Nửa đêm, con phố nhỏ oằn mình trong cái lạnh tái tê. Những
nhà ven đường cửa đóng im ỉm mặc cho những con gió hung hãn vẫn rú rít, gào xé
bên ngoài. Con đường vắng hoắt hoe với những cột đèn khẳng khiu, dóng những con
mắt vàng hiu, hắt thứ ánh sáng rệu rã, hoang hoải xuống mặt đường nhựa nhơm nhớp
vì sương đêm.
Ở đây, vào giờ này, gần như không còn ai ra đường, và trong
cái lạnh như khứa da khứa thịt này, lại càng không. Hiếm hoi lắm mới có một chiếc
xe máy phóng qua, chưa thấy xe đâu nhưng đã nghe tiếng động cơ gừm gừm từ đầu
phố. Rồi cả khi bóng của cái xe đã nhạt đi trong màng sương đêm dày đặc thì cái
âm thanh ồn ào đó vẫn còn vương lại, quyện với mùi khói xăng khét lẹt, vất vưởng,
lang mang…
Nửa đêm, rét, ấy vậy mà vẫn có một bóng đàn bà xiêu vẹo,
nghiêng ngả, giày cao gót bệu bã, lê lải trên mặt đường. Có vẻ như việc phải
cáng đỡ một thân hình dẫu còm cõi nhưng đang chực sụp xuống là một việc quá sức
với đôi chân gầy guộc, bởi chính nó cũng đang mỏi đến rã rời, run lên bần bật
vì đói, vì rét. Từ sáng đến giờ, ả chưa đón được khách nào, thành ra, cũng chưa
có gì để nhét vào cái dạ dầy đang rỗng tuếch, cồn cào, quặn lên từng cơn nóng
rát. Không phải vì ả kén khách, cũng không phải vì ả đòi giá cao, đơn giản là
vì chẳng có ma nào ngó ngàng đến ả. Cũng phải thôi, làm cái nghề này càng trẻ,
càng non, càng mỡ màng thì càng ăn khách, hoặc không thì cũng phải có chút nhan
sắc. Nhưng ả chẳng có những thứ đó, nói chính xác hơn, ả không còn những thứ
đó.
Thân hình ả gầy gò; mái tóc xác xơ, lòa xòa; đôi lông mày
nham nhở; cặp mắt hốc hác, trắng bệch; môi thâm sầm, nhăn nheo; lớp da mặt bợt
bạt, sần sùi, dẫu rằng ả đã cố đắp lên nó cả mảng son phấn rẻ tiền. Nhìn ả
không khác gì một cái xác khô đội mồ sống dậy, nom qua đã phát khiếp, vậy thì
tìm đâu ra một thằng đàn ông ngu ngốc chịu bỏ tiền để ôm ấp, dày vò cái thây ma
ấy? Thế nhưng ả vẫn phải đi, vắt nốt chút sức lực cuối cùng này, lê lết cái
thân xác bệu bã này trên đường, mong kiếm được một khách làng chơi bần cùng, ăn
tạp, không quan trọng nhan sắc, không đòi hỏi phổng phao, không yêu cầu non trẻ.
Nhưng hỡi ôi, đàn ông có thể không quan tâm đến những thứ đó khi tìm vợ, chứ
tìm gái điếm, thử hỏi có thằng nào không? Vậy nên, ả biết là hi vọng của ả mong
manh lắm! Giờ mà có khách thì bao nhiêu ả cũng đi, thậm chí không cần tiền, chỉ
cần cho ả một bắp ngô, một củ khoai thôi, ả cũng bằng lòng.
Dường như càng về khuya, cái lạnh càng đáng sợ. Sương xuống
mỗi lúc một đậm hơn. Ả vòng hai tay trước ngực, co ro, khật khưỡng bước đi. Từng
con gió buốt lẹm như những lưỡi dao lướt qua mặt, cắt lên da thịt. Ả mắm chặt
môi, giữ cho hai hàm răng khỏi va vào nhau cầm cập. Hình như trời bắt đầu mưa. Ả
nhận ra điều đó khi thấy một vài giọt nước đậu trên mi mắt, tan xuống, rồi nhòe
đi. Ả ngửa mặt lên trời, nhìn thẳng vào cái bóng đèn vàng loe loét trên cao. Những
hạt mưa hối hả rơi xuống như ngàn mũi kim nhọn hoắt, lao tới tấp về phía ả, găm
vào đầu, vào mặt, vào cổ, vào tay nhói buốt.
“Mình đến gục mất thôi!” - Ả nghĩ thầm rồi loẹo ngoẹo rẽ vào
núp dưới mái hiên một nhà ven đường. Ả dựa lưng vào tường rồi cứ thế từ từ khuỵu
xuống. Bao quanh ả là làn sương buốt giá, là những con gió tái tê vẫn réo lên
hung tợn, là màn mưa rả rích, lạnh lẽo đến tột cùng. Chỉ có luồng hơi phều phào
hiếm hoi thoát ra từ miệng ả sau mỗi nhịp thở là có vẻ ấm áp, nhưng nó cũng
đang yếu dần…
Ả cần một cái gì đó để làm cho cơ thể ấm hơn. Rồi như chợt
nhớ ra, ả đưa tay rờ khắp các túi áo, túi quần, lôi ra một bao thuốc lá nhàu
nát, bên trong chỉ còn một điếu duy nhất, cũng nhàu nát. “Vậy là tốt lắm rồi!”.
Ả hí hửng lôi điếu thuốc ra rồi vo tròn cái vỏ bao, ném nó lăn đi lông lốc. Và
lại chợt nhớ ra điều gì, ả rủa thầm bực bội: “Chết tiệt! Không có lửa!”. Ả ráo
rác, dóng cặp mắt mệt mỏi, uể oải nhìn quanh. May quá, cách chỗ ả ngồi khoảng mấy
bước vẫn còn một nhà đang sáng điện. Ả lồm cồm bò dậy rồi lết tới.
- Cộc! Cộc! Cộc! Có ai trong nhà không?
Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm, nhất lại là trong một đêm mưa gió,
rét mướt thế này, dù ít hay nhiều, cũng sẽ khiến cho bất kì ai đang ở bên trong
phải hoang mang, e ngại. Thế nên ả phải gõ thêm vài lần nữa, cái cánh cửa mới
dè dặt hé ra. Một người đàn ông mặc bộ quần áo ngủ màu da cam, thận trọng nghía
mắt nhìn ả chằm chặp rồi hỏi bằng giọng lạnh lùng:
- Cô là ai? Cô cần gì?
- Dạ, em muốn xin lửa để hút thuốc. Trời lạnh quá!
Thấy trước mặt mình là một người đàn bà gầy gò, yếu ớt, vai
rung lên bần bật, môi tái đi vì lạnh, người chủ nhà đã có vẻ yên tâm hơn. Anh
ta kéo cửa ra thêm một chút nữa rồi quay lại bảo vợ:
- Em ơi, mang cho anh bao diêm!
Cô vợ đang nằm giường xem ti vi, nghe chồng gọi thì uể oải
chui ra khỏi chăn, với cái áo lông mềm mại, ấm áp khoác lên người. Cô lại bàn lấy
bao diêm, không quên cầm theo một cái áo dạ. Vừa choàng áo lên vai chồng, cô vợ
vừa buông lời trách móc:
- Trời lạnh thế này, ra khỏi giường thì phải khoác áo vào chứ!
Ả đón lấy bao diêm từ tay người vợ, chưa kịp mở miệng cảm ơn
thì cánh cửa đã đóng sập lại. Chỉ là một cánh cửa mỏng manh thôi, nhưng nó là
ranh giới phân chia của những đối lập đến cực cùng. Ở phía trong cánh cửa là
ánh điện lung linh, là lò sưởi ấm áp, còn bên ngoài, là gió, là mưa, là cái lạnh
cắt da cắt thịt. Ở trong là người phụ nữ nằm xem ti vi, trùm chăn ấm, hạnh phúc
bên chồng, ở ngoài là một ả điếm hết thời, cô độc, lang thang, đói rét. Cũng là
một kiếp người, là một kiếp đàn bà, sao khác nhau đến thế?
Trên cái mặt nhợt nhạt, tưởng như đã tê dại, đã đóng băng vì
lạnh, đột nhiên trào ra hai dòng lệ nóng hổi. Ả lại ngồi tệt xuống, dựa vào tường,
ôm gối co ro. “Xoèo!!!”, que diêm trượt đi trên cái cạnh gồ ghề, tạo thành một
vệt sáng dài ở nơi nó vừa lướt qua rồi bắt cháy thành một nhúm lửa bập bùng,
khói xốc lên mũi ả hăng hắc. Ả châm thuốc rồi rít một hơi thật sâu khiến đầu điếu
thuốc đỏ rừng rực như sắp bốc cháy. Luồng khói ấm thộc vô họng ả rồi lan tỏa ra
cả vòm ngực, nó đi tới đâu, ả biết tới đó. Ả ngậm mớ khói ấy rất lâu trong người,
rồi mãi sau mới từ từ để cho chúng chui qua cái khe hở nhỏ giữa đôi môi xám
ngoét, chầm chậm tảng ra ngoài.
Ả dựa đầu vào tường, quay cuồng, tê dại, vì lạnh, vì đói, vì
khói thuốc khiến ả nao nao, bồng bềnh. Ả thấy người nhẹ bẫng, bay lên cùng màng
khói ấy. Ả còn thấy trong màng khói có cả khuôn mặt hắn, khuôn mặt mà ả đã yêu
đến tận cùng, và hận cũng đến tận cùng. Ả yêu hắn bằng tất cả sự tôn thờ, bằng
cả tấm thân trong trắng và trái tim non nớt. Để rồi cũng một đêm mưa gió như
đêm nay, trên chiếc giường xa lạ, với những lời ngon ngọt thề nguyền, ả đã mê
muội, trôi đi trong những tiếng rên xiết, những cuồng cào của da thịt. Để rồi
khi cái bụng ả trồi lên cũng là lúc hắn lặn mất tăm, bỏ mặc ả với những chới với,
hoảng loạn, chòng chành như mẩu củi khô giữa dòng lũ ghềnh sôi sục…
Ả rít thêm một hơi nữa, và trong mảng khói này, ả thấy mẹ ả
vừa khóc vừa ôm chặt lấy ả, đỡ cho ả những cú tát như trời giáng từ bàn tay rắn
như thép, thô ráp và lực lưỡng của bố ả, người đang gầm lên như con gấu hoang vừa
bị bắn vào chân. Nếu hôm đó không có mẹ, chắc rằng ông đã đánh chết ả. Bởi với
một người đàn ông gia trưởng, phong kiến, đặt danh dự của dòng họ lên tất cả
thì việc đứa con gái của ông mới nứt mắt ra đã chửa hoang chẳng khác nào việc ả
đã múc một bát phân lợn rồi hắt lên bàn thờ. Hình ảnh cuối cùng về người bố cay
nghiệt ấy mãi còn ám ảnh trong đầu ả. Đó là khi ông ném cái bọc quần áo của ả
ra đường, mắt trừng trừng, sòng sọc như bị bệnh dại, da mặt đỏ tái vì giận dữ,
hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, miệng rít lên từng tiếng khàn đặc: “Mày
mà còn bước chân về cái nhà này, tao giết!”.
Ả rít thêm một hơi nữa. Lần này, trong mảng khói bồng bềnh,
hiện lên một căn buồng tanh tưởi, ngột ngạt, với một lão bác sĩ khẩu trang kín
mít. Rồi khi cái dụng cụ nạo thai bằng inox lạnh toát thọc sâu vào trong người ả,
ả tưởng như mình đã chết đi vì đau đớn. Ả quằn quại, run rẩy khi cảm nhận được
rõ ràng cái vật gớm ghiếc đó đang đưa đi đưa lại lạo xạo, sồn sột, đang cắt bỏ
từng phần, từng phần của đứa bé trong bụng ả. Lúc đó, ả chỉ ước sao ả có thể chết
luôn được, bởi những đau đớn ấy còn đáng sợ hơn là chết, bởi ả không ngờ rằng,
trên đời này lại có thứ cảm giác khủng khiếp đến vậy.
Điếu thuốc chỉ còn lại non nửa. Mặc kệ, ả vẫn rít, bởi chỉ cần
ả ngừng lại, cái lạnh, cái rét ngoài kia sẽ ập vào, sẽ quật ngã ả. Ả cần cái
nôn nao, cái ảo ảnh trong khói thuốc để quên đi hiện tại, dẫu rằng những ảo ảnh
mà nó mang lại cũng chỉ toàn là những ảo ảnh đắng cay. Và ả lại rít, lần này
thì đám khói hiện lên khuôn mặt phụng phệ của mụ béo, người mà đã có lúc ả tưởng
là bà tiên mà ông trời gửi xuống cứu giúp ả. Mụ đã cho ả ăn khi ả đang đói, cho
ả chỗ ngủ khi ả lang thang, cho ả áo thơm váy đẹp khi mà mớ dẻ rách hôi hám, bẩn
thỉu trên người bắt đầu khiến ả ngứa ngáy. Và cũng chính mụ đã đẩy ả vào phòng
với một lão già đáng tuổi bố ả, để rồi từ ngày đó, ả chính thức trở thành một
con điếm.
Để rồi khi xuân sắc qua đi, khi đã vắt kiệt những mỡ màng,
tròn trịa trên thân xác ả, khi ả chỉ còn lại những gầy gò, những bệnh tật dày
vò, mụ đã hất ả đi như hất những cuống rau già úa sau khi đã nhặt hết những ngọn
lá xanh non. Ả vẫn rít liên hồi, nhưng điếu thuốc cũng giống như cuộc đời ả, nó
đã cháy hết những gì thơm tho, chỉ còn lại cái đầu lọc cong qoeo, teo tóp. Ả
run rẩy quẹt thêm một que diêm nữa rồi châm vào cái đầu lọc ấy, ra sức rít, biết
đâu, vẫn còn một sợi thuốc nào đó chưa cháy hết, còn bám lại quanh đây. Nhưng
vô vọng, cái đầu lọc gặp lửa thì cháy sùi sùi rồi quăn lại, nhả khói khét lẹt…
Sáng hôm sau, người ta thấy xác ả lạnh ngắt, co quắp bên đường.
Dân quanh đó xúm xít vây lại chỉ trỏ. Một người phụ nữ khoác chiếc áo lông mềm
mại, thấy đám đông tụ tập thì cũng tò mò chen chân vào nghiêng ngó. Rồi cô ta
nhận ra đó chính là người đàn bà đêm qua đã gõ cửa nhà mình xin lửa. Cô lấy ví,
rút ra vài tờ tiền lẽ rồi ném về phía cái xác của người đàn bà xấu số…
Vẫn biết rằng chỉ với chữ “nếu”, người ta có thể cho cả tháp
Ép-phen vào trong cái chai. Nhưng nếu ả không dại dột trao lầm tình yêu của
mình cho một gã đàn ông tồi tệ, thì có lẽ cuộc đời ả và cuộc đời của người phụ
nữ khoác chiếc áo choàng lông mềm mại kia đã không khác nhau đến thế…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét