Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

"Vì tương lai con em chúng ta" kiểu gì vậy?


Cập nhật : 02:44 | 06/06/2015


“Mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ”.
Mỗi khi than thở về những vấn đề như môi trường, tham nhũng, bầu cử, biểu tình, bất công..., mình luôn bị các bà mẹ (và cả các ông bố) phủ đầu, với lý lẽ là vì mình còn một mình, còn rảnh rỗi, thừa hơi nên mới lo chuyện linh tinh.
Lời khuyên luôn là khi mình có gia đình, con cái như các bạn/anh/chị ấy, mình sẽ thấy lo cho gia đình mình là quan trọng nhất. Đặc biệt như các chị, giờ chỉ mong yên ổn để tập trung kiếm tiền nuôi con, để lo cho tương lai của con cái là mệt lắm rồi, lấy đâu ra hơi sức để mà lo chuyện bao đồng nữa.
Nhưng mình lại thấy tất cả các vấn đề trên thực ra ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai con cái chúng ta.
con em, dạy con, nuôi con, làm mẹ
Bạn muốn tương lai như thế nào cho trẻ em ở Việt Nam? Ảnh minh họa
Hãy nhìn bản thân, nhìn xung quanh xem, có phải bạn đang chọn trồng cây rái, rau xanh tại nhà để tránh ăn bẩn. Chọn làm bình lọc trong nhà để không bị uống nước bẩn. Chọn bịt mặt bịt mũi ra đường để chống bụi. Chọn cho con học trường đắt tiền để con có tuổi thơ. Chọn đút lót cô giáo để con cái không bị trù dập.
Chọn đút tiền bác sĩ để họ làm đúng chức trách. Chọn chạy việc cho con. Chọn nai lưng ra đi làm thêm làm nếm để bù đắp lại tiền lương thiếu hợp lý. Chọn mua thêm bảo hiểm bên ngoài dù đã bị bắt buộc mua bảo hiểm của nhà nước. Chọn dạy con phải “khôn ngoan” khi ra đời, vì “xã hội đầy phức tạp”.
Thật ra, tại sao bạn không nghĩ tới việc tất cả cùng trồng cây sạch để công chức không phải đi làm cái việc của nông dân (điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu nhà chức trách phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, vì bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân là việc mà chúng ta đã phải trả thuế cho Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm).
Tại sao không nghĩ tới việc phải đấu tranh để có được nguồn nước sử dụng trong sạch (và đây chính là chuyện môi trường, vấn đề mà đáng lẽ Bộ Môi trường phải có trách nhiệm). Sao không nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan chuyên trách phải đảm bảo việc quy hoạch phù hợp, bảo vệ môi trường để đi ra ngoài đường nếu ta bịt mặt là vì sợ đen chứ không phải sợ bụi.
Sao không nghĩ đến việc đấu tranh để người làm công ăn lương có đồng lương xứng đáng, phù hợp hơn, để mỗi người có thể yên tâm lo cho cuộc sống với công việc chân chính của mình (nếu ai thích giàu có thì xin mời, cứ đi làm thêm, nhưng phải đi làm thêm để đủ mức sống tối thiểu là không phù hợp với định nghĩa của chữ tiền lương).
Có như vậy họa chăng mới hết hiện tượng giáo viên, bác sĩ, công chức nhũng nhiễu, vì nếu họ sống vui vẻ với đồng lương, bên cạnh cơ chế nghiêm minh, những hành vi nhũng nhiễu sẽ dẫn tới khả năng bị sa thải, cân nhắc thiệt hại sẽ khiến họ chọn làm tốt công việc của mình để giữ được chỗ.
Tựu trung, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không nghĩ tới việc đấu tranh để có một xã hội minh bạch, nơi ở đó pháp luật được coi trọng, và “xã hội phức tạp” được thay thế bằng việc “tôi không làm gì sai với luật pháp, tôi không sợ”?
Rõ ràng, những vấn đề tưởng đao to búa lớn ấy thực ra là các vấn đề thiết thân, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên lên cuộc sống của từng người hàng ngày.
Quay lại chuyện tương lai con cái. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc?
Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống? Bạn dạy con thật thà bằng việc đút tiền cho thầy cô, bác sĩ, cảnh sát giao thông và bao nhiêu dịch vụ công khác nữa?
Bạn dạy con chính trực với việc đi mua việc cho con? Bạn dạy con sáng tạo với việc răm rắp nghe theo những bất công, những điều vô lý đầy rẫy quanh bạn? Các bạn đang sống đầy khốn khổ, và các bạn lại chọn không làm gì, vậy dựa vào đâu mà các bạn hy vọng con cái mình sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc?
Mình cực kỳ hoang mang khi cân nhắc tới việc sinh con. Nhưng mình còn hoang mang hơn nữa khi nhìn thấy phản ứng của tầng lớp có học trong xã hội Việt Nam trước những bất công của xã hội.
Có con là mong ước chính đáng của mỗi người, và mình thực sự khâm phục sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam khi họ dám sinh con trong xã hội này, như thể họ chẳng thấy nó có vấn đề gì cả.
Chưa cần nói tới chuyện mong muốn con cái khi trưởng thành trở thành người “khiêm tốn - thật thà - dũng cảm”, mình sợ với môi trường độc hại ở Việt Nam - nơi mình đang bị đầu độc, và con mình sẽ bị đầu độc từ trong bụng đến khi ra đời - không biết mình có sống để nuôi được nó tới lúc trưởng thành hay không?
Hoặc giả, con mình có thể sống đến lúc trưởng thành để bắt đầu hành trình “tự diễn biến” sao cho “phù hợp” cái cái xã hội này không nữa? Mình không nhìn thấy bất cứ một tương lai tốt đẹp nào cho con cái mình, nếu mình cứ “kệ” như cách các bạn chọn.
Đấy, vì mình nghĩ thế, nên mỗi khi các bà mẹ Việt Nam lên tiếng “Chị/tớ/em giờ chỉ tập trung lo cho con cái thôi, sức đâu mà lo chuyện ngoài xã hội!”, là mình lại vô cùng bối rối, vì mình không thể nào giải thích được thế nào mới là “lo cho con cái” theo định nghĩa của họ.
(TheoHà LinhNhịp Cầu Thế Giới)

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Hạnh phúc xa xăm

Ánh trăng vàng lai láng trên ngọn đa, bay là là qua mái đình rồi lan tỏa ra cả cánh đồng mênh mang trước mặt. Thi thoảng, một con gió ùa qua rì rào khiến cánh đồng như được phủ lên một tấm lụa mềm mại gợn sóng lăn tăn. Rồi gió lại đem mùi hương lúa non ngòn ngọt của cánh đồng đang trổ bông mang đi vương vãi khắp nơi.
Tiếng ếch nhái gọi nhau ì oạp râm ran cả cánh đồng, nhưng nếu lắng tai một chút, người ta vẫn nghe thấy tiếng thì thầm của đôi trai gái đang ngồi dưới gốc đa. Họ gục đầu vào vai nhau, cùng nhìn ra cánh đồng bao la…

- Anh này, anh yêu em nhiều không?

- Ừ, cũng tàm tạm.

- Sao bao nhiêu cô khác xinh đẹp, giỏi giang thì anh không yêu mà lại chọn yêu em?

- Em hỏi ngu thế! Xinh đẹp, giỏi giang, lại con nhà tử tế thì tội quái gì nó phải yêu anh.

- Anh đưa dép em…

- Gì? Tự nhiên lại đưa dép?

- Đưa trả dép cho em về.

- Ơ, giận đấy à? Thế chiều mai có đi xem ca nhạc trên huyện không?

Không thấy trả lời, giận thật rồi! Ấy vậy nhưng chiều hôm sau hắn đạp xe đến đón nàng đã đứng đợi sẵn ở cổng. Cũng phải thôi, họ đã chờ rất lâu, phải lên huyện mua vé trước cả tuần để chờ xem buổi ca nhạc này mà. Nghe đâu, có cả anh Long Nhật về hát nữa cơ.

Vậy là chiếc xe đạp leng keng lọc cọc chở đôi trai gái lăn từng vòng mệt nhọc chạy dọc theo con đường lởm chởm toàn đá hộc. Dẫu vậy, họ vẫn vui lắm, vì chỉ lát nữa thôi, họ sẽ được tận mắt nhìn thấy anh Long Nhật, người mà họ chỉ được biết đến nhờ giọng hát ẽo uột, dầm dề, qua những tình khúc sến sẩm, não nề, bởi những bức ảnh ưỡn ẹo ê chề, và với những phát ngôn nhố nhăng như thằng hề. Thế nhưng, vừa mới đi hết đường làng, ra đường huyện được khoảng vài trăm mét thì chiếc xe đạp bắt đầu sinh sự.

Cái xích không thích cái líp nữa mà lại nhảy ra ngoài, vì nó thấy những cái bánh răng trên cái líp xe thật đáng sợ, suốt ngày cứ kìm hãm nó, gồng ép nó. Vậy nhưng, vừa mới tụt ra, nó đã bị cái càng xe bóp ghẹt, xiết chặt vào với cái ổ trục như muốn nghiền nát nó.

- Xe bị sao thế anh? Giời ạ, hôm nay lên huyện mà không kiếm được cái xe cho tử tế, nhìn như cái xe chở lợn thế này.

- Chắc tuột xích thôi, ngày nào mẹ anh chẳng dùng nó để chở hai thùng nước gạo với mấy bao phân, vẫn chạy bon bon mà. Em cầm cái xích nâng lên nhé, để anh gỡ nó ra đã…

Họ ngả xe xuống vệ đường rồi hí hoáy một lúc khá lâu, nhưng có vẻ là không ổn. Chiếc xích bị kẹp quá chặt, nếu không có cờ-lê để tháo trục ra thì chắc không thể gỡ cái xích ra được. Cô gái bắt đầu mất kiên nhẫn và nổi cáu:

- Anh có sửa nhanh lên không? Bẩn hết tay em rồi này! Đàn ông gì mà hì hục hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa làm ăn được cái mẹ gì.

- Thì anh đang cố đây, em cứ bình tĩnh.

- Bình tĩnh à? Sắp đến giờ biểu diễn rồi kìa, ở đó mà bình tĩnh. Hôm nay mà không gặp được Long Nhật thì tôi sẽ giết anh, đồ giời đánh thánh vật.

Đang mải chúi đầu vào cái xích xe nên cả hai không biết có một chiếc Toyota Camry cáu cạnh đang chạy chầm chậm và đỗ xịch lại ngay gần họ. Chỉ đến khi cửa xe mở ra thì cả hai mới giật mình ngẩng lên. Một người đàn ông béo ục, đầu hói, khoảng gần 50 tuổi, nhìn qua rất giống với ca sĩ Spy với điệu nhảy Gangnam Style. Ông ta tiến lại gần chỗ đôi trai gái rồi cất giọng:

- A ni âng A xi ê ố, dỏng xiếu, ụp-pa ụp-ma?

- Ụp ụp cái mả cha mày! Đã đang bực mình thì chớ, mày có thích tao ụp cái xe đạp này lên đầu mày không?

Thấy người thanh niên có vẻ hung hăng, gã đầu hói đó thoáng ngỡ ngàng rồi giật mình lùi lại mấy bước. Tức thì, một người đàn ông khác trẻ hơn, ít béo hơn, ít hói hơn mở cửa bước ra:

- Ấy ấy, xin bình tĩnh! Giám đốc của tôi đây là người Hàn Quốc, thấy hai vị hỏng xe nên ông ấy hỏi xem hai vị có muốn đi nhờ không thôi.

Nàng nghe vậy thì giựt giựt gấu áo hắn rồi hỏi:

- Kìa, ông ấy cho đi nhờ kìa. Có đi không anh? Sắp đến giờ diễn rồi…

- Nhưng anh say xe, sợ ô tô lắm!

- Say thì có túi ni lông.

- Nhưng còn xe đạp? Họ có chở cả xe đạp cho mình không?

- Anh bị điên à? Ô tô của người ta bóng coóng thế kia, còn cái xe đạp của anh thì như cái đống sắt vụn, toàn mùi phân gà phân lợn, mang lên xe của người ta anh không thấy xấu hổ sao?

- Vậy giờ phải làm thế nào?

- Còn thế nào nữa, vứt đi!

- Không được, xe của mẹ anh đi chở nước gạo đấy, vứt đi mẹ anh giết!

- Vậy anh cứ ngồi đây ôm lấy nó, em đi một mình…

Nói rồi cô gái chui tọt vào trong xe, đóng sập cửa lại. Chiếc ô tô nổ máy rồi lao vút đi, bụi tung mịt mù, bay cả vào mắt hắn, cay xè, bỏng rát. Hắn cứ đứng ngẩn ngơ, ngỡ ngàng một lúc lâu như không tin vào mắt mình, như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một buổi đi chơi vui vẻ mà cả hai háo hức chờ đợi từ lâu bây giờ lại thành ra thế này sao? Có ai hiểu cảm giác của một người đàn ông khi bị người mình yêu bỏ lại bên đường rồi leo lên xe đi với một người đàn ông khác không? Một cảm giác hụt hẫng, bẽ bàng, và dù không muốn nhưng nước mắt cứ ứa tràn. Hắn nhìn cái xe đạp nằm chỏng chơ bên đường rồi hét lên:

- Tất cả là tại mày, tại mày hết…

Hắn vừa hét vừa lao đến đá liên tiếp vào cái xe, hắn nhảy cả lên mà giẫm đạp tới tấp, như muốn trút toàn bộ cơn tức giận lên cái xe tội nghiệp. Chiếc xe vốn đã cũ nát thì giờ lại càng đáng thương hơn với cái vành méo mó, với những chiếc nan hoa cong queo, với cái khung gẫy gập. Nhìn nó tàn tạ và tiều tụy như người đàn ông vừa giẫm đạp lên nó. Người đàn ông ấy vừa mới đây thôi hung hăng, điên cuồng là thế, vậy mà giờ thì ngồi sụp xuống vệ đường, úp mặt vào tay rưng rưng, vai rung lên từng đợt…

Khóc chán rồi hắn lại đứng dậy, vác cái xe lên vai, lủi thủi quay về làng. Vừa đi hắn vừa lẩm bẩm tự chửi mình là ngu. Ngu thật ấy chứ, giá mà vừa rồi hắn đạp nhẹ chân thôi, hoặc là đá vào cái yên xe, cái tay phanh thôi, tránh cái vành, tránh cái nan hoa, tránh cái khung ra thì biết đâu bây giờ hắn có thể thong dong dắt xe, hoặc thậm chí là đạp được xe về ngon lành. Ngu thật…

***

- Có nhà không mày ơi?

- Tao đây. Vào đi mày!

- Trời, có bao giờ thấy mày đọc sách, sao hôm nay lại bày ra cả đống thế này?

- Tao đang học tiếng Hàn. Mà trước giờ xem phim, nghe bọn nó nói thì cứ tưởng tiếng Hàn khó lắm, nhưng học rồi mới thấy, nó cũng đơn giản thôi mày ạ!

- Thật á? Mày chỉ cho tao xem.
...
- Này nhá. Ụp-pa là dùng để gọi đàn ông, ụp-ma là gọi đàn bà.

- Sao có vẻ giống tiếng Anh nhỉ?

- Thì giống y hệt mà.

- Vậy tình yêu gọi là gì?

- Ụp-love.

- Thế còn cái chuyện ấy thì gọi là gì?

- Chuyện ấy là chuyện gì?

- Cái chuyện mà mỗi lần nhắc đến là tao với mày đều thấy hào hứng ấy…

- À…, là ụp-sex.

- Trời, không ngờ lại đơn giản như thế! Vậy thì bây giờ gặp người Hàn tao cũng giao tiếp được vài câu rồi. Nhưng mà, mày học tiếng Hàn làm gì? Mày định yêu cái lão giám đốc hói ấy à?

- Ừm…

- Thế còn anh ấy?

- Đừng nhắc đến hắn ta nữa! Hắn ta không bao giờ cho tao được những thứ tao muốn. Tao lấy hắn ta về để về đi chở nước gạo nuôi lợn à? Để suốt ngày ngồi ở vệ đường lắp xích xe đạp à?

- Thảo nào, dạo này mày tránh mặt anh ấy… Nhưng anh ấy vừa nhờ tao nhắn với mày là tối nay 8h gặp ở gốc đa. Anh ấy có chuyện muốn nói.

8h mới đến giờ hẹn nhưng hắn đã chờ ở gốc đa từ 7 rưỡi, còn hơn là cứ ngồi ở nhà nhìn đồng hồ, sốt ruột lắm! Hôm nay trời không có trăng, chỉ có những ông sao mấp máy trên cao như những đốm lửa nhỏ đốt âm ỉ, râm ran trong lòng hắn. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ thi thoảng có những chiếc lá đa rơi xuống, bị gió lôi đi rào rạo trên mặt đất. Hắn ngồi chán thì lại đứng dậy đi vòng vòng quanh sân đình, trong đầu lẩm nhẩm những điều mà lát nữa hắn sẽ nói với nàng. Hắn muốn xin lỗi nàng về chuyện hôm trước; hắn cũng sẽ khoe với nàng rằng hắn đã xin được vào làm một chân phục vụ ở một quán bia to nhất nhì trên huyện, hắn sẽ chăm chỉ làm ăn tích cóp, quyết tâm cuối năm nay mua được con xe đạp điện để có thể hãnh diện đèo nàng đi chơi trên huyện; và hắn còn nghĩ nhiều, nhiều lắm…

Hắn lại nhìn đồng hồ: 8h10 rồi, chắc là nàng đang trên đường ra đấy! Nhà nàng hay ăn cơm thất thường lắm, biết đâu hôm nay có khách nên ăn cơm muộn, và lại thêm bát thêm đũa nên nàng phải rửa nhiều hơn, giờ mới xong thì sao? Hắn dựa người vào gốc đa, mắt ngóng ra con đường mòn xa xa…

10h rồi…Hắn vẫn ôm gốc đa, nhưng lúc này, sự hứng khởi và thấp thỏm đã không còn, thay vào đó là sự hẫng hụt, sự tuyệt vọng. Nàng không ra thật rồi! Nàng đành lòng dứt tình với hắn thật rồi…

Mấy ngày sau đó, hắn nằm lì trong nhà, không thò mặt ra ngoài đường. Nhìn hắn như thằng mất hồn, uể oải, phờ phạc, mệt mỏi. Hắn không hiểu vì sao nàng lại tránh mặt hắn, đến nhà tìm cũng không gặp, hẹn ra ngoài cũng không xong. Hắn đã làm gì sai? Đã mắc lỗi gì khiến nàng xa lánh hắn? Chả lẽ hắn lại để mất nàng? Lại để tình yêu và hạnh phúc của mình vụt mất dễ dàng? Không, hắn không cam chịu. Hắn phải làm mọi cách để giữ được nàng, để kéo nàng về với hắn. Hắn chợt nhớ ra cuối tuần này là sinh nhật nàng, rồi một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu hắn…

Vậy là hắn vùng dậy, hì hục đi chặt tàu dừa, tước hết phần rìa lá đi, chỉ lấy phần sống lá. Rồi hắn lại ngồi cặm cụi, hí hoáy ghép từng sống lá lại, đan thành hình những con chim xinh xắn. Để đan được một con chim hoàn chỉnh phải mất vài giờ, vậy mà hắn đan liền hai chục con, đúng bằng số tuổi của nàng. Hắn nhớ có lần lên huyện, thấy người ta bán cái con chim dừa này, nàng đã vô cùng thích thú và đòi hắn mua cho bằng được. Bây giờ, được tặng một lúc hai chục con, lại do chính tay hắn làm với bao tình cảm và tâm huyết, hẳn là nàng sẽ cảm động lắm.

Đúng ngày sinh nhật nàng, hắn cho chim vào bao ni-lông nhỏ rồi xách chim đến nhà nàng. Mẹ nàng thấy hắn cầm chim đứng ở ngõ thì lật đật chạy vào trong thông báo cho con gái. Nàng có lẽ cũng biết là không thể lẩn tránh hắn mãi nên lát sau cũng lững thững đi ra với vẻ mặt không được vui cho lắm. Trời, lần đầu tiên hắn thấy nàng mặc váy, lại còn trang điểm nữa chứ, đương nhiên, nàng xinh đẹp hơn rất nhiều, nhưng cũng lạnh lùng hơn rất nhiều:

- Anh đến đây làm gì?

- Chúc mừng sinh nhật em! Anh biết là em rất thích những con chim dừa này, anh…

PÍP PÍP!!!!!!!!

Tiếng còi inh ỏi phía sau cắt ngang câu nói của hắn và khiến hắn giật mình quay lại. Vẫn là chiếc Toyota Camry cáu cạnh lần trước. Hắn sững người và chợt hiểu ra tất cả.

- Anh mang chim về đi, tôi không thích chim của anh nữa.

Nói rồi nàng lạnh lùng bước lên xe. Chiếc ôtô nổ máy rồi bấm còi inh ỏi kêu hắn nhường đường bởi vì hắn vẫn đang đứng như cái cây chết lặng trước mũi xe. Bấm còi chán chê, chiếc xe đành lùi lại một đoạn rồi rẽ bánh chầm chậm lao đi. Hắn cầm cái túi chim ném thẳng vào cửa kính xe chỗ nàng ngồi. Cái túi rách toạc, chim bắn tung tóe, vung vãi trên đường, nhiều con bị bánh xe cán qua bẹp dí. Hắn nhìn những con chim thoi thóp, xẹp lép trên đường mà ngỡ như trái tim mình vừa bị cái ô tô kia lăn qua làm cho tan nát…

Từ hôm đó, sáng sáng hắn đạp xe lên huyện làm bưng bê ở quán bia, tối tối lại lủi thủi đạp xe về, như một cái máy, như một con robot không cảm xúc, bởi hắn cũng chẳng biết hắn đang làm việc vì cái gì, để làm gì, cho cái gì… Hắn khoác một vẻ ngoài lạnh lẽo để hòng che đi vết đau vẫn đang nhức nhối và ngày càng nhức nhối trong tim.

Một buổi trưa, đúng tầm quán đông khách nhất, đương lúc hắn đang bưng hàng chục cốc bia trên khay mang ra bàn cho khách thì có thằng em ở quê chạy xộc vào, níu tay hắn rồi nói với giọng hớt hải:

- Anh à, em nghe nói hôm nay chị ấy sẽ bay sang Hàn Quốc cùng thằng già đó đấy. Anh về nhanh còn kịp.

Hắn vứt luôn khay bia xuống đất rồi lao ra vồ lấy cái xe đạp của hắn phóng vụt đi. Nàng sẽ sang Hàn Quốc thật sao? Bấy lâu nay, dù biết là nàng đã yêu thằng Hàn hói đó, nhưng hắn vẫn hi vọng rằng đó chỉ là cơn gió thoảng qua thôi, rồi sẽ đến lúc nàng tỉnh lại và quay về bên hắn. Những ngày qua, hắn chỉ bám vào duy nhất cái hi vọng đó để sống, để gắng gượng. Vậy mà, giờ đây, cái hi vọng duy nhất đó cũng đang dần trôi mất…

Chiếc Camry chạy rì rì chạy dọc theo con đường làng lởm chởm toàn đá hộc. Nàng hạ cửa kính, ngắm nhìn lại con đường thân thuộc với bao kỉ niệm buồn vui, con đường mà ngày nào nàng cũng đi qua một vài lần, dù là ngày nắng chói chang hay ngày mưa hối hả; con đường ấy đã cho nàng lớn lên cùng bao gian nan, vất vả. Vậy mà chỉ giây lát nữa thôi, nàng sẽ phải rời xa nó, đến một phương trời rất lạ. Dẫu biết rằng con đường mới sắp đi là do chính nàng lựa chọn, nhưng trong lòng nàng không khỏi nao nao…

Đang miên man theo những dòng xúc cảm ùa về, chợt nàng thấy chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn.

- Sao dừng lại thế chú?

- Có người chắn đường cô ạ.

Thì ra là hắn, hắn đứng giữa đường với cánh tay buông thõng, với cái xe đạp nằm chổng kềnh dưới chân hắn. Cánh cửa xe hé mở, và nàng bước ra, chầm chậm tiến về phía hắn.

- Anh có yêu em không?

- Có, anh yêu em nhiều, nhiều lắm!

- Vậy thì hãy tránh ra, đừng cản trở con đường hạnh phúc của em.

- Hãy ở lại với anh, lão già đó không mang cho em hạnh phúc được đâu.

- Anh nhầm rồi, ông ta mua cho em váy đẹp, túi xách đẹp, dây bạc, vòng vàng, ông ta có ô tô, có công ty, có mấy cái nhà bên Hàn Quốc. Còn anh? Anh có gì? Cái xe đạp cũ kỹ? Hay bộ quần áo nhàu nhĩ? Anh lấy gì để mang lại hạnh phúc cho em?

Hắn không nói gì nữa, lặng lẽ cúi xuống dựng cái xe đạp lên rồi lầm lũi dắt về. Nàng cũng lập tức vào xe rồi chiếc Camry lại từ từ lăn bánh. Họ cùng đi trên một con đường nhưng mỗi người một hướng, và hắn biết, càng lúc nàng và hắn càng xa nhau. Con đường trước mặt hắn bỗng nhòe đi, nhạt nhòa; chân hắn vấp phải những viên đá lởm chởm, gồ ghề, máu tứa ra. Thì đã sao chứ? Tim hắn còn đang rỉ máu nhiều hơn mà hắn còn chẳng cầm lại được… “Ừ, thôi em cứ đi đi, và, anh mong em hạnh phúc”…

...Em cứ tìm hạnh phúc ở nơi đâu
Nơi rừng dương tuyết trắng phủ một màu
Nên tuyết lạnh cả lòng anh cô quạnh
Giọt lệ gầy lăn xuống chẳng ai lau.

Vẫn còn đây con ngõ vắng em qua
Khi nắng đổ và ngày mưa hối hả
Nơi có cả tháng ngày ta vất vả
Và lời thề ta mãi chẳng rời xa.

Em đi rồi anh biết phải làm sao?
Cho con tim thôi nức nở nghẹn ngào
Mất em là anh mất đi tất cả
Chỉ giữ cho mình ký ức một miền xa.


Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Có con ma ở trên cây đa

Nếu so về tuổi thì mấy cụ ở làng này phải gọi tôi bằng cụ. Tôi nói rất nghiêm túc, không dám hỗn chút nào. Không tin bạn cứ hỏi các cụ già nhất trong làng này xem có phải lúc các cụ ấy còn đầu để chỏm, cởi trần, quần thủng đít, tóc đỏ hoe, tay chân lấm lem đất cát, bò lê bò la chơi bắn bi, đồ hàng thì tôi đã đứng sừng sững ngoài đầu làng, dang những cành, những tán rộng thênh thang che chắn cho bà con mỗi khi qua đây chẳng may gặp cơn mưa bất chợt, hoặc để cho các chị, các cô, những buổi làm đồng, khi không còn chịu nổi
cái nắng nực của trời tháng sáu ong ong thì kéo nhau chạy lên, núp vào tảng bóng râm rười rượi dưới chân tôi, trốn cơn say nắng đang rình mò, chấp chới.

Và vì vậy, tôi là chứng nhân lịch sử của cái làng này, từ những ngày máy bay rền như sấm, bom trút như mưa trên đầu, đất rung dưới chân như lở; từ ngày mà bà con còn oằn mình vì sưu cao thuế nặng của Tây, của Nhật, rồi thêm vụ mùa trắng tay bởi đại dịch Hoàng trùng hại lúa khiến cả một vùng đồng ruộng mênh mông, bao la phủ rượt một màu xám xịt, héo hắt, quắt queo; ngày mà cái đói lan nhanh như lửa, xác người chết đói nằm ngổn nghiêng, ngang ngửa…

Nhưng giờ thì làng này khấm khá lắm rồi: đường bê tông vào tận ngõ, ô tô, xe máy chạy rầm rập trên đê, toàn xe mới, xe đẹp. Cái hố ngày trước chôn hàng nghìn người chết đói giờ đã được ủi đi, dựng lên một nhà hàng theo lối kiến trúc phương Tây hoành tráng; chỗ sân kho bọn Nhật hay dùng để tra tấn, đánh đập dân làng, giờ được san bằng để làm khu nghỉ dưỡng. Cảnh vật đẹp lên, con người giàu lên, chỉ có tôi thì vẫn thế, vẫn cằm cụi hằng ngày nơi đây, đọa đày bão giông, mưa nắng, lặng lẽ dang cành, xòe tán, lầm lụi trấn gác bên cổng làng.

Cũng may, còn có một con ma thỉnh thoảng về đây cùng tôi bầu bạn, chứ nếu không chắc tôi phát điên lên vì kiếp sống đơn côi. Con ma này vốn là một bác nông dân chân chất, hiền lành, chỉ vì cảnh vợ con đói quá nên mới đánh liều lấy ống nứa xiên vào bao thóc của tụi Nhật để ăn trộm, bị bọn chúng phát hiện và treo cổ lên cành của tôi. Trước giờ, tôi chỉ xòe tán, chìa cành để chở che cho bà con khỏi nắng mưa gió bão, chứ ai ngờ lại có lúc người ta lấy cành của tôi làm công cụ giết người. Điều đó thực lòng khiến tôi xót xa lắm!

Khi sống thì quyến luyến cái chốn mình sinh ra, khi làm ma thì lại thích quanh quẩn ở nơi mình đã chết. Vì thế, đi đâu thì đi, cứ vài ngày là con ma ấy lại quay về, ngồi lên cái cành nó bị treo cổ, để nghỉ ngơi. Nay rằm nên dân làng mang oản, mang xôi ra chỗ tôi thắp hương nghi ngút. Tôi đoán là kiểu gì lát nữa con ma ấy cũng về, bởi nó đi đã mấy ngày rồi, và bởi hôm nay ở đây có đồ cúng. Và đúng là nó về thật, về vào lúc khá khuya vắng. Tôi nghe tiếng gió lào xào, lạnh buốt luồn sâu vào trong kẽ lá. Nó quyện quyện mấy vòng rồi hiện hình, nhảy phốc lên cành, ngồi vắt vẻo.

- Bác Đa ăn không? – Con ma hỏi rồi chìa mẩu xôi về phía tôi.

- Thôi! Mời cậu! Mà mấy hôm rồi cậu đi đâu vậy?

- Đi kiếm ăn thôi bác! Chỗ nào có cúng giỗ thì qua, chứ cứ ở đây với bác thì chả mấy chốc thành ma đói!

Con ma vừa ăn, vừa nói, vừa nghía cổ xuống đường nghiêng ngó, bởi hình như có bóng người đi tới. Cái bóng ấy lấm lét rồi nấp vào cái hốc dưới chân tôi, nơi có mấy sợi rễ trườn ra sần sùi, ngoằn ngoèo như thân trăn vừa ngoi lên từ một vũng sình lầy. Con ma nhìn kẻ đó chằm chặp rồi reo lên:

- A! Là thằng chắt nội tôi đấy! Chắc nay rằm nên nó ra thắp hương cho tôi.

Cái bóng ấy lúi húi, ngồi thụp xuống, khuất hẳn vào trong hốc. Rồi nó xột xoạt lôi trong túi ra thứ gì đó. Lúc đầu, tôi và con ma đều nghĩ rằng nó lấy hương ra thắp, nhưng không, nó móc ra cái sơ-ranh, đổ thuốc, đổ nước vào đó hì hụi pha chế, rồi nó chọc cái kim tiêm nhọn hoắt ấy vào cánh tay, bơm cái thứ nước chết chóc ấy vào người. Xong, nó nằm dài ra đất như say nắng, tay đưa lên bứt tai, vò đầu vân vê với vẻ mặt đầy khoan khoái, thỏa thuê…

Cái bóng ấy đã đứng dậy, lẹo dẹo bước đi, và tan khuất vào ánh trăng nơi cuối đường, nhưng con ma thì vẫn chưa hết bàng hoàng. Nó im lặng như vậy rất lâu, cái mặt đăm đăm, rất khổ sở. Và rồi lại thấy nó nghển cổ xuống đường nghiêng ngó, bởi hình như thằng chắt nội của nó đang quay lại, tiếng dép loẹt quẹt mỗi lúc một gần. À, không phải! Lần này là hai cái bóng: một nam, một nữ. Hai cái bóng này cũng ngó nghiêng lấm lét rồi cũng nấp vào cái hốc mà đứa chắt nội vừa mới nãy đã chui ra.

Con ma lại nhìn chằm chặp vào hai cái bóng đó…

- Ơ! Đây là con bé chắt ngoại tôi đấy! Chắc nay rằm nên nó ra thắp hương cho tôi.

Con ma nghĩ vậy, còn tôi thì không. Bởi ra thắp hương sao tôi chả thấy hương hoa đâu, chỉ thấy tiếng dây lưng leng keng, tiếng khóa quần rột roạt, tiếng áo quần sột soạt, tiếng rên rỉ, nỉ non, nửa vui, nửa buồn, vừa hân hoan, vừa da diết. Con ma há hốc mồm, thảng thốt. Nó quay mặt đi chỗ khác, xấu hổ, ngại ngùng:

- Ôi trời ơi! Chúng nó…chúng nó dám làm cái chuyện bậy bạ ấy ở ngoài đường ngoài bãi này sao? Đứa chắt ngoại của tôi, năm nay mới lên lớp 9. Ôi trời ơi!

Con ma ôm mặt, tựa lưng vào cành bất động, không dám nhìn xuống phía dưới, nơi đứa chắt của nó đang oằn oại trong cái trò chơi nhơ nhớp. Trông nó lúc này thảm thương và suy sụp đến tột cùng. Tôi phải gọi mấy lần con ma mới nghe thấy…

- Này! Xong rồi, chúng nó đi rồi! Cậu có sao không đấy?

Con ma từ từ ngẩng mặt lên, thất thần:

- Tôi thấy đau bác Đa ạ! Ngày trước, chứng kiến bố mẹ, anh chị em tôi chết vì đói thì xót xa đã đành, giờ chứng kiến con cháu mình chết dần chết mòn vì thuốc phiện, rồi hư hỏng, đua đòi bậy bạ, sao cũng thấy xót xa không kém!

Con ma buông thõng, trôi tuột xuống gốc, rồi xiêu xiêu, là là trên mặt cỏ. Tôi thấy vậy thì gọi với theo:

- Cậu lại đi sao? Vừa mới về xong mà?

- Phải đi thôi bác ạ! Chứ ở đây, tôi sợ lát nữa lại có vài đứa chắt nữa mò ra.

Dứt lời, con ma bay rà rà theo bụi tre thâm thẫm, um tùm dọc bờ đê, rồi lướt đi êm êm, bềnh bềnh trên mặt sông, nhập nhờ trong ánh trăng đêm mênh mang. Nó hướng về khu nghĩa địa âm u cuối bãi, nơi có mấy ngôi mộ trắng tinh thấp thoáng, mập mờ. Chắc nó nghĩ đó là khu vực riêng của người âm, nên mấy đứa cháu chắt của nó sẽ không dám đưa nhau ra đó làm càn. Thôi thì cũng mong là như thế!

Tác giả: Võ Tòng đánh mèo

Ly sữa nóng

Đã quá nửa đêm. Hắn ngồi thu mình khúm rúm trên chiếc ghế nhựa ngoài hành lang. Trời chưa hẳn đã sang đông, nhưng cũng không còn thu nữa. Hồi chiều đưa vợ đến đây, trời còn nắng ang ang, hắn chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi phong phanh mà mồ hôi vẫn tứa ra nhễ nhụa. Còn bây giờ, cũng với chiếc áo đó, với cúc cài thít đến tận cổ,
với cả đôi chân đã co lên, quặp sát vào người, khiến hắn trông như đang ngồi sổm, vậy mà thi thoảng hắn vẫn rùng mình bởi một luồng lạnh từ đâu bất chợt lan tới, len lỏi khắp người.

Hắn buồn ngủ, nhưng không tài nào ngủ nổi. Bởi lạnh: đương nhiên, và còn bởi ở cái hành lang này, chốc chốc lại có người đi qua, tiếng giầy dép gõ coòng coọc trên nền gạch men cứ rọi vào tai hắn, khiến cho giấc ngủ đôi lúc tưởng đã đến với hắn rất gần nhưng rồi lại bị cái thứ âm thanh đanh đét đó làm cho hoảng sợ, chạy đi mất. Hắn sẽ bỏ về nhà, trèo lên giường, trùm chăn kín mít và đánh một giấc ngon lành nếu người đàn bà đang nằm trong buồng đẻ kia, đang ôm cái bụng quằn quại, rũ rượi kia không phải là vợ hắn.

Có lúc, hắn đã nghĩ đến việc gọi mẹ lên thay để hắn về nhà, vì hắn đã ngán ngấy cái cảnh ngồi vật vờ ở cái bệnh viện tanh tưởi này rồi. Nhưng xét cho cùng, đó cũng giống như việc chuyển từ nhà tù này đến cái nhà tù khác. Bởi nếu mẹ hắn lên đây thì hắn phải ở nhà trông hai đứa nhóc: đứa lớn thì khóc ri rỉ vì nhớ hơi mẹ; đứa bé thì phải bón bột, thay bỉm, dỗ ngủ. Chưa hết, lại còn bố hắn nữa, nằm liệt giường đã gần năm nay, mọi ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Chăm ông ấy còn khổ hơn là chăm một đứa trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh thì chỉ biết khóc, biết ăn, rồi tè, rồi ị, chứ còn bố hắn, ngoài những thứ đó ra, ông còn biết chửi nữa. Trái ý một tí là chửi. Cháo nấu hơi nhừ cũng chửi; khăn mặt vắt hơi khô cũng chửi, hắn nghe quen rồi, thành ra không thấy khó chịu nữa. Chỉ có một chuyện mà mỗi lần ông rủa tới là mặt hắn tối sầm, rồi hậm hực bỏ ra ngoài: “Đồ bất hiếu, bất tài, đẻ mãi mà không ra được cho tao đứa cháu trai, mày muốn cái nhà này tuyệt tự hả? Muốn tao chết không nhắm mắt hả?”

Hắn không bỏ ra ngoài thì hắn còn biết làm gì? Bởi bố hắn đã thọc trúng vào vết thương của hắn, ngoáy vào sự mặc cảm, cào lên nỗi nhức nhối vẫn từ lâu ám ảnh trong hắn. Cả những lần mấy bà, mấy chị đi làm cỏ, bón lúa qua nhà, thấy hắn hùng hục vét bùn, nạo đất dưới ao thì buông lời bỡn cợt: “Gớm! tham mà làm gì, cũng chỉ béo con rể mà thôi!”. Những lúc như thế, hắn chỉ mong mình có đủ cái chất ba bửa để vốc từng nắm đất ném vào mặt họ, hoặc không thì có phép lạ, ngụp sâu xuống dưới đáy bùn cho đỡ ê chề.

Vậy nên, khi vợ hắn có bầu đứa thứ ba, dù chưa đầy mười hai tuần tuổi, hắn đã háo hức, ráo riết chở vợ lên huyện siêu âm bằng được. Để rồi khi biết kết quả, hắn lặng đi, thần thừ như thằng mất hồn, rồi hùng hoằng lôi xềnh xệch vợ lên xe, bắt phải đi bỏ cái thai ngay lập tức, mặc cho vợ hắn đang há hốc mồm vì ngỡ ngàng, kinh sợ. Đi được một đoạn, vợ hắn vằng vẫy, nhào khỏi xe rồi quỳ xuống đường khóc lóc van xin. Ả còn dọa rằng nếu hắn vẫn ép, ả sẽ lao đầu vào ô tô để chết cùng con. Mà hắn cũng không chắc có phải là ả dọa hắn không, bởi vì nhìn thái độ của ả lúc đấy, hắn sợ là ả sẽ làm thật.

Thế nên giờ đây, hắn phải ngồi đây, ở cái hành lang lạnh lẽo này, và không biết mình đang ngóng chờ điều gì. Tình mẫu tử thiêng liêng ư? Hắn đã ngán ngấy rồi, bởi có thêm đứa con này là thêm những lời hằn học từ cha hắn, thêm những câu dè bỉu, mỉa mai, thêm những tiếng thở dài…

- Người nhà của sản phụ Liên đâu? Ai là người nhà của sản phụ Liên?

Nghe cô y tá gọi đến lần thứ hai, hắn mới uể oải đứng dậy:

- Là tôi…

- Chúc mừng anh! Mẹ tròn con vuông rồi! Công chúa xinh lắm! Anh vào đón tay cháu đi!

Hắn đang định hỏi: “không vào có được không?”, nhưng nhìn ánh mắt hân hoan của cô y tá, rồi cả mấy người ngồi ngoài hành lang cũng đang dõi theo hắn chăm chú như thể muốn chia vui, hắn đành miễn cưỡng theo vào.

Vợ hắn nằm đó, phờ phạc, bã bời. Ả nhìn hắn bằng cái nhìn rất khó tả, như dò xét, như van lơn, như đang hối lỗi chờ phán xử, như một kẻ đang hi vọng vào cái điều mà chính bản thân người đó cũng tự thấy rằng nó quá xa xôi…

Cô y tá hăm hở trao đứa bé cho hắn, nhưng hắn không dang tay đón mà chỉ sột soạt vạch cái tã ra rồi nheo mày ngăm ngó: “Đúng là con gái thật!”. Hắn buông một tiếng thở dài thão thượt, lạnh lẽo quay ra.

- Anh không đón tay cháu à? – Cô y tá gọi giật hắn lại.

- Đón cũng thế thôi, có khác gì hai đứa trước đâu!

Hắn cứ vậy bước ra. Không nhìn mặt vợ, không nhìn mặt con. Bởi hắn thừa biết là cái bờ vai gầy gò của vợ hắn đang rung lên từng cơn bầm bập, cái bàn tay xanh xao đang cố hết sức để bịt lại những tiếng nấc nghẹn ngào, nhưng dường như là không thể, những âm thanh hấm hức, tấm tức ấy vẫn thoát ra được, nghe hệt như tiếng kêu cụt lút của một con gà bị người ta bóp cổ.

Hắn lại gieo mình xuống cái ghế, cảm thấy sự chán chường đến cực cùng. Hắn lấy điếu thuốc ra toan châm lửa thì lập tức bị một cô y tá gần đó nhắc nhở: “Ở đây không được hút thuốc đâu anh!”. Hắn nghe vậy thì cũng thôi, lại nhét chiếc bật lửa vào túi, rồi buông thõng tay chân, ngửa người ra ghế, quên cả điếu thuốc chưa kịp châm vẫn đang dắt dẻo trên môi…

Hắn díu mắt lại và chực thiếp đi. Thế nhưng, một gã thanh niên tay xách cái giỏ đồ sơ sinh cứ lượn qua lượn lại trước mặt hắn, giầy quệt xuống nền đá cồm cộp. Gã ta cứ lui tới một hồi khiến hắn bực mình phải quạu lên:

- Ghế đây sao không ngồi? Đi lại nãy giờ không thấy mỏi cẳng à?

- Dạ, tại em sốt ruột quá anh ạ! Vợ em đang nằm trong buồng đẻ, không biết tình hình thế nào!

Hắn phì cười khi nghe cái giọng run run và cái điệu bộ lóng ngóng đến tội nghiệp của gã đó. Đẻ thôi mà, có gì to tát đâu! Hắn đưa vợ đi đẻ đã ba lần, cứ nhẹ như không! Ngày xưa, các cụ ăn khoai độn, quần áo chả có mà mặc, thế mà vẫn cứ sòn sòn tám chín đứa ngon lành, việc quái gì! Cứ bảo mang nặng đẻ đau, chứ hắn thấy cái sự đẻ còn đơn giản hơn là nấu một mẻ rượu ngon. Để có được một mẻ rượu chuẩn, hắn phải tính được hàm lượng men cho phù hợp, rồi ke thời gian ủ gạo, rồi căn mực lửa khi đun, công phu lắm lắm! Chứ còn cái việc đẻ thì có gì? Khi nào thấy bụng tưng tức thì rặn phát là xong. Thế nên hắn thấy cái gã đang cuống quýt trước mặt hắn thật đáng buồn cười!

Rồi cả khi cô y tá mới vừa thò đầu ra cửa, chưa kịp gọi tên, gã đó đã nhao vào sấn sổ; rồi gã rú lên khi biết tin mẹ tròn con vuông; gã ton ton lỉnh vào đón tay đứa bé, khiến cô y tá lại phải lật đật chạy theo. Lát sau gã quay ra, hai mắt đỏ hoe, sụt sùi…

Hắn cố dằn tiếng cười trong ngực rồi quay sang hỏi gã đó bằng một giọng nửa mai mỉa, nửa quan tâm:

- Con đầu lòng hả? Sao xúc động ghê thế? Anh đây ba đứa rồi mà chưa lần nào được phấn khích như cậu đâu!

- Dạ, nói là đầu lòng cũng đúng, nhưng thực ra cũng không hẳn!

- Là sao?

- Vợ em bị sẩy thai bảy lần rồi anh ạ!

Hắn khẽ rùng mình, mặt cúi gằm, thinh lặng, còn gã thanh niên thì vẫn chầm chậm tiếp lời…

- Vợ em không được bình thường như những người đàn bà khác, cô ấy bị mỏng thành tử cung và dị tật tế bào, cứ có thai được vài tháng là sẩy. Hầu như thời gian mang bầu, vợ em phải nằm trên giường, tránh vận động. Có đợt, thai được hơn sáu tháng rồi, hai vợ chồng đã khấp khởi hy vọng, vậy mà… Nhiều khi, chúng em định bỏ cuộc vì việc chạy chữa tốn kém quá, vì đã bán tất cả những gì có thể bán, vay tất cả những chỗ có thể vay, và cũng vì mỗi lần sẩy là một lần vợ em thêm tiều tụy, héo hon, suy sụp. Thế nhưng, những đêm trằn trọc không ngủ, chỉ nghe tiếng thở dài buông não nuột, quay sang ôm vợ thì gối đã ướt đẫm tự lúc nào; những buổi chiều trống hoang, trong căn nhà im vắng, cái khao khát được nghe tiếng trẻ cười đùa lại bùng lên cháy bỏng, lại xoáy vào tận tim can đến quặn cào. Ngay cả vừa rồi, lúc vợ em đã nằm trên bàn đẻ, em vẫn lo sợ những bất trắc sẽ xảy ra. Ơn trời, cuối cùng thì…

Hắn vẫn nghe như nuốt từng lời của gã thanh niên đó. Hắn biết là gã vẫn đang sụt sùi, và mắt vẫn đỏ hoe. Gã khóc vì hạnh phúc khi đứa con đã ở lại với gã? Hay vì vừa phải nhớ lại những hãi hùng, đau đớn mà gã đã trải qua? Có lẽ là vì tất cả, bởi hạnh phúc hôm nay là kết tinh của những cay đắng hôm qua…

- Anh nhìn hộ em cái giỏ nhé, em chạy ù ra cổng mua ly sữa nóng…

- Mua làm gì thế?

- Cho vợ em uống, cô ấy vừa đẻ xong nên mất sức, uống được sữa nóng vào thì sẽ mau hồi phục.

Dứt lời, gã thanh niên tất tả chạy đi. Hắn không còn thấy gã đó buồn cười nữa, ngược lại, hắn thấy chính hắn mới là kẻ đáng cười, mới là thằng hề. Một thằng hề quay cuồng trong cái suy nghĩ mục nát và ấu trĩ. Hắn đã có ba cô công chúa xinh đẹp, thứ mà gã thanh niên vừa khóc trước mặt hắn sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được, vậy mà hắn còn dằn dọc, hằn học?! Hắn muốn gì nữa đây? Hắn đã làm được gì cho vợ con ngoài những chì chiết, đay nghiến, ngoài những hắt hủi, ghẻ lạnh? Hình như, hắn đã nợ vợ con quá nhiều…

Hắn lê từng bước liêu xiêu, mắt cay xè, cái hành lang trước mặt nhảy múa, nhạt nhòe. Hắn bước xuống sân rồi hướng ra cổng, nơi có quầy căng-tin vẫn sáng đèn. Hắn muốn mua cho vợ một ly sữa nóng, thứ mà vợ hắn, dẫu đã đẻ tới đứa thứ ba, vẫn chưa một lần được uống…

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
LÊN ĐẦU TRANG