Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Không mong đợi gì cả !

1937984_10201660449613825_1255548335_n
(Trích Thư gửi một em tuổi trẻ Việt Nam tha hương của Phạm Công Thiện, đề từ cho lần tái bản thứ nhấtÝ Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học tại hải ngoại, năm 1987)
Em,
Mới trở lại Los Angeles gần một tháng rưỡi, sau gần hai chục năm xa vắng cái thành phố mà ngày xưa tôi từng chán ghét đến tột điểm; ngày xưa thành phố tôi chán ghét nhất thế giới chính là nơi đây, Los Angeles, nơi hiện nay tôi đang viết thư này cho em, người tôi chưa hề gặp và chưa hề quen biết. Bây giờ đối với Los Angeles, tôi đã thay đổi tình cảm tôi với nó, vì lý do rất dễ hiểu là lúc đặt chân trở lại phi trường L.A. tôikhông mong đợi gì cả, nhìn thành phố L.A. như nhìn một người con gái lạnh lùng, vô hồn và không mong đợi, không mơ mộng gì cả và không phản ứng gì cả. Điều lạ lùng nhất là khi không mong đợi gì cả ở nơi thành phố L.A. này thì tôi dần hồi cảm thấy có cái gì mọc lên và trưởng thành trong tôi một thứ tình cảm nào đó rất dịu dàng thoát ra từ sâu thẳm tâm hồn, và bỗng nhiên tôi cảm thấy thương cái thành phố này, thương những hàng cây thốt nốt cao chót vót cô độc như một cái gì không thể nói được trong nỗi ấm ức nhói lên lười rười của lúc khoảng từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi.
Có lẽ lần trở lại L.A. tôi già đi hơn gần hai chục năm, có thể lần này trở lại tôi đã bỏ tất cả, bỏ tất cả những gì tôi đã sống cả chục năm ở Pháp, có thể chỉ là trong một giây phút nào đó tôi thấy mình đang đi, ngồi, đứng, nằm ở L.A. và không gian vẫn là một chỗ nằm rất nhỏ, giống như bất cứ chỗ nằm nào rất nhỏ, mà tôi đã từng nằm trong tất cả những thành phố ở khắp mặt đất mà tôi đã đi qua, cũng như thời gian thì chỉ vẫn là một giây phút, dù hai chục năm hay năm chục năm hay cả mấy tỷ năm trôi đi trên tinh cầu, làm gì thì làm mình vẫn thế, vẫn một mình, không cha, không mẹ, không anh em, không bạn bè, không quê hương, không vợ, không con, không nhà, không tiền, không tình yêu, không quá khứ, không tương lai và không cả hiện tại. Con người tôi lúc này 42 tuổi thực sự không khác và cũng không giống lúc tôi 20 hay 16 tuổi. Không khác ở đây có nghĩa là những gì tôi đã sống, đã cảm, đã nghĩ, năm 1960 lúc 19 tuổi khi bắt đầu viết quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, hay lúc 25 tuổi năm 1966 tại Paris khi cho xuất bản Ngày Sinh Của Rắn. Bây giờ tôi đang ngồi tại Los Angeles, tôi vẫn không khác xưa, tôi vẫn thấy mình thông minh như xưa và ngu xuẩn như xưa, vẫn ham muốn, thèm khát như xưa, vẫn mất dạy, tục tiểu, dâm dật, mê gái dớ dẩn như xưa, và cũng thánh thiện, vẫn tranh đấu đánh giặc với thân thể và tâm hồn mình từng giây từng phút, vẫn luôn tự vượt qua cái gì tầm thường bần tiện nhỏ bé nhứt của mình, vẫn lận đận lao đao, vẫn đời đời đói và khát, khát, đói khát, tất cả những gì mình không với tới được, và làm gì thì làm vẫn thấy mình vẫn là thế, tôi muốn triệu ngàn kiếp nữa vẫn thế, vẫn tập sống với những gì không thể sống được, vẫn mỉm cười khi không có gì để cười, tập yêu những gì mình ghét, tập làm ngược lại hết tất cả những gì mình ghét, tập lặn hụp, chầm dầm trong tất cả những gì tàn phá đời mình, tập thở vô thở ra những thuốc độc bao quanh, tập kiên nhẫn, kiên nhẫn, vẫn kiên nhẫn và vẫn mở mắt học đi học lại những gì mình đã thừa biết hết từ lúc 12 hay 13 tuổi, tập mê tiền, mê bạc mà mình suốt đời vẫn khinh bỉ, tập ăn đứng đàng hoàng, lễ phép, lễ độ, khôn ngoan, hòa mình với tất cả ngu xuẩn của đời sống, và cũng vẫn có ý định tự tử, nhưng cứ triển hạn không vì lý do gì cả, vẫn yêu đời, vẫn khiêm tốn rụt rè sợ hãi và ngạo mạn, ích kỷ, kiêu căng, ngang tàng, xấc xược, vẫn tự nhận mình là cái rún của tất cả thái dương hệ và đồng thời nhỏ bé ngu xuẩn vô minh hơn một con kiến, vẫn học lại từng chữ A, chữ B, tập bước đi từng bước và những gì cứ y ra như thế và vẫn thay đổi như thế.
Đó, đại loại những gì không khác xưa. Còn những gì không giống xưa là càng lúc càng thấy cái gì cũng thơ mộng, cái gì cũng cần thiết, cái gì cũng quan trọng, cái gì cũng chỉ xảy ra một lần duy nhất, cái gì cũng đáng cám ơn, cảm tạ, cái gì cũng đáng kính trọng, cái gì cũng không thể tránh được, cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng đáng yêu, cái gì cũng bát ngát mênh mông, cái gì cũng thênh thang, cái gì cũng do mình tạo ra, và cái gì cũng không phải là mình, cái gì cũng bừng sáng, và ngay cả đêm tối vảng vất cũng sáng bừng lên một ý tưởng, một điếu thuốc, một tình cảm, một tiếng thở hay một cái gì vẫn sống và chết đi và những cái gì rất là im lặng, rất im lặng, rất trong veo như lưu ly, một cái gì như là phép lạ, như một ngôi sao nào đó vẫn đi sát theo tôi trên cao.
Có một câu của RILKE vẫn theo đuổi sát tôi từ mấy chục năm nay: “Nếu đời sống hàng ngày của anh có vẻ nghèo nàn thì đừng đổ lỗi đổ thừa cho nó. Anh hãy đổ tội đổ thừa cho chính anh, anh hãy tự nói với anh rằng anh không dư tâm hồn thi nhân để khơi bừng dậy tất cả sự phong phú giàu sang thơ mộng tuyệt đỉnh của cuộc đời.” Trước khi tôi viết bức thư này cho em, tôi đã đọc lại mười bức thư của RILKE (gửi cho người thi sĩ trẻ tuổi) mà ngày xưa tôi đã dịch và đã xuất bản với bút hiệu Hoàng Thu Uyên (tên một tình nhân cũ đã chết mất trong đời tôi). Trên hai chục năm sau đọc lại RILKE, tôi run run như gặp lại những gì mình vẫn nhìn thấy được từ kiếp này. RILKE, thi sĩ tôi khinh bỉ và lại cũng kính trọng, vì RILKE có một lối sống mà tôi không thích sống, lối sống của một người dâng cả đời mình cho Sáng Tạo và Thi Ca và Nghệ Thuật (tôi khinh bỉ tất cả những thi sĩ, tiểu thuyết gia, tư tưởng gia, triết gia. Tôi chỉ kính trọng những ông thánh bà thánh, những ông bà đạo sư đạo sĩ – Có lẽ con quỷ đói khát trong tôi quá lộng hành hay nói ngược lại cũng được cho vui mọi người). RILKE đã nói đâu đây trong bức thư thứ tám: “Có lẽ mình phải chịu đựng nỗi buồn của mình với lòng tin tưởng lớn lao hơn là những nỗi vui. Vì những giây phút mình buồn là lúc có cái gì mới lạ đang len lỏi vào tâm hồn mình, một cái gì lạ lùng không hề biết đến, những cảm giác mình trở nên câm lạng trong sự ngơ ngác rụt rè, và một sự trầm lặng im lìm đang hiện tới, và mọi sự chung quanh rút đi lẳng lặng, và niềm im lặng, sự mới lạ không ai hề biết đứng giữa đó và im lặng trầm trầm.” Và về Tình Yêu và Tình Thương trong bức thư thứ bảy, RILKE đã nói một câu tuyệt với: “Tình yêu chính là hai nỗi cô đơn che chở đùm bọc lấy nhau và chào hỏi với nhau.” Và một câu khác của RILKE đáng nhớ đời đời: “Mọi sự đều là thai nghén và bừng nhụy đơm hoa” trong bức thư thứ ba. Tôi muốn gửi 10 bức thư của RILKE cho em, nhưng tiếc chưa gửi ngay được. Cả bức thư không đầu không đuôi này là để trả lời gián tiếp cho mấy bức thư em gửi cho tôi. Em chắc đã đọc quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, và trong mấy bức thư của em, em đã nêu lên vài câu hỏi về sự có mặt của tôi tại Mỹ và sự hiện diện của tôi trên Nguồn Việt. Em có vẻ trách cứ: “Em ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy anh tái xuất giang hồ. Để làm cái chi thế anh? Cả hai mươi năm nay anh chẳng thèm mở miệng… Đã không thèm mở miệng, vậy thì tại sao anh lại xuất hiện? Tại sao anh qua Mỹ? Em sẽ buồn, rất buồn khi biết anh đập cái vỏ ốc bước ra ngoài thêm lần nữa… Nếu anh cứ im lặng thì tuyệt vời vô cùng. Anh không thích danh, nhưng anh vẫn ưa làm ra danh. Em chẳng biết viết cái chi nữa. Anh mâu thuẫn với chính cả anh.”
Trong bức thư khác, đề ngày 24 tháng bảy, lại có tâm sự này nói lên tất cả bàng hoàng của tuổi trẻ Việt Nam lưu lạc ở hải ngoại: “Dân tộc mình làm sao khá được? Mình đã thấy được như thế, làm ngơ hay làm loạn? Anh đã làm loạn, em đang làm ngơ và muốn làm loạn, và để rồi cả anh lẫn em đều bế tắc, thất bại và bất đắc chí.” Những gì em đã đặt ra trong mấy bức thư liên tiếp có thể được tóm lược như trên, nhưng tựu chung tất cả đều nói lên nỗi niềm cô độc nào đó của tuổi trẻ, thứ nhất là mong đợi, Mong Đợi một cái gì đó từ thế hệ đi trước, gọi là đàn anh khả kính, thứ hai là bất mãn với đồng bào chung quanh mình, lúc bơ vơ ở đất khách quê người và muốn làm cái gì đó để đổi thay, nhưng vẫn cảm thấy bất lực, bế tắc, thất bại và bất đắc chí. Nói cho gọn lại thì đó là hai vấn đề quan trọng của tuổi trẻ từ mấy triệu ngàn năm trên mặt đất, nhưng hai vấn đề này trở nên vô cùng trầm trọng đối với tuổi trẻ Việt Nam trai qua bao trận chiến tranh phân ly, ly tán cùng độ, và hiện nay mất hết gốc rễ tại đất người. Tôi không thể nào tự hào trả lời được hai vấn đề trên vì thực sự tất cả những gì tôi đã viết ra từ lâu trong mấy chục cuốn sách đã nói ra những gì cần nói trên cuộc đời này và đã im lặng những gì cần im lặng…
Phạm Công Thiện

Glendale, California 27 tháng 7, 1983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG