Hôm nay anh gặp một đôi người Pháp, bọn anh kể chuyện cho nhau nghe. Họ kể về ba tuần của họ ở Việt Nam, về những cảnh quan tuyệt đẹp phủ rất nhiều rác rưởi, về việc họ vừa sợ vừa thích khi bị nhồi lên xe đò đầy gà và xe máy. Anh kể về những điều anh đang làm, về cách người Việt Nam đang sống, về em. Họ kể về châu Âu, về việc thật khó khăn khi là một đứa trẻ lớn lên ở lục địa già – cùng với nỗi cô đơn, sự lên ngôi của đồng tiền và sự biến mất của các giá trị cốt lõi. Anh kể về nỗi sợ hãi ăn sâu của một dân tộc vừa ra khỏi hàng nghìn năm chiến tranh, và sống cạnh một nước lớn côn đồ quỷ quyệt. Họ kể về nỗi căm hận và sợ hãi nước Nga như thế ở châu Âu. Và rồi bọn anh cùng nói về nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi là một thứ do các chính phủ tạo ra để dễ bề điều khiển dân chúng. Mỹ muốn gây chiến với Iraq để tạo tiền lệ cho học thuyết “chiến tranh phòng ngừa” của mình, và họ tạo ra vụ 11/9 – giết hại dân chúng và phá hủy chính đất nước mình – để làm dân chúng khiếp sợ, rồi đổ tội cho một mục tiêu thực ra là vô cùng yếu ớt. Các vấn đề nhập cư và Hồi giáo ở châu Âu được thổi phồng lên thành những mối đe dọa khủng khiếp. Ở châu Á, người ta tạo ra các sự kiện – như sự kiện giàn khoan HD981 vừa rồi – đểkích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa và làm tăng nỗi sợ chiến tranh trong lòng dân chúng. Tất cả những điều này để làm gì? Để dân chúng luôn trong tình trạng bất ổn và để yên cho đám người phía trên mặc sức làm điều họ muốn.
Có thể em không biết, nhưng tất cả những điều này có liên hệ mật thiết đến em. Họ muốn em sợ hãi. Họ muốn em cắm đầu làm việc (và trả thuế, tất nhiên). Họ muốn em thù hận. Họ muốn em trở nên vô cảm và cô độc. Nếu em đang ở một trong hoặc tất cả các tình trạng trên, em đang làm chính xác vai trò của một nô lệ.
“Vậy em cần phải làm gì?” – Em sẽ hỏi.
Noam Chomsky sẽ trả lời thay anh phần nào, bằng đoạn này trong cuốn “Tham vọng bá quyền”:
“Câu hỏi thực sự của mọi người, tôi nghĩ thế, là “Tôi có thể làm gì để chấm dứt những vấn đề này, nhưng phải nhanh chóng và dễ dàng cơ?”. Tôi đã đã tham gia một cuộc biểu tình, và chẳng có gì thay đổi cả. Mười lăm triệu người tuần hành trên đường phố hôm 15 tháng 2 năm 2003, thế mà Bush vẫn lao vào chiến tranh; thật là vô vọng. Nhưng sự đời không diễn ra như vậy được. Nếu muốn thay đổi thế giới, ta phải ở đó ngày này qua ngày khác, làm những việc nhàm chán đơn điệu chỉ cốt để có thêm được một vài người nữa cùng quan tâm đến một vấn đề nào đó, xây dựng tổ chức lớn hơn được một chút, tiến hành hoạt động tiếp theo, nếm trải tâm trạng bức xúc vì vẫn chưa đạt được như mong muốn, và cuối cùng mới đến được một nơi nào đó. Đấy, thế giới thay đổi theo cách như vậy. Đó là cách chúng ta đã chấm dứt chế độ nô lệ. Đó là cách chúng ta đã giành được nữ quyền. Đó là cách chúng ta đã giành được quyền đầu phiếu. Đó là cách chúng ta đã có được chính sách bảo vệ người lao động. Bất kỳ thành tựu nào cũng phải trải qua những nỗ lực như thế, chứ không phải nhờ vào những người chỉ đi biểu tình một lần rồi bỏ cuộc hoặc cứ bốn năm lại đi bỏ phiếu một lần rồi lại chỉ ngồi nhà.”
Có thể em vẫn thấy khó khăn, bởi đúng là Chomsky đang tập trung vào các hoạt động chính trị và bởi ông đang ở tâm thế của một người có điều kiện thuận lợi để làm việc đó. Nhưng đừng để ý nhiều đến các ví dụ của ông, hãy tập trung vào tinh thần bên dưới. Tinh thần đó nói rằng, bất kể điều gì em chọn làm, em cần phải chủ động làm một cách kiên nhẫn, bền bỉ, để bảo vệ những giá trị mà em cho là đúng. Có quá nhiều cách để có thể làm cuộc sống của em và những người xung quanh em tốt hơn, chính trị chỉ là một trong số đó. Và cho dù em làm gì đi nữa, hãy giữ cho mình một tư cách độc lập, hãy giữ mình ở bên ngoài quyền lực, quyền lợi. Đó là điều Chomsky đã làm, Fukazawa đã làm, Gandhi đã làm. Nếu em muốn thực sự tự do và tỉnh thức, đó là điều em cần làm.
Thế, và nếu em vẫn còn hơi sợ, anh sẽ kết thúc bằng một câu anh đọc được hôm nay trên bìa một 8tracks playlist:
“Not to spoil the ending for you, but everything is going to be okay.”
(Không phải cố tình tiết lộ đoạn kết cho em đâu, nhưng cuối cùng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà.)
Yêu em,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét