Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Một bài viết về việc Học (tiêu đề tạm đặt) - FB Đăng Sang

Nhiều bạn may mắn nhìn thấy thời cuộc, nhưng lại tỏ ra chán nản, họ cho rằng thời thế bây giờ không chạy chọt thì không vào được chỗ làm tốt, rồi nền giáo dục thì tồi tệ, đạo đức xã hội thì băng hoại nên họ cũng buông xuôi, "Học để làm gì?" Họ nói vậy.

Tui cho đó là quan niệm sai lầm. Sai lầm cả về cách hiểu từ học, và cả về cách đối diện với sự thật.

Học, nhiều người thường nói là không có điểm dừng, không có khi nào gọi là đủ. Vậy thì sao bạn lại tự trói mình vào hệ thống giáo dục mà bạn biết là nó tệ? Tui thấy rất nhiều bạn tự trau dồi tiếng Anh, rồi du học, không đủ tiền thì kiếm học bổng. Người không có điều kiện thì tự bồi đắp cho mình một nghề nghiệp, chỉ mới vài năm thôi, tui biết một anh bạn, giờ là đầu bếp khá thành công dù lúc trước suốt ngày bỏ học đi hát rap, hip hop này kia.

Nhiều ông bố, bà mẹ cứ còng lưng cày cuốc, rồi khóc lóc vì sao mình hy sinh tất cả mà con cái không chịu học. Dễ hiểu thôi, con cái nhìn vào ba mẹ để bắt chước. Ba mẹ không lo học, thì chúng cũng bỏ học sớm. Sự học ở ba mẹ nó khác bọn trẻ. Không phải cứ cắm đầu làm trâu ngựa thì sẽ tốt, cũng không phải bỏ bê con cái rồi mài quần như mấy giáo sư tiến sĩ giấy.

Nếu bạn tự tìm tòi, học cách cải thiện, sáng tạo ra cách làm việc mới, chúng sẽ thấy, "À, ba mẹ mình thất học, nhưng họ vẫn kiên trì không ngừng tự học, họ cải thiện được đời sống!" Chúng sẽ tự có cách.

Đứng trước hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người chọn cách dấn thân, họ can đảm và rất bộc trực, thẳng thắn, nhưng cũng vì vậy mà họ gặp nhiều khó khăn, bị chính quyền trù dập, trả thù. Rất nhiều người thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tui trân trọng và luôn biết ơn họ, nhưng ngoài cách đó ra, chúng ta cũng rất cần các bạn trẻ lo học hành.

Các bạn cũng thấy đất nước mình tàn tạ ra sao, bị đảng cầm quyền bóc lột tận xương tủy ra sao, môi trường bị ô nhiễm ra sao, rừng cây bị chặt trụi và con người bị nô dịch ra sao, vậy các bạn cũng phải biết sự học của các bạn quan trọng đến nhường nào. Sau khi mọi thứ qua đi, chính các bạn là những người sẽ tái thiết lại đất nước, chính các bạn, không ai khác, sẽ phải gánh trên vai nhiều trọng trách xây dựng đất nước. Vậy, không học thì lấy đâu ra kiến thức mà làm?

Sức người không thể nào địch lại được thiên nhiên cả, nhất là một thiên nhiên đang cuồng nộ vì bị xâm phạm nghiêm trọng như ở Việt Nam. Chỉ có trí óc mới đủ sức. Các bạn học, không phải chỉ đơn thuần vì cái ăn cái mặt, hay vì danh dự dòng họ. Các bạn học, vì hàng ngàn tù nhân chính trị đang ngồi trong kia. Các bạn học, vì triệu triệu người dân đang đói khổ, hàng ngày họ bất chấp luân thường đạo lý, chỉ mong đem về chút cơm ăn áo mặc cho người thân họ.

Khi nhận thức được, nhìn thấy được mục tiêu, bạn sẽ không còn chán, không còn bị chi phối, không còn nản chí, mà ngược lại, càng nhìn thấy xã hội băng hoại, tồi tệ bao nhiêu, bạn lại càng có dũng khí để học thêm bấy nhiêu.

Còn nếu chỉ đơn thuần muốn có chức danh này nọ hay tước vị, hay ghế bộ trưởng chẳng hạn, thì không cần học, chỉ cần cúi xuống bò bốn chân là đủ.

Một bài viết về Phần Lan (tiêu đề tạm đặt) - FB Đặng Sang

Đất nước Phần Lan được như vầy là do họ tuân thủ nguyên tắc một cách kinh khủng, đến mức gần như máy móc. Họ tuân thủ không phải vì sợ bị phạt vạ, mà nó tự động và tự nguyện. Tất nhiên, một hệ thống luật lệ rõ ràng minh bạch và nhân văn nhưng tuyệt đối nghiêm khắc đóng một vai trò then chốt trong việc giữ mọi thứ đi vào khuôn khổ. Không có chuyện một ai đó, hay một đảng phái nào ngồi chễm chệ trên luật để "lãnh đạo" hết. Cho nên không có chuyện, lúc chi tiền thì "chủ trương lớn của đảng", còn lúc lỗ thì không ai chịu trách nhiệm vì "trung ương chỉ đạo" như thế. Tuyệt đối không.

Riêng chuyện quản lý rừng, và các công viên quốc gia, rừng sinh thái, địa điểm cắm trại, leo núi, v...v... được đưa vào quản lý chung trong một hệ thống website cực kỳ đồ sộ. Mỗi một nơi có một cơ quan quản lý riêng, thông thường thuộc về sự quản lý của thành phố trực thuộc đó. Nhưng đừng hiểu lầm với kiểu tỉnh thành ở VN. Thành phố ở đây hoàn toàn có thể bị phá sản nếu quản lý yếu kém, tham nhũng, và họ không có quyền đòi hỏi ngân sách trung ương rót vào như ở ta, cho nên, bắt buộc họ phải làm việc minh bạch, quản lý thuế hiệu quả và tìm mọi cách thu hút khách hàng, ở đây là những người du lịch.

Tui đang tìm kiếm thông tin đi mấy nơi đó, mới thấy cái nền tảng của luật pháp nó quan trọng và kinh khủng cỡ nào. Dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn, các cơ quan quản lý phải dọn sẵn các khu vực có thể được cắm trại, đảm bảo xung quanh an toàn, xây dựng các cơ sở hạ tầng đầy đủ, để người dân không có một lý do gì, dù đơn giản nhất để đổ thừa, như không có thùng rác để vứt rác. Đừng có mơ.

Bạn muốn bán đồ ăn? Bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc an toàn thực phẩm. Nơi bạn làm thức ăn phải có tủ cấp đông và rã đông theo tiêu chuẩn, không có chuyện phơi cục thịt ra nước lạnh cho rã đông đâu. Cho nên đừng hòng mơ tới chuyện nấu ở nhà rồi đem ra lề đường bán. Dĩa đựng đồ ăn cho khách, phải được giữ nóng ở khoảng 65 độ C, và mọi quán ăn lớn nhỏ, bắt buộc phải tuân thủ. Đây chỉ là ví dụ đơn giản nhất về quán ăn nhỏ lẻ thôi nha.

Có một dạo, báo chí đăng tải những chuyện phạm pháp, giết người, mà tòa xử rất nhẹ. Trên một forum có người hỏi, phải chăng luật ở đây như trò đùa, vì phạt như vậy thì làm sao đủ răn đe. Người Phần Lan vào giải thích, đại ý là ở đây nhà tù không phải là hệ thống trừng phạt, mà là hệ thống cải thiện. Một ai đó phạm sai lầm, nhà tù phải là nơi giúp anh ta nhận ra cái sai và trở lại thành người có ích cho xã hội.

Điểm chung của tất cả những thứ kể trên là gì? Đó là trọng tâm mà người Phần Lan quan tâm là con người. Họ làm tất cả, để phục vụ cho đời sống con người, nâng cao giá trị con người. Họ đặt loài người vào trung tâm, mọi thứ luật lệ, nguyên tắc, hệ thống v...v... là để phục vụ con người.

Khi bạn làm ra con đường cho loài người đi, bạn sẽ quan tâm tới chất lượng của con đường, tránh người tham gia giao thông bị tai nạn, bạn sẽ chú ý tới những cung đường gấp, bạn sẽ đặt biển báo "Có bắn tốc độ 1km sắp tới" để người ta chạy chậm lại. Mục đích là không để xảy ra tai nạn giao thông, chớ không phải để phạt vạ.

Khi bạn làm con đường mà chỉ chú ý tới chuyện kiếm chác, rút ruột, ai té chết kệ xác họ, rồi coi đó như cánh đồng để săn bắt kiếm ăn, thì những con đường đó, là dành cho súc vật.

Vậy nên, mỗi khi bạn làm gì đó, dù design, hay vẽ vời, hay làm công nhân, kỹ sư, hay làm ruộng, hay làm nhạc, hay nấu ăn, hay quản trị, marketing hay luật sư v...v... bất kỳ thứ gì, chỉ xin bạn nhớ một điều, bạn làm điều này cho loài người, hay cho súc vật?

Tự hỏi, tức là bạn đã có câu trả lời.

11 lý do chứng minh nền giáo dục Phần Lan thực sự là "Less is More" - FB Đặng Sang

May 18, 2015 at 2:43pm

Đây là bài viết trên blog của .

---

Sau khi rời khỏi tiết toán của lớp 7 cho chương trình nghiên cứu Fullbright ở Phần Lan, tôi nghĩ mình có thể dạy lại tốt hơn, với nhiều cảm xúc hơn, hay hơn, bài giảng sinh động hơn. Tôi cho rằng mình có nhiều ý tưởng hay ho hơn cho bài giảng của mình, và có thể cải thiện nó bằng cách thêm vào nhiều kiến thức hơn, khiến học sinh suy nghĩ nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn và làm nhiều toán hơn.

Sự thôi thúc làm nhiều hơn và nhiều hơn nữa, là tình trạng chung của hầu hết giáo viên Mỹ, nó ăn sâu vào mỗi chúng ta rồi. Một áp lực cố hữu là thúc đẩy học sinh lên tầm cao mới, để chúng làm những thứ to lớn hơn, vĩ đại hơn. Bài học phải hứng thú hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa, và phải chứa đựng nhiều kiến thức hơn nữa. Hiện tượng này có thể do số liệu, do cha mẹ học sinh, hoặc do ban giám hiệu, hoặc đơn giản là do cái xã hội coi công việc là trên hết, gây ra. Cái xã hội đánh giá sự thành công của một con người bằng việc người đó bận rộn bao nhiêu hoặc tàn tạ bao nhiêu sau một ngày dài làm việc. Chúng ta đánh giá giá trị của mình bằng bảng danh sách chỉ thị được hoàn thành và nghiêm trọng hóa sự trì trệ. Chúng ta dạy tinh thần "làm chết mẹ mày luôn" cho bọn học sinh, mà có thể một lúc nào đó, chúng sẽ kệ mẹ mọi thứ ra sao thì ra, hoặc trở thành thân tàn ma dại như chính chúng ta.

Khi tôi tới Phần Lan, tôi không tìm thấy một buổi học toán sôi động nào với những ý tưởng to lớn hào nhoáng. Tôi không tìm thấy những học sinh xuất sắc hay biết quá nhiều so với độ tuổi. Thực tế, nội dung toán trung học ở đây tương đương với những gì tôi biết ở Indiana. Và hầu hết mọi rắc rối, ví dụ như học sinh không nhớ những kiến thức căn bản, là y hệt. Phương pháp giảng dạy và cấu trúc một tiết học toán ở Phần Lan tuân theo một công thức đã được làm hàng thập kỷ: Giáo viên kiểm tra bài tập về nhà, giảng bài mới (có đứa nghe, có đứa không, he he,) và họ giao bài tập về nhà. Ngoại trừ một số bài giảng khá hay mà tôi thấy được từ vài giáo viên tuyệt vời ra, thì nhìn chung giờ học toán của giáo viên Mỹ hứng thú hơn và sinh động hơn. Hiếm có buổi giảng nào ở đây có thể tốt hơn, thậm chí một vài buổi còn tệ hơn nhiều.

Vậy điểm khác nhau là gì? Nếu phương pháp giảng dạy là như nhau, đôi khi còn tệ hơn ở Mỹ? Tại sao học sinh Phần Lan lúc nào cũng thành công trong khi học sinh chúng ta lại thất bại? Lý do không nằm ở phương pháp giảng dạy. Dạy tốt là dạy tốt, dạy dở là dạy dở, ở Phần Lan cũng có mà ở Mỹ cũng có. Điểm khác nhau là bớt màu mè và thêm căn bản. Phần Lan thực sự tin vào "Less is More." Đó chính là câu thần chú của quốc gia này, nó ăn sâu vào tư duy của người Phần Lan và định hướng cho triết lý giáo dục của họ.

Less is More. (Cái này không dịch và không nên dịch, vì tiếng Việt không diễn tả hết được.)

Họ tin như thế. Họ sống như thế. Nhà của họ không bao giờ quá to so với những gì họ cần để cảm thấy sống thoải mái. Họ không mua sắm hay tiêu thụ quá mức. Họ sống đơn giản và khiêm tốn. Họ cảm thấy không cần phải có tới hơn 300 món ăn sáng để lựa chọn khi mà họ chỉ cần 10 là đủ. Phụ nữ trang điểm nhẹ nhàng. Đàn ông không đua đòi xe lớn (có người không có xe luôn, thật đó.) Thay vì mua hàng trăm món quần áo rẻ tiền, người Phần mua vài cái đắt tiền nhưng chất lượng cao, xài tốt hàng thập kỷ hơn là vài tháng thay một lần. Họ thực sự tin và sống với tinh thần less is more.

Ngược lại ở Mỹ, chúng ta tin rằng "more is more" và chúng ta thực sự mong muốn và theo đuổi nhiều hơn ở mọi nơi. Chúng ta bị ám ảnh bởi những gì mới, bóng loáng và hào hứng, và lúc nào cũng muốn nâng cấp đời sống của mình. Có mới nới cũ ngay! Niềm tin "more is more" len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống chúng ta, nó cản trở và tàn phá hệ thống giáo dục của chúng ta.

Chúng ta không theo đuổi một triết lý giáo dục đủ lâu để thấy nó có hoạt động hiệu quả hay không. Chúng ta liên tục đổi mới phương pháp, ý tưởng và sáng kiến. Chúng ta cứ thêm vào thêm vào mà không bao giờ chịu bỏ đi những ý tưởng cũ. Ngay cả hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục tin rằng "more" chính là câu trả lời cho tất cả những khó khăn - mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng nhiều lớp hơn, ngày học dài hơn, nhiều bài tập hơn, nhiều phân công hơn, nhiều áp lực hơn, nhiều nội dung hơn, họp hành nhiều hơn, học thêm nhiều hơn, và chắc chắn là, kiểm tra, thi cử nhiều hơn. Tất cả những cái nhiều hơn này vắt kiệt sức giáo viên, làm học sinh căng thẳng hơn và tình hình ngày càng vô vọng hơn.

Phần Lan ngược lại tin rằng ít hơn là nhiều hơn. Điều này được minh chứng bởi nhiều lý do, từ cả giáo viên lẫn học sinh.

1/ Ít trường chính quy - Nhiều lựa chọn
Bọn trẻ ở đây bắt đầu đi học lúc 7 tuổi. Đúng vậy, bảy tuổi! Phần Lan cho phép trẻ em được làm trẻ em, học thông qua chơi và khám phá thay vì bắt nhốt ngồi trong phòng. Nhưng chúng có bị tụt hậu không? Không! Bọn trẻ bắt đầu đi học khi chúng thực sự phát triển sẵn sàng cho việc học và tập trung. Sau năm đầu đó, chúng học thêm 9 năm bắt buộc nữa. Sau 9 năm đó, là lúc bọn chúng 16 tuổi, mọi thứ là tự chọn, và chúng có thể theo một trong 3 hướng sau:

- Upper Secondary School - Trung học phổ thông (Cái này tạm dịch cho mấy bạn ở VN hiểu): 3 năm trung học này chuẩn bị kiến thức để chúng có thể vào đại học. Học sinh thường chọn trường chúng thích dựa theo điểm đặc biệt của trường đó. Tôi nghĩ đây là dạng trộn lẫn của trung học và cao đẳng. Những năm gần đây có khoảng 40% chọn hướng này.

- Vocational Education - Trung học nghề (Cái này tạm dịch cho mấy bạn ở VN hiểu): chương trình 3 năm đào tạo cho học sinh nhiều nghề khác nhau, nhưng cũng cho phép chúng kiến thức cơ bản để có thể thi vào đại học nếu muốn. Mặc dù vậy, học sinh chọn hướng này thường học tiếp nghề, hoặc ra đi làm, hoặc thi lên các trường cao đẳng kỹ thuật, đại học nghề. Gần 60% chọn hướng này.

- Nghỉ học ra đi làm. Có khoảng 5% chọn hướng này.

2/ Ít giờ học hơn - Nhiều giờ nghỉ ngơi hơn
Học sinh thường bắt đầu học lúc 9:00 hoặc 9:45, thực tế thì Phần Lan đang nghĩ tới chuyện ra luật để buộc các trường học không được bắt đầu học trước 9:00 bởi vì nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên cần một khoảng thời gian ngủ ngon vào buổi sáng. Trường học thường kết thúc lúc 2:00 hoặc 2:45. Đôi khi họ bắt đầu sớm hơn và đôi khi trễ hơn. Thời khóa biểu của học sinh Phần Lan luôn thay đổi; dù vậy, chúng thường có khoảng ba tới bốn lớp mỗi ngày, mỗi lớp khoảng 75 phút được chia ra thành nhiều tiết nhỏ, có nghỉ giải lao. Đây là hệ thống chung cho cả học sinh lẫn giáo viên, nhằm giúp họ nghỉ ngơi tốt nhất cho việc dạy và học.

3/ Ít giờ lên lớp - Nhiều giờ chuẩn bị
Giáo viên cũng lên lớp ít hơn. Theo OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) trung bình một giáo viên Phần Lan dạy khoảng 600 giờ mỗi năm hay 4 lớp hoặc ít hơn mỗi ngày. Trung bình một giáo viên Mỹ gần như gấp đôi thời gian đứng lớp với trung bình hơn 1800 giờ mỗi năm. Tương đương với 6 lớp hoặc hơn mỗi ngày. Còn nữa, giáo viên và học sinh ở Phần Lan không cần phải có mặt ở trường nếu không có tiết học. Ví dụ, nếu chiều thứ Năm không có tiết, cả giáo viên lẫn học sinh có thể về. Hoặc, tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 11:00, họ cũng không cần có mặt sớm hơn. Hệ thống này cho phép giáo viên có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, và suy nghĩ sâu hơn cho mỗi tiết học.

4/ Ít giáo viên - Nhiều quan tâm
Học sinh tiểu học ở Phần Lan được duy nhất một giáo viên phụ trách lớp trong suốt 6 năm học. Chính xác là vậy! Cùng một giáo viên đó, chăm sóc, nuôi dưỡng, và trôm nom cùng một nhóm học sinh trong suốt 6 năm ròng rã. Và bạn cũng dễ nhận ra rằng, trong khoảng thời gian đó, giáo viên dễ dàng tìm ra cách dạy riêng biệt cho từng học sinh mà nó cần và hiểu được cách học cũng như tâm tình của từng học sinh. Những giáo viên này biết chính xác học sinh của họ đang làm được gì và sẽ tiến tới đâu. Họ có thể theo dõi sự phát triển của trẻ và có sự quan tâm hợp lý nhằm giúp trẻ đạt được mục tiêu của chúng. Không có chuyện "đổ vỏ" cho giáo viên lớp kế tiếp, bởi vì họ chính là giáo viên kế tiếp của bọn chúng. Nếu có bất kỳ rắc rối nào manh nha nảy sinh, họ dễ dàng xử lý nó từ trong trứng nước, hoặc đơn giản là giải quyết từ từ, vì họ có tới 6 năm lận. Một số trường chọn 3 năm thay vì 6, nhưng về cơ bản, lợi ích thu được vẫn vậy.

Cách làm này không những có ích cho trẻ bởi vì nó đem lại sự nhất quán, cảm giác được chăm sóc và sự quan tâm riêng biệt, mà còn giúp cho giáo viên hiểu chương trình dạy một cách toàn diện và liên tục. Giáo viên biết họ cần phải làm gì để bọn trẻ có thể tiến bộ, cho phép họ hoàn toàn tự do trong khi làm việc với học sinh. Giáo viên không bao giờ cảm thấy bị áp lực phải đốt giáo án hay câu giờ, vì thế lúc nào họ cũng sẵn sàng cho năm học kế tiếp. Một lần nữa, họ lại là giáo viên của bọn chúng trong năm kế và lại kiểm soát được toàn bộ chương trình học. Họ hiểu rõ bọn trẻ, biết chúng đã học được gì và có thể lên kế hoạch cho những gì chúng cần trong tương lai. Tôi tin rằng đây là lý do quan trọng nhất cho sự thành công của giáo dục Phần Lan, mà chúng ta không thực sự quan tâm tới.

5/ Ít ứng viên - Nhiều lòng tin
Vậy... bọn trẻ có cùng giáo viên suốt 6 năm, lỡ như gặp giáo viên tệ thì sao? Phần Lan cố gắng hết sức để chắc chắn rằng họ không có giáo viên thực sự tệ. Giáo dục tiểu học là chuyên ngành cạnh tranh nhất ở Phần Lan. Phòng giáo dục tiểu học ở Phần Lan chỉ nhận 10% ứng cử viên và loại bỏ hàng ngàn sinh viên mỗi năm. Một sinh viên không những phải thực sự giỏi và có năng lực để trở thành giáo viên tiểu học, họ còn phải vượt qua hàng loạt cuộc phỏng vấn và kiểm tra cá tính để được nhận. Cho nên, thông minh nhất lớp chưa đủ để bạn trở thành giáo viên tiểu học, mà bạn phải có năng lực thiên phú và cả mong ước cá nhân nữa.

Phần Lan tin rằng làm giáo viên không phải là một dạng kiến thức có thể học được từ sách vở. Nó gần như là thiên phú, là đam mê. Có người có, có người không. Chỉ một số ít trường đại học với chương trình dạy học ở Phần Lan, chỉ nhận những ứng cử viên có thiên bẩm như vậy. Phải đỗ điểm cao nhất, và phải có năng khiếu thiên bẩm trở thành một giáo viên, mọi giáo viên phải có bằng Thạc sĩ và phải làm luận văn Thạc sĩ. Điều này tạo một lòng tin rất lớn nơi giáo viên tiểu học. Cha mẹ tin tưởng rằng giáo viên luôn luôn có năng lực tốt nhất. Họ không bao giờ can thiệp hay tước đi những quyền hạn và quyết định của giáo viên. Tôi hỏi một giáo viên dạy toán Phần Lan rằng họ có bao giờ nhận email từ phụ huynh hay không. Họ nhún vai rồi nói, "Khoảng năm hay sáu gì đó." Tôi nói, "Ồ, tôi cũng nhận từng đó mỗi ngày." Họ nói, "Ô không, ý tôi là năm hay sáu email mỗi học kỳ!"

6/ Ít tiết học - Nhiều giải lao.
Như tôi đã nói, học sinh chỉ có từ ba tới bốn tiết (hiếm lắm mới có năm) một ngày. Chúng có vô số giờ giải lao/nghỉ trưa trong ngày học và thường là chúng đi ra ngoài. Chúng có 15-20 phút để tìm hiểu sâu hơn bài vừa mới học, chúng có thể vung tay múa chân thể dục một tý, hoặc ra ngoài hóng gió. Điều này rất có ích cho thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ cần giải lao thể chất nhằm nâng cao khả năng tiếp thu. Sự trì trệ thể chất dẫn tới sự trì trệ não bộ, khả năng tập trung của trẻ.

Giáo viên cũng có giải lao. Họ có phòng giáo viên riêng, ở đó bạn sẽ thấy mọi người bận rộn chuẩn bị giáo án, hoặc uống cafe, tán gẫu, hoặc đơn giản là thư giãn cho tiết học kế tiếp. Mỗi trường có thể khác nhau nhưng thường là vài cái bàn, vài cái ghế, tủ vật dụng, máy pha cafe, cái bếp, có trái cây hoặc snack cho giáo viên ăn khi tán gẫu, có trường còn có cả ghế massage. He he.

7/ Ít kiểm tra - Học nhiều hơn
Thử tưởng tượng tất cả những thứ tuyệt vời bạn có thể làm với học sinh nếu không có mấy kì thi kinh khủng luôn lủng lẳng trên đầu bạn hằng năm. Tưởng tượng sự tự do bạn có thể hưởng thụ nếu lương tháng của bạn không liên quan gì tới điểm số học sinh. Tưởng tượng mỗi buổi lên lớp sẽ hấp dẫn bạn tới chừng nào!

Tất cả đều có thật, hầu như giáo viên ở Phần Lan chịu rất ít áp lực trong chương trình giảng dạy. Giáo viên được tín nhiệm rằng họ sẽ làm tốt công việc của mình, và do đó họ có nhiều quyền hơn trong việc dạy cũng như quyết định sẽ dạy gì. Giáo viên cũng có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn để thử những điều mới, tạo ra những chương trình hào hứng và hấp dẫn, giúp trẻ trở nên những cá nhân độc lập vững vàng, sẵn sàng hòa nhập thế giới bên ngoài. Họ có nhiều thời gian hơn để dạy học sinh biết cách khởi động một dự án, làm việc một cách có hệ thống để đạt được mục tiêu, một cách độc lập. Họ cũng có nhiều thời gian hơn để dạy trẻ cách may vá, nấu ăn, quét dọn, làm đồ gỗ và hơn thế nữa! Trong khi chúng họ những thứ tuyệt vời này, chúng cũng được học toán! (Ý nói là ngoài mấy chuyện tuyệt vời ra, thì chúng cũng có kiến thức chớ không có ngu.)

(Từ đoạn 8 trở về sau là phần dịch của bạn Thao Pham. Tui chưa có thời gian kiểm tra, nên ai thấy sai sót chỗ nào thì góp ý để bạn ấy sửa lại nhé.)

8/ Ít chủ đề. Sâu hơn
Sau khi quan sát nhiều lớp Toán từ lớp 5 đến lớp 9 và nhìn vào giáo trình ở đây, tôi nhận ra rằng mình đang cố nhét khối lượng của 5 năm Toán Phần Lan vào trong 1 năm. Mỗi chủ đề Toán trải đều các lớp tôi thấy ở đây đều nằm hết trong giáo trình Toán lớp 7 của tôi.
Một lần nữa, não trạng "càng nhiều càng tốt" của người Mỹ không có kết quả tốt. Giả sử tôi dạy hết khối lượng được yêu cầu trong một năm, tôi sẽ phải chuẩn bị chủ đề / bài giảng mới cho mỗi ngày tới và lúc nào tôi cũng cảm thấy bị trễ. Trễ cái gì tôi cũng không rõ nhưng luôn có một áp lực theo sát thúc ép tôi và sinh viên của mình. Ở Phần Lan giáo viên thư thả hơn. Họ đi sâu vào từng chủ đề và không căng thẳng nếu không kịp tiến độ dạy hết giáo trình trong một năm.

Sinh viên cũng vậy, chỉ có vài tiết Toán trong tuần. Thực tế sau kỳ nghỉ Phục-sinh, tất cả học sinh lớp 7 của tôi chỉ có MỘT tiết Toán một tuần. Nghe muốn đứng tim! Không thể tin là đủ được! Rồi học sinh thi cử làm sao? Khoan đã. Không có các kỳ thi và cũng không có nhu cầu hoàn tất gấp rút. Học sinh thực sự hiểu được bài vở trước khi bị ép sang chủ đề mới. Một giáo viên đưa tôi xem một quyển giáo trình và than rằng nó quá nhiều cho một kỳ đánh giá 5 tuần. Tôi xem toàn bộ cuốn sách và phải nhịn cười vì nội dung của nó chỉ cỡ một chương trong sách của tôi. Tại sao chúng ta buộc đám trẻ của mình ở Mỹ phải học quá nhiều và quá nhanh, bất chấp việc chúng bị căng thẳng và đầu hàng.

9/ Ít bài tập. Nhiều thực hành
Theo OECD, học sinh Phần Lan có ít bài tập về nhà nhất thế giới, trung bình dưới tiếng làm bài mỗi tối. Học sinh Phần Lan nhìn chung không có học thêm hay phụ đạo ngoài giờ. Điều này đặc biệt sốc khi bạn nhận ra rằng điểm số của học sinh Phần cao ngang với các nước châu Á, nơi học sinh học thêm học nếm nhiều giờ liền. Theo quan sát của tôi thì học sinh Phần hoàn tất bài vở trong lớp và giáo viên cảm thấy như vậy là đủ. Một lần nữa, không có sức ép nào đòi hỏi các em phải làm hơn mức cần thiết để học được một kỹ năng. Đa phần bài tập có đáp án mở và không thực sự chấm điểm. Chưa hết, học sinh làm bài tập tại lớp một cách siêng năng. Thật thú vị khi xem phản ứng của các học sinh khi được giao bài. Những học sinh trước đó hoàn toàn không nghe giảng bài giờ chịu buông điện thoại và bắt tay vào gói nhiệm vụ đặt ra. Ngay cả với bài tập tham khảo thêm, các em vẫn tập trung đến hết giờ. Giống như có một thỏa tuận bất thành văn: "Tôi sẽ không cho bài tập về nhà nếu các em làm xong cái này tại lớp". Hệ thống giáo dục này thực sự khiến tôi suy nghĩ về lượng bài tập mà tôi giao cho học sinh của mình mỗi ngày.

10/ Ít sĩ số đi. Kèm riêng nhiều hơn.
Điều này hiển nhiên. Nếu bạn phụ trách ít học sinh, bạn sẽ có thể quan tâm chăm chút theo nhu cầu từng em. Mỗi giáo viên Phần có 3-4 lớp một ngày, mỗi lớp 20 em vị chi gặp 60-80 em/ngày. Trong khi đó tôi gặp 180 học sinh mỗi ngày, 30-35 em/lớp, 6 lớp một lèo, 5 ngày một tuần.

11/ Bớt cơ cấu. Tăng sự tín nhiệm
Sự tín nhiệm chứ không phải cơ cấu, là chìa khóa của toàn bộ hệ thống này. Thay vì nghi ngờ lẫn nhau và tạo ra cả núi hệ thống, qui tắc, vòng kim cô và kiểm định để xem hệ thống có hoạt động tốt không, họ chỉ đơn giản là tín nhiệm hệ thống. Xã hội tín nhiệm nhà trường tuyển dụng giáo viên giỏi. Nhà trường tín nhiệm năng lực chuyên môn, do đó, trao tự do cho giáo viên kiến tạo kiểu môi trường lớp học phù hợp với học sinh của mình. Phụ huynh tín nhiệm quyết định của giáo viên sẽ làm con mình học và phát triển. Giáo viên tín nhiệm học sinh chuyên cần vì lợi ích của việc học. Học sinh tín nhiệm giáo viên trao cho mình những công cụ cần thiết để thành công. Xã hội tín nhiệm và trân trọng giáo dục. Hiệu quả và đơn giản. Phần Lan đã làm được điều đó.

Ít mà Chất.

---

Tui dịch lại bài này cho một số bạn không đọc được tiếng Anh, hy vọng nó có ích. Với những người có khả năng, xin vui lòng đọc bản gốc vì tui dịch có thể có sai sót và không bám sát.

Từ phần 8 trở đi là phần dịch của bạn Thao Pham, cảm ơn sự giúp đỡ của bạn.

Link gốc:

Link bài dịch: FB Đặng Sang
LÊN ĐẦU TRANG