên nếu em “được” người khác copy, hãy tự hào là mình đã tạo ra cái hay, cái riêng, cái đáng copy.
2) Người ta không bao giờ có thể copy 100% được một thứ vốn do người khác tạo ra. Bằng cách bắt chước cái mà chúng ta nghĩ là hay, chúng ta HỌC CÁCH TẠO RA CHÍNH MÌNH. Tất nhiên có những người sử dụng việc bắt chước chỉ để trục lợi, nhưng thế thì họ đang tự huỷ hoại uy tín, lòng tự trọng, và nền tảng học tập của chính mình. Kết quả vốn đã có từ trong hành động, không cần đợi đến toà tuyên án.
3) Chúng ta đang sống trong thế giới số, nơi internet san phẳng mọi thứ, và lượng content mà con người tạo ra đang tăng theo hàm mũ. Lợi ích mà chúng ta hưởng từ khối content khổng lồ này là không đo đếm được (hãy nghĩ về các hệ điều hành, phần mềm, phim, nhạc và sách mà em đang tiêu thụ). Cuộc tranh luận về copyright, file-sharing và digital culture vẫn đang diễn ra khốc liệt giữa một bên là các nhà sản suất content và một bên là các nhóm bảo vệ quyền được copy và sử dụng content, ví dụ như các nhóm đứng đằng sau The Pirate Bay hoặc các trang torrents mà chúng ta đang sử dụng như một điều hiển nhiên. Anh sẽ không sa vào cuộc tranh luận kiểu đạo đức rằng “em hãy ngừng ăn cắp nữa rồi hẵng nói đến chuyện người khác không nên ăn cắp”, anh chỉ muốn nhấn mạnh rằng THỰC TẾ LÀ TRONG THẾ GIỚI ONLINE, EM ĐANG DÙNG CHÙA ĐỒ CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ NGƯỜI KHÁC ĐANG DÙNG CHÙA ĐỒ CỦA EM, dù em có chấp nhận hay không thì thực tế vẫn đang diễn ra như vậy.
4) Anh muốn đặt một câu hỏi: nếu em hưởng lợi từ internet 1000 thứ, internet lấy đi của em 1 thứ, em có sẵn sàng cho đi không? Anh thì có. Ai lấy không quan trọng. Anh mong là nó có ích cho họ, như rất nhiều thứ đã có ích cho anh mà anh download được.
5) Anh hình dung có hai thứ bị tổn thương khi một sự copy diễn ra: a) lợi ích kinh tế và b) cái Tôi sáng tạo
a) Việc người khác dùng chùa đồ của anh không khiến anh nghèo hơn chút nào. Nếu họ không copy thì anh cũng chẳng giàu hơn. Anh vẫn đang làm việc hàng ngày và kiếm đủ tiền để sống.
b) Cái TÔI SÁNG TẠO, nếu nó thực sự sáng tạo, nó sẽ biết rằng nó là duy nhất, độc sáng, và không thể bị copy. Thêm một bước nữa, nếu nó đủ trưởng thành, nó sẽ biết rằng nó KHÔNG TỒN TẠI. Nói cách khác, em không sáng tạo, mà là SỰ SÁNG TẠO chảy qua em, em chỉ là người thừa hành, em là cánh cổng trong suốt kết nối CÁI ĐẸP và thế giới. Khi em biết như thế, em sẽ không vì một sự copy mà bị tổn thương. Thứ đó quá tầm thường và tội nghiệp đối với em.
6) Cá nhân anh rất thích khi người khác copy mình, hoặc sử dụng/chia sẻ content của mình. Điều đó có nghĩa là các ý tưởng của anh đang được nhân rộng, các câu chuyện của anh đang được lắng nghe, và bất cứ gì anh muốn gửi gắm qua nỗ lực sống và sáng tạo của mình được lan truyền.
7) Bài viết này không phải để bảo vệ và khuyến khích copy, cho dù em có thể hiểu lầm là vậy. Anh không quan tâm lắm đến những người phải copy để sống: họ đã đủ đáng thương rồi. Anh quan tâm đến những người sáng tạo hơn, và điều anh muốn nói với họ là: đừng giận nữa, phí lắm, thả lỏng ra, tập trung năng lượng vào việc sáng tạo, em đã nhận được quá nhiều đặc ân rồi, tận hưởng đi, và tiếp tục làm cho thế giới đẹp hơn.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

nếu không em thì ai !?

Hôm qua em nói, em thấy mình không có tư cách bàn đến chuyện đúng-sai. Nhưng nếu em không có tư cách thì ai có tư cách? Đúng/sai, thiện/ác, hay/dở ở trên đời, thứ nhất là luôn đi kèm với nhau, thứ hai là luôn đi kèm với người quan sát. Tiêu chuẩn là do em chọn, cho dù em vẫn luôn đổ tại môi trường / hoàn cảnh / hệ thống ràng buộc em. Não của em chỉ một người duy nhất tẩy được.
Bây giờ em nói em không có tư cách bàn đến chuyện chính trị / xã hội / nghệ thuật / tâm linh, hay bất kỳ chủ đề nào. Vậy thì ai có tư cách? Chính trị gia / nhà văn hóa / nhà khoa học / nghệ sĩ / lãnh tụ tôn giáo ư? Đám đông ư? Gia đình ư? Họ có tư cách gì để đặt ra tiêu chuẩn cho cuộc đời em? Lấy cơ sở nào để biết lời nói của họ đáng tin? Cơ sở chính là em. Em đã tin vào điều họ nói TRƯỚC khi nghe họ nói. Em chọn nghe họ để khẳng định lại niềm tin của chính mình mà thôi.
Vấn đề không phải là tư cách. Vấn đề là trách nhiệm. Em có dám chịu trách nhiệm với tư tưởng / cảm xúc / lòng tin của mình hay không. Em có dám biến chúng thành hành động bất chấp kết quả / hậu quả hay không. Em có dám sống cuộc đời CỦA EM hay không.
Vấn đề không phải là tư cách. Vấn đề là lòng dũng cảm. Và sự chân thành. Ở đây. Bây giờ.
Nếu không bây giờ thì bao giờ?

đéo ai quan tâm đâu !

Em, người đang cô độc, tủi thân, khóc lóc vật vã, nhục nhã ê chề.
Em, người đang hạnh phúc, lâng lâng, vui sướng tràn trề, bay cao hơn đập đá.
Em, người đang không cảm thấy gì cả và khổ sở vô cùng vì không cảm thấy gì cả.
Nếu em biết rằng đéo ai quan tâm thì em có thôi đau khổ / vui sướng / hay cảm thấy bất cứ điều gì em đang cảm thấy hay không?
Anh nói thật đấy, không đùa. Chuyện này nghiêm trọng hơn là em tưởng. Bởi vì hình như em đang làm tất cả những gì em làm và em đang cảm thấy những gì em cảm thấy, bởi vì em cần/muốn/căm ghét/sợ hãi sự quan tâm của người khác.
Nhưng đéo ai quan tâm đâu. Người ta cũng như em, ai cũng chỉ quan tâm đến chính mình mà thôi.
Hãy hiểu điều này cho thật rõ.
Chúng ta sinh ra với sáu giác quan. Chúng ta quan sát thế giới bằng cách nhìn, nghe, chạm, nếm, ngửi và tư duy. Suốt đời chúng ta có mỗi một việc ấy thôi – quan sát thế giới, nhận thức thế giới, và tìm cách hiểu cho được tại sao chúng ta lại đứng ở đây giữa thế giới. Đấy là lý do tại sao Mark Twain lại nói có hai ngày quan trọng nhất cuộc đời em, đấy là ngày em sinh ra và ngày em hiểu được tại sao.
Thế và, thực tế là đại đa số, ý anh là hầu như toàn bộ, 99,99% nhân loại xung quanh em không ai hiểu tại sao. Họ không hiểu tại sao họ lại đang đứng chỗ họ đang đứng, làm việc họ đang làm, cảm thấy thứ họ đang cảm thấy. Họ không biết mình là ai. Vì không biết mình là ai, nên họ tìm kiếm định nghĩa bản thân họ TỪ NGƯỜI KHÁC. Anh thấy tôi có đẹp  không? Em thấy tôi có giỏi không? Bạn thấy mình có thú vị không? Xe mình có đẹp không? Nhà mình có to không? Con mình có xinh không? Có à, hihihi. Không ư, buhuhu.
Khi em bước vào một căn phòng (một lớp học, một nhà ga, một chỗ nào có đông người), em sẽ nghĩ ngay rằng ối, họ sẽ nghĩ gì về mình đây. Mình mặc thế này có ổn không? Trông mình có ngu không? Mình vừa ị xong nhưng không rửa tay, có ai biết không nhỉ?
Nhưng em ạ, đéo ai quan tâm đâu.
Chính họ cũng đang tự hỏi là họ có ổn không trong mắt em. Ai cũng đang tự hỏi là mình có ổn không TRONG MẮT NGƯỜI KHÁC. Ừ, anh biết, lố bịch bỏ mẹ đi được, nhưng kiểu nó là vậy. Có phải tự nhiên mà Satre là tuyên bố “người khác là địa ngục” đâu em.
Giờ thì em biết bí mật vĩ đại nhất của loài người rồi đấy. Thực ra còn một bí mật khác, đấy là khi em biết mình là ai, em hiểu tại sao em lại ở đây, tự nhiên em sẽ không còn băn khoăn mấy về bản thân mình nữa. Lúc đó, em sẽ quan tâm đến người khác, quan tâm thực sự, mặc kệ họ có quan tâm đến em hay không. Lúc đó, em sẽ được tự do.
Còn bây giờ, đừng buồn nữa. Đứng dậy, đi ăn cái gì ngon, xem cái gì hay, hoặc chơi cái gì thật đã. Rồi sáng mai thức dậy sau khi ngủ một giấc dài, em hãy làm ngay cái điều em đã muốn làm từ lâu mà không dám làm. Đến nói với sếp em rằng sếp ngu như lợn. Đến nói với bạn gái mà em để ý lâu nay rằng ôi em xinh vãi linh hồn hãy ngủ với anh đêm nay. Đến nói với bố mẹ em rằng em cần phải dọn ra ở riêng đây. Anh không biết em xử lý từng trường hợp cụ thể thế nào, thành công hay ăn tát, bởi vì, thực lòng mà nói, anh đéo quan tâm.
Và đéo ai quan tâm cả. Nên em hãy cứ sống đi.
Thế nhé.
Yêu em,
1525744_686955004661411_876772419_n

em cứ sai đi !

Hôm qua em hỏi, nhỡ em sai thì sao? Không sao cả, em cứ sai đi.
Người trẻ nào cũng phải đối diện với nỗi sợ sai, sợ rằng mình đang trưởng thành “lệch”. Nhưng lệch khỏi cái gì? Lệch khỏi chuẩn chung của xã hội à? Đó chỉ là hàng rào nhốt gà thôi. Lệch khỏi định hướng của gia đình à? Đó chỉ là đường mòn chăn bò thôi. Lệch khỏi quan điểm của một ai đó à? Tại sao em lại phải nghe họ? Thứ nhất, đéo ai quan tâm đâu. Thứ nữa, nếu không em thì ai?
Sai là tối cần thiết. Einstein cần hàng trăm giả thiết sai. Edison cần hàng ngàn thí nghiệm sai. Em cần hàng vạn hành động sai. Để trở nên đúng.
Không ai đúng ngay từ đầu. Những người đúng ngay từ đầu là những người chết. Những đứa con tuyệt đối ngoan ngoãn là những đứa con chết. Những công dân tuyệt đối tuân phục là những công dân chết. Những con người sống theo công thức, quán tính, và chuẩn chung của bầy đàn, là những thây ma.
Có những người đã chết ở tuổi 25, nhưng đến 75 tuổi mới chôn. Lại có những người khác đã chết ở tuổi 29, nhưng 30 tuổi họ được sinh ra lần nữa. Và mỗi ngày mới họ lại được tái sinh. Họ sẽ chết như một đứa trẻ. Đó mới là cách sống đúng: mỗi ngày em biết là em vừa được sinh ra lần nữa.
Thế thì bây giờ, em hãy cứ sai đi. Sai và học từ những cái sai đó. Sai và rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Đừng dùng kinh nghiệm của người khác. Không có kinh nghiệm nào là đáng tin cả, trừ phi chính em trải nghiệm kinh nghiệm đó.
Đến một lúc, em sẽ nhận ra rằng không có gì là sai cả. Mọi thứ đều xảy ra đúng như nó phải xảy ra. Có lúc em đúng, có lúc em học. Sometimes you win, sometimes you learn. Em sẽ phải học cho đến bao giờ không sai nữa thì thôi. Chừng nào em còn học, chừng đó em biết mình đang sống.
Chúc mừng sinh nhật!
Yêu em,

Tuổi thanh niên cay đắng

Để anh kể cho em nghe cuộc đời thanh niên khổ như con hổ của anh.
Thời thanh niên, xung quanh anh có khá nhiều thanh niên(!). Anh hay chia thanh niên ra làm ba loại: thanh niên thông minh, thanh niên đần độn và thanh niên không thông minh cũng chẳng đần độn, tức thanh niên nhạt nhẽo tầm thường. Hồi ấy anh quyết định rằng anh chỉ chơi với thanh niên thông minh thôi, vì anh cho rằng bọn đần độn và tầm thường thì không xứng đáng(!) (Toàn bộ sự chia chác này cũng là một sự đần độn vậy, nhưng tin anh đi, khi em còn đang đần độn thì em không biết là mình đần độn đâu).
Lại nói chuyện thanh niên thông minh, anh đem chia làm hai loại: thanh niên ồ de và thanh niên cay đắng. Thanh niên ồ de thì cách đếch gì cũng ồ de được. Họ đủ thông minh để ngửi cứt thấy thối, ngửi hoa thấy thơm, nhưng họ chỉ tập trung vào hoa thôi, hoặc giả nếu có bàn chuyện cứt, thì cũng chỉ bàn theo kiểu ồ de, không bao giờ bàn theo lối cách mạng. Hùng hổ cách mạng là đặc trưng của thanh niên cay đắng, trong đó tất nhiên có một đứa đần độn không biết mình đần độn, là anh.
Khổ lắm em ạ. Cái đếch gì cũng cay đắng được. Anh tưởng chỉ mình anh mới biết cứt thối. Anh tưởng sự tồn tại của cứt có thể chấm dứt ngay nếu ai ai cũng nghiêm túc như mình. Anh mơ đến một đất nước kia nơi toàn hoa thơm cỏ mượt và vắng hẳn mùi cứt. Và những ai không suy nghĩ như anh, trừ bố mẹ ông bà anh ra, anh đều liệt vào hạng vô cảm, ngu si, đáng vứt đi cả.
Nhờ thông minh như thế nên anh cay đắng sống một mình suốt tuổi thanh niên. Anh nghe nhạc già, mình đọc sách già, mình chơi với người già. Mở mắt ra là cứt ập vào người: toàn những thứ thối tha del thể nào mà chấp nhận được. Thế mà cái bọn ồ de kia và những bọn khác vẫn cứ phơn phớn lên như một lũ rồ, !@#$%^&*()&( chúng nó chứ!
Cho đến một ngày, em ạ, không có chuyện gì xảy ra cả. Cứt thì vẫn hoàn cứt. Lũ thanh niên trước kia nay đã già đi, thông minh hay đần độn rồi thì cũng gia nhập tập hợp thanh niên nhạt nhẽo tầm thường cả, đẻ ra một đống con và post một đống hình lên Facebook. Anh cũng già lắm rồi, nhưng del có gì để post, ngoài thỉnh thoảng mấy câu chửi rủa vặt vãnh. Cay đắng vô cùng.
Đến một ngày khác nữa, vẫn không có chuyện gì xảy ra, nhưng anh quyết định là mình khổ quá đủ rồi. Anh cảm thấy là sự cay đắng ở bên trong anh đã quá nặng, quá nhiều, quá độc hại đến mức cơ thể mình buộc phải tống khứ nó ra theo đường hậu môn, nói như Nguyễn Đức Sơn là một ngày kia rảnh rỗi leo lên trời, ỉa. Xong thì anh thấy nhẹ nhàng lắm. Trong lúc bâng khuâng như thế, anh nhận ra một điều hết sức quan trọng: rằng thực ra, cùng một lúc, anh vừa thông minh, vừa đần độn, vừa nhạt nhẽo tầm thường, vừa ồ de lại vừa nghiêm túc.
Nhưng anh không còn cay đắng nữa.
Có mùi gì thơm thơm ngọt ngọt ở quanh đây.

cứ kể đi em !

Em thương,
Em nói em đang khủng hoảng niềm tin. Giáo sư giao cho em bài tập mỗi tuần điểm một tin tức Việt Nam và bình luận về tin tức đó. Em nói, em không biết phải dẫn tin nào. Em lên mạng và không đọc được một điều gì tươi sáng. Em không biết phải kể gì với bạn bè ngoại quốc để không “mất hình ảnh” Việt Nam. Em còn nói, nhóm sinh viên mới bọn em có 4 Việt 1 Hàn, tụi Nhật nó chẳng biết gì và chẳng quan tâm gì về Việt Nam trong khi lại hào hứng thấy rõ với cô bé Hàn Quốc.
Vậy thì em ơi, làm gì đã có hình ảnh nào đâu mà mất? Cũng như ở đây, tụi Mỹ ở trường anh có biết và thèm biết đếch gì về Việt Nam. Chỉ có đám giáo sư già hơi tò mò vì không biết cái gì đã xảy ra trong suốt ngần ấy năm sau khi chiến tranh chấm dứt, ra vẻ hỏi han. Còn đám trẻ? Chúng nó đang bận chơi với chó, tán láo và đi bar. Đám bạn học của anh 6/10 đứa đang vẽ Batman, Spiderman và Ironman oánh nhau tóe lửa, 3 đứa vẽ manga mắt to cộ ngân ngấn nước, đứa còn lại điên cuồng vẽ Pôkémon.
Không một đứa nào quan tâm cứt gì đến cái mảnh đất tụi mình gọi là Đất Nước đâu em.
Cho nên em đừng sợ. Em hãy cứ kể về Việt Nam như em thấy. Nếu em ăn món gì ngon, em hãy kể về sự ngon của chúng. Nếu em chơi gì vui, nếu em đi đâu thấy đẹp, em hãy tả lại cảm giác của em. Nếu em không thấy vui, thấy đẹp, em hãy kể ra những điều xấu xí tệ hại mà em đã gặp, những nỗi sợ hãi hoang mang mà em đang cảm thấy. Em đừng quan tâm đến việc chúng nó sẽ nhìn Việt Nam như thế nào. Chúng ta không cần phải lãnh lấy cái trọng trách đại sứ du lịch. Chúng ta không nhất thiết phải xây dựng một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, bình yên, mến khách. Nếu em thấy kinh tởm, em hãy kể về sự kinh tởm đó thật rõ ràng, thật sát với sự thật mà em biết.
Bởi vì chính chúng ta cũng đâu có quan tâm gì đến mảnh đất gọi là Đất Nước này đâu em.
Chúng ta đơn giản chỉ là đang loay hoay đi tìm chính mình. Chúng ta được thừa hưởng một mớ di sản hổ lốn, một đống khổng lồ những mảnh vụn tan nát của lịch sử và văn hóa, những miếng chắp vá thô lậu hời hợt, những khoảng trống toang hoác của tri thức và những điều thiêng liêng, những mâu thuẫn không ai có thể trả lời em được trong hầu hết tất cả những gì em chọn nhìn thật lâu. Em đang không kể về Việt Nam đâu, mà em đang kể về chính mình. Em đang lần lại những đầu dây mối rợ đầu tiên, về những tia sáng và vệt tối đầu tiên đã tạo nên mình. Sẽ không ai kể được câu chuyện đó cho em ngoài chính em đâu.
Ừ, anh biết. Bao nhiêu là bóng đêm. Tầng tầng lớp lớp bóng đêm mịt mù phía dưới những bọt váng chúng ta đang vốc trong tay. Chính từ đại dương đen ngòm ấy chúng ta đã đến. Không phải chỉ chúng ta, ôi dân tộc bé nhỏ yếu đuối, mà từ nơi đó toàn bộ loài người đã đến. Em tự hỏi biết bao nhiêu điều. Và đôi khi em tự hỏi tại sao em không sống được đơn giản và sung sướng như đám người xung quanh em. Tất cả những người đặt câu hỏi đều phải trăn trở, hẳn rồi. Nhưng ta không có đường lùi đâu em. Câu hỏi đã ở đó rồi, và nó sẽ không bao giờ rời em đi. Hoặc là em cố gắng trả lời nó, và kể được câu chuyện của chính mình, về chính mình. Hoặc là em sẽ sống trọn cuộc đời lơ lửng hình dấu hỏi.
Em hãy cứ kể chuyện. Bằng việc kiên trì kể chuyện em sẽ tìm được chính mình. Khi em là chính mình, linh hồn của mảnh đất nơi em sinh ra sẽ sống dậy trong em. Linh hồn đó không cần được đặt tên, không cần được tô màu và không cần được treo trên avatar đồng loạt. Chỉ cần em biết nó có ở đó, là đủ rồi.

Em có làm gì đâu ?

“Em có làm gì đâu?” – Người bán hàng rong mếu máo. Em nghe anh ta gào khóc. Em thấy anh ta cầu xin. Em nhìn năm sáu kẻ mặc đồng phục to khỏe băm bổ khống chế anh, hành hung anh bằng mọi cách có thể, rồi để mặc anh nằm ngất xỉu ở xó đường.
“Em có làm gì đâu?” – Người nhân viên “trật tự đô thị” phân bua. Em thấy anh ta đang giải trình với sếp. Và sếp của anh ta, ông chủ tịch phường ấy, có vẻ ông ta cũng không biết gì nhiều hơn. Em nghe ông ta nói với báo chí: anh bán hàng rong đã chống đối và hành hung tổ công tác, rồi sau đó lăn ra ngủ.
“Em có làm gì đâu?” – Người đứng xem nói. Tôi đang mua rau thì họ ập đến. Tôi chỉ kịp dạt sang một bên. Tôi chỉ dám đứng nhìn, vì họ có dùi cui điện. Tôi chỉ kịp dùng điện thoại quay lại một đoạn phim ngắn. Tôi chỉ có thể lên mạng bày tỏ nỗi bất lực, thương xót, căm ghét, khinh bỉ của tôi.
Em bắt đầu thấy gì đó rất quen. Một điều gì em đã nghe quá nhiều lần. “Em có làm gì đâu? Người ta hôi bia đấy chứ!” “Em có làm gì đâu? Họ tham nhũng quá nhiều!” “Em có làm gì đâu? Do máy tự đưa hàng vào luồng xanh!” “Tại trời mưa nên xả lũ.” “Tại lương thấp không đủ mua bánh mì.” “Tại cái nước mình nó thế.” “Em có làm gì đâu?”
Chính là câu hỏi ấy. Câu hỏi nằm bên dưới tất cả các câu trả lời. Câu hỏi được dùng thay cho câu trả lời. Không ai chịu trách nhiệm cho việc mình làm. Ai cũng làm việc họ đang làm vì họphải làm. Ai cũng là nạn nhân.
Tất cả những sự lộn xộn này, nhiễu nhương này, bất cập này, đều là lỗi của một ai đó khác. Em đổ lỗi cho văn hóa. Em đổ lỗi cho chính trị. Em đổ lỗi cho giáo dục. Đất nước này, địa phương này, bầy đàn này. Em nhiếc móc, em thóa mạ, em chửi rủa. Em thở dài ngao ngán. Em cay đắng mỉa mai. Em cười lên phe phé. Và em lại thở dài.
Nhưng em có làm gì đâu?
Em đã làm gì để lòng thương của em đến được với người nghèo khổ? Em đã làm gì để sự bất bình của em trở thành vũ khí chống lại bất công? Em đã làm gì để chính em không trở thành môt phần nguyên nhân dẫn đến những điều em căm ghét?
Xúc cảm của em chưa đủ. Tư duy của em chưa đủ. Lời nói của em cũng chưa đủ. Khi mà hành động của em vẫn như xưa. Khi em chưa nhận trách nhiệm phần mình. Khi em vẫn làm mọi việc theo thói quen, theo quán tính, theo ảnh hưởng của đám đông.
Em mắng chửi bọn trộm chó không tiếc lời, nhưng vẫn tiếp tục ăn thịt chó. Em than phiền nạn tham nhũng tràn lan, nhưng em luôn sẵn sàng dùng tiền để bôi trơn công việc. Em chê hệ thống giáo dục này lạc hậu, nhưng bản thân em mấy năm nay không đọc một cuốn sách nào. Em tránh trách nhiệm, tránh khó khăn, tránh thay đổi. Em tìm cái gì thuận tiện, cái gì nhẹ nhàng, cái gì có sẵn. Và em mong đất nước này sẽ ngày một tốt hơn lên. Còn gì điên rồ hơn như thế không em?
“Nhưng em thì làm được gì?” – Em sẽ hỏi. Được chứ, em làm được nhiều lắm, nhưng em có một kẻ chặn đường. Kẻ đó không ai khác chính là niềm tin của em cho rằng em không làm được gì cả. Rằng em quá bé nhỏ. Rằng em quá yếu đuối. Rằng mọi thứ đã được xếp đặt, an bài. Nếu đúng như thế, lịch sử loài người hẳn đã không bao giờ thay đổi. Dalai Lama từng nói, nếu em nghĩ rằng em quá bé nhỏ để tạo ra sự thay đổi, hãy thử đi ngủ với một con muỗi.
Bây giờ chắc em đã nguôi ngoai. Em chẳng còn nhớ chuyện anh bán hàng rong mấy nữa. Hôm nay anh ấy sẽ phải tìm cách khác, hoặc chỗ khác, để mưu sinh. Tổ công tác trật tự đô thị sẽ tiếp tục công tác. Nhưng em vẫn còn ở đây, với câu hỏi ám ảnh của riêng em. Và dường như mọi điều em biết đều dẫn đến chỉ một cách trả lời.
Ngày hôm nay, bây giờ, em hãy làm gì đi.
toosmall

Bây giờ mình đi đâu ?

Tặng các học trò yêu quý của tôi.
“And you said “this is the first day of my life
I’m glad I didn’t die before I met you
But now I don’t care I could go anywhere with you
And I’d probably be happy”

– “First day of my life”, Bright Eyes.
Em thương yêu,
Anh biết em đang hoang mang. Em thấy háo hức, em muốn thay đổi, em muốn làm việc, em thèm được cháy lên. Hẳn rồi, em còn trẻ và tràn đầy năng lượng. Nhưng em cũng thấy e ngại, lo lắng, đôi khi sợ hãi vì không biết phải làm gì. Trước mắt em có quá nhiều lựa chọn, có quá nhiều hình mẫu, có quá nhiều đường đi. Em nên chọn hướng nào? Chuyển nơi ở? Nhảy việc? Kết hôn? Chia tay? Bỏ học? Hoặc có nên dừng tất cả lại và đi du lịch trong vài tuần?
Em có nhớ đoạn Alice gặp chú mèo tàng hình ở ngã ba nơi xứ sở thần kỳ không? Alice đã hỏi mèo, như em đang hỏi anh bây giờ, rằng nên đi theo hướng nào? Mèo không trả lời mà hỏi lại, rằng em muốn đi đâu? Alice lắc đầu không biết. Mèo đáp: vậy thì đi đường nào mà chả được.
Đi đường nào cũng được, đúng vậy đấy.
Đa phần chúng ta lớn lên được dạy rằng chỉ có một con đường mà thôi. Bởi vì bố mẹ chỉ có thể dạy chúng ta những điều mà họ biết. Bởi vì đám đông chỉ có thể kéo chúng ta vào những lối mòn. Và bởi vì trường học, thay vì mở rộng cánh cửa tự do, từ lâu đã biến thành công cụ của chính trị, của đạo đức, của tôn giáo. Trên vai em là hàng chục cân sách vở, hàng trăm cân trách nhiệm, hàng ngàn cân hy vọng trông chờ. Dù muốn dù không, em bị đẩy về phía con đường duy nhất. Con đường của con ngoan trò giỏi. Con đường vào đại học. Con đường lát bằng tiền và quan hệ. Con đường dẫn đến cuộc sống “ổn định” và an toàn.
Sẽ thế nào nếu em không muốn đi con đường đó? Sẽ thế nào nếu một ngày em biết có vô số ngã rẽ khác đang mời gọi em, đang chờ đợi em? Khối năng lượng em đang bỏ ra để chiến đấu chống lại quán tính, chống lại giáo điều, chống lại lực cản của cả bên ngoài lẫn bên trong thực là khủng khiếp. Quá nhiều người mệt mỏi, bỏ cuộc. Quá nhiều người thậm chí còn không thèm đặt câu hỏi ngay từ đầu. Họ cứ thế để mình bị kéo đi trên con đường dọn sẵn. Họ trôi.
Em không muốn trôi. Chẳng ai muốn trôi cả. Anh tin vào niềm khao khát tự do, niềm đam mê khám phá, và tiềm năng sáng tạo rực rỡ bên trong mỗi trái tim người. Nhưng để đánh thức được nguồn năng lượng khổng lồ ấy cần rất nhiều dũng cảm và kiên nhẫn. Cần rất nhiều thất bại và mất mát. Cần rất nhiều cô đơn. Mà em thì vẫn luôn tin rằng chẳng có gì đáng sợ hơn mất mát và cô đơn…
Rốt cuộc, bây giờ mình đi đâu?
Em hãy thử đi xa. Xa ra khỏi nơi em thường sống. Xa khỏi những thói quen cũ, những gương mặt cũ, những lối đi cũ. Đến đó, em hãy chọn một nơi thật yên. Dọn cho mình một chỗ thật dễ chịu. Thả lỏng ra. Em không cần phải nói gì với bất cứ ai. Em không cần phải gồng mình lên nữa. Em chỉ mở rộng mọi giác quan của mình.
Và rồi thử nhìn sâu vào bên trong: thực ra em luôn biết mình muốn gì. Anh biết là em biết. Em chỉ bị ồn ào làm xao lãng thôi. Trong thinh lặng hôm nay, em sẽ nhớ lại dần. Nhớ lại điều gì làm em thực sự vui, công việc gì em thực sự thích, người bạn nào em thực sự gần gũi, khoảnh khắc nào em thực sự rung động. Đó chính là những dấu hiệu em đang tìm, những bảng chỉ đường em đang kiếm. Đó chính là nơi em thuộc về, là nơi em muốn đến. Dũng cảm đi theo chúng, kiên nhẫn hướng toàn bộ năng lượng của em vào chúng, và tin tưởng rằng chúng sẽ giúp em hồi sinh.
“Và em thì thầm: Hôm nay là ngày đầu tiên của cuộc đời em
Em thấy vui vì đã không chết trước khi gặp anh 
Giờ thì em chẳng quan tâm, em có thể đi bất kì đâu cùng anh
Biết đâu em sẽ hạnh phúc…”
Ừ, biết đâu. Bởi vì không có gì tẻ nhạt hơn là hạnh phúc được đảm bảo. Bởi vì không có gì chắc chắn nên cuộc đời mới đáng sống. Bởi vì em hoàn toàn hiểu rõ rằng em có thể hạnh phúc, cũng có thể không. Nhưng điều đó nào đâu quan trọng. Vì ngày hôm nay em đang hồn nhiên, em đang tin cậy đến mức phó mặc, em đang ý thức về việc mình làm đến mức không còn quan tâm đến kết quả. Ngày hôm nay, em hiểu rằng chỉ riêng việc em đang sống, đang hít thở, đang yêu thương thôi đã là một ân huệ thiêng liêng tột cùng rồi.
Thế thì em đi đâu cũng được, và anh sẽ đi cùng em.

kiên nhẫn sống những câu hỏi hôm nay

Em,
Anh biết mấy hôm nay em đang hoang mang, bởi đt nước mình đang rơi vào mt giai đoạn bất ổn. Từ những mảnh vụn tin tức tung tóe khắp nơi, chúng ta không thể biết đưc điều gì thực sự đang din ra, và điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Mọi thứ dưng như chỉ mới bắt đầu, và mây đen đang kéo lên phía chân trời. Có quá nhiều câu hỏi đang cuộn xoáy trong lòng em.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta không bao giờ được dạy rằng nên nuôi dưỡng những câu hỏi. Ngược lại, các câu hỏi bị né tránh, bị vùi dập. Chúng ta được dạy phải ngoan, phải vâng lời, phải hiểu thế nào là đúng-sai, từ những người lớn vốn thường làm ngược lại những lời họ dạy. Mà kể như nếu họ có làm đúng, thì cái thế giới đúng-sai ấy của họ mới hạn hẹp làm sao, mới cũ kỹ làm sao, mới khô cứng làm sao. Em có quá nhiều câu hỏi, em thấy nghi ngờ nhiều thứ. Em muốn làm ra cái gì mới, cái gì hay, cái gì vượt ra khỏi những khuôn khổ cũ, những giới hạn cũ. Cuộc trưởng thành của em không biết từ bao giờ trở thành một cuộc tranh đấu. Toàn bộ năng lượng tuổi trẻ của em đáng ra phi dùng cho tưng tượng, cho sáng tạo, thì lại dùng để chống lại một hệ thống khổng lồ chưa bao giờ muốn em được tự do. Dần dần, cùng với áp lực vô hình của cuộc sống thường nhật, những câu hỏi của em bị đy sâu hơn vào lòng, bị nhốt lại, bị khóa kín.
Anh đã sống toàn bộ tuổi trẻ của mình với những câu hỏi. Anh là ai? Anh từ đâu đến? Mọi điu xung quanh đã, đang và sẽ diễn ra, tại sao chúng lại như vậy? Anh phải làm gì? Anh phải đi đâu? Lúc bạn bè đang đá bóng, anh đọc Hoàng Tử Bé và nghĩ miên man về vũ trụ, về con người. Lúc bạn bè chơi game, anh đọc Rừng Nauy và nghĩ rất nhiều về cái chết. Lúc bạn bè ra trưng lao đầu vào kiếm việc, anh vẫn còn nghĩ mãi về những vấn đề nội tại của đất nước mình, và của chính mình. Cho đến tận bây giờ, khi mà mọi thứ đã tương đối rõ ràng hơn, không một ngày nào anh không sống cùng và ôm ấp những câu hỏi.
Bởi vì thế giới sẽ không có vấn đề gì nếu em không đặt câu hỏi. Con mèo không đặt câu hỏi, con chim không đặt câu hỏi. Những người tự cho rằng mình quá bận rộn, quá tự ti hoặc quá tự tin cũng không đặt câu hỏi. Với những ngưi không đặt câu hỏi, thế giới bao giờ cũng ổn cả, mọi điu đều có vẻ logic, đều có thể lý giải theo cách mà những ngưi đi trước mình đã lý giải. Họ chấp nhận và hài lòng với thế giới đó. Cho đến khi đt dưới chân họ rung chuyển. Lúc đó họ mới hốt hoảng cái gì vậy? Tại sao? Tôi phải làm gì?
Em thương,
Thế giới xung quanh em là một thực thể rộng lớn, phong phú, phức tạp. Bản thân em cũng là một vũ trụ rực rỡ, nhiều chiều và tràn đầy tiềm năng. Các câu hỏi đúng sẽ là ánh sáng soi đường giúp em khám phá cả bên ngoài lẫn bên trong, giúp em khai thác nguồn năng lưng vĩ đi được trao cho em ngay từ buổi đầu em lọt lòng mẹ, giúp em thấu hiểu thế giới và yêu thương thế giới nhiều hơn. Chỉ có sự ngu dốt, sự hèn nhát, sự tuân phục vô điều kiện mới khiến cho thế giới này nhiều sự lãng phí đến thế, nhiều mâu thuẫn đến thế, nhiều chiến tranh đến thế.
Để kết, anh gửi cho em đoạn trích này của nhà thơ Rainer Maria Rilke:
“Hãy kiên nhẫn với những gì còn vướng mắc trong lòng em, cố gắng yêu lấy những câu hỏi, như yêu những căn phòng đóng kín và ôm ấp những cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ. Đừng vội tìm kiếm ngay bây giờ những câu trả lời, chúng chưa được trao cho em vì em chưa đủ khả năng để sống chúng. Vấn đề cốt lõi là, cần phải sống tất cả mọi thứ. Sống những câu hỏi ngay bây giờ. Có thể nhờ thế mà em sẽ dần dần, dù em không nhận ra, một ngày kia em sẽ sống gần hơn với câu trả lời.” 

Quá nhiều bí mật

Hôm nay anh gặp một đôi người Pháp, bọn anh kể chuyện cho nhau nghe. Họ kể về ba tuần của họ ở Việt Nam, về những cảnh quan tuyệt đẹp phủ rất nhiều rác rưởi, về việc họ vừa sợ vừa thích khi bị nhồi lên xe đò đầy gà và xe máy. Anh kể về những điều anh đang làm, v cách người Việt Nam đang sống, về em. Họ kể về châu Âu, về việc thật khó khăn khi là mt đứa trẻ lớn lên ở lục địa già – cùng với nỗi cô đơn, sự lên ngôi của đồng tiền và sự biến mất của các giá trị cốt lõi. Anh kể về nỗi sợ hãi ăn sâu của một dân tộc vừa ra khỏi hàng nghìn năm chiến tranh, và sống cạnh một nước lớn côn đồ quỷ quyệt. Họ kể về nỗi căm hận và sợ hãi nưc Nga như thế ở châu Âu. Và rồi bọn anh cùng nói về nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi là một thứ do các chính phủ tạo ra để dễ bề điều khiển dân chúng. Mỹ muốn gây chiến với Iraq để tạo tiền lệ cho học thuyết “chiến tranh phòng ngừa” của mình, và họ tạo ra vụ 11/9 – giết hại dân chúng và phá hủy chính đt nước mình – để làm dân chúng khiếp sợ, rồi đổ tội cho một mục tiêu thực ra là vô cùng yếu ớt. Các vấn đề nhập cư và Hồi giáo ở châu Âu được thổi phồng lên thành những mối đe dọa khủng khiếp. Ở châu Á, người ta tạo ra các sự kiện – như sự kiện giàn khoan HD981 vừa rồi – đkích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa và làm tăng nỗi sợ chiến tranh trong lòng dân chúng. Tất cả những điu này để làm gì? Để dân chúng luôn trong tình trạng bất ổn và đ yên cho đám người phía trên mặc sức làm điều họ muốn.
Có thể em không biết, nhưng tất cả những điều này có liên hệ mật thiết đến em. Họ muốn em sợ hãi. Họ muốn em cắm đầu làm việc (và trả thuế, tất nhiên). Họ muốn em thù hận. Họ muốn em trở nên vô cảm và cô độc. Nếu em đang ở một trong hoặc tất cả các tình trạng trên, em đang làm chính xác vai trò của một nô lệ.
“Vậy em cần phải làm gì?” – Em sẽ hỏi.
Noam Chomsky sẽ trả lời thay anh phần nào, bằng đoạn này trong cuốn “Tham vọng bá quyền”:
“Câu hỏi thực sự của mọi người, tôi nghĩ thế, là “Tôi có thể làm gì để chấm dứt những vấn đ này, nhưng phải nhanh chóng và dễ dàng cơ?”. Tôi đã đã tham gia một cuộc biểu tình, và chẳng có gì thay đổi cả. Mười lăm triệu người tuần hành trên đường phố hôm 15 tháng 2 năm 2003, thế mà Bush vẫn lao vào chiến tranh; thật là vô vọng. Nhưng s đời không diễn ra như vy được. Nếu muốn thay đổi thế giới, ta phải ở đó ngày này qua ngày khác, làm những việc nhàm chán đơn điệu chỉ cốt đ có thêm được một vài người nữa cùng quan tâm đến một vấn đ nào đó, xây dựng tổ chức lớn hơn được một chút, tiến hành hoạt động tiếp theo, nếm trải tâm trạng bức xúc vì vẫn chưa đt đưc như mong muốn, và cuối cùng mới đến được một nơi nào đó. Đấy, thế giới thay đổi theo cách như vy. Đó là cách chúng ta đã chấm dứt chế độ nô lệ. Đó là cách chúng ta đã giành được nữ quyền. Đó là cách chúng ta đã giành được quyền đầu phiếu. Đó là cách chúng ta đã có được chính sách bảo vệ ngưi lao động. Bất kỳ thành tựu nào cũng phải trải qua những nỗ lực như thế, chứ không phải nhờ vào những người chỉ đi biểu tình một lần rồi bỏ cuộc hoặc cứ bốn năm li đi bỏ phiếu một lần rồi lại chỉ ngồi nhà.”
Có thể em vẫn thấy khó khăn, bởi đúng là Chomsky đang tập trung vào các hoạt động chính trị và bởi ông đang ở tâm thế của một người có điều kiện thuận lợi để làm việc đó. Nhưng đừng để ý nhiều đến các ví dụ của ông, hãy tập trung vào tinh thần bên dưới. Tinh thần đó nói rằng, bất kể điều gì em chọn làm, em cần phải chủ động làm một cách kiên nhẫn, bền bỉ, để bảo vệ những giá trị mà em cho là đúng. Có quá nhiều cách để có thể làm cuộc sống của em và những người xung quanh em tốt hơn, chính trị chỉ là một trong số đó. Và cho dù em làm gì đi nữa, hãy giữ cho mình một tư cách độc lập, hãy giữ mình ở bên ngoài quyền lực, quyền lợi. Đó là điều Chomsky đã làm, Fukazawa đã làm, Gandhi đã làm. Nếu em muốn thực sự tự do và tỉnh thức, đó là điều em cần làm.
Thế, và nếu em vẫn còn hơi s, anh sẽ kết thúc bằng một câu anh đc được hôm nay trên bìa một 8tracks playlist:
“Not to spoil the ending for you, but everything is going to be okay.”
(Không phải cố tình tiết lộ đoạn kết cho em đâu, nhưng cuối cùng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà.)
Yêu em,    

về tình yêu - (Nếu không em thì ai ?)

Hỡi các bằng hữu! Tôi không dạy đời, cũng không làm từ thiện:
khi tôi trao tặng, tôi trao trọn vẹn bản thân mình.”
Walt Whitman 
Bạn nào hay đọc blog của tôi, thì chắc cũng biết rằng tôi chưa bao giờ viết về tình yêu, dù thỉnh thoảng cũng trích dọc trích ngang chỗ này chỗ nọ. Nhưng, nếu bạn nào thực sự đọc blog tôi, thì chắc cũng sẽ thấy rằng bài nào tôi cũng viết về tình yêu cả. Và đặc biệt, là bài này.
Trước tiên, nếu bạn chưa xem status này của tôi và tất cả comment dưới đó, thì xin mời xem trước khi tiếp tục. Nếu đã xem xong và cảm thấy quá đủ cho một ngày (vì tin tôi đi, quá nhiều tình yêu cũng không tốt lắm cho sức khỏe ), thì bạn có thể không cần đọc tiếp, để dành hôm khác. Nếu hăm hở đọc tiếp mà chẳng may nghẹt thở trụy tim hoặc mất trọng lượng bay thẳng lên mái nhà, thì tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Vậy, trước khi thực sự vào bài, chúng ta hãy cùng nhau im lặng trong một phút. Có bạn sẽ nói ngay ơ kìa thực ra nãy giờ đâu có ai nói gì đâu, toàn đọc không mà. Ý tôi là các bạn hãy đọc chậm lại, dừng luôn cũng được, và cùng nhau suy nghĩ về những gì cao cả và thiêng liêng nhất trên đời.
Cầu thánh Ala phù hộ cho tất cả các bạn và gia đình các bạn và nhân tiện, phù hộ cho cả Đức Chúa Trời. Lạy Phật, Ngài cũng khá là nhiều tuổi rồi.
Boooooooooooooooooooooooong. Karamen.
Lại có bạn hỏi tại sao viết về tình yêu mà chưa gì tôi đã đùa giỡn? Bởi vì bạn ạ, tình yêu chính là niềm vui. Vui miên man vui bất tận. Vui điên dại vui mê cuồng. Vui không-thể-chịu-đựng-được. Chỉ cần người tôi yêu nhe răng cười một nụ thì tất cả mặt trời đều tắt ngóm, và tất cả đèn điện trên thế gian đều chảy thành bơ trôi sạch ra biển. Và trời ạ, đang nằm trong chăn bên cạnh người tình mà đánh rắm bủm một cái thì có phải được bữa cười không còn biết quai hàm ở đâu nước mắt ở chỗ nào, hay không?
Sao cơ, nặng mùi lắm không buồn cười tí nào à? Thôi được rồi để tôi nghiêm túc. Bởi vì tôi có thể nhăng cuội như thế này đến bất tận. Và đây có thể là bài dài nhất mà tôi viết trong suốt lịch sử của những bài dài nhất. Như tôi đã nói, chưa có bài nào tôi đã viết mà không viết về tình yêu. Và chưa có sách nào tôi đọc, nhạc nào tôi nghe, phim nào tôi xem, người nào tôi gặp, hoa nào tôi ngửi hay quân khốn nạn nào tôi chửi, mà không phải là về hay vì tình yêu. Và vì tôi điên – đến nay thì tôi tương đối chắc chắn về điều này – cho nên trong bài này tôi sẽ tổng kết lại TẤT CẢ NHỮNG GÌ đã đi vào và đi ra và đi lên và đi xuống và đi xoáy đi vòng trong suốt bao nhiêu năm sống trên đời của tôi và bao nhiêu năm trước đó và sau đó nữa. Đúng thế, tất cả, vào trong lúc này và ở đây. Cho nên bài này có thể dài bất tận. Ai cần làm gì thì làm đi, ai buồn thì có thể đi vệ sinh trước, kẻo tí nữa đang đọc lại nhấp nha nhấp nhổm, mất cả hay.
Thế và, tôi đang ở đâu rồi ấy nhỉ. À, về tình yêu. Khổ quá, dạo này tôi hay lẫn. Ở tuổi này của tôi Kurt Cobain đã tỏi rồi, tôi mừng lắm vì có dạo tôi cứ đinh ninh mình sẽ gia nhập Câu lạc bộ 27 . Rốt cuộc thế nào tôi lại qua được cái tuổi ấy và ngồi đây lảm nhảm với các bạn. Vỗ tay mừng tôi cái nào.
Vâng, xin cảm ơn, chúng ta lại quay về với tình yêu. Chị Phan Việt đã từng có một sê-ri ba truyện ngắn in trong tập Nước Mỹ, Nước Mỹ đặt tên lần lượt là Về tình yêu – tuổi 18Về tình yêu – tuổi 23, lại Về tình yêu – tuổi 28. Lắm “về tình yêu” quá. Và hình như là mỗi tuổi lại một khác nhau. Rốt cuộc là thế nào mới đúng, trên đời có rất nhiều tình yêu khác nhau hay chỉ một tình yêu duy nhất?
Một trong ba truyện ấy có đoạn: “Tôi muốn giữ sự tin tưởng (có thể là ảo tưởng) trong tim tôi, rằng lúc này, có một người bạn vẫn thỉnh thoảng nghĩ tới tôi, như tôi cũng thỉnh thoảng nghĩ tới bạn mà đã không bao giờ nói với bạn. Tôi muốn tin rằng giữa những người chưa bao giờ thực sự “biết” nhau vẫn có thể có những yêu thương không phụ thuộc vào bất cứ ràng buộc hay hứa hẹn hữu hình nào. Tôi muốn tin vào những thứ “duyên” không đi kèm “phận” hay “số” mà do chúng ta tạo ra với nhau bằng tình cảm. Tôi muốn tin rằng những gì chúng ta đã gieo xuống, dù chậm, nhất định sẽ nảy mầm và ra trái đúng như cái hạt mầm đã gieo. Như sau mùa đông dài, nhất định phải là mùa xuân; tôi mong tất cả các bạn tôi, dù ở bất cứ đâu trên trái đất vào lúc này, cũng vẫn giữ trong tim cảm giác thanh xuân của những năm tháng tuổi trẻ – cái thời mà mọi thứ đều dễ dàng, buổi sáng sớm một ngày bất kỳ có thể đừng dậy nói lời tạm biệt mà đi không lưỡng lự hoặc nhìn tuyết trắng trời mà mỉm cười rồi hít vào và thở ra một hơi thật dài, cho hơi nước bay lên trong buổi sớm.”
Ối giời ôi, chị ơi là chị, chị viết hay vừa thôi chứ, viết hay thế ứ ai mà chịu được, và ai mà còn gì để viết nữa. Nhưng một lần nữa, bởi vì em điên, nên em sẽ viết tiếp.
Bây giờ trong đầu tôi đặc biệt lộn xộn. Tôi biết, có bạn lại bĩu môi ngay làm-như-có-bao-giờ-đầu-anh-từng-gọn-gàng-ngăn-nắp. Vâng, quả có đúng thế thật, nhưng lúc này thì hết sức hết cỡ hết hết tất cả các giới hạn của lộn xộn, tôi nói thật với bạn. Bởi vì tất cả mọi thứ đã đi vào trong tôi bây giờ đang chen chúc đòi đi ra. Mà bạn biết chúng nhiều thế nào rồi đấy. Mà bạn biết tim tôi bé xíu và đầy thương tích thế nào rồi đấy. Việc viết cái bài này có khi quá sức chịu đựng của tôi. Tôi không tính trước khả năng này. Nhưng vì tôi điên, nên tôi sẽ tiếp tục. Ai đó bấm 911 rồi đặt sẵn tay lên phím gọi hộ tôi nhé.
TÔI YÊU AI NHẤT
Nếu các bạn đọc kĩ phần comment dưới status tôi đã nói ở trên, thì bạn sẽ nhận ra rằng câu trả lời phổ biến chính là “tôi yêu bản thân mình nhất”. Ôi, bao nhiêu là chân thành!
Ấy tôi không có ý nói các bạn khác là không chân thành đâu nhé. Tất cả các bạn đều đã chân thành một cách tuyệt vời, kể cả những bạn trả lời nửa đùa nửa thật và tôi sẽ giải thích tại sao sau. Tôi chỉ muốn nói rằng tình yêu đối với bản thân mình mới thật là sâu sắc, thật là mãnh liệt, thật là vĩ đại và vĩnh hằng biết bao. Ôi tôi yêu tôi quá. Bây giờ tay phải tôi đang nắm lấy tay trái tôi đầy âu yếm và vì chúng nó đòi cưới nhau ngay nênn tooôi đannmg viiiết tiếppp bbài naày rấttttt trâậm & sssssai trínnh tả vvì tôiiii phăir gox bằnggg ccùif chỏ.
Nhân tiện nói đến sai chính tả trầm trọng vì tình yêu tôi muốn các bạn cùng xem lại bức thư này. Tôi nghĩ nó thuộc hàng những bức thư tình cảm động xuất sắc nhất mọi thời đại.
Vâng, đến đâu rồi nhỉ? À yêu bản thân mình. Tôi thì tôi nghĩ thế này.
Ai cũng nói rằng ông Chúa với cả ông Phật và các ông thần khác, các ông vì yêu thương nhân loại, vì xót vì thương chúng sinh mù quáng sân si mà ở lại trần gian dạy dỗ an ủi vỗ về, nếu không thì các ông đã bay về nơi kia xa tít. Tôi không nghĩ thế. Tất nhiên là các ông có thương người khác thật, nhưng các ông chẳng thương ai bằng thương bản thân mình. Bởi vì, đơn giản thôi, nếu các ông không làm việc đó thì các ông không chịu nổi. Ông Chúa kia đứng nhìn chúng dân lầm than đau khổ, ổng chịu không có nổi mới tự nguyện để bị đóng đinh treo lên. Đóng đinh tuy có hơi đau thật, nhưng một đằng ổng có thần thông có thể tự chữa vết thương, và đằng khác quan trọng hơn cả vẫn là ở trên thánh giá nhìn xuống thì dễ chịu hơn nhiều so với đứng dưới đất ngó lên. Ông Phật kia cũng thế, giác ngộ xong rồi đáng lẽ ngồi im niết bàn hoặc bay một vòng quanh vũ trụ hóng gió, thì ổng lại lật đật đi dạy ngay. Bởi vì không đi dạy thì không chịu nổi. Cũng giống như tôi phải viết những dòng này trong khi bài vở thì ngập lút cả mông đít không phải vì tôi thương yêu gì các bạn, mà vì tôi không chịu nổi nếu tôi không viết. Tất cả chúng ta đều giải quyết nhu cầu bức thiết lớn nhất CHO BẢN THÂN MÌNH trước tiên.
AI VỪA NÓI “ĐỒ ÍCH KỈ” ĐẤY ĐỨNG LÊN TÔI XEM NÀO!!!
Lại đây ôm cái. Hì. Bạn ấm quá. Nhân tiện các bạn ngồi dưới kia có thể quay sang ôm nhau nếu muốn. Tin tôi đi, ấm lắm, và không chết người đâu.
Thôi… thôi được rồi bỏ nhau ra… có định nghe tôi nói tiếp không đấy hả?
Nghĩ mà xem, bạn yêu ba mẹ vì họ yêu bạn. Bạn yêu bạn trai/bạn gái vì họ yêu bạn. Bạn yêu trẻ con vì nhìn trẻ con thích bỏ xừ đi được, lại còn bẹo má bẹo mông chúng nó nữa thì sướng quá chừng chừng. Vâng, trước tiên là mình phải sướng. Đi vòng đi vèo kiểu gì rồi cũng về bản thân mình. Và bạn nào có ý nghĩ như thế là ích kỉ, là tiêu cực hay là cái gì gì không đúng, thì cứ tiếp tục nghĩ đi tôi không cản, nhé. Tôi chỉ báo trước là việc bạn nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống của bạn. Cả việc bạn đọc cái bài trời ơi đất hỡi này cũng vậy, cẩn thận kẻo nó làm đảo lộn cuộc sống bình yên như cô tiên của bạn. Sao, bạn không sợ à? Tốt. Vậy ta tiếp tục.
Bỏ má tôi rồi nãy giờ viết hẳn gần 2000 chữ mà vẫn chưa xong phần mở bài. Tôi có nên nhảy ngay đến phần kết bài luôn hay không đây? Không à? Bạn có nhiều thời gian lắm và muốn đọc tiếp à? Có chắc không? Chắc à? OK, thế thì ta cứ từ từ. Thong thả. Thư giãn. Hít thở híttttttttttttt thở.
Bây giờ nói tôi nghe bạn làm nghề gì đi. Học sinh? Nhà báo? Thợ hồ? Osin? Thiết kế quẳng cáo? Ặc đia rếch tờ? Viết văn? Ai-Ti? Ặc tít? Đốt xác ở đài hóa thân? Nhặt rác gầm cầu? Chạy giấy tờ trong bệnh viện? Hay bạn làm nghề con-thủ-tướng?
Tôi yêu tất cả các bạn, dù bạn làm gì. Dù bạn ở đâu. Thật đấy. Không tin à? Không tin thì kệ bạn chứ, tôi vẫn cứ yêu bạn cơ mà.
Viết đến đây tôi lại nhớ một đoạn trong Tốt-tô-chan mà bạn Moonie Mun của tôi đã trích trên blog của cô: “Cô bé Totto-chan sáu tuổi tin rằng lớn lên mình sẽ cưới một cậu bạn cùng lớp. Ấy thế mà chỉ vì cô bé nhỡ thắng cậu ta trong cuộc thi vật sumo, cậu đã thề không bao giờ thèm cưới cô nữa. Băn khoăn một lát, Totto-chan kết luận: “Dù sao mình vẫn tiếp tục gọt bút chì cho cậu ấy. Mình yêu cậu ấy”.
Tôi rất lấy làm kì lạ là tại sao những cảm giác phổ biến nhất của mọi người xung quanh tôi mỗi khi đề cập đến tình yêu không phải là thăng hoa, không phải là nồng nàn thương nhớ, mà là xấu hổ, hoặc tệ hơn, ân hận. Rồi liên tục nói xin lỗi. Tôi xin lỗi vì đã yêu bạn nhiều như thế. Tôi xin lỗi vì đã không yêu bạn. Tôi xin lỗi vì đã yêu bạn ít hơn bạn yêu tôi. Tôi xin lỗi vì tôi đã hôi nách lại còn có vấn đề đường ruột, bạn đừng yêu tôi nữa nếu không muốn bị ung thư mũi. Rồi đau khổ rồi dằn vặt. Rồi cắt tay rồi nhảy lầu. Những ai đang chuẩn bị nhảy thì cứ nhảy nốt đi nhé, tôi không cản đâu. Còn như ai chưa nhảy thì ngồi xuống đây, uống miếng bánh ăn miếng nước, ta nói chuyện cho nhau nghe, nhỉ. Ai rồi cũng chết, đi đâu mà vội.
Thế rốt cuộc là tại sao bạn lại phải dằn vặt, mới được? Tại sao không đến nói ngay với cô ấy là bạn thích cô ấy? (Ở đây tôi đang cẩn thận, tôi nói là “thích” vì tôi đoán là lúc ban đầu ấy, bạn đâu đã biết chắc chắn mình có yêu cô ấy hay không, đúng chứ? KHÔNG à? Bạn biết CHẮC à? Bạn thực sự YÊU cô ấy à? Thôi được rồi. Thì yêu. Thực ra có khác nhau mấy tí đâu. Khác có mỗi hai tí thôi.)
Chậc, tôi lại mất tập trung rồi. Quay lại vấn đề chính. Thế tức là bạn sợ chứ gì? Sợ nếu cô ấy từ chối, bạn sẽ chán đời cởi áo đi tu? Hay sợ cô ấy gật đầu rồi thì bạn không biết phải làm gì, đứng vò đầu bứt tai, một lúc sau trọc lóc rồi cũng bỏ đi tu nốt? Hay là hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn: trong lúc con người ta đang khó xử chưa biết trả lời thế nào bạn sợ bạn không kìm hãm được ham muốn cháy bỏng mà làm liều? Rốt cuộc là bạn sợ cái gì mới được. Hay là sợ tất cả mọi thứ?
Thôi thì mời bạn đọc lại bài này.
Và cả bài này.
Ý tôi là, tại sao bạn lại phải xấu hổ vì bạn yêu ai hay không yêu ai? Bạn chỉ “xấu hổ” khi mà các khái niệm đúng-sai, tốt-xấu bắt đầu can thiệp. Bạn yêu cô kia nhưng cô ấy đã có người yêu, như thế là không đúng? Bạn không yêu anh nọ và làm cho anh ấy tuyệt vọng đến mức đập đầu vào gối tự tử – thế là rất sai? Nhưng mà khổ quá cơ, bạn làm gì được cho họ và họ làm gì được cho bạn nào, bằng việc ngồi đây mà dằn vặt? Đấy là chưa kể các khái niệm đúng sai tốt xấu của bạn trong phần nhiều trường hợp chỉ là thứ vứt đi, tiếng Anh gọi là bullshit, tiếng Việt dịch là cứt gà. Vứt đi thì hơn, bạn ạ.
Tôi biết, có bạn sẽ cãi ngay tưởng vứt đi mà dễ à, anh cứ yêu như tôi đi rồi hẵng nói. Ồ, tôi biết yêu đơn phương là như thế nào chứ. Tôi hiểu lắm, tôi đã thử rồi. Không có gì hoành tráng lãng mạn hết. Đúng như Nguyễn Thế Hoàng Linh viết ấy:
“nghe người ta đồn
tình yêu thú phết
xua tan mỏi mệt
đơm mùa bao dung
nhưng phải yêu chung
còn yêu riêng lẻ
đau như bị xé
khỏi dòng thời gian”
Đau kiểu gì chứ đau kiểu như bị xé thì không ổn chút nào. Nghe thôi đã thấy kinh khủng. Dã man. Tàn bạo vô nhân đạo. MẤY CÔ MÀ TÔI YÊU ĐƠN PHƯƠNG NHÁ CÁC CÔ NHỚ MẶT TÔI NHÁ, dám làm tôi đau thế à, huhu.
Tôi đùa đấy. Thực ra các cô ấy đâu có làm gì tôi. Các cô đáng yêu chết đi được. Nếu có ai đó làm tôi đau, thì chỉ có chính cái thằng tôi thôi. Thôi thì đủ cả: sợ không dám nói ra, nói ra rồi bị từ chối thì ôm lấy một cục nặng hơn cục chùy, kéo lê kéo lết bao nhiêu năm trời, không biết có phải vì hậu quả đáng sợ như thế nên lúc gặp một người khác nữa lại vẫn sợ không dám nói ra, cứ thế tiếp tục. Chưa kể bao nhiêu lần rõ ràng yêu qua yêu lại hẳn hoi mà vẫn tự tạo ra hàng đống sai lầm để rồi đau lên đau xuống. Cái đó dân gian họ nói là ngu thì chết chứ có bệnh tật gì đâu.
Đấy nhé, quay đi quay lại rồi cũng quay về bản thân mình. Yêu cũng cái thân mình mà ghét cũng cái thân mình. Bạn đừng có xót thương cho ai hết đừng hờn trách ai hết, hãy ôm lấy cái bản thân mình trước đã. Yêu nó, chăm lo cho nó, đừng để nó ốm yếu, đừng để nó chán chường. Khi đó, chỉ khi đó thôi, khi bạn tràn đầy năng lượng và niềm vui, khi bạn tự tin và lạc quan, đó là lúc các cánh cửa bắt đầu mở.
Bỏ mẹ rồi tôi bắt đầu viết những thứ đọc lên nghe như sách chicken shit for the chicken soul bán nhan nhản ngoài Đinh Lễ.
Vậy, để đổi không khí, mời bạn xem video này, đặc biệt dành cho bạn Việt Anh người đã comment trên status của tôi rằng “Tôi yêu cuộc sống của những con người lành lặn vì tôi kém may mắn hơn họ :)”
“Thật sai lầm khi nghĩ rằng bạn không đủ giỏi. Thật sai lầm khi nghĩ rằng bạn không có chút giá trị nào.”
“Tôi không cần phải có tay để ôm lấy một trái tim”.
“Các em gái, tôi muốn các em biết rằng các em vô cùng xinh đẹp. Các em thật tuyệt vời trong cách mà các em đang là. Còn các em trai, các em là NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG.”
– Nick Vujicic
Bao nhiêu bạn đã xem video phía trên mà không khóc? Nếu bạn không khóc có lẽ bạn nên nhỏ mắt đi vì mắt bạn thỉnh thoảng cần nước muối.
Có ai muốn đọc tiếp nữa không? Bao nhiêu người xỉu rồi? Tôi cũng sắp ngất rồi đây.
Ai lại vừa gào lên EM YÊU ANH đấy? Nỡm ạ. PM cho anh số phone của em nhé.
Tôi lại đùa đấy. Đôi khi tôi tự sướng hơi quá. Chúng ta đều là người Việt Nam, bạn phải thông cảm cho tôi chứ. Gì chứ bản sắc văn hóa là thứ chúng ta cần phải luôn luôn có ý thức giữ gìn. Chẳng hạn, dù sang nước Mỹ văn minh nhưng cứ chỗ nào tè vào cây cỏ được là tôi tè ngay. Bạn biết đấy, tụi cây rất đáng thương, trời thì lạnh mà lại không mưa, được tưới nước ấm tụi nó sướng như gì, kêu xèo xèo rất khoái trá. Tôi và thằng bạn nhỏ thì vừa được mát mẻ, lại đỡ nhớ Việt Nam. Thật không có thứ tình yêu nào cao cả cho bằng.
Nào ta lại nghiêm túc. Đến đâu rồi ấy nhỉ?
Mà khoan, để nói nốt chuyện đi đái. Chuyện kể rằng có ông sư kia chả hiểu tu tập thế nào, đã giác ngộ hay chưa (vì giác ngộ xong đâu có ai mọc cánh hay xăm mình để cho người ta phân biệt đâu) mà một hôm xông vào giữa gian thờ đái vào tượng Phật. Chư tăng vừa nổi giận đùng đùng vừa kinh hãi không hiểu thằng này thầy tu kiểu nợ gì mà lại vô lối thế, mới nọc ra tra hỏi. Sư kia mới nhe răng cười hì hì, thủng thẳng: Các đồng chí thông cảm, chẳng may buồn quá không nhịn được nên qủa có hơi tùy tiện. Nhân gặp đây, nhờ các đồng chí chỉ cho tôi chỗ nào không có Phật ấy, để lần sau tôi nhất định không tái phạm nữa. (Rốt cuộc, hình như đám thầy chùa nọ chỉ cho nhà sư kia đến Việt Nam).
Các bạn thân mến,
Tôi thì tôi không biết Phật ở chỗ nào, nhưng tôi thấy ở đâu cũng có tình yêu cả. (Và tôi ngờ rằng có sự chơi khăm của ngôn ngữ đâu đây, vì hình như “Phật” và “tình yêu” là để chỉ cùng một thứ). Tình yêu bao trùm, lan tỏa và thấm đẫm trong tất cả mọi thứ mà tôi chạm đến. Tất cả lời tôi nói, chữ tôi viết, tranh tôi vẽ. Tất cả hơi tôi thở, cách tôi cử động. Tình yêu có trong tất cả các khái niệm mà chúng ta đã dựng lên rồi bàn tán say sưa về chúng: Cuộc Sống, Cô Đơn, Tự Do, Sáng Tạo, Thiêng Liêng, Vũ Trụ… Sẽ có gì đó sai, rất rất sai nếu bất kì điều gì tôi làm – hay bạn làm – không có tình yêu hiện diện. Bởi vì trong tuyệt đại đa số các trường hợp – nếu không nói là tất cả – tình yêu không có đó chỉ bởi vì bạn không biết rằng nó có đó.
Bạn sẽ hỏi tôi ngay thế nhà tôi bố mẹ li dị, thì tình yêu ở đâu? Đất nước tôi người bóc lột người, người dối trá lừa lọc người, người đánh đập nhục hình người, tình yêu ở đâu? Trong trại tập trung của Hít-le tình yêu ở đâu? Trong tất cả mọi cuộc chiến tranh, tình yêu ở đâu?
Trong này có bạn nào chưa xem phim “Life is beautiful” của Roberto Benigni ấy nhỉ? Nếu chưa xem thì về xem ngay. Nếu xem rồi thì mời nhớ lại một chút, xem ở trong ấy có tình yêu không? Có à? Nhiều lắm à? Quái lạ nhỉ. Tôi nhớ phim ấy là một phim lấy bối ảnh nước Ý thời Đức Quốc Xã cơ mà nhỉ!
Tôi sẽ nói với bạn tại sao tôi tin tình yêu hiện diện ở khắp nơi. Ngay trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, dã man nhất, ở những nơi đầy thù hận nhất, tình yêu vẫn có mặt ở đó, thường là trong im lặng. Bởi vì bạn không yêu thì làm sao bạn lại ghét? Nếu bạn không yêu tổ quốc thì tại sao bạn lại căm hận giặc ngoại xâm? Nếu bạn không vì yêu thánh Ala thì tại sao lại điên cuồng muốn giết tất cả những bọn bất kính với đức thánh ấy? Nếu bạn không yêu cuộc sống thì tại sao bạn lại sợ chết? Tôi nói với bạn, ngay cả như vị thủ tướng mà bạn tưởng thú kia cũng có tình yêu của ông ấy chứ. Tôi nói với bạn, ngay cả như con chó còn biết luyến chủ, con chim còn tiếc bạn mà chết, loài người chúng ta liệu có lúc nào lại không có tình yêu ư?
Đó là điều tôi đọc được từ TẤT CẢ sách mà tôi đã đọc, và tôi không tin có bất kì nhà văn nào lại là kẻ dối trá. Đó là điều tôi đã chạm đến mỗi khi tôi xem tranh, nghe nhạc, mỗi khi tôi nhìn sâu vào mắt ai đó khác. Tình yêu chắc chắn là có ở đó, luôn luôn ở đó. Vấn đề còn lại – vấn đề lớn nhất và duy nhất – là CÁI GÌ đã che mất tình yêu làm cho ta không nhận ra được, không chạm đến được.
MỘT: CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ DŨNG CẢM.
Thế kỉ thứ 4 trước Công Nguyên, Aristotle đã tuyên bố: “Lòng dũng cảm là thứ phải có trước tiên trong các giá trị của việc làm người, vì chính nó bảo đảm cho tất cả các giá trị khác”. 25 thế kỉ sau, lời ông nói vẫn còn nguyên sức nặng.
Không lẽ bây giờ tôi lại đi nói rõ ra với các bạn rằng dũng cảm là gì và phải dũng cảm như thế nào? ARE YOU FUCKING KIDDING ME?
Tôi lại đùa đấy. Tôi sẽ nói về dũng cảm. Trước tiên phải nói ngay với bạn nào vừa đọc bài “Về sợ hãi” của tôi phía trên rằng dũng cảm không phải là không sợ hãi – chúng ta chắc chắn không phải là những cỗ máy – mà dũng cảm tức là sợ đến vãi đái ra quần nhưng vẫn làm điều mình cho là đúng cho bằng được. Bất cứ là việc gì: từ tỏ tình, nói chuyện trước đám đông, học bơi, ăn kiêng, tập thể dục cho đến tranh luận, chấp nhận sự khác biệt, biểu tình, đứng lên bày tỏ chính kiến của mình đều cần dũng cảm, không ít thì nhiều. Bởi vì bạn không nói ra thì làm sao tôi hiểu được bạn? Bạn không nhảy xuống nước thì làm sao tưởng tượng được có người từng bơi vượt eo biển Manche? Thực sự bạn không làm được bất kì điều gì nếu thiếu lòng dũng cảm.
Nói đến đây tôi lại nhớ không ít người, trong đó có cả mấy thằng bạn chí cốt của tôi, sau khi thấy tôi viết và vẽ những thứ vốn được mặc định là “nhạy cảm” và “nguy hiểm” ở Việt Nam, đã bảo tôi rằng “ối giời mày ở bển rồi thì muốn nói gì làm gì chẳng được”. Có thật thế không? Có thật là chỉ cần ra nước ngoài là có thể nói ra những điều bạn muốn nói và cần nói? Có bao nhiêu người đang ở nước ngoài và có bao nhiêu người đang nói? Ngược lại, có bao nhiêu người ở trong nước vẫn đang nói và bảo vệ quyền được nói đến cùng, dù có đày đọa, dù có nhục hình?
Tôi lại nhớ một bạn khác, mới đây thôi, sau khi đọc và xem những điều bạn chưa bao giờ được nghe được thấy, nhiều điều đi ngược lại những gì bạn đã từng biết, hỏi tôi rằng anh ơi liệu có phải Việt Nam là một cái chuồng gà hay không? Và tôi đã nói với bạn ấy: tin xấu là đúng, nước mình đúng là một cái chuồng gà – và em đừng nhầm, các nước khác cũng là những cái chuồng gà, cả thế giới là một cái chuồng gà vĩ đại. Nhưng tin tốt – và bao giờ cũng có tin tốt – là làm gà hay làm người, em được toàn quyền lựa chọn. Bạn ấy có vẻ bối rối, nói với tôi rằng “em không biết phải làm Người như thế nào vì từ trước đến giờ em chỉ được dạy để làm gà”.
Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời thế nào cho câu hỏi trên? Trong khi các bạn suy nghĩ, tôi tạm đặt tên câu hỏi ấy là @ và chúng ta sẽ quay lại sau.
Đã hơn một lần, tôi đã viết trong các bài viết của tôi, rằng chúng ta đã được dạy để làm những con gà. Mấy giờ ra vườn, mấy giờ ăn, mấy giờ lên chuồng, mấy giờ đẻ. Ăn, ngủ và đẻ. Chính xác là như vậy. Họ đã làm gì với chúng ta khi bất cứ ai từng muốn làm điều gì khác đi, mới hơn, muốn tìm hiểu ở những góc tối của vườn hay không ngủ đúng giờ đi ngủ, không đẻ đúng giờ phải đẻ? Họ làm TẤT CẢ MỌI THỨ để chúng ta trở lại đúng công thức, đúng quy trình với cả đàn. Á à mày muốn tách đàn hả con? Á à mày muốn làm loạn hả con? “Gây rối loạn an ninh trật tự và ảnh hưởng đến đời sống của các bạn gà” là cụm từ họ hay dùng nhiều nhất. Và họ có vẻ rất lo cho đàn gà. Họ đã nói gì với chúng ta khi lũ cáo hau háu nhìn chúng ta từ bên kia hàng rào? Rằng hãy cứ lo ăn, ngủ và đẻ đi, việc bảo vệ đàn gà là việc của chúng tôi. Và bạn gà nào vừa ngo ngoe giương biểu ngữ “đả đảo lũ cáo gian ác” là hôm sau đã thấy lên bàn thờ ngồi, mình trần như nhộng. Đấy mới là chuyện nhà Gà, còn chuyện nhà Ong, nhà Trâu, nhà Chó và các nhà khác nữa cơ hôm nào tôi sẽ kể nốt.
Mà thôi, tôi lại mất tập trung chuyên môn rồi. Đang nói chuyện gì ấy nhỉ? Chuyện tình yêu, chuyện dũng cảm cơ mà nhỉ. Thì đấy, tóm lại là bạn phải dũng cảm. Dám làm dám chịu. No pain no gain. Không làm cái gì mới là suốt ngày ngồi mơ cuộc đời mình thay đổi thì có họa là điên. Điên kiểu khùng ấy, không phải là điên kiểu đẹp trai như tôi.
HAI: CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ KIÊN NHẪN.
Ngày 23, tháng 4, năm 1903, Rainer Maria Rilke viết: …“Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì; mười năm không là gì cả. Khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số: khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nảy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ nào biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình. Tôi đã học được điều ấy mỗi ngày bằng bao nhiêu cơn đau đớn, bằng bao nhiêu nỗi đau khổ mà tôi vẫn cảm tạ: Kiên nhẫn vẫn là tất cả.”
Những dòng trên trích từ thư Rilke viết cho một người thi sĩ trẻ tuổi, nhưng tôi tin rằng nó có thể gửi đến bất kì ai, dù ở bất kì đâu, ở bất kì tuổi nào, làm bất kì nghề gì. Vì chưng chúng ta đều chia sẻ một nghề chung, ấy là nghề Làm Người. Và vì tôi đoán không ai nói với các bạn điều này ở trường học đâu, nên bây giờ tôi nói, dù là lặp lại Rilke hay lặp lại chính tôi: trên đời này thực không có nghề nào cần sự kiên nhẫn cho bằng nghề Làm Người.
Chúng ta quay lại một chút với câu hỏi @ ở phần trên: các bạn đã tìm ra câu trả lời chưa? Đây là lời tôi đã nói với bạn tôi: “Hỏi tức là bắt đầu trả lời rồi. Bởi vì gà không tự hỏi thế bao giờ.” Tại sao tôi lại dùng chữ “bắt đầu”? Vì “trả lời” thực ra là một hành trình, chứ không phải một hành động tại một thời điểm. Một hành trình thực sự rất dài.
Tất cả những việc mà chúng ta đã thu hết lòng dũng cảm để bắt đầu, bây giờ chúng ta phải kiên nhẫn để đi cho hết hành trình thực hiện chúng. Hành trình ấy có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Huế, Sài Gòn hay các tỉnh thành khác có thể bị tàn phá nghiêm trọng về văn hóa, về giáo dục, về môi trường. Giặc nội xâm ngày ngày tác ai tác quái. Giặc ngoại xâm có khi đã ở ngay trong nhà mình. Nhưng chúng ta nhất quyết không sợ. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song số máy số khung thì không bao giờ thay đổi…
Các bạn đừng cười. Đừng thấy tôi đùa mà tưởng tôi nói giỡn. Tôi chỉ đùa để tất cả những chuyện này nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn thôi. Và tôi sẽ không nói cụ thể hơn nữa, làm cho bài này còn dài hơn nữa và nặng nề hơn nữa. Rốt cuộc chúng ta đang nói chuyện về tình yêu mà, phải không?
Các bạn thân mến,
Tôi biết nhiều bạn không đủ kiên nhẫn để đọc hết bài viết này của tôi. Cũng như không đủ kiên nhẫn để đọc hết một cuốn sách, nghe trọn vẹn một bài nhạc, nhìn ngắm thật kĩ một bông hoa, hay chờ đợi một điều gì thật sự sâu sắc lớn dần lên theo năm tháng. Bằng sự vội vàng – vội vàng không để làm gì cả – chúng ta đã bỏ qua, đã để phí hoài, đã tự đánh mất bao nhiêu điều hay, bao nhiêu cái Đẹp. Sự vội vã hấp tấp cũng xấu xí không kém gì sự yếu đuối hèn nhát, vì cả hai điều đều kéo chúng ta ngày càng xa nhau hơn.
Sự kiên nhẫn mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, thực ra bao trùm cả sự kiên gan bền chí trong suốt lịch sử chiến tranh của dân tộc mình, bao trùm tất cả những sự kiên nhẫn mà bất kì ai trong chúng ta đều đã biết hay thậm chí tưởng tượng ra. Đó là sự kiên nhẫn đưa ta về với trái đất 4 tỉ năm trước khi nó còn là một khối đất nóng rẫy. Nó đã chờ đợi như thế nào, góp nhặt những gì trong 3 tỉ năm cho đến khi sự sống xuất hiện? Và rồi nó đã kiên nhẫn ra sao trong 800.000 năm nữa, cho đến khi loài người mới bắt đầu trèo xuống từ cây và chập chững những bước đầu tiên? Và trời ơi, trước đó và trước đó nữa, từ vụ nổ 14 tỉ năm trước, từ tỉ tỉ vụ nổ trước vụ nổ ấy nữa…  Tôi muốn cùng các bạn, nếu có bạn nào chưa bao giờ, hoặc nếu đã từng thì ta cùng làm lại, suy nghĩ một lát về chỗ đứng và cách sống của Con Người trong toàn bộ không gian, thời gian và những chiều kích bí ẩn khác của vũ trụ.
Oooommmmmm.
Thôi. Nghe một bài hát, đứng dậy vươn vai, uống miếng nước ăn miếng bánh, đi vệ sinh, rồi ta lại hàn huyên tiếp nhé:
Thế và, vì không đủ dũng cảm và không đủ kiên nhẫn nên dẫn đến BA: CHÚNG TA KHÔNG HIỂU NHAU.
Chúng ta thường không đủ dũng cảm để nói cho nhau nghe và không đủ kiên nhẫn để nghe nhau nói. Không đủ dũng cảm để tha thứ cho nhau và không đủ kiên nhẫn để chờ những vết thương liền lại. Chúng ta hàng ngày hàng giờ, bằng sự hèn nhát và nóng vội, dù vô tình hay cố ý, đang đào sâu thêm rộng thêm vực thẳm giữa mỗi người. Rộng và sâu đến mức nhiều người tưởng là nó có sẵn ở đó, chứ sức người đâu mà tạo ra được thứ đáng sợ như vậy. Chính thế đấy, các bạn, sức người có thể tạo ra mọi thứ.
Các bạn đã nói với tôi rằng các bạn yêu sự tử tế, sự chân thành, sự tự do, sự sáng tạo. Nhưng các bạn có biết rằng tất cả những sự ấy chỉ là công cụ trên bề mặt thôi không? Chúng chỉ là cầu nối, chỉ là phương tiện vượt qua vực thẳm, ĐỂ CHÚNG TA HIỂU NHAU. Chỉ cần hiểu nhau là chúng ta đã có chín chín phần trăm cơ hội để yêu nhau rồi. (Sở dĩ còn một phần trăm còn lại là bởi thỉnh thoảng có những bạn KHÔNG THÍCH nhau, nhưng ít nhất nhờ hiểu nhau mà chúng ta không cãi vã, không thù hận.) Đấy là tôi còn nói trên bề mặt, còn nếu chúng ta HIỂU NHAU ĐẾN TẬN CÙNG, thì trời đất ạ, ngoài việc yêu nhau có còn việc gì khác để làm trên đời này nữa đâu. Chúng ta đã được mặc định như vậy. Default. Hàng công nghệ cực cao, sản xuất bằng tay và các bộ phận khác trong điều kiện đặc biệt, tiêu thụ hơn 7 tỉ trên toàn thế giới.
Tôi đang hoàn toàn nghiêm túc: Chúng ta sinh ra từ tình yêu và sống để nối tiếp dòng chảy tình yêu, để rồi tìm đường quay về với tình yêu. Chỉ thế thôi, đơn giản hết sức. Không thể đơn giản hơn được nữa.
Và còn một điều nữa, một điều đóng vai trò quyết định trong hầu hết các trường hợp gây ra hận thù, đau đớn, chán ghét lẫn nhau giữa chúng ta:
BỐN – CHÚNG TA KHÔNG HIỂU “DÒNG CHẢY”.
Tình yêu là một dòng chảy vĩ đại. Nó không bao giờ đứng yên. Nó là phép cộng của các khoảnh khắc, của các dao động, của tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Cũng giống như năng lượng, nó không sinh ra hay mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Chính ở đây bạn sẽ thấy cuộc sống và tình yêu hòa làm một: không gì khác hơn là một dòng chảy. Henry Miller từng viết: “Tôi yêu tất cả những gì trôi chảy; ngay cả những dòng kinh nguyệt mang đi những trái trứng hư”.
Và thế nào là trôi chảy? Là vận động, là thay đổi, là di chuyển không ngừng. Không có cái gì hay ai mà ngày hôm nay lại giống y như ngày hôm qua và sẽ không đổi ngày mai. Trên thực tế, tôi lúc này và tôi lúc viết xong câu này đã khác nhau rồi.
Ấy thế mà chúng ta vẫn hàng ngày nhìn nhau với đôi mắt cố định, đôi mắt bất động biết bao nhiêu. Sao anh không yêu tôi như hồi trước? Tại sao em lại béo ra đến mức này? Cậu không còn là cậu như xưa nữa, nên tớ ứ thèm chơi với cậu. Chúng ta cần phải xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Trích Thông tấn xã Việt Nam tháng 11 năm 2011:“Nhân loại đang ở vào thời điểm bước ngoặt của lịch sử, với hai con đường phát triển: Thứ nhất là con đường tư bản chủ nghĩa, con đường bóc lột các dân tộc, dẫn đến nguy cơ chiến tranh đế quốc, xâm phạm các quyền dân chủ của nhân dân lao động. Thứ hai là con đường giải phóng, thực hiện lợi ích của công nhân và nhân dân lao động, vì tiến bộ và chủ quyền nhân dân, vì hòa bình – con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.”
ARE YOU FUCKING KIDDING ME?
Rất nhiều người trong chúng ta hoàn toàn không ý thức gì về dòng chảy, nên vừa ôm lấy những đau khổ không đáng có, vừa đào sâu thêm mâu thuẫn giữa người và người. Chúng ta dựng nên các nguyên tắc cố định, rồi đến khi có ai chạm đến, có ý định thay đổi hay thậm chí chỉ là trình bày ý kiến của họ thôi, là ta nổi khùng lên ngay. Ta dựng hàng rào, ngồi im ở trỏng, vừa ngó thiên hạ đi qua đi lại vừa căm ghét cái lũ người gì mà cứ thay đổi xoành xoạch.
Tất nhiên ngồi trong hàng rào thì AN TOÀN. Giống như bầy gà trong chuồng vậy, từ khi nở ra cho đến khi biết đẻ chỉ nghe người ta nói đúng mỗi một điều: mày chạy ra chỗ tối ở góc vườn là mày CHẾT; mày mà thò đầu qua bên kia hàng rào là mày TOI; mày mà không ăn, ngủ, đẻ đúng giờ là thì mày LÊN BÀN THỜ con ạ. Và tất nhiên họ không bao giờ quên đưa vài bạn gà lên bàn thờ để làm gương. Láu cá thật!
Chúng ta có cần AN TOÀN đến thế không? Lần cuối các bạn thử cái gì mới là lúc nào? Lần cuối các bạn thử làm cái gì phiêu lưu mạo hiểm là lúc nào? Lần cuối các bạn dám quyết liệt làm một việc gì, dù biết rằng khả năng thất bại rất lớn, là lúc nào? Những lúc ấy có sướng không? Máu có chảy rần rật, tim có đập thình thình, người có nóng bừng bừng và thỉnh thoảng dù rất đau, vẫn cảm thấy mình mạnh mẽ lên nhiều hay không? Và cái gì sướng hơn, cảm giác đó hay là cảm giác ngồi im trong hàng rào, ngó ra?
Các bạn, thế giới là một cuốn sách lớn, và ai ngồi im một chỗ thì đọc mãi cũng chỉ hết một trang mà thôi. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa. Hãy thay đổi, hãy di chuyển, hãy hòa mình vào dòng chảy. Khi bạn để mình trôi theo dòng chảy, chấp nhận dòng chảy, cũng là lúc bạn thấy gần gũi yêu thương người khác hơn bao giờ hết, vì chưng tất cả chúng ta đều là bạn đồng hành.
Vì ĐỜI CHO TA THẾ, nên chúng ta hãy lên đường đi thôi.
LÍ DO NẰM Ở ĐÂU
Nhiều bạn comment dưới status của tôi rằng “em chỉ biết yêu thôi, không biết lí do là gì cả”, hay “anh có nhất định cần lí do không”? Không, bạn ạ, tôi không nhất định cần lí do. Tôi biết lí do là gì và nằm ở đâu mà.
Lí do nằm ở dưới đó.
Nữa rồi, lại có bạn đầu óc đen tối lại nghĩ ra cái gì bậy bạ rồi.
Ý tôi là, lí do nằm ở sâu bên dưới, sâu bên trong, có những nơi chúng ta không chạm đến được, không nhìn thấy được, thậm chí có lúc cũng không cảm thấy được. Nhưng cách này hay cách khác, chúng ta BIẾT nó có ở đó.
Hãy kiên nhẫn nếu bạn chưa tìm thấy lí do để yêu đời. Hãy kiên nhẫn nếu bạn chưa tìm thấy lí do để yêu người. Hãy luôn nhớ rằng đó chỉ là vì có một vài thứ đang ngăn giữa tôi và bạn, giữa ta và họ, không cho chúng ta nhìn thấy nhau. Một khi đã nhìn được thấy nhau, thì chúng ta nhất định không cần lí do nữa. Tôi hứa chắc với bạn là như vậy.
VỀ SỰ IM LẶNG
Tôi không biết từ đầu bài viết đến giờ đã có bao nhiêu bạn cười? bao nhiêu bạn khóc? bao nhiêu bạn ngất xỉu lăn đùng bao nhiêu bạn ngất ngây bay lượn? Và có ai để ý rằng tất cả chúng ta đều im lặng hay không?
Những lời tôi đã viết ra đây, bạn đang đọc nó trong im lặng. Tất cả mọi xúc cảm, mọi ý nghĩ, mọi giác quan của chúng ta đều đang đón nhận nhau, trong im lặng. Chẳng phải đấy là một điều kì diệu lắm sao?
Tôi biết nhiều bạn đã đọc tôi và nhấn nút “Like”. Nhưng tôi cũng biết nhiều bạn đã đọc tôi, đã xem tôi, nhưng không bao giờ để lại một dấu vết nào. Và tôi biết ơn, tôi chia sẻ với các bạn ấy không kém gì những bạn đã “Like” hay comment nhiệt tình trên các trang mạng của tôi cả. Những lời tôi viết thực ra chỉ là những dòng ký tự chết nếu không ai đọc nó. Bài viết này, hay những tranh vẽ khác, hay toàn bộ những câu chuyện tôi đã kể, sống được là nhờ bạn đọc nó, sống cùng nó. Nó đi qua tôi và qua bạn và tôi tin là sẽ còn chảy trôi bất tận.
Chúng ta đôi khi không cần lời nói, thậm chí không cần cả dấu hiệu, để biểu thị tình yêu. Như Bob Dylan đã nói, “love” rốt cuộc chỉ là một chữ có bốn kí tự. Khi bạn yêu, bạn có cả vũ trụ với mình. Chúng ta có muôn tỉ cách chỉ để nói về một điều duy nhất. Và đôi khi, một trong những cách tuyệt vời nhất chính là im lặng.
Trong cuộc sống hàng ngày có biết bao là thứ ồn ào náo nhiệt. Ai cũng tranh nhau nói. Ai cũng tranh nhau gào. Ai cũng tranh nhau bấm còi, đập cửa, hú hét vào mặt nhau. Chẳng ai nghe ai, chẳng ai chịu ai. Quá ít người nhận ra rằng chỉ cần lắng nghe nhau thật thong thả, thật từ tốn, chỉ cần nhìn thật sâu vào mắt nhau, chỉ cần làm cùng với nhau một việc gì trong im lặng, là chúng ta đã có thể hiểu nhau đến nhường nào rồi.
Và đó chính là sự kì diệu của sách. Chính là sự kì diệu của tranh. Chính là sự kì diệu của âm nhạc. Và trên tất cả, là sự kì diệu của im lặng vĩnh cửu.
Đến đây, tôi muốn chia sẻ với bạn một truyện/tùy bút mà tôi rất thích của Phạm Công Thiện, tác giả tôi vô cùng yêu quý: Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong.
VỀ DI SẢN
Đêm giao thừa Tết Tây 2012, tôi đã có một buổi nhậu quắc cần câu theo đúng nghĩa đen. Tôi huyên thuyên, tôi hú hét, tôi đái ngoài vườn, tôi cho chó ăn chè trong chậu rửa bát. Và trong lúc say sưa ngây ngất đó, tôi đã có một cuộc “tranh luận” thú vị về di sản.
Phải dùng ngoặc kép bởi vì lúc bạn say thì có logic quái quỷ gì nữa đâu, tất cả mọi thứ đều nhảy nhót, bạn chỉ nói toẹt ra điều bạn nghĩ, điều bạn tin. Vấn đề còn lại chỉ là có tin hay không, chứ có gì mà tranh luận.
Lại nói chuyện chúng tôi bàn về di sản. Bởi vì có anh kia, một thương gia giàu có, thành công, người đã làm hàng tỉ thứ nghề trên đời và đêm hôm đó là bartender xuất sắc của chúng tôi, đã hỏi tôi rằng rốt cuộc tôi sang đất Mỹ để làm gì? Tôi học để làm gì? Tôi sống để làm gì? Tôi đã cười sằng sặc mà rằng: không để làm gì cả. Tôi không hề nói dối, cũng không phải là tôi không biết tôi đang nói gì: tôi nói chính xác điều tôi muốn nói, KHÔNG ĐỂ LÀM GÌ CẢ.
Anh bạn kia mới cười phá lên bảo rằng chú đừng bốc phét, thực ra chú muốn để lại những di sản. Còn di sản gì, để lại như thế nào là việc của chú, có thể chú không nói ra được nhưng trong lòng chú đã biết rất rõ rồi.
Tôi khựng lại một chút, rồi lại phá lên cười sằng sặc. Rồi chúng tôi ôm nhau. Tôi suýt khóc. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ cười. Rồi tôi hú như sói. Bọn chó nhà bên cạnh cũng tru theo. Chắc chúng nó thích tôi. Anh bạn kia, người tôi gặp lần đầu tiên, thì thầm vào tai tôi:
“You are my brother”.
Các bạn thân mến,
Chúng ta sống trên đời để làm gì? Chúng ta muốn để lại những di sản gì? Tôi sẽ để trống phần trả lời cho các bạn. Chỉ xin các bạn nhớ cho kĩ một câu hỏi này: nếu các bạn chỉ ăn, ngủ và đẻ, thì ý nghĩa của việc làm Người ở đâu?
TÌNH YÊU LÀ MỘT LỜI HẸN
Viết đến đây, tôi nhớ chị Đoàn Minh Phượng. Chị là người bạn lớn, người thầy lớn của tôi. Chị là người nói tôi nghe và cho tôi thấy nhiều nhất về cái Đẹp. Trong những gì chị viết, tôi đặc biệt nhớ bài này.
Vâng. Cái đẹp của một con thuyền nằm ở lời hẹn. Một con thuyền còn như thế, huống chi một con người.
Tôi đã có biết bao nhiêu cuộc hò hẹn trên đời. Có những người hẹn với tôi, có khi tôi hẹn họ, nhiều khi khác tôi lại hẹn với chính mình. Và những lần lỡ hẹn thì không thể nào mà đếm cho hết được. Nhưng liệu chúng ta có bao giờ lỡ hẹn với nhau không? Trong dòng chảy vĩ đại bao la này, một lời hẹn đã thốt lên, liệu có bao giờ nó có một hạn định, một deadline, như cái project mà bạn đang phải cuống cuồng thực hiện hay không?
Có bạn nào còn nhớ ý tưởng của tôi về trường học Toa Tàu mà tôi để lên status cách đây ít lâu không? Vâng, đó chính là một lời hẹn của tôi với các bạn, và của các bạn với tôi. Đó là ước mơ chung mà chúng ta chia sẻ, là điều chúng ta muốn làm và sẽ làm, nhất định là như thế. Còn làm như thế nào, bao giờ thì khởi sự, toa tàu sẽ đặt ở đâu… những điều đó chúng ta sẽ bàn sau.
Hãy tin tôi, khi tôi nói muốn hẹn hò với bạn. Tôi muốn hẹn bạn dạo phố trong những sáng trời nắng đẹp. Tôi muốn hẹn bạn cà phê những chiều mưa. Tôi muốn hẹn bạn buổi tối chúng ta nằm cạnh nhau trong một căn phòng ấm cúm và thơm, chúng ta cùng đọc sách và nói về những điều ở bên ngoài vũ trụ. Tôi muốn hẹn bạn đi tắm truồng ở biển, bạn đừng xấu hổ nữa vì chúng ta đã quen nhau từ rất lâu rồi. Tôi muốn hẹn bạn một ngày kia, chúng ta yêu nhau như chưa từng có thể, yêu điên dại, yêu mê cuồng, yêu đến mức mặt trăng hóa ra thành hai cái.
Hãy tin tôi, nhưng đừng có tin Bít-tồ, khi họ gào lên ALL YOU NEED IS LOVE.
Cái gì mà bạn chỉ cần có mỗi tình yêu thôi? Thế có mà chết đói à? Thế không cho tôi ngủ à? Thế nhất định không cho tôi đi ị à? Thế thì tôi chết mất. Tôi phải sống đã chứ. Và ừ, nếu cho tôi chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ đi vệ sinh, thì tôi đồng ý: tôi chỉ cần tình yêu thôi.
À quên, nhớ cho tôi giấy bút nữa nhé. Vì tôi cần viết và vẽ.
Như tôi cần thở vậy.
Như thở tức là yêu vậy.
Phải không, bạn yêu quý của tôi?
——-
Savannah, 16/1/2012
But Chi
LÊN ĐẦU TRANG