Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

A Title 30.6.14

Jiddu Krishnamurti

" Thế giới này không khác gì bản thân chúng ta – thế giới này chính là bản thân của chúng ta. Thế nên, một điều đơn giản là: nếu chúng ta thay đổi, mỗi người chúng ta thay đổi, thì chúng ta sẽ thay đổi được toàn thế giới. Thậm chí nếu chỉ một người trong chúng ta thay đổi, thì đó cũng là một gợn sóng lăn tăn làm thay đổi thế giới này. Những điều tốt đẹp là một cái gì đó rất dễ lây lan.
Ở trường học, chúng ta được thầy cô giáo giảng dạy rằng chúng ta cần phải vâng lời cha mẹ và thầy cô giáo. Chính điều này tạo ra ý thức và trí khôn. Nhưng hàng ngàn thế hệ qua vẫn không ngừng gây ra đau khổ cho người khác. Sự tiến hoá về tâm lý của con người đã không bắt kịp sự tiến hoá về thể chất của con người cũng như sự tiến hoá về khoa học trong đời sống. Ở trường học, mỗi người trong chúng ta đều được học nghệ thuật sống, tuy nhiên mỗi người trong chúng ta cần phải nghiên cứu học hỏi về chính đời sống của bản thân mình.Cuộc sống khiến mọi chúng ta đều phải đau khổ, những cô đơn, những bối rối, những lo âu, những thất bại, những chán nản, những thất vọng. Cuộc sống khiến mọi người chúng ta đều phải đau khổ, những nghèo đói, những bệnh tật, những bạo lực, những chiến tranh. Chúng ta được học hỏi nhiều điều trên thế gian này, nhưng hiếm khi nào chúng ta được học cách đối mặt với những xáo trộn và những tổn thương của cuộc đời.Nếu bạn chỉ đơn giản là cố trốn thoát khỏi những đau đớn về tâm hồn bằng cách lạm dụng ma túy, các chất gây nghiện, giải trí, tình dục, công việc, thì những đau đớn đó vẫn luôn tồn tại, cuối cùng bạn sẽ kiệt sức vì sa vào thói nghiện ngập. Hiểu được cái tôi của chính mình, hiểu được tiến trình của những sợ hãi, những khát vọng, và những tức giận – tâm hồn bạn sẽ tự giải thoát những nỗi thống khổ này… "

Krishnamurti – Quay lưng với đám đông, đối mặt với vô cùng


Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti , (12 tháng 5, 1895–17 tháng 2, 1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết họcvà tinh thần. Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Krishnamurti được sinh ra trong một gia đình Bà la môn tại Ấn Độ(khi ấy là một nước thuộc địa). Khi còn thanh niên, Krishnamurti có cơ hội gặp gỡ với ông C.W. Leadbeater một nhà huyền bí học nổi tiếng và có vị trí cao trong Hội Thông Thiên Học tại một khu đất thuộc trụ sở chính của Hội Thông Thiên Học ở Adyar thuộc Madras (bây giờ là Chennai). Sau đó, Krishnamurti được nuôi dưỡng dưới sự giám hộ của bà Annie Besantvà ông C.W. Leadbeater, những nhà lãnh đạo của Hội Thông Thiên Học lúc đó tin rằng Krishnamurti sẽ trở thành vị Thầy Thế Giới trong tương lai. Krishnamurti đã bác bỏ ý tưởng này và giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông (một tổ chức toàn cầu được lập để hỗ trợ ý tưởng này). Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm. Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.

Những người ủng hộ ông, làm việc trong các chức phi lợi nhuận, trông nom một số trường học độc lập thực hiện quan điểm của ông về giáo dục – tại Ấn Độ, Anh Quốc và Mỹ – và tiếp tục sao chép và phổ biến hàng nghìn bài nói, các cuộc thảo luận nhóm và cá nhân, và các tác phẩm khác, xuất bản chúng dưới nhiều định dạng khác nhau, bao gồm sách, audio, video, sách điện tử, internet, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.

J.Krishnamurti, cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Là một hiền nhân, triết gia và tư tưởng gia, ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.

Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Bàn về Thiên nhiên và Môi trường (2)

       Trong thế giới quanh chúng ta, chúng ta thấy sự hỗn loạn, đau khổ, và những ham muốn gây xung đột, và, bởi vì nhận ra sự hỗn loạn của thế giới này, hầu hết những con người nghiêm túc và chín chắn – không phải những con người đang vui đùa trong trò chơi đạo đức giả, nhưng những con người thực sự quan tâm – tự nhiên sẽ thấy sự quan trọng phải suy nghĩ ra vấn đề của hành động. Có hành động tập thể và hành động cá thể, và hành động tập thể đã trở thành một trừu tượng, một tẩu thoát thuận tiện cho những cá thể. Bằng cách suy nghĩ rằng hỗn loạn này, đau khổ này, thảm họa này mà liên tục đang nảy sinh, trong chừng mực nào đó có thể được thay đổi hay được mang lại trật tự bởi hành động tập thể, những cá thể trở thành vô trách nhiệm. Chắc chắn, tập thể là một thực thể tưởng tượng; tập thể là bạn và tôi. Do bởi chúng ta không hiểu rõ sự liên hệ của hành động đúng đắn nên chúng ta mới nhờ vả điều trừu tượng được gọi là tập thể – và thế là trở thành vô trách nhiệm trong hành động của chúng ta. Cho sự đổi mới trong hành động, chúng ta hoặc nhờ vả một người lãnh đạo, hoặc nhờ vả hành động chung có tổ chức, mà lại nữa là hành động tập thể. Khi chúng ta nhờ vả một người lãnh đạo để có sự hướng dẫn trong hành động, luôn luôn chúng ta chọn một người mà chúng ta suy nghĩ sẽ giúp đỡ chúng ta vượt khỏi những vấn đề riêng của chúng ta, sự đau khổ riêng của chúng ta. Nhưng, bởi vì chúng ta chọn một người lãnh đạo từ sự rối loạn của chúng ta, chính người lãnh đạo cũng bị rối loạn. Chúng ta không chọn một người lãnh đạo không giống chúng ta; chúng ta không thể. Chúng ta chỉ có thể chọn một người lãnh đạo mà, giống như chúng ta, bị rối loạn; vì vậy, những người lãnh đạo như thế, những người hướng dẫn như thế và những người tạm gọi là đạo sư tinh thần, luôn luôn dẫn chúng ta đến sự rối loạn thêm nữa, đến sự đau khổ thêm nữa. Bởi vì điều gì chúng ta chọn phải xuất phát từ sự rối loạn riêng của chúng ta, khi chúng ta theo sau một người lãnh đạo chúng ta chỉ đang theo sau sự tự-chiếu rọi bị rối loạn riêng của chúng ta. Vậy là, hành động như thế, mặc dù nó có lẽ sản sinh một hành động tức khắc, luôn luôn dẫn đến thảm họa thêm nữa. 

       Vì vậy, chúng ta thấy rằng hành động tập thể – mặc dù trong những trường hợp nào đó xứng đáng – chắc chắn dẫn đến thảm họa, đến rối loạn, và tạo ra sự vô trách nhiệm đối với những cá thể; và theo sau một người lãnh đạo cũng phải gia tăng rối loạn. Và tuy nhiên chúng ta phải sống. Sống là hành động; và hiện diện là có liên hệ. Không có hành động nếu không có sự liên hệ, và chúng ta không thể sống trong cô lập. Không có sự việc như cô lập. Sống là hành động và có liên hệ. Vì vậy, muốn hiểu rõ hành động mà không tạo tác đau khổ thêm nữa, rối loạn thêm nữa; chúng ta phải hiểu rõ về chính chúng ta, cùng tất cả những mâu thuẫn của chúng ta, những yếu tố gây đối nghịch của chúng ta, nhiều vấn đề của chúng ta mà liên tục đang chống đối lẫn nhau. Nếu chúng ta không hiểu rõ về chính chúng ta, chắc chắn hành động phải dẫn đến xung đột thêm nữa, đau khổ thêm nữa. Vì vậy, vấn đề của chúng ta là hành động cùng hiểu rõ, và hiểu rõ đó có thể hiện diện chỉ qua hiểu rõ về chính mình. Rốt cuộc, thế giới là sự chiếu rọi của chính tôi. Tôi là gì, thế giới là vậy; thế giới không khác biệt tôi, thế giới không đối nghịch tôi. Thế giới và tôi không là những thực thể tách rời. Xã hội là chính tôi; không có hai tiến trình khác biệt. Thế giới là sự mở rộng riêng của tôi, và muốn hiểu rõ thế giới, tôi phải hiểu rõ về chính tôi. Cá thể không đối nghịch với tập thể, với xã hội, bởi vì xã hội là cá thể. Xã hội là sự liên hệ giữa bạn và tôi và một người khác. Có sự đối nghịch giữa cá thể và xã hội chỉ khi nào cá thể trở thành vô trách nhiệm. Vì vậy, vấn đề của chúng ta là to tát. Có một khủng hoảng lạ lùng mà đối diện mỗi quốc gia, mỗi con người, mỗi nhóm người. Chúng ta, bạn và tôi, có sự liên hệ gì với sự khủng hoảng đó, và chúng ta sẽ hành động như thế nào? Với mục đích tạo ra một thay đổi, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? 

       Như tôi đã nói, nếu chúng ta nhờ vả tập thể, không có phương cách thoát khỏi; bởi vì tập thể hàm ý một người lãnh đạo, và luôn luôn tập thể bị trục lợi bởi người chính trị, người giáo sĩ, và người chuyên môn. Và bởi vì bạn và tôi tạo thành tập thể, chúng ta phải gánh vác trách nhiệm cho hành động riêng của chúng ta, đó là, chúng ta phải hiểu rõ bản chất riêng của chúng ta, chúng ta phải hiểu rõ về chính chúng ta. Hiểu rõ về chính chúng ta không là rút lui khỏi thế giới, bởi vì rút lui hàm ý cô lập, và chúng ta không thể sống trong cô lập. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ hành động trong liên hệ, và hiểu rõ đó phụ thuộc vào sự nhận biết được bản chất gây mâu thuẫn và xung đột riêng của chúng ta. Tôi nghĩ quả là ngu xuẩn khi tưởng tượng một trạng thái trong đó có hòa bình và chúng ta có thể mong đợi. Có thể có an lành và yên lặng chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ được bản chất của chính chúng ta và không giả định trước một trạng thái mà chúng ta không biết. Có một trạng thái an lành, nhưng chỉ giả định về nó là vô ích. Với mục đích hành động đúng đắn, phải có suy nghĩ đúng đắn; muốn suy nghĩ đúng đắn, phải có hiểu rõ về chính mình; và hiểu rõ về chính mình có thể xảy ra chỉ qua sự liên hệ, không qua sự cô lập. Suy nghĩ đúng đắn chỉ có thể hiện diện trong hiểu rõ về chính chúng ta, từ đó nảy sinh hành động đúng đắn. Hành động đúng đắn là hành động hiện diện từ sự hiểu rõ về chính chúng ta, không phải một phần của chính chúng ta, nhưng toàn nội dung của chính chúng ta, những bản chất mâu thuẫn của chúng ta, tất cả mọi điều mà chúng ta đại diện. Khi chúng ta hiểu rõ về chính chúng ta, có hành động đúng đắn, và từ hành động đó có hạnh phúc. Rốt cuộc, nó là hạnh phúc mà chúng ta khao khát, mà hầu hết chúng ta đang tìm kiếm qua những hình thức khác nhau, qua những tẩu thoát khác nhau – những tẩu thoát của những hoạt động xã hội, của thế giới văn phòng, của vui chơi, của thờ cúng và lặp lại những cụm từ, của tình dục và vô số những tẩu thoát khác. Nhưng chúng ta thấy những tẩu thoát này không mang lại hạnh phúc vĩnh cửu, chúng chỉ tạo ra một khuây khỏa nhất thời. Tại cơ bản, không có gì đúng đắn trong nó, không có sự thanh thản vĩnh cửu. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm được thanh thản đó, ngây ngất đó, hân hoan thực sự của hiện diện sáng tạo đó, chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ về chính chúng ta. Hiểu rõ về chính chúng ta này không dễ dàng, nó cần một tỉnh thức, một nhận biết nào đó. Tỉnh thức đó, nhận biết đó, chỉ có thể hiện diện khi chúng ta không chỉ trích, khi chúng ta không bênh vực, bởi vì khoảnh khắc có sự chỉ trích hay bênh vực, có một kết thúc đối với sự tiến hành của hiểu rõ. Khi chúng ta chỉ trích người nào đó, chúng ta không còn hiểu rõ người đó, và khi chúng ta đồng hóa chính chúng ta cùng người đó, lại nữa chúng ta không còn hiểu rõ anh ấy. Nó giống như vậy với chính chúng ta. Muốn quan sát, muốn nhận biết một cách thụ động bạn là gì, là khó khăn nhất, nhưng từ nhận biết thụ động đó hiện diện một hiểu rõ, hiện diện một thay đổi cái gì là, và chỉ sự thay đổi đó có thể mở cánh cửa vào sự thật. 

       Vì vậy, vấn đề của chúng ta là hành động, hiểu rõ, và hạnh phúc. Không có nền tảng cho suy nghĩ đúng đắn nếu chúng ta không hiểu rõ về chính chúng ta. Nếu không hiểu rõ về chính tôi. Tôi không có nền tảng cho sự suy nghĩ – tôi chỉ có thể sống trong một trạng thái của mâu thuẫn, như hầu hết chúng ta đều đang sống. Để tạo ra một thay đổi trong thế giới, mà là thế giới của sự liên hệ của tôi, tôi phải bắt đầu với chính tôi. Bạn có lẽ nói, ‘Để tạo ra sự thay đổi trong thế giới theo cách đó sẽ mất một thời gian dài vô tận.’ Nếu chúng ta đang tìm kiếm những kết quả tức khắc, tự nhiên chúng ta nghĩ nó phải mất thời gian thật lâu. Những kết quả tức khắc được hứa hẹn bởi những người chính trị; nhưng đối với một con người đang tìm kiếm sự thật, tôi e rằng không có kết quả tức khắc. Chính là sự thật mà thay đổi, không phải hành động tức khắc; chỉ khi nào có sự khám phá được sự thật bởi mỗi người, lúc đó sẽ sáng tạo hạnh phúc và hòa bình trong thế giới. Để sống trong thế giới và tuy nhiên lại không thuộc thế giới là nghi vấn của chúng ta; và nó là một vấn đề của sự theo đuổi khẩn thiết bởi vì chúng ta không thể rút lui, chúng ta không thể từ bỏ, nhưng chúng ta phải hiểu rõ về chính chúng ta. Hiểu rõ về chính người ta là sự khởi đầu của thông minh. Hiểu rõ về chính người ta là hiểu rõ được sự liên hệ của người ta với những sự vật, những con người và những ý tưởng. Nếu chúng ta không thể hiểu rõ hoàn toàn được sự quan trọng và ý nghĩa của sự liên hệ của chúng ta với những sự vật, những con người, và những ý tưởng; hành động, mà là sự liên hệ, chắc chắn sẽ tạo ra xung đột và đấu tranh. Vậy là, một con người thực sự khẩn thiết phải bắt đầu với chính anh ấy; anh ấy phải nhận biết một cách thụ động được tất cả những suy nghĩ, những cảm thấy, và những hành động của anh ấy. Lại nữa, đây không là một vấn đề của thời gian. Không có kết thúc đối với hiểu rõ về chính mình. Hiểu rõ về chính mình chỉ từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, và thế là có một hạnh phúc sáng tạo từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. 


* * * 

       Khi tôi đề cập những câu hỏi của các bạn, làm ơn đừng chờ đợi một đáp án. Bởi vì bạn và tôi sẽ cùng nhau suy nghĩ cẩn thận câu hỏi và tìm được đáp án trong câu hỏi. Nếu bạn chỉ chờ đợi một đáp án, tôi e rằng bạn sẽ bị thất vọng. Sống không có ‘đúng’ hay ‘sai’ thuộc bảng phân loại mặc dù đó là điều gì chúng ta mong muốn. Sống còn phức tạp nhiều hơn điều đó, tinh tế nhiều hơn. Vì vậy, muốn tìm được một đáp án chúng ta phải tìm hiểu câu hỏi, mà có nghĩa chúng ta phải có sự kiên nhẫn và thông minh để thâm nhập nó.



*Tác phẩm: BÀN VỀ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (On Nature The Environment), Jiddu Krishnamurti.
*Người dịch: Ông Không, năm 2010.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Chức năng của nền giáo dục

CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
THINK ON THESE THINGS
J. Krishnamurti
Biên dịch: Lê Tuyên – Hiệu đính: Lê Gia


---------------------------------

Tôi không biết đã bao giờ chúng ta tự hỏi mình xem giáo dục là gì chưa. Tại sao chúng ta lại đến trường, tại sao chúng ta lại học nhiều môn học khác nhau, tại sao chúng ta phải vượt qua các kỳ thi và cạnh tranh với nhau nhằm giành thứ hạng tốt nhất? Cái được gọi là nền giáo dục này là gì? Đây thật sự là một vấn đề quan trọng, không những đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh, giáo viên và với tất cả những ai yêu trái đất này. Tại sao chúng ta phải được giáo dục để chỉ vượt qua các kỳ thi và tìm được một công việc làm? Hay chức năng của nền giáo dục là giúp chúng ta thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống? Việc có được một công việc làm và kiếm sống là điều cần thiết – nhưng đó có phải là tất cả không? Bạn được giáo dục chỉ để được như thế thôi sao? Rõ ràng, cuộc sống không chỉ là những công việc, một nghề nghiệp; cuộc sống là một cái gì đó vô cùng rộng lớn và sâu sắc hơn, nó là một bí ẩn không giới hạn, nó là một thế giới bao la, mà chúng ta tồn tại trong vai trò là con người. Nếu chúng ta chỉ tự trang bị nhằm tìm cách kiếm sống thì chúng ta sẽ bỏ nhỡ cuộc sống này; việc thấu hiểu cuộc sống này là điều quan trọng hơn nhiều so với việc trang bị cho các kỳ thi và trở nên tinh thông về toán học, vật lý học hoặc những gì bạn muốn.

Thế nên, dù chúng ta là giáo viên hay học sinh, điều quan trọng là chúng ta cần phải tự hỏi mình xem tại sao chúng ta lại làm công việc giáo dục hoặc được giáo dục, không phải sao? Chim chóc, hoa cỏ, cây cối, bầu trời, trăng sao, sông suối, vân vân – tất cả những thứ này là cuộc sống. Cuộc sống là người giàu và kẻ nghèo; cuộc sống là cuộc đấu tranh liên tục giũa các nhóm người, chủng loài và quốc gia; cuộc sống là sự chiêm nghiệm thiền định; cuộc sống là những gì mà chúng ta gọi là tín ngưỡng, cuộc sống cũng là những gì tiềm ẩn trong tâm hồn – ganh tị, tham vọng, đam mê, đố kỵ, lo sợ, thỏa mãn, ưu phiền. Tất cả những thứ này và còn nhiều nhiều nữa chính là cuộc sống. Nhưng chúng ta thường chỉ tự trang bị nhằm tìm hiểu một góc nhỏ của cuộc sống này. Chúng ta vượt qua các kỳ thi, tìm thấy một công việc, kết hôn, sinh con cái và ngày càng thêm máy móc. Chúng ta không ngừng lo sợ về cuộc sống này. Vậy thì, chức năng của giáo dục là giúp ta thấu hiểu được toàn bộ cuộc sống, hay chức năng của giáo dục là chỉ giúp chúng ta có được một công việc làm?

Điều gì đã xảy ra cho tất cả chúng ta khi chúng ta trở thành các chàng trai, cô gái trưởng thành? Bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng bạn sẽ làm gì khi bạn trưởng thành chưa? Rõ ràng là bạn sẽ kết hôn, trước khi bạn biết được rằng mình đang ở đâu thì bạn đã trở thành các bà mẹ và các ông bố; và rồi bạn sẽ bị trói chặt vào công việc, hoặc nhà bếp, rồi bạn sẽ dần dần tiều tụy. Đó là tất cả những gì sẽ diễn ra trong đời bạn ư? Bạn đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi này chưa? Bạn không cần phải đặt ra cho mình câu hỏi này sao? Nếu gia đình bạn giàu có thì bạn có thể có được một địa vị khá tốt, cha bạn có thể cho bạn một công việc tốt, hoặc bạn có thể cưới được một người vợ hay một người chồng giàu có; nhưng rồi đời bạn cũng sẽ suy tàn, phân rã. Bạn nhận thấy rõ điều này chưa?

Chắc chắn là, nền giáo dục sẽ trở thành vô nghĩa trừ khi nó giúp bạn thấu hiểu được cuộc sống bao la này cùng với mọi điều bí ẩn phía sau nó, cùng với vẻ đẹp tuyệt vời của nó, cùng với những vui buồn của nó. Bạn có thể có nhiều bằng cấp, bạn có thể có một công việc tốt, nhưng rồi sao nữa? Những thứ đó sẽ có ý nghĩa gì khi tâm hồn bạn luôn mờ đục, mệt mỏi, chán chường? Vậy thì, trong khi bạn còn trẻ, bạn không cần phải tìm hiểu xem cuộc sống là gì sao? Chức năng của nền giáo dục không phải là giúp bạn có được trí thông minh tìm hiểu tất cả những rắc rối này sao? Bạn có biết trí thông minh là gì không? Rõ ràng nó là khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt, không hề bị gò ép bởi bất kỳ một lo sợ hay một thể thức nào, nhờ đó bạn có thể tự khám phá được mọi sự thật; nhưng nếu bạn lo sợ thì bạn chẳng bao giờ thông minh sáng suốt. Bất kỳ hình thức nào của tham vọng, dù thiêng liêng hay trần tục, đều dung dưỡng những lo sợ, thế nên tham vọng không giúp chúng ta tạo ra được một tâm hồn trong sáng, mộc mạc, thanh khiết, trinh nguyên, sáng suốt.

Bạn biết đấy, điều quan trọng trong khi bạn còn trẻ là bạn cần được sống trong môi trường mà ở đó không tồn tại bất kỳ sự lo sợ nào; chúng ta sợ sự sống, chúng ta sợ mất việc, chúng ta sợ truyền thống, chúng ta sợ dư luận, chúng ta sợ những gì chồng hoặc vợ mình có thể nói, chúng ta sợ chết. Hầu hết chúng ta đều có những lo sợ ở một hình thức nào đó; nơi nào có lo sợ thì nơi đó không có sự sáng suốt. Cuộc sống thật sự luôn tươi đẹp, nó không phải là thứ xấu xa mà chúng ta đã tạo ra. Bạn chỉ có thể thưởng thức vẻ đẹp của nó, sự sâu sắc của nó, vẻ yêu kiều của nó khi bạn cự tuyệt mọi thứ - tín ngưỡng, truyền thống, xã hội mục nát hiện nay – nhờ đó mà bạn có thể tự khám phá được đau là sự thật. Không phải để bắt chước noi theo mà là để khám phá – đó chính là chức năng của nền giáo dục, không đúng sao? Việc rập khuôn theo những gì xã hội hoặc cha mẹ hoặc thầy cô hướng dẫn là việc dễ dàng. Đó dường như là một lối sống an toàn; nhưng đó không phải là cuộc sống vì trong lối sống luôn tồn tại những lo sợ, khủng hoảng, chết chóc. Sống nghĩa là tự khám phá được đâu là sự thật, bạn chỉ có thể làm được điều này khi bạn có được sự tự do, khi trong lòng bạn tồn tại cuộc cách mạng không ngừng.

Nhưng không ai khuyến khích bạn làm điều này; không ai bảo bạn phải đặt câu hỏi, hãy thử tìm hiểu Thượng đế là gì, vì nếu bạn đứng lên tự tìm hiểu như thế thì bạn sẽ trở thành mối nguy hại cho tất cả những gì đang sai lạc đang tồn tại. Cha mẹ bạn và xã hội muốn bạn sống một cách an toàn, bạn cũng muốn sống một cách an toàn. Sự sống một cách an toàn thường có nghĩa là sống trong sự bắt chước, sự rập khuôn, sự theo đuôi một ai đó, thế nên trong sự sống đó luôn tồn tại những lo sợ. Chắc chắn chức năng của nền giáo dục là nhằm giúp mỗi người trong chúng ta có thể sống tự do và không lo sợ, không phải sao? Để có thể tạo ra một môi trường mà ở đó không tồn tại bất kỳ lo sợ nào thì chính bạn và các nhà sư phạm cần phải suy nghĩ thật nhiều về vấn đề này.

Bạn có biết điều này có ý nghĩa gì không – một môi trường không tồn tại lo sợ có ý nghĩa gì? Chúng ta phải tạo ra một môi trường như thế vì chúng ta nhận thấy rằng thế giới này không ngừng bị mắc kẹt bởi những cuộc chiến tranh bất tận; được dẫn dắt bởi các chính trị gia không ngừng tìm kiếm quyền lực; đây là một thế giới của luật sư, cảnh sát và quân đội, của những người tham vọng không ngừng tìm kiếm địa vị và tất cả họ đang đấu đá lẫn nhau để có được thứ này. Có những người được gọi là thánh nhân, được gọi là mộ đạo, họ cũng muốn địa vị, quyền lực, trong kiếp này hoặc trong kiếp sau. Đây là một thế giới điên loạn, hoàn toàn nhiễu loạn, người ta không ngừng cạnh tranh đấu đá lẫn nhau để tìm đến được nơi an toàn, quyền lực và địa vị. Thế giới này bị xé nát bởi những đức tin mâu thuẩn nhau, bởi đẳng cấp, giai cấp, tầng lớp, quốc gia, mọi hình thức xuẩn ngốc khác nhau… Đây là thế giới mà bạn đang được giáo dục để hòa nhập vào trong nó. Bạn được khuyến khích hãy hòa nhập theo một khuôn khổ nào đó của xã hội thảm khốc này; cha mẹ bạn muốn bạn làm điều đó, bạn muốn hòa nhập cùng nó.

Vậy thì, chức năng của nền giáo dục chỉ nhằm giúp bạn hòa nhập theo một khuôn mẫu nào đó của xã hội nhiễu loạn này, hay là nhằm giúp bạn có được sự tự do – hoàn toàn tự do để phát triển và tạo ra một xã hội khác, một thế giới khác? Chúng ta muốn có sự tự do không phải trong tương lai mà ngay lúc này, nếu không thế thì tất cả chúng ta có thể bị diệt vong. Chúng ta phải lập tức tạo ra một môi trường tự do nhờ đó bạn có thể sống và tự khám phá cho chính mình xem đâu là sự thật, nhờ đó bạn trở nên sáng suốt, nhờ đó bạn có thể đối mặt với thế giới này và thấu hiểu được nó, không chỉ thích nghi với nó, nhờ đó mà trong tâm lý bạn luôn cự tuyệt mọi thứ, vì chỉ có ai luôn cự tuyệt những gì xưa cũ mới có thể khám phá đâu là sự thật – chứ không phải là những người chỉ biết rập khuôn, máy móc, theo đuổi. Chỉ khi bạn không ngừng tìm hiểu, quan sát học tập, thì bạn mới có thể tìm được sự thật, chân lý, Thượng đế, hoặc tình yêu. Bạn không thể tìm hiểu, quan sát, học tập, ý thức sâu sắc, nếu bạn luôn sợ hãi. Thế nên, chức năng của nền giáo dục, rõ ràng thế, là đẩy lùi những lo sợ đã và đang hủy diệt nhân loại và tình yêu trong nhân loại.


Bàn về Thiên nhiên và Môi trường (1)

---------------------------------



Tôi không hiểu liệu bạn đã từng khám phá sự liên hệ của bạn với thiên nhiên hay chưa? Không có sự liên hệ ‘đúng đắn’, chỉ có hiểu rõ được sự liên hệ. Sự liên hệ đúng đắn hàm ý sự chấp nhận thuần túy một công thức, giống như tư tưởng đúng đắn. Tư tưởng đúng đắn và suy nghĩ đúng đắn là hai sự việc khác biệt. Tư tưởng đúng đắn chỉ là đang tuân phục theo điều  gì  là  đúng  đắn,  điều  gì  là  đáng  kính,  trái  lại  suy  nghĩ đúng đắn là chuyển động; nó là sản phẩm của sự hiểu rõ, và hiểu rõ liên tục đang trải qua sự bổ sung, sự thay đổi. Tương tự, có một khác biệt giữa sự liên hệ đúng đắn, và hiểu rõ được sự liên hệ của chúng ta với thiên nhiên. ... Sự liên hệ của chúng ta với thiên nhiên (thiên nhiên bao gồm những con sông, những cái cây, những con chim đang vùn vụt bay qua, những con cá dưới nước, những khoáng sản dưới lòng đất, những thác nước và những cái ao nông) là gì? Sự liên hệ của bạn với chúng là gì?

Hầu hết chúng ta không nhận biết được sự liên hệ đó. Chúng ta không bao giờ nhìn một cái cây, hay nếu chúng ta có nhìn, nó kèm theo ý định sử dụng cái cây đó, hoặc ngồi dưới bóng râm của nó, hoặc chặt nó xuống để làm gỗ. Nói cách khác, chúng ta nhìn những cái cây với mục đích thực tế; chúng ta không bao giờ nhìn một cái cây mà không chiếu rọi chính chúng ta và không lợi dụng chúng cho sự thuận tiện của chúng ta. Chúng ta đối xử với quả đất và những sản phẩm của nó trong cùng cách. Không có tình yêu quả đất, chỉ có lợi dụng quả đất. Nếu người ta thực sự thương yêu quả đất, sẽ có sự tiết kiệm trong sử dụng những sự vật của quả đất. Đó là, nếu chúng ta muốn hiểu rõ sự liên hệ của chúng ta với quả đất, chúng ta nên rất cẩn thận trong việc sử dụng những sự vật của quả đất. Hiểu rõ được sự liên hệ của người ta với thiên nhiên cũng khó khăn như hiểu rõ được sự liên hệ của người ta với người hàng xóm, người vợ, và con cái của người ta. Nhưng chúng ta chẳng thèm để ý gì đến nó, chúng ta không bao giờ ngồi xuống để nhìn ngắm những vì sao, mặt trăng, hay những cái cây. Chúng ta quá bận rộn bởi những hoạt động chính trị và xã hội. Chắc chắn, những hoạt động này là những tẩu thoát khỏi chính chúng ta, và tôn thờ thiên nhiên cũng là một tẩu thoát khỏi chính chúng ta. Chúng ta luôn luôn đang lợi dụng thiên nhiên, hoặc như một tẩu thoát hoặc cho những mục đích thực tế – thật ra, chúng ta không bao giờ chấm dứt sự lợi dụng để thương yêu quả đất hoặc những sự vật của quả đất. Chúng ta không bao giờ thưởng thức những cánh đồng màu mỡ, mặc dù chúng ta sử dụng chúng để nuôi ăn và nuôi mặc cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ thích trồng trọt bằng bàn tay của chúng ta – chúng ta mắc cở khi làm việc bằng bàn tay của chúng ta. Có một việc lạ thường xảy ra khi bạn làm việc với quả đất bằng bàn tay của bạn. Nhưng công việc này chỉ được thực hiện bởi những giai cấp thấp; rõ ràng chúng ta, những giai cấp cao, quá quan trọng nên không sử dụng bàn tay của chúng ta được! 

Thế là chúng ta đã mất đi sự liên hệ của chúng ta với thiên nhiên. Nếu một lần chúng ta hiểu rõ sự liên hệ của nó, ý nghĩa thực sự của nó, vậy thì chúng ta sẽ không phân chia tài sản thành tài sản của bạn và tài sản của tôi; mặc dù người ta có lẽ sở hữu một mảnh đất và xây dựng một ngôi nhà trên nó, nó không phải là ‘ngôi nhà của tôi’ hay ‘ngôi nhà của bạn’ trong ý nghĩa độc quyền – nó sẽ còn nhiều hơn là một phương tiện của chỗ ở. Bởi vì chúng ta không thương yêu quả đất và những sự vật của quả đất mà chỉ lợi dụng chúng. Chúng ta trở nên vô cảm với vẻ đẹp của một thác nước, chúng ta đã mất đi sự hiệp thông cùng sự sống, chúng ta không bao giờ ngồi ngả lưng vào một thân cây. Và bởi vì chúng ta không thương yêu thiên nhiên, chúng ta không biết làm thế nào để thương yêu những con người và những thú vật. Hãy đi xuống đường phố và quan sát những con bò kéo xe bị hành hạ đến chừng nào, những cái đuôi của chúng bị tơi tả. Bạn lắc đầu và nói, ‘Tội nghiệp quá!’ Nhưng chúng ta đã mất đi ý thức của nhân hậu, nhạy cảm đó, sự phản ứng đến những sự vật của vẻ đẹp đó; và chỉ trong sự mới mẻ lại của nhạy cảm đó chúng ta mới có thể có hiểu rõ được sự liên hệ đúng đắn là gì. Nhạy cảm không hiện diện trong treo một vài bức tranh, trong vẽ một cái cây, hay cài một vài bông hoa trên mái tóc của bạn; nhạy cảm hiện diện chỉ khi nào quan niệm ích kỷ được xóa sạch. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể sử dụng quả đất; nhưng bạn phải sử dụng quả đất trong mức độ như nó được dành cho sử dụng. Quả đất hiện diện ở đó để được thương yêu, để được chăm sóc, không phải để bị phân chia như quả đất của bạn hay quả đất của tôi. Thật dốt nát khi trồng một cái cây trong một mảnh đất và gọi nó là ‘cái cây của tôi’. Chỉ khi nào người ta được tự do khỏi tình trạng độc quyền mới có thể có được nhạy cảm, không chỉ cùng thiên nhiên, mà còn cả cùng những con người và cùng những thách thức liên tục của sống.


*Tác phẩm: BÀN VỀ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (On Nature The Environment), Jiddu Krishnamurti.
*Người dịch: Ông Không, năm 2010.



LÊN ĐẦU TRANG