- Nguyên nhân của sự phân ly;
- Hậu quả của sự phân ly;
- Cuộc chiến hiện nay có thể giải quyết được vấn đề phân ly hay không?
Ở trên là ba câu hỏi của nguyệt san Đối Thoại về chiến tranh quê hương.
Đối với chiến tranh quê hương, tư thế của tôi đã được diễn bày hai lần bằng Anh ngữ:
- trong quyển Dialogue, với nhan đề là: The ontological background of the present war in Vietnam (an open letter to Henry Miller);
- trong tạp chí Tin Tưởng ở Paris vào năm 1966, với nhan đề là: Mediation upon the Vietnamese War.
Người nào muốn đánh giặc ở Việt Nam thì cứ đánh giặc, nhưng xin đánh giặc với tinh thần của Bhagavadgitâ. Và đây là một mật ngữ khác bằng chữ Phạn, trích từ đoạn 38 chương II của Bhagavadgitâ:
sukhadukhe same krivâ
lâbhâlâbhau jayâjayau
tato yuddhâya yujyasva
nai’vam pâpam avâpsyasi
Đoạn Phạn ngữ ở trên và chữ “adikia” của Anaximandre là những mật ngữ của Đông phương và Tây phương, vì thế không nên dịch ra chữ Việt: không nên biến đổi mật ngữ thành hiển ngữ. Mật ngữ chỉ có thể trở thành hiển ngữ khi nào con người không còn chạy trốn Hố thẳm.
Sau đây là lời trả lời của tôi đối với những câu hỏi của nguyệt san Đối Thoại. Trả lời nhưng không trả lời gì cả, nhưng thực sự thì đã trả lời tất cả, vì lời nói đã được đặt về Uyên nguyên của toàn thể văn minh nhân loại. Chỉ tiếc là người đặt câu hỏi lại là người không biết cách hỏi, cũng như tất cả những phóng viên báo chí đều là những người không biết hỏi, bởi vì ngôn ngữ đã sa đoạ trở thành dụng cụ cho thông tin và không còn là tiếng vọng heo hút ngàn đời của hố thẳm. Báo chí là nơi người ta ba hoa lải nhải, kết bè lập nhóm, lăng mạ, đánh điếm ngôn ngữ: điều đó khiến ta hiểu tại sao Paul Valéry không bao giờ đọc báo. Phóng viên nhà báo như nhân vật chính không tên của William Faulkner trong quyển Pylon lại là trường hợp ngoại lệ: ông khinh bỉ tin tức, khinh bỉ những biến cố quan trọng của thời sự. Đó là những mật nghĩa kỳ diệu của Faulkner.
Tất cả đối thoại đều vô nghĩa, vì đối thoại có nghĩa là phản thoại, nói một cách triết lý hơn thì đối thoại chỉ là “Gegenantrag”.
Và đây là độc thoại của tôi, của một người không biết nói và khi nói thì chỉ nói một mình để chỉ cho mình nghe.
Các ngài còn muốn hỏi nữa không?
P.C.T.
Tất cả mọi câu hỏi, dù là câu hỏi tầm thường nhất trong đời sống, đều đòi hỏi sự suy tư tuyệt đối của người hỏi và của người trả lời. Biết cách đặt câu hỏi và biết cách trả lời đều chứa đựng ý nghĩa của việc biết cách đặt mình trước, ngang và trong sự việc và sự vật; nói một cách khác, đặt lại tương thế giữa người và thể, giữa cá thể, tập thể, tư thể và toàn thể, giữa Tính Thể và Thể Tính. Trả lời Một là trả lời TẤT CẢ. Tính thể của Tất Cả là gì? Tính Thể của Thể Tính là gì? Trả lời được những câu hỏi này là trả lời được tại sao có sự việc về 12 năm phân ly. Mười hai năm phân ly nằm trong hai ngàn năm trăm năm phân ly của lịch sử Tây phương, của Vận Mệnh Tính Thể Tây phương.
- “12 năm” nằm trong Thời Tính (Zeitlichkeit).
- “phân ly” nằm trong Ly Tính (Entfremdung).
1. Nguyên nhân: Đi tìm “nguyên nhân” của bất cứ một sự việc nào là chỉ bị trói buộc vào vòng tròn trùng lý của tư tưởng, tư tưởng theo điệu tiền tưởng (vorstellen) và bị điều động bởi thể điệu “Gestell” mà ông André Préau dùng chữ “Arraisonnement” để dịch chữ “Gestell” trong quyển Vorträge und Aufsätze của Heidegger; do đó, không thể đi tìm nguyên nhân của chính nguyên nhân của việc đi tìm kia.
2. Hậu quả: Cả “nguyên nhân” và “hậu quả” đều nằm trong phạm trù “causalié”, mà phạm trù này cũng nằm trong thể điệu “Gestell” hay “Arraisonnement”; do đó, đi tìm nguyên nhân và đi tìm kết quả chỉ là đi tìm bản chất của chính sự đi tìm của mình, nghĩa là phải đặt lại tính thể (essence) của chính sự có mặt của người tìm; nói dễ hiểu hơn là đặt lại giới hạn của nguyên lý (pricipe), nhất là nguyên lý về nền tảng (Grund), thu gọn lại trong câu của Leibniz: “principium reddendae rationis sufficientis”, việc này đã được Heidegger đề cập rõ ràng sâu sắc trong quyển “Der Satz vom Grund” (Neske, Pfullingen, 1957), tôi không cần phải nói lại dài dòng.
3. Chiến tranh hiện tại có giải quyết được sự phân ly này không?
Câu hỏi thứ ba này đã được tôi trả lời tiềm tàng trong hai câu hỏi trên, bởi vì sự “giải quyết” cũng thuộc vào thể điệu “Gestell” (Aarraisionement) mà thể điệu này đã được thể hiện mãnh liệt bằng cơ khí và kỹ thuật hiện đại (technique moderne), được điều động bởi luận lý học vi tế, mang tên là “logistique moderne” mà Việt Nam là nơi chứng kiến và thể nhận bằng máu, lửa và nước mắt. Chiến tranh không giải quyết mà Hoà bình cũng không giải quyết, vì Chiến tranh và hoà bình là hai ý niệm thuộc về thể điệu “Gestell” và đại diện cho thể điệu này là tư tưởng con người hiện đại, tức là thể điệu tiền tưởng (vorstellen – re-présentation). Đặt lại tính thể của tư tưởng (l’essence de la pensée), nhất là tư tưởng tính toán (pensée), nhất là tư tưởng tính toán (pensée caleulante) là giải quyết được tất cả sự phân ly của con người thời đại, trong đó kể luôn sự phân ly 12 năm của Việt Nam.
Kết luận:
Tất cả câu trả lời của tôi có tính cách như ở ngoài đề, sự thực là không phải thế. Những câu trả lời tôi bới đào ngay Hố thẳm của tư tưởng, của con người tư tưởng.
Do đó, con người có biết suy tư và biết suy tư ngay căn bản suy tư của mình không? Đó là câu hỏi quan trọng, vô cùng quan trọng.
Song thoại (dialogue) chỉ có giá trị là khi song thoại được đặt trên tính thể của ngôn ngữ (l’essence du langage) vì “sự vật chỉ trở thành và xuất hiện trong tiếng, trong ngôn ngữ” (cf. Heidegger, Einführung in die Metaphysik, Tübbingen, 1953, p. 10); ý thức được như vậy thì người nói, người hỏi và người trả lời cùng nói lên tính cách Như Nhất (das Selbe) của đời sống và từ đó kinh nghiệm suy tư của tư tưởng gia vĩ đại (như Maitre Eckhart hay Heidegger) cùng trở về xuất hiện lại trong cuộc song thoại thông thường nhất trong đời sống con người, dù là người Việt Nam, dù là trong hoàn cảnh Việt Nam, hoàn cảnh mà Đối Thoại gọi là 12 năm phân ly.
Nguồn: http://sachhiem.net/VANHOC/PHAMCT/PhamCongThien03.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét