Đã quá nửa đêm. Hắn ngồi thu mình khúm rúm trên chiếc ghế nhựa ngoài hành lang. Trời chưa hẳn đã sang đông, nhưng cũng không còn thu nữa. Hồi chiều đưa vợ đến đây, trời còn nắng ang ang, hắn chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi phong phanh mà mồ hôi vẫn tứa ra nhễ nhụa. Còn bây giờ, cũng với chiếc áo đó, với cúc cài thít đến tận cổ,
với cả đôi chân đã co lên, quặp sát vào người, khiến hắn trông như đang ngồi sổm, vậy mà thi thoảng hắn vẫn rùng mình bởi một luồng lạnh từ đâu bất chợt lan tới, len lỏi khắp người.
Hắn buồn ngủ, nhưng không tài nào ngủ nổi. Bởi lạnh: đương nhiên, và còn bởi ở cái hành lang này, chốc chốc lại có người đi qua, tiếng giầy dép gõ coòng coọc trên nền gạch men cứ rọi vào tai hắn, khiến cho giấc ngủ đôi lúc tưởng đã đến với hắn rất gần nhưng rồi lại bị cái thứ âm thanh đanh đét đó làm cho hoảng sợ, chạy đi mất. Hắn sẽ bỏ về nhà, trèo lên giường, trùm chăn kín mít và đánh một giấc ngon lành nếu người đàn bà đang nằm trong buồng đẻ kia, đang ôm cái bụng quằn quại, rũ rượi kia không phải là vợ hắn.
Có lúc, hắn đã nghĩ đến việc gọi mẹ lên thay để hắn về nhà, vì hắn đã ngán ngấy cái cảnh ngồi vật vờ ở cái bệnh viện tanh tưởi này rồi. Nhưng xét cho cùng, đó cũng giống như việc chuyển từ nhà tù này đến cái nhà tù khác. Bởi nếu mẹ hắn lên đây thì hắn phải ở nhà trông hai đứa nhóc: đứa lớn thì khóc ri rỉ vì nhớ hơi mẹ; đứa bé thì phải bón bột, thay bỉm, dỗ ngủ. Chưa hết, lại còn bố hắn nữa, nằm liệt giường đã gần năm nay, mọi ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Chăm ông ấy còn khổ hơn là chăm một đứa trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh thì chỉ biết khóc, biết ăn, rồi tè, rồi ị, chứ còn bố hắn, ngoài những thứ đó ra, ông còn biết chửi nữa. Trái ý một tí là chửi. Cháo nấu hơi nhừ cũng chửi; khăn mặt vắt hơi khô cũng chửi, hắn nghe quen rồi, thành ra không thấy khó chịu nữa. Chỉ có một chuyện mà mỗi lần ông rủa tới là mặt hắn tối sầm, rồi hậm hực bỏ ra ngoài: “Đồ bất hiếu, bất tài, đẻ mãi mà không ra được cho tao đứa cháu trai, mày muốn cái nhà này tuyệt tự hả? Muốn tao chết không nhắm mắt hả?”
Hắn không bỏ ra ngoài thì hắn còn biết làm gì? Bởi bố hắn đã thọc trúng vào vết thương của hắn, ngoáy vào sự mặc cảm, cào lên nỗi nhức nhối vẫn từ lâu ám ảnh trong hắn. Cả những lần mấy bà, mấy chị đi làm cỏ, bón lúa qua nhà, thấy hắn hùng hục vét bùn, nạo đất dưới ao thì buông lời bỡn cợt: “Gớm! tham mà làm gì, cũng chỉ béo con rể mà thôi!”. Những lúc như thế, hắn chỉ mong mình có đủ cái chất ba bửa để vốc từng nắm đất ném vào mặt họ, hoặc không thì có phép lạ, ngụp sâu xuống dưới đáy bùn cho đỡ ê chề.
Vậy nên, khi vợ hắn có bầu đứa thứ ba, dù chưa đầy mười hai tuần tuổi, hắn đã háo hức, ráo riết chở vợ lên huyện siêu âm bằng được. Để rồi khi biết kết quả, hắn lặng đi, thần thừ như thằng mất hồn, rồi hùng hoằng lôi xềnh xệch vợ lên xe, bắt phải đi bỏ cái thai ngay lập tức, mặc cho vợ hắn đang há hốc mồm vì ngỡ ngàng, kinh sợ. Đi được một đoạn, vợ hắn vằng vẫy, nhào khỏi xe rồi quỳ xuống đường khóc lóc van xin. Ả còn dọa rằng nếu hắn vẫn ép, ả sẽ lao đầu vào ô tô để chết cùng con. Mà hắn cũng không chắc có phải là ả dọa hắn không, bởi vì nhìn thái độ của ả lúc đấy, hắn sợ là ả sẽ làm thật.
Thế nên giờ đây, hắn phải ngồi đây, ở cái hành lang lạnh lẽo này, và không biết mình đang ngóng chờ điều gì. Tình mẫu tử thiêng liêng ư? Hắn đã ngán ngấy rồi, bởi có thêm đứa con này là thêm những lời hằn học từ cha hắn, thêm những câu dè bỉu, mỉa mai, thêm những tiếng thở dài…
- Người nhà của sản phụ Liên đâu? Ai là người nhà của sản phụ Liên?
Nghe cô y tá gọi đến lần thứ hai, hắn mới uể oải đứng dậy:
- Là tôi…
- Chúc mừng anh! Mẹ tròn con vuông rồi! Công chúa xinh lắm! Anh vào đón tay cháu đi!
Hắn đang định hỏi: “không vào có được không?”, nhưng nhìn ánh mắt hân hoan của cô y tá, rồi cả mấy người ngồi ngoài hành lang cũng đang dõi theo hắn chăm chú như thể muốn chia vui, hắn đành miễn cưỡng theo vào.
Vợ hắn nằm đó, phờ phạc, bã bời. Ả nhìn hắn bằng cái nhìn rất khó tả, như dò xét, như van lơn, như đang hối lỗi chờ phán xử, như một kẻ đang hi vọng vào cái điều mà chính bản thân người đó cũng tự thấy rằng nó quá xa xôi…
Cô y tá hăm hở trao đứa bé cho hắn, nhưng hắn không dang tay đón mà chỉ sột soạt vạch cái tã ra rồi nheo mày ngăm ngó: “Đúng là con gái thật!”. Hắn buông một tiếng thở dài thão thượt, lạnh lẽo quay ra.
- Anh không đón tay cháu à? – Cô y tá gọi giật hắn lại.
- Đón cũng thế thôi, có khác gì hai đứa trước đâu!
Hắn cứ vậy bước ra. Không nhìn mặt vợ, không nhìn mặt con. Bởi hắn thừa biết là cái bờ vai gầy gò của vợ hắn đang rung lên từng cơn bầm bập, cái bàn tay xanh xao đang cố hết sức để bịt lại những tiếng nấc nghẹn ngào, nhưng dường như là không thể, những âm thanh hấm hức, tấm tức ấy vẫn thoát ra được, nghe hệt như tiếng kêu cụt lút của một con gà bị người ta bóp cổ.
Hắn lại gieo mình xuống cái ghế, cảm thấy sự chán chường đến cực cùng. Hắn lấy điếu thuốc ra toan châm lửa thì lập tức bị một cô y tá gần đó nhắc nhở: “Ở đây không được hút thuốc đâu anh!”. Hắn nghe vậy thì cũng thôi, lại nhét chiếc bật lửa vào túi, rồi buông thõng tay chân, ngửa người ra ghế, quên cả điếu thuốc chưa kịp châm vẫn đang dắt dẻo trên môi…
Hắn díu mắt lại và chực thiếp đi. Thế nhưng, một gã thanh niên tay xách cái giỏ đồ sơ sinh cứ lượn qua lượn lại trước mặt hắn, giầy quệt xuống nền đá cồm cộp. Gã ta cứ lui tới một hồi khiến hắn bực mình phải quạu lên:
- Ghế đây sao không ngồi? Đi lại nãy giờ không thấy mỏi cẳng à?
- Dạ, tại em sốt ruột quá anh ạ! Vợ em đang nằm trong buồng đẻ, không biết tình hình thế nào!
Hắn phì cười khi nghe cái giọng run run và cái điệu bộ lóng ngóng đến tội nghiệp của gã đó. Đẻ thôi mà, có gì to tát đâu! Hắn đưa vợ đi đẻ đã ba lần, cứ nhẹ như không! Ngày xưa, các cụ ăn khoai độn, quần áo chả có mà mặc, thế mà vẫn cứ sòn sòn tám chín đứa ngon lành, việc quái gì! Cứ bảo mang nặng đẻ đau, chứ hắn thấy cái sự đẻ còn đơn giản hơn là nấu một mẻ rượu ngon. Để có được một mẻ rượu chuẩn, hắn phải tính được hàm lượng men cho phù hợp, rồi ke thời gian ủ gạo, rồi căn mực lửa khi đun, công phu lắm lắm! Chứ còn cái việc đẻ thì có gì? Khi nào thấy bụng tưng tức thì rặn phát là xong. Thế nên hắn thấy cái gã đang cuống quýt trước mặt hắn thật đáng buồn cười!
Rồi cả khi cô y tá mới vừa thò đầu ra cửa, chưa kịp gọi tên, gã đó đã nhao vào sấn sổ; rồi gã rú lên khi biết tin mẹ tròn con vuông; gã ton ton lỉnh vào đón tay đứa bé, khiến cô y tá lại phải lật đật chạy theo. Lát sau gã quay ra, hai mắt đỏ hoe, sụt sùi…
Hắn cố dằn tiếng cười trong ngực rồi quay sang hỏi gã đó bằng một giọng nửa mai mỉa, nửa quan tâm:
- Con đầu lòng hả? Sao xúc động ghê thế? Anh đây ba đứa rồi mà chưa lần nào được phấn khích như cậu đâu!
- Dạ, nói là đầu lòng cũng đúng, nhưng thực ra cũng không hẳn!
- Là sao?
- Vợ em bị sẩy thai bảy lần rồi anh ạ!
Hắn khẽ rùng mình, mặt cúi gằm, thinh lặng, còn gã thanh niên thì vẫn chầm chậm tiếp lời…
- Vợ em không được bình thường như những người đàn bà khác, cô ấy bị mỏng thành tử cung và dị tật tế bào, cứ có thai được vài tháng là sẩy. Hầu như thời gian mang bầu, vợ em phải nằm trên giường, tránh vận động. Có đợt, thai được hơn sáu tháng rồi, hai vợ chồng đã khấp khởi hy vọng, vậy mà… Nhiều khi, chúng em định bỏ cuộc vì việc chạy chữa tốn kém quá, vì đã bán tất cả những gì có thể bán, vay tất cả những chỗ có thể vay, và cũng vì mỗi lần sẩy là một lần vợ em thêm tiều tụy, héo hon, suy sụp. Thế nhưng, những đêm trằn trọc không ngủ, chỉ nghe tiếng thở dài buông não nuột, quay sang ôm vợ thì gối đã ướt đẫm tự lúc nào; những buổi chiều trống hoang, trong căn nhà im vắng, cái khao khát được nghe tiếng trẻ cười đùa lại bùng lên cháy bỏng, lại xoáy vào tận tim can đến quặn cào. Ngay cả vừa rồi, lúc vợ em đã nằm trên bàn đẻ, em vẫn lo sợ những bất trắc sẽ xảy ra. Ơn trời, cuối cùng thì…
Hắn vẫn nghe như nuốt từng lời của gã thanh niên đó. Hắn biết là gã vẫn đang sụt sùi, và mắt vẫn đỏ hoe. Gã khóc vì hạnh phúc khi đứa con đã ở lại với gã? Hay vì vừa phải nhớ lại những hãi hùng, đau đớn mà gã đã trải qua? Có lẽ là vì tất cả, bởi hạnh phúc hôm nay là kết tinh của những cay đắng hôm qua…
- Anh nhìn hộ em cái giỏ nhé, em chạy ù ra cổng mua ly sữa nóng…
- Mua làm gì thế?
- Cho vợ em uống, cô ấy vừa đẻ xong nên mất sức, uống được sữa nóng vào thì sẽ mau hồi phục.
Dứt lời, gã thanh niên tất tả chạy đi. Hắn không còn thấy gã đó buồn cười nữa, ngược lại, hắn thấy chính hắn mới là kẻ đáng cười, mới là thằng hề. Một thằng hề quay cuồng trong cái suy nghĩ mục nát và ấu trĩ. Hắn đã có ba cô công chúa xinh đẹp, thứ mà gã thanh niên vừa khóc trước mặt hắn sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được, vậy mà hắn còn dằn dọc, hằn học?! Hắn muốn gì nữa đây? Hắn đã làm được gì cho vợ con ngoài những chì chiết, đay nghiến, ngoài những hắt hủi, ghẻ lạnh? Hình như, hắn đã nợ vợ con quá nhiều…
Hắn lê từng bước liêu xiêu, mắt cay xè, cái hành lang trước mặt nhảy múa, nhạt nhòe. Hắn bước xuống sân rồi hướng ra cổng, nơi có quầy căng-tin vẫn sáng đèn. Hắn muốn mua cho vợ một ly sữa nóng, thứ mà vợ hắn, dẫu đã đẻ tới đứa thứ ba, vẫn chưa một lần được uống…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét