Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Thư cuối năm viết cho em từ đảo

Em thương,
Mấy hôm nay anh ở ngoài đảo. Anh sống cùng với một gia đình ngư dân nơi một eo biển vắng trong bốn ngày. Họ cho anh ở, cho anh ăn, cho anh đi theo đánh cá, bày cho anh lặn ốc, bắt cua, và cho anh được ngủ trên ghe của họ. Ở trên đảo, anh được leo núi, lặn ngắm san hô, và ngồi đọc sách hàng giờ bên bờ biển.
Anh sẽ không kể cho em làm sao anh lại đến được nơi này: thực ra rất dễ, chỉ cần em tránh xa những tour du lịch, những con đường nhựa phẳng lì, những resort cao cấp, những trò giải trí bày sẵn. Chỉ cần em đi thật xa, đến một nơi vắng người, trò chuyện với họ, và ngỏ ý xin ở lại cùng họ vài ngày. Anh tin rằng không những sẵn lòng đón em, họ còn thiết đãi em bằng tất cả những gì họ có.
Anh muốn nói với em nhiều hơn, về cách chúng ta sống. Bởi những ngày trên đảo anh càng vui sướng bao nhiêu, anh càng nghĩ đến thân phận của chúng ta – những con người thành thị – bấy nhiêu. Anh nghĩ chúng ta thật đáng thương. Chúng ta như những chú chuột lang cứ mải miết chạy trong cái lồng xoay do chính chúng ta dựng lên. Chúng ta quá coi trọng đồng tiền, quá coi khinh thời gian và sức khỏe. Chúng ta chạy như điên cho đến khi mệt rũ, chỉ để nhận ra rằng mình đã lún sâu hơn vào vòng xoáy của cái mà chúng ta nghĩ là cuộc sống.
Cái chúng ta nghĩ là cuộc sống chỉ là một mẩu rất nhỏ của cuộc sống rực rỡ thực sự. Em sẽ hiểu điều đó khi em ngước lên bầu trời đầy sao nằm đợi trăng lên. Em sẽ hiểu khi em bơi theo đàn cá đủ màu đang tung tăng giữa rặng san hô. Em sẽ hiểu điều đó khi em trò chuyện với nhiều người đến từ nhiều thế giới khác, từ nhiều cách sống khác. Em sẽ hiểu điều đó khi – nhất là khi – em ở một mình.
Em sẽ hiểu rằng điều quý giá nhất trên đời là việc SỐNG TRỰC TIẾP. Chúng ta đến đây để trải nghiệm, và trải nghiệm chỉ có được khi em nếm, chạm, tương tác trực tiếp với dòng chảy sống động xung quanh em. Em vẫn còn biết ngạc nhiên, còn biết khám phá, còn biết phiêu lưu. Con người trong sáng nhạy cảm đó ở trong em chưa bao giờ chết. Nó chỉ ngủ quên, bởi chúng ta đã sống gián tiếp bao lâu rồi. Ta ăn thức ăn đã qua quá nhiều khâu xử lý độc hại, ta uống thức uống đầy hóa chất, ta nạp vào người những ý tưởng, những cảm xúc, những câu chuyện đã được nhào nặn, thổi phồng, tung hứng qua bao nhiêu chiêu trò giáo dục, truyền thông. Ta bị nhét (và tự nhét) vào đầu hàng tỉ thứ công thức/định nghĩa, đến mức ta nghĩ rằng ta biết thế nào là ngon, là hay, là bổ, là tốt. Và rằng tất cả những thứ đó có thể mua được bằng tiền.
Em nghĩ rằng em sẽ dễ chịu và an toàn khi có tiền. Nhưng tiền có vẻ như không bao giờ đủ. Em thậm chí còn không dễ chịu trong cái gọi là vùng-dễ-chịu (comfort zone) của chính mình. Em sợ. Em nghĩ là bước ra khỏi vùng dễ chịu đó, không nhận tháng lương tiếp theo, không uống lon nước ngọt kế tiếp, không lên tiếng về hoa hậu hay đội tuyển quốc gia, em sẽ không sống nổi. Sự thật là ngược lại: ngay khi em tự cho phép mình rời khỏi vòng xoay – đó sẽ là lần đầu tiên em sống.
Cuộc sống vốn bất định – chính vì bất định nên rực rỡ. Ngay khi em công thức hóa, an toàn hóa, dễ chịu hóa nó – chính là em đang làm hẹp nó. Để sống thực sự, em không cần phải làm gì quá nhiều. Việc của em, chỉ là dũng cảm.
Chúc em một năm mới dũng cảm kiên cường!


Anh,

viết cho em, về cách mạng

Mấy hôm nay anh thấy trên mạng có một phong trào rất thú vị tên là “Tôi Không Thích”, một phong trào mà nếu cho anh quay ngược thời gian khoảng 3 năm, kiểu gì anh cũng tham gia vẽ vời cổ động khí thế. Tuy nhiên, với tư cách là người vừa đi qua giai đoạn ấy, anh muốn viết cho em mấy dòng.
Trước tiên và trên hết, anh cần em hiểu rõ rằng những gì anh sắp viết ra đây không phải là để chống lại hay ngăn cản điều em đang làm. Em hãy cứ làm điều em muốn, cứ bày tỏ điều em cho là phải, cứ quan tâm điều em thấy cần phải quan tâm. Nếu em đọc blog của anh, em hẳn đã biết rằng anh ủng hộ hoàn toàn quyền tự do hành động của em. Những điều dưới đây, hơn bất kỳ lúc nào khác, ngay khi em đang hừng hực khí thế này, sẽ giúp em chậm lại một chút, suy nghĩ sâu hơn một chút, trước khi tiếp tục. Điều này tự nó không bao giờ là lãng phí, phải không?
Em thương,
Quan tâm đến chính trị và bị nó cuốn đi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chính trị, xét cho cùng, là vòng xoáy của quyền lực / quyền lợi vô cùng tàn nhẫn, u mê và không lối thoát. Nếu em thực sự đủ hiểu biết và trưởng thành, em sẽ tự biết cách rời xa nó, vì một điều căn bản hiển nhiên: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính tâm trí đã tạo ra vấn đề đó. “We can’t solve problems by using the same kind of thinking we used when we created them.” (Einstein).
Nếu các em đọc kỹ các bài viết của nhau, từ cả trái lẫn phải, cả trong lẫn ngoài, và nhìn sâu xuống bên dưới, em sẽ thấy chúng giống nhau vô cùng, và giống y chang các bậc cha ông chúng ta hồi họ còn trẻ. Cùng một lòng nhiệt huyết, cùng một sự hung hăng, cùng một thái độ “cách mạng”. Nhưng những điều ấy khó lòng tạo nên thay đổi thực sự, bởi vì không ai trong các em đang “cách mạng” bản thân mình. Em đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì, việc này chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ cho em và cho người khác, dù em thất bại hay thành công.
Hãy để ý đến năng lượng, bởi mọi thứ đều là năng lượng. Em đang tức giận, và em có quyền được tức giận. Thậm chí anh nghĩ mỗi người trẻ đều nên có một giai đoạn tức giận, bởi vì nếu em không tức giận một tí nào suốt tuổi trẻ, thì khả năng em già quá nhanh hoặc chết não là rất lớn. Nhưng nỗi tức giận của em đang tạo ra loại năng lượng gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến người khác? Nó đang lan truyền đi như thế nào? Nếu nó làm tăng hận thù, tăng đấu tranh, tăng nỗi uất ức, anh khuyên em nên cẩn trọng. Lịch sử chúng ta đã chứng minh điều này: chưa từng có cuộc cách mạng nào được nuôi dưỡng bằng lòng hận thù, uất ức mà lại đem đến một cuộc sống tươi đẹp lâu bền. Nó chỉ tạo tiếp thêm hận thù uất ức, và tự nó lại tiếp tục phá huỷ chính mình.
Chúng ta nếu có cần một cuộc cách mạng, thì đó là cuộc cách mạng bên trong. Cuộc cách mạng trong đó thay vì than vãn nhà quá nhiều rác, chúng ta bắt tay vào dọn dẹp. Thay vì nguyền rủa lũ vô đạo đức, chúng ta tự mình sống tử tế. Thay vì nghiến răng chửi bọn ngu dốt, chúng ta học để hiểu biết hơn, bao dung hơn, bản lĩnh hơn. Tất cả bắt đầu từ chính mình, không cần so sánh với ai, nhìn vào ai, trông chờ ai đánh giá. Đó mới là cuộc cách mạng mà em cần.
Thương em,

Nếu em yêu cái đẹp

Em thương,
Em hỏi anh tại sao lại ngăn em nói ra những điều khiến em căm ghét? Anh không ngăn em, em biết mà. Anh chỉ khuyên em nên cẩn trọng. Em cần phải hiểu điều này thật rõ.
Trên đường dài học tập, anh nhận ra một điều thế này: ta cần phải biết yêu cái đẹp trước khi căm ghét cái xấu. Nếu không, lòng hận thù sẽ tóm lấy chúng ta và nghiền nát chúng ta. Nó chắc chắn đủ mạnh để phá huỷ những điều đẹp đẽ – tất cả các cuộc cách mạng trên đời là minh chứng cho điều này.
Khi em biết yêu cái đẹp một cách sâu sắc, em nhất định sẽ chạm đến phần thiện của con người mình, và cùng lúc đó em sẽ nhìn mọi vật khách quan hơn, đúng-như-nó-là hơn. Nếu em yêu cái đẹp, cho dù thế nào, em sẽ luôn cố gắng không gây hại đến người khác. Cho dù em giận dữ, em cũng sẽ kiềm chế những lời xúc phạm. Cho dù em ham muốn, em cũng không tước đoạt của người khác. Cho dù em đau khổ, em cũng không đổ hết lỗi cho hoàn cảnh. Nếu em yêu cái đẹp, em sẽ luôn thấu hiểu và luôn sống với thiện tâm.
Nếu em thực sự yêu cái đẹp, em sẽ không nhân danh cái đẹp mà làm điều xấu – quá nhiều người đang làm điều này. Nhân danh lòng yêu nước, nhân danh lòng yêu gia đình, nhân danh lòng yêu Thượng Đế, họ có thể làm bất cứ điều xấu ác nào (vốn họ không coi là điều xấu ác). Sự nhân danh này chắc chắn không phải là tình yêu trọn vẹn. Nó là phần xấu xí, phần tăm tối vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, được kích hoạt. Và nó kích hoạt được dễ dàng bởi vì em đã không học yêu cái đẹp một cách sâu sắc trước đó.
Việc thể hiện ra lòng căm ghét tự nó không phải là một điều xấu – nó cũng chính đáng và đáng trân trọng như việc thể hiện bất kỳ ý tưởng/xúc cảm nào khác của em. Nhưng anh dặn em cẩn trọng, là cẩn trọng với tác động mà một xúc cảm tiêu cực có thể tạo ra. Em có bao giờ truy nguyên về nguồn gốc nỗi tức giận của em không? Em có bao giờ nhận ra rằng nỗi tức giận đó đã được gieo vào lòng em bằng một nỗi tức giận khác, của một người khác vốn đã bị ảnh hưởng từ một người khác nữa? Em có bao giờ tự hỏi tại sao Facebook không bao giờ cung cấp cho người dùng nút “dislike” không? Nếu họ có, và nếu lòng căm ghét được lan truyền, được nhân rộng, rồi cuối cùng sẽ tạo ra điều gì? Chúng ta sẽ làm gì với một đám đông giận dữ? Nhất là khi đa số trong đám đông giận dữ ấy còn chưa được học về cái đẹp, và tình yêu?
Nhưng ta học yêu cái đẹp như thế nào, em sẽ hỏi, khi ta lớn lên giữa một rừng xấu xí, nơi dối trá, chửi mắng, than vãn nhiều hơn những lời yêu thương? Ta học bằng cách chọn lọc thông tin, bằng cách tập trung vào việc mình làm, bằng cách sống tử tế. Ta học bằng khoa học, bằng tâm linh, bằng nghệ thuật. Ta học bằng cách nhìn sâu vào trong chính mình, bằng cách đi theo dấu hiệu chỉ đường của niềm vui, của ánh sáng. “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh”, Trịnh đã dặn em bằng tất cả nỗi tuyệt vọng của mình như thế.
Anh mong đến một lúc nào đó, sớm thôi, em sẽ nhận ra điều quý giá nhất trên đời, cách sống minh triết nhất trên đời, là sống hồn nhiên. Lão Tử nói với em như thế, Nietzsche nói với em như thế, Osho nói với em như thế. Rằng sau khi em đã nặng nhọc u mê như lạc đà, đã hùng dũng hiên ngang như sư tử, hãy trở lại hồn nhiên như đứa trẻ. Và anh sẽ luôn ở đây, chơi đùa cùng em.
Thương yêu em,

Như mới bắt đầu

Em thương,
Từ khi bắt đầu dạy vẽ, câu hỏi anh nhận được nhiều nhất là “Em hoàn toàn không biết vẽ một chút nào, em có thể học được không?” Được chứ, em của anh. Đó là toàn bộ lý do em cần học, và em nên học. Và đó cũng là trạng thái em nên giữ cho mình, trạng thái của người mới bắt đầu. Anh sẽ kể em nghe tại sao.
Khi mới bắt đầu, em không biết. Vì không biết, nên em tò mò. Em trở lại thành đứa trẻ con, em háo hức khám phá mọi thứ. Càng khám phá, em càng nhận ra mình không biết gì cả – đó chính là vòng xoáy đi lên của tri thức, của sáng tạo. Em nới dần vùng hiểu biết của mình ra, chỉ để yêu quý trân trọng hơn những điều em không biết, những bí ẩn thiêng liêng vẫn luôn tồn tại cùng em, từ trước cả khi em biết tồn tại là gì.
Khi mới bắt đầu, em không sợ. Có gì để sợ nào? Tất nhiên em sẽ tạo ra sai lỗi, đó là điều chắc chắn. Nhưng còn cách nào khác để học nữa đâu? Những kẻ sợ sai chẳng bao giờ học được gì nhiều: trong trường hợp tốt nhất, họ chỉ được tuyên dương vì là người-lặp-lại xuất sắc. Còn em, ngay từ đầu em đã không muốn lặp lại, đó là toàn bộ lý do em bắt đầu, phải không?
Khi mới bắt đầu, em phấn khích. Hãy nhớ lại những lần khai giảng đầu tiên, những buổi hẹn hò đầu tiên, những đồng tiền đầu tiên em kiếm được. Mọi thứ đầu tiên đều gây phấn khích – sự phấn khích này sống động biết bao nhiêu. Hãy nhìn một người trẻ đã không còn phấn khích nữa: họ sống như những ro-bot, những thây ma.
Khi em mới bắt đầu, mọi khả năng đều là của em. Hãy ngắm nhìn thật kỹ: có gì đó tuyệt đẹp khi mọi điều đều có thể xảy ra. Em là hạt giống vừa rời cành, không ai biết gió sẽ đưa em đến đâu. Em là chim vừa rời tổ, không ai biết những vùng đất nào em sẽ bay qua. Em là thuyền vừa rời bến, không ai biết những biển cả nào em sẽ chinh phục. Điều em sắp học được, em có thể dùng cho bất kỳ điều gì, em có thể sống nó theo bất kỳ cách nào. Em không nhất định phải học vẽ để trở thành hoạ sĩ, không nhất định phải học kế toán để suốt đời đếm tiền. Em không nhất định phải làm gì cả – em chỉ là người mới bắt đầu mà thôi.
Và đây là bí mật tuyệt vời nhất: em có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào. Không chỉ năm mới, không chỉ ngày mới, mà mỗi giây phút em sống đều có thể mới, bằng cách bắt đầu. Bất kỳ lúc nào em cảm thấy mình cùn mòn, mình kiêu ngạo, mình buồn chán. Bất kỳ lúc nào em sợ hãi, em trống rỗng, em hoang mang. Chừng nào em còn thở, hãy nhớ rằng em có khả năng ôm ấp toàn bộ đời sống vào lòng, vì bên trong em có sức mạnh vô biên, của người mới bắt đầu.
Chúc mừng năm mới,
Thương yêu em,

Em thức dậy làm gì ?

Hôm nay có bạn đặt cho anh một câu hỏi hay, rằng tại sao người ta nên thức dậy, nhất là khi sự thức dậy đó khiến họ thấy rõ là họ đang khốn khổ như thế nào? Tại sao không tiếp tục chìm sâu trong giấc ngủ ngàn năm mà họ tưởng là thực tại? Câu hỏi này khó, nhưng anh vẫn sẽ kể em nghe.
Nếu em Google “why should people wake up”, em sẽ không nhận được câu trả lời đúng nghĩa. Thay vào đó, nó sẽ cho em “5 cách mà những người thành công làm trước 8 giờ sáng”, “tại sao những người thành đạt luôn dậy sớm”, “29 người thành công luôn dậy rất sớm”. Đó là một câu hỏi khác, câu hỏi về “thành công”, mà anh sẽ kể cho em nghe sau. Ta đang nói chuyện “thức dậy” theo một nghĩa khác hẳn.
Bây giờ, trước khi thức dậy, em cần biết là em vẫn đang ngủ. Em không tin, hẳn rồi. Em đang thức, em đang đọc những dòng này. Và anh sẽ không cố chứng minh là em đang ngủ. Anh sẽ chỉ nói về điều mà em có thể làm được, nếu em thức dậy.
Nếu em thức dậy, em sẽ nhìn mọi thứ rõ hơn. Rõ như chưa bao giờ rõ đến thế. Rõ từng chuyển động, từng màu sắc, từng âm thanh. Rõ từng sự việc, từng xúc cảm, từng mối tương quan nhân quả. Em biết việc gì xảy ra sẽ dẫn đến việc gì. Vì em biết, nên em ngừng tạo ra các hành động dẫn đến các hậu quả xấu. Em biết tại sao người ta xấu. Vì em biết, nên em thông cảm. Vì em thông cảm, nên em bình an.
Nếu em thức dậy, em sẽ tự do hơn. Em sẽ không chỉ tự do khỏi mọi ràng buộc chính trị, đạo đức, tôn giáo, hay bất kỳ ràng buộc nào áp đặt lên em từ bên ngoài. Em còn tự do khỏi chính em, bởi điều khiến em đau khổ nhất, đáng tiếc thay, lại chính là bản ngã quay quắt mù loà của em. Em sẽ không bao giờ còn lo sợ thua kém người khác, sợ sự đánh giá của người khác, sợ bị hiểu lầm bởi người khác. Khi em không sợ nữa, em sẽ làm được những điều em không bao giờ nghĩ là em có thể làm.
Nếu em thức dậy, em sẽ hạnh phúc hơn. Em sẽ không thấy khổ dù em ở trong cảnh khổ. Sự khổ hoàn toàn tách biệt với em. Và cả sự sung sướng nữa, chính nó cũng không còn cuốn hút em. Em sẵn sàng cho mọi thứ, em chấp nhận mọi thứ, em mời gọi mọi thứ. Cuộc sống của em rực rỡ sống động. Ánh mắt của em tràn ngập yêu thương. Từng hơi thở của em là từng giây em cảm thấy biết ơn. Nếu em thức dậy, em sẽ hiểu toàn bộ ý nghĩa của đời sống, em hiểu tại sao em lại ở đây, tại sao em làm những việc em đang làm. Lần đầu tiên, em sẽ thực sự SỐNG.
Thế và, nếu đọc đến những dòng này mà em vẫn lựa chọn không tin, hoặc nghĩ rằng những điều trên không xứng đáng để em bõ công thức dậy, kể cả thế thì cũng không sao cả. Có người sớm hơn, có người muộn hơn, nhưng rốt cuộc rồi tất cả chúng ta đều sẽ thức dậy. Chúng ta được sinh ra, để ngủ, và để thức dậy. Đó vốn là định mệnh của chúng ta.
Hẹn sớm gặp,
Thương yêu em,

Thư tình gửi Phụ Nữ

2560px-Sandro_Botticelli_-_La_nascita_di_Venere_-_Google_Art_Project_-_edited

Tranh: Sự ra đời của Thần Vệ Nữ của Sandro Botticelli.
—-
Phụ nữ, làm sao viết về người cho đủ đầy? John Lennon đã từng hát lên tha thiết “Woman I can hardly express, my mixed emotion at my thoughtlessness, after all I am forever in your debt…”
Phụ nữ, tôi nợ người mãi mãi, và những dòng tôi sắp viết ra đây, vốn đúc rút từ những quan sát trải nghiệm nông cạn của chính tôi, chắc chắn không dám dạy dỗ khuyên nhủ người, mà chỉ muốn nói lên lòng mong mỏi da diết của tôi, bằng lòng kính yêu vô hạn của tôi, dành trọn cho người.
Tôi mong người không lệ thuộc. Dù tôi biết người được sinh ra và lớn lên trong lệ thuộc. Người được dạy phải lệ thuộc. Lệ thuộc vào gia đình. Lệ thuộc vào xã hội. Lệ thuộc vào đủ thứ lề thói xã hội, vào cái gọi là đạo đức, văn hoá, tín ngưỡng. Người sinh ra như rơi vào giữa vòng vây, vung lối nào cũng thấy dính mắc. Người khó có thể tự mình lựa chọn một điều gì, khó có thể tự quyết định lấy cuộc sống của chính mình. Và từ sự lệ thuộc này, biết bao nhiêu điều khiến người đau khổ, vì chữ “lệ” trong chữ “lệ thuộc” và trong chữ “nô lệ” không khác bao nhiêu. Tôi mong người hiểu rằng, chừng nào người còn chưa tự do, người không thể dạy cho con của người tự do, và nhân loại còn chưa thể tự do.
Tôi mong người không hy sinh. Người thường được tôn vinh bởi hai chữ hy sinh, nhưng người không biết rằng đấy chỉ là một cái bẫy để khiến người lệ thuộc nhiều hơn. Người bị buộc phải làm những điều người không muốn, nhân danh tình thương yêu. Nhưng cùng lúc đó, người đang làm tổn thương chính mình. Người nhẫn nhịn, người chịu đựng, người nén chặt những nỗi niềm riêng. Tôi mong người hiểu rằng, không một ai thực lòng yêu thương người lại đòi hỏi người phải hy sinh, và rằng tình thương yêu đích thực không bao giờ cần đến hai chữ “hy sinh”: chúng ta yêu người khác cũng là yêu chính mình, và hạnh phúc của người cũng quan trọng như hạnh phúc của bất kỳ ai khác.
Tôi mong người không áp đặt. Tôi hiểu rằng khi đã lệ thuộc, khi đã hy sinh, người cũng đòi hỏi quyền lực cho riêng mình. Với quyền của Vợ, của Mẹ, của Bà, người vừa dạy dỗ con cháu nhưng cũng áp đặt lên con cháu. Tôi đã chứng kiến người la mắng, giận dỗi, than khóc khi con cháu lựa chọn một điều gì trái ý, làm một việc gì khác biệt, yêu một người nào mà người nghĩ là sai lầm. Tôi mong người hiểu rằng, dù công ơn nuôi dạy của người có lớn đến đâu, dù kinh nghiệm sống của người có giàu có đến mức nào, cũng không bao giờ người có thể giang tay bảo bọc một đứa trẻ cho đến hết đời nó. Tôi mong người hiểu rằng, lòng dũng cảm để có thể buông tay cho một đứa trẻ tự trưởng thành, cũng thiêng liêng và cần thiết như chính công ơn người mang nặng đẻ đau ra nó.
Phụ nữ, người là Mẹ của Nhân Loại. Hạnh phúc, tự do, và sự hiểu biết của người cũng chính là sự tiến hoá của toàn bộ chúng ta. Như anh nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh từng nói sau khi xem “Tân Tây Du Ký” của Châu Tinh Trì, rằng cần gì phải sang Tây Trúc thỉnh kinh, Thư Kỳ cũng có kinh mà? Ôi phụ nữ, không có kinh của người thì kinh Phật cũng câm lặng mà thôi.
Cháu/con/anh/em/bạn/người tình của Người,

Dân tộc sẽ bay cùng em nếu em quên dân tộc đi !

Em ạ,
Đã quá nhiều người hô hào giải phóng dân tộc để rồi nô dịch chính đồng bào mình.
Đã quá nhiều người đem hai chữ dân tộc ra để che đậy động cơ của mình, dù là bán nước, bán phong bao lì xì, hay bán một mớ áo thun.
Đã quá nhiều người đau khổ quằn quại dưới những lá cờ trắng vàng xanh đỏ.
Em ơi,
Anh Ngô Bảo Châu, lúc anh ấy giải toán, anh ấy là một nhà khoa học. Anh ấy không mang cả dân tộc theo mình khi giải toán. Chỉ khi anh ấy được giải, được công nhận, thì các bạn mồm bị dính lẹo hai chữ “dân tộc” mới xông vào vẫy đuôi rối rít.
Chị Nguyễn Ngọc Tư, khi chị ấy viết, chị ấy là một nhà văn. Đất nước này hiện lên buồn và đẹp, ấm nồng và đau đớn dưới ngòi bút của chị ấy. Nhưng em sẽ không thấy bất cứ một lá cờ nào hiện lên ở đó cả. Chỉ có đất, nước, và người.
Em Lê Cát Trọng Lý, lúc em ấy viết nhạc, em ấy là một nhạc sĩ. Em ấy kể về nỗi buồn, nỗi hoang mang sâu thẳm của mỗi người, bất kể người là ai, người làm gì, người từ đâu đến. Khi em đã chạm đến cốt lõi nguyên sơ đó, em sẽ nhìn thấy lá cờ kia cũng vô thường như một chiếc lá, rồi cũng rụng, rồi cũng trôi.
Em à,
Dân tộc, nó là thứ không cần mang vác, không cần khoa trương, không cần thể hiện. Anh đang viết cho em đây, bằng tiếng Việt. Chúng ta cùng nhau gọi tiếng Mẹ tiếng Ba. Máu của chúng ta là máu đỏ da vàng. Đó là điều hiển nhiên, là điều mặc định, là điều sẽ không rời bỏ em bất kể em đi đâu làm gì. Chỉ những người không hiểu nổi điều đương nhiên ấy, chỉ những người quá thiếu hiểu biết và lòng tin vào việc mình là ai, mình ở đâu sinh ra, thì mới hễ mở mồm ra là nói đến hai chữ dân tộc. Họ không yêu nước như em tưởng đâu em.
Trên tất cả, khi em làm một điều gì, hãy làm nó với tư cách một Con Người.
Dân tộc sẽ bay cùng với em, nếu em quên dân tộc đi.

Ngang đây một lúc thôi

Để anh nói với em điều gì đã xảy ra trên thế giới khi em không lưu tâm đến nó. Chính xác là những điều đã luôn xảy ra: KHÔNG GÌ CẢ.
Không gì thay đổi từ khi em chưa sinh ra. Vũ trụ nở ra rồi co lại. Đền đài xây lên rồi đổ nát. Con người gần lại rồi xa nhau. Em chưa từng bỏ lỡ một giây nào: tất cả những gì đang xảy ra trước mắt em đã xảy ra muôn triệu lượt.
Nhưng, theo một cách kỳ diệu nào đó, lần nào cũng là lần đầu tiên, và lần nào cũng là lần cuối.
Khi em ngắm nhìn thật kỹ người đối diện, dù đó là mẹ, là cha, là anh em, hàng xóm, bạn thân, người lạ đi cùng xe buýt, hay một người khác màu da phía bên kia trái đất, em sẽ luôn thấy những nét quen. Dường như ta từng quen nhau, ta vốn từng chung một nguồn gốc, nói chung một ngôn ngữ, chia chung một linh hồn. Rời xa nhau lúc trước, gặp lại nhau bây giờ. Riêng điều đó chẳng đã đủ kỳ diệu sao?
Thế giới vốn là một nơi kỳ diệu. Em đừng nghe bất kỳ ai nói khác đi.

28/9/2014, nghe tin em gái lớp Ba chết vì đói

Hiện thực sâu hơn tất cả những gì em nhìn thấy.
Đau khổ không phải chỉ vì nghèo đói. Đau khổ vì em muốn làm cái em không thể làm được, hoặc không thể nhanh chóng làm được. Chúng ta không ai hơn ai. Mỉa mai nhau không còn chút ý nghĩa nào. Mỉa mai nhau tức là mỉa mai chính mình. Dù từ bất cứ góc nào em đang nhìn, hãy nhìn xa hơn một chút để thấy em cũng là một phần trong khung cảnh em vừa thấy. Em có vô tội không? Em có đủ tốt không? Quan trọng hơn cả: Em đã làm gì để chuyển hóa nỗi đau khổ của mình?
Tất cả chúng ta đều đang chết. Em muốn chết thế nào?

Không mong đợi gì cả !

1937984_10201660449613825_1255548335_n
(Trích Thư gửi một em tuổi trẻ Việt Nam tha hương của Phạm Công Thiện, đề từ cho lần tái bản thứ nhấtÝ Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học tại hải ngoại, năm 1987)
Em,
Mới trở lại Los Angeles gần một tháng rưỡi, sau gần hai chục năm xa vắng cái thành phố mà ngày xưa tôi từng chán ghét đến tột điểm; ngày xưa thành phố tôi chán ghét nhất thế giới chính là nơi đây, Los Angeles, nơi hiện nay tôi đang viết thư này cho em, người tôi chưa hề gặp và chưa hề quen biết. Bây giờ đối với Los Angeles, tôi đã thay đổi tình cảm tôi với nó, vì lý do rất dễ hiểu là lúc đặt chân trở lại phi trường L.A. tôikhông mong đợi gì cả, nhìn thành phố L.A. như nhìn một người con gái lạnh lùng, vô hồn và không mong đợi, không mơ mộng gì cả và không phản ứng gì cả. Điều lạ lùng nhất là khi không mong đợi gì cả ở nơi thành phố L.A. này thì tôi dần hồi cảm thấy có cái gì mọc lên và trưởng thành trong tôi một thứ tình cảm nào đó rất dịu dàng thoát ra từ sâu thẳm tâm hồn, và bỗng nhiên tôi cảm thấy thương cái thành phố này, thương những hàng cây thốt nốt cao chót vót cô độc như một cái gì không thể nói được trong nỗi ấm ức nhói lên lười rười của lúc khoảng từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi.
Có lẽ lần trở lại L.A. tôi già đi hơn gần hai chục năm, có thể lần này trở lại tôi đã bỏ tất cả, bỏ tất cả những gì tôi đã sống cả chục năm ở Pháp, có thể chỉ là trong một giây phút nào đó tôi thấy mình đang đi, ngồi, đứng, nằm ở L.A. và không gian vẫn là một chỗ nằm rất nhỏ, giống như bất cứ chỗ nằm nào rất nhỏ, mà tôi đã từng nằm trong tất cả những thành phố ở khắp mặt đất mà tôi đã đi qua, cũng như thời gian thì chỉ vẫn là một giây phút, dù hai chục năm hay năm chục năm hay cả mấy tỷ năm trôi đi trên tinh cầu, làm gì thì làm mình vẫn thế, vẫn một mình, không cha, không mẹ, không anh em, không bạn bè, không quê hương, không vợ, không con, không nhà, không tiền, không tình yêu, không quá khứ, không tương lai và không cả hiện tại. Con người tôi lúc này 42 tuổi thực sự không khác và cũng không giống lúc tôi 20 hay 16 tuổi. Không khác ở đây có nghĩa là những gì tôi đã sống, đã cảm, đã nghĩ, năm 1960 lúc 19 tuổi khi bắt đầu viết quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, hay lúc 25 tuổi năm 1966 tại Paris khi cho xuất bản Ngày Sinh Của Rắn. Bây giờ tôi đang ngồi tại Los Angeles, tôi vẫn không khác xưa, tôi vẫn thấy mình thông minh như xưa và ngu xuẩn như xưa, vẫn ham muốn, thèm khát như xưa, vẫn mất dạy, tục tiểu, dâm dật, mê gái dớ dẩn như xưa, và cũng thánh thiện, vẫn tranh đấu đánh giặc với thân thể và tâm hồn mình từng giây từng phút, vẫn luôn tự vượt qua cái gì tầm thường bần tiện nhỏ bé nhứt của mình, vẫn lận đận lao đao, vẫn đời đời đói và khát, khát, đói khát, tất cả những gì mình không với tới được, và làm gì thì làm vẫn thấy mình vẫn là thế, tôi muốn triệu ngàn kiếp nữa vẫn thế, vẫn tập sống với những gì không thể sống được, vẫn mỉm cười khi không có gì để cười, tập yêu những gì mình ghét, tập làm ngược lại hết tất cả những gì mình ghét, tập lặn hụp, chầm dầm trong tất cả những gì tàn phá đời mình, tập thở vô thở ra những thuốc độc bao quanh, tập kiên nhẫn, kiên nhẫn, vẫn kiên nhẫn và vẫn mở mắt học đi học lại những gì mình đã thừa biết hết từ lúc 12 hay 13 tuổi, tập mê tiền, mê bạc mà mình suốt đời vẫn khinh bỉ, tập ăn đứng đàng hoàng, lễ phép, lễ độ, khôn ngoan, hòa mình với tất cả ngu xuẩn của đời sống, và cũng vẫn có ý định tự tử, nhưng cứ triển hạn không vì lý do gì cả, vẫn yêu đời, vẫn khiêm tốn rụt rè sợ hãi và ngạo mạn, ích kỷ, kiêu căng, ngang tàng, xấc xược, vẫn tự nhận mình là cái rún của tất cả thái dương hệ và đồng thời nhỏ bé ngu xuẩn vô minh hơn một con kiến, vẫn học lại từng chữ A, chữ B, tập bước đi từng bước và những gì cứ y ra như thế và vẫn thay đổi như thế.
Đó, đại loại những gì không khác xưa. Còn những gì không giống xưa là càng lúc càng thấy cái gì cũng thơ mộng, cái gì cũng cần thiết, cái gì cũng quan trọng, cái gì cũng chỉ xảy ra một lần duy nhất, cái gì cũng đáng cám ơn, cảm tạ, cái gì cũng đáng kính trọng, cái gì cũng không thể tránh được, cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng đáng yêu, cái gì cũng bát ngát mênh mông, cái gì cũng thênh thang, cái gì cũng do mình tạo ra, và cái gì cũng không phải là mình, cái gì cũng bừng sáng, và ngay cả đêm tối vảng vất cũng sáng bừng lên một ý tưởng, một điếu thuốc, một tình cảm, một tiếng thở hay một cái gì vẫn sống và chết đi và những cái gì rất là im lặng, rất im lặng, rất trong veo như lưu ly, một cái gì như là phép lạ, như một ngôi sao nào đó vẫn đi sát theo tôi trên cao.
Có một câu của RILKE vẫn theo đuổi sát tôi từ mấy chục năm nay: “Nếu đời sống hàng ngày của anh có vẻ nghèo nàn thì đừng đổ lỗi đổ thừa cho nó. Anh hãy đổ tội đổ thừa cho chính anh, anh hãy tự nói với anh rằng anh không dư tâm hồn thi nhân để khơi bừng dậy tất cả sự phong phú giàu sang thơ mộng tuyệt đỉnh của cuộc đời.” Trước khi tôi viết bức thư này cho em, tôi đã đọc lại mười bức thư của RILKE (gửi cho người thi sĩ trẻ tuổi) mà ngày xưa tôi đã dịch và đã xuất bản với bút hiệu Hoàng Thu Uyên (tên một tình nhân cũ đã chết mất trong đời tôi). Trên hai chục năm sau đọc lại RILKE, tôi run run như gặp lại những gì mình vẫn nhìn thấy được từ kiếp này. RILKE, thi sĩ tôi khinh bỉ và lại cũng kính trọng, vì RILKE có một lối sống mà tôi không thích sống, lối sống của một người dâng cả đời mình cho Sáng Tạo và Thi Ca và Nghệ Thuật (tôi khinh bỉ tất cả những thi sĩ, tiểu thuyết gia, tư tưởng gia, triết gia. Tôi chỉ kính trọng những ông thánh bà thánh, những ông bà đạo sư đạo sĩ – Có lẽ con quỷ đói khát trong tôi quá lộng hành hay nói ngược lại cũng được cho vui mọi người). RILKE đã nói đâu đây trong bức thư thứ tám: “Có lẽ mình phải chịu đựng nỗi buồn của mình với lòng tin tưởng lớn lao hơn là những nỗi vui. Vì những giây phút mình buồn là lúc có cái gì mới lạ đang len lỏi vào tâm hồn mình, một cái gì lạ lùng không hề biết đến, những cảm giác mình trở nên câm lạng trong sự ngơ ngác rụt rè, và một sự trầm lặng im lìm đang hiện tới, và mọi sự chung quanh rút đi lẳng lặng, và niềm im lặng, sự mới lạ không ai hề biết đứng giữa đó và im lặng trầm trầm.” Và về Tình Yêu và Tình Thương trong bức thư thứ bảy, RILKE đã nói một câu tuyệt với: “Tình yêu chính là hai nỗi cô đơn che chở đùm bọc lấy nhau và chào hỏi với nhau.” Và một câu khác của RILKE đáng nhớ đời đời: “Mọi sự đều là thai nghén và bừng nhụy đơm hoa” trong bức thư thứ ba. Tôi muốn gửi 10 bức thư của RILKE cho em, nhưng tiếc chưa gửi ngay được. Cả bức thư không đầu không đuôi này là để trả lời gián tiếp cho mấy bức thư em gửi cho tôi. Em chắc đã đọc quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, và trong mấy bức thư của em, em đã nêu lên vài câu hỏi về sự có mặt của tôi tại Mỹ và sự hiện diện của tôi trên Nguồn Việt. Em có vẻ trách cứ: “Em ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy anh tái xuất giang hồ. Để làm cái chi thế anh? Cả hai mươi năm nay anh chẳng thèm mở miệng… Đã không thèm mở miệng, vậy thì tại sao anh lại xuất hiện? Tại sao anh qua Mỹ? Em sẽ buồn, rất buồn khi biết anh đập cái vỏ ốc bước ra ngoài thêm lần nữa… Nếu anh cứ im lặng thì tuyệt vời vô cùng. Anh không thích danh, nhưng anh vẫn ưa làm ra danh. Em chẳng biết viết cái chi nữa. Anh mâu thuẫn với chính cả anh.”
Trong bức thư khác, đề ngày 24 tháng bảy, lại có tâm sự này nói lên tất cả bàng hoàng của tuổi trẻ Việt Nam lưu lạc ở hải ngoại: “Dân tộc mình làm sao khá được? Mình đã thấy được như thế, làm ngơ hay làm loạn? Anh đã làm loạn, em đang làm ngơ và muốn làm loạn, và để rồi cả anh lẫn em đều bế tắc, thất bại và bất đắc chí.” Những gì em đã đặt ra trong mấy bức thư liên tiếp có thể được tóm lược như trên, nhưng tựu chung tất cả đều nói lên nỗi niềm cô độc nào đó của tuổi trẻ, thứ nhất là mong đợi, Mong Đợi một cái gì đó từ thế hệ đi trước, gọi là đàn anh khả kính, thứ hai là bất mãn với đồng bào chung quanh mình, lúc bơ vơ ở đất khách quê người và muốn làm cái gì đó để đổi thay, nhưng vẫn cảm thấy bất lực, bế tắc, thất bại và bất đắc chí. Nói cho gọn lại thì đó là hai vấn đề quan trọng của tuổi trẻ từ mấy triệu ngàn năm trên mặt đất, nhưng hai vấn đề này trở nên vô cùng trầm trọng đối với tuổi trẻ Việt Nam trai qua bao trận chiến tranh phân ly, ly tán cùng độ, và hiện nay mất hết gốc rễ tại đất người. Tôi không thể nào tự hào trả lời được hai vấn đề trên vì thực sự tất cả những gì tôi đã viết ra từ lâu trong mấy chục cuốn sách đã nói ra những gì cần nói trên cuộc đời này và đã im lặng những gì cần im lặng…
Phạm Công Thiện

Glendale, California 27 tháng 7, 1983

Hết đi cho nó tình cảm !

Đám cưới. Đám giỗ. Đám nhậu. Tết nhất. Bất cứ chỗ tụ tập nào. Em ngồi xuống và một, hai, ba, dzzzô. Em thúc ép, giục giã, khiêu khích và đánh giá người khác thông qua việc uống. Em cầm cốc và gào lên “Hết đi cho nó tình cảm!”. Em đã bao giờ thử ngưng uống và suy nghĩ về chuyện ấy chưa?
Lúc đầu tiên có thể em uống để cho vui. Rượu bia thấm vào máu làm cho em thư giãn và hưng phấn. Em quên bớt đi phiền muộn, khó khăn, áp lực. Em cởi mở hơn, hào phóng hơn, vui vẻ hơn, liều lĩnh hơn – những trạng thái mà nếu không uống say em không thể có được. Em thèm được thả lỏng ra và trốn khỏi cuộc sống nhàm chán và khổ sở, dù chỉ trong chốc lát.
Em còn uống để không bị lạc lõng, không bị tẩy chay. Em uống như một thủ tục ngoại giao, như một thủ đoạn chính trị. Em uống để không bị khinh, không bị ghét. Em uống vì sợ hãi nhiều hơn vì thích thú. Nhưng tất nhiên em sẽ không thừa nhận sự sợ hãi: em uống nhiều hơn để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông. Em hoàn toàn bị khuất phục và điều khiển nhưng lại sống trong ảo giác rằng mình mạnh mẽ và tự chủ.
Và thử nghĩ xa hơn, chẳng phải mọi điều khác cũng tựa như việc uống bia sao? Quyền lực, tiền bạc, tình dục, danh vọng, chính trị, đạo đức, tôn giáo… Em muốn có chúng, không phải vì em thực sự muốn có chúng mà vì xung quanh em hầu hết mọi người đều đang lao vào chúng. Họ dạy cho em, họ thuyết phục em và cuối cùng họ ép buộc em lao vào chúng. Em có nhận ra không?
Điều đáng sợ khiến em có thể không nhận ra, đó là sự nhân danh. Họ nhân danh tình cảm, họ nhân danh tình bạn, họ nhân danh tình yêu. Họ nâng cốc lên và nói “Hết đi cho nó tình cảm”. Họ bắt em làm một việc và nói rằng “Làm đi nếu mày tôn trọng tao.” Họ rủ rê em làm một việc khác và nói rằng “Làm đi nếu mày muốn tốt cho bản thân mày.” Em có bao giờ ngưng lại và suy nghĩ kỹ về tất cả những lời ấy chưa? Em có thực sự muốn có tình cảm với cái người đang nâng cốc kia không? Loại tình cảm đòi hỏi người khác phải chứng minh là loại rác rưởi gì vậy? Và làm sao họ biết cái gì là tốt cho bản thân EM?
Nếu em quên, thì anh lại nhắc: chỉ có em biết cái gì là tốt cho bản thân em. Nếu em nhận ra việc gì là xấu, ngừng nó lại. Có quá nhiều cách để em có thể sống là chính em, sống thư giãn và hưng phấn, sống vui vẻ và tràn đầy tình cảm, mà không bị ép buộc, cũng không nhờ chất kích thích. Muốn thế, trước tiên em phải tách mình khỏi đám đông và hiểu cho rõ chính bản thân mình. Bởi để thực sự sống, mỗi chúng ta bắt buộc phải tự tìm lấy cách sống riêng. Không còn cách nào khác đâu em.
Và đừng sợ: con đường đi tìm bản thân dù không dễ nhưng cũng không cô đơn và khó khăn như em tưởng. Chúng ta đều là bạn đồng hành. Nếu em thực sự muốn lên đường, anh sẽ uống với em một ly.
Em hãy tự chọn uống hết, hoặc không.
LÊN ĐẦU TRANG