Nếu so về tuổi thì mấy cụ ở làng này phải gọi tôi bằng cụ. Tôi nói rất nghiêm túc, không dám hỗn chút nào. Không tin bạn cứ hỏi các cụ già nhất trong làng này xem có phải lúc các cụ ấy còn đầu để chỏm, cởi trần, quần thủng đít, tóc đỏ hoe, tay chân lấm lem đất cát, bò lê bò la chơi bắn bi, đồ hàng thì tôi đã đứng sừng sững ngoài đầu làng, dang những cành, những tán rộng thênh thang che chắn cho bà con mỗi khi qua đây chẳng may gặp cơn mưa bất chợt, hoặc để cho các chị, các cô, những buổi làm đồng, khi không còn chịu nổi
cái nắng nực của trời tháng sáu ong ong thì kéo nhau chạy lên, núp vào tảng bóng râm rười rượi dưới chân tôi, trốn cơn say nắng đang rình mò, chấp chới.
Và vì vậy, tôi là chứng nhân lịch sử của cái làng này, từ những ngày máy bay rền như sấm, bom trút như mưa trên đầu, đất rung dưới chân như lở; từ ngày mà bà con còn oằn mình vì sưu cao thuế nặng của Tây, của Nhật, rồi thêm vụ mùa trắng tay bởi đại dịch Hoàng trùng hại lúa khiến cả một vùng đồng ruộng mênh mông, bao la phủ rượt một màu xám xịt, héo hắt, quắt queo; ngày mà cái đói lan nhanh như lửa, xác người chết đói nằm ngổn nghiêng, ngang ngửa…
Nhưng giờ thì làng này khấm khá lắm rồi: đường bê tông vào tận ngõ, ô tô, xe máy chạy rầm rập trên đê, toàn xe mới, xe đẹp. Cái hố ngày trước chôn hàng nghìn người chết đói giờ đã được ủi đi, dựng lên một nhà hàng theo lối kiến trúc phương Tây hoành tráng; chỗ sân kho bọn Nhật hay dùng để tra tấn, đánh đập dân làng, giờ được san bằng để làm khu nghỉ dưỡng. Cảnh vật đẹp lên, con người giàu lên, chỉ có tôi thì vẫn thế, vẫn cằm cụi hằng ngày nơi đây, đọa đày bão giông, mưa nắng, lặng lẽ dang cành, xòe tán, lầm lụi trấn gác bên cổng làng.
Cũng may, còn có một con ma thỉnh thoảng về đây cùng tôi bầu bạn, chứ nếu không chắc tôi phát điên lên vì kiếp sống đơn côi. Con ma này vốn là một bác nông dân chân chất, hiền lành, chỉ vì cảnh vợ con đói quá nên mới đánh liều lấy ống nứa xiên vào bao thóc của tụi Nhật để ăn trộm, bị bọn chúng phát hiện và treo cổ lên cành của tôi. Trước giờ, tôi chỉ xòe tán, chìa cành để chở che cho bà con khỏi nắng mưa gió bão, chứ ai ngờ lại có lúc người ta lấy cành của tôi làm công cụ giết người. Điều đó thực lòng khiến tôi xót xa lắm!
Khi sống thì quyến luyến cái chốn mình sinh ra, khi làm ma thì lại thích quanh quẩn ở nơi mình đã chết. Vì thế, đi đâu thì đi, cứ vài ngày là con ma ấy lại quay về, ngồi lên cái cành nó bị treo cổ, để nghỉ ngơi. Nay rằm nên dân làng mang oản, mang xôi ra chỗ tôi thắp hương nghi ngút. Tôi đoán là kiểu gì lát nữa con ma ấy cũng về, bởi nó đi đã mấy ngày rồi, và bởi hôm nay ở đây có đồ cúng. Và đúng là nó về thật, về vào lúc khá khuya vắng. Tôi nghe tiếng gió lào xào, lạnh buốt luồn sâu vào trong kẽ lá. Nó quyện quyện mấy vòng rồi hiện hình, nhảy phốc lên cành, ngồi vắt vẻo.
- Bác Đa ăn không? – Con ma hỏi rồi chìa mẩu xôi về phía tôi.
- Thôi! Mời cậu! Mà mấy hôm rồi cậu đi đâu vậy?
- Đi kiếm ăn thôi bác! Chỗ nào có cúng giỗ thì qua, chứ cứ ở đây với bác thì chả mấy chốc thành ma đói!
Con ma vừa ăn, vừa nói, vừa nghía cổ xuống đường nghiêng ngó, bởi hình như có bóng người đi tới. Cái bóng ấy lấm lét rồi nấp vào cái hốc dưới chân tôi, nơi có mấy sợi rễ trườn ra sần sùi, ngoằn ngoèo như thân trăn vừa ngoi lên từ một vũng sình lầy. Con ma nhìn kẻ đó chằm chặp rồi reo lên:
- A! Là thằng chắt nội tôi đấy! Chắc nay rằm nên nó ra thắp hương cho tôi.
Cái bóng ấy lúi húi, ngồi thụp xuống, khuất hẳn vào trong hốc. Rồi nó xột xoạt lôi trong túi ra thứ gì đó. Lúc đầu, tôi và con ma đều nghĩ rằng nó lấy hương ra thắp, nhưng không, nó móc ra cái sơ-ranh, đổ thuốc, đổ nước vào đó hì hụi pha chế, rồi nó chọc cái kim tiêm nhọn hoắt ấy vào cánh tay, bơm cái thứ nước chết chóc ấy vào người. Xong, nó nằm dài ra đất như say nắng, tay đưa lên bứt tai, vò đầu vân vê với vẻ mặt đầy khoan khoái, thỏa thuê…
Cái bóng ấy đã đứng dậy, lẹo dẹo bước đi, và tan khuất vào ánh trăng nơi cuối đường, nhưng con ma thì vẫn chưa hết bàng hoàng. Nó im lặng như vậy rất lâu, cái mặt đăm đăm, rất khổ sở. Và rồi lại thấy nó nghển cổ xuống đường nghiêng ngó, bởi hình như thằng chắt nội của nó đang quay lại, tiếng dép loẹt quẹt mỗi lúc một gần. À, không phải! Lần này là hai cái bóng: một nam, một nữ. Hai cái bóng này cũng ngó nghiêng lấm lét rồi cũng nấp vào cái hốc mà đứa chắt nội vừa mới nãy đã chui ra.
Con ma lại nhìn chằm chặp vào hai cái bóng đó…
- Ơ! Đây là con bé chắt ngoại tôi đấy! Chắc nay rằm nên nó ra thắp hương cho tôi.
Con ma nghĩ vậy, còn tôi thì không. Bởi ra thắp hương sao tôi chả thấy hương hoa đâu, chỉ thấy tiếng dây lưng leng keng, tiếng khóa quần rột roạt, tiếng áo quần sột soạt, tiếng rên rỉ, nỉ non, nửa vui, nửa buồn, vừa hân hoan, vừa da diết. Con ma há hốc mồm, thảng thốt. Nó quay mặt đi chỗ khác, xấu hổ, ngại ngùng:
- Ôi trời ơi! Chúng nó…chúng nó dám làm cái chuyện bậy bạ ấy ở ngoài đường ngoài bãi này sao? Đứa chắt ngoại của tôi, năm nay mới lên lớp 9. Ôi trời ơi!
Con ma ôm mặt, tựa lưng vào cành bất động, không dám nhìn xuống phía dưới, nơi đứa chắt của nó đang oằn oại trong cái trò chơi nhơ nhớp. Trông nó lúc này thảm thương và suy sụp đến tột cùng. Tôi phải gọi mấy lần con ma mới nghe thấy…
- Này! Xong rồi, chúng nó đi rồi! Cậu có sao không đấy?
Con ma từ từ ngẩng mặt lên, thất thần:
- Tôi thấy đau bác Đa ạ! Ngày trước, chứng kiến bố mẹ, anh chị em tôi chết vì đói thì xót xa đã đành, giờ chứng kiến con cháu mình chết dần chết mòn vì thuốc phiện, rồi hư hỏng, đua đòi bậy bạ, sao cũng thấy xót xa không kém!
Con ma buông thõng, trôi tuột xuống gốc, rồi xiêu xiêu, là là trên mặt cỏ. Tôi thấy vậy thì gọi với theo:
- Cậu lại đi sao? Vừa mới về xong mà?
- Phải đi thôi bác ạ! Chứ ở đây, tôi sợ lát nữa lại có vài đứa chắt nữa mò ra.
Dứt lời, con ma bay rà rà theo bụi tre thâm thẫm, um tùm dọc bờ đê, rồi lướt đi êm êm, bềnh bềnh trên mặt sông, nhập nhờ trong ánh trăng đêm mênh mang. Nó hướng về khu nghĩa địa âm u cuối bãi, nơi có mấy ngôi mộ trắng tinh thấp thoáng, mập mờ. Chắc nó nghĩ đó là khu vực riêng của người âm, nên mấy đứa cháu chắt của nó sẽ không dám đưa nhau ra đó làm càn. Thôi thì cũng mong là như thế!
Tác giả: Võ Tòng đánh mèo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét