Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Cách mạng một-cọng-rơm, Masanobu Fukuoka - Cuộc cách mạng toàn diện trong tâm thức con người

“Trong tự nhiên, có sự sống và cái chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui.
Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người thì sống trong khổ đau.”
Nếu tiên sinh Fukuoka đã nói rằng: “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khơi mào.” Vậy hẳn nhiên chúng ta chỉ cần bắt đầu từ hai câu trích dẫn nho nhỏ thì vẫn có khả năng mở ra toàn bộ nội dung căn bản của cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm ấy!
Như đã được chia sẻ từ những trang đầu, tiên sinh Fukuoka đã thức tỉnh một cách hoàn toàn bất ngờ từ một cơn mê mụ, sau khi nghe tiếng kêu chói tai của một con diệc trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng. Kể từ lúc ánh chớp đó lóe lên, con đường cách mạng trong nông nghiệp của ông cuối cùng cũng nên hình dạng và đi đến thành công rực rỡ trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người, từ nông dân cho tới những nhà khoa học.
Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều về cách làm nông “vô vi” từ cuốn sách mà trong đó tác giả đã trình bày những kiến thức rất chi tiết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng chúng ta chỉ cần nắm được cái cốt lõi “vô vi” ấy thôi thì dù là nông nghiệp hay giáo dục, là hôn nhân hay tôn giáo, tất cả mọi thứ sẽ đều được chuyển mình một cách triệt để nhất. Giống như ta là người nắm giữ hạt mầm chứ không phải chỉ đơn thuần bắt được ngọn cây vậy!
Quay trở lại với hai câu trích dẫn ban đầu, tôi sẽ xuất phát từ điều mà cá nhân tôi nhìn thấy trước tiên, đó là sự phân cực và nỗi đau khổ dường như bất tận của con người khi dính mắc vào nó. Tiên sinh Fukuoka minh chứng về biểu hiện này trong nông nghiệp thông qua việc người nông dân bắt đầu so sánh nhanh-chậm, hơn-thua, lỗ-lãi lúc ngó sang mảnh ruộng nhà hàng xóm và thấy gã hàng xóm thay vì sử dụng trâu kéo đã chuyển sang máy cày.
Người nông dân buồn chán ra mặt và quay vào nhà xem TV thì thấy bọn Mỹ đã sử dụng đến cả máy bay trực thăng để phun thuốc trừ sâu rồi (đoạn này là tôi tự nghĩ ra!) Tuy nhiên, sự đắm chìm trong nhị nguyên không chỉ thể hiện ở trong nông nghiệp, nó đã lan rộng ra như một đại dịch trong mọi mặt cuộc sống của con người, từ việc ăn phở cho đến việc yêu Chúa. Mọi thứ đều được con người phân ra rạch ròi, nào là tốt-xấu, hay-dở, thánh-phàm, quá khứ-tương lai, tôi-anh và thậm chí tôi-cái tôi của tôi. Chính sự chia rẽ như vậy là nguyên nhân dẫn tới mọi điều mâu thuẫn và tranh đấu trong cuộc đời, nếu như không nói rằng nó là gốc rễ của mọi sự bạo lực.
Có bao giờ các bạn tự hỏi từ đâu mà mọi thứ trở nên quá phức tạp rối rắm như vậy không? Và sự phức tạp đó đã gây nên những đau đớn như thế nào cho con người không? Khi một người vẫn thao thao bất tuyệt nói về “khoảng không nằm ngoài cái hộp” và nỗ lực vượt qua nó để đi đến cái toàn thể, thì hiển nhiên trong hắn vẫn còn sự dính mắc về giới hạn và không giới hạn, về thực tại và hư vô, về thế giới rối ren của loài người và cõi Niết Bàn. Và một khi đã xây dựng nên bất kỳ một tượng đài nào thì đến một ngày nó vô tình (hay cố tình) bị ai đó đập vỡ, thì kẻ đáng thương ấy sẽ nếm đủ những đau đớn của sự sụp đổ và phẫn nộ, khi đã bám víu vào tượng đài suốt bao nhiêu năm tháng cuộc đời.
Nói đến đây tôi chợt nhớ tới bác Đường Tăng2 phiên bản “quái đản” đã xuất hiện trên thế giới vào đúng ngày này hai năm về trước. Và tôi bắt đầu ngờ rằng trước khi sang Tây Ban Nha, chắc hẳn bác ta có ghé qua Nhật Bổn để đàm đạo cùng tiên sinh Fukuoka, khi mà cả hai người họ đều đã đề cập tới việc những tư tưởng phân cực kéo theo đau khổ cho con người. Và thật trùng hợp khi bác Đường Tam Tạng cũng đã rất thành công trong một cuộc giao đấu “vô vi” với bò tót nơi bản địa. Tại chuyến đi ấy, bác ta đã từng ngân lên bài thơ rằng:
“Này người bạn ơi hãy cứ khóc
Đừng kìm nén cho đến ngày mai
Đời người ta chỉ như con lắc
Giữa tốt-xấu, vui-buồn, đúng-sai.”
Đau đớn được thể hiện ở sự muộn phiền, tuyệt vọng, bất mãn, giận dữ, và khả năng cao kẻ đó sẽ có xu hướng muốn thoát khỏi sự khó chịu ấy bằng cách lảng tránh thông qua việc đưa ra bằng được mọi lý lẽ giả dối với chính mình hoặc sử dụng những cảm giác mạnh khác để lấn át đi (có thể thông qua chích hút, rượu chè hay tình dục); nếu không thì sẽ gào thét, khóc lóc vật vã, hoặc thu mình lại đến mức trầm cảm; rồi thì đấu tranh (thậm chí gây chiến tranh) để bảo vệ đến cùng tượng đài ấy. Và khi mọi nỗ lực thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực không thành, kẻ đó sẽ tự kết liễu đời mình bằng một đường cứa vào động mạch chủ!
“Cũng giống như trường hợp người nông dân hám lợi mở đường mương dẫn nước tưới quá rộng và để cho nước chảy ào ào vào ruộng lúa của mình. Bờ mương sẽ bị nứt và đổ sụp. Tới lúc đó thì lại phải bỏ công ra gia cố. Bờ mương được đắp cho kiên cố lại, mương dẫn nước sẽ được mở rộng ra thêm. Lượng nước tăng lên chỉ làm gia tăng mối nguy hiểm tiềm tàng và lần suy yếu sau đó của bờ mương sẽ đòi hỏi công sức lớn hơn để xây dựng lại.”
Các bạn biết không, mọi việc sẽ chẳng đến mức tồi tệ nếu như vấn đề được chấp nhận và truy về tận cùng nguyên nhân gốc rễ của chúng thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa, thay đổi, hay “nâng cấp”. Như những điều tôi hiểu được từ sự diễn giải của tiên sinh Fukuoka về nông nghiệp, thì chuyện cày tung đất lên chỉ làm gia tăng sự phát triển của cỏ dại, sau đó người nông dân sẽ nai lưng ra cả năm trời để nhổ cỏ, và sẽ vui mừng khôn xiết khi có nhà khoa học thiên tài nào đó phát minh ra được thuốc diệt cỏ. Nhưng rồi chính việc sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ làm thoái hóa đất đai, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và đặc biệt tích lũy các chất độc hóa học trong nông sản mà chúng sẽ theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người rồi “trú ngụ” ở đó.
Vậy là chỉ từ việc không nhận ra nguyên nhân khiến cỏ dại tung hoành trên mảnh ruộng của mình mà người nông dân bây giờ phải điêu đứng với việc chạy chữa trong bệnh viện vì những bệnh tật liên quan đến thần kinh hay tế bào do hóa chất bảo vệ thực vật gây nên!
Khi xuất hiện một nỗi đau, một sự phiền muộn hay thương tổn, có mấy ai trong chúng ta là dám đi đến tận cùng nguyên nhân dẫn đến những sự khó chịu đó? Hầu hết con người không đủ sức, không đủ trí tuệ và cũng không đủ sự bao dung để mà ngồi lại với những vấn đề của chính mình. Việc lấp liếm dễ dàng hơn rất nhiều, việc gào thét vào mặt người khác cũng rất là đơn giản và thậm chí việc nổ súng, đánh bom gây thương tích, chết chóc cho nhau cũng chẳng nằm ngoài tầm tay. Chỉ có những kẻ yếu đuối mới lờ lớ lơ đi chính bản thân mình và rất thường xuyên đi làm tổn thương người khác.
Giả sử như khi nhìn thấy người yêu của bạn đang hôn hít, sờ soạng một cô nàng nóng bỏng nào đó, bạn bắt đầu cảm thấy phát điên phát rồ lên hết cả. Lúc đó bạn muốn bắn bỏ ngay con ranh kia và tùng xẻo thằng khốn nạn đã từng là người yêu mình một giây trước, hay là bạn sẽ bình tâm lại, đứng sang một bên và đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự phẫn nộ ấy? Nếu bạn không nhận ra rằng tất cả chỉ là những cái cớ để mọi thứ trong tâm trỗi dậy thì có lẽ bạn cần bị phản bội đến cả chục lần thì may ra mới học được cách đi tìm nguyên nhân của vấn đề, thay vì cứ nhảy choi choi lên như chín lần chán ngán trước.
Có khổ thì ắt có nguyên nhân dẫn đến sự khổ, và chúng đều bắt nguồn từ sự sợ hãi. Trong cuốn sách, tác giả đã thể hiện rất rõ rằng: Người nông dân sợ phải nai lưng ra làm nếu không phun thuốc diệt cỏ nên đã gây ra sự mất cân bằng sinh thái, sợ mùa màng thất bát nếu hành động khác đi so với khuyến nghị của chính phủ nên đã đánh mất đi sự gắn bó với những thực phẩm truyền thống giàu giá trị, và sợ không thu được lợi nhuận nếu không sử dụng chất bảo quản, chất kích thích, chất tạo màu để “làm đẹp” cho nông sản nên đã gieo rắc bệnh tật cho toàn xã hội.
Nhưng đấy là trong nông nghiệp, còn trong cuộc sống bình thường của mỗi người, liệu có mấy ai nhìn ra được những nỗi sợ hãi ẩn chứa sâu thẳm đã dẫn dắt mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình? Nỗi sợ dư luận, sợ đói khổ, sợ chết, sợ cô đơn, sợ thua kém người khác, sợ không được công nhận, sợ thay đổi,… tất cả chúng đều là những hạt nhân găm vào tâm trí con người và thao túng, dẫn dắt mọi động thái của hầu hết loài người để hình thành nên một xã hội thối nát và bạo tàn như ngày nay. Hãy nhìn cho thật kỹ xem một ngày thức giấc và bắt đầu sống thì bạn đã để sự sợ hãi dắt mũi mình bao nhiêu lần trong đó? Tôi cá rằng câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
Hãy quan sát lại một lượt những gì tôi vừa nói, vậy câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Tại sao trong tự nhiên và trong thế giới loài người đều có sự sống và cái chết, mà tự nhiên lại đầy ắp niềm vui, trong khi loài người thì chịu nhiều đau khổ?” là gì? Nó là sự dính mắc trong nhị nguyên hay là sự đắm chìm trong những nỗi sợ hãi? Nó không phải cả hai điều đó các bạn ạ. Mà câu trả lời chính là: Con người vẫn nằm trong ma trận của tâm trí (hay nói cách khác là họ nhìn toàn bộ thế giới qua lăng kính của trí năng.)
Tâm trí gây dựng nên những khái niệm, những tên gọi về đặc tính của hiện tượng khiến con người ngày càng xa rời chính hiện tượng đó. Và rồi chính sự mông lung về thế giới sẽ kéo theo những nỗi sợ hãi đầy vẻ tăm tối cùng những sự so sánh đậm chất mê muội. Chúng trở thành một vòng xoáy không lối thoát khi một người lỡ sa chân vào địa hạt của trí năng.
Ví dụ như một kẻ đánh mất người yêu, tâm trí anh ta bắt đầu cho rằng không có người yêu thì cuộc đời sẽ thật cô đơn, không được ai yêu thương thì mình sẽ thật bất hạnh. Anh ta mang theo nỗi niềm tuyệt vọng trong những hành trình tiếp theo của mình và đến một ngày không thể chịu đựng nổi, anh ta bắt đầu xây dựng nên một hình tượng Đấng cứu thế với tên gọi là God và ngày ngày cầu nguyện để hòng mong đợi Ngài tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để anh ta có thể trở lại với cuộc đời. Nếu như những lời cầu nguyện được đáp ứng thì anh ta sẽ tin rằng có Chúa và tiếp tục khấn lạy, nếu không thì anh ta sẽ tự hành hạ mình cho đến chết vì cảm thấy vô phương cứu chữa.
Hãy nhìn lại xem chàng trai này đã ảo tưởng đến mức nào khi tự vẽ ra mọi chuyện, từ đau khổ, rồi chữa chạy, tin tưởng, hân hoan rồi tự kết liễu đời mình. Anh ta nháo nhác trong một màn kịch (mà tự thân làm đạo diễn) chẳng khác gì chính sự náo động của tâm trí như một con khỉ liên tục chuyền cành!
Chuyện về tên ngốc ở trên và chuyện về cuộc cách mạng nông nghiệp của tiên sinh Fukuoka khiến tôi nhớ đến câu nói đầy khắc khoải trong bài phát biểu1 của người sáng lập ra trung tâm Pun Pun - một nông trại hữu cơ ở ngoại ô Chiang Mai (Thái Lan):
“Bởi vì chúng ta đã được dạy để làm cho cuộc sống phức tạp và khó khăn, làm sao khiến nó trở nên dễ dàng đây? Thực ra nó dễ dàng nhưng chúng ta không biết làm sao cho nó dễ dàng nữa.”
Trong cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã chỉ ra đích xác nguyên nhân dẫn đến sự thối nát trong nền nông nghiệp Nhật Bản là vì người nông dân, chính phủ, những nhà khoa học hào hứng “phát minh” ra đủ các phương pháp “cải tiến hiện đại hơn”. Trong khi, ông lại cách mạng nông nghiệp dựa vào phương pháp phi phương pháp - tức là không-làm-gì-cả dựa trên bốn nguyên tắc: Không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay sử dụng thuốc diệt cỏ và không phụ thuộc vào hóa chất. Nếu đem những nguyên tắc này ra để ướm vào cuộc cách mạng tâm thức con người thì chúng sẽ tương ứng với: Không vọng tưởng, không thêm bớt, không tranh đấu và không dính mắc!
Nói đến đây không thể không nhắc tới bản Bát Nhã Tâm Kinh2 mà nó khiến tôi nhận ra rằng tất thảy đều là những ảo ảnh khái niệm được gây dựng nên từ tâm trí của loài người. Khi không còn dính mắc vào tâm trí nữa thì không còn chướng ngại, mà tâm không chướng ngại sẽ không sợ hãi, kẻ đó sẽ không còn xao động vọng tưởng và đặt chân tới cõi Niết Bàn – giây phút hiện tại trong sáng. Cõi Niết bàn luôn ở đó cho một kẻ đã buông đi mọi hình dung về cõi Niết Bàn! Thật ra thì hắn cần phải buông luôn cả chữ “BUÔNG” ấy nữa(!)
Tất cả đều là những công cụ để con người quay trở lại với sự tự nhiên và thống nhất mà thôi. Kẻ nào một khi vẫn còn dính mắc vào những công cụ ấy như người qua sông vẫn vác theo con thuyền, thì kẻ đó hãy vẫn còn nằm trong sự rối ren khổ sở.
Bùn dơ tràn ra thời nảy nở.
Vàng ngọc hé lộ sẽ lụi tàn
Người khôn ngoan chọn đường im lặng.
Nháo nhác đương tìm kẻ dại khờ.
Tác giả Fukuoka đã minh họa về sự buông bỏ trong các kiểu chế độ ăn của con người đi từ việc ăn theo khoái khẩu, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn cân bằng cho đến cuối cùng chỉ là ăn mà thôi. Ngày nay ba chế độ ăn đầu tiên rất nhiều người vẫn đang dính mắc vào, nếu không sinh bệnh tật thì cũng sinh ra sự so sánh hơn thua với các chế độ ăn khác dẫn tới việc phán xét, áp đặt nhau trong ăn uống, và cảm giác bất an khi không theo được đúng “gu” của bản thân. Những kẻ đó đang ăn với một tâm đầy rẫy những quy tắc, phân tích, cân đo trong khi tất cả những gì họ cần khi ăn là một tâm không-gì-cả, hay nói chính xác hơn là không có một tâm gì cả - ăn trong thinh lặng. Khi đó chuyện ăn uống mới đích thực là ăn uống, hương vị mới rõ ra hương vị và sự tận hưởng mới là toàn diện!
Bây giờ tôi có thể khẳng định rằng: “Trong xã hội loài người, có sự sống và cái chết, nhưng con người vẫn có thể đầy ắp niềm vui được khi họ trở về với bản chất tự nhiên của chính mình!”
Còn cân trong dạ hỡi ôi
Còn tham trong bụng nuốt trời sao đang!
Dẹp đi địa ngục thiên đàng
Dọn đi quỷ dữ cùng hàng thánh tăng
Dưới đêm thư thả ta nằm
Bừng ra quầng sáng rọi vào vầng trăng.
Vậy đấy các bạn ạ, cuốn sách này đã chỉ ra rất rõ con đường cách mạng không chỉ trong nông nghiệp mà còn chính trong tâm thức của con người, bằng việc buông bỏ và đi về sự hòa hợp với tự nhiên, liên kết với vạn vật và tận hưởng giây phút hiện tại hạnh phúc. Khi một kẻ đã thức tỉnh thì điều ấy giống như tiếng chuông ngân vang giữa không gian vậy, âm thanh thức tỉnh sẽ lan ra mọi chiều hướng khác. Sự khai sáng của hắn sẽ phát triển theo cấp số mũ! Nó là một cuộc chuyển mình vĩ đại, một sự mở tung hoàng loạt những cánh cửa và là một cuộc cách mạng chói sáng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không chỉ đơn thuần nói về nông nghiệp và sự giác ngộ tâm linh, nó còn truyền tải rất nhiều những vấn đề quan trọng khác trong xã hội ngày nay, gợi cho bạn đọc không ít những suy tưởng và khao khát tìm hiểu, khám phá, như là: Ô nhiễm môi trường, sự quay vòng sản phẩm trong sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, sự kiểm soát của chính phủ, tâm lý đám đông, nông nghiệp hữu cơ, cộng đồng tự cung tự cấp, văn hóa ẩm thực, v.v…
Phải nói rằng cuốn sách này quá đỗi phong phú và sâu sắc về nội dung khiến người đọc muốn hiểu cặn kẽ được một trang thôi thì cũng phải bỏ công ra tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có một sự liên kết chắc chắn giữa chúng. Việc này cũng giống như một người muốn tận hưởng được trọn vẹn một miếng cơm gạo lứt thì hắn phải kiên nhẫn nhai đi nhai lại tầm từ 70 đến 100 lần vậy!
Tuy nhiên, chính sự quá đỗi phong phú và đầy đủ của tác phẩm lại khiến tôi cảm thấy bất mãn vô cùng nếu như không nói là phát điên lên vì không còn chút đất diễn nào. Tiên sinh Fukuoka đã nói hết tất cả những gì tôi đã liên tưởng được trước đó mất rồi. Ví dụ như khi đọc đến trang 56 tôi đánh một mũi tên ra cuốn sổ tay, ghi chú về Bát Nhã Tâm Kinh thì “Bát Nhã Tâm Kinh” xuất hiện ở trang 216, đến trang 131 với sự suy tưởng về phương pháp Thực dưỡng thì “Thực dưỡng” ngóc đầu lên ở trang 168, và rồi tôi viết ra 4 chế độ ăn thường gặp của con người khi đọc đến trang 171 thì chính xác 4 chế độ ăn đó ngồi chễm chệ ở trang 190. Quả thực, lúc ấy tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, vứt cuốn sách lại không đọc tiếp nữa khi chỉ còn hơn hai chục trang và hục hặc lẩm bẩm trong đầu rằng: “Lão khọm già này nói hết cả phần của mình rồi còn đâu!”
Nhưng thật là hay các bạn ạ, nếu đây là cuốn sách chỉ đơn thuần về nông nghiệp thì hẳn nhiên tôi sẽ không bao giờ đọc nốt những trang còn lại vì sự bức bối sẽ chẳng làm sao mà giải tỏa cho thỏa đáng (tôi vốn rất dị ứng với những tác giả chiếm hết cả đất của bạn đọc). Tuy nhiên, cuốn sách này bản chất lại truyền tải nội dung về cuộc cách mạng trong tâm thức, nó là một lời nhắc rất khéo cho tôi về những tượng đài quan niệm và tư tưởng bên trong sẽ gây nên cảm xúc tiêu cực, bực bội khi chúng bị động chạm vào, và là một cái huých tay nhẹ nhàng để giúp tôi nhớ về tâm không-gì-cả. Vậy là chỉ mất khoảng 15 phút cho cả những phẫn nộ và cuộc “cách mạng” nội tâm của mình, tôi đã vui vẻ quay trở lại hoàn thành việc đọc. Hiển nhiên ngay trước đó tôi đã có được một tràng cười “Hế hế hế” đầy sung sướng!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm mang một chất giọng rất đặc biệt, là sự pha trộn giữa phong thái của một ông nông dân, một nhà khoa học, một triết gia và một thầy tu! Bạn đọc có thể chia nhỏ cuốn sách ra nhiều phần và cảm nhận từng giọng điệu ở đó để có thể thấy rõ được sự phong phú, tinh anh và trong sáng về tâm hồn của tác giả, rồi cuối cùng đặt một cái nhìn bao quát lên toàn bộ tác phẩm sẽ thấy một sự hài hòa đầy duyên dáng.
Nội dung được kết cấu theo tiến trình phát triển của cuộc cách mạng một-cọng-rơm, đi từ sự tự giác ngộ tâm linh cho đến những khó khăn vấp phải vào những ngày đầu quay trở lại với tự nhiên và cuối cùng là sự thành công trong nông nghiệp “vô vi” cùng với sự đúc kết những tư tưởng thức tỉnh của tác giả. Vậy nên khi đọc cuốn sách này, cảm xúc của tôi đi theo dạng đồ thị hàm bậc hai với hệ số a dương. Bởi vì đoạn khó nuốt nhất là đoạn chính giữa – quá trình diễn ra cuộc cách mạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nó giống như một cuộc lội ngược dòng khi mà tất cả đám đông đều chạy theo những phương pháp được cho là đổi mới, tân tiến, hiện đại trong khi tiên sinh Fukuoka tuyệt nhiên đi theo con đường về với sự đơn giản nhất.
Cuộc cách mạng tâm thức của con người cũng vậy, phần khó khăn nhất là đối diện với chính mình và đi ngược với những thói quen, lần lại mọi xiềng xích trong tư tưởng, và việc này cần phải sử dụng đến một sức mạnh và sự kiên nhẫn nhất định mới có thể làm được. Vì thế mà khi đọc tới đoạn khó nuốt nhất ấy thì cảm giác rằng tôi cũng phải nỗ lực như chính tác giả vậy! Để rồi đến những chương cuối của cuốn sách, tôi mới có được cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, giống như một kẻ đã trải qua những cuộc biến đổi để rồi khi mọi thứ thành tựu, hắn ta bình an ngồi bên bếp lửa và nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình với một con mắt tinh tường!
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm có đan xen những hình ảnh rất trực quan và hữu ích cho sự theo dõi của mọi người. Tuy nhiên, những kiến thức nông nghiệp trong này nếu cứ đọc dàn trải mà không cô đọng hay tóm tắt lại thì sẽ rất khó nắm bắt, thậm chí là có cảm giác bội thực. Cá nhân tôi đã thấy không tài nào nuốt trôi được cuốn sách cho tới khi buộc phải vẽ ra một sơ đồ với những từ khóa cơ bản để nhìn rõ được mối tương quan giữa các nội dung về kiến thức nông nghiệp ấy.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng, Cuộc cách mạng một-cọng-rơm không phải là thứ dành cho những người không kiên nhẫn! Sự không dễ dàng này thể hiện chức năng như một bộ lọc người đọc, có lẽ những điều giá trị là để dành cho kẻ dám bỏ công sức ra để nắm lấy, còn những ai quen thói mì ăn liền thì sẽ chỉ có thể hạnh phúc bên tô mì mà thôi! Nói đến đây, tôi cứ hình dung ra cảnh tiên sinh Fukuoka khoát tay và bảo rằng: “Hãy về với những sợi Omachi của bạn đi, vì đây là một bát cơm gạo lứt!”
Tuy nhiên, một điều khiến tôi cảm thấy e ngại đó là: Cuốn sách có thể đến được tay bạn đọc, nhưng khả năng nó sẽ không ở lại được lâu dài với số đông. Vì với những người thiếu kiến thức (về nông nghiệp hay tâm linh, hay cả hai) thì họ không thể nuốt trôi, rồi thành ra vứt xó cuốn sách khi còn đọc dang dở; với người cổ hủ, cố chấp thì dễ sinh mâu thuẫn và chán ghét; với người tự nhận mình là biết tuốt thì thấy cuốn sách cũng chẳng khác gì những thể loại triết lý vẫn còn đang xếp đầy trên giá. Tóm lại, một sản phẩm đậm chất buông bỏ như thế này sẽ không dành cho những người còn đầy dính mắc trong tâm trí – mà số này lại chiếm phần lớn! Thật mỉa mai khi nhận ra chính họ lại là người cần nó hơn cả!
Bây giờ là đoạn khó nhất - chấm điểm! Đặt địa vị là một kẻ đi tìm con đường khai sáng thì có lẽ tôi đã có được thứ mình cần trong cuốn sách này, đặt địa vị là một kẻ chỉ có những khái niệm cơ bản về nông nghiệp (như là nhổ cỏ, gieo hạt, bón phân, tưới nước,…) đang tìm kiếm một góc nhìn đột phá thì tôi cũng thấy phần nào đáp án và đặt địa vị là một người viết review sách tôi cũng được thỏa mãn bởi mức độ thử thách đầy hấp dẫn và những bài học đính kèm mà tác phẩm mang lại. Tôi sẽ chấm điểm 8.8/10 cho cuốn sách! Tuy nhiên nếu để giỡn chơi một chút với tiên sinh Fukuoka nếu ổng có đọc được bài viết này thì tôi sẽ cho Cuộc cách mạng một-cọng-rơm điểm 0/0!
Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng cuốn sách không chỉ đơn thuần là cách mạng một-cọng-rơm, nó còn là cuộc cách mạng không-gì-cả. Vì từ một-cọng-rơm, tiên sinh Fukuoka đã nhìn ra toàn bộ nền nông nghiệp và từ không-gì-cả, ông đã chạm tới Tất Cả!
Không tìm, không trốn, không ngẩn ngơ.
Không khôn cũng chẳng phải dại khờ
Không vùng eo hẹp, không bát ngát.
Không rơm, không Fukukhôngka!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

[docsachvangamnghi] Cuộc cách mạng một cọng rơm - Masanobu Fukuoka


Những ngày gần đây, tôi thường dành chút thời gian rảnh của mình lang thang tìm hiểu về nông nghiệp để chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong tương lai. Như mọi thứ khác mà con người đã đặt chân và nhúng tay vào, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng, biến đổi với tốc độ và độ phức tạp không ngừng gia tăng. Động lực chính yếu đàng sau đó là ước muốn khám phá, cải tiến và làm giàu của con người.

Trong cộng đồng những người làm nông nghiệp trên mạng, dễ dàng thấy những trao đổi hừng hực máu lửa như trồng cây gì, bón phân gì, nuôi con gì, cho ăn gì để nhanh chóng làm giàu. Nông nghiệp với mục đích làm giàu, tự bản thân nó đẻ ra nhiều thứ phục vụ cho mục đích đó: bài toán đầu tư, bài toán thu hồi vốn, bài toán tiếp thị, đóng gói, phân phối, kinh doanh, tích hợp các kiến thức và sản phẩm của khoa học để nâng cao năng suất, trồng và cho ra sản phẩm nông nghiệp nghịch vụ, giải quyết bài toán sâu hại và bệnh của cây trồng, vật nuôi...

Tôi, như một kẻ mới toanh không kiến thức, không trải nghiệm, mém chút nữa là bị lạc hẳn vào trong đó không đường ra. Thật may là trước khi sa chân vào trận đồ bát quái đó, đứa bạn thân tặng cho tôi cuốn sách này. Cuốn sách với nội dung cực kỳ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, giúp tôi kịp nhận ra sự vô nghĩa và sai trái của những cách làm nông nghiệp hiện đại; hiểu được chân bản chất của nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên và hơn thế nữa, giúp tôi củng cố thêm nhận thức của mình về Thật và Ảo trong cuộc sống; về sự hữu hạn của kiếp người; về sự kỳ lạ trong những nỗ lực ồn ào của loài người liên tục đẩy cuộc sống về hướng này theo hướng kia, mà thật sự chẳng ai biết là để làm gì, để đi tới đâu. 

Dù đã đọc cuốn sách hai lần, và sẽ tiếp tục đọc lại thêm vài lần nữa cho đến khi bản thân có thể cảm nhận và thật sự thấm được nó, tôi biết mình sẽ không đủ khả năng và không thể nói gì về nó. Khi đứng trước một điều gì thật sự "Trọn vẹn", bạn biết mình sẽ chẳng nên làm gì thêm. 

Masanobu Fukuoka mất năm 2008. Ông viết cuốn sách này năm 1975, năm ông 62 tuổi. Cái tuổi đủ để mọi trải nghiệm, suy ngẫm lắng sâu và kết tinh. Chúng được ông chậm rãi trải ra qua từng chương sách một cách đơn giản, tự nhiên, trong sáng và sâu lắng. Thật đẹp đẽ.  

Nếu bạn muốn hiểu về bản chất và nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp tự nhiên; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết cơn lốc nông nghiệp hiện đại ngày này đã đi lạc xa đến mức nào và các nông dân khốn khổ của chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc đó ra sao; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt giữa chế độ ăn tự nhiên với những thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho sự phát triển khoẻ mạnh của con người và những chế độ ăn khiên cưỡng có hại do chạy theo các ham muốn hay hạn hẹp về nhân thức; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Nếu bạn muốn biết con người hiện đại đã xa rời tự nhiên, xa rời nguồn gốc của mình đến mức nào và sự hạn chế của khoa học; cuốn sách này giúp bạn điều đó.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm một cánh cửa mở ra cho bạn con đường giúp phân biệt giữa Thật và Ảo trong thế giới hiện tại; cuốn sách này có thể giúp bạn điều đó.

Khi tặng tôi cuốn sách này, cô bạn thân viết lời đề tặng: "Tặng bạn yêu quí một cuốn sách = một cách sống. Hy vọng bạn cũng yêu cụ Fukuoka như tớ nhé". :) Bạn tôi luôn có cách nhận diện mọi thứ trong cuộc sống thật rõ và sâu vào bản chất. Cuốn sách này không chỉ bàn về nông nghiệp tự nhiên. Nó là một cách sống. Tôi thật sự yêu và muốn sống theo cách đó, dù biết là cực khó khăn. Chẳng phải ai cũng có đủ định lực và may mắn để nhận ra Tánh Không của vạn vật năm 25 tuổi. Chẳng phải ai cũng có đủ sự rõ ràng, kiên định, nghị lực và khả năng để cô độc đi theo một con đường suốt chừng đó năm, đến khi nhắm mắt. Tôi sẽ làm những gì có thể, trong khả năng của mình.

Để thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích ra đây đoạn thư cuối của cụ Fukuoka gửi bạn đọc trong 2 trang cuối của cuốn sách. Tôi còn nhớ  buổi trưa hôm đó,  tôi đã lặng người đi, tim lỗi vài nhịp đập và ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ của cụ. Có một con người cô độc và lặng lẽ ngắm nhìn nhân gian như thế. Có một con người mạnh mẽ và thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời được trao như thế. Có một điều đẹp đẽ bình dị đã từng tồn tại trên thế giới này như thế.

"Bạn đọc thân mến,

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này. Nhiều năm trước đây, tôi nhân ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là tốt rồi, và thế là tôi chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời tôi đã trôi thêm được 50 năm. Tôi có được một số thành công, nhưng có cả những thất bại. Nhiều giấc mơ thời trẻ của tôi vẫn chưa thành. Tôi biết thời gian tôi còn được ở trên thế gian này là có hạn. 

 Giờ tôi đã nghỉ hưu. Sống trong một túp lều trên núi giữa vườn cam. Tôi đã đóng cửa nông trại, không đón khách thập phương nữa để trân trọng hơn thời gian mình còn lại. Điều tuyệt nhất của việc sống một cuộc đời nghỉ hưu trên núi, tách khỏi những tin tức về thế giới bên ngoài là ở chỗ tôi có được cảm nhận khác về thời gian. Tôi hy vọng rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ có thể trải nghiệm một ngày giống như một năm. Khi đó, giống như dân bộ lạc tôi gặp ở Somalia, tôi sẽ chẳng còn biết mình bao nhiêu tuổi nữa.

Những ngày này, tôi cố gắng mình tưởng tượng rằng mình đã một trăm tuổi, hoặc thậm chí 200 tuổi. Tôi hy vọng đến lúc qua đời, tâm trí và thân thể tôi vẫn còn ở tình trạng tốt. Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi vẫn thường tự nhủ mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là được vui vẻ làm việc trên nông trại của mình, nó chính là vườn Địa Đàng. Con đường làm nông tự nhiên sẽ vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hoà làm một với Thượng Đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình. 

"Đường lớn chẳng hề có cổng, tôi chẳng thấy cái nào
Yên bình trên Thiên Đường, chốn trần gian là tiếng thì thào
Ai đã khiến cơn gió đi hoang?
Sang bên trái, dạt qua bên phải
Hết thủ lại công
Chẳng biết đâu là tốt xấu
Chiếc quạt thổi hai phía, lóng ngóng như nhau
Độc bước trong vườn, tôi thấy một túp lều dựng tạm
Một ngày là cả trăm năm
Đám cải củ, cải cay bung nở
Năm hai nghìn rồi ánh trăng sẽ mờ
Đã tận lực chốn này, giờ ta bắt đầu phiêu du chốn mới
Chuyến du hành thoáng chốc, ai biết là tới đâu..."


Bây giờ, cụ đã phiêu du trên những chuyến du hành mới, chẳng biết chốn nào :) Chỉ còn một cách sống của cụ là vẫn còn ở lại, cho những người như tôi ngẫm và dõi theo.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Nông nghiệp và Công nghệ

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Mọi thứ em viết là dựa trên sự hiểu biết của cá nhân. Mà sự hiểu biết cá nhân là sự hiểu biết có giới hạn, dựa trên những hoạt động thực tế là chủ yếu Vậy nên đúng thì ghi nhận, mà sai thì bỏ qua. Đừng quăng đá em mà tội nghiệp.pacman emoticon
---------------------------------------------------------------------------
Nông nghiệp và Công nghệ.
Hồi nào tới giờ em mê nông nghiệp. Một phần do được lớn lên trên đất làm nông. Tuổi thơ gắn với mùi thơm cây lúa, với chổi lúa của bà, sân gạch, mái ngói. Tuổi thơ gắn với những ngày trưa hè, bà ngoại dụ em đi học bằng cách rang thóc cho ăn chơi. Tuổi thơ gắn với những ngày cuộn tròn bên đống rơm bà trải nền, rúc rúc lòng bà, sưởi bên bếp lửa. Hay em cũng thuộc thành phần luyến tiếc làng xã nhỉ.pacman emoticon
Quay lại, những ngày đi học là những ngày được nhồi sọ về sức mạnh của công nghệ trong mọi việc. Em không phủ nhận sự giá trị mà công nghệ đem lại. Nông nghiệp có GPS nhàn hơn hẳn, biết cây thiếu gì, cây cần gì bổ sung ngay tắp lự. Mưa ra sao, gió thế nào, cây gì phù hợp. Những thứ này ngày xưa, hồi mà chưa có công nghệ í, hồi ngày nay, hồi mà nông dân nghèo vẫn chưa áp dụng được công nghệ í thì phải thử bằng đúng- sai. Cây nào sống thì dùng, cái nào chết thì không hợp, bỏ.pacman emoticon.
Công nghệ khi đầu tư vào nông nghiệp, giúp giảm công sức lao động đi rất nhiều. Nhưng công nghệ để áp dụng cho những mô hình nhỏ lẻ, khi người nông dân còn đang đánh vật với cây gì, con gì; để có thể "mạnh dạn" hay "liều" đầu tư lại là một câu chuyện không hề đơn giản.
Và em muốn nói về, nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp sử dụng công nghệ.smile emoticon
1. Nông nghiệp truyền thống
Là nền nông nghiệp mà chúng ta phải làm tất cả mọi thứ bằng tay, bằng công sức của mình. Người nông dân nhà em vất vả lắm. Lúc đi nương lấy sắn, rồi về băm cho lợn. Lúc đi xem cây lúa, lúc đi lấy cỏ trâu, lúc đi xem con bò không ăn mất cây của họ. Lúc đi xem dê xem nó đang ở đẩu đầu đâu. Lúc nào em cũng thấy họ luôn chân luôn tay. Với em, nông nghiệp vậy mệt thật.
Nhưng khi được tự tay chạm vào cây cỏ, lúc được ngắm nhìn thiên nhiên, học cách vận hành của thiên nhiên, em thấy mình bình yên lắm lắm. Em có mảnh vườn nhỏ. Nông dân lười nhà em cũng có mảnh vườn nhỏ. Em chỉ toàn trồng nó xuống rồi để mặc nó đấy. Cả ngày em đi làm. Tối có khi tối mịt mới về, thỉnh thoảng đi mất tiêu 10-15 ngày thì sao mà chăm từng cây cho được. Vậy mà tụi nó vẫn sống. Những thứ tưởng chết mà cũng có mà còn lâu mới chết. Những chỗ nào cây không mọc được thì các loài như rêu mọc lên, rồi me chua hoa vàng, me chua hoa hồng, rồi rau má, rồi dền cơm, rồi cỏ mần trầu, rồi tầm bóp, rồi ri rỉ rì ri cái gì mọc được là mọc. Em chẳng biết hết nổi tên chúng. Ai tin không, lá lốt nhà em to như bàn tay bố em.pacman emoticon. Có rất nhiều loại rau ăn được mà em không cần trồng.smile emoticon
Các loài cây, rễ đâm xuống đất, cây vươn lên trời. Chúng ra hoa rồi tự kết quả, rồi tự mọc, tự nhân giống. Những cây nào tưởng chừng chưa mọc, là chúng đang lặng lẽ đâm sâu rễ của mình xuống đất, tích lũy cho riêng mình chờ ngày bừng nở.
Việc của em những ngày nhàn rỗi ở nhà là đi vòng quanh vườn, xem có cái gì mọc mới lên không. Những gì em trồng có mọc lên chưa. Nhưng đứng giữa khu vườn nhỏ (chẳng hoa thơm cỏ lạ gì đâu nhé, nhìn như cái vườn hoang thôi) em thấy lòng mình bình yên. Khi nói chuyện với cây cỏ bằng ý nghĩ của mình (em siêu không.:v), em tin là chúng hiểu và em cũng tin, bằng cách nào đó, chúng chữa lành những vết thương cho em.
Ai đó từng nói, nông nghiệp là cách con người gần gũi với thiên nhiên nhất. Em tin người đó nói đúng.
2. Nông nghiệp sử dụng công nghệ.
Đầu tiên, công nghệ là đầu tư. Không phải ai cũng đầu tư được.
Thứ hai, công nghệ hỗ trợ nông nghiệp rất nhiều, từ phân tích thành phần dinh dưỡng, từ chọn lọc giống cây con.... Có những loài nếu được phân tích, ta sẽ biết được chúng có ích thế nào với con người. Học từ thiên nhiên và cũng học từ khoa học.
Thứ ba, cái này mới là cái em muốn nói. Khi công nghệ áp dụng trong nông nghiệp là quá trình giảm thiểu sâu bệnh, giảm thiểu mất mùa, giảm thiểu sự tác động của tự nhiên tới nông nghiệp, giảm nhân công, và giảm luôn cả sự tương tác của con người với tự nhiên thông qua nông nghiệp.
Những cái cây sẽ được chăm bón, như một đứa trẻ chỉ cần chúng đói và khát, sẽ ngay tắp lự được cho ăn. Chỉ cần chúng ới 1 phát, là ngay tắp lự được đáp ứng. Chúng, không cần phải tự mình, đấu tranh, để, sinh, tồn nữa. Sâu là có hại với con người. Nhưng là sự cần thiết của thiên nhiên.
Em lấy ví dụ với Giảo cổ lam.
- Giảo cổ lam phát triển tốt bắt đầu từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch. Lá phát triển tưng bừng, tua phát triển ngoằn nghèo để bám, để leo.
- Đến tháng 4 âm là thời kỳ của sâu. Sâu ăn trụi lá. Em ghét lũ sâu vì lá nhìn nham nhở. Cây trụi lụi xác xơ.
- Khi sâu ăn xong lá là thời kỳ Giảo cổ lam bắt đầu ra hoa và kết quả.
Vậy đó ạ, thiên nhiên rất hợp lý. Một cái cây không đủ sức để vừa nuôi lá, vừa nuôi hoa để rồi lại kết quả, như vậy rất vất vả. Thiên nhiên gửi sâu xuống, giúp cây bớt lá, tập trung vào việc ra hoa rồi kết quả. Đồng thời, việc chống lại sâu cũng giúp cây tự làm mình khỏe lên, không khỏe chỉ có chết.pacman emoticon.
Dịch sâu bệnh bùng phát chỉ khi con người đã làm gì đó không theo tự nhiên. Tự nhiên khắc có cách vận hành để kiểm soát.smile emoticon
Và khi công nghệ làm hết trong nông nghiệp, lúc chúng ta muốn nhiều hơn từ thiên nhiên. Và lúc này, nông nghiệp là công cụ để phục vụ con người. Nông nghiệp không còn là cây cầu nối giữa con người và tự nhiên.
3. Năng suất.
Hồi nào tới giờ suất ngày nghe câu "Cần tăng năng suất". Năng suất nôm na là nhiều, nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa.pacman emoticon
Nhưng năng suất có thật sự là cần thiết?
Em ăn gạo trắng. Mỗi bữa em cần nạp 1.5 bát cơm mới ấm bụng.
Em ăn gạo lứt. Mỗi bữa em chỉ còn cần nạp 1/2 số trên là ấm bụng.
Em ăn gạo lứt nương. Mỗi bữa em chỉ cần nạp 1/3 bát con cơm là ấm từ sáng tới trưa, từ tối đến gần trưa hôm sau (với điều kiện nhai kỹ) (P/s: trời ơi, cái này mà đem rang với dầu dừa là ngon bá cháy luôn á.:3)
Vậy năng suất hơn nữa, để con người lãng phí hơn nữa? Hay tiết thực vừa đủ để cảm nhận được ân huệ của trời đất.
Ít nhưng đủ. (Ai đó có thể tìm quyển : "Thức ăn quyết định số phận con người" để hiểu về sự cần thiết trong tiết thực.smile emoticon )
Chung quy lại là em lảm nhảm.pacman emoticon

Nguồn: FB Nga Nguyễn (https://www.facebook.com/meohoang2204/posts/976883905656664)

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 7: 'Tâm nhất tánh cảnh'

(TNO) Theo ông Mansanobu Fukuoka, những kẻ sống an bình trong một thế giới không có những mâu thuẫn và phân biệt là đám trẻ nhỏ. Chúng cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 1Ông Masanobu Fukuoka - Ảnh: Wikipedia
Chúng hồn nhiên vui vẻ cho tới khi… đi nhà trẻ. Ở đó chúng bị buộc phải tuân theo những chuẩn mực của người lớn, người lớn dạy cho chúng phải yêu cái này phải ghét cái kia, chúng phải theo cái mà người lớn bảo theo, tránh cái mà người lớn bảo tránh. “Kể từ thời điểm bước chân vào nhà trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu”, ông Fukuoka viết.
Các nhà giáo dục, các bậc làm cha mẹ và những người lớn nói chung chớ vội “ném đá” vào câu nói đó của ông Fukuoka. Hai ngàn năm trước, ông Trang Tử cũng đã bảo phải “tuyệt thánh khí trí” (đoạn tuyệt với thánh nhân, bỏ tri thức) thì thiên hạ mới thái bình. Theo Trang Tử thì người dân vốn sống tự nhiên cùng ruộng vườn chim muông cây cỏ, “dệt mà mặc, cày mà ăn”, họ “ăn no vỗ bụng đi chơi”, sống với nhau hồn nhiên hòa ái mà không hề quan tâm đó là hồn nhiên hòa ái, chẳng biết quân tử là gì tiểu nhân là gì, chẳng biết nhân nghĩa lễ trí tín là gì. Đó là đạo đức tự nhiên thường hằng nên không ai nghĩ là đạo đức. Người ta gọi đó là xã hội hồng hoang mông muội, nhưng hồng hoang mông muội có gì là không tốt? Ông Trang Tử bảo chính những kẻ gọi là thánh nhân “cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa” mà thiên hạ sinh ngờ vực lẫn nhau, “lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ” mà con người cắt chia, mâu thuẫn. Muốn đề cao nhân nghĩa thì phải phế bỏ cái đạo đức tự nhiên thường hằng kia, đạo đức mà không phế thì lấy đâu ra nhân nghĩa mà đề cao? Muốn vinh danh quân tử thì phải dung túng tiểu nhân hoặc tạo ra hay quy kết bừa bãi người khác là tiểu nhân, không có tiểu nhân thì lấy đâu ra quân tử mà vinh danh?
Tất nhiên ông Fukuoka không bài bác tri thức, ông chỉ bài bác các thứ tri thức ngụy tạo, tri thức lấy bộ phận suy ra tổng thể, lấy hữu hạn áp đặt cho vô cùng. Trang Tử cũng nói, đời người có hạn mà cái biết thì vô bờ, lấy cái có hạn đuổi theo cái vô bờ thì nguy, đã biết nguy mà còn đuổi theo thì nguy hơn(*). Những thứ tri thức đó khi bị dính mắc trong đầu óc thì biến thành thiên kiến, Đức Phật gọi là sự mê chấp. Mê chấp sinh ra tham sân si, là gốc rễ của phiền não.
Khi viết về Lục tổ thiền tông Huệ Năng, Hòa thượng Thích Trí Quang đã phân tích một cách dễ hiểu sự “Biết” (tri thức) của con người. Ông bảo Thiền tông phân sự “Biết” theo hai cấp độ: đệ nhất phong đầu (nghĩa là ngọn núi thứ nhất) và đệ nhị phong đầu (ngọn núi thứ hai). Đệ nhất phong đầu là tự tánh, tức là sự vật-hiện tượng được biết đúng như chân tướng của nó, còn đệ nhị phong đầu là sự vật-hiện tượng được biết nhưng có thêm bớt, nối đuôi hoặc cắt cụt do yêu ghét, do bị chi phối bởi những thiên kiến trong đầu óc con người.
Nghe qua thì đơn giản, vì lẽ ra khi nhìn sự vật đầu tiên phải là đệ nhất phong đầu, sau đó mới biến dạng thành đệ nhị phong đầu mới phải chứ. Nhưng khốn nổi con người càng lớn lên thì đầu óc tâm trí càng bị bồi đắp biết bao nhiêu thiên kiến, đó là những tri thức được dạy dỗ, những yêu ghét chất chồng, những thị phi được tích lũy, tất cả những cái đó khiến cho con người khi nhìn ngọn núi thứ nhất lập tức nó biến thành ngọn núi thứ hai.
Mục đích của Thiền là “tâm nhất tánh cảnh”, nghĩa là đồng nhất đối tượng được biết với bản thân đối tượng, là nhìn cho ra ngọn núi thứ nhất. “Kiến tánh thành Phật”, và kiến tánh chẳng qua là đưa cái biết về ngọn núi thứ nhất mà thôi. Đơn giản như vậy nhưng nhân loại đã có không biết bao nhiêu tỉ lượt người tu hành thiền định nhưng cuối cùng cũng có mấy ai đạt được cảnh giới “tâm nhất tánh cảnh”, có mấy ai nhìn ra được ngọn núi thứ nhất đâu.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 3: Khi rau củ mọc chung với cỏ dại - ảnh 2
Có thể nói ông Fukuoka mấy chục năm đã hành thiền trong nông nghiệp. Đọc sách của ông, ta có thể hiểu thêm những gì mà Lục tổ Huệ Năng viết trong Pháp bảo đàn kinh. Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, ấy là khi mọi chúng sanh con nào trở về với vị trí khiêm nhường của con ấy. Con ếch yên phận ếch đó chính là Phật, ếch mà muốn làm bò ắt sẽ trở thành ma.
Cách làm, cách ăn ở của ông Fukuoka gợi ra một con đường hoàn nguyên của loài người, con đường đó có thể giúp ta “kiến tánh” nhìn ra ngọn núi thứ nhất. Nhưng nếu bạn không trở về với tự nhiên, trở về theo cách riêng của bạn, thì cuốn sách của ông Fukuoa cũng chỉ là một thứ hý luận mà thôi.
Để kết thúc loạt bài “hý luận” này, mời bạn xem một đoạn video “Cuộc sống vốn dễ dàng” được TEDvn.com dịch và đăng tải trên YouTube(**). Đây là câu chuyện của anh nông dân người Thái Jon Jandai đã bỏ thành phố về quê chọn một cuộc sống dễ dàng, vui vẻ và hạnh phúc. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý một cuộc sống như vậy, nhưng đó cũng là một trong những cách hướng tới “tâm nhất tánh cảnh” để hoàn nguyên con người, dù anh nông dân này không nói gì về thiền.
Hoàng Hải Vân 

(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)

(*) "Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ ! Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ !” (Trang Tử - Nam Hoa Kinh)

(**) Xem theo đường link : https://www.youtube.com/watch?v=tX3pVaIUWvg

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực

(TNO) “Từ đầu mùa xuân, khi bảy loại thảo dược nảy mầm lên từ đất, người nông dân có thể thưởng thức được bảy vị. Đi cùng với những thức này là vị ngon lành của ốc trong ao, trai biển và loài nhuyễn thể...".

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 1Bàn ăn ở Nhật thường gồm nhiều tầng khác nhau tượng trưng cho núi, cây cối, sông…
(Ảnh được chụp từ nhà hàng Sushi Dining Aoi) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Mùa lá xanh đến vào tháng ba. Cây đuôi ngựa, dương xỉ diều hâu, cây ngải, cây vi, cùng các loại cây mọc trên núi khác, và tất nhiên những chiếc lá non của cây hồng vàng, cây đào, cùng với đọt non của các loại khoai núi, tất cả chúng đều ăn được. Sở hữu vị thanh nhẹ, chúng làm nên những món xào ngon miệng và cũng có thể được dùng để làm gia vị. Ở bờ biển thì những loại rau biển như tảo bẹ, rong đỏ và rong đá thật ngon lành và có nhiều trong suốt mùa xuân.
Khi những cây tre nhú những búp măng lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc cá tuyết đá xám, cá tráp biển và cá lợn vằn đang ở thời điểm ăn ngon nhất. Mùa hoa iris nở được ăn mừng với sashimi cá hố và cá thu. Đậu xanh, đậu tuyết, đậu lima và đậu gà lột vỏ ăn luôn hoặc đem nấu với ngũ cốc toàn phần như gạo lứt, mì lứt hay mạch lứt đều ngon cả.
Tới cuối mùa mưa, mơ Nhật được đem muối, còn dâu tây và mâm xôi có thể đi nhặt được rất nhiều. Vào lúc này, thật tự nhiên là cơ thể bắt đầu thèm vị mát của hành tăm cùng những loại trái cây mọng nước như sơn trà Nhật, mơ và đào…
Dưới cái nắng chói chang giữa hè, ăn dưa và liếm mật dưới bóng râm của một cái cây lớn là trò tiêu khiển được ưa thích. Rất nhiều những cây rau mùa hè như cà rốt, rau chân vịt, củ cải và dưa chuột đã lớn và sẵn sàng cho thu hái. Cơ thể cần tới rau hay dầu mè để tránh sự uể oải, lừ đừ vào mùa hè.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 2Lễ hội Obon, Nhật Bản - Ảnh: T.L
Nếu gọi đó là điều huyền bí, thì đúng là huyền bí thật, khi mà ngũ cốc mùa đông được thu hoạch vào mùa xuân lại hợp đến thế với sự chán ăn vào mùa hè, và vì thế trong mùa hè, các loại mì sợi vắt từ hạt đại mạch với đủ kích thước và hình dạng lại được chế biến thường xuyên. Hạt kiều mạch thì được thu hoạch trong hè. Đấy là một loại cây hoang từ cổ xưa và là một loại thực phẩm thích hợp với mùa này.
Đầu thu là khoảng thời gian thật vui sướng, với đậu nành và đậu đỏ hạt nhỏ, nhiều loại trái cây, rau, cùng với nhiều loại ngũ cốc màu vàng đều chín cùng một lúc. Bánh kê được thưởng thức vào các ngày hội ngắm trăng thu. Đậu nành luộc sơ được bày ra cùng với khoai sọ. Vào khoảng cuối mùa thu, ngô và gạo được hấp lên với đậu đỏ, nấm hương, hoặc hạt dẻ… Quan trọng hơn cả là hạt thóc đã hấp thụ ánh nắng mặt trời suốt cả mùa hè và chín vào mùa thu. Điều này có nghĩa đây là loại thức ăn chủ đạo có thể tích trữ nhiều, nó giàu năng lượng, thích hợp cho những tháng mùa đông lạnh giá.
Khi băng giá bắt đầu xuất hiện, người ta cảm thấy muốn ghé qua chỗ lò nướng cá. Cá mình xanh sống ở vùng nước sâu như cá đuôi vàng hay cá ngừ có thể bắt được trong mùa này. Thật thú vị là củ cải Nhật và những loại rau ăn lá có nhiều trong mùa lại thích hợp với những loại cá này đến vậy.
Việc nấu nướng trong ngày lễ mừng năm mới được chuẩn bị phần lớn từ những thực phẩm đã được muối chua hay ướp mặn từ trước đặc biệt để dành cho ngày lễ lớn. Việc cá hồi muối, trứng cá trích, cá tráp đỏ, tôm hùm, tảo bẹ và đậu đen được bày lên bàn tiệc mỗi năm đã diễn ra trong nhiều thế kỷ rồi”.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 6: Văn hóa ẩm thực - ảnh 3Sushi, món ăn truyền thống của người Nhật - Ảnh: T.L
Trên đây là trích đoạn ông Fukuoka viết về cái ăn theo mùa của người nông dân Nhật. Thiên nhiên thật là kỳ thú và sự kỳ thú của việc sống thuận với thiên nhiên là ở chỗ nhiều sản vật chỉ có trong mùa này mà không có trong mùa khác, chúng đáp ứng khẩu vị và nhu cầu cơ thể thay đổi theo mùa của con người. Trong mỗi mùa, món này sẽ được thăng hoa khi kết hợp với món kia. Món sinh ra trong mùa hè chỉ ngon trong mùa hè, nếu bắt nó mọc vào mùa đông thì nó sẽ không còn ngon nữa. Một lần ông Fukuoka nghe một viên chức kỹ thuật Bộ Nông nghiệp kể rằng rau quả trồng tại các nhà kính (làm trái vụ) ăn chẳng có mùi vị gì, cà thì không có tí vitamine nào còn dưa chuột thì không có hương vị, ông ta đã nghiên cứu và phát hiện ra nguyên do: một lượng ánh nắng mặt trời nhất định không thể xuyên qua được lớp bao phủ bằng nhựa và lớp kính mà rau quả được trồng trong đó. Và cuộc nghiên cứu chuyển sang hệ thống chiếu sáng ở bên trong nhà kính, người ta nghĩ rằng rau quả sẽ có vitamine nếu giải quyết được hệ thống chiếu sáng. Ông Fukuoka bảo có một số nhà khoa học dành cả đời mình cho những nghiên cứu kiểu như vậy, trong khi vấn đề đơn giản là con người đâu có cần thiết phải ăn cà và dưa chuột trong mùa đông.
Bạn chẳng thể biết một món ăn nào đó có vị gì cho tới khi bạn ăn thử nó, nhưng theo ông Fukuoka, ngay cả ăn thử nó thì hương vị của nó cũng có thể biến thiên, tùy thuộc vào thời điểm, vào trạng huống và thiên hướng của người ăn. Một người sống thuận với tự nhiên sẽ ăn theo bản năng và sẽ thấy ngon miệng, bổ dưỡng và khỏe mạnh. Phương pháp chế biến thức ăn tốt nhất là bảo toàn được hương vị tự nhiên của nó, do đó không nên dùng những kỹ thuật cầu kỳ, “người ta cố gắng làm ra bánh mì ngon, và thế là bánh mì ngon biến mất”.
Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những món ngon, theo mùa, theo đặc điểm khẩu vị của từng chủng tộc. Văn hóa nói chung, nhất là văn hóa ẩm thực, bao giờ cũng bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nó định hình và trao truyền qua từng thế hệ. Học nấu ăn tốt nhất là học cách nấu ăn của ông bà chúng ta ngày trước.
Ông Fukuoka nói về văn hóa ăn của người Nhật, nhưng tôi chắc bạn sẽ mường tượng ra những món thơm ngon giản dị của đồng quê Việt Nam và có lẽ bạn đang thèm được ăn chúng. (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân 
Đọc “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm” của Mansanobu Fukuoka

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ

(TNO) Ta thường nghe nói 'toàn dân được chăm sóc y tế' như là một tiến bộ xã hội, là thành tựu của văn minh. Ít ai nghĩ đó là sự bất bình thường đáng buồn của nhân loại với tư cách là một loài sinh vật. Trong tự nhiên các loài sinh vật đều khỏe mạnh, không có loài sinh vật nào bệnh hoạn như loài người.

Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻ 1Ảnh 1
“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất”, ông Fukuoka viết. Trong sự xa rời tự nhiên đó, có sự xa rời về ăn uống.
Con người dùng quá nhiều tri thức cho việc ăn uống, nhưng càng dùng tri thức bao nhiêu thì chúng ta càng ăn uống trái với tự nhiên bấy nhiêu. Các bậc làm cha mẹ được hướng dẫn bởi khoa học về dinh dưỡng, hậu quả là phần lớn các đứa trẻ coi việc ăn là một khổ ải. Để nhồi nhét thức ăn “bổ dưỡng” vào bụng, chúng phải được dỗ dành, được “mua chuộc”, bị đe dọa, trong khi việc ăn vốn là niềm khoái lạc của con người.
Ngày càng có nhiều người cảm thấy sự bất ổn của chế độ ăn uống theo khoa học, dẫn đến việc xuất hiện khuynh hướng ăn uống tiết chế theo những nguyên tắc tâm linh, chẳng hạn như việc vận dụng thuyết âm dương ngũ hành, ăn một cách tiết chế và có ý thức một số thực phẩm được cho là tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Ông Fukuoka cho rằng nếu đi quá sâu vào những học thuyết này, như cần phải làm thế trong việc nghiên cứu y học phương Đông, người ta sẽ bước vào địa hạt khoa học, tức là phụ thuộc vào tri thức trong ăn uống, “khi cố nắm lấy ý nghĩa của tự nhiên với một tầm nhìn xa rộng, anh ta lại thất bại trong việc để ý tới những thứ nhỏ bé xảy ra ngay dưới chân mình”.
Tóm lại, theo ông Fukuoka dù ăn theo khoa học hay triết học đều trái với tự nhiên. Phải thoát khỏi hai hệ thống đó. “Ngay cả khi một người quay về núi sống một cuộc sống sơ khai, anh ta vẫn có thể thất bại trong việc chạm tới mục tiêu thực sự của mình. Nếu ta cố gắng một điều gì đó, những nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ giúp ta đạt được kết quả như mong muốn”, ông Fukuoka viết. Điều ông muốn nói là đừng ăn với cái đầu của mình, hãy ăn với bản năng của cơ thể.
Con đường hoàn nguyên của loài người - Kỳ 5 : Thực phẩm tự nhiên đương nhiên giá rẻẢnh 2
Ông Fukuoka vẽ ra hai bản sơ đồ kèm theo (ảnh 1 và 2), gọi là “Mạn-đà-la thức ăn tự nhiên”. Sơ đồ thứ nhất là những thức ăn dễ dàng có được nhất “ngay dưới chân ta”, sơ đồ thứ hai là những thức ăn có vào những tháng nào trong năm. Từ hai bản sơ đồ này ông nói rằng nguồn thức ăn được cung cấp trên bề mặt trái đất này gần như vô hạn. Nhưng đó là những thứ thức ăn tự nhiên của nước Nhật. Nhiều thứ không có ở Việt Nam ta và nước Nhật cũng không có nhiều thứ Việt Nam ta có. Cho nên bạn có thể xem cho biết và quên nó đi hoặc không cần xem nó. Ông Fukuoka cũng lưu ý, bạn nên nhìn vào các bản sơ đồ này một lần và hãy ném nó đi, vì nó không cần thiết. Những nông dân và ngư dân Nhật Bản, cả với người Việt chúng ta nữa, ngày xưa chẳng cần quan tâm đến những lập luận về thức ăn, họ trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà cửa hài hòa với thiên nhiên, thuận với bốn mùa, họ ăn những gì mà thiên nhiên ban cho họ hoặc họ làm ra và họ đã có một chế độ ăn tự nhiên hoàn hảo. Họ tự biết lúc nào thì nên ăn những gì. Theo ông Fukuoka, người nông dân chỉ ăn những thực phẩm hoang dại có thể thu hái tại chỗ hoặc tự trồng một cách tự nhiên thì tốt cho sức khỏe hơn là những thứ phải mất công tìm kiếm. Đối với các loại cá, cá ở đồng ruộng hoặc sông suối nước ngọt thì tốt cho cơ thể hơn là cá nước mặn; với cá biển thì cá nước nông gần bờ tốt hơn là cá xa bờ… Nói chung, những gì gần ta và dễ tìm kiếm là tốt nhất. Sự tốt lành bao giờ cũng nằm ở tầm tay, ở dưới chân chúng ta.
Quá trình đô thị hóa đã khiến cho con người ngày càng rời xa với thức ăn tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên cung ứng cho các đô thị, và ngay cả ở thôn quê, ngày càng vắng bóng. Đơn giản là từ lâu người nông dân đã không còn làm ra chúng để đem đi bán nữa. Hiện nay nếu có nơi nào làm được đem đi bán thì chưa chắc người ta đã tin, nhất là khi bán rẻ.
Những trải nghiệm của ông Fukuoka cho thấy, thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể được sản xuất với chi phí và công sức tối thiểu, bởi vậy chúng phải được bán với giá rẻ nhất. Và chính ông đã bán các sản phẩm của mình với giá rẻ hơn bất cứ sản phẩm nào khác. Có lần ông giao sản phẩm cho một cửa hàng thực phẩm tự nhiên, khi phát hiện vị thương gia ở đó đã bán chúng ra với giá cắt cổ, ông đã tức giận và lập tức ngưng giao hàng cho cửa hàng đó. Ông bảo nếu thực phẩm tự nhiên có giá cao, nghĩa là người thương gia đang thu lợi nhuận quá đáng và chúng sẽ trở thành thức ăn xa xỉ của người giàu…(còn tiếp)
LÊN ĐẦU TRANG