Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Thư tình gửi Phụ Nữ

2560px-Sandro_Botticelli_-_La_nascita_di_Venere_-_Google_Art_Project_-_edited

Tranh: Sự ra đời của Thần Vệ Nữ của Sandro Botticelli.
—-
Phụ nữ, làm sao viết về người cho đủ đầy? John Lennon đã từng hát lên tha thiết “Woman I can hardly express, my mixed emotion at my thoughtlessness, after all I am forever in your debt…”
Phụ nữ, tôi nợ người mãi mãi, và những dòng tôi sắp viết ra đây, vốn đúc rút từ những quan sát trải nghiệm nông cạn của chính tôi, chắc chắn không dám dạy dỗ khuyên nhủ người, mà chỉ muốn nói lên lòng mong mỏi da diết của tôi, bằng lòng kính yêu vô hạn của tôi, dành trọn cho người.
Tôi mong người không lệ thuộc. Dù tôi biết người được sinh ra và lớn lên trong lệ thuộc. Người được dạy phải lệ thuộc. Lệ thuộc vào gia đình. Lệ thuộc vào xã hội. Lệ thuộc vào đủ thứ lề thói xã hội, vào cái gọi là đạo đức, văn hoá, tín ngưỡng. Người sinh ra như rơi vào giữa vòng vây, vung lối nào cũng thấy dính mắc. Người khó có thể tự mình lựa chọn một điều gì, khó có thể tự quyết định lấy cuộc sống của chính mình. Và từ sự lệ thuộc này, biết bao nhiêu điều khiến người đau khổ, vì chữ “lệ” trong chữ “lệ thuộc” và trong chữ “nô lệ” không khác bao nhiêu. Tôi mong người hiểu rằng, chừng nào người còn chưa tự do, người không thể dạy cho con của người tự do, và nhân loại còn chưa thể tự do.
Tôi mong người không hy sinh. Người thường được tôn vinh bởi hai chữ hy sinh, nhưng người không biết rằng đấy chỉ là một cái bẫy để khiến người lệ thuộc nhiều hơn. Người bị buộc phải làm những điều người không muốn, nhân danh tình thương yêu. Nhưng cùng lúc đó, người đang làm tổn thương chính mình. Người nhẫn nhịn, người chịu đựng, người nén chặt những nỗi niềm riêng. Tôi mong người hiểu rằng, không một ai thực lòng yêu thương người lại đòi hỏi người phải hy sinh, và rằng tình thương yêu đích thực không bao giờ cần đến hai chữ “hy sinh”: chúng ta yêu người khác cũng là yêu chính mình, và hạnh phúc của người cũng quan trọng như hạnh phúc của bất kỳ ai khác.
Tôi mong người không áp đặt. Tôi hiểu rằng khi đã lệ thuộc, khi đã hy sinh, người cũng đòi hỏi quyền lực cho riêng mình. Với quyền của Vợ, của Mẹ, của Bà, người vừa dạy dỗ con cháu nhưng cũng áp đặt lên con cháu. Tôi đã chứng kiến người la mắng, giận dỗi, than khóc khi con cháu lựa chọn một điều gì trái ý, làm một việc gì khác biệt, yêu một người nào mà người nghĩ là sai lầm. Tôi mong người hiểu rằng, dù công ơn nuôi dạy của người có lớn đến đâu, dù kinh nghiệm sống của người có giàu có đến mức nào, cũng không bao giờ người có thể giang tay bảo bọc một đứa trẻ cho đến hết đời nó. Tôi mong người hiểu rằng, lòng dũng cảm để có thể buông tay cho một đứa trẻ tự trưởng thành, cũng thiêng liêng và cần thiết như chính công ơn người mang nặng đẻ đau ra nó.
Phụ nữ, người là Mẹ của Nhân Loại. Hạnh phúc, tự do, và sự hiểu biết của người cũng chính là sự tiến hoá của toàn bộ chúng ta. Như anh nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh từng nói sau khi xem “Tân Tây Du Ký” của Châu Tinh Trì, rằng cần gì phải sang Tây Trúc thỉnh kinh, Thư Kỳ cũng có kinh mà? Ôi phụ nữ, không có kinh của người thì kinh Phật cũng câm lặng mà thôi.
Cháu/con/anh/em/bạn/người tình của Người,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG