Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Hố thẳm của tư tưởng - Phạm Công Thiện (16)

1. Chính danh

Nhan đề Hố thẳm siêu hình học không phải do tác giả tự đặt bày ra, đó chính là dụng ngữ của Heidegger; nơi trang 194 ở quyển Kant und das Problem der Metaphysik, Heidegger có quy chiếu vấn đề Hố thẳm siêu hình học, tức làAbgrund der Metaphysik (l’abime de la métaphysique), chữ Abgrund có thể dịch là Hố thẳm hoặc Huyền uyên 玄淵, Áo uyên 奧淵, Thiên uyên 天淵, Vô căn無根, Vô để 無底; chữ Metaphysik có thể dịch là Siêu hình học 超形學, Siêu vật học 超物學, Siêu hữu học 超有學, Siêu tính học 超性學, Hình nhi thượng học 形而上學.

Chữ Hy Lạp meta ta physika dùng để gọi một số đề phẩm của Aristote đã trở thành một môn học quyết định trọn vẹn truyền thống văn hoá Tây phương, meta ta physika của Hy Lạp trở thành Metaphysica của La Tinh, Metaphysik của Đức,Metaphysics của Anh, Métaphysique của Pháp. Tại sao chữ Metaphysik (Metaphysics, Métaphysique) thường được giới học giả Việt Nam dịch là Siêu hình học? Tại sao chỉ có cách dịch này là thịnh hành thông dụng? Điều này nói lên một khả tính nào hiển hiện và những khả tính nào còn được ẩn giấu? Theo tôi, cách dịch trung chính nhất để diễn tả ý nghĩa meta ta physika của Hy Lạp vàMetaphysica của La Tinh là Siêu thể học 超體學; những học giả và dịch giả đầu tiên của Nhật và Tàu đã không hiểu ý nghĩa sử mệnh trọn vẹn của Metaphysica(metaphysics, Metaphysik, Métaphysique) vì họ không phải là những tư tưởng gia hoặc triết gia thực sự thấu hiểu ý nghĩa truyền thống Metaphysica của Tây phương, cho nên họ đã dịch sai chữ Metaphysica là Siêu hình học hoặc Hình nhi thượng học hoặc Huyền học; họ đã dịch sai vì họ đã vội vàng đồng hoá ý thức Hy Lạp-La Mã (Tây phương) với đạo học Trung Hoa; chính sự đồng hoá vô ý thức này đã bị qui định từ tính cách vong bản của giới trí thức Nhật và Tàu ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Giới trí thức Việt Nam, khi mới bắt đầu thâu thái những giá trị mới của văn minh Tây phương, đã lười biếng bắt chước Nhật và Tàu, rồi mượn lại những chữ dịch sẵn thông dụng trong giới học giả Nhật, Tàu. Đó là lý do tại sao chữ Việt càng lúc càng mất tinh thần để trở nên tạp nhạp. Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, Việt không ra Việt.

Chữ hình trong Siêu hình học gợi cho chúng ta ý nghĩa của chữ Hình 形. trongKinh dịch (hình nhi hạ dã vị chi khí… hình chi thượng dã vị chi đạo) mang một ý nghĩa tượng hình hài thanh sâu thẳm siêu việt khác hẳn ý nghĩa physis trong ý nghĩa meta ta physika của Hy Lạp. Đứng trên bình diện ngôn ngữ học và ngữ pháp học, vấn đề tinh nghĩa thường khi không quan trọng bằng quán lệ thông dụng, chữ dịch sai mà được người ta quen dùng thì vẫn được chấp nhận hơn là dịch đúng mà không ai dùng. Vấn đề tinh nghĩa không thành vấn đề lắm đối với ngôn ngữ thông dụng, nhưng đối với vấn đề tư tưởng thì dịch sai một li là tư tưởng đi lạc hướng một dặm. Riêng đối với trường hợp Heidegger thì lại là một trường hợp đặc biệt nhất, vì cả sự nghiệp tư tưởng của Heidegger trong sáu mươi năm trời thật ra chỉ là cố gắng dịch lại tất cả những chữ chính yếu của truyền thống Hy Lạp (Tây phương). Tất cả triết gia và tư tưởng gia đều là những “dịch giả”: Platon dịch lại Héraclite và Parménide. Aristote dịch lại Platon; Kant, Hegel, Heidegger dịch lại triết lý Hy Lạp.

Heidegger đã đem lại một cái nhìn mới lại đối với ý nghĩa của meta ta physika, tức là “dịch” lại ý nghĩa của chữ ấy, chúng ta cũng cần phải dịch lại một số chữ Hán-Việt, chẳng hạn nơi đây thay vì quen gọi Siêu hình học, chúng ta hãy dịch lại làSiêu thể học.

Nhan đề Hố thẳm siêu hình học, quyển này chỉ có tính cách “giả danh”, ý nghĩa trung chính của nó phải được hiểu là Hố thẳm siêu thể học.
2. Chính ngữ

Ngôn ngữ của quyển này luôn luôn có tính cách uyển chuyển và biến động. Dụng ngữ thường gồm những chữ mới được tạo ra để ứng vật và ứng việc; có dùng những chữ cũ đi nữa thì những chữ cũ này cũng mang ý nghĩa mới, chẳng hạn chữTính trong quyển này không có liên hệ gì với chữ Tính trong Trung Dung hoặcTính hiểu theo Tống Nho, cũng như chữ Suất Tính trong quyển này cũng không liên hệ gì với ý nghĩa Suất Tính trong Nho giáo. Tác giả quyển này không bao giờ lập dị, cố tạo ra những chữ mới hoặc những chữ cũ với những ý nghĩa mới; ngôn ngữ của tác giả là ngôn ngữ của một người ý thức cùng độ sự sa đoạ của ngôn ngữ thông dụng. Tất cả tư tưởng của Heidegger là trở về với Ngôn ngữ được hiểu nhưChính Ngữ, Chân Ngữ, Nguyên Ngữ, Nguyên Ngôn, Chính Ngôn, Chân Ngôn. Heidegger đưa tư tưởng phụng sự cho chính ngữ, nguyên ngôn. Vấn đề quan trọng nhất trong tư tưởng Heidegger là vấn đề về bản tính, thể tính, của ngôn ngữ (ngôn tính); Heidegger đã sử dụng ngôn ngữ Đức một cách quyết liệt bạo động triệt để; ông tạo ra những chữ mới; ý nghĩa mới ở đây phải được hiểu làý nghĩa ban đầu, ý nghĩa nguyên thủy, ý nghĩa nằm ngay tại nguồn, nơi căn nguyên của vạn hữu.

Ngôn ngữ Việt Nam hiện nay đang sa lầy, vì giới trí thức Việt Nam không bao giờ hội thông được với căn nguyên của tinh thần Đông phương và tiếp thông được với căn thể của lý trí Tây phương. Điều kiện tối thiểu cho bất cứ người Việt Nam nào muốn viết về Heidegger là phải sử dụng chữ Việt một cách vừa “nghệ sĩ” vừa phải tinh mật và tinh nghĩa, cũng phải luôn luôn phải hội giao với không khí huyền mật của ngữ tính uyên nguyên. Viết về Heidegger, điều kiện sơ đẳng là phải tránh dùng “những ý tưởng sáng sủa và biện biệt” theo diệu tri nhận “clare et distincte percipere” của Descartes, vì chính Heidegger đã xác định: “Từ sự đồng thanh âm hưởng với certitudo mà ngôn ngữ của Descartes đạt được sự đồng khí quy hưởng của một clare et distincte percipere” (Aus der Gestimmtheit auf diese certitudo empfängt das Sagen Descartes’ die Bestimmtheit eines clare et distincte percipere).[2]

Ngôn ngữ của Heidegger không có tính cách đồng thanh âm hưởng với Certitudocủa Descartes; do đó, người viết về Heidegger phải ý thức triệt để rằng càng cố gắng trình bày Heidegger một cách sáng sủa rõ ràng dễ hiểu, mạch lạc, “theo điệu giáo khoa học đường”, thì càng xuyên tạc lộ trình huyền nghĩa của Heidegger, nhưng trái lại cố ý lập dị làm cho khó hiểu thì tất nhiên không thể là sự việc chính yếu của tư tưởng.

Tư tưởng theo Heidegger, có nghĩa là Cảm Tạ. Tư tưởng chỉ chuyển hoá thành ra Cảm Tạ, khi nào Tư tưởng phụng sự cho Ngôn Ngữ và chuyển hoá ngôn ngữ thông dụng thành ra ngôn ngữ diệu dụng của Trò Đùa, khả dĩ thể hiện được tính cách viên dung đơn giản của thiên, thần, nhân, địa. [3]


3. Chính ngôn

Tư tưởng muốn chuyển hoá thành Cảm Tạ thì phải phụng sự cho Chính Ngôn. Chính Ngôn là Tính ngôn. Tính ngôn là Ngôn ngữ của Tính thể như những cụm mây là những cụm mây của bầu trời: “Die Sprache ist so die Sprache des Seins, wie die Wolken die Wolken des Himmels sind”. [4] Tính phận của tư tưởng là phải thu phối ngôn ngữ để cho lời nói đơn giản được thể hiện (Das Denken sammelt die Sprache in das einfache Sagen), lời nói đơn giản được thể hiện qua sự tinh mật của việc suy tư lập thức (die Strenge der Besinnung), qua sự thậm ngôn (die Sorgfalt des Sagens), và qua sự kiệm ngữ (die Sparsamkeit des Wortes). Heidegger đã thể hiện ba đức tính trên trong chính ngôn kiệm phác sau đây: nơi trang 162 trong quyển Wegmarken:

Doch das Sein – was ist das Sein? Es ist Es selbst. Dies zu erfahren und zu sagen, muss das künftige Denken lernen.

(Nhưng Tính thể – Tính thể là gì? Tính thể là chính Tính thể. Đó là điều mà tư tưởng ngày mai phải học cách thể nghiệm và học cách nói).

Từ sáu mươi năm nay, Heidegger chỉ bận tâm đến một chữ duy nhất, đó là chữSein, nghĩa là Tính Thể. Mối bận tâm thực sự bắt đầu từ năm 1927 với quyển Sein und Zeit cho đến tác phẩm cuối cùng mới xuất bản vào năm 1967, quyểnWegmarken. Trên ba mươi tác phẩm dày và mỏng, trên sáu mươi năm trời tập trung tư tưởng một cách bướng bỉnh sâu thẳm, Heidegger chỉ xoay tất cả mọi sự vào một chữ Sein. Bỏ chữ Sein ra ngoài tác phẩm của Heidegger thì không khác gì bỏ chữ Đạo ra ngoài tư tưởng của Lão Tử. Vậy Sein là gì? (Doch das Sein – was ist das Sein?). Heidegger bảo rằng tư tưởng trong tương lai phải học thể nghiệm và học nói; “Sein là chính Sein” (Es ist Es selbst). Tính thể là gì? Tính thể là chính Tính thể. Nói như thế thì gần như không nói gì cả. Bất cứ người nào viết về Heidegger thì phải học cách thể nghiệm và học cách nói: “Vậy Tính thể là gì? Tính Thể là chính Tính thể”. Muốn thể nghiệm và muốn gọi được như vậy không phải là chuyện dễ mà lại là một việc vô cùng khó khăn, vì người thể nghiệm và người nói ấy phải trải qua bao nhiêu cơn đau bệnh tàn tạ của ngôn ngữ thông dụng để rồi mới biết được thế nào là kêu, thế nào là gọi, thế nào là nói; nói tiếng nói ban đầu, nói tiếng nói chính yếu, tiếng nói nghiêm trọng quyết định tính mệnh của con người trên mặt đất.

Điều kiện tối thiểu đối với bất cứ người nào muốn viết hay muốn nói về Heidegger là phải ý thức triệt để rằng gần như không có gì để nói cả. Đây không phải là sự bất lực của tư tưởng hay bất lực của ngôn ngữ diễn đạt mà chính lại là “sức lực trầm lặng của khả tính” (“Die stille Kraft des Möglichen”) khả tính không phải khả tính (possible) của một khả thể (possibilitas), không phải tiềm thể (potentia) như bản thể (essentis) của một hiện thể (actus) của sinh thể (existentia) mà đó là chính Tính Thể (sondern das Sein selbst) [5] . Sức lực trầm lặng của Khả Tính” (Die stille Kraft des Möglichen) là một lời nói đầy ý nghĩa trong những lời nói đầy ý nghĩa nhất của Heidegger, William Barrett cho rằng lời nói ấy chứa đựng ý nghĩa chủ yếu điều động tư tưởng Heidegger [6] nhưng chính Sartre đã lạm dụng ý nghĩa từ ngữ ấy để xuyên tạc Faulkner [7] vì Sartre đã hiểu sai “khả tính” thành ra “khả thể” hay “tiềm thể” (và tất cả sự sai lầm trầm trọng của Sartre bắt đầu từ sự xuyên tạc ấy). Muốn viết hay muốn nói về Heidegger thì cần phải tập sống với “sức lực trầm lặng của khả tính”, nghĩa là trước hết hãy tập sống trong những gì không có tên, những gì vô danh (dann muss er zuvor lernen, im Namenlosen zu existieren); [8] có thế thì mới mong “Tính tương cận”, “in die Nahe des Seins”. Nếu một mai con người có về đến gần bên Tính thể thì phải “hy ngôn tự nhiên”, phải ít nói hay có nói nhiều đi nữa thì chỉ nói có một điều duy nhất: điều đáng nói nhất là con người chưa biết nói. Chỉ có những thi sĩ mới là những kẻ biết nói, nói lời nói nguy hiểm quyết định sự lưu trú của con người trên mặt đất. Còn những người không phải là thi sĩ vẫn chưa biết nói. “Ngôn ngữ vẫn từ chối không để cho loài người nhận ra được thể tính của ngôn ngữ” (Die Sprache verweigert uns noch ihr Wesen) (Wegmarken, trang 150).


4. Chính nghĩa

Chính nghĩa là Chính đạo. Trong khoảng mười lăm năm gần đây, Heidegger thường nói và dùng nhiều lần chữ Weg, nghĩa là Con Đường, tức là Đạo. Trong lời tựa mở đầu quyển Wegmarken, viết tại Freiburg i. Br. đầu mùa hạ năm 1967, Heidegger đã viết chữ Weg đến bốn lần mà không viết chữ Sein một lần nào cả. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ. Con đường tư tưởng Heidegger càng lúc càng đi sâu vào “huyền chi hựu huyền”, càng lúc Heidegger càng ít nói hay có nói đi nữa thì vẫn là nói mà không dùng ngôn ngữ thông thường, không dùng ý nghĩa thông lệ: chính nghĩa được phục hồi cùng với sự “qui căn”. Khi đã qui căn rồi thì nói nhiều chỉ thêm đau lòng thôi. Không còn gì đau lòng và “cao đạo” cho bằng lời nói bi đát và bi tráng của Khổng: “Ta muốn không nói gì cả” thực ra nói cho cùng tận thì Khổng “vô vi” hơn Lão và chính Lão mới “hữu vi” hơn Khổng. Nói rất nhiều để rồi một sớm mai hồng bỗng nói: “Ta muốn không nói gì nữa cả”. Khi nói về Nietzsche, Heidegger viết: “Tốt hơn là các ngài nên tạm thời hoãn lại việc đọc Nietzsche và trước hết các ngài nên nghiên cứu Aristote trong mười hoặc mười lăm năm” (Darum ist es ratsam. Sie verschrieben die Nietzschelektüre einstweilen und studieren zuvor zehn oder fünfzehn Jahre hindurch Aristoteles) [9] . Bắt chước Heidegger, chúng ta cũng nên nói: “Tốt hơn các ngài nên tạm thời hoãn lại việc đọc Heidegger và trước hết các ngài nên nghiên cứu Khổng Tử trong mười hoặc mười lăm năm”. Có hiểu được Khổng thì ta mới hiểu được Lão và có hiểu được Khổng Lão thì may ra mới hiểu sự im lặng “mặc như lôi” của Phật. Chúng ta phải bỏ ra mười hoặc mười lăm năm để nghiên cứu Không vì hiện nay Đông phương đã mất gốc, đã trụi lá. Không còn gì chua xót và mỉa mai cho bằng sự đảo ngược chính nghĩa trong câu chuyện sau đây giữa Heidegger và một nhà trí thức Nhật Bản mà Heidegger có ghi lại trong tập Unterwegs zur Sprache (Trên đường về ngôn ngữ) (Pfullingen, Neske, 1958).

Heidegger và nhà trí thức Nhật Bản bắt đầu câu chuyện và ngậm ngùi nhắc lại một người bạn đã mất, bá tước Nhật Bản, tên là Kuki; trước kia, bá tước Kuki đã từng là sinh viên của Heidegger trong nhiều năm trời. Nhà trí thức Nhật Bản cho Heidegger biết về Kuki; từ ngày Kuki về Nhật, ông ấy chỉ giảng dạy về nghệ thuật và thi ca Nhật Bản, ông ấy đã áp dụng Thẩm mỹ học Tây phương để tìm hiểu nghệ thuật và thi ca Nhật Bản. Heidegger đau đớn liền vội hỏi ngay:

"Ông ấy đã cần phải làm cái việc như thế sao? Ông ấy lại đi cầu cứu thẩm mỹ họcsao?"

"Tại sao không?” Nhà trí thức Nhật Bản trả lời và tỏ vẻ ngạc nhiên.

Heidegger đau đớn giãi bày:

“Vì thẩm mỹ học là môn học đã xuất phát từ tư tưởng Tây phương, xuất phát từtriết lý Tây phương, và tất nhiên những thứ này vẫn hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Đông phương.”

Nhà trí thức Nhật Bản đồng ý với Heidegger nhưng vẫn cho rằng Đông phương cần phải áp dụng những môn học Tây phương.

Heidegger đau đớn hỏi lại:

“Nhưng tại sao? Tại sao Đông phương các ông lại cần phải dùng Thẩm mỹ học Tây phương chứ?”

Nhà trí thức Nhật Bản ngây thơ trả lời:

“Bởi vì Thẩm mỹ học Tây phương có thể cung cấp cho chúng tôi những ý niệm cần thiết để lãnh hội nghệ thuật và thi ca của đất nước chúng tôi.”

Heidegger đau đớn hỏi lại:

“Đông phương phải cần có những ý niệm sao?” Nhà trí thức Nhật vui sướng trả lời:

“Vâng đúng vậy, từ ngày chúng tôi tiếp xúc với tư tưởng Tây phương thì chúng tôi mới ý thức rằng ngôn ngữ của chúng tôi thiếu hẳn thế lực của hệ thống ý niệm, thiếu hẳn thế lực phân giới những đối tượng và giao hệ chúng với nhau một cách phân minh.”

Heidegger thất vọng đau đớn hỏi lại:

“Có thực ông nghiêm trang cho rằng đó là điều thiếu thốn trong ngôn ngữ các ông?”

Câu chuyện giữa Heidegger và nhà trí thức Nhật Bản còn tiếp tục, nhưng chúng ta hãy ngừng nơi đây, vì có tiếp tục nữa thì chỉ thêm đau lòng thôi. Nhà trí thức Nhật Bản trên cũng là tượng trưng cho những nhà trí thức Đông phương hiện nay, đặc biệt là những nhà trí thức Việt Nam.

Một người như Heidegger, đứa con của Tây phương, đã nắm cái học của truyền thống Tây phương trong mười đầu ngón tay, mà lại làm kẻ binh vực cho Đông phương, đang khi đó thì những nhà trí thức Đông phương lại làm con thiêu thân chui mình vào ngọn đền huyễn hoặc của Tây phương?

Đến bao giờ Đông phương mới trở về gốc rễ của mình? Chỉ có một chính nghĩa duy nhất đó là “qui căn”, có qui căn thì mới dốc lòng giữ được im lặng (“thủ tinh dốc”). Chúng ta chỉ “phục mệnh” cho Đông phương khi nào chúng ta đã “qui căn viết tĩnh” (Đạo đức kinh, XVI).

Hố thẳm Siêu hình học xuất phát từ Hố thẳm của Siêu thể học Tây phương và là Hố thẳm của toàn thể truyền thống văn hoá Tây phương. Phá hủy tư tưởng Heidegger là phá hủy cùng với sự phá hủy của chính Heidegger, phá hủy Heidegger trong sự tự phá hủy của chính truyền thống văn hoá Tây phương. Đằng trước con đường của Heidegger còn có Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, đằng sau con đường của Heidegger còn có Henry Miller. Sau Heidegger chỉ còn có Henry Miller, và sau Henry Miller chỉ có sự im lặng Hố thẳm.

Lúc bấy giờ, nói như Heidegger, “Ngôn ngữ không còn là một sự thể mà con người đang chiếm hữu mà chính Ngôn ngữ lại chiếm hữu con người” [10] . Lúc bấy giờ, nói như Heidegger, con người không hỏi nữa mà “chính Tính thể hỏi trong con người”:

– “Es” fragt im Menschen[11]

Nói một cách “qui căn” thì con người không còn “vấn đạo” mà chính đạo lại vấn con người. Một tư tưởng gia vĩ đại của Việt Nam mà ít người Việt Nam nào để ý, đó là Thượng sĩ Huệ trung Trần Quốc Tảng ở đời nhà Trần [12] . Thượng sĩ Huệ trung, một thiền sư của Việt Nam có nói một câu mà chắc chỉ có Heidegger ở nền văn minh Tây phương thế kỷ XX mới hiểu nổi tất cả ý nghĩa tối cao tột đỉnh:

"Thế nào là đạo?"

"Đạo không có trong câu hỏi
Câu hỏi không có trong đạo."

如可是道
道不在問
問下在道

Nguồn: http://sachhiem.net/VANHOC/PHAMCT/PhamCongThien03.php

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG