Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

10-12-2014

Sáng nay tỉnh giấc, mưa tràn trề ngoài cửa sổ. Lạnh so ro. Làn lành lạnh ấy ướp đá cả thành phố. Nao người nghĩ sẽ có bao nhiêu người ngoài kia thở dài. Hay chỉ có mình ta.

Buổi tối của một ngày mùa đông, anh bạn than: “...Giờ muốn học tiếp về khoa học tự nhiên mà không được!”. Mình hỏi: “Anh học mấy năm đó còn chưa đủ sao?”. Đáp: “Hời hợt, không được nghiên cứu sâu!”. Nghĩ, sao nền khoa học Việt Nam lớn thế mà nhỏ thế? Một nơi đào tạo được coi là truyền thống hàng đầu thôi mà muốn nghiên cứu sâu xa cũng khó.


Mình có cái tâm thích Văn và Lý, Hoá từ hồi còn rất nhỏ, tìm được “báu vật” trên thư viện huyện là cuốn“Ác si mét” và cuốn “Nhà bác học Mari Qui-ry”. Một cuốn truyện tranh hài không tả được, một cuốn truyện mỏng toàn chữ, ly kỳ. Từ hồi đó biết rằng những nhà khoa học cũng biết viết văn (giờ đây còn biết rằng những nhà thơ thì hầu như chẳng ai làm khoa học). Cái ranh giới thú vị và cầu tiến của trẻ con mong manh đến thế, và trường học thân yêu xé nó một cách từ từ và ngọt lịm, các ban khoa tự nhiên và khoa xã hội của trường trung học “hạ thủ không lưu tình” những môn học “đối nghịch”. Đơn giản vì chúng không phục vụ kỳ thi đại học của lũ nhóc thối tai.

Những năm tháng ấy, mình ôm sách văn nhưng vẫn ham thích tìm đọc sách khoa học, đọc truyện thiên văn, hình học không gian. Những môn ấy sao mà kỳ thú! Người ta chỉ tìm cái gì người ta thiếu, hỏi cái gì người ta không biết. Vì sao nhiều đứa trẻ phải học vội vàng như thế? Cánh cửa khép lại và nó phải tự mở ra. Nó không biết ai đã đóng cửa, nhưng nó biết nó phải mở ra.

Nhìn vào đôi mắt của đứa bé thơ. Nó cười. Nó trong sáng thế. Sao bạn lại để đứa bé ấy chịu đau đớn? Thôi, hãy để nó cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG