Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Hố thẳm của tư tưởng - Phạm Công Thiện (4)

(tiếp theo)
Đi về thể tính của siêu hình học và tư tưởng
1.
Những lực lượng vô hình đã tàn phá nước Việt Nam. Đó là những lực lượng nào? Và tại sao gọi là vô hình? Và thái độ của con người thời đại đối với vô hình như thế nào? Người ta thường bĩu môi chối bỏ vô hình vì cho rằng đó là một cái gì trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn. Vậy thì trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn có phải là xấu không? Và xấu là gì? Và khi đặt lên câu hỏi “xấu là gì” là tự nhiên chúng ta đã bị đưa vào thế giới trừu tượng, không cụ thể, không thực tiễn, nói tóm lại là thế giới vô hình. Tại sao con người thời đại đều quý trọng đến hữu hình, xác thực, thực tế, cụ thể? Tinh thần ấy là tinh thần gì? Ngay cả một số Phật tử đã vô tình hiểu sai dụng ý của đức Phật và cứ cố gắng trích mãi một câu chuyện ngụ ngôn của đức Phật về chuyện một người bị tên, vấn đề đặt ra không phải là cấp bách cứu người bị tên bắn. Đó là “bon sens”. Vấn đề cấp bách là phải biết mũi tên đã được bắn từ đâu? Từ cõi nào, từ hướng nào mà không thấy hình tượng trong hiện cảnh; như vậy cõi ấy ở ngoài hình ảnh một người bị tên bắn hiện nay, mà trong danh từ triết học thì được gọi là cõi siêu hình[1]

Như thế muốn giải quyết trận chiến tranh hiện nay ở Việt Nam, không thể chỉ giải quyết bằng bom đạn, bằng vũ lực hoặc bằng cái đối nghịch lại… Phải đặt lại một nền tảng siêu hình và từ nền tảng ấy mới có thể thiết lập lại cõi hữu hình, tức là tình cảnh bi đát của nước Việt Nam hiện nay?

Và nền tảng siêu hình ấy là nền tảng nào? Tôi xin nêu ra câu hỏi và chờ đợi song thoại tính ngôn. Tôi đã có dịp làm sáng tỏ vấn đề trên trong việc tố cáo sự thao túng của thể điệu tiền tượng – “représentation” (mà Heidegger gọi là “das Vorstellen”) trong một bài tôi viết bằng Anh ngữ cho tập Dialogue (nxb LB 1964) nhan đề là “The Ontological Background of the Present War in Vietnam” và trong một bài khác cũng bằng Anh ngữ đăng trên tạp chí Tư tưởng xuất bản tại Paris, bài này nhan đề là “Meditation upon the Vietnamese War”.
2.

Khi đặt tên câu hỏi về sự tác dụng của siêu hình học, v.v., là đã bị lôi vào một bối cảnh siêu hình đặc biệt nào đó rồi.

Tại sao lại bắt buộc phải hỏi về tác dụng của – thay gì về vô tác dụng của – tại sao không thể có thứ passion de l’inutile của Jean Giono hay service inutile của Henry de Montherlant?
3.
Tình yêu ban đầu có thể coi – phải được coi như là việc sáng tạo ý nghĩa (danh từ triết Đức gọi là Sinn); lần đầu tiên, người con trai (hay con gái) yêu đương là lần đầu tiên họ bắt đầu bị đánh lạc vào thế giới ý nghĩa (S.I. Hayakawa gọi thế giới này là “the verbal world”) một cách mãnh liệt và bi đát nhất. Hắn tự tạo ra một ý nghĩa và hắn đặt sự tương quan “thiên nhiên” giữa ý nghĩa (tức là lời) và người yêu (tức là thực thể hay thực tính; nói một cách khác, người yêu ý nghĩa, chứ không phải yêu người yêu; nói một cách khác nữa, người con trai yêu thực tính thể (yêu lời – nói theo Heidegger thì có nghĩa là bị rơi vào bavardage, mà chữ Đức gọi là Gerede). 

Hai người yêu đi đến với nhau không phải bằng “Tính ngôn” hay “Nguyên ngôn” (Ursprache) mà bằng “hình ngôn” hay “thể ngôn” (Sprache). Do đó sự tính cảm đã bị đánh mất. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa tại sao tất cả những mối tình đầu đều đổ vỡ từ Tính nguyên – fondement (Grund), vì không có sự Nối liền (Fugen giữa Ngôn ngữ và Tính – Mất fondement, Heidegger gọi là Bodenlosigkeit

Sự nối liền ấy, Heidegger gọi là Fugen đứng trên bình diện Sein; còn Jaspers gọi làVerbindlichkeit, đó cũng là vai trò cốt yếu của Lý tính (Vernunft) theo nghĩa của Jaspers (cf. K. Jaspers (Von der Wahrheit, Piper 1947, pp. 113, 114, 115, 131) hay (cf. K. Jaspers, Philosophie 2e ed. Springer, 1948, p. 275). 

Chất tính của Tình yêu là đợi. Tình yêu có hai loại: tình yêu mong đợi và tình yêuchờ đợi. Tình yêu chờ đợi là tình yêu nối liền, còn tình yêu mong đợi là tình yêu mất sự nối liền. Tình yêu chờ đợi là tình yêu về Tính (tức tính ái); còn tình yêu mong đợi là tình yêu về thể (tức là thể ái). Chờ đợi là không chờ đợi cái gì cả; còn mong đợi là mong đợi một cái gì rõ ràng hay mơ hồ; mong đợi có đối tượng; còn chờ đợi không có đối tượng, vì chính đối tượng của nó đã là sự chờ đợi rồi. Tình yêu mong đợi mất tính nguyên; còn tình yêu chờ đợi nằm trên tính nguyên (Grund). Nhưng vượt lên trên cả hai thứ tình yêu này là tình yêu không chờ khôngmong; tình yêu này là tình yêu giải thoát hay giải thoát tình yêu: tình yêu này hủy diệt Éros và Agapê; tình yêu không mong không chờ là tình yêu vượt lên trên thể ái và tính ái
  • thể ái: quên mất tính nguyên.
  • tính ái: tìm lại tính nguyên (Grund). 
Còn tình yêu vượt lên trên thể ái và tính ái thì gọi là vô ái

Vô ái phái hủy Tính nguyên và nhảy vào Uyên nguyên. Nói theo danh từ triết học Đức thì phá hủy Grund để nhảy vào Abgrund

Triết lý của Heidegger đánh dấu sự tìm về Tính nguyên; Heidegger tiêu diệt hai ngàn năm triết lý Tây phương để chuẩn bị cho ngày mai xuất hiện. 

NGÀY MAI ẤY SẼ KHÔNG BAO GIỜ XUẤT HIỆN. 

Do đó, triết lý của chúng ta phải là Triết lý về Hố thẳm

Hố thẳm tiêu diệt Tính và Thời. 

Hay nói khác đi thì Hố thẳm (Abgrund) tiêu diệt Sein und Zeit của Heidegger. 

Vô ái sẽ xuất hiện cùng lúc với Vô ưu và Vô ưu cùng lúc với Vô tâm cùng lúc vớiVô trước; đồng loạt, Vô trước cũng có nghĩa là Vô ngôn

Và bởi vì Vô ngôn cho nên những tư tưởng siêu hình học chấm dứt nơi chương này, và phương trời của Vô ngôn sẽ chỉ còn là Thơ và Hoạ.

Nguồn: http://sachhiem.net/VANHOC/PHAMCT/PhamCongThien01.php#Tba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG