Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Khi người ta trẻ...

Những chia sẻ sau khóa tu: "Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng" tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ, ngày 22 - 25/5/2015
Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng
Trại hè đã qua được gần một tuần nhưng giờ em mới có thể đặt bút viết về bốn ngày đã qua ấy. Bốn ngày màu xanh với rất nhiều cảm xúc, với rất nhiều trải nghiệm.
Kết thúc trại hè, khi lên Facebook, thấy ảnh và statut của các sư huynh, sư tỉ, sư muội, của các bạn người Pháp nữa, em thấy vui lắm. Em đã cười và like ảnh của mọi người đến mỏi cả tay. Nhưng em thấy hơi lạ một chút khi nhìn vào bên trong mình. Sao năm nay, khi đi trại hè về, trong em lại không có những cảm xúc dạt dào để háo hức kể, háo hức khoe, háo hức chia sẻ. Và những lời cảm ơn cũng chưa được nói hết, chưa được gửi hết đến mọi người. Bây giờ, có một chút thời gian nhìn lại, em nghĩ có lẽ trại hè đã mang lại cho em nhiều điều quá nên cái đầu nhỏ bé của em vẫn chưa thể xử lý hết được thông tin. Nó vẫn cứ hỗn độn. Những gì thu nhận được vẫn cứ bay vòng vòng. Xong, có một điều rất lạ là trái tim thì có vẻ ngược lại, nó đập rất bình an. Em biết trái tim của em đã ở đó, và bây giờ vẫn ở đây với em. Em nhớ trong buổi chia sẻ đầu tiên, sư cô đã nói, hơi thở giống như một người bạn. Hôm nay, nghe Thầy giảng, em biết thêm rằng trái tim cũng là một người bạn thân thiết cần được mình yêu thương, quan tâm, chăm sóc.
Trại hè năm nay là trại hè thứ ba em được tham gia. Có lẽ vì vậy nên em không còn cảm giác háo hức như trẻ nhỏ nữa, thay vào đó là một trải nghiệm sâu lắng hơn, nhưng không hề thiếu niềm vui.
Chủ đề của khóa tu năm nay là "Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng". Lạ một điều là năm nay em đã được sống trọn vẹn trong chủ đề ấy, không chỉ qua những bài pháp thoại, mà qua chính cả những quán chiếu của mình, của bạn bè xung quanh, và qua cả những câu chuyện hành lang, được truyền tai nhau như ngoại sử vậy. Thật là vui.
Tuổi trẻ
Khi nào thì người ta còn trẻ? Câu hỏi này em nghĩ cũng đơn giản nên chưa bao giờ em tìm cho mình một câu trả lời. Em vẫn cứ nghĩ là mình còn rất trẻ, vì diện mạo bên ngoài, vì tính cách, vì tuổi tác. Nhưng qua khóa tu em đã nhận ra.
Hình như tuổi trẻ không có đơn giản như vậy. Nhìn vào người chị lớn, người bạn lớn của mình đã đem năng lực chuyển ngữ ra để giúp mọi người hiểu nhau, giúp xóa đi sự ngăn cách của tiếng nói mà thấy được tiếng lòng của nhau; nhìn vào người anh của mình, vì tâm niệm mong muốn mọi người được hiểu nhau, gắn kết với nhau, đã đem hết sự nhiệt huyết  làm hoạt náo viên cho mỗi buổi chuyện trò; nhìn những người bạn nhỏ tóc đen trò chuyện, cười, chơi với những người bạn cao lớn tóc vàng, mắt xanh... Nhìn vào những điều đó, em thấy tuổi trẻ.
Khi người ta trẻ, người ta sẵn sàng vượt thoát mọi rào cản, vượt thoát mọi phân biệt để mà được hiểu thêm, được biết thêm về nhau, về con đường mà mỗi người đang tìm kiếm và để có thể chia sẻ với nhau những ấp ủ của riêng mình. À, vậy là tuổi trẻ là cái tuổi mà người ta hành động để tìm thấy niềm vui cho mình, và đem tặng niềm vui cho người khác. Vậy em tự thấy, mình giống một người già giữa khóa tu người trẻ. Nhận ra điều ấy, thú nhận điều ấy em cảm thấy không dễ, nhưng vui. Vui vì em biết rằng, sau khóa tu này, mình đã học cách để trẻ ra đúng với tuổi của mình. Và cứ sống trẻ như vậy thì sẽ rất vui.
Tình yêu
Tình yêu! Một chủ đề mà ai cũng muốn được hiểu nữa, hiểu mãi. Đi tu về, em cũng cất được cho mình một đôi điều. Thầy Pháp Tiến có chỉ cho mọi người một bí quyết, ấy là muốn tìm được một người yêu lý tưởng, thì rất đơn giản.
Mình cần là mình trước đã, cần yêu mình trước đã. Một khi vườn tâm của mình được chăm sóc sao cho cẩn thận, sao cho khéo, sao cho tươi mát thì khuôn mặt, cử chỉ của mình cũng là một bông hoa, một ngọn gió hè. Tươi mát vậy thì người nào gần mình cũng thương được mình. Nhìn sâu vào mình, họ sẽ nhận ra được sự tươi mát ấy. Điều thầy chia sẻ làm cho em nhớ tới một câu em vừa được đọc trong một cuốn sách về hạnh phúc: Bạn hạnh phúc vì bạn có nhiều bạn bè, hay chính vì bạn hạnh phúc nên bạn có nhiều những người bạn tốt? Có lẽ tình yêu đâu có phức tạp đến độ không thể có một định nghĩa cho nó.
Khóa tu cho em định nghĩa về tình yêu như thế này: Bạn thương ai đó và khi ai đó thương bạn, bạn gặp người đó, và người đó gặp bạn, bạn biết bạn thảnh thơi và người đó cho bạn biết họ cũng tự do, bạn thấy hoa nở xung quanh bạn, mây trắng trên cao, chim hót bên tai, và người đó cho bạn biết rằng, họ cũng nghe, cũng thấy được những điều ấy, rất thật, và họ mong bạn biết rằng họ hạnh phúc khi được cảm nhận những điều tuyệt vời ấy cùng với bạn, và bạn cũng tha thiết mong họ thấy được bạn cũng cảm thấy y như vậy. Hoặc đơn giản hơn, tình yêu đó là trở thành người thương của nhau, và xá chào nhau bằng ngôn ngữ của loài kiến, chạm râu vào nhau để truyền cho nhau những thông tin về thức ăn, hoặc về những mối hiểm nguy. Hoặc đơn giản hơn nữa, là khi bạn có thể bám vào hơi thở, vượt qua cảm thọ mặc cảm, tự ti, ghen tị đang lên trong bạn, để có thể cùng chia sẻ với người ấy điều tuyệt vời đang diễn ra. Hình như tình yêu có thực và trải khắp mọi trái tim.
Lý tưởng
Tuổi trẻ không chỉ là khi ta là một "vận động viên chạy vượt rào", mà còn là một vận động viên chạy đường dài nữa. Theo kinh nghiệm của một nhà văn mê chạy đường dài mà em đọc được, người chạy đường dài cần có sức bền, sự dẻo dai, sự nhẫn nại. Mỗi lần bắt đầu chạy, niềm vui trong họ sẽ nảy nở trong mỗi bước chân, chứ không nằm ở vạch đích. Cái mà họ tìm kiếm là giới hạn của bản thân, và mỗi lần đường chạy ấy dài ra, cảm nhận về giới hạn bên trong mình của họ cũng theo đó mà lớn lên. Việc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp những người bạn trong khóa tu đã cho em thấy, người trẻ cũng có thể là một vận động viên chạy đường dài. Người trẻ luôn đi tìm kiếm chính mình.
Em đã được nghe chị của mình chia sẻ về việc kiếm tìm điều gì mà mình thực sự muốn làm, nghe bạn của mình chia sẻ con đường mà cô ấy đã quyết tâm theo đuổi, chứng kiến công cuộc nuôi dưỡng tâm bồ đề của một người bạn thương, được nghe kể về cuộc đi tìm kiếm sự thật đích thực của một nhà triết học trẻ, và cả cuộc tìm kiếm của chính mình nữa. Qua tất cả những câu chuyện ấy, em hiểu được rằng, điều hay nhất của tuổi trẻ đó là những cuộc tìm kiếm. Khi người trẻ quyết định bắt đầu một cuộc tìm kiếm, cũng chính là khi người trẻ bắt đầu nhìn vào trong mình, lắng nghe mình, và nhìn ngắm thế giới. Khi ấy người sẽ để tất cả các giác quan của mình trong cả hai thế giới, bên trong và bên ngoài, để có thể tìm những điểm tương đồng giữa hai thế giới ấy, và nỗ lực tạo ra sự liên kết. Khi người trẻ tìm kiếm, là khi họ bắt đầu lên đường.
Nhưng trên con đường ấy, khi đã gặp được lý tưởng, không phải lúc nào người trẻ cũng giữ vững được lý tưởng ấy, mà sẽ đôi lúc cảm thấy khó khăn, cảm thấy nghi ngờ, cảm thấy rời xa lý tưởng của mình. Điều đó hẳn làm cho người trẻ trăn trở rất nhiều. Có một bạn người Pháp đã chia sẻ trong khóa tu, rằng cô ấy đang thực hiện lý tưởng sống sao cho sâu sắc. Nhưng càng nhìn sâu vào gốc rễ của những thức ăn, cô ấy thấy con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng thuốc trừ sâu, phân bón, bằng thực phẩm biến đổi gen.v.v.. Điều đó làm cô ấy đau khổ. Và không phải lúc nào cô ấy cũng có thể mua được những thực phẩm sạch. Càng nhìn sâu, cô ấy càng thấy bế tắc.
Nhưng quý thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu đã giúp cô ấy hiểu ra rằng, khi nhìn cho sâu sắc, ta có thể thấy được những khổ đau, những xấu xí, nhưng đừng quên nhìn những điều tích cực và tốt đẹp đang hiện hữu. Cô ấy có thể nhìn thấy thuốc trừ sâu trong đĩa thức ăn của mình, nhưng cũng không nên quên là vẫn đang có rất nhiều những nông trại trồng trọt theo phương cách tôn trọng thiên nhiên đang được sinh ra và duy trì ngày một nhiều. Những mạng lưới cung cấp rau sạch đang ngày càng mở rộng. Và chính cô ấy cũng đang góp phần tạo nên những điều đẹp đẽ đó khi chọn lựa những sản phẩm lành, khi chia sẻ cách sống của cô ấy với những người xung quanh. Điều ấy nhắc nhở em rằng, thực tập nhìn sâu một cách có chọn lọc, nhìn sâu để nuôi mình bằng những điều tích cực là một cách giúp mình, và giúp cộng đồng đi theo những hướng đẹp và lành. Những điều đẹp, lành chính là thức ăn lý tưởng nuôi dưỡng tâm bồ đề của chính mình.
Em vui lắm khi có một người bạn đã chia sẻ điều này cùng với em. Em đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cậu ấy chia sẻ với em rằng: "Để có thể trở thành một người tu, không phải là cứ chơi thật nhiều những thú vui ngoài đời, để thấy những thú vui ấy tạo ra đau khổ, thì mới đi tu. Làm thế chỉ khiến mình vướng mắc nhiều hơn vào những thú vui ấy. Còn muốn nuôi được tâm Bồ Đề vững mạnh, tớ phải tu sao cho thật vui, phải tạo ra được thật nhiều niềm vui trong khi thực tập, như thế mới tu lâu dài được". Ôi, em yêu quá sự chia sẻ này!
Và thêm một bí kíp nhỏ để nuôi dưỡng tâm bồ đề (em coi tất cả những lý tưởng: bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, bảo vệ trái tim và tâm hồn của con người là Tâm bồ đề) do thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, đó là không nóng vội. Tâm bồ đề là hạt giống, mình phát nguyện làm theo một lý tưởng đẹp, lành là mình đã gieo vào đất tâm của mình hạt giống Bồ đề tâm đó. Công việc quan trọng nhất là tưới tẩm, chăm sóc hạt giống ấy hàng ngày. Ngày nào cũng vào thăm, chào hỏi, tưới tẩm cho tâm bồ đề trong khu vườn, thì mình sẽ không bao giờ sợ cái hạt giống ấy bị mất đi. Vì nó có bệnh mình sẽ biết, nó bị khô mình cũng sẽ cảm nhận được, và mình sẽ luôn chăm sóc được nó. Hạt cây nào được chăm chút và yêu thương sẽ không bao giờ từ chối nảy mầm và lớn lên.
Khóa tu tuy đã khép lại rồi nhưng như thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, chúng con có đủ hạnh phúc, đủ củi để xài, có lẽ là cho rất nhiều mùa lạnh nữa.
Em viết thư gửi những người thương, nhưng cuối cùng lại lan man kể chuyện. Nhưng khi kể, em được sống lại thêm một lần nữa những ngày hạnh phúc ấy. Em không biết nói gì cả, chỉ là, em cảm ơn các anh, các chị, các bạn, các em, cảm ơn mọi người đã ở đó, thật trọn vẹn.
Con cảm thấy biết ơn rất nhiều!
(TB: Em biết là tiêu đề và bài viết không được liên quan lắm, nhưng cảm nhận của em về trại hè cũng có thể diễn tả qua cái tên ấy. ^^)
(Chia sẻ của bạn Tâm Thiện Hạnh)
Tình bạn, tình huynh đệ
Khi ngồi viết lại những dòng cảm xúc và kỷ niệm này thì cuộc sống thường nhật đã dần làm cho các chi tiết trong các câu chuyện không còn rõ ràng nữa. Nhưng có một điều vẫn còn rất đậm nét, đó chính là tình bạn, tình huynh đệ quý giá mà chúng tôi đã có được sau khóa tu.
Có lúc mọi người gọi là khóa tu, có lúc mọi người gọi là trại hè. Cũng đúng, vì đây là một khóa tu rất đặc biệt, dạt dào sức sống và có rất nhiều hoạt động sôi nổi bên cạnh những thiền tập lắng dịu khác. Khóa tu năm nay diễn ra vào dịp lễ Pentecote (lễ Hiện Xuống của đạo Cơ Đốc). Lễ này mọi người được nghỉ ngày thứ hai, thành ra khóa tu kéo dài được ba ngày: thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Từ chiều thứ sáu đã có nhiều bạn trẻ đến thiền đường Hơi Thở Nhẹ, tôi cũng đến chiều thứ sáu sau một ngày thực tập tại bệnh viện.
Khi vừa bước vào khuôn viên của Hơi Thở Nhẹ đã thấy một số bạn người Pháp có mặt trước đó. Các bạn đang thảnh thơi thưởng thức không gian của nơi đây. Một bụi hoa hồng nằm trên đồi vừa đúng dịp khoe đủ màu sắc: trắng, hồng và tím, chứng tỏ rằng đây đúng là mùa xuân. Chiều thứ sáu là ngày chuẩn bị (ngày đón khách), thời khóa không nhiều. Sau khi được ăn picnic dưới tán cây, mọi người đi chuẩn bị chỗ ngủ, các bạn nam ở lều và các bạn nữ nghỉ trong thiền đường. Khóa tu năm nay các sư cô ủy thác nhiều tin tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam, sự chuẩn bị đã bắt đầu từ trước đó. Một số công việc như thiết kế poster, viết bài giới thiệu khóa tu, biên soạn sổ tay khóa tu, thông báo và gửi lời mời tới các bạn trẻ gần xa được giao cho các bạn trẻ thực hiện. Tối hôm đó, có một lớp thủ công của các bạn trẻ Việt làm việc hăng say tới tận đêm tại thiền đường. Sổ tay khóa tu đã kịp in ra nhưng chưa đóng thành cuốn, thế là các bạn hì hục, mỗi người một công đoạn hoàn thành rất nhanh những 100 cuốn sách. Có một vài chỗ in sai trong sách, nhưng không ai lấy làm phàn nàn khi ngồi sửa tay lại cho từng cuốn. Không có một lời phàn nàn nào hết.
Mỗi ngày đều bắt đầu bằng việc ngồi thiền từ sáng sớm, 6 giờ 15 (vậy là rất sớm ở Pháp, nhất là với các bạn trẻ). Buổi sáng mùa xuân, khí trời còn hơi lạnh nên ngồi thiền buổi sáng rất thanh tịnh. Sáng nào cũng vậy, vừa ngồi thiền xong là kịp nghe chim hót, những chú chim vừa thức giấc. Hầu như tất cả các bữa ăn đều được diễn ra trong vòng tròn, dưới một gốc cây lớn trên đồi của thiền đường Hơi Thở Nhẹ; một số buổi khác ăn cơm picnic theo gia đình làm việc hay pháp đàm. Buổi ăn sáng diễn ra trong im lặng vì còn là giờ im lặng hùng tráng. Nhiều lúc có tiếng xì xào nho nhỏ (các bạn người Pháp có vẻ thực tập tốt hơn các bạn người Việt). Trước mỗi buổi ăn trưa đều có đọc lời quán nguyện và ăn cơm im lặng, để thực tập lòng biết ơn tới muôn loài. Việc ăn cơm với lòng biết ơn đã gợi cảm hứng cho rất nhiều bạn, nhiều bạn sau đó đã chia sẻ về hình ảnh sư cô trụ trì ăn cơm chậm rãi, hạnh phúc, tràn ngập lòng biết ơn đã đem đến cho các bạn rất nhiều ấn tượng và ngưỡng mộ. Bạn Quỳnh đến từ Phần Lan còn chia sẻ rằng bữa ăn sáng đầu tiên với mứt và bánh mì tại đây, bạn thấy dở, không có vị gì. Vậy mà khi nhìn sư cô ăn chậm rãi, từ tốn, thành ra bạn cũng tập và ăn rất hạnh phúc.
Khóa tu năm nay có tên là Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng, lấy cảm hứng từ một cuốn sách của Sư Ông. Thứ bảy, ngày đầu tiên của khóa tu có một buổi hướng dẫn tổng quát (do sư chú Trờ Đại Giác, sư cô Hạnh Nghĩa, sư cô Lực Nghiêm chia sẻ) nhằm giới thiệu các phương pháp thực tập tới các bạn. Chiều tối hôm đó, các thầy và các sư cô còn cho "ra lò" sự thực tập theo nhóm (workshop) để mọi người lựa chọn, như lớp Thiền trà, lớp Thương mà không bị thương, lớp Ôm ấp cảm xúc mãnh liệt v.v.. Con đã dự lớp sau cùng của sư cô Giác Nghiêm, rất sâu sắc, sư cô đã chia sẻ cuộc đời và sự thực tập của mình, chạm tới trái tim của các bạn trẻ tham dự.
Ngày hôm sau, thầy Pháp Tiến và sư cô Đào Nghiêm chia sẻ về Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng. Các bài pháp thoại, nếu được cho bằng tiếng Việt thì có chị Tần, em Hà dịch sang tiếng Pháp rất trôi chảy, nếu bằng tiếng Pháp thì sẽ có thông dịch cho nhóm nhỏ sang tiếng Anh hay tiếng Việt. Chiều hôm đó có một buổi chia sẻ về 5 giới của các bạn trẻ: 2 bạn người Pháp, 2 bạn người Việt và một bạn người Thụy Sỹ. Sư chú Trời Đại Giác làm người dẫn chương trình. Con được mời chia sẻ về giới Bảo vệ sự sống. Vào buổi chiều mỗi ngày đều có pháp đàm theo gia đình và theo ngôn ngữ: Việt riêng, Pháp riêng. Ngày cuối cùng, có một buổi vấn đáp với không chỉ các thầy, các sư cô mà còn với các bạn thiền sinh nữa. Không khí đầm ấm của một đại gia đình tâm linh được duy trì suốt khóa tu.
Một trong những điểm rất tuyệt vời của khóa tu này mà tôi rất tự hào, đó chính là tinh thần đồng đội giữa các bạn Pháp và Việt. Mặc dù gia đình pháp đàm được chia ra theo ngôn ngữ nhưng khi chấp tác thì các bạn cùng nhau làm việc, không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Có tất cả 4 gia đình chấp tác, luân phiên làm các công việc như rửa nồi, chuẩn bị đồ ăn, dọn thiền đường, quét dọn, cọ rửa nhà vệ sinh, cắt gọt. Mỗi gia đình có một sư cô phụ trách hướng dẫn công việc. Điểm sáng tạo năm nay là mỗi gia đình có anh hai, hoặc chị hai (hay còn gọi là staff - người điều động, hướng dẫn công việc) để phối hợp làm việc. Trước mỗi buổi làm việc đều có hát thiền ca. Trong khi làm việc thì luôn rộn tiếng cười và có cả chụp hình nữa. Làm xong công việc mà còn dư thời gian thì gia đình này còn qua phụ gia đình khác nữa. Đó đúng thật là: không đi đâu nữa, có chi để làm, ... mà thấy chi cũng làm.
Các bạn trẻ có một ngày cùng nhau chơi trò chơi tập thể. Những trò chơi rất đơn giản như truyền nước cũng đủ làm mọi người hào hứng và hạnh phúc. Các sư cô và các bạn trẻ Việt Nam còn hướng dẫn nhảy sạp để mọi người cùng tham gia. Các bạn người Pháp đã sáng tạo không biết bao nhiêu là kiểu nhảy mới. Tối hôm đó mọi người được đi thiền hành theo kiểu "tin tưởng", nghĩa là một người sẽ nhắm mắt và tin tưởng hoàn toàn vào người bạn đồng hành của mình. Ai ai cũng cảm nhận rằng đi thiền hành kiểu này hay quá, như mình trải nghiệm một thế giới khác vậy. Về tới thiền đường thì mọi người ngồi quây quần bên ngọn lửa hồng giữa trời đêm và nghe hô chuông đại hồng.
Phải công nhận là các sư cô đã tạo cho người trẻ rất nhiều hoạt động, và các hoạt động ấy đều nằm trong sự thực tập. Tất cả mọi người đều vui chung một niềm vui, chơi hết lòng nhưng không quên giữ gìn sự thực tập và trân quý giây phút hiện tại. Ngày cuối cùng, buổi chiều có Be in. Đại chúng ngồi thành vòng tròn để nhìn mặt nhau cho rõ. Đông lắm, chắc được cả tám, chín chục người. Nhìn mặt ai cũng thấy thân quen. Những lời biết ơn đã được nói ra thật nhiều. Gia đình làm việc này cám ơn gia đình còn lại, đã yểm trợ lẫn nhau, rồi cám ơn các sư cô, cám ơn gia đình bàn trà (tea team) cũng như các bạn thông dịch. Mọi người cũng chia sẻ nhiều bài hát với nhau, một trong những bài hát của khóa tu là: There is true love right here. Bài hát đó đã miêu tả đúng không gian lúc đó. Ai cũng cảm thấy tất cả đã hòa làm một, không còn sự phân biệt, không còn ranh giới Việt hay Pháp, da vàng hay da trắng, da đen, ngay cả tuổi trẻ và tuổi không còn trẻ nữa. Minh chứng là khi các bạn Việt mở màn thách đố các bạn Pháp và hát bài Em là bông hồng nhỏ, đáp lời các bạn Pháp hát tặng bài Au claire de la lune. Chưa hết, các bạn trẻ thách thức các sư cô hát đáp lời, sư cô Giác Nghiêm dẫn đầu đoàn hợp ca bài Le bonheur est maintenant bằng một phong cách... xìtin!
Đừng tưởng đó đã là chia tay. Khóa tu kết thúc mà không một ai muốn về, hầu hết mọi người đều ở lại góp một tay giúp các sư cô dọn dẹp thiền đường. Các bạn dọn dẹp và thu xếp hành lý xong thì được các thầy và sư cô mời trà thưởng công. Lại một vòng tròn xinh đẹp dưới gốc cây xanh, các bạn trẻ ngồi thành vòng tròn xen giữa các bóng áo nâu. Những gương mặt, những cái tên như: Pierre, Giang, Quỳnh, Lorraine, Monica, Cedric, Lenny, Valentina… và nhiều nhiều nữa mới đây còn xa lạ mà giờ đã thân quen. Dẫu vẫn chưa biết bạn ấy tên họ đầy đủ là gì, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì v.v.. nhưng vẫn gợi lên trong nhau những tình cảm thân thương và tin tưởng. Giây phút ấy là một giây phút rất đẹp, và có phần thiêng liêng.
Giờ chia tay, đại chúng hát chung bài:
Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương
Hiểu và thương
Hiểu và thương...

Sự chia tay quyến luyến và bịn rịn ấy kéo dài khá lâu, chưa ai muốn về. Mới cách đây mấy ngày mà bạn từ Paris, từ Lille, từ Phần Lan, từ Đan Mạch, từ Việt Nam… đã trở thành anh chị em. Các bạn có công việc phải về trước cũng như vậy, cũng có vài giọt nước mắt khi chia tay, tiếc cho các bạn là không ở tới phút cuối để chứng kiến giây phút chia tay có một không hai, đậm đà tình huynh đệ như vậy. Đó chắc đúng thiệt là tình huynh đệ.
Dấu ấn của khóa tu để lại trong tôi chính là tình huynh đệ: với các thầy, các sư cô, với các bạn trẻ phương Tây, với các bạn Việt, với tăng thân trẻ thương quý. Các chủ đề của khóa tu như lý tưởng, như tình yêu, như tuổi trẻ, chắc có lẽ đã nằm gọn trong đó. Tôi không dám chắc, vì trong lúc pháp đàm, các vấn đề đương thảo luận này vẫn còn để ngỏ, mỗi cá nhân có những cách nhìn khác nhau. Các bài giảng đã được chia sẻ đơn giản mà sâu sắc, không cho một câu trả lời mà đưa ra một cách sống. Giờ ngồi ngẫm lại, có phải chăng tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng là một cách sống mà trong đó người trẻ (và cả người không trẻ), có không gian và thảnh thơi cho bản thân, có tình thương và sự rộng lượng với người khác - sống như thế thì lý tưởng và tình thương đã đong đầy rồi.
Xin kết thúc bằng hình ảnh buổi chiều chia tay, trong ánh hoàng hôn vàng rực rỡ, trên bãi cỏ xanh và dưới tán lá huyền diệu, có một nhóm bạn trẻ cùng các bóng áo nâu, nghe theo lời Sư Già (tên gọi thân mật của sư cô Gia Nghiêm) mà cúi đầu cám ơn bóng cây to đã che chở những ngày qua.



(Chia sẻ của bạn Quảng Đăng)
Người bạn trung thành
Mình vừa ở một chỗ cực kỳ tuyệt vời đi ra nên tự thấy cần phải ghi lại vài dòng. Văn mình viết bằng cảm xúc nên làm càng nhanh sẽ càng đỡ chán. Mình đã trải qua 3 ngày cực kỳ tuyệt vời cùng với những người cực kỳ dễ thương. Phải nói là có rất nhiều điều thú vị, kể ra thì chắc tốn nhiều giấy lắm.
Buổi sáng, được ngồi uống trà trong bầu không khí lành lạnh ở ngoài vườn, thưởng thức tiếng chim, tiếng gió. Đến buổi trưa, mọi người đi thiền hành dọc bờ sông Marne, mình quyết định đi chân đất, không mang giày dép. Đi lên trên cỏ dọc bờ sông mà cảm thấy mát lạnh. Rồi còn được bịt mắt, có một người cầm tay dắt đi. Bình thường người ta hay dùng mắt nhiều hơn các giác quan còn lại. Khi bịt mắt lại thì cảm nhận được nhiều thứ hơn. Tai nghe được rõ tiếng chân người đi bên cạnh.
Buổi tối tất cả mọi người ngồi bên bếp lửa, cùng nhau hát, nghe hô chuông Đại Hồng. 21h30 là giờ đi ngủ rồi mà mọi người vẫn còn ngồi đến tận 23 giờ mà chưa chịu chia tay cái bếp. Sáng hôm sau, 5h30 là giờ thức chúng rồi.
Thức ăn do các cô, các bác nấu thì cực kỳ ngon, tuyệt vời hơn là được ngồi trên triền cỏ cùng ăn với các bạn dễ thương của mình. Có bạn ngày đầu mình nhìn mặt chẳng thấy cười gì cả, nhưng đến ngày cuối mình để ý, trên mặt lúc nào cũng như đính một bông hoa tươi ơi là tươi. Rồi có bạn đi thiền hành mà như khiêu vũ, có bạn buổi tối nằm dài trên đất rồi làm những động tác buồn cười lắm. Có lẽ bên trong các bạn vẫn còn lại những đứa trẻ hồn nhiên của ngày xưa. Đã lâu rồi nó không được ra ngoài. Đến hôm nay thì nó được tự do, tha hồ bay nhảy.
19h là kết thúc thời khóa Be-in, thời khóa cuối cùng trong ngày, mọi người sẽ chia tay nhau và kết thúc khóa tu. Nhưng không hiểu sao đến 20h20, thầy Pháp Tiến đãi trà một số bạn ở lại dọn dẹp, mình đếm và thấy vẫn còn đến gần 40 người trong vòng tròn. Mọi người lại tiếp tục hát, thưởng thức trà và tận hưởng giây phút hiện tại. Chắc ai cũng muốn nó sẽ kéo dài mãi. Có bạn người Pháp khóc nức nở, là con trai, tưởng bạn ấy ít tuổi lắm, hóa ra là bằng tuổi mình. Mình nghĩ là bạn hạnh phúc quá ấy mà. Cuối cùng là thiền ôm. Lần đầu tiên mình được làm thiền ôm. Nhưng không phải ôm một người khác mà mình được ôm một lúc tất cả các bạn thiền sinh. Tất cả mọi người ôm thành nhiều vòng tròn bao bọc lấy nhau.
Cá nhân mình thì trong khóa tu này mình đã luôn có mặt, một lần nữa mình có thể sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Chẳng bận tâm đến quá khứ, chẳng lo nghĩ chuyện tương lai. Cảm giác đấy thật là tuyệt vời. Nhưng điều làm mình hạnh phúc nhất là khi nhìn khuôn mặt của các bạn khác. Có bạn thì mặt phiêu phiêu, có bạn thì toét miệng ra cười, có bạn thì lại khóc. Đúng là khi hạnh phúc thì có rất nhiều cách để biểu hiện ra ngoài.
Sau khóa tu, mỗi bạn đều nhận ra được một người bạn trung thành của riêng mình. Đó là hơi thở. Quay lại với đời sống hàng ngày, người bạn này sẽ giúp cho các bạn giảm được những căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực. Các bạn sẽ trở thành những bông hoa tươi mát hơn trong cuộc sống. Hy vọng sau khóa tu các bạn sẽ sống sâu sắc được với cuộc đời của mình hơn. Tận hưởng được tuổi trẻ. Tuổi trẻ ngắn lắm, nó chỉ dài bằng một lần nhắm và mở mắt thôi.
Hẹn gặp lại mọi người sang năm!
(Chia sẻ của bạn Tâm Đức An Lưu)
Một số hình ảnh của khóa tu:

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu

Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, trong kinh Hoa Nghiêm Ngài dạy cái một chứa được cái tất cả, và con thấy hiện tại không những chứa đựng quá khứ mà còn chứa đựng cả tương lai. Nhìn sâu vào hiện tại, con có thể thấy được tương lai và con có thể sống được và tiếp xúc được với tương lai trong giây phút hiện tại. Con thấy được thế hệ con cháu tương lai của con, và con đã có thể tiếp xúc với các thế hệ ấy trong con ngay trong giờ phút hiện tại. Con thấy giữ gìn cho con là giữ gìn cho họ, thương yêu con là thương yêu họ, hiến tặng cho con là hiến tặng cho họ... Những bước chân bước đi trong chánh niệm, có vững chãi, có an lạc, có thảnh thơi, là những cái mà con có thể hiến tặng cho con nhiều lần trong ngày. Mỗi bước chân như thế có tác dụng nuôi dưỡng con, nuôi dưỡng tổ tiên trong con và cũng nuôi dưỡng các thế hệ con cháu đã có mặt trong con đang chờ đợi để biểu hiện. Mỗi hơi thở chánh niệm có an lạc và thảnh thơi ấy là một phẩm vật hiến tặng. Sự hiến tặng này đem niềm vui và sức sống cho con, cho tổ tiên con và cho con cháu con ngay trong giờ phút hiện tại. Con ăn cơm cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu; con ngồi thiền cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu, và con ao ước mỗi giây phút thực tập của con cũng đều là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu con. Con thấy mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn... đều là một hành động của tình thương chân thực. Con không muốn nuôi dưỡng con bằng những thức ăn có độc tố, từ đoàn thực qua xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Những gì con đưa vào thân tâm con phải có chất liệu lành mạnh, từ thức ăn vật chất đến thức ăn tinh thần. Con nguyện không tiêu thụ các sản phẩm có độc tố, từ thức ăn thức uống cho đến sách báo, phim ảnh, ca khúc và đàm thoại. Con không muốn nuôi tổ tiên và con cháu con bằng những sản phẩm có những độc tố như thèm khát, hận thù, bạo động và tuyệt vọng. Con chỉ muốn nuôi dưỡng và hiến tặng cho tổ tiên và con cháu con những thực phẩm lành mạnh, có tác dụng nuôi dưỡng, thanh lọc và chuyển hóa. Con biết sự thực tập chánh niệm trong lúc tiêu thụ là phương thức bảo hộ hữu hiệu nhất cho con, cho tổ tiên và cho con cháu con, và con nhận diện rằng sự thực tập này là sự thực tập thương yêu đích thực.

Con nguyện chỉ trao truyền cho con cháu con, trong con và ngoài con, những hoa trái của sự thực tập hàng ngày của con, những năng lượng của hiểu biết, của thương yêu, những ngôn từ và hành động phát xuất từ chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ. Con nguyện sống giây phút hiện tại như thế nào để có thể bảo đảm được một tương lai trong sáng cho con cháu con, và con biết rằng nếu các con cháu con đang có mặt trong con trong giây phút hiện tại thì con cũng sẽ có mặt trong các con cháu con trong giây phút tương lai, và hai giây phút ấy cũng đang có mặt trong nhau.

Địa Xúc
Con xin lạy xuống trước bậc Tỉnh Thức Toàn Vẹn, đức Bồ Tát đại trí Văn Thù và đức Bồ Tát đại hạnh Phổ Hiền (C)

Không đề, 24 tháng Bảy 2015

        Sang nhà anh chơi. Buổi sáng dậy, anh rì rầm đọc chú ở nhà ngoài. Tôi tự hỏi liệu những câu chú của anh có giống như tôi gắn bó với đám sách J.K không. Rồi tôi lại tự cười mình, dường như tôi đang tự đơn giản hóa mọi thứ.

        Vấn đề của tôi, có lẽ là vấn đề đối với niềm tin, tôi mất gần như hoàn toàn niềm tin vào thế giới và chỉ còn giữ lại niềm tin rằng thế giới luôn rộng lớn và bí ẩn, và những câu hỏi luôn ẩn chứa câu trả lời. Liệu có một ngày nào tôi đánh mất niềm tin đó? Chắc chắn, công việc của tôi là đi xem xét giữa nhận thức và niềm tin, nhận chân sự thật. Và đây lại là một niềm tin khác trong khi tôi còn chưa rõ ràng: niềm tin về sự thật và niềm tin rằng ý thức của con người tách biệt với thế giới? Thế nào là chủ quan và thế nào là khách quan? Lại chỉ toàn là khái niệm tôi đã được nhét vào trí não. 

        Những câu hỏi hòng đánh đổ sự giả dối. Nhưng chỉ có lặng im mới thấu triệt cái Lý có Chân. Sự nghi hoặc luôn khiến tôi khổ não, bởi tôi luôn thận trọng với những câu khẳng định. Điều này, thật ngu xuẩn!

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (CHƯƠNG 12)


  Okay, vậy là đang có một cuộc chiến giữa các vị thần, và chúng ta thuộc một team trong số đó. Vậy quân mình và quân địch có gì khác nhau?

  Từ góc nhìn của chúng ta, có ba điểm khác biệt quan trọng đã nuôi dưỡng và làm bùng phát cuộc chiến. Đó là thái độ với niềm tin, thái độ với bản thân, và thái độ với con người.

  Đối phương là tập thể những quỉ thần sống bằng niềm tin. Toàn bộ sự tồn tại, năng lượng và vinh quang của họ đều lệ thuộc vào niềm tin của các đám đông dân chúng. Họ là vật ký sinh sống bám vào các hệ thống niềm tin: từ tôn giáo, triết học, ý thức hệ, cho đến các hủ tục, luân lý và quan niệm thẩm mỹ cổ xưa. Ngày nay, khi các hệ thống tín điều đồng loạt sụp đổ trên phạm vi toàn cầu, đám thần này cũng sụp đổ luôn, cả trong mắt con người lẫn thẳm sâu trong tâm hồn chính họ.

  Bám đít các hệ thống niềm tin là một lựa chọn ngu xuẩn. Chúng ta đã từ bỏ phương thức tồn tại đó vì ba lí do. Thứ nhất, các hệ thống niềm tin biến cả kẻ tin lẫn kẻ được tin thành một đám đông dốt nát, hoang tưởng, ỳ trệ và hiếu chiến đến điên rồ. Niềm tin chẳng khác gì một cái lồng chim chật hẹp và hôi tanh, với tín điều là những song sắt băm vụn bầu trời của các linh hồn bị nhốt. Mọi hệ thống niềm tin đều biến linh hồn từ chim trời thành thú cảnh. Khi cố nhốt thực tại muôn màu vào dăm câu kinh cầu, khẩu hiệu chính trị hoặc lý thuyết khoa học vừa phiến diện, vừa nhàm cán, chúng triệt tiêu ma thuật sáng tạo, bản năng khám phá, năng lực tư duy độc lập và vũ trụ vô hạn của trái tim. Nói cách khác, chúng hủy diệt mọi đặc tính thiêng liêng của linh hồn. Nọc độc của tín điều đã biến nhiều sinh thể thành xác chết biết đi, và nhiều đấng sáng tạo thành cái máy đánh chữ. Chuyện đó xảy ra khi người ta bắt đầu sống theo niềm tin và chết để bảo vệ đức tin - tức tự đánh đồng linh hồn mình với hệ thống niềm tin đang giam giữ họ. Vậy là nhà khoa học thoái hóa thành một dòng công thức dở hơi, và tù nhân thoái hóa thành bức tường nhà tù, để vừa tự giam giữ bản thân, vừa giam thêm người khác.

  Mọi niềm tin đều là một lời dối trá trắng trợn. Nếu là sự thật, thì muôn đời nó vẫn nằm đó, sao họ phải bắt người ta tin? Và liệu một vũ trụ muôn màu liên tục biến đổi có thể bị nhốt vào vài dòng công thức vô tri? Truyền bá niềm tin là nói dối, và tin là tự nói dối. Vấn đề sẽ nảy sinh khi sự thật bắt đầu chập chờn hé lộ. Trước cú đấm của sự thật hiển nhiên, người ta hoặc trốn sâu hơn vào cái cũi đức tin để được an toàn, hoặc quay ra thù ghét nó. Vậy là người ta khủng hoảng và chiến tranh, trong nội tâm và ngoài xã hội. Người ta lao vào giết mình và giết người khác, chỉ vì một nhà tù vớ vẩn mà không ai đủ can đảm để quên đi.

  Các hệ thống niềm tin có sứ mệnh thật buồn cười. Ban đầu, người ta chui vào chúng, trú ẩn và dựa hơi, những mong được an toàn, chây lười và vênh váo. Mọi hệ thống niềm tin đều thủ thỉ vào tai các tín đồ: "Bạn trong sạch, tử tế và khôn ngoan, trong khi những kẻ không tin ta thì nhơ bẩn, xấu xa và ngu muội. Rồi bạn sẽ được sung sướng, còn chúng sẽ phải chịu khổ đau. Vinh quang thay những con lợn chọn đúng chuồng!". Rồi chẳng mấy chốc, hệ thống niềm tin biến thành những con quái vật của theo dõi, kiểm duyệt, kì thị và chiến tranh, ném những tín đồ đang ẩn náu trong miệng mình vào cái dạ dày của bất an, cực khổ và nhục nhã. Đó là số phận tất yếu của những kẻ chạy trốn sự mênh mông của vũ trụ, nhưng vẫn thích ngoa ngôn về vũ trụ. Đó là số phận tất yếu của loài kí sinh ăn bám trong một thực tại chỉ có phiêu lưu.

  Hãy nhìn số phận của những quỉ thần ăn bám niềm tin. Họ chỉ có hai lựa chọn. Một: tin vào những tín điều cung cấp xôi oản cho mình, để rồi bị thoái hóa thành robot hệt như đám đông tín đồ đang dâng xôi oản. Trong trường hợp đó, con quái vật hệ thống đã chồm lên ăn thịt chính mẹ đẻ và chủ nhân. Hai: không tin vào những tín điều mà mình rao truyền. Trong trường hợp này, từ một vị thần, người ta rữa ra thành loài ký sinh sống bằng dối trá. Trong cả hai trường hợp, họ không khác gì thứ mà hệ thống niềm tin rao truyền là ác quỷ. Không đáng ngạc nhiên: niềm tin là một hệ thống chết, vì cố định, được tạo ra với tham vọng mô phỏng và cai trị một thế giới bất định, vì đầy sự sống.

  Thứ hai, hợp đồng niềm tin giữa người và thần là một hợp đồng vừa bất công, vừa vô giá trị. Đa số con người quá yếu ớt để kháng cự lũ quỷ thần thích thôi miên. Một hợp đồng không tự nguyện liệu có ý nghĩa gì? Và ai cũng biết rằng các vị thần sống quá lâu để có thể giữ lời hứa. Con người tuyệt đối không nên tin họ.

Thứ ba, rất đơn giản: chúng ta có thể sống mà không cần các hệ thống niềm tin. Sao không đối mặt với vũ trụ bao la, và chấp nhận nó như nó vốn là, thay vì trốn chui trốn nhủi vào trong cái chuồng tín điều vì sợ thực tế? Sao phải bắt con người tin chúng ta là những bậc toàn thiện, toàn mỹ và tuyệt đối siêu phàm, trong khi có thể giúp họ yêu quí chúng ta như những bạn bè bất toàn, nhưng chân thành và thú vị? Sao phải chôn mình và mọi người trong một nấm mồ lí thuyết, trong khi tất cả nó thể bay nhảy trên những làn sóng cảm xúc và tư duy? Sao phải uốn éo theo những hủ tục, đạo lí và nhịp điệu cũ, trong khi chúng chỉ là những thói quen vớ vẩn và chúng ta có thể vứt sang một bên, và làm ra những cái mới hoàn toàn? Sao phải sống trong một hệ thống, đội nó lên đầu và đạp những hệ thống khác dưới chân, trong khi chúng ta có thể chia sẻ với nhau vô vàn hệ thống?

  Chúng ta sống bằng khám phá, cảm nhận, sáng tạo và sẻ chia liên tục. Chúng ta không chịu bị nhốt vào chuồng hoặc gò mình theo những cái khuôn. Chúng ta không thích những cỗ máy tư tưởng chỉ cho phép người ta nói dối người và tự dối mình. Đó là lí do những cỗ máy này cố triệt tiêu chúng ta bằng mọi giá.

- còn nữa -

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Trái khổ qua thật tuyệt, không biết rất đáng tiếc!

Ảnh minh họa. (Nguồn: Wiki)
Có một cây khổ qua trong nhà là một báu vật! Với nhà có trẻ hay mắc bệnh vặt hoặc có người mới sinh, nếu bạn không biết những công dụng tuyệt diệu của khổ qua thì quả là vô cùng thiệt thòi!
1. Phòng và trị rôm sảy
Khổ qua có công dụng giải độc làm mát máu, giúp phòng và trị rôm sảy. Khi trẻ bị rôm sảy, có thể lấy trái khổ qua còn tươi giã nát rồi đắp vào chỗ bị bệnh, hoặc cắt khổ qua thành miếng rồi chà vào cũng được. Bạn cũng có thể sắc nước ruột khổ qua rồi dùng khăn mặt thấm để lau chùi nơi bị rôm sảy, mỗi ngày từ 3-6 lần, chỉ trong 1-2 ngày bệnh sẽ giảm. Mùa hè có thể dùng lá khổ qua cắt bỏ phần cuống làm rau ăn, nước luộc khổ qua có thể dùng tắm cho bé để phòng ngừa bệnh rôm sảy.
2. Phòng chống cảm nắng
Mùa hè thời tiết nóng bức, cho trẻ đi chơi rất dễ bị trúng nắng. Khổ qua có chất quinine có công dụng giải nhiệt rất tốt. Cách làm trà khổ qua khá đơn giản: bỏ ruột, nhét chút trà xanh vào trong rồi mang phơi, sau đó cắt mỏng ngâm nước uống. Trẻ không thích ăn khổ qua thì dùng cách trộn với bí ngô làm rau, cho thêm chút đường vào nhất định chúng sẽ thích ăn.
3. Tẩy sẹo
Khổ qua có quinine, giàu protein hoạt tính sinh lý nên giúp vết thương mau lành và tạo da non. Khi cơ thể trẻ có sẹo dạng nhẹ thì giã khổ qua đắp, có thể thêm đường phèn, hoặc lấy bã khổ qua trộn đều với một thìa bột yến mạch bôi vào chỗ sẹo, để khoảng 20 phút rồi rửa, mỗi tuần 2 lần. Trên mặt phụ nữ có chỗ bị rỗ hoa cũng có thể áp dụng cách này, nếu chỗ rỗ có vết thương thì khi dùng phải chú ý vệ sinh.
4. Thượng hỏa nhức răng
Trẻ ăn quá nhiều đồ có dầu mỡ gây thượng hỏa dẫn đến nhức răng, có thể dùng lá khổ qua hoặc trái khổ qua bỏ ruột rửa sạch rồi giã nát cho ra chất dịch keo, dùng bông y tế thấm rồi nhét vào chỗ đau ở răng; hoặc rửa sạch trái khổ qua còn tươi, cắt mỏng, không bỏ ruột, đem sắc lấy một bát nước rồi thêm đường vào uống.
5. Côn trùng cắn
Do khổ qua thúc đẩy sinh da mới, giúp vết thương liền miệng, kháng khuẩn, có công dụng tăng sức hoạt động của tế bào, nên nếu bị côn trùng cắn, đặc biệt là rết, có thể dùng một lượng vừa lá khổ qua rồi đem giã nát đắp vào vết thương.
6. Trị ho và cảm cúm
Khổ qua có lipid protein giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, phòng ngừa cảm cúm. Nếu trẻ bị mắc đờm vàng sệt, khó ho ra, hoặc bị ho do cảm phong nhiệt thì có thể làm canh hoặc xào khổ qua ăn. Lưu ý, không áp dụng với chứng ho phong hàn.
7. Giảm cân dưỡng da sau khi sinh
Nhiệt lượng của khổ qua rất thấp, có tác dụng ức chế hấp thu chất béo nên giúp giảm béo. Ngoài ra khổ qua còn giàu vitamin C, làm mát máu mịn da. Nhiều người mẹ sau khi sinh ăn khổ qua để giảm béo, tuy nhiên phải nuôi con bằng sữa đề nghị nên làm canh ăn. Nhưng nếu sau khi sinh chỉ muốn dùng khổ qua cho giảm cân mà lười vận động thì bạn sẽ thất vọng, vì dùng khổ qua chỉ có tác dụng hỗ trợ.
8. Kích thích bài tiết sữa
Khổ qua giàu vitamin B1 giúp tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy bài tiết sữa, có thể giúp trẻ phòng ngừa mắc bệnh thiếu vitamin B1. Vì thế, sau khi sinh có thể dùng lượng vừa phải khổ qua là rất tốt cho cả mẹ và bé.
Những điều nên tránh khi ăn khổ qua
Khổ qua ăn nóng thì có tính ôn, ăn sống thì có tính hàn, vì thế phụ nữ tì hư vị hàn không nên ăn. Thông thường, trẻ em cũng không nên thường xuyên ăn khổ qua, vì dạ dày và ruột của trẻ còn yếu, ăn nhiều khổ qua sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, khổ qua có quinine, kích thích tử cung co lại, có thể gây tác dụng phụ như sinh non, vì thế trong thời gian mang thai không nên ăn nhiều.
Chọn khổ qua chất lượng tốt
Thông thường, khổ qua có đường vân càng nhiều và dày thì càng đắng. Ngoài ra, khổ qua vỏ đã vàng, hạt nổi đỏ thì tốt nhất không nên ăn, vì đó là khổ qua chín hoặc để lâu, không còn chất lượng.
Tinh Vệ biên dịch

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 11): VIẾT CHO KẺ VÔ HÌNH VĨ ĐẠI

Mọi vị thần đích thực đều giữ hình dáng của bầu trời.
Như khí trời, thần sống bên trên, bên cạnh, và bên trong nhân loại.
Như khí trời, thần thổi sự sống cho thân xác con người, làm họ cao hơn gỗ đá.
Như khí trời, thần trong suốt trong mắt nhân gian.
Trong các tổ ấm, tàu xe, trường lớp và công sở, bầu trời là một cư dân vô hình. Đa số con người quá bận rộn để nhìn thấy nó. Họ chỉ nhìn những vật nhỏ bé ngang tầm mắt mình, như bữa tối ở nhà, bóng mình trong gương, hay áo quần bước đi trong phố hẹp. Chỉ một ít người, vào một ít lúc, khi lơ đễnh khỏi mưu sinh động vật, sẽ ngước nhìn lên.
Thiểu số này đói những vì sao hơn bữa tối ở nhà, gặp bóng mình trong ánh trăng bạc nhiều hơn trên mặt gương của miệng lưỡi thế gian, và thích hẹn hò với gió hoàng hôn hơn những áo quần di động.
Thiểu số này nhớ mình cao hơn đất đá, và biết mình có mảnh trời nhỏ trên cánh phổi căng.
Đó là thiểu số nhìn thấy hình dáng của các vị thần.
Họ không phải kẻ hưởng đặc ân, họ là bạn thân của sự sống.
* * *
Khi một vị thần tìm kiếm sự hữu hình trong chốn nhân gian, y đánh mất hình dáng của bầu trời, vì trở nên một thứ khói xỉn.
Y co lại thành bữa tối ở nhà, cái bóng trong gương, hay áo quần bước đi trên phố.
Tạc tượng là cách nhanh nhất để giết chết một vị thần.
Đừng tự đóng đinh mình lên gỗ đá nhân gian, để mất đi kích thước khổng lồ của một kẻ vô hình vĩ đại.

Vị cao tăng và miếng thịt heo

p6315521a499743250
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy, nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt che khuất đi.
Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên, thế là cao tăng lại phải thêm lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử: “Con mà còn lật nó lên ta sẽ ăn luôn”. Người đệ tử nghe thầy nói thế thì không dám bới miếng thịt heo lên nữa.
Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn, lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta.”
Cao tăng từ tốn nói: “Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý. Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay, ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải điều chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh ‘chỉ biết lý mà bỏ quên người’, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua.”
“Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay “đoạt lý mà quên người”, như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục, trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng.

Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở, phải biết cho người ta một lối thoát, vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.”

Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 10): URANUS

_ Tôi bật máy ghi âm nhé... OK?
_ OK!
_ Vâng, cảm ơn anh Uranus vì đã đồng ý tham gia buổi giao lưu. Quả là một dịp may mắn của tất cả chúng ta khi bầu trời bỗng dưng chạm được tới mặt đất. Chúng tôi xin bắt đầu bằng câu hỏi của một độc giả ở Hà Nội. Uranus, anh có thể cho biết đâu là khác biệt căn bản giữa người phàm và các vị thần không?
_ Con người khuất phục thế giới, trong khi chúng tôi phá hủy và kiến tạo thế giới. Vì vậy, con người phải chịu đựng thế giới, trong khi chúng tôi thưởng thức nó, và đôi lúc, thưởng thức cả vẻ ngu xuẩn trong thói quen chịu đựng của đám phàm nhân. Có vậy thôi, tôi không nghĩ chúng ta khác nhau nhiều.
_ Mời anh nói rõ hơn?
_ Con người có khuynh hướng tôn thờ và khuất phục những hệ thống máy móc đang duy trì ì ạch cái thế giới của mình. Họ khiếp sợ, sùng bái và tuân lệnh gia đình, dòng tộc, nhà trường, tôn giáo, cơ quan, hội đoàn và nhà nước. Họ răm rắp chấp hành mọi hủ tục và định kiến của xã hội. Như những loài sâu bọ thấp hèn, hoặc như những cái máy vô tri được lập trình sẵn, họ phục tùng và thi hành mệnh lệnh của bầy đàn một cách hoàn toàn vô thức, thay vì biết đặt câu hỏi và tìm một con đường khác cho bản thân. Họ không tự suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình, và không hề có ý thức về giá trị riêng của bản thân mình. Họ tin rằng bạn bè, dòng họ, nhà nước và nhà thờ hài lòng về họ đến đâu, thì họ có giá trị đến đấy. Vậy nên khi bị tách khỏi những tập thể quí hóa này, họ hoàng toàn trở thành một số 0 vô giá trị. Khi không có kẻ khác đứng bên cạnh để định nghĩa họ, thì họ còn chẳng biết mình là ai. Và họ có thể vỡ tim mà chết vì khiếp sợ khi rơi vào tình cảnh "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc" này. Đó là lí do khiến chúng tôi hay ví họ với gia súc. Chỉ có gia súc mới tin rằng khi chui vào chuồng, nó sẽ an toàn vì được bốn bức tường che chở. Cũng chỉ có gia súc mới tự hào vì được chủ khen ngợi những dịp tăng cân.
Thần là một dạng sống khác hoàn toàn. Khi một vị thần đầu thai, đừng mong hắn qui phục những chuẩn mực xã hội cũ kĩ. Trong mắt các vị thần, mọi hệ thống của con người đều là rác rưởi. Sao chúng tôi phải nhốt mình vào một hệ thống chật hẹp có sẵn, khi chúng tôi có thể tự sáng tạo vô số hệ thống tươi vui gấp vạn cho chính bản thân? Một vị thần có thể chạy tung tăng từ hệ thống này sang hệ thống khác chỉ trong một ngày, hoặc đập bỏ cùng lúc tất cả các hệ thống mà mình đang có mà không sợ chết vì cuộc khủng hoảng căn cước như con người. Đơn giản thôi: chúng tôi hiểu mình, và hiểu những giá trị mà mình sẵn có. Không việc gì phải quị lụy lấy lòng thế giới, khi trong mỗi chúng tôi có một thế giới rộng lớn vô cùng để chơi đùa đến mệt nghỉ. Khi nào thế giới bên trong của mình dư thừa một ít hệ thống, chúng tôi sẽ quẳng mớ rác ấy ra cho nhân loại, để họ có cái mà khiếp sợ và tôn vinh.
_ Vâng, cảm ơn thần. Vậy xin cho biết thêm, các vị thần thường khiếp sợ và tôn thờ những gì ạ?
_ Chúng tôi hơi sợ rằng mình sẽ trở thành giống như các bạn. Nỗi sợ này là một trong những tệ nạn nguy hiểm và ngớ ngẩn nhất của chúng tôi. Còn về tôn giáo, thì tự tin là đức tin duy nhất của các vị thần. Không, đừng cho rằng chúng tôi tôn thờ và thờ cúng bản thân như vài người trong các bạn. Tụng niệm là nghi lễ của con người, cầu cúng là nghi lễ của ma quỉ, còn sáng tạo là nghi lễ của các vị thần tối cao. Trong mắt các vị thần, không có gì thiêng liêng hơn là làm mới bản thân và thế giới.
_ Vâng, rất thú vị. Uranus, anh mô tả thế nào về cuộc sống và công việc hằng ngày của một vị thần?
_ Điên rồ, nếu xét trên thang tiêu chuẩn của các bạn. Kể cả khi đầu thai xuống nhân gian, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục sống trong thế giới của riêng mình và làm những gì mình muốn, bất kể thế giới bên ngoài và con người các bạn có muốn thế hay không. Giới hạn trong cuộc sống và công việc là vô nghĩa đối với các vị thần. Những giới hạn không làm ra chúng tôi, chúng tôi làm ra chúng.
_ Nhưng không phải các vị thần có trách nhiệm yêu thương và che chở cho con người ạ?
_ Không hề, em yêu. Xin các bạn nhớ cho: yêu thương không thể là một nghĩa vụ. Tình yêu là bản nhạc kết nối lồng ngực con người, chứ không phải những dòng lệnh cưỡng ép mà con người cài vào óc nhau. Như những con chim trên cành, trái tim sẵn sàng hòa tấu khi thời điểm đến. Và khi thời điểm đến, cũng tự chúng im lặng. Chúng không cần nhạc trưởng, chúng cần tự do. Đừng đưa tính nghĩa vụ vào những bản hòa âm ngẫu hứng này. Đừng biến sơn ca thành con vẹt.
Khi ai đó nói về nghĩa vụ thương yêu, chắc chắn anh ta đang đạo đức giả. Bất cứ khi nào bạn nhủ thầm "Tôi phải thương yêu nhân loại và cứu thế giới", thực ra bạn đang tự lừa mị bản thân. Bạn đã quen bao nhiêu người trong nhân loại mà đòi yêu cả cái đám nhung nhúc này? Bạn là một phần mấy tỉ của thế giới, cả về không gian lẫn thời gian, mà đòi cứu thế giới? Thật ngớ ngẩn! Những bậc cứu thế xông xáo như vậy chẳng yêu thương ai hết, họ chỉ đang cố dựng bàn thờ và tượng gỗ cho chính bản thân. Họ không nhìn thấy con người. Họ chỉ nhìn thấy cái tượng đài giả tạo của chính mình - một vị thánh quên ăn, ngủ, đụ, ỉa vì hòa bình thế giới. Biết bao nhiêu lần, những kẻ đó đã nướng cả nhân loại nhân danh sứ mệnh giải cứu nhân loại. Trong cái kỷ nguyên tăm tối vừa mới đi qua, không biết bao nhiêu thần linh đã tự biến mình thành quỉ trong cơn say ảo tưởng cứu thế...
Đừng gán cho các vị thần mớ sứ mệnh và nghĩa vụ. Chúng tôi chẳng có nghĩa vụ yêu thương cái gì khác, ngoài những nhịp đập rất đa dạng của trái tim chúng tôi. Các bạn cũng vậy, hãy yêu nhịp tim của mình đi, rồi tự chúng sẽ bảo vệ thế giới này.
_ Vâng, cảm ơn anh. Tiếp theo là câu hỏi của một bạn gái ở Củ Chi: Con người phải làm gì để làm vừa lòng các vị thần ạ?
_ Rất đơn giản thôi: đừng nghĩ chúng tôi tầm thường như các bạn. Đừng mang tiền đến hối lộ, rồi xin chúng tôi nhúng tay vào mấy chuyện tủn mủn như kinh tài, nhà cửa, quan tước, hôn nhân... Nhận hối lộ là thói quen của ma quỉ, chứ không phải của các vị thần. Tôi không quan tâm đến đám tiểu nhân tham lam và ỷ lại đang nhung nhúc cầu cúng ở các đền thờ, tôi chỉ dõi theo những người xứng đáng. Và những kẻ mạnh mẽ này lại chẳng bao giờ cầu xin thần linh thương hại. Tự họ đã có vài phẩm chất để, một ngày đẹp trời nào đó, gia nhập hàng ngũ của chúng tôi.
Nên nếu bạn yêu quí chúng tôi, hãy học cách trở thành một vị thần thay vì một con nhang mộ đạo. Giữa một người bạn mới và một con gia súc mới, chắc chắn chúng tôi thích phương án đầu tiên hơn. Đừng cầu nguyện với chúng tôi nữa, hãy cầu nguyện với âm nhạc ở bên trong mình. Làm thế đi, rồi bạn sẽ tìm thấy nơi linh thiêng đích thực.
_ Vâng, và giờ là câu hỏi cuối. Uranus, khi chúng ta bước sang kỷ nguyên mới, các vị thần đã thay đổi ra sao?
_ Chúng tôi đã thay đổi nhiều. Tất nhiên, không phải ngay lập tức. Mỗi vị thần đã và đang trải qua một chặng đường dài để hiểu và chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân. Quá trình này ném chúng tôi vào nhiều kết luận thú vị. Một ngày đẹp trời, thần trí tuệ hiểu rằng mình chỉ là một con ngốc trong cuộc sống, thần chiến tranh hiểu rằng mình chỉ là sản phẩm của hội chứng sợ chiến tranh, thần ánh sáng nhận ra bóng tối cũng tuyệt vời, messiah hiểu rằng nhân loại phải tự cứu chính nó, thần thông tin hiểu rằng mọi triết lí chỉ là trò bịp, còn thần địa ngục lại nhận thấy mình chỉ thích đi tìm kho báu, giải cứu gái và trồng hoa... Đáng tiếc, khi con người chưa nhận ra những sự thật này.
Một thay đổi quan trọng khác là cách thức hành động của chúng tôi. Qua rồi cái thời thần linh cai quản mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bao cấp vậy là đủ rồi, từ nay, con người được tự do và tự lập. Chúng tôi không thống trị nữa, chúng tôi sẽ chỉ hướng dẫn và tạo cảm hứng cho nhân gian. Chúng ta cũng không còn là cha và con nữa, chúng ta là bạn bè. Từ nay, mối quan hệ giữa thần và người vĩnh viễn thay đổi.
Trong kỷ nguyên cũ, con người biết đến thần linh qua những bức tượng cứng nhắc trong đền thờ, những thần thoại dọa ma và những cuốn kinh nhàm chán. Hình thức giao tiếp tệ hại ấy đã tạo ra nhiều đế chế của nỗi sợ, nô dịch, giả dối và xuẩn ngu. Sau rốt, đã chỉ có ma quỉ lên ngôi trong hệ thống này. Bởi vậy, khoảng một thế kỷ rưỡi trở lại đây, chúng tôi đang chuẩn bị một cách thức giao tiếp khác. Thay vì tu bổ những đền thờ nghiêm nghị già nua, chúng tôi xây những nền tảng cho ngành giải trí hiện đại. Đừng bất ngờ khi ai đó nói với bạn rằng Đức Mẹ đã làm nhạc Jazz giáng sinh, Aphrodite là mẹ đỡ đầu của cả nhạc kịch kinh diển lẫn K-pop, Lucifer là ông trùm của Hollywood và công nghiệp hoạt hình Nhật Bản, hoặc Athena điều hành cả Marvel lẫn Shonen Jump... Nhiều năm nay, chúng tôi đã là những biên kịch, đạo diễn và diễn viên vô hình của những đế chế giải trí này. Khi gửi kịch bản, giai điệu và hình ảnh vào tâm trí của những nghệ sĩ dưới trần gian, chúng tôi đã nhờ họ kể lại câu chuyện của mình trong các kiếp sống. Văn học, truyện tranh, điện ảnh và âm nhạc chính là những hình thức thần thoại của thời hiện đại. Đừng nhang khói nữa, các đền thờ và chùa chiền không có chúng tôi đâu. Nhưng nếu muốn, các bạn có thể gặp tôi trong tiểu thuyết của Victor Hugo, vài manga harem kinh điển nhất, hoặc nhóm Avengers. Thử đi, để hiểu rằng các vị thần gần gũi và tươi vui hơn bạn nghĩ.
Trong thời đại này, thần linh không cần các bạn kính sợ. Thần linh muốn được các bạn yêu. Được yêu luôn sướng hơn, và cũng khó hơn được kính sợ rất nhiều.
_ Vâng, cảm ơn anh đã chia sẻ. Tôi và nhiều bạn độc giả rất yêu quí anh!
_ Oh chúng ta có thêm điểm chung rồi! Tôi cũng yêu tôi nữa!

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 9): PROMETHEUS

Hàng vạn năm nay, con người đóng vai những linh hồn nhỏ bé, yếu nhược và tầm thường, chẳng có số phận nào khác ngoài phủ phục dưới sự che chở, dắt mũi và thống trị của thần linh. Hàng vạn năm nay, đủ thứ quỉ thần vẫn yên vị trên những tầng trời dựng bằng nỗi sợ và đức tin, hai ảo tưởng thấp kém nhất của những linh hồn mà họ cho là thấp kém nhất. Nhưng qua rồi, thời đã đổi! Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại mà chúng ta đang sống, con người sẽ phải học cách sống như thần thánh, và thần thánh sẽ phải học cách sống như con người, cho tới ngày hai giới biết làm bạn với nhau.
Tớ không nói đùa. Hãy nhìn thế giới hoang tàn mà chúng ta đã tặng nhau trong kỷ nguyên cũ. Trừ cái thiểu số cứng đầu chúng ta, ngay cả những linh hồn sinh động nhất một thời cũng đã bị tẩy não đến u mê, nay không khác gì những vật vô tri biết đi lại. Lúc này, đa số con người đang thỏa thuê và an phận trong lồng sắt - chẳng khác gì đàn lợn công nghiệp trong chuồng lợn, say cám lợn bí tỉ trước ngày vào lò mổ, coi những kẻ vỗ béo mình như bậc cứu thế, và gọi cái chuồng tù túng là hàng rào an ninh. Họ bóng bẩy, ngấy ngậy, đều chằn chặn, giống hệt nhau và dính chặt vào nhau, chẳng khác nào những cái xúc xích thịt người. Còn đa số bọn quỷ thần, bất kể hệ thống đức tin, thì chẳng khác gì những dây chuyền công nghiệp lạnh lùng đúc thịt người vào khuôn xúc xích. Không! Máy móc và chết chóc thế là quá đủ!
Từ hôm nay, chúng ta sẽ thánh hóa con người và nhân hóa các vị thánh!
Con Người - những cá thể còn giữ được một chút tính chất thiêng liêng của từ này - cần phải tự làm lại. Những thiên thần đi bộ ấy phải học cách lấy lại đôi cánh cổ xưa. Họ phải hiểu rằng không có thiên đường nào khác để an trú ngoài đôi cánh của chính họ - tức thời khắc sải rộng của linh hồn trên ngọn gió của lòng can đảm, trí tưởng tượng và tình yêu. Họ phải hiểu rằng không có bất cứ Thượng Đế nào, ngoài những linh hồn đầy say mê đang không ngừng sáng tạo thế giới. Họ phải hiểu rằng không có đức tin nào mang lại giải thoát, ngoài Tự Tin. Họ phải tự đứng dậy mà bảo vệ và bảo ban bản thân, trong một thế giới mà mọi quỷ thần đã tự chứng minh mình chỉ là kẻ ngốc.
Con Người tự có trong mình những phẩm chất linh thiêng và vĩ đại. Con Người sẽ từ giã số phận thiêu thân. Con Người sẽ tìm thấy chất men thần thánh trong chính mình. Đã đến lúc.
Và đã đến lúc các vị thần phải học. Hãy nhìn lại cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta đang chống lại cái gì? Những tổng lãnh thiên thần và quân đoàn dạ xoa của tớ. Hệ thống phòng thủ bằng máy tính của Zeus, và bằng bệnh dịch của Maria. Bản sao của Thor, viên đá tình yêu của Cupid, hệ thống nhà thờ của Michael, cùng đủ thứ chủng loại, gia tộc mà chúng ta góp sức tạo thành. Và vô số các cựu thần linh, nhiều người trong số này từng là bạn của chúng ta, đã tự biến mình thành robot.
Thật ngu xuẩn. Trong hầu hết các kiếp sống, chúng ta vẫn tự cho mình là ánh sáng duy nhất của thế gian. Chúng ta coi con người là thấp kém, mà vẫn tự xưng là yêu thương con người. Chúng ta tự cho mình cái quyền và cái vinh quang của việc bảo vệ, răn dạy và thống trị những linh hồn khác. Nhưng linh hồn cần vỗ cánh bay, chứ không cần những cái chuồng công nghiệp. Chính những bức tường thành mà chúng ta xây dựng đã nuốt chửng dân chúng trước cả những đạo quân xâm lăng.
Và chúng cũng từng nuốt chúng ta. Đã nhiều lần, vì nỗi bất an, chúng ta cố biến mình và biến nhau thành những tạo vật trật tự và hoàn hảo tót vời, thứ chỉ có thể là robot. Ngày nay, những kẻ hoàn hảo xấu số ấy đang cố giết chúng ta, hòng biến thế giới thành một trại cải tạo hoàn hảo tới tẻ nhạt. Vậy mà các đấng sáng tạo vẫn tiếp tục đặt nơi nhau những kì vọng chỉ có thể được đáp ứng bằng tiện nghi máy móc.
Cứ thế, bằng sự tự mãn và tham lam, chúng ta tạo ra một thế giới hoang tàn kinh tởm. Rồi vẫn vì tham lam và tự mãn, chúng ta đổ lỗi cho kẻ khác, rồi tìm lối thoát cho bản thân mình bằng cách ở ẩn hoặc hủy diệt thế gian. Cứ thế, trừ phi chịu thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại vòng quay kiến tạo và hủy diệt, khi những vị thần ngốc tới đáng thương hại cứ quì mọp trước sự hoàn hảo của máy móc, mà bỏ rơi thế giới bất toàn đầy chất người.
Hãy sống.
Đã đến lúc Con Người sống lại, bằng cuộc nổi dậy của đôi cánh, và các vị thần sống lại, bằng việc biết cảm thông. Thế giới mới đã mở ra không phải bằng cuộc chiến của những cỗ máy chết người, mà bằng sự đổi thay của những đấng sáng tạo đang sống.

NHẬT KÝ PHÙ THỦY (Chương 8): THE MAGICIAN

Phép thuật không có gì phi thường. Nó chỉ là sự chuyển hóa. Bản chất của mọi phép thuật là Thay Đổi. Để biến cái này thành cái khác, lấy của người này cho người khác, di chuyển tức thời từ chỗ này đến chỗ khác..., phù thủy gửi một sự thay đổi trong nội tâm mình vào thế giới xung quanh.
Học phép thuật, cho nên, là học Thay Đổi.
*
Có nhiều cách học phép thuật.
Nhiều kẻ học phép thuật qua sách vở chuyên môn. Họ đọc sách đạo học, chiêm tinh, chiêm bốc, dịch lý, bùa chú, phong thủy, tử vi... rất nhiều. Sách bàn nhiều về những qui luật đổi thay của thế giới. Nhưng sách nói: "Vạn vật không ngừng biến đổi". Vậy những qui luật này đã biến đổi chưa?
Hơn nữa, phép thuật là một hoạt động thực hành. Phù thủy giống vận động viên hơn là nhà vật lý. Phù thủy không giảng về Thay Đổi, mà sống trong Thay Đổi.
Nhiều kẻ học phép thuật bằng cách quan sát thế giới xung quanh. Ròng rã nhiều năm, họ quan sát sự thay đổi của trời, đất, động thực vật và con người. Nhờ ghi lại những vết hằn của thời gian, họ được xem như nhà thông thái. Nhưng kẻ không nhìn rõ vết xước trên mắt kính của mình có nên lộng ngôn về vết xước trong tim thiên hạ? Nếu không chịu đổi vị trí quan sát, liệu họ có hiểu tường tận dù chỉ một phút giây? Nếu không hiểu chỉ một thời khắc, thì nhiều năm quan sát giúp họ hiểu cái gì? Và nếu không lội đồng làm nông, ai tường được sự đổi thay trong từng vị mưa, sắc nắng?
Vậy nên đọc về Thay Đổi không bằng quan sát Thay Đổi. Quan sát sự thay đổi của thế giới bên ngoài không bằng quan sát sự thay đổi của thế giới bên trong. Phép thuật thuộc về kẻ dám chấp nhận sự thay đổi trong thế giới nội tâm, và bình tĩnh quan sát nó một cách tỏ tường.
Vì chỉ kẻ biết cho đi mới biết nhận về, biết mất đi mới biết lấy lại, biết buồn đậm mới biết vui lâu, biết chết mới biết sống. Nước chỉ chảy vào những con sông biết đổ ra biển. Còn lại, là những kẻ tù đọng và xú uế muôn năm.
*
Phép thuật và ảo thuật không khác nhau.
Ban đầu, cả hai đều là những lời nói dối.
Kế đó, cả hai đều là những lời nói dối được tin tưởng.
Thứ hoàn thành phép thuật chính là Niềm Tin.
Một người tuyệt đối tự tin sẽ thu hút năng lượng niềm tin của mọi người. Một linh hồn tuyệt đối tự tin sẽ thu hút năng lượng niềm tin của toàn vũ trụ. Khi ấy, cả vũ trụ xúm vào thực hiện sự Thay Đổi. Và sau đó, phép màu được tạo ra.
Để làm nên kì tích, phải tin chính mình.
Vào thời khắc mà phép màu được tạo ra, cả mọi người, vũ trụ lẫn bản thân đều chỉ là đạo cụ của ý chí.
*
Phép thuật của ta đã giết nhiều kẻ bất tử quyền phép.
Ấy là những tà thần hà hiếp kẻ yếu, ám hại người quân tử để ôm giữ một long mạch suốt hàng nghìn năm.
Ấy là lũ phật rởm cố xóa ký ức của mình và của tha nhân, ru nhân loại ngủ quên trong một trạng thái bại liệt tinh thần, vì sợ đối mặt với những tình cảm và tư duy hợp thành Nhân Tính.
Ấy là bầy thiên thần sa ngã cố ôm giữ một hệ thống xã hội vận hành bằng máy móc, những thủ đoạn tra tấn, tẩy não và những điệu nhạc hành khúc thôi miên.
Ấy là đàn quỷ hút máu bám mãi một dòng máu tù đọng, một lối tư duy thủ cựu và một niềm hãnh diện đã phân hủy thối hoăng, để chạy trốn cả cái chết lẫn ánh sáng.
Hàng vạn năm nay, chúng được xem là những kẻ quyền phép và bất tử. Quả thực, chúng đã giữ được những long mạch, huyết tộc, hệ thống xã hội, trạng thái tinh thần, và niềm kiêu hãnh ấy suốt nhiều nghìn năm. Nhưng trong mắt ta, chúng chỉ là những kẻ sống dở chết dở đang chờ đặc ân của phép thuật cuối cùng. Bởi Thay Đổi có thể biến long mạch mà chúng lệ thuộc lâu nay thành biển lửa hoặc đầu đạn hạt nhân thiêu sống chúng. Thay Đổi là dòng lũ cuốn phăng những tên hèn đang cố trụ trong một trạng thái tinh thần cố định. Thay Đổi sẽ thêm những biến tấu trầm bổng vào bản hành khúc nhạt nhẽo, làm sụp đổ hệ thống xã hội vận hành bằng tiếng hót của loa phóng thanh. Thay Đổi sẽ biến mọi điều kiêu hãnh thành điểm yếu chết người. Bởi vậy, dưới phép thuật của những Con Người dám chủ động đổi thay, những kẻ bất tử đã chết và sẽ chết.
Thời của đám ký sinh trùng đã khép lại. Kỷ nguyên của các đấng sáng tạo đã lần nữa mở ra.
Đấng sáng tạo không tự xưng bất tử bao giờ. Vì bình minh là đám tang của ngày cũ.
*
Hermes tiết lộ: "Tình yêu là phép thuật mạnh nhất".
Jesus ghi chú: "Thượng Đế là tình yêu".
Nhà ảo thuật cười khẩy: "Vậy ra Thượng Đế cũng có nhiệm kỳ".
LÊN ĐẦU TRANG