Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Nếu em yêu cái đẹp

Em thương,
Em hỏi anh tại sao lại ngăn em nói ra những điều khiến em căm ghét? Anh không ngăn em, em biết mà. Anh chỉ khuyên em nên cẩn trọng. Em cần phải hiểu điều này thật rõ.
Trên đường dài học tập, anh nhận ra một điều thế này: ta cần phải biết yêu cái đẹp trước khi căm ghét cái xấu. Nếu không, lòng hận thù sẽ tóm lấy chúng ta và nghiền nát chúng ta. Nó chắc chắn đủ mạnh để phá huỷ những điều đẹp đẽ – tất cả các cuộc cách mạng trên đời là minh chứng cho điều này.
Khi em biết yêu cái đẹp một cách sâu sắc, em nhất định sẽ chạm đến phần thiện của con người mình, và cùng lúc đó em sẽ nhìn mọi vật khách quan hơn, đúng-như-nó-là hơn. Nếu em yêu cái đẹp, cho dù thế nào, em sẽ luôn cố gắng không gây hại đến người khác. Cho dù em giận dữ, em cũng sẽ kiềm chế những lời xúc phạm. Cho dù em ham muốn, em cũng không tước đoạt của người khác. Cho dù em đau khổ, em cũng không đổ hết lỗi cho hoàn cảnh. Nếu em yêu cái đẹp, em sẽ luôn thấu hiểu và luôn sống với thiện tâm.
Nếu em thực sự yêu cái đẹp, em sẽ không nhân danh cái đẹp mà làm điều xấu – quá nhiều người đang làm điều này. Nhân danh lòng yêu nước, nhân danh lòng yêu gia đình, nhân danh lòng yêu Thượng Đế, họ có thể làm bất cứ điều xấu ác nào (vốn họ không coi là điều xấu ác). Sự nhân danh này chắc chắn không phải là tình yêu trọn vẹn. Nó là phần xấu xí, phần tăm tối vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, được kích hoạt. Và nó kích hoạt được dễ dàng bởi vì em đã không học yêu cái đẹp một cách sâu sắc trước đó.
Việc thể hiện ra lòng căm ghét tự nó không phải là một điều xấu – nó cũng chính đáng và đáng trân trọng như việc thể hiện bất kỳ ý tưởng/xúc cảm nào khác của em. Nhưng anh dặn em cẩn trọng, là cẩn trọng với tác động mà một xúc cảm tiêu cực có thể tạo ra. Em có bao giờ truy nguyên về nguồn gốc nỗi tức giận của em không? Em có bao giờ nhận ra rằng nỗi tức giận đó đã được gieo vào lòng em bằng một nỗi tức giận khác, của một người khác vốn đã bị ảnh hưởng từ một người khác nữa? Em có bao giờ tự hỏi tại sao Facebook không bao giờ cung cấp cho người dùng nút “dislike” không? Nếu họ có, và nếu lòng căm ghét được lan truyền, được nhân rộng, rồi cuối cùng sẽ tạo ra điều gì? Chúng ta sẽ làm gì với một đám đông giận dữ? Nhất là khi đa số trong đám đông giận dữ ấy còn chưa được học về cái đẹp, và tình yêu?
Nhưng ta học yêu cái đẹp như thế nào, em sẽ hỏi, khi ta lớn lên giữa một rừng xấu xí, nơi dối trá, chửi mắng, than vãn nhiều hơn những lời yêu thương? Ta học bằng cách chọn lọc thông tin, bằng cách tập trung vào việc mình làm, bằng cách sống tử tế. Ta học bằng khoa học, bằng tâm linh, bằng nghệ thuật. Ta học bằng cách nhìn sâu vào trong chính mình, bằng cách đi theo dấu hiệu chỉ đường của niềm vui, của ánh sáng. “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh”, Trịnh đã dặn em bằng tất cả nỗi tuyệt vọng của mình như thế.
Anh mong đến một lúc nào đó, sớm thôi, em sẽ nhận ra điều quý giá nhất trên đời, cách sống minh triết nhất trên đời, là sống hồn nhiên. Lão Tử nói với em như thế, Nietzsche nói với em như thế, Osho nói với em như thế. Rằng sau khi em đã nặng nhọc u mê như lạc đà, đã hùng dũng hiên ngang như sư tử, hãy trở lại hồn nhiên như đứa trẻ. Và anh sẽ luôn ở đây, chơi đùa cùng em.
Thương yêu em,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG